Triết lý Acalā (bất động) trong Kinh Lăng Già (Tỳ kheo Thích Đức Kiên)

Tóm tắt: Kinh Lăng Già (Laṅkāvatāra sūtra) là một bộ phận của nền Văn học Phật giáo Đại thừa. Bản kinh này đã gom thâu tất cả những nội hàm triết lý quan trọng nhất của tư tưởng Phật giáo Đại thừa. Một trong số đó chính là Triết lý Bất động, được đề cập đến như là kim chỉ nam cho lộ trình tu tập Bồ tát đạo của một hành giả Đại thừa. Người tìm đến bản kinh này nếu áp dụng triết lý Bất động vào trong cuộc sống sẽ thu được nhiều lợi ích thiết thực không chỉ cho chính mình mà còn cho cả tha nhân.
Từ khóa: Bất động, Bồ tát đạo, Kinh Lăng Già, Triết lý Acalā.

Phật giáo Đại thừa cho rằng tất cả chúng sinh đều có Phật tánh và khả năng giác ngộ thành Phật; do đó rất xem trọng việc cứu độ chúng sinh và xem đây là lý tưởng, triết lý hành động của mình.

DẪN NHẬP
Phật giáo Đại thừa cho rằng tất cả chúng sinh đều có Phật tánh và khả năng giác ngộ thành Phật; do đó rất xem trọng việc cứu độ chúng sinh và xem đây là lý tưởng, triết lý hành động của mình. Phật giáo Đại thừa đã xây dựng nên hình tượng Bồ tát, như một sự nhân cách hóa các đức tính của Đức Phật để chỉ cho một vị phát tâm mong cầu giải thoát và chuyên tu công hạnh nào đó từ Ngài. Thệ nguyện của Bồ tát là tìm cầu chân lý giải thoát thông qua việc thiền quán để nhận ra bản chất thật sự của vạn pháp là Vô ngã, Vô thường và Khổ; nhằm xa lìa mọi chấp trước, dính mắc; đắc được Trí tuệ Bát nhã. Ngoài ra, là với tấm lòng Từ bi mà phát nguyện cứu độ hết thảy chúng sinh cũng được giác ngộ và giải thoát như mình. Hai nguyện lực này luôn luôn là một thể thống nhất, bổ sung cho nhau để đi đến sự thành tựu viên mãn.

Là một bộ phận của văn điển Phật giáo Đại thừa, Kinh Lăng Già cũng tiếp nối tư tưởng đó vào trong nội hàm của mình. Có thể nói, Kinh Lăng Già như là lớp học “chuyên ngành” để đào tạo nên các hàng Bồ tát, mà vị Giáo thọ ở đây không ai khác hơn chính là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Hình mẫu Bồ tát được Đức Phật giới thiệu trong kinh là những vị đi vào thế gian, đem lại lợi lạc cho chúng hữu tình mà hành trang của các Ngài là tuệ giác vô phân biệt (Prajñā) và lòng thương yêu rộng lớn (Mahākaruṇā) được sản sinh ra từ một cội tâm Bất động (Acalā). Tinh thần Bất động ấy là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mạch Kinh Lăng Già và cũng là triết lý hành động của những ai đang đi trên con đường Bồ tát đạo, hướng đến quả vị Chánh đẳng Chánh giác của Phật giáo Đại thừa.

KHÁI NIỆM ACALÃ
Theo Từ điển Bách khoa Phật giáo, “Acalā” có nghĩa là Bất động (不動), ổn định; cũng là địa vị thứ tám trong mười địa (thập địa); là một giai đoạn trong sự phát triển tâm linh của một vị Bồ tát [1]. Bất động là do không bị dao động bởi các hiện tướng Hữu (Sat) hay Vô (Asat) nên gọi là Bất động. Triết lý Bất động xây dựng trên nền tảng của Trí tuệ và Từ bi là hai yếu tố đặc trưng nhất, nổi bật nhất khi đề cập tới Phật giáo Đại thừa.

Trong Kinh Lăng Già, Đức Phật nói rằng: “Đại Huệ! Các Bồ tát đại hữu tình khi thấy sự vui của tam muội tịch diệt thì liền nhớ đến bản nguyện đại bi, tu tập đầy đủ mười nguyện đại bi. Vì lẽ ấy, họ không nhập Niết bàn ngay, vì nhập Niết bàn thì không sinh quả, lìa năng thủ sở thủ, liễu đạt duy tâm, nơi hết thảy pháp không phân biệt không sa vào tâm, ý, ý thức, vào các chấp trước tính, tướng của pháp ngoài. Tuy nhiên, không phải là họ không khởi các chính nhân Phật pháp, tuỳ theo việc làm của trí tuệ mà khởi như vậy, được địa tự chứng của Như Lai. Đại Huệ! Thí như người chiêm bao thấy mình tìm hết cách để sang sông, nhưng chưa sang thì đã tỉnh ngủ. Tỉnh rồi suy nghĩ về những việc đã thấy, tự hỏi không biết đấy là thật hay vọng? Rồi lại tự nhủ rằng: ‘Không thật cũng không vọng, như thế chỉ là những tập khí phân biệt của thấy nghe hay biết tích tụ lại, lìa có và không, chỉ là những sự việc hiện trong ý thức lúc chiêm bao mà thôi” [2].

Ở đây, “phân biệt” có nghĩa là tách sự vật này ra khỏi sự vật khác và cho rằng những sự vật bị tách ra này có Tự tính (Svabhāva) hay là Pháp ngã tướng (Dharmātmyalakshana). Tự tính có nghĩa là một đối tượng cá biệt cụ thể, sót lại sau sự phân tích cuối cùng và nằm bên ngoài cái tâm; nghĩa là chấp vào ý niệm này, do đó giữ lấy những khát ái và phiền não lúc nào cũng bừng cháy. Sự phân biệt này vốn đã diễn tiến từ thời vô thỉ về các hình thức và tướng trạng. Nó là kết quả của ký ức được kinh nghiệm thông qua sự thấy, nghe, suy nghĩ và nhận biết. Nó không nên được nhìn thấy bằng các phạm trù về tồn tại (Hữu) và không tồn tại (Phi hữu) [3]. Chính bởi suy nghĩ như vậy dẫn đến tự chứng bị chặn nghẽn.

Phật giáo Đại thừa đã xây dựng nên hình tượng Bồ-tát, như một sự nhân cách hóa các đức tính của Đức Phật để chỉ cho một vị phát tâm mong cầu giải thoát và chuyên tu công hạnh nào đó từ Ngài. Thệ nguyện của Bồ-tát là tìm cầu chân lý giải thoát thông qua việc thiền quán để nhận ra bản chất thật sự của vạn pháp là Vô ngã, Vô thường và Khổ; nhằm xa lìa mọi chấp trước, dính mắc; đắc được Trí tuệ Bát-nhã.

TRANG BỊ TRI THỨC ĐỂ CHỨNG TỰ NỘI
Nếu chúng ta quan sát thế giới bằng cặp mắt thông thường (Nhục nhãn – Manias cakshus) sẽ thấy nó là một thế giới huyền ảo. Nhưng nếu được nhìn với một Thánh nhãn trí tuệ (Aryaprajñā-cakshus) thì nó là một thế giới thực. Khi vấn đề này được hiểu rõ, chúng ta sẽ không còn bị sự diễn dịch sai lầm dẫn đi lạc lối và bước vào trạng thái “tự chứng”. Sự tự chứng diễn ra khi có “đột biến tâm linh” (Parāvritti) trong tâm của một vị Bồ tát. Nếu không có sự đột biến này, chúng ta không thể nào nhảy ra khỏi bờ nhị biên đến Niết bàn được. Thế giới được một vị Giác ngộ nhận biết là một thế giới như thật (Yathābhūtam); bị tước bỏ hết mọi tính chất lý luận và vẻ bề ngoài của nó, chỉ còn lại một sự thật bên trong mà các nhà Đại thừa gọi là “Không” (Sunya).

“Không”, không phải là không có, mà có nghĩa là muôn vật đều hoàn toàn tuỳ thuộc lẫn nhau mà hiện khởi; nói cách khác là do duyên mà sinh và cũng từ duyên mà tan rã; không đâu có cá thể biệt lập và nếu phân tích đến chỗ tận cùng thì không vật nào sai khác với vật nào hết. Vì vậy, mà nói rằng “chẳng phải là chính nó, chẳng phải là cái khác, mà cũng chẳng phải là cả hai” (Phi nhất phi nhị, phi dị). Chính vì mang tính chất Duyên khởi nên nó còn được gọi là “Vô sanh”, nghĩa là chẳng phải sanh ra từ chính nó, cũng chẳng phải sinh ra từ cái khác, ngoài nó. Nó còn gọi là “Vô bất” vì nhiều yếu tố liên hệ với nhau, không vật nào trong thế gian giữ nguyên bản vị bất biến ngoài vòng nhân duyên tương thuộc, tương sinh. Vì vậy, muốn chứng ngộ được thì phải phá trừ đi các Tri thức suy luận, vượt qua các Biến kế chấp (Parikalpa) hoặc Vọng tưởng (Vikalpa), là những khuynh hướng phân tách của trí óc, là cái tật nhị nguyên ăn sâu vào ý thức của ta [4].

Vì vậy, phạm trù “Không” nên được hiểu không phải thế giới là không thực trong ý nghĩa nó hoàn toàn không có thực tính, mà nên hiểu rằng bản chất thật sự của nó sẽ không thể nào hiểu được nếu tâm không vượt khỏi cái nhìn nhị biên của Hữu và Phi hữu. Do đó, có thể bảo rằng không có tự thể trong thế giới, không có cái gì có một ngã tính (Āman), không có cái gì có thể nắm bắt, hay là Hữu và đối lập với nó là Phi hữu. Không có một thuật ngữ nào có thể chứa một phản đề có thể áp dụng vào thế giới được, vì nó vuợt khỏi cái lý luận về đối lập (nhị biên) [5].

Như vậy, làm thế nào mà một Bồ tát có thể xa lìa được phân biệt? Trong Kinh nói rằng: “Bồ tát phải xem tất cả các Pháp như mộng huyễn; chúng chưa từng bao giờ được sinh bởi vì tự tha và tự tha cùng với nhau đều vô sinh. Khi các Pháp được nhìn phù hợp với giáo lý ‘Duy tâm’, các đối tượng ngoại tại được thấy là không có tính chân thực, các Thức được thấy là không chuyển; các ngoại duyên về trần cảnh cũng không tích tập. Tam giới được thấy do là hư vọng phân biệt duyên sinh; tất cả các Pháp, ngoại và nội, được thấy là không có tự tính và bất khả đắc [tức là không thực], một Bồ tát có thể giữ mình viễn ly ý niệm sinh, thấy tự tính của các Pháp như huyễn, vân vân, đắc vô sinh pháp nhẫn” [6].

Khi một vị Bồ tát chứng ngộ được những điều như trên, tức là chứng đắc được Thánh trí. Vị ấy hiểu rõ về được ý nghĩa của Tâm, Ý và Thức, 5 Pháp, 3 Tự tánh, 2 Trí, 2 Vô ngã và 8 Thức. Năm pháp đó là Danh (Nāma), Tướng (Nimitta), Phân biệt (Vikalpa), Chánh trí (Samyagjñāna) và Chân như (Tathatā). Ba tự tính là Biến kế sở chấp tánh (Parikalpitalakṣaṇa), Y tha khởi tánh (Paratantralakṣaṇa) và Viên thành thật tánh (Pariniṣpankalakṣaṇa). Hai Vô ngã trí là Nhân vô ngã trí (Pudgala-nairātmya-jñānam) và Pháp vô ngã trí (Dharma-nairātmya-jñānam) cùng với 8 thức là Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức, Ý thức, Mạt-na thức và A-lại-da thức. Những người muốn chứng đắc tâm linh của Như Lai phải hiểu ý nghĩa của những phạm trù này. Chúng không thể hiểu được bằng tâm của phàm phu, bởi vì không hiểu được ngũ pháp, phàm phu hư vọng phân biệt và chấp trước vào tướng.

Theo Đạo Phật, tất cả sự vật hiện tượng đều từ Ý mà sinh ra (Manoja) và tác thành bởi Ý (Manomaya), trong đó thế giới do tưởng tượng sinh ra không có thật (Biến kế sở chấp tánh) và thế giới tạo thành bởi sự nương tựa vào tánh khác (Y tha khởi tánh) đều đưa đến chân lý chân thật, tức là Viên thành thật tánh. Đấy là cái trí có được khi đạt tới trạng thái tự chứng bằng cách vượt qua Danh, Tướng và tất cả các hình thức phân biệt hay phán đoán (Vikalpa); gọi là Tự chứng Thánh trí cảnh giới (Pratyātmāryajñānagocara). Nó cũng đồng nghĩa với Như như (Tathatā), mà Kinh Lăng Già nói rằng: “Năm pháp là chân lý và Ba tự tánh cũng thế, khi vị tu hành thấy rõ điều này thì vị ấy không đi ngoài Như như”.

Ngoài ra, một vị Bồ tát còn được trang bị về Hai vô ngã trí; đó là Nhân vô ngã trí và Pháp vô ngã trí. Nghĩa là thấy từ con người vật lý cho đến thế giới xung quanh đều được biểu hiện từ thức A-lại-da (Ālaya – vijñāna) và chỉ do Tập khí (Vāsanā) tích tụ từ vô thỉ bằng lý luận và chấp thủ nên mới có sự phân biệt. Khi hiểu điều này, vị Bồ tát có được cái biết về sự Phi hiện hữu của một ngã linh hồn cá nhân (Nhân vô ngã trí) và mở ra cái biết về sự hiện hữu của một cái ngã linh hồn cá nhân cho tới thế giới bên ngoài (Pháp vô ngã trí).

Với tinh thần Bất động bước vào cảnh giới Tự chứng Thánh trí như trên, một vị Bồ tát sẽ từ bỏ phân biệt, hiểu thấu suốt bản chất của hiện hữu; hiểu được tại sao hiện hữu giống như huyễn ảo,…; hiểu phân biệt xuất phát từ sự mong mỏi vốn có của chúng ta để được thấy sự hiện hữu chia thành chủ thể và đối tượng như thế nào; hiểu tâm và những gì thuộc về tâm bị quấy động lên ra sao. Thế rồi, vị ấy sẽ thực hiện tất cả những gì gắn liền với đời sống của một Phật tử tốt mà đưa đến con đường chân lý tất cả những ai chưa đến đấy. Đây được gọi là Niết bàn vốn không phải là sự đoạn diệt của vị Bồ tát [7]. Vì vậy, trong bài mở đầu kinh, Bồ tát Đại Huệ đã tán thán Đức Phật bằng bài kệ như sau:
“Thế gian lìa sinh diệt
Như hoa đốm hư không
Trí không chấp có, không
Hưng khởi tâm đại bi

Vạn pháp đều như huyễn
Xa lìa tâm và thức
Trí không chấp có, không
Hưng khởi tâm đại bi

Thế gian thường như mộng
Xa lìa cả đoạn, thường
Trí không chấp hữu, vô
Hưng khởi tâm đại bi” [8].

Bài kệ trên đã toát lên hết ý nghĩa của tinh thần Acalā, đồng thời cũng là mục tiêu của Kinh Lăng Già và cả Phật giáo Đại thừa hướng đến. Sự việc thế giới xuất hiện giống như hoa đốm giữa hư không… là chỉ khi nào nó được quan sát bằng con mắt siêu việt của Trí tuệ Bát nhã chứ không chỉ nhận thức bằng trái tim Từ bi không mà thôi. Như vậy, Acalā vừa là Thánh trí, vừa là phương tiện để hưng khởi nên Đại bi tâm, đồng thời cũng là một lộ trình tu tập của một vị Bồ tát.

Kinh Lăng già (Laṅkāvatāra sūtra) là một bộ phận của nền Văn học Phật giáo Đại thừa. Bản kinh này đã gom thâu tất cả những nội hàm triết lý quan trọng nhất của tư tưởng Phật giáo Đại thừa.

ĐI VÀO THẾ GIAN BẰNG TRÁI TIM TỪ BI
Sau khi đã làm lợi ích cho mình, bước kế tiếp của Bồ tát là đi vào thế gian và làm lợi ích cho người khác, gọi là lợi tha. Các vị Bồ tát đã có kiến giải thâm sâu rằng tất cả các pháp xưa nay đã có tự tính Niết bàn; và với hạnh nguyện Từ bi của mình nên muốn độ thoát tất cả chúng sinh nên từ chối không nhập Niết bàn. Bồ tát phát nguyện từ khởi đầu sự nghiệp của mình rằng cho đến khi tất cả đồng loại được dẫn vào an lạc thường hằng của Niết bàn, Bồ tát sẽ không bỏ thế giới đau khổ này, mà phải kiên trì và bằng mọi phương tiện có thể có hoạt động cho đến khi hoàn thành sứ mệnh của mình.

Kinh còn nói thêm rằng một vị Bồ tát muốn đi trên con đường Bồ tát để làm lợi lạc cho chúng sinh phải hội tụ đủ các thành tố. Đó là tách khỏi mọi cái thấy sai lầm mà vị ấy đã chất chứa từ thời vô thỉ. Hơn thế nữa phải hiểu rằng thế giới bên ngoài chỉ là cấu trúc của A-lại-da thức, đạt tới tâm thức nhìn thấy Niết bàn và Luân hồi là hai khía cạnh của một sự việc và mang tính Bình đẳng (Samatā).

Nhưng đặc thù nhất vẫn là phải có được một tâm đại bi (Mahākaruna) đi kèm là Phương tiện thiện xảo (Upāyakauśalya) để cứu độ hết thảy chúng sanh bằng việc thực hiện những hành vi không cần sự nỗ lực. Bi tâm này không phải vì chúng sinh mà làm, mà nó xuất phát từ một tuệ giác vô ngã, vượt ngoài nhị biên đối đãi. Vị ấy ở trong sự toàn hảo của Trí tuệ Bát nhã, từ đó luôn luôn sống “như thị” với các sự vật, hiện tượng. Những vị ấy phải đi trên con đường của Vô tướng gọi là Vô tướng đạo (Animittapatha) nhập vào một trạng thái tâm thức không có tướng trạng (Tâm vô tướng). Từ đó, đạt được sự toàn hảo về Tam-ma-địa (Sammadhī), trong đó các sự vật nhìn thấy là ở bên trên mọi hình thức của điên đảo và bất sinh. Trái tim của các vị Bồ tát thì đã thoát khỏi những chấp trước, trở nên kiên định và phát xuất các Bổn nguyện, các Phương tiện thiện xảo và cả các Hóa thân để làm lợi lạc cho chúng sinh.

Ngài hiện đủ các hình tướng để thuyết pháp cho chúng sanh, mà Đại thừa gọi là Vô công dụng hạnh hay là Vô khai phát hạnh (Anābhogacarya), tức là những hành động không cần sự nỗ lực, không dụng công, không tác động, không mục đích, không động mà động, động mà bất động, làm mà không làm, không làm mà làm. Để cuối cùng thể hiện Phật thân có được mười năng lực, sáu thần thông và mười sự tự điều ngự (tự tại), có thể mang bất cứ hình tướng nào theo ý muốn mà viếng mọi Phật độ, dẫn mọi chúng sanh đến cái nhận thức Duy tâm (Cittāmātra) [9].

Các vị Bồ tát phát nguyện rằng đến khi mọi chúng sinh chưa đạt đến Niết bàn thì ngài sẽ chưa rời bỏ cuộc đời đau khổ này mà phải hành động kiên trì, với mọi phương tiện thiện xảo để cứu giúp tất cả loài: “Do bởi mười vô tận nguyện của các Ngài, ngài sẽ đưa tất cả chúng sinh đến sự chín muồi và ngài hiện ra nhiều hình tướng khác nhau đáp ứng theo yêu cầu của mọi chúng sinh mà sẽ không bao giờ biết ngưng công tác của mình ở đâu cả; và tuỳ vậy, tâm Ngài vẫn luôn luôn an trụ trong trạng thái tự chứng và trong cả sự an hưởng thiền định viên mãn” [10].

Với Trí tuệ Bát nhã, các Ngài biết hết thảy chúng sinh rất rõ ràng, thân tướng của họ khác nhau, loại thân khác nhau, căn tánh trí ngu khác nhau, lại có thể quán sát nơi thọ sinh của những chúng sinh này cũng khác nhau. Ngài có thể tuỳ theo thân tướng, căn tánh, biệt loại khác nhau, trí ngu chẳng đồng; ứng với sự mong cầu của chúng sinh, tuỳ loại mà vì họ hiện thân, để giáo hóa họ; ví như hình ảnh của Bồ tát Quán Thế Âm trong phẩm Phổ Môn của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, có thể hóa hiện vô số thân, từ Bồ tát, Bích Chi Phật, Thanh Văn, cho tới hình tượng đồng nam, đồng nữ,… để vì họ mà nói Pháp, tuỳ theo căn tánh của họ [11]. Nghĩa là tuỳ theo sở ứng, mà vì họ hiện thân, để giáo hóa cho thành thục quả vị Bồ đề.

Mỗi người đều có những vai trò khác nhau trong xã hội. Bằng việc làm tròn trách nhiệm đối với từng mối quan hệ xã hội là chúng ta đang là những hoá thân của một vị Bồ tát để giúp cho người thân. Chúng ta có thể lắng nghe tâm tư nguyện vọng những người xung quanh.

QUÁ TRÌNH TU TẬP ĐẠT TỚI ĐỊA VỊ BẤT ĐỘNG
Bất động còn là địa vị thứ 8 trong 10 địa vị [12] của hàng Bồ tát. Trong sự nghiệp tâm linh của mình, đầu tiên các vị Bồ tát phát ra 10 lời thệ nguyện [13], nhập vào địa thứ nhất gọi là Hoan hỷ địa. Địa này hoàn toàn không miêu tả cái cảnh giới nhận thức nội tại (Pratyātmagati) của vị Bồ tát theo ý nghĩa sâu nhất vì các ngài chưa nhập vào Vô công dụng địa. Ở đấy, tất cả mọi nỗ lực có ý thức của Ngài đều được bỏ đi. Lòng từ bi với tất cả chúng sinh là động lực mạnh mẽ nhất xuyên suốt sự phát triển tâm linh của các vị Bồ tát và các Ngài sẽ không thể nào lên các quả vị cao hơn nếu trái tim không vượt khỏi Nhị biên phân biệt. Như thế, vị ấy chuyển từ địa vị thứ nhất lên đến địa vị thứ bảy.

Khi lên tới đến địa vị thứ bảy gọi là Viễn hành địa, tại đây, các Ngài vẫn chưa ra khỏi cái ý nghĩ phải cố gắng để đạt một mục đích cụ thể nào đó; cho nên luôn luôn cần tới sự nỗ lực và kiên quyết. Nhưng giờ đây, các Ngài đã hoàn thành công việc này nhờ Gia hạnh (Prayogihacarya) và trên đường đi tới Vô công dụng hạnh mà ở đó hoàn toàn không có dấu vết của cái ý thức về sự cố gắng.

Ở địa vị này, các vị Bồ tát đã nỗ lực để không bị một cuộc sống phiền não tác động hay làm nhiễm ô. Nhờ công hạnh Ba-la-mật, các vị Bồ tát đi “xuyên qua thế giới” mà không bị nhiễm ô bởi các uế trược, nhưng vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi những phiền não và những hành động do phiền não. Tuy nhiên, nếu các ngài từ bỏ những tác ý và nỗ lực có mục đích, bỏ hết những công việc có tính cách nỗ lực, gọi Xả nhất thiết công dụng hạnh (Sarvābhogavigata), đạt được trạng thái tâm thức Vô công dụng hạnh (Anābhogavigata) thì sẽ bước vào địa vị thứ tám gọi là Bất động địa (Acalā bhumī).

Nó chính là kết quả của sự dụng công mạnh mẽ và khi sự không dụng công không được sự dụng công đi trước nó thì nó sẽ không bao giờ đạt được. Với sự quả quyết lớn và những nỗ lực không ngừng nghỉ mà các vị Bồ tát đã cứu độ hết thảy chúng sinh ra khỏi vô minh và mê lầm, cuối cùng thì đạt đến địa thứ tám. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tất cả những cố gắng có tác ý đều bị trừ khử. Sự nhận thức của các vị Bồ tát không bị ngăn ngại bởi những kiến giải mang tính nhị biên hay bởi hình tướng nằm bên ngoài. Vì vậy, Bồ tát khi bước vào địa vị Bất động này thì trừ bỏ được Đoạn kiến, nghĩa là từ bỏ việc không hiểu tính Như thực, Chân lý của các sự vật [14].

Sự Vô công dụng hạnh, hay tinh thần Bất động (Acalā) ở địa vị thứ tám này của Bồ tát trong Kinh Thập Địa được ví như một chiếc thuyền lớn. Khi chưa ra tới biển lớn thì cần phải bỏ nhiều công sức để cho thuyền chạy, nhưng khi ra tới biển thì không cần phải cố sức; nó sẽ tự chạy được bởi sức gió.

Lúc này vị ấy gỡ ra khỏi tâm, Mạt-na, Mạt-na thức và các ý tưởng phân biệt nên trong vị ấy chấp nhận rằng tất cả sự vật là “vô sinh” (nghĩa là mang tính duyên khởi, không có tự tánh). Khi Bồ tát tích tập cả một kho lớn đầy thiện nghiệp và dong thuyền ra biển lớn của Bồ tát tính thì một giây phút hành động vô công dụng sẽ vượt trội những hành động nỗ lực có tác ý đến vô cùng.

Về mặt giải thoát, Bồ tát địa thứ tám tương đương với một A-la-hán, nghĩa là có khả năng dứt bỏ hẳn sinh tử luân hồi để vào Niết bàn an vui vắng lặng. Nhưng vì lời nguyện độ sinh phát xuất từ đại bi, với Bồ tát, Niết bàn là một phát triển giới hạn, thậm chí là một giới hạn vĩnh viễn. Bồ tát sẽ không chịu dừng lại và ra đi ở địa thứ tám mà còn tiến lên nữa, còn độ sinh rộng lớn và sâu sắc hơn nữa, thành Đại Bồ tát (địa chín, địa mười) và sau cùng là thành Phật. Thực hành vẫn là thực hành Không, Vô tướng, Vô tác (hay Vô nguyện), là những tính chất của Niết bàn vô sinh, nhưng vẫn “tránh né”, không thực sự buông bỏ đại nguyện để chứng nhập Niết-bàn. Điều này được Kinh Đại Bát nhã gọi là “Học không bất chứng”. Trái tim từ mẫn này không có động lực thầm kín nào ngoài sự vận hành tự nhiên của chính nó với sự thanh tịnh, không nhiễm ô, vì nó đã nằm trên cái tính tương đối của Hữu và Phi hữu (Trí bất đắc hữu vô).

Học thuyết Bất động (Vô công dụng hạnh hay Vô khai phát hạnh) được xây dựng trên khả năng phát khởi tâm từ ái đối với tất cả các chúng sanh, mặc dù các chúng sinh đều không có Ngã thể, chỉ mang tính tương đối về giá trị hiện hữu. Đối diện với cuộc đời đầy cấu uế, khổ đau, mọi hiện tượng đều giả tạm, nhưng với trái tim thương xót của hàng Bồ tát, các ngài đã dang rộng vòng tay cứu độ hết thảy những kẻ khổ đau trong biển luân hồi sanh tử. Đây được xem là giai đoạn quan trọng nhất và mang ý nghĩa triết học không chỉ trong Kinh Lăng Già mà cả trong nền giáo lý của Đại thừa.

ỨNG DỤNG TU TẬP TRIẾT LÝ ACALÃ VÀ PHỤNG SỰ
Với tinh thần Bất động được xây dựng trên nền tảng của Trí tuệ vô phân biệt và Lòng từ bi với tất cả chúng sanh, hình tượng Bồ tát đã được các học giả Đại thừa khoác lên mình một chiếc áo của sứ mệnh thiêng liêng là cứu độ tất cả mọi người đang trong chìm đắm trong biển khổ của sinh tử luân hồi. Hình ảnh đấy không chỉ lý tưởng trên từng trang kinh sách mà đã được hiện thực hóa trong đời sống thường nhật với phương châm “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác” trong suốt chiều dài lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Tinh thần Bất động thể hiện qua hình ảnh các vị cao Tăng đạo hạnh, có uy tín đã đứng ra đảm nhận vai trò quân sư, cố vấn cho triều đình, lèo lái con thuyền dân tộc. Điển hình là vào thời nhà Đinh, Thiền sư Ngô Chân Lưu được ban chức Tăng thống, hiệu là Khuông Việt Đại sư. Thời Tiền Lê có Thiền sư Pháp Thuận và Vạn Hạnh làm cố vấn chính trị, giúp vua xây dựng và bảo vệ đất nước. Sang đến thời Lý, Thiền sư Vạn Hạnh đã cố vấn cho vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La (Thăng Long-Hà Nội), biến nơi đây thành trung tâm chính trị – văn hóa – xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Những vị Thiền sư như: Đa Bảo, Viên Thông,… dù không màng danh lợi, chức tước, quyền lực nơi chính trường, nhưng vẫn dõi theo đời sống nhân dân, quan tâm đến sự thịnh suy của nước nhà; từ đó khởi lòng từ bi vô hạn, nhiều lần chấp nhận lời thưa thỉnh của vua Lý Thái Tổ vào cung luận bàn việc nước.

Đến thời Trần, sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm với tinh thần “Hoà quang đồng trần” của ngài Tuệ Trung Thượng sĩ và hành trạng hoằng pháp lợi sinh của vua Trần Nhân Tông như là sự dấn thân của Bồ tát đi vào thế gian, đã cho thấy chủ trương của Phật giáo thời Trần là đem sự tu chứng đi vào cuộc đời; giúp người dân tiếp cận Chánh pháp mà tu hành theo đạo giải thoát ngay trong cuộc sống thường nhật. Mặc dù lo việc triều chính, nhưng tâm thể của ngài đã dừng bặc mọi tham luyến nơi thế gian nên gọi là:
“Mình ngồi thành thị
Nết dụng sơn lâm
Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính
Nửa ngày rồi tự tại thân tâm” [15].

Tâm thể các Ngài đã đạt tới cái nhìn vô phân biệt, rỗng rang giữa ngai vàng và toà cỏ, có chăng chỉ là lấy tấm lòng từ bi và tuệ giác giải thoát của mình mà điều hành việc nước; khi xong việc thì trở về với tâm thanh tịnh hằng có. Tư tưởng ấy đã tích cực đem ánh sáng giác ngộ chan hoà vào đời sống xã hội, mang lại an lạc hạnh phúc cho số đông quần chúng. Chính tinh thần Bất động lưu xuất từ trí tuệ siêu việt, tấm lòng từ bi của các Thiền sư đã góp phần tạo nên một nền đạo đức, văn hóa tâm linh của Phật giáo, góp phần vào sự thịnh trị của nước nhà.

Sang giai đoạn cận đại, ngọn lửa Bất động của những vị Bồ tát vẫn đang được những người đệ tử Như Lai giữ gìn và tiếp nối. Vào năm 1963, vì bị chính quyền Sài Gòn đàn áp, Đạo Phật đứng trước nguy cơ pháp nạn, Tăng Ni Phật tử không thể tự do sinh hoạt tín ngưỡng của mình, dẫn đến cảnh “y vàng thấm máu”. Đứng trước tình cảnh đau lòng ấy, Bồ tát Thích Quảng Đức đã phát nguyện:
“Đệ tử ngày nay nguyện đốt mình
Làm đèn soi sáng nẻo vô minh
Khói thơm cảnh tỉnh ai còn ‘ngốc’
Tro trắng phẳng san hố bất bình”.
(Thơ Di bút của Hoà thượng Thích Quảng Đức)

Ngọn lửa từ bi mà Ngài thắp lên đã là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho toàn thể nhân loại về lòng yêu chuộng hoà bình, phản đối chính sách đàn áp bạo tàn của thể chế độc tài Ngô Đình Diệm, kêu gọi sự hiểu biết, thái độ tôn trọng tự do tín ngưỡng, tinh thần hoà hợp đoàn kết dân tộc. Hình ảnh Ngài ngồi trong biển lửa mà nét mặt vẫn bình thản là bài học cho hàng hậu học về tinh thần từ bi, vô uý, bất động của hàng Bồ tát: ngồi trong biển lửa sinh tử mà vẫn an trụ trong lòng pháp tánh chân như. Sang giai đoạn hiện đại, với tinh thần “Đạo Bụt nhập thế” (Engaged Buddhism), Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đem yếu tố Chánh niệm của Đạo Phật và văn hóa Phật giáo Việt Nam lan toả nơi trời Tây, nhóm lên ngọn lửa của “sự hiểu biết và lòng thương yêu”, giúp bao người xoá bỏ nỗi khổ niềm đau, nhận chân ra hạnh phúc nằm trong hiện tại.

Về mặt tu tập cá nhân, mỗi người cũng có thể thực hiện tinh thần Bất động của một vị Bồ tát bằng cách làm lớn mạnh thêm về trí tuệ và tâm từ bi của chính mình đối với mọi người xung quanh thông qua việc học tập gương hạnh của các ngài. Chúng ta có thể học theo gương hạnh của Bồ tát Quán Thế Âm bằng cách bố thí năng lượng bình an cho những người kém may mắn hơn mình. Khi có người gặp khó khăn, chúng ta phát tâm giúp đỡ không chỉ bằng vật chất như: cơm, áo, gạo, tiền,… mà còn bằng cả tinh thần như một bờ vai, một cái ôm, hay một lời chia sẻ để giúp người khác giải toả những bế tắc. Thiền sư Nhất Hạnh đã từng nói: “Nhiều khi chúng ta chỉ cần lắng nghe thôi, lắng nghe cho thật sâu sắc, không phân biệt, không phán xét, là chúng ta đã có thể giúp cho người khác bớt khổ rồi, đấy là ta đang học hạnh lắng nghe với một trái tim từ bi và một trí tuệ vô phân biệt”. Chúng ta cũng có thể học hạnh bao dung, quảng đại và tinh thần phụng sự chúng sanh không mệt mỏi của Bồ tát Địa Tạng với phương châm: “Địa ngục vị không/ Thệ bất thành Phật/ Chúng sanh độ tận/ Phương chứng Bồ đề”; nghĩa là luôn tìm cách có mặt ở bất cứ nơi nào mà bóng tối, khổ đau, tuyệt vọng và áp bức đang trấn ngự, để mang đến nơi ấy ánh sáng của niềm tin, hy vọng và giải thóat. Đồng thời học hạnh vững chãi và kiên trì của đất, biết ôm ấp tất cả những hạt giống dù xấu xa hay thiện lành vào trong đất tâm rồi chuyển hóa những hạt giống xấu thành hoa trái của hiểu biết, thương yêu và gieo trồng chăm sóc những hạt giống thiện lành để hiến dâng cho chúng sanh những quả ngọt từ bi và trí tuệ.

Khi đối diện với những khổ đau, bế tắc, phiền não trong cuộc sống hay công phu tu tập, chúng ta có thể học hạnh của Bồ tát Văn Thù Sư Lợi khi biết dừng lại và nhìn sâu vào bản chất sự vật, thấy được tính vô thường vô ngã của vạn pháp; rồi dùng gươm trí tuệ để cắt đứt đi những phiền não khổ đau. Sau đó, dùng lưỡi kiếm trí tuệ này cứu thoát mọi người trước kẻ thù của phiền não, tham sân si. Bồ tát Phổ Hiền dạy cho chúng ta về tinh thần phụng sự với mười thệ nguyện để đem con mắt và trái tim đi vào cuộc sống, “sáng dâng cho người niềm vui, chiều giúp cho người bớt khổ” bằng chính lời nói, cái nhìn của mình; thấy được hạnh phúc của người cũng chính là hạnh phúc chính mình, từ đó nỗ lực trong công phu tu tập. Kinh Pháp Hoa có giới thiệu về một vị Bồ tát tên là Thường Bất Khinh bởi sư luôn xá chào cung kính và khen ngợi người khác. Học theo đức hạnh của Ngài, chúng ta nguyện chỉ “tưới tẩm hạt giống tốt” nơi ta và những người xung quanh, hành xử và nói năng với đức tính khiêm cung, nói lời ái ngữ để những người thân vượt qua mặc cảm tự ti; đó chính là công phu của một cái nhìn sâu sắc, với con mắt không có kỳ thị của một vị Bồ tát sống được với tinh thần Bất động, một trái tim từ bi và một khối óc vô phân biệt.

Mỗi người đều có những vai trò khác nhau trong xã hội. Bằng việc làm tròn trách nhiệm đối với từng mối quan hệ xã hội là chúng ta đang là những hóa thân của một vị Bồ tát để giúp cho người thân. Chúng ta có thể lắng nghe tâm tư nguyện vọng những người xung quanh. Ví dụ với Phật tử tại gia, mình là thầy hướng đạo, nhưng với các thầy tổ thì mình lại là người đệ tử, với huynh đệ đồng tu thì mình là bạn bè, là anh em,… Khi sống đúng vai trò trong từng mối quan hệ, đặt mình vào vị trí của người khác để lắng nghe, thấu hiểu, cảm thông, thì khi đó, ta đang vận dụng phương tiện thiện xảo hóa thành muôn ngàn hóa thân như một vị Bồ tát với trí tuệ và từ bi. Chỉ khi ấy, ta mới hiểu thấu nỗi niềm sâu kín nhất trong tâm hồn người bên cạnh, mới chia sẻ được những khó khăn của người thân và từ đó giúp họ xoá bỏ khổ đau khi có được sự chia sẻ cảm thông từ chúng ta.

KẾT LUẬN
Trên nền tảng Tuệ giác và Từ bi, Kinh Lăng Già đã trình bày trọn vẹn lộ trình tu tập để giáo hóa cho hàng Bồ tát thông qua triết lý Bất động. Lộ trình tu tập có nhiều khó khăn gian khổ, thách thức, bế tắc; muốn vượt qua được, ngoài việc nhận sự gia trì của chư Phật thì hàng Bồ tát phải thể nhập được vào tánh Không, thấy tất cả “như hoa đốm giữa hư không”, “như mộng huyễn”, “như bóng trong gương, như điện chớp”, triệt tiêu mầm mống của chấp có, chấp không, chấp thường, chấp đoạn, vượt lên trên tất cả để thong dong tự tại, “hưng khởi tâm đại bi” đi vào cuộc đời, nối tiếp bổn hoài của chư Phật cứu tế chúng sinh. Triết lý Bất động lập trình cho chúng ta cái hiểu, cái thấy, cái tư duy đúng đắn, để dẫn đến từng hành động đúng đắn, là một nguồn sinh lực duy nhất để xây dựng nên thế giới văn hóa, tâm linh an bình.

Thế nên, những ai tìm đến với Kinh Lăng Già đều sống lại sơ tâm “giác ngộ”, khả năng tự chứng nơi mình; từ đó có thể cứu giúp hết thảy chúng sinh đang lặn ngụp trong biển lớn sinh tử; vì mỗi chúng sinh đều có một vầng trăng sáng của Như Lai tạng. Chỉ cần xua tan đi vầng mây đen tối của vô minh thì ánh trăng sáng ấy sẽ lại tròn đầy, hiển hiện giữa mặt hồ tĩnh lặng. Đấy là một hình ảnh tuyệt đẹp trong giáo lý nhà Phật, chính là ánh trăng Lăng già lung linh tịch chiếu giữa hồ tâm mà Thiền sư Huệ Sinh đã từng cảm thán:
“Tịch tịch Lăng Già nguyệt
Không không độ hải chu
Tri không, không giác hữu
Tam muội nhậm thông chu” [16].

Dịch nghĩa :
“Trăng Lăng Già lặng chiếu
Thuyền vượt biển trống không
Không cũng không như có
Định tuệ chiếu vô cùng”.
(Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch)

Chú thích:
[1] G.P. Malalasekera, Encyclopeadia of Buddhism, The Goverment of Cyclon, Ceylon, 1961, tr.153.
[2] Hán dịch: Thiệt-xoa-nan-đà, Việt dịch: Thích nữ Trí Hải, Kinh Đại thừa nhập Lăng Già, Nxb. Hồng Đức, TP. Hồ Chí Minh, 2019,  tr.59.
[3] TT. Thích Chúc Tín, Giáo án Laṅkavatārs sūtra, Lưu hành nội bộ, 2022, tr.130.
[4] Sđd 3, tr.276.
[5] Sđd 2, tr.136-137.
[6] Sđd 2, tr.76.
[7] Sđd 2, tr.215.
[8] Sđd 2, tr.29.
[9] Sđd 2, tr.296-308.
[10] Sđd 2, tr.273.
[11] Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2009, tr.512.
[12] Mười địa là: Hoan Hỉ địa, Li Cấu địa, Phát Quang địa, Diệm Huệ địa,  Nan Thắng địa, Hiện Tiền địa, Viễn Hành địa, Bất Động địa, Thiện Huệ địa, Pháp Vân địa.
[13] 1. Kính lễ chư Phật; 2. Xưng tán chư Như Lai; 3. Quảng tu cúng dường chư Phật, nhất là “pháp cúng dường”; 4. Sám hối nghiệp chướng; 5. Tùy hỷ công đức, có nghĩa là vui theo bất cứ công đức nào mà người khác đạt được. 6. Thỉnh cầu Phật chuyển Pháp Luân; 7. Thỉnh cầu Phật trụ thế; 8. Luôn luôn học theo gương Phật; 9. Luôn luôn hòa thuận với chúng sinh; 10. Hồi hướng tất cả.
[14] Sđd 2, tr.167.
[15] Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2010, tr.339.
[16] Sđd 15, tr.122.