Biết người như xem trăng (Thích Nữ Huệ Quang)

Đối với Đức Phật, một Người đã giác ngộ, trên con đường
hoằng pháp lợi sanh, Ngài đã không ít lần sử dụng mặt trăng
để làm hình ảnh minh họa trong các bài thuyết pháp của mình.

Chẳng biết tự bao giờ, ánh trăng xuất hiện trong thi ca như một biểu tượng nghệ thuật đẹp đẽ. Chỉ là một vầng trăng sáng ngang trời nhưng tùy theo cặp mắt của người thưởng trăng mà chúng lại biến hóa bất đồng.

Đối với những kẻ tha hương cầu thực, trăng là hình ảnh gợi lên nỗi nhớ quê da diết như Lý Bạch trong bài thơ “Tĩnh dạ tứ”:

“Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương”.

Với những người sống trong một xã hội khắc khổ, chứng kiến nhiều bất công trong cuộc sống nhưng không thể làm được gì, tâm trạng đầy ngao ngán, như Tản Đà, trăng lúc bấy giờ là biểu tượng cho sự tự do, thoát tục, là nơi trốn đời, bằng một tiếng lòng tha thiết gọi trăng:

“Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi
Trần thế em nay chán nửa rồi
Cung quế đã ai ngồi đó chửa
Cành đa xin chị nhắc lên chơi”.

Với các cặp đôi đang yêu nhau, trăng là nhân chứng của lời thề non, hẹn biển. Trong tâm hồn ngây thơ của lũ trẻ, trăng khuyết như một chiếc thuyền đang trôi trên sông, trăng tròn giống như một quả bóng đang lơ lửng giữa bầu trời. Còn đối với người nông dân chân lấm, tay bùn, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, mặt trăng đơn giản chỉ như cái lưỡi liềm vẫn thường cắt lúa, hay ý vị hơn chút thì cũng chỉ như cái bánh Trung thu khổng lồ, vàng ươm mà chưa từng một lần được nếm.

Trong sự quán sát của mỗi người, mỗi hoàn cảnh, mặt trăng là những biểu tượng khác nhau nhưng xoay quanh cũng không nằm ngoài tư tưởng chúng sanh nghiệp, tức là tùy chủ thể quan sát, tùy tâm trạng hiện hành mà thấy trăng như một kỳ quan đẹp đẽ hay chỉ là một hình ảnh gợi lên nỗi buồn cô quạnh. Đối với Đức Phật, một người đã giác ngộ, trên con đường hoằng pháp lợi sanh, Ngài đã không ít lần sử dụng mặt trăng để làm hình ảnh minh họa trong các bài thuyết pháp của mình. Ánh trăng chất chứa tâm trạng trong đôi mắt của kẻ phàm phu, qua tuệ giác
của Đức Phật trở thành một phương tiện thiện xảo để giáo hóa chúng sanh. Trăng bấy giờ đại diện cho những gì thuộc về chân, thiện, mỹ và tâm thanh tịnh, trong sáng, tròn đầy của mỗi chúng sanh khi đã vén sạch những cụm mây vô minh, phiền não, cấu uế che khuất trong lòng, như Pháp cú 173:

“Ai dùng các hạnh lành
Làm xóa mờ nghiệp ác
Chói sáng rực đời này,
Như trăng thoát mây che.”

(HT. Thích Minh Châu dịch)

Trong một bài Pháp khác, Đức Phật đã từng dạy cách quan sát để nhận biết một người thiện hay bất thiện, giống như cách ngắm trăng. Khi Đức Phật còn tại thế, một ngày nọ, Đức Phật đang cư trú ở tịnh xá Kỳ Viên, có vị Bà-la-môn tên là Sanh Lậu đến chỗ Phật, sau khi trao đổi những lời thăm hỏi, vấn an sức khỏe Thế Tôn, ông ngồi xuống một bên và bắt đầu thưa hỏi Đức Phật về việc làm thế nào để biết được một người là thiện hay bất thiện, cả hai câu hỏi của Bà-la-môn Sanh Lậu, Phật đều trả lời, hãy quan sát họ như nhìn ngắm mặt trăng. Lúc này vị Bà-la môn xin Phật giải thích rõ hơn thế nào là người thiện và người bất thiện giống như trăng.

Đức Phật đã vì lợi ích của ông ta mà giải thích: “Này Bà-la-môn, giống như trăng cuối tháng, ngày đêm xoay vần, nó chỉ có giảm chứ không có đầy. Vì nó tổn giảm, hoặc có khi trăng không hiện nên không có ai thấy. Này Bà-la-môn, ở đây cũng vậy, như ác tri thức, trải qua ngày đêm, dần dần không có tín, không có giới, không có văn, không có thí, không có trí tuệ. Lúc đó ác tri thức kia thân hoại mạng chung, sanh vào trong địa ngục. Cho nên, Bà-la-môn, nay Ta nói người ác tri thức này giống như mặt trăng cuối tháng” [1].

Ở đây, Đức Phật ví những người bất thiện như mặt trăng cuối tháng. Chúng ta thấy mặt trăng trong và sáng nhất là vào những đêm Rằm, nhưng càng về những ngày cuối tháng, do sự di chuyển của mặt trăng, nó đi vào vùng bị khuất lấp ánh sáng của mặt trời nên ánh trăng ngày một gầy đi, khuyết dần và mất hẳn. Cũng vậy, những người bất thiện, mỗi ngày qua đi, đời sống đạo đức của họ bị suy giảm, niềm tin vào Tam bảo bị suy sụp, tâm hướng đến những điều chân chánh, thiện lành dần phai nhạt. Ngược lại, người đó có xu hướng buông lung, phóng dật với chính mình, không thích gần gũi các vị thiện hữu, ưa thích những ác pháp như: tham lam, sân giận, đố kỵ… Theo thời gian, họ bị nhấn chìm trong các pháp bất thiện, mỗi lời nói việc làm bấy giờ đều gây tổn hại đến mình, gây đau khổ cho người ở hiện tại và vị lai.

Cũng như trăng cuối tháng, không thể chiếu sáng nhân gian, không ai nhìn thấy sự tồn tại của nó, dù mặt trăng không bao giờ biến mất, người bất thiện tự xoay chuyển cuộc đời mình đi vào bóng tối, bị người trí quở trách, người đời chê cười. Một người mang trong lòng đầy sự bất thiện chỉ hiện hữu như một cái bóng mờ ảo, không ai muốn nhắc tới, khôngmuốn thân cận, sau khi thân hoại mạng chung với những ác nghiệp đã tạo, họ sẽ tái sanh vào cảnh giới đau khổ.

Ngược lại, mặt trăng đầu tháng được Đức Phật ví cho người hiền thiện: “Này Bà-la-môn, giống như mặt trăng đầu tháng, trải qua ngày đêm, ánh sáng dần tăng lên, từ từ tròn đầy, cho đến ngày mười lăm là sung mãn đầy đủ, tất cả chúng sanh không ai là không thấy. Này Bà-la-môn, cũng vậy, như thiện tri thức, trải qua ngày đêm, tăng trưởng tín, giới, văn, thí, trí tuệ. Vì họ nhờ tăng trưởng tín, giới, văn, thí, trí tuệ, nên thiện tri thức lúc bấy giờ thân hoại mạng chung, sinh lên trời, cõi lành. Cho nên, Bà-la-môn, nay Ta nói chỗ hướng đến của người thiện tri thức này, giống như mặt trăng tròn đầy” [2].

Mặt trăng vào những ngày đầu tháng từ mờ đến tỏ, từ khuyết đến tròn, vào ngày rằm thì mặt trăng viên mãn, sáng tỏ nhất, ánh trăng tỏa chiếu khắp nhân gian. Những người thiện lành được Đức Phật ví như trăng đầu tháng vì mỗi ngày trôi qua là một ngày họ tiến gần hơn đến chân, thiện, mỹ. Họ sống một cuộc đời đạo đức và hướng thượng. Lòng tin Tam Bảo mỗi ngày thêm kiên cố, có chánh kiến, các pháp lành nơi người ấy mỗi ngày đều được tăng trưởng, mỗi lời nói, việc làm đều mang lại niềm vui và lợi ích cho mình, cho người. Những người thiện như vậy được mọi người yêu mến, ưa thích, thân cận để học hỏi, họ luôn là tấm gương sáng để mọi người noi theo, sau khi qua đời, với những thiện hạnh đã làm, họ được tái sanh vào cảnh giới an lành, tốt đẹp.

Qua lời dạy của Đức Phật, chúng ta biết cách quan sát để nhận rõ một người thiện hay bất thiện. Khi còn là hạng phàm phu, chưa đủ khả năng chuyển hóa những bất thiện trong lòng, chúng ta nên chọn gần gũi, thân cận với các bậc Thầy lành, bạn tốt, đó  là những bậc thiện tri thức để ta có cơ hội học hỏi những điều tốt đẹp từ các vị ấy nhằm hoàn thiện bản thân mình từng ngày. Đức Phật dạy cách quan sát ấy không chỉ để chúng ta nhìn ra bên ngoài, biết điều thiện hay bất thiện ở người khác mà đó cũng là một pháp hành giúp mỗi người quay về quán chiếu tự thân, để biết mình đang là ánh trăng của những ngày đầu tháng hay vẫn còn là trăng cuối tháng, như lời Phật dạy:

“Ai làm theo bốn pháp,
Tham, sân, sợ hãi, si,
Thì danh dự mất dần,
Như trăng về cuối tháng.
Người nào không làm ác,
Do tham, hận, sợ, si,
Thì danh dự càng thêm,
Như trăng hướng về Rằm.” [3]

Cũng vầng trăng đó, cũng bầu trời đó nhưng sự di chuyển của mặt trăng vào những ngày trong tháng, nó tự đưa mình vào vùng tối hoặc sáng, để làm cho nhân gian tối tăm hay soi sáng đêm rằm, tô điểm cho trần gian thêm đẹp. Cũng vậy, cũng một kiếp người sinh ra trên đời, nhưng có người tự biết làm cho mình ngày càng hoàn thiện tốt đẹp hơn như ánh trăng của những ngày đầu tháng, đến ngày rằm nhất định sẽ viên mãn quả lành, hay làm cho đời mình trở nên tăm tối hơn như trăng về cuối tháng là do mỗi người tự chọn.

 

Tham khảo:

[1], [2] Thích Đức Thắng (dịch) (2011), Kinh Tăng Nhất AHàm Tập 1, 17. Phẩm An-Ban, kinh số 8, Nxb Phương Đông, 2011, tr.250.
[3] Sa môn Thích Tịnh Hạnh (dịch) (2000), Đại Tập 1 – Bộ A-Hàm I, Kinh Trường A Hàm tập 1, 16. Kinh Thiện Sinh, NxbTaiwan, tr.331

One thought on “Biết người như xem trăng (Thích Nữ Huệ Quang)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *