Kinh doanh dưới góc nhìn của nhà Phật (Nguyệt Đông)

Đức Phật không đả phá các hình thức kinh doanh và Ngài cũng không ngăn cản sự phát triển của xã hội. Theo đó, Phật dạy chúng ta phải có đạo đức và trí tuệ trong việc kinh doanh để gặt hái được cuộc sống hạnh phúc cho mình và đất nước.

Kinh doanh là một trong những ngành nghề đã có tự ngàn xưa. Đối với xã hội hiện nay, việc kinh doanh ngày càng được mở rộng và phát triển vượt bậc. Đây là cơ hội làm giàu và hướng đến cuộc sống sung túc của nhiều người. Làm kinh doanh, ai cũng mong muốn có nhiều lợi nhuận, doanh nghiệp phát triển bền vững, sản phẩm uy tín chất lượng. Nhưng điều này có lẽ chỉ còn đúng một phần, vì bên cạnh lợi nhuận, các doanh nghiệp còn chú trọng đến vấn đề an sinh xã hội, chất thải ra môi trường, biến đổi khí hậu,… Nhiều công ty đã và đang nỗ lực làm nhiều hơn những yêu cầu, nghĩa vụ pháp lý tối thiểu. Vì họ nhận ra vai trò quan trọng của mình trong việc phát triển kinh tế – xã hội. 

Ngược lại, cũng có những doanh nghiệp kinh doanh khó khăn, thua lỗ, thậm chí phá sản. Ít ai ngờ, công việc kinh doanh của họ trong hiện tại thành công hay thất bại có liên hệ mật thiết với phước báu mà họ đã gieo trồng trong quá khứ. Chính vì điều này mà từ thuở xưa, Tôn giả Sariputta đã bạch Thế Tôn với nghi vấn: “Bạch Thế Tôn, do nhân gì, duyên gì có người buôn bán thất bại, không thành tựu như ý muốn? Có người buôn bán thành tựu như ý muốn và thành tựu ngoài ý muốn?” [1]. Để trả lời cho hai ý trên, chúng ta cùng phân tích để hiểu rõ hơn lời Phật dạy về sự thành tựu trong kinh doanh.

HẠNG NGƯỜI THÀNH CÔNG VÀ KHÔNG THÀNH CÔNG TRONG KINH DOANH

Y theo lời Phật dạy: “Có hạng người đi đến Sa môn, hứa hẹn giúp đỡ nhưng không cho như đã hứa. Người ấy, sau khi mạng chung đi đến chỗ này, dẫu có buôn bán gì cũng đi đến thất bại, không thành tựu như ý muốn. Cũng có hạng người đi đến vị Sa môn, hứa hẹn giúp đỡ và vị ấy đã cho như đã hứa. Sau khi mạng chung, người ấy đi đến chỗ này, dẫu buôn bán gì  cũng thành tựu như ý muốn” [2]. Theo lời Phật dạy, yếu tố cực kỳ quan trọng quyết định dẫn đến sự thành công trong kinh doanh là chữ tín và phước báu. Quả thật, nhiều người có thói quen hứa hẹn, hứa giúp đỡ nhiều điều, nhưng cuối cùng lại không làm được bao nhiêu. Những người có thói quen xấu như vậy, khó thành tựu bất cứ việc gì tốt đẹp. Chúng ta nên hành động nhiều hơn lời nói, còn nếu không làm được thì đừng nên hứa làm mất niềm tin của những người xung quanh. 

Theo lời Phật dạy, yếu tố cực kỳ quan trọng quyết định dẫn đến sự thành công trong kinh doanh là chữ tín và phước báu.

Nói đến tầm quan trọng của chữ tín, trong bất kỳ ngành nghề nào, lĩnh vực nào, có thể khẳng định chữ tín nói lên nhân cách đạo đức của một người. Tín có nghĩa là niềm tin, là giữ điều hẹn ước. Giữ chữ tín là coi trọng lòng tin của mọi người đối với mình, biết trọng lời hứa và biết tin tưởng; không hứa suông và luôn thực hiện lời hứa của mình. Người có đức tín thì lời nói phù hợp với hành vi, nói sao làm vậy hoặc có thể làm nhiều hơn nữa. Đã hứa với ai một điều gì thì nhất quyết phải thực hiện bằng được, không viện lý do này lý do kia, từ việc lớn đến việc nhỏ. Chữ tín đặt ra trong kinh doanh như một chuẩn mực cam kết với nhau để tin tưởng làm ăn, hợp tác lâu dài, nên chúng ta phải chân thật.

Lắng lòng nghiệm lại lời Phật dạy, mỗi người nên tự nhìn lại bản thân. Nếu làm gì cũng thất bại, buôn bán gì cũng thua lỗ, rất có thể, chúng ta đã nhiều lần thất hứa với người khác hoặc đã làm những ác nghiệp nên hiện tại mới nhận kết quả như vậy. Còn ngược lại, người giữ chữ tín hàng đầu và biết tích công bồi phúc, làm lợi ích cho mọi người và giúp ích cho xã hội, nên đi đến đâu, làm việc gì cũng thành tựu như ý. 

KHÔNG KINH DOANH PHI PHÁP

Kinh doanh, buôn bán là một ngành nghề đối đầu với thử thách lớn, một là đem lại hiệu quả kinh tế cao có nhiều cơ hội để thành công, hai là dễ dàng chuốc lấy thất bại. Không phải ai cũng dùng công sức và trí tuệ của mình để làm ăn chân chính, kinh doanh hợp pháp với hoài bão đem lại hạnh phúc cho tự thân và góp phần cải thiện, nâng cao đời sống xã hội. Mà bên cạnh đó, có một số ít người không hổ với lương tâm, thẹn với trời đất làm ăn phi pháp gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tai họa đến cho xã hội. Các hành vi buôn bán ma túy, bắt cóc trẻ em và phụ nữ, hoạt động xã hội đen để lại biết bao hệ lụy cho xã hội, đây chắc chắn là những hoạt động trái với tinh thần Phật giáo và luân thường đạo lý, cần phải bài trừ, phòng tránh.  

Của cải vật chất dễ khiến người ta yếu lòng. Vì “ít thay là những người trong đời này, sau khi được tài sản phong phú, dồi dào lại có thể không bị lôi cuốn, không bị chìm đắm, không bị say mê trong các dục và không có những hành vi không tốt đẹp đối với các người khác”. Nên dù có thành công rực rỡ đến đâu cũng đừng tự mãn cho mình hơn người mà phải luôn giữ tâm khiêm hạ thương yêu.

Để phòng tránh những việc ác, cần tránh gieo ác nghiệp từ những hành động nhỏ nhất. Doanh nhân nếu là một cư sĩ Phật tử thọ tam quy và ngũ giới thì có năm nghề Đức Bổn Sư đã dạy không nên buôn bán, đó là: “Buôn bán đao kiếm, buôn bán người, buôn bán thịt, buôn bán rượu và buôn bán thuốc độc. Năm nghề buôn bán này, này các Tỳ kheo, người cư sĩ không nên làm” [3]. Năm ngành nghề trên không mang đến lợi ích cho mình, cho người và xã hội. Ngược lại, còn làm tổn hại đến con người, sinh vật, làm mất đi hạt giống thiện lương trong mỗi chúng ta. Hơn ai hết, những doanh nhân Phật tử cần luôn ý thức về sự nguy hại của những hoạt động kinh doanh phi pháp và không bao giờ tham gia. Tức phải sống một cách chơn chánh, xa lìa những nghề nghiệp có phương hại đến mình, đến người và xã hội, mà Đức Phật gọi là chánh mạng.

CHỮ TÂM TRONG KINH DOANH

Giàu sang phú quý bằng chính năng lực đạo đức thì đó là những điều xã hội rất tôn vinh, rất đáng trân trọng. Còn nếu chúng ta phớt lờ những giá trị đạo đức thì rất dễ trở thành người giàu vật chất mà nghèo tâm hồn. Bởi, đa phần con người thường luôn chú trọng đến vấn đề tạo ra của cải mà quên mất việc nuôi dưỡng tâm hồn. Của cải vật chất dễ khiến người ta yếu lòng. Vì “ít thay là những người trong đời này, sau khi được tài sản phong phú, dồi dào lại có thể không bị lôi cuốn, không bị chìm đắm, không bị say mê trong các dục và không có những hành vi không tốt đẹp đối với các người khác” [4]. Nên dù có thành công rực rỡ đến đâu cũng đừng tự mãn cho mình hơn người mà phải luôn giữ tâm khiêm hạ thương yêu. 

Khi đứng trên đỉnh vinh quang, đừng quên nhìn xuống để thấy trọng trách của bản thân đối với cuộc đời và tha nhân. Làm sao để mọi người có công ăn việc làm ổn định, cơm áo đủ đầy, gia đình sung túc, không ai bị đói kém, thiếu thốn. Khi thành công, ta có đủ điều kiện để giúp đỡ mọi người, lúc đó đừng ngần ngại dang rộng vòng tay, giúp đỡ, chia sẻ. Cận kề nhất chính là những nhân viên trong công ty của mình, luôn tận tình giúp đỡ họ trên con đường làm việc, nếu có phần gì khúc mắc thì vui vẻ giải quyết, giảm bớt áp lực cho nhân viên. Là một nhà lãnh đạo giỏi nên mở lòng để tiếp thu những góp ý của cấp dưới, lắng nghe ý kiến để khắc phục những sai sót và phát huy những điều tốt đẹp, đưa công ty phát triển hưng thịnh hơn.

Một câu chuyện được xem là bài học tâm đắc để giải quyết khổ đau có thể ứng dụng trong cuộc sống thực tiễn của chúng ta ngày nay: Vào thời Đức Phật còn tại thế, có một cư sĩ nổi tiếng là Anāthapiṇdika, ta quen gọi ông là Cấp-cô-độc, có nghĩa “người cứu giúp kẻ nghèo khó và cô độc”. Ông là một thương gia rất giàu có, hầu như 75% lợi nhuận thu được từ việc làm ăn buôn bán của ông đều đóng góp cho các hoạt động từ thiện. Thế rồi có một giai đoạn khủng hoảng gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm ăn của ông. Lúc đó, ông bị thua lỗ, thất bại gần như khánh kiệt hết của cải và tài sản.

Nhiều người thấy thế đã chế giễu ông cúng dường, bố thí làm chi bởi vì nhân quả không hề có. Nếu nhân quả thực sự có thật thì sao ông lại phải ra nông nỗi tồi tệ như thế. Trước những lời lẽ trên, chẳng những không làm ông chán nản, bỏ cuộc, mà ngược lại càng làm cho ông thêm tin sâu vào nhân quả, tin sâu vào chân lý, có huy hoàng thì cũng có lúc khánh tận. Khi bị chìm xuống dưới đáy, chắc chắn sẽ có cơ hội để vực dậy nếu không ngừng nỗ lực. Đức Phật đã từng tuyên bố với chúng Tỳ kheo rằng: Trong các vị nam cư sĩ bố thí tối thắng là Sudatta Anāthapiṇdika [5]. 

Tiền bạc, của cải là biểu trưng cho sự giàu có, mục tiêu phấn đấu của mọi người nhưng đó không phải là điều duy nhất. Nếu giàu sang mà nghèo đạo đức thì cũng không bền vững, chỉ có con đường làm ăn chân chánh, biết làm phước, bố thí, cúng dường thì tồn tại lâu dài. Đức Phật không đả phá các hình thức kinh doanh và Ngài cũng không ngăn cản sự phát triển của xã hội. Theo đó, Phật dạy chúng ta phải có đạo đức và trí tuệ trong việc kinh doanh để gặt hái được cuộc sống hạnh phúc cho mình và đất nước. 

Hơn ai hết, những doanh nhân Phật tử cần luôn ý thức về sự nguy hại của những hoạt động kinh doanh phi pháp và không bao giờ tham gia. Tức phải sống một cách chơn chánh, xa lìa những nghề nghiệp có phương hại đến mình, đến người và xã hội, mà Đức Phật gọi là chánh mạng.

Tóm lại, lời dạy của Đức Phật gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, nhắc nhở những người thành công, đứng trước vinh hoa phải biết vun bồi đạo đức và sống theo lời Phật dạy, để kiếm tiền hợp pháp và tiêu tiền hợp lý. Sống đúng pháp Phật dạy, chắc chắn chúng ta được hạnh phúc, an lành, làm cho cuộc sống có ý nghĩa và góp phần ổn định xã hội.

 

 

Chú thích và tài liệu tham khảo:

[1]  Đại tạng kinh Việt Nam, Tăng Chi Bộ 1, chương VI, phẩm Không hý luận, phần buôn bán, tr.708.

[2] Sđd, tr.708.

[3] ĐTKVN, Tăng Chi Bộ kinh II, chương 5, phẩm Nam cư sĩ, phần người buôn bán, tr.646.

[4] ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 3, phẩm 1, phần Thiểu số, tr.170.

[5] Hòa thượng Thích Minh Châu (1996), Tăng Chi Bộ kinh, tập 2, chương XIV, tr.62.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *