Bồ tát Thích Quảng Đức, bậc Danh Tăng của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh (TK.Thích Chúc Hiếu)

          Dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh do Tổ sư Minh Hải – Pháp Bảo (1670-1746) sáng lập và khai sơn Tổ đình Chúc Thánh (hay còn gọi là chùa Chúc Thánh) tại Hội An, tỉnh Quảng Nam ngày nay, vào khoảng cuối thế kỷ XVII.

          Đến đời thứ 9 có các vị cao tăng tiêu biểu trong việc hoằng truyền giới luật theo tinh thần “Đắc chánh luật vi tông” của Tổ như: Thích Phúc Hộ, Thích Hành Trụ, Thích Đổng Minh. Đặc biệt là Bồ tát Thích Quảng Đức, người đã “vị Pháp thiêu thân” để bảo vệ Đạo pháp trong cuộc đấu tranh lịch sử Phật giáo năm 1963.

          Bồ tát Thích Quảng Đức, pháp danh Thị Thủy, tự Hạnh Pháp, thuộc thế hệ thứ 9 dòng Chúc Thánh. Sự xả thân của Ngài chính là tiêu biểu cho tinh thần phụng sự vì Đạo pháp và vì Dân tộc. Như lời phát nguyện của Ngài trước khi thiêu thân: “Cúng dường chư Phật và để tránh cho Phật giáo khỏi tiêu vong” và “Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gửi lời cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái, từ bi đối với quốc dân và thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thuở”. Với tinh thần Đại từ, Đại bi hùng tráng, Ngài còn cầu mong gửi những lời tốt đẹp đến người lãnh đạo đứng đầu chính quyền đã có những đàn áp, hà khắc đối với Phật giáo. Hình ảnh Ngài ngồi an nhiên thị tịch trong ngọn lửa ghi dấu một giai đoạn bi thương của Phật giáo Việt Nam.

          Với tôn chỉ hành đạo “nhập thế tích cực cứu đời nhưng vẫn thong dong tự tại trước mọi lợi danh” của Thiền phái Chúc Thánh kể từ ngày Tổ sư khai sơn hệ phái, dù lịch sử trải qua bao thăng trầm vẫn không thay đổi. Bên cạnh đó, tùy duyên hành đạo, bất biến giữ đạo luôn được thể hiện tùy từng hoàn cảnh, tiêu biểu là một Bồ tát Thích Quảng Đức với trái tim “bất diệt”, vẫn còn những bậc cao tăng đạo hạnh thuộc môn đồ pháp quyến Lâm Tế Chúc Thánh trải qua các thế hệ, dù qua giai đoạn nào cũng nêu cao bản hoài của bậc Tăng nhân với tinh thần: “Phụng sự chúng sanh tức là cúng dường chư Phật”.

          Câu chuyện tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức

          Tinh thần nhập thế của các Tăng sĩ dòng Chúc Thánh được thể hiện mạnh mẽ qua phong trào đấu tranh đòi tự do bình đẳng tôn giáo dưới chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963. Tấm gương của tinh thần ấy là sự xả báo “vị Pháp vong thân” của Hòa thượng Thích Quảng Đức. Thực hành hành nguyện Bồ tát đạo, ngài đã xả thân trên cúng dường chư Phật, dưới cầu nguyện cho đạo pháp trường tồn. Tâm nguyện Bồ tát của Ngài đã để lại trái tim “bất diệt” mà hàng ngàn Tăng Ni kính ngưỡng.

          Có thể nói hình ảnh vị tăng trên 70 tuổi ngồi kiết già an nhiên trong ngọn lửa không hiện lên một chút đau đớn nào thể hiện tinh thần vô úy của bậc tu hành chứng đắc, là tinh thần hoằng duyên chánh pháp độ sinh của hơn 300 năm dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh. Nhiều cuộc kiểm chứng khoa học đã vào cuộc, vẫn không thể nào giải thích nổi vì sao trái tim của hòa thượng vẫn không bị thiêu rụi? Đối với người con Phật, không có niềm tin nào ngoài niềm tin trường tồn của chánh pháp. Và bằng pháp môn tu tập và chứng đắc Tam muội hỏa, khiến ngọn lửa bình thường thế gian không thể đốt cháy trái tim Kim Cang bất hoại. Trái tim Ngài Thích Quảng Đức để lại đã trở thành biểu tượng tinh thần của Phật giáo, minh chứng nhân loại yêu chuộng hòa bình, nhân sinh an lạc và cũng minh chứng mạng mạch giáo pháp từ chư Phật, chư Tổ qua các thế hệ truyền thừa.

          Những đóng góp của Hòa thượng Thích Quảng Đức đối với Phật giáo Việt Nam

          Sau sự kiện “vị Pháp vong thân” của danh tăng Thích Quảng Đức không chỉ chấn động trong nước mà cả giới chính khách nước ngoài. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ lòng kính phục trước hành động tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức trong phong trào đấu tranh Phật giáo và đấu tranh vì dân tộc, bằng câu đối:

       “Vị pháp vong thân vạn cổ hùng uy Thiên Nhật Nguyệt,

Lưu danh bất tử bách niên chính khí Địa Sơn Hà”

Nguồn: Giác Đạo – Dương Kinh Thành (2013).

          Sự hy sinh của Bồ tát Thích Quảng Đức cùng với nhiều tăng, ni khác trong phong trào đấu tranh Phật giáo mang lại những đóng góp vô cùng to lớn đối với Phật giáo Việt Nam:

          Thứ nhất, xây dựng một đất nước tự do, dân chủ, các tôn giáo hoạt động công bằng, đem lại lợi ích cho dân chúng. Mong muốn chấm dứt tình trạng chiến tranh, nhân dân hưởng nền hòa bình dân tộc. Lời phát nguyện trước lúc hy sinh mà Bồ tát Thích Quảng Đức gửi đến chính quyền Ngô Đình Diệm như một lời tuyên thệ, bất bình đẳng tôn giáo và vi phạm quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân là điều không thể tiếp diễn. Lịch sử ghi nhận phong trào đấu tranh của Tăng sĩ là phong trào thuần túy tôn giáo, góp phần mang lại sự hòa bình, bình đẳng cho đời sống tính ngưỡng của nhân dân.

          Thứ hai, xây dựng một xã hội bình đẳng tôn giáo. Thiết lập trật tự và công bằng xã hội, bình đẳng tôn giáo, bởi đó là mục đích cao cả, thiêng liêng, đó là niềm tin, là mục đích sống của con người. Ngăn cản mục đích ấy chính là ngăn cản mục đích sống cao đẹp, hủy hoại nếp sống văn hóa ngàn năm của dân tộc ta.

          Thứ ba, thống nhất Phật giáo ở Việt Nam. Phải nói rằng, vào những năm 1960, Phật giáo đạt đến trạng thái thống nhất và tỏ rõ đặc tính chủ động. Quyết định tự thiêu của Ngài Thích Quảng Đức thúc đẩy quá trình thống nhất đó ra đời 1964 và đóng một vai trò lịch sử thật xứng tầm, đồng thời là yếu tố tiên quyết để thống nhất Phật giáo Việt Nam năm 1981 theo ý nghĩa hoàn chỉnh và hoàn thiện nhất. Nhập thế cùng dân tộc, hòa mình vào lịch sử và sẵn sàng với những nhiệm vụ mới mà bối cảnh lịch sử đặt ra đó là tinh thần cũng như vận mệnh mà Phật giáo Việt Nam phải chuyên chở, xứng đáng trở thành sự lựa chọn tâm linh của nhiều người dân Việt Nam.

          Thứ tư, “Trái tim bất diệt” chính là biểu tượng của lòng yêu thương, chia sẻ, là niềm tin về một nhân loại yêu chuộng hòa bình, tạo phúc của chúng sinh, chính là điều mà Bồ tát Thích Quảng Đức cũng như hàng ngàn thế hệ tăng, ni đã và đang hướng đến phụng sự.

          Thứ năm, Phật giáo luôn đồng hành với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Sau những đóng góp của Bồ tát Thích Quảng Đức và của các Tăng sĩ không chỉ đóng góp vào công cuộc bảo vệ mạng mạch chánh pháp, truyền bá tinh thần Từ – Bi – Hỷ – Xả, đem lại lợi ích cho chúng sanh trên con đường giải thoát, mà còn đóng góp công sức vào bảo vệ xây dựng đất nước, cùng đất nước tiến lên trong thời đại hội nhập, và đây cũng là thời đại mà yếu tố tâm linh, yếu tố tinh thần đang được khám phá và chú trọng.

          Những đóng góp của Hòa thượng Thích Quảng Đức đối với Phật giáo Thế giới

          Những hình ảnh về sự tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức do phóng viên hãng thông tấn AP, Malcolm Browne, công bố trên toàn thế giới đã tạo nên cơn “chấn động”. Trên các tờ báo lớn của thế giới, sự kiện này đã nằm trên trang nhất với những cuộc “mổ xẻ” đa chiều về thông tin. Việc một Tăng sĩ tự thiêu được xem là đề tài sôi nổi trên toàn thế giới, hiểu một cách rõ ràng nhất rằng sự suy yếu của chính quyền Ngô Đình Diệm mặc dù đã lộ rõ, nhưng việc tự thiêu vẫn được xem như bước quan trọng trong tình hình hỗn loạn lúc bấy giờ. Ở Hoa Kỳ, Nghị sĩ Frank Church thuộc Ủy ban Quan hệ Quốc tế, lên tiếng rằng “Người ta chưa từng chứng kiến những cảnh tượng hãi hùng như thế này kể từ khi các vị thánh tử vì đạo dắt tay nhau vào đấu trường La Mã nộp mình”.

          Sự hy sinh của Ngài có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi:

          Thứ nhất, kích thích lòng yêu nước, yêu chuộng hòa bình của các tăng, ni Phật giáo trong nước cũng như ở các nước có tôn giáo là Phật giáo. Hình ảnh Ngài ngồi kiết già trong ngọn lửa hồng có sức lay động hàng vạn trái tim con người đang hướng đến đòi hỏi sự tự do, độc lập và yêu chuộng hòa bình, trong nước cũng như thế giới.

          Thứ hai, hành động “vị Pháp vong thân” của Ngài là lựa chọn “cuối cùng” và cao thượng nhất để báo ơn Phật, giữ gìn chánh pháp, khơi dậy tinh thần đoàn kết tăng ni, Phật tử với tinh thần “đấu tranh bất bạo động” đòi những quyền lợi chính đáng, bình đẳng tự do tôn giáo. Mục sư Donakds Harring Ton, phát biểu rằng: “Cái chết của danh tăng Thích Quảng Đức giống như cái chết của Chúa Giê-Su, Michqel Servetus, Jeanne d’Are vì sự tự thiêu của Ngài đã cứu vớt bao sinh linh chìm đám trong khổ hận, kẻ đàn áp cũng như những người bị đàn áp đều bừng tỉnh”. Ngài từ một con người bình thường trong thế giới này, một bậc tu hành trong hàng ngũ Tăng chúng, nhưng với nguyện hạnh cao cả chí thượng, Ngài đã trở thành “ngọn đuốc bất tử” trong lịch sử Phật giáo Việt Nam và của những ai yêu chuộng hòa bình, nguyện đem lợi ích vị tha đến cho người khác.

          Thứ ba, ánh sáng của Ngài thắp lên là ánh sáng của chánh pháp, hướng con người đến lối sống Chân – Thiện – Mỹ và giải thoát bằng lý tưởng “trong đời có đạo, trong đạo có đời”; đóng góp tiếng nói mạnh mẽ vào hành trình đấu tranh vì tự do tín ngưỡng, tôn giáo, vì hòa hợp dân tộc. Điều này, không chỉ ở Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến toàn thể thế giới, các nước có tôn giáo Phật giáo.

          Thứ tư, trái tim “bất diệt” của Bồ tát Thích Quảng Đức còn là biểu tượng thiêng liêng, minh chứng về một đời sống tinh thần hướng thượng và cảnh báo đối với cuộc sống hiện nay quá thiên về vật chất, không chú trọng sức mạnh và quyền năng nội tâm (Minh Chi, 2018). Quyền năng nội tâm là một sức mạnh to lớn tiềm ẩn bên trong mỗi con người. Trước những khó khăn thách thức bên cạnh vật chất đầy đủ thì ý chí con người trực tiếp quyết định vận mệnh và cách con người vượt qua. Nền văn minh về vật chất có thể thay thế, phát triển bằng những thứ tiên tiến và hiện đại hơn, nhưng nền văn minh về tâm linh dù trải qua bao thăng trầm thời gian, thì nền văn minh ấy không bao giờ bị thay thế, chỉ trở nên sâu sắc và thấu hiểu hơn.

          Thứ năm, ý nghĩa về cuộc đời của Tăng nhân còn giúp Phật giáo Việt Nam hội nhập với Phật giáo quốc tế. Trong xu thế hội nhập toàn cầu của đất nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động với tôn chỉ hòa bình và đoàn kết với các giáo hội Phật giáo trên thế giới để hợp tác hoằng dương chánh pháp và góp phần xây dựng, củng cố nền hòa bình cho nhân loại. Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Giáo hội Phật giáo Việt Nam xác định trong thời gian tới đó là mở rộng đối ngoại đa phương theo chủ trương ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân. Tiếp tục chủ động tích cực trong quan hệ đối ngoại với các tổ chức Phật giáo và tổ chức tôn giáo trên thế giới. Cùng với đó, kết nối chặt chẽ với các hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài. Ðây là cơ duyên tốt để tăng ni, Phật tử thế giới chia sẻ kinh nghiệm hoằng pháp độ sinh, thúc đẩy bảo vệ hòa bình.

          Ðồng thời, thông qua các hoạt động nghi lễ, tham quan, biểu diễn văn hóa – nghệ thuật, cộng đồng Phật giáo quốc tế hiểu rõ hơn về đất nước, con người và Phật giáo Việt Nam xưa và nay, trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong thư gửi Hội Phật tử Việt Nam năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Ðức Phật là đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn, muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn, Người phải hy sinh tranh đấu, diệt lũ ác ma. Tôn chỉ, mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm”.

          Kết luận

          Sự phát triển mạnh mẽ của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh và cuộc đời Hòa thượng Thích Quảng Đức là những đóng góp quan trọng trong lịch sử phát triển Phật giáo nước ta và lịch sử đấu tranh của dân tộc. Đó là niềm tự hào về người con Phật, một bậc chân tu có hạnh nguyện cao cả. Cuộc đời và sự nghiệp của Ngài còn ảnh hưởng rất lớn đối với các thế hệ Tăng nhân, người học Phật hiện nay trên con đường tu tập và giải thoát.

          Bồ tát Thích Quảng Đức “vị pháp vong thân” là một sự kiện trọng đại, mang tính chất phản ánh vấn đề của thời đại, có sức lan tỏa và thúc đẩy giải quyết các vấn đề thời cuộc, trái hẳn với giai đoạn thế giới hòa bình, bất cứ ai cũng không làm như thế. Là một Phật tử, nòi giống Thích tử, “tử vì Đạo” chính là để con chúng sinh thoát cảnh lầm than, giải nguy nan cho Đạo pháp, tuy hết sức xót xa nhưng đầy bản lĩnh trí huệ của bậc chân tu. Xin kết thúc bài viết bằng đoạn viết sau đây: “Cuộc tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức cho chúng ta thấy Đại Hùng, Đại Lực, Đại Trí, Đại Từ và Đại Bi của Phật giáo là có thật. Nó không phải là phép mầu của thần linh mà là sự tu chứng bản thân. Đại Hùng là không sợ chết, ung dung hy sinh mạng sống của mình. Đại Lực là vượt qua sự đau đớn của thế xác mà chỉ bậc đại định mới có thể làm được. Đại Trí là nhận thấy nếu mình không chịu hy sinh thì đại cuộc không thành. [..] và Đại Từ, Đại Bi là không hề oán hận mà còn chúc lành cho kẻ đang bách hại mình và tôn giáo của mình”.

          Sự kiện “vị pháp vong thân” của Bồ tát Thích Quảng Đức luôn nằm mãi trong tiềm thức của mỗi người dân, Phật tử và những ai yêu chuộng hòa bình, hướng đời sống đến những điều cao thượng Từ – Bi – Hỷ – Xả.

TK. THÍCH CHÚC HIẾU

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giác Đạo và Dương Kinh Thành (2013), Kỷ niệm 50 năm pháp nạn lịch sử Phật Giáo Việt Nam (Phần 1), Lửa từ bi nói thay lời lịch sử, Giáo hội Phật giáo Việt Nam
2. Mật Thể (1993), Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb Thuận Hóa, Huế.
3. Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh
4. Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật giáo sử luận (tập 2), Nxb Văn học, Hà Nội.
5. Thích Minh Tuệ (1993), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh