Tâm lý học và các GĐ phát triển TL của con người (TS. Tạ Hoàng Giang, TS. Lê Thị Quỳnh Hảo, ThS. Phạm Văn Vui) 

Tâm lý là hiện tượng tinh thần, là đời sống nội tâm của con người. Mặc dù nói tâm lý diễn ra ở não, nhưng những nhà nghiên cứu đã nghiên cứu kỹ não của các nhà bác học và một số nhân vật nổi tiếng để xem có gì khác biệt không thì đến nay vẫn chưa phát hiện thấy điều gì khác biệt so với não của người thường. Thực tế chúng ta không thể cân đong, đo, đếm trực tiếp tâm lý mà chỉ có thể nghiên cứu thông qua những biểu hiện cá nhân. Tâm lý là một hiện tượng tinh thần gần gũi, thân thuộc với con người. Tâm lý không phải là những gì cao siêu xa lạ, mà chính là những gì con người suy nghĩ, hành động, cảm nhận… hằng ngày. Tâm lý người phong phú, đa dạng và đầy tính tiềm tàng. Tâm lý phong phú đa dạng do tâm lý mỗi người một khác và hơn nữa tâm lý không bất biến mà luôn biến đổi theo thời gian. Mặc dù gần gũi thân thuộc nhưng con người còn rất nhiều điều chưa hiểu về chính tâm lý của mình, như: hiện tượng của các thần đồng, liệu con người có giác quan thứ sáu hay không,… Điều này giống như tâm lý là một cánh đồng rộng mênh mông mà những gì khoa học tâm lý nghiên cứu được thì còn giới hạn. Tâm lý người có tính chất chủ thể và không ai giống ai vì mỗi người có cấu trúc hệ thần kinh và cơ thể, tuổi tác, điều kiện sống khác nhau.

Tâm lý người là kết quả của quá trình xã hội hoá. Con người chúng ta luôn sống trong xã hội, chịu sự tác động của xã hội đó và sẽ có chung những đặc điểm của xã hội mà mình sống trong đó; ở mỗi giai đoạn lịch sử của xã hội, xã hội đó có những đặc thù riêng, đặc điểm tâm lý xã hội riêng. Tâm lý có sức mạnh to lớn. Năm 1902, nhà bác học Cô-phen-hap, người Đan Mạch, đã làm thí nghiệm trên một tử tù và chứng minh con người có thể tự ám thị, giết chết bản thân chỉ trong một thời gian ngắn. Tâm lý có thể giúp con người tăng thêm sức mạnh, vượt qua khó khăn để đi đến thành công, cũng có thể khiến con người trở nên yếu ớt, bạc nhược và thất bại.

PHÂN LOẠI CÁC HIỆN TƯỢNG TÂM LÝ

Theo thời gian tồn tại và quá trình diễn biến các nhà nghiên cứu chia hiện tượng tâm lý ra làm ba loại: quá trình tâm lý, trạng thái tâm lý và thuộc tính tâm lý.

Các quá trình tâm lý là những hiện tượng tâm lý diễn ra trong thời gian tương đối ngắn, có bắt đầu, diễn biến và kết thúc. Ví dụ: Các quá trình nhận thức như cảm giác, tri giác, tư duy, tưởng tượng; các quá trình giao tiếp…

Các trạng thái tâm lý là các hiện tượng tâm lý diễn ra trong thời gian tương đối dài, đóng vai trò làm nền cho các quá trình tâm lý và các thuộc tính tâm lý biểu hiện ra một cách nhất định. Với các trạng thái tâm lý chúng ta thường chỉ biết đến khi nó đã xuất hiện, tuy nhiên thường không biết được thời điểm bắt đầu và kết thúc của chúng. Ví dụ: Trạng thái tập trung, chú ý, lơ đãng, mệt mỏi, vui, buồn, phấn khởi, chán nản…

Các thuộc tính tâm lý là những hiện tượng tâm lý đã trở nên ổn định, bền vững ở mỗi người tạo nên nét riêng về mặt nội dung của người đó. Thuộc tính tâm lý diễn ra trong thời gian dài và kéo dài rất lâu có khi gắn bó với cả cuộc đời một người. Ví dụ: Tính khí, tính cách, năng lực, quan điểm, niềm tin, lý tưởng, thế giới quan…

Có thể thể hiện mối quan hệ giữa các hiện tượng tâm lý theo sơ đồ (1).

Các quá trình tâm lý, trạng thái tâm lý và thuộc tính tâm lý không hề tách rời nhau mà luôn ảnh hưởng và chi phối lẫn nhau.

ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU CỦA TÂM LÝ HỌC TRONG QUẢN TRỊ

Tâm lý học quản trị là ngành khoa học nghiên cứu việc ứng dụng tâm lý vào công tác quản trị kinh doanh. Đối tượng nghiên cứu của tâm lý học quản trị là: Sự thích ứng của công việc sản xuất kinh doanh với con người như phân công lao động, đánh giá việc thực hiện, tổ chức chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, đưa yếu tố thẩm mỹ vào sản xuất kinh doanh…

Mối quan hệ “Người – Máy móc”, nghiên cứu việc thiết kế máy móc phù hợp nhất với tâm sinh lý của người sử dụng. Mối quan hệ của con người với nghề nghiệp bao gồm lựa chọn những người phù hợp với công việc, đào tạo những kỹ năng liên quan đến nghề nghiệp,… sự thích ứng của con người với con người trong sản xuất kinh doanh như bầu không khí tâm lý tập thể, sự hoà hợp giữa các thành viên, mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên, tạo động cơ thúc đẩy lao động,… tâm lý tiêu dùng. Những khám phá được tâm lý học quản trị tìm ra có thể sử dụng để thuê những nhân viên giỏi nhất, giảm bớt sự vắng mặt, cải thiện sự truyền đạt thông tin, tăng thêm sự thỏa mãn trong công việc và giải quyết vô số vấn đề khác.

Đời người có tám giai đoạn. Mỗi giai đoạn được đặc trưng bởi một dạng khủng hoảng tâm lý xã hội xuất phát từ sự xung đột giữa nhu cầu của cá nhân và yêu cầu của xã hội. Nếu khủng hoảng này được giải quyết, nó sẽ là tiền đề cho sự phát triển tâm lý của cá nhân trong giai đoạn tiếp theo. Ngược lại, nếu con người thất bại trong việc giải quyết xung đột đó thì sự thất bại này sẽ gây nên những rối loạn trong những giai đoạn về sau của con người.

Đời người có tám giai đoạn. Mỗi giai đoạn được đặc trưng bởi một dạng khủng hoảng tâm lý xã hội xuất phát từ sự xung đột giữa nhu cầu của cá nhân và yêu cầu của xã hội.

Thực tế cho thấy, nếu người già mãn nguyện với những gì họ đã đạt được ở các giai đoạn trước như sự nghiệp, gia đình, con cái,… họ dễ dàng chấp nhận những giảm sút về sức khỏe, thu nhập và vị thế xã hội, cũng không day dứt khi cận kề cái chết. Ngược lại, những người thấy mình chưa làm được nhiều điều, chưa hoàn thành “nghĩa vụ” đối với gia đình và xã hội, khi về già họ thường kém thích nghi với những thay đổi, quá trình lão hóa ở họ diễn ra nhanh hơn và họ thường hối tiếc về quá khứ (Erikson, 2009).

CÁC GIAI ĐOẠN VỀ PHÁT TRIỂN TÂM LÝ CON NGƯỜI

Giai đoạn mới trưởng thành:

Gắn bó và cô lập. Erikson (2012) xem đây là tuổi của yêu thương và lao động (tình yêu nam nữ, tình cảm gia đình, bố mẹ, con cái…), của học hành và nghề nghiệp. Trong giai đoạn này, khả năng độc lập, tự chủ, ý chí nghị lực, tinh thần trách nhiệm của cá nhân là khá cao. Ở lứa tuổi thanh niên này, con người có khuynh hướng tạo mối tương quan với người khác một cách riêng tư và thân mật hơn. Nếu thất bại, người thanh niên sẽ vụng về trong giao tiếp xã hội và khó kết thân với người khác, nhất là những người khác phái. Nếu không có được sự yêu thương, con người có xu hướng cô lập, vị kỷ, tự say mê với chính mình.

Giai đoạn trung niên

Sáng tạo và ngưng trệ. Lứa tuổi trung niên là lứa tuổi mà phần lớn cá nhân đã có sự hoàn thiện về gia đình, nghề nghiệp, quan hệ xã hội. Những người ở lứa tuổi này đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm sống cũng như kinh nghiệm trong công việc. Vì vậy, người ta thường coi đây là giai đoạn của tư duy sáng tạo, của sự hoàn thiện với tính độc lập cao, khả năng tự chủ, cống hiến cho khoa học kỹ thuật cũng như cho gia đình và xã hội. Ở tuổi trung niên, người ta bắt đầu quan tâm đến con người trong xã hội và thế giới hơn là chính mình. Người ta muốn làm hoặc để lại một cái gì cho thế hệ mai sau. Nếu không được phát triển tốt, sẽ có khuynh hướng ích kỷ và quy về cuộc sống cá nhân cho riêng mình hơn là cho người khác. Nếu như cá nhân trong giai đoạn này chưa đạt được các yêu cầu về gia đình, xã hội và nghề nghiệp, họ thường rơi vào tình trạng ngưng trệ, có cảm giác như không làm được việc gì quan trọng cho bản thân, gia đình và xã hội.

Giai đoạn cao niên

Hoàn thành và thất vọng. Khi đã ở giai đoạn này, con người thường có thay đổi lớn theo hướng giảm sút về sức khỏe, về thu nhập và các mối quan hệ xã hội. Việc con cái trưởng thành, lập gia đình và sống độc lập, hay chuyển từ hoạt động lao động sang nghỉ ngơi để về hưu dễ làm cho họ có cảm giác hụt hẫng, thậm chí cảm thấy cô đơn, lo lắng. Nhìn lại cuộc đời quá khứ, người ta nhìn thấy và cảm thấy rõ hơn địa vị của mình trong thế giới. Một là họ chấp nhận sự chết sắp đến như một điều phải đến và hài lòng về cuộc sống quá khứ của mình; hai là họ hối hận đau buồn và bất mãn thất vọng về quá khứ của họ. Ngọ (2012).

Tóm lại, tâm lý của con người thay đổi phức tạp, phát triển theo từng giai đoạn tuổi tác. Trong quá trình đó, giữa các yếu tố xã hội, sinh lý và tâm lý thường xuyên tác động lẫn nhau và vai trò các yếu tố đó thay đổi trong từng giai đoạn phát triển của mỗi con người. Từ đó, áp dụng tâm lý vào nhiều lĩnh vực khác nhau như trong vấn đề nuôi dạy con cái, để giúp trẻ có được sự phát triển tốt nhất về cả ba mặt trên.

 

Chú thích:

(*) Tiến sĩ Tạ Hoàng Giang – Trưởng khoa Du Lịch Trường Đại học Phan Thiết; Tiến sĩ Lê Thị Quỳnh Hảo – Giảng viên Khoa Quốc Tế Học Trường Đại học Đà Lạt; Thạc sĩ Phạm Văn Vui – Giảng viên khoa Du Lịch Trường Đại
học Phan Thiết

 

Tài liệu tham khảo:

1. Ian, M, (2014), Phát triển tâm lý con người,CEDS, Kuala Lumpur, Malaysia. Erikson, E.(2012), The Life Cycle Completed. Norton Company.

2. Ngọ, P.T, (2012), Các lý thuyết phát triển tâm lý người. Đại học sư phạm Hà Nội.

3. Romel, S, (2013), Phát triển tâm lý con người. Ifugao State University, Philippes.

4. Tùng, T. T, (2012), Các lý thuyết tâm lý nhân cách.

5.http://www.ship.edu/~cgboeree/erikson.html.

6.http://www.psy.pdx.edu/psicafe/keytheorists/erikson.htm#eval

One thought on “Tâm lý học và các GĐ phát triển TL của con người (TS. Tạ Hoàng Giang, TS. Lê Thị Quỳnh Hảo, ThS. Phạm Văn Vui) 

  1. Tiến sĩ dỏm says:

    Tưởng bài của tác giả nào, ra là TS Tạ Hoàng Giang – Tiến sĩ 10 ngày, 10 ngàn đô của trường IFugao Philippines.
    Khét đấy!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *