VÀI QUAN ĐIỂM TRONG NỀN GIÁO DỤC PHẬT GIÁO (HT. Thích Huệ Thông)

 

Mục đích ra đời của đạo Phật là khơi nguồn tuệ giác trong đời sống nhân gian. Nguồn sống tuệ giác đó chính là nền tảng Đạo đức, phẩm hạnh Từ bi và Trí tuệ. Thông qua bốn đức tính: Từ bi hỷ xả, Luật nhân quả, Lý duyên sinh, tinh thần Vô ngã cùng vô số phương tiện thiện xảo khác. Nguồn sống Tuệ giác dần dần thấm sâu vào tâm hồn mỗi người con Phật, gieo vào tiềm thức hạt giống Từ bi và Trí tuệ để từ đó tu tập đến Giác ngộ, Giải thoát.

NỀN GIÁO DỤC ĐẶC THÙ CỦA PHẬT GIÁO

Phật giáo vốn là nền giáo dục đa văn hóa, bởi tính thích nghi hòa hợp dung thông với tất cả nền văn hóa trên thế giới. Ngoài là một tổ chức tôn giáo, “Phật giáo” còn được hiểu là những lời Phật dạy, pháp bảo hay giáo lý với nội dung hướng đến mục đích giáo dục đời sống đạo đức con người, lòng Vị tha Vô ngã và Giác ngộ, Giải thoát… Giáo lý đức Phật còn mang tính giáo dục với mục đích, phương pháp, đối tượng rõ ràng. Trên thực tế, những lời Phật dạy luôn mang lại lợi ích lớn lao, thiết thực và bền vững nhất so với bất kỳ giáo thuyết nào. Vì vậy, đức Phật được tôn vinh là nhà giáo dục vĩ đại của nhân loại.

Về tư tưởng và triết lý, mục đích giáo dục của Phật giáo nhằm giúp con người đạt đến cứu cánh giác ngộ giải thoát. Còn về giáo dục đạo đức xã hội, Phật giáo luôn quan tâm đời sống nhân loại, giúp con người hoàn thiện nhân cách sống bao gồm Đạo đức và Trí tuệ. Qua đó, thế giới giảm bớt chiến tranh đau khổ, tiến đến một thế giới hòa bình hạnh phúc.

Nền giáo dục Phật giáo còn giúp con người cải thiện hệ sinh thái môi trường nhờ nuôi dưỡng lòng Từ bi và nhận thức lý Duyên sinh sâu sắc, khi con người được sống trong tâm thái thoải mái an vui hạnh phúc. Tùy theo nhân duyên từng hoàn cảnh họ có thể hướng đến nấc thang cao hơn, đó là hành trình dấn thân vào sự nghiệp tu hành giải thoát.

Trong thế giới hiện tại, Phật giáo là đạo của Từ bi và Trí tuệ, nổi bật lên với bốn đức hạnh: Từ, Bi, Hỷ, Xả mà tất cả mọi người đều ghi nhận và trân trọng. Nền móng giáo dục Phật giáo không những luôn gắn liền hai yếu tố Từ bi – Trí tuệ, mà còn phát triển trên tinh thần Tự giác, Vô ngã Vị tha. Có thể nói, đây là những đặc điểm nổi bật của nền giáo lý Phật đà.

Kho tàng giáo lý Đức Phật là biển pháp mênh mông, quả thật khó khăn cho những ai mong muốn tìm hiểu tận cùng. Nhưng nếu để giúp nhân loại đạt được đời sống hòa bình, hạnh phúc và an lạc giải thoát, không gì hữu hiệu và thiết thực bằng cách thực hiện theo ba điều Ngài đã dạy: “Tránh làm các điều ác, siêng làm các việc lành, giữ tâm ý trong sạch, ấy lời chư Phật dạy”. Bởi ở đó gồm các pháp tu: Ngũ giới, Thập thiện, Bát chánh đạo… giúp đạt đến an lạc, giải thoát. Thật ra, nếu tự giác thực hiện tốt hai điều “tránh làm các việc ác, siêng làm các việc lành”, chúng ta đã tránh được điều ác, hai vai không còn mang vác phiền não, tâm thức không còn gánh nặng, tâm hồn trở nên nhẹ nhàng, an lạc hơn vì luôn giữ ý trong sạch. Nếu nghiêm túc thực hành ba điều căn bản này, chúng ta đang tu nhân quả một cách rốt ráo. Vì không có cái nhân nào mang ý nghĩa và thiết thực lợi ích bằng nhân siêng làm điều thiện, tránh điều ác và giữ ý trong sạch.

Đức Phật dạy, nguồn gốc đau khổ của con người là do Vô minh. Vô minh hiểu đơn giản là sự kết hợp giữa tâm si mê với lòng tham và sự nóng giận. Đây là nguyên nhân gây nên đau khổ cho con người. Phật giáo giáo dục  con  người diệt trừ Tham, Sân, Si bằng Giới, Định, Huệ để từ đó đạt đến trạng thái an lạc thanh thản và cảm nhận hạnh phúc lưu xuất từ tâm hồn. Như vậy, phương cách giáo dục Phật giáo giúp phát triển nguồn tuệ giác trong mỗi người. Điều này cũng nói lên tính chất tiến bộ trong việc thúc đẩy và nâng cao chất lượng phát triển xã hội.

Thật ra, mục đích và phương pháp giáo dục của đạo Phật luôn phù hợp với khuynh hướng giáo dục tiên tiến, đáp ứng nhu cầu hướng đến Chân, Thiện, Mỹ ở mọi thời đại, nhất là với nhu cầu giáo dục trên nền tảng giáo lý Phật đà của người Việt.

GIÁO DỤC PHẬT GIÁO MANG TÍNH THỜI ĐẠI SÂU SẮC

Trong bối cảnh hiện nay, ngành giáo dục và hoằng pháp Phật giáo cần phải đáp ứng kịp thời những vấn đề cấp thiết của xã hội. Nếu liên tưởng đến nạn tham nhũng và xa hoa lãng phí đang làm rào cản sự phát triển kinh tế đất nước, lòng sân hận của con người lại là những quả bom tàn phá niềm an vui, hạnh phúc của bản thân, gia đình và xã hội. Nếu tâm si mê, ngu muội là nguyên nhân tội lỗi và là hạt giống khổ đau,… thì nền tảng giáo dục Phật giáo chính là thần dược có công năng chặt đứt gốc rễ Tham, Sân, Si.

 

Do vậy, nền móng và phương cách giáo dục Phật giáo không những đáp ứng nhu cầu riêng của Phật giáo, mà còn đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước. và liên hệ rộng hơn, nếu như thế giới đang phập phồng lo sợ trước nạn khủng bố, mầm mống chiến tranh luôn rình rập, Phật giáo lại là tôn giáo yêu chuộng hòa bình, luôn bao dung tha thứ, lấy tình thương xóa bỏ hận thù. Chắc chắn, chiến tranh và khủng bố sẽ không bao giờ hiện diện trên một đất nước có nền giáo dục Phật giáo phát triển.

Nếu như mê tín dị đoan cùng những yếu tố tâm lý nương tựa vào kẻ khác là nguyên nhân khiến xã hội tụt lùi, thì Phật giáo là tôn giáo đề cao giá trị Trí tuệ, luôn đặt trọng trách khơi nguồn tuệ giác trong chốn nhân gian lên trên hết. Có thể nói, nền giáo dục Phật giáo là sự lựa chọn phù hợp với mọi thời đại, mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống nhân loại.

Nhìn lại quá trình Phật giáo đồng hành cùng dân tộc suốt 2.000 năm lịch sử, chúng ta dễ dàng nhận ra những ảnh hưởng tích cực và quan trọng của nền giáo dục Phật giáo thể hiện trong muôn mặt đời sống lẫn tư tưởng đạo đức người Việt. Giáo dục đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đào tạo nhân tài cho đất nước. Vì vậy, một chính sách giáo dục tốt sẽ dẫn đến xã hội phát triển và ngược lại.

Nền giáo dục tiên tiến của một quốc gia chính là chìa khóa vàng mở ra cánh cửa tiềm năng phát triển đất nước. Dù là cường quốc hay nước chậm phát triển, ngành giáo dục luôn quan tâm đến lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn, nhằm đào tạo con người toàn diện, bao gồm sự hiểu biết và nền tảng đạo đức. Nền giáo dục Phật giáo cũng rất quan tâm đến hai yếu tố cơ bản này.

GIÁO DỤC PHẬT GIÁO CHÚ TRỌNG ĐẾN XÂY DỰNG NỀN TẢNG ĐẠO ĐỨC

Giáo dục Phật giáo đặc biệt chú trọng đến nền tảng đạo đức. Một thường dân có đạo đức thì người đó là một công dân hữu ích, ngược lại, một vị quan không có đạo đức lại là đại họa cho lê dân bá tánh, là mối hiểm nguy cho giang sơn xã tắc. Do vậy, dù trong bất kỳ lĩnh vực nào, vấn đề đạo đức cũng phải đặt lên hàng đầu. Bởi sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa nền văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc, cùng với sự liên thông gắn bó giữa nền giáo dục xã hội và giáo dục Phật giáo, nên quan niệm đạo đức ảnh hưởng sâu đậm trong mọi sinh hoạt đời sống, dù không phải là chuyên ngành giáo dục.

Trong đời sống nhân gian, quan niệm đạo đức đa phần xuất phát từ nền giáo dục đặc thù của Phật giáo đã được người Việt thấm nhuần và xem như triết lý sống, là đạo lý làm người. Dù người theo hay chưa theo đạo Phật đều thấm thía đạo lý nhân quả nhà Phật, như: “nhân nào quả nấy”, “ở hiền gặp lành”. “Luật nhân quả” và “Nghiệp” (kamma) của nhà Phật hàm chứa triết lý rất sâu sắc, nhưng khi đã đi vào đời sống lại trở thành đạo lý làm người rất đơn giản và gần gũi, định hướng con người cải ác tòng thiện, tu nhân tích đức. Bất kì ai có nền tảng đạo đức đều thừa nhận và tôn trọng đạo lý này.

Nói đến những ảnh hưởng từ nền móng giáo dục và vai trò hoằng pháp của Phật giáo đối với Dân tộc, không thể không nhắc đến đạo lý tu thân, thông qua việc chế ngự ba nghiệp thân, khẩu, ý và giữ gìn ngũ giới của đạo Phật. Bởi đây vừa là nền tảng tu tập rất căn bản của người học Phật, vừa là tiêu chí tu thân để con người trong đời sống xã hội hoàn thiện nhân cách và phẩm hạnh bản thân.

Thực hiện việc giữ gìn ngũ giới nhà Phật, tức là tự kiến tạo cho bản thân một tâm hồn an lạc, một đời sống lành mạnh yên ổn. Điều đó mang lại lợi ích rất lớn cho đời sống cộng đồng. Vì vậy, ngũ giới của Phật giáo là nền tảng đạo đức ảnh hưởng rất sâu sắc đến đời sống xã hội, đóng vai trò quan trọng với Dân tộc.

Giáo dục là công việc không chỉ dành cho khối óc mà cả con tim, không chỉ bằng trí tuệ sáng suốt mà còn từ tâm vị tha nhân ái. Một nhà giáo dục chuẩn mực, có trách nhiệm với sứ mạng giáo dục đào tạo, không phải thường trực trên bục giảng là đủ mà phải biết dấn thân vào các hoạt động của người học, cùng người học chia sẻ khó khăn, chan hòa niềm vui trên đường thăng tiến.

Vì vậy, việc định hướng con người hướng đến nền đạo đức là việc làm thiết thực, giúp củng cố nhân cách đạo đức, phát huy năng lực lao động học tập, tạo nên sự biến đổi tích cực trong đời sống bản thân và xã hội. Nền đạo đức sẽ cải hóa con người trở nên tốt hơn, giúp thực hiện những giá trị đạo đức làm người một cách sâu sắc và toàn diện hơn. Từ đó, con người sẽ dễ dàng mở lòng trước những giá trị thiêng liêng, cao thượng trong đời sống.

Trong suốt 45 năm giáo hóa độ sanh, đức Phật là nhà giáo dục không ngừng nghỉ bằng trí tuệ hoàn toàn sáng suốt, việc làm thánh thiện và phương pháp giảng dạy sâu sắc, hiệu nghiệm. Những lời dạy của đức Phật trên 25 thế kỷ qua đến nay và muôn đời sau vẫn mãi là chân lý, vẫn mãi tinh khôi bất biến trước dòng chảy vô tận của thời gian.

* Hòa thượng Thích Huệ Thông – Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *