Ảnh hưởng của Phật giáo trong quan điểm về cách giáo dục gia đình của Nữ sử Ðạm Phương (SC. Thích Nữ Hiền Nguyện)

Tóm tắt: Nữ sử Đạm Phương (1881-1947), thứ nữ của Hoằng Hóa Quận vương – con trai thứ 66 của vua Minh Mạng, đồng thời là mẹ của nhà văn Nguyễn Hải Triều và bà nội của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Nữ sử là người phụ nữ tài hoa, viết văn, làm báo, nhà giáo dục, nhà hoạt động tiên phong trong các công tác xã hội. Bà đã có rất nhiều đóng góp trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục. Với nữ sử, tâm tính là điều kiện tiên quyết, là nền tảng, học thức là cái bổ trợ vào đó, làm cho sự giáo dục được trở nên hoàn thiện hơn. Với truyền thống gia đình của chồng theo Phật giáo đã ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng của nữ sử trong giáo dục gia đình.

1. QUAN ĐIỂM GIÁO DỤC CỦA SỬ XỬ ĐÀM PHƯƠNG

1.1. Giáo dục toàn diện tài và đức đối với người phụ nữ

Theo nữ sử**, giáo dục phải là một công trình phát nở: Phát nở cơ thể, phát nở tri thức, đạo đức của con người. Tôn chỉ giáo dục của nam và nữ đều như nhau, phải được giáo dục toàn diện cả đức dục, thể dục và trí dục. Muốn xã hội tốt đẹp, trước tiên phải giáo dục từ trong những gia đình và mỗi cá thể của gia đình đó, nữ sử nói: “Một xã hội tốt hay xấu là do tại gia đình tốt hay xấu, mà gia đình tốt hay xấu là do sự giáo dục của mỗi gia đình đối với mỗi cá nhân mà tạo ra” [2, tr.374]. Với tư cách người sáng lập và xác lập ngành Gia đình học, nữ sử đã gắn tên tuổi của mình với hàng trăm bài báo xoay quanh vấn đề giáo dục gia đình nhưng hệ quy chiếu của các bài viết về phụ nữ là chính và đằng sau đó là nhi đồng. Có thể nói, ý thức về nữ quyền là chí hướng, tâm nguyện luôn thường trực trong giáo dục của nữ sử.

Trong sách Phụ nữ dự gia đình, Bà viết: “Cái xinh đẹp của người đàn bà phần nhiều tự trời sinh ra, còn tốt hơn tự trang sức lấy. Chí như cách ăn ở lịch sự do tâm tính vẫn còn có ít thuộc về thiên tư, còn ra thì phải học ngôn từ đức hạnh, nhiên hậu người đàn bà khôn khéo đến đâu cũng không nên vượt qua cái vòng luân lý đạo nghĩa được; nếu không như thế, thì cái trí thức tăng tiến bao nhiêu, là làm cho tai hại bấy nhiêu, vì ngoài mặt phơn phớt uốn lưỡi, lời nói như mật rót vào tai, mà trong lòng chứa đựng nham hiểm như con rắn độc, giết người không dao, có là sự phô bày ra đó” [2, tr.470]. Nữ sử khẳng định, học vấn và nâng cao dân trí là con đường để người phụ nữ tự giải phóng mình, sở dĩ người phụ nữ bị thiệt thòi so với đàn ông, bị phụ thuộc đàn ông chỉ vì thiếu học vấn và tri thức chưa đủ… Phụ nữ cần phải có học để nâng cao kiến thức, học để có khả năng độc lập suy nghĩ, để nhận biết đúng sai, để tự tin trong gia đình và xã hội, để đánh đổ thói nam tôn nữ ti, bước lên cái bước thành nam nữ bình quyền. Điều này, khi Phật còn tại thế chính kim khẩu Ngài đã xác chứng Ni giới nếu tu tập vẫn chứng tứ Thánh quả (bốn quả vị Sa môn), vẫn có thể lãnh đạo Ni đoàn phát triển không hề thua kém Tăng đoàn, nếu người phụ nữ ấy được học tập và giáo dục tốt. Theo nữ sử, cái đẹp không phải do tiền bạc làm ra, do trang sức làm đẹp, do cha mẹ để lại, mà do ứng xử thân tình, vị tha: “Vả lại sự phú quý có phải sách bia truyền phụ thừa tử kế đâu, nó như mây nổi như chiêm bao, mai còn tối hết, tụ tán không thường, người ta nên lấy lòng bác ái mà đãi nhau thời hơn”[3].

1.2. Giáo dục nhi đồng  

Sau phụ nữ, đối tượng được nữ sử quan tâm, đề cao trong giáo dục là nhi đồng, Bà cho rằng: “Giáo dục nhi đồng là nghệ thuật của những nghệ thuật”. Đối với công trình nghệ thuật này nhà nghệ sĩ phải có tài, có học thức và có đạo đức. Nữ sử rất kỳ vọng vào tuổi thơ, trong lời nói đầu của cuốn sách Giáo dục nhi đồng nữ sử viết: “Thiếu niên là tương lai của quốc gia, hương hoa của chủng tộc” [2,tr.481].

“Đối với chồng, phải trọng nể, đừng lấy lòng thương yêu mà đem lòng lờn dễ,… mình phải giữ đạo làm vợ, để cho người ta phải giữ đạo làm chồng, hết lòng, hết sức lo lắng công việc gia đình,… người phụ nữ không phải nô lệ của người đàn ông, phục tòng về đạo đức chứ không phải phục tòng về oai quyền”.

Nữ sử cho rằng, giáo dục nhi đồng phải đặt lên hàng đầu trong các lứa tuổi: “Trước khi nói đến giáo dục thanh niên hãy nói đến giáo dục nhi đồng đã. Vì giáo dục nhi đồng là nền tảng cho tất cả các giáo dục”[2, tr.482]. Nét tiến bộ trong quan niệm giáo dục nhi đồng của nữ sử là bác bỏ quan niệm “Nhân chi sơ tính bản thiện” mà coi thiện – ác, tốt – xấu là sản phẩm của giáo dục. Người mẹ cần phải biết nuôi dạy con cái, giáo dục có phương pháp không thể phó mặc theo kiểu “Trời sinh voi trời sinh cỏ”. Có thể nói, những quan điểm trong giáo dục của nữ sử không phải là những vấn đề quá mới mà nó vô cùng quen thuộc, vì đó là đạo lý sống của một con người. Nhưng qua nhận thức của nữ sử, các vấn đề này được khai thác, phân tích, lý giải từ tầm nhìn mới mẻ, có tính hiện đại để xây dựng một quốc gia văn minh, một xã hội hiện đại và một gia đình hạnh phúc. Tư tưởng nhân văn, triết lý đạo đức trong sáng tác và trong giáo dục của nữ sử không phải ngẫu nhiên mà là sự huân tập học hỏi. Ngoài truyền thống gia đình theo Phật giáo, nữ sử thường xuyên đến chùa thân cận với các bậc tu hành xuất chúng, kỳ tài như Sư bà Thích Nữ Diệu Không, nữ sử và Sư bà cũng có thời gian cùng tương tác, hoạt động ở Nữ công học hội, do nữ sử sáng lập. Sư thầy Viên Thành chùa Tra Am (Huế) là đệ tử của Đại sư Viên Giác (Nguyễn Khoa Luận) khai sơn chùa Ba La Mật (Huế)… Để thể hiện lòng thành đối với Phật pháp, nữ sử đã lấy chữ “Diệu” trong “Diệu Pháp Liên Hoa kinh” một trong những bản kinh Đại thừa của Phật giáo để đặt tên lót cho những người con gái dòng họ Nguyễn Khoa. Đây là một điểm hết sức thú vị, mở đường cho những ai có ý tưởng tốt đẹp như thế.

Có rất nhiều bài báo của nữ sử nói về tư tưởng giáo dục, nhân văn. Một nhà từ thiện ít có, số ra ngày 10/5/1925, thể hiện quan điểm: “Người ta để lại một sự nghiệp về sau, thì chỉ có hai chữ công đức, công đức là cái gốc kỷ niệm, tượng đồng bia đá cũng từ đó mà ra”. Nguồn có trong thì dòng mới sạch (Trung Bắc Tân Văn), số ra ngày 29/3/1925, Làm người chớ quên ơn (Trung Bắc Tân Văn) số ra ngày 11/01/1926… Hay Bảo tồn nhân cách (Trung Bắc Tân Văn) số ra ngày 27/5/1925 nói về nhân cách của một người, khuyên con người tự bảo tồn nhân cách và phải bảo tồn cho người khác… Những tác phẩm của nữ sử đều có tính triết lý nhân văn, có giá trị đạo đức, thấm nhuần tư tưởng Phật giáo, nhờ vậy mà con người vơi đi khổ đau, tìm được an lạc trong cuộc sống. Nữ sử viết: “Vì cái thành thật là một cái giá trị rất lớn, như đã mất đi sự trông cậy của người đời, thì phỏng mình còn danh dự gì là người đời nữa, cho nên có câu không bao giờ nên nói dối” [1,tr.291].

2. TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC GIA ĐÌNH THEO TINH THẦN PHẬT GIÁO CỦA NỮ SỬ ĐÀM PHƯƠNG 

2.1. Bổn phận người vợ

Tờ báo Trung Bắc Tân Văn, số ra ngày 6/11/1924; mục Lời đàn bà, có đăng bài viết: “Người đàn bà muốn giữ quyền lợi của mình phải nên có mười điều”. Trong đó có một số điều tiêu biểu có thể nói là ảnh hưởng sâu sắc, cụ thể ảnh hưởng kinh Thiện Sanh, bài Kinh số 16, trong Trường A Hàm kinh. Đây là bản kinh nói về nữ giới đầu tiên, sự bình đẳng nữ giới và giải phóng về nữ giới. Khi xã hội phương Đông nói chung và Ấn Độ nói riêng người phụ nữ rất bị coi thường, khinh rẻ và bất bình đẳng với nam giới thì bản kinh Thiện Sanh là tiếng nói đầu tiên cho toàn thể nhân loại về sự bình đẳng, quyền lợi đáng có của người phụ nữ và tiếng nói đó được phát ra từ kim khẩu của Đức Phật.

Điều thứ 03 trong bài báo của nữ sử nói về trách nhiệm, xử thế của người vợ đối với người chồng, Bà viết: “Đối với chồng, phải trọng nể, đừng lấy lòng thương yêu mà đem lòng lờn dễ,… Mình phải giữ đạo làm vợ, để cho người ta phải giữ đạo làm chồng, hết lòng, hết sức lo lắng công việc gia đình,… người phụ nữ không phải nô lệ của người đàn ông, phục tòng về đạo đức chứ không phải phục tòng về oai quyền”.

Đối với vấn đề này, trong bài kinh Thiện Sanh số 16 cũng nói rõ:

Vợ có 05 điều đối với chồng:

– Dậy trước

– Ngồi sau

– Nói lời hòa nhã

– Kính nhường tùy thuận

– Đón trước ý chồng

Chồng cũng phải có 05 điều đối với vợ:

– Lấy lễ đối đãi nhau

– Oai nghiêm không nghiệt

– Cho ăn mặc phải thời

– Cho trang sức phải thời

– Phó mặc việc nhà [4].

2.2. Bổn phận của bậc làm cha mẹ

Về trách nhiệm, bổn phận của bậc làm cha mẹ, ở điều thứ 05 nữ sử viết: Biết cách nuôi con: Sinh con là nhờ lẽ tự nhiên của tạo hóa không tự sức mình ưng muốn là đặng, duy cái công nuôi dạy mới thực sự mình ưng muốn làm sao thì đặng làm vậy; cách nuôi trẻ con, giữ gìn lúc ăn uống, khi đau đớn, khôn lớn khuyên bảo học hành, luyện tập tính tình, gây dựng nên nòi giống tốt, thay đổi một phần trọng yếu cho đàn ông.

Đối với điều này, kinh Thiện Sanh dạy, cha mẹ phải lấy 05 điều để chăm sóc con cái:

– Ngăn chặn con đường để làm việc ác

– Chỉ bày những điều ngay lành

– Thương yêu đến tận xương tủy

– Chọn nơi hôn phối tốt đẹp

– Tùy nơi cung cấp để cần dùng. [4].

2.3. Bổn phận của người con và mối quan hệ chủ – tớ

Nữ sử đã vận dụng cả quan điểm của phương Tây lẫn phương Đông để nói: Con cái phải hiếu thảo với cha mẹ. Cách ngôn phương Tây: “Người ta mà không hiếu thảo với cha mẹ dầu hết lòng với người khác cũng vô ích”. Người con cũng phải có 05 điều đối với cha mẹ:

– Cung phụng không để thiếu thốn.

– Muốn làm gì thưa cha mẹ biết.

– Không trái điều cha mẹ làm.

– Không trái điều cha mẹ dạy.

– Không cản chánh nghiệp mà cha mẹ làm [4].

Cây có cội, nước có nguồn, con người sinh ra nhờ có cha mẹ, nâng niu, uốn nắn mới được lưng dài vai rộng, vì vậy phải hiếu thảo với cha mẹ. Người dâu phải coi mẹ chồng như mẹ mình, phải chăm sóc cho cha mẹ, khi tuổi già sức yếu. Điều này trong kinh Phạm Võng Bồ tát giới dạy: “Hiếu danh vi giới”, nghĩa là người có hiếu là người giữ giới. Trong xã hội, kẻ nghèo người giàu, người chủ và người làm thuê luôn tồn tại và có khoảng cách nhất định. Vậy mối quan hệ của họ phải được xây dựng như thế nào để duy trì và phát triển trong tốt đẹp tạo ra lợi ích chung. Mối quan hệ này nữ sử viết trong điều thứ 07: Đối với người ở trong nhà; bọn ấy là giúp việc cho mình nên niệm công lao khinh trọng, chớ nhứt luật coi giỏi cũng như lếu, hay cũng như dở, mà thất nhơn tâm.

Kinh Thiện Sanh lại dạy: Chủ đối với tớ có 05 điều:

– Tùy khả năng mà sai sử

– Phải thời thưởng công lao

– Phải thời cho ăn uống

– Thuốc thang khi bệnh

– Cho có thời gian nghỉ ngơi

Người tớ đối với chủ cũng có 05 điều:

– Dậy sớm

– Làm việc chu đáo

– Không gian cắp

– Làm việc có lớp lang

– Bảo tồn danh giá chủ [4].  

Đối với các mối quan hệ, nữ sử đề cao và giữ gìn, không phân biệt, với những ai sa sút, khó khăn không nên khinh bỉ hay vì họ quê mùa dốt nát mà xem thường. Dù sống trong thời nhiễu nhương nhưng cách nghĩ và cách làm của nữ sử rất tiến bộ, đi trước thời đại. Nữ sử xứng đáng là nhà giáo dục học của mọi thế hệ.

Kết luận

Hơn 70 năm trôi qua kể từ ngày nữ sử lìa khỏi nhân gian, chừng ấy thời gian có thể khiến con người quên đi nhiều thứ, nhưng những đóng góp của nữ sử đối với quê hương đất nước, đối với sự nghiệp giáo dục con người vẫn còn được lưu giữ. Một nhà giáo dục phụ nữ, nhà văn hóa, giáo dục nhi đồng, giáo dục gia đình và hơn hết là một Phật tử chơn chánh của Phật giáo. Chính nhờ việc thấm nhuần tư tưởng của Phật giáo đã giúp Bà có những phương thức giáo dục gia đình một cách minh triết, sáng suốt. Mỗi gia đình là một tế bào nhỏ xây dựng nên một xã hội lớn, gia đình tốt đẹp sẽ kiến tạo nên những mẫu nhân cách chuẩn mực, hoàn thiện nhân cách. Đồng thời, kiến thiết một xã hội thuần lương, đạo đức và phát triển bền vững. 

SC. Thích Nữ Hiền Nguyện

 

Chú thích và tài liệu tham khảo:

* Thích Nữ Hiền Nguyện, Học viên Cao học tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế

**Nữ sử: Theo bà Đạm Phương giải thích: “nữ sử” là người đàn bà có học kinh sử, còn nữ sĩ là người học trò con gái, là lời tự khiêm nhường mà thôi, (chữ nữ sử không viết hoa)”.

  1. Lê Thanh Hiền sưu tầm, biên soạn, giới thiệu, Nguyễn Khoa Điềm bổ sung (2010), Tuyển tập Đạm Phương nữ sử, Nxb. Văn học, Hà Nội.
  2. Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế – Viện Văn học Việt Nam (2011), Hội thảo Khoa học Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Đạm Phương nữ sử (1881-2011), Huế.
  3. Lục tỉnh Tân văn, số 1234, ngày 05/9/1922, tài liệu mới sưu tầm của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.
  4. Chùa Hàn Sơn (2016), Lời Phật dạy về đạo làm người (kinh Thiện Sanh), https://chuahanson.com/phat-giao-va-doi-song/loi-phat-day-ve-dao-lam-nguoi-kinh-thien-sanh-109.html, truy cập ngày 12/3/2022.

5.Michael Ellsberg (2013), Nền giáo dục của người giàu, Nxb. Lao động Xã hội

  1. Thích Nhật Từ (2019), Giáo dục Phật giáo: Bản chất. Phương pháp và giá trị, Nxb. Hồng Đức, TP. Hồ Chí Minh.
  2. Nữ sử Đạm Phương (2019), Giáo dục nhi đồng, Nxb. Kim Đồng,
  3. TS. Thái Kim Lan (2020), TS. Thái Kim Lan nói về dạy con theo tinh thần Đạo Phật, https://giacngo.vn/ts-thai-kim-lan-noi-ve-day-con-theo-tinh-than-dao-phat-post52284.html, truy cập ngày 10/3/2022.
  4. Thích Huệ Đăng dịch, kinh Báo đáp công ơn cha mẹ, Hà Nội: Nxb.Tôn Giáo, 2008, tr.34-35.
  5. Thích Minh Châu dịch (2013), kinh Trường Bộ, kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội.
  6. Thích Minh Châu dịch (2015), kinh Tăng Chi, chương II, phẩm Tâm thăng bằng, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội.
  7. TKN. Pháp Hỷ (2012), Giáo dục trong gia đình theo tinh thần Phật giáo, https://nguoiphattu.com/tin-tuc/giao-duc-trong-gia-dinh-theo-tinh-than-phat-giao.d-1871.aspx, truy cập ngày 10/3/2022.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *