Bên kia trăng gió vẫn thênh thang (Nguyễn Thế Đăng)

Thị tịch

Vạn duyên tiệt đoạn nhất thân nhàn
Tứ thập dư niên mộng huyễn gian
Trân trọng chư nhân hưu tá vấn
Na biên phong nguyệt cánh man khoan.

Dịch:
Muôn duyên cắt đứt một thân nhàn Hơn bốn mươi năm mộng huyễn gian Trân trọng nhắn người thôi chớ hỏi Bên kia trăng gió vẫn thênh thang.

Đây là bài kệ thị tịch của Thiền sư Pháp Loa (1284 -1330), Đệ nhị tổ phái Trúc Lâm Yên Tử. Qua bốn câu kệ này chúng ta có thể tìm hiểu ngài đã sống ra sao, và giải thoát của ngài là như thế nào.

Thiền sư Pháp Loa tên là Đồng Kiên Cương, người tỉnh Hải Dương. Năm 21 tuổi, gặp Sơ tổ Trần Nhân Tông theo ngài học đạo. Năm 24 tuổi (1307) được ngài Trần Nhân Tông trao y bát, đặt tên là Pháp Loa, trở thành Tổ thứ hai của dòng Thiền Trúc Lâm.

Sư xây dựng và trụ trì nhiều chùa như Siêu Loại, Quỳnh Lâm, Vĩnh Nghiêm, khắc bản Đại tạng kinh, giảng kinh Hoa nghiêm, Viên giác, viết chú sớ vài bộ kinh, in ấn và giảng các ngữ lục của tông phái, và độ

NGUYỄN THẾ ĐĂNG

cho nhiều người trong triều đình và dân chúng.
Tóm lại trong cuộc đời làm Tổ thứ hai, ngài có nhiều hoạt động Phật sự, nhất là tổ chức đời sống Phật giáo thành hệ thống Thiền Trúc Lâm. Chúng ta thử hình dung, để kế tục sự nghiệp đạo của vua Trần Nhân Tông, lại còn mở mang

thêm tông phái, công việc của vị ấy như thế nào. ** *

Thế mà xem ra ngài ung dung, nhàn hạ, có vẻ không bị cái gì trói buộc, bởi vì nếu bị trói buộc nhiều thì không dễ gì “cắt đứt”, dù là lúc cuối đời:

Muôn duyên cắt đứt một thân nhàn.

“Một thân nhàn” này là thân trần thế, hay là sắc thân, có sanh ra và có diệt mất, thân của sanh lão bệnh tử, thân của nhân quả nghiệp báo. Vậy tại sao lại nói thân ấy nhàn. Sắc thân sở dĩ nhàn được, là vì nó kết nối được với pháp thân, với nền tảng của chính nó là pháp thân.

Mà pháp thân thì không sanh không diệt, như kinh Hoa nghiêm nói:

Pháp thân vốn vô sanh Mà thị hiện xuất sanh Pháp tánh như hư không Chư Phật trụ trong đó. Không trụ cũng không đi Mọi nơi đều thấy Phật

Vô thể vô sở trụ
Cũng không có chỗ sanh Không tướng cũng không hình Chỗ hiện đều như bóng.

(Như Lai hiện tướng, phẩm thứ hai)

Sắc thân khi không biết nguồn gốc của nó, không biết nền tảng pháp thân từ đó nó xuất sanh, thì sắc thân ấy là chúng sanh, lạc lõng trong sanh tử, không biết mình sanh ra từ đâu, sống để làm gì, chết đi về đâu. Với người biết được nền tảng, gốc gác của cuộc đời trần thế của mình, biết và sống được chỗ quy y tối hậu của mình, thì không lo sợ mà nhàn nhã, an vui.

Người chỉ biết và sống hoàn toàn trong sắc thân có sanh có diệt thì những kinh nghiệm của người ấy cũng là sanh diệt, do đó mà đưa đến khổ đau, trôi lăn trong sanh tử. Còn người biết và sống, dầu có thể chưa hoàn toàn, trong pháp thân không sanh không diệt thì cuộc đời thế gian của người ấy xuất hiện như mộng như huyễn, không bị trói buộc vì bám chấp vào những cái vô thường, không thật. Cuộc đời thế gian đối với người này chỉ như viết trên mặt nước, vẽ giữa hư không.

Câu thứ hai của bài kệ cho chúng ta biết ngài Pháp Loa đã nhìn cuộc đời thế gian của ngài như thế nào:

Hơn bốn mươi năm mộng huyễn gian.

Ngài đã thấy cuộc đời hoạt động giữa thế gian của mình như mộng, như huyễn. Sở dĩ như vậy vì cuộc đời sắc thân của ngài đã kết nối và sống được với pháp thân. Và khi sống được trong pháp thân thì sẽ thấy cuộc đời sắc thân là như mộng, như huyễn, như ảo ảnh, như tiếng vang, như trăng trong nước…

Kinh Hoa nghiêm nói về người sống trong pháp thân như sau:

Như Lai tạng pháp thân Vào khắp trong thế gian Dầu ở nơi thế gian
Mà không nhiễm thế pháp. Ví như nước trong sạch Hình bóng không đến đi Pháp thân khắp thế gian Nên biết cũng như vậy. Thân, thế gian thanh tịnh Lặng dừng như hư không Tất cả không có sanh

Biết thân là vô tận.
Không sanh cũng không diệt Chẳng thường chẳng vô thường Thị hiện các thế giới
Pháp tánh không đến đi.
Chẳng chấp ta, của ta
Ví như nhà huyễn thuật
Hiển hiện các sự vật
Sự không từ đâu đến

Sự không đi về đâu.
Tánh huyễn chẳng hữu lượng Cũng chẳng phải vô lượng
Ở trong đại chúng kia
Thị hiện lượng vô lượng.

(Phổ Hiền hạnh, phẩm thứ 36)

Sống trong “mộng huyễn gian” là sống trong giải thoát, mặc dầu vẫn sống ở đời để làm việc đạo. Đó là cuộc sống “dầu ở nơi thế gian, mà không nhiễm thế pháp”, một cuộc sống tự tại, tự do vì thấy và sống được bản tánh của mọi sự, pháp tánh, mà pháp tánh thì “không đến đi”, nghĩa là không sống chết.

** *

Trân trọng nhắn người thôi chớ hỏi Bên kia trăng gió vẫn thênh thang.

Ngài Pháp Loa đã chứng ngộ pháp thân, thế nên ngài mới được làm Tổ thứ hai. Ngài đã chứng ngộ pháp thân hay pháp tánh, mà “pháp tánh như hư không, chư Phật trụ trong đó”.

“Bên kia trăng gió vẫn thênh thang” nghĩa là bên kia là “pháp tánh như hư không, chư Phật trụ trong đó”. Ngài đã biết rõ cái bên kia là gì nên trước việc sắp bỏ sắc thân, ngài vẫn điềm nhiên “nhắn người thôi chớ hỏi”, lại còn từ bi khai thị cho mọi người cái chỗ sẽ đến của mình “bên kia trăng gió vẫn thênh thang”.

Với người bình thường, cái bên kia là cái hoàn toàn xa lạ, chưa từng biết. Chưa từng biết cho nên sợ hãi. Với ngài cái bên kia là cái quen thuộc, cái vẫn sống hàng ngày không lìa khỏi nó, cho nên chuyện ra đi không phải là cái gì ghê gớm đáng sợ. Có đến thì có đi, đâu có gì mà phải thắc mắc. Có điều cả đến và đi, với ngài, đều nằm trong pháp thân, cái không sanh không diệt, cái bao la như hư không, cái không đến không đi.

Với người đã chứng ngộ pháp thân như ngài thì bên kia là pháp thân mà bên này cũng là pháp thân. Bên kia là pháp thân không “xuất sanh”, không “thị hiện”, và bên này là pháp thân “xuất sanh, thị hiện”. Cho nên cuộc đời bên này với hơn bốn mươi năm của ngài cũng là “trăng gió vẫn thênh thang”.

Như vậy, Thiền sư Pháp Loa đã sống Niết-bàn trong sanh tử và sống sanh tử trong Niết-bàn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *