Các giá trị tôn giáo và xã hội của Phật giáo Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc (HT.TS. Thích Thanh Nhiễu)

Các giá trị tôn giáo và xã hội của Phật giáo Việt Nam trước hết được thể hiện trên lĩnh vực tư tưởng. Đó là quá trình dấn thân của tôn giáo này trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, tạo sự gần gũi, gắn bó chặt chẽ với con người, xã hội.

1. DẪN LUẬN

Là một tôn giáo du nhập từ Ấn Độ, tồn tại và phát triển cùng với những thăng trầm, thịnh suy, trở thành máu thịt không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Phật giáo với hơn 2000 năm đồng hành cùng lịch sử dân tộc, đã thể hiện rõ các giá trị tôn giáo và xã hội to lớn của mình trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, văn hoá, tư tưởng…, theo tinh thần Tứ vô lượng tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả), luôn khoan dung, độ lượng, được đông đảo người dân tiếp nhận bằng tấm lòng thành kính. Đặc biệt, trong lĩnh vực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Phật giáo cho thấy vị trí xứng đáng là một tôn giáo tiên phong trong quá trình lịch sử Việt Nam, tạo được sức mạnh kết nối cộng đồng, mọi tầng lớp, quần chúng nhân dân, mọi thời đại, góp phần xây dựng và hình thành, phát huy ý thức văn hoá dân tộc, tạo tiền đề, cơ hội và gợi mở một tương lai tươi sáng đối với xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, của các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng trong việc phát huy vai trò, giá trị tôn giáo và xã hội của chính mình dấn thân theo tinh thần: “Phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dàng chư Phật”.

2. GIÁ TRỊ TÔN GIÁO VÀ XÃ HỘI CỦA PHẬT GIÁO TRONG XÂY DỰNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC 

Các giá trị tôn giáo và xã hội của Phật giáo Việt Nam trước hết được thể hiện trên lĩnh vực tư tưởng. Đó là quá trình dấn thân của tôn giáo này trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, tạo sự gần gũi, gắn bó chặt chẽ với con người, xã hội theo đúng tinh thần của Lục Tổ Thiền tông răn dạy: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mích Bồ đề, thí như cầu thố giác” (Nghĩa là Phật pháp tại thế gian, nếu bỏ thế gian này mà đi tìm chân lý giác ngộ thì chẳng khác nào như đi tìm lông rùa, sừng thỏ).

Thực hiện lời dạy ấy, để tạo thêm sức mạnh cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Phật giáo đã tích cực tham gia và giải quyết các vấn đề xã hội. Với bản chất là tôn giáo của hoà bình, gần gũi, gắn bó với người dân, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các cơ quan ban ngành của Đảng và Nhà nước, Phật giáo dấn thân phục vụ xã hội, con người, tích cực ủng hộ, triển khai các phong trào, cuộc vận động do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động tới đông đảo các tự viện, Tăng Ni và Phật tử tham gia hưởng ứng mạnh mẽ. Những phong trào từ thiện, an sinh xã hội, xây dựng đời sống văn hoá mới… được chú trọng triển khai và thực hiện, chính là sự vận dụng của triết lý nhân sinh cứu khổ cứu nạn và từ bi của nhà Phật. “Đó trước hết là việc kêu gọi Tăng Ni, Phật tử phát tâm công đức làm các công việc từ thiện: Nuôi dạy trẻ em mồ côi, nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa, mở lớp học tình thương, khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, ủng hộ đồng bào chịu hậu quả của thiên tai, lũ lụt, xây dựng nhà tình nghĩa… Nêu cao vai trò của Tăng, Ni trong việc hoà giải những vụ việc dân sự, trong việc khuyên răn Phật tử làm điều thiện, tránh điều ác, xây dựng đời sống văn hoá, tham gia phong trào xoá đói giảm nghèo” [1].

Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, của các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng trong việc phát huy vai trò, giá trị tôn giáo và xã hội của chính mình dấn thân theo tinh thần: “Phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dàng chư Phật”. Điều này trong lịch sử có lẽ cũng đã được đúc rút từ trong chính tư tưởng Hồ Chí Minh, khi sinh thời Bác cũng từng viết: “Từ ngày nước ta trở nên Dân chủ Cộng hoà, Hiến pháp ta tôn trọng tự do tín ngưỡng, thì Phật giáo cũng phát triển một cách thuận tiện. Thế là: Nước độc lập, thì đạo Phật mới dễ dàng mở mang… Đức Phật là đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn, muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn Người phải hi sinh tranh đấu, diệt lũ ác ma. Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải, xương máu, kháng chiến đến cùng, để đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, để giữ quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Thế nên chúng ta làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ” [2].

Kế thừa, kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị trong giáo lý và lời dạy của Đức Phật với tư tưởng Hồ Chí Minh, đẩy mạnh vai trò của Phật giáo trong dấn thân phục vụ xã hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lấy phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” để đồng hành trong mọi hoạt động Phật sự hoằng dương chính pháp. Giá trị của Phật giáo không chỉ hướng con người đến những điều thiện mà còn dạy con người điều nhân nghĩa, chỉ bày cho con người đến những điều hoà kính trong xã hội với một hệ thống các quy định về Giới luật đòi hỏi Tăng, Ni, Phật tử phải thực thi nhằm gắn kết giữa đạo và đời trong một khối không thể tách rời. Nếu như Ngũ giới (Không sát sinh, Không nói dối, Không trộm cắp, Không tà dâm, Không uống rượu) cho con người những nguyên tắc và hành động chuẩn mực đạo đức phù hợp để tăng trưởng hạnh lành, phát tâm Bồ đề, gieo hạnh Bồ tát thì lục hoà (Thân hoà đồng trụ, Khẩu hoà vô tránh, Ý hoà đồng trụ, Giới hoà đồng tu, Kiến hoà đồng giải, Lợi hoà đồng quân) là sáu pháp hòa kính thông dụng mà người con Phật  cần có để thụ trì… Tất cả những điều đó cho thấy giá trị tôn giáo và xã hội của Phật giáo đã vượt lên tầm của triết lý nhân sinh mà hướng đến hành động tốt đẹp, nhân văn cao cả cho một thế giới đại đồng. Đó cũng là mục đích tồn tại và phát triển của Phật giáo theo đúng nghĩa vì nhân sinh, nhân quần, xã hội. Hưởng ứng mọi phong trào phát huy vai trò của tôn giáo trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Trung ương đến địa phương đã phát huy truyền thống tốt đẹp, quí báu đó để triển khai vận động Tăng, Ni, Phật tử thực hiện tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và các chương trình hành động mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai. Cụ thể là: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Quỹ vì người nghèo”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

Thực hiện tốt vai trò kết nối các tổ chức đoàn thể xã hội và các cơ quan quản lý nhà nước, từ khi thành lập đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng khẳng định vị thế của mình trên mọi mặt trận, đóng góp cho sự phát triển ổn định và đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trước những yêu cầu đổi mới của đất nước trong thời đại công nghệ 4.0. Đi xa hơn nữa những giá trị thiết thực của tôn giáo, giá trị nhân sinh cao cả mà Phật giáo mang lại cho con người là sự hướng đến những giá trị Chân, Thiện, Mỹ cao đẹp. Những lời dạy của Đức Phật được vận dụng triển khai trong cuộc sống hôm nay để có được một môi trường thực sự hoà bình, ổn định, phát triển vượt qua mọi khó khăn, thử thách với những biến động của thời đại và vấn nạn toàn cầu. Đặc biệt, bối cảnh dân tộc Việt Nam vừa trải qua những ngày tháng khó khăn, gánh chịu những hậu quả tàn phá nặng nề của thiên tai, lũ lụt và bão càn quét đồng bào miền Trung, cùng với những hậu quả do đại dịch COVID-19 đang có nhiều chiều hướng phức tạp và lan rộng, luôn lấy triết lý vì con người, hành động kịp thời và tốt nhất để có thể mang lại cho con người cuộc sống hạnh phúc, an lạc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong hơn 40 năm qua luôn thực hiện tốt vai trò đồng hành cùng dân tộc, vận động Tăng, Ni, Phật tử cả nước sống trong chính tín để ánh sáng giác ngộ của Phật pháp đi vào đời sống thực tiễn. Tích cực triển khai các hoạt động cứu khổ độ sinh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo nên nét đẹp văn hóa, nghĩa tình của dân tộc Việt Nam.

Theo báo cáo tổng kết của Ban Từ thiện Xã hội Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong năm 2019, Ban Từ thiện Xã hội Trung ương và Ban Từ thiện Xã hội các tỉnh, thành đã ủng hộ được 2,031,072,316,500 (Hai ngàn không trăm ba mươi mốt tỷ, không trăm bảy mươi hai triệu ba trăm mười sáu ngàn năm trăm đồng) [3]. Đặc biệt, trong năm 2020, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có nhiều văn bản chỉ đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành có những hành động thiết thực ủng hộ đồng bào, Nhân dân, Phật tử cả nước đẩy mạnh hơn nữa những hoạt động từ thiện xã hội để góp phần khắc phục hậu quả do đại dịch COVID-19 và thiên tai, lũ lụt mang lại cho người dân một cuộc sống yên bình, hỗ trợ, chia sẻ với những đau thương, mất mát của miền Trung ruột thịt…

Nếu như Ngũ giới cho con người những nguyên tắc và hành động chuẩn mực đạo đức phù hợp để tăng trưởng hạnh lành, phát tâm Bồ đề, gieo hạnh Bồ tát thì lục hoà là sáu pháp hòa kính thông dụng mà người con Phật cần có để thụ trì…

Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc xuất phát trên những chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tăng Ni, Phật tử luôn nhận thấy trách nhiệm và vai trò của mình. Đồng thời, ngày đêm âm thầm cống hiến tâm lực, sức lực và tài lực theo tinh thần giáo lý Phật Đà.

3. KẾT LUẬN

Phật giáo đồng hành cùng dân tộc không chỉ trong truyền thống lịch sử và thời đại mà còn ở mọi lúc, mọi nơi và mọi miền của Tổ quốc Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam đã, luôn và sẽ phát huy vai trò nòng cốt trong việc triển khai sâu rộng, phát huy sức mạnh của mình để thực thi mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh hiệu quả hơn nữa các cuộc vận động vì sự phát triển, tiến bộ xã hội, vì mục tiêu xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vì một Phật giáo Việt Nam bền vững và Dân tộc Việt Nam giàu mạnh, đoàn kết, hội nhập, phát triển.

HT.TS. Thích Thanh Nhiễu

 

Chú thích:

* Hòa Thượng Tiến sĩ Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

[1] Nguyễn Hồng Dương – Nguyễn Quốc Tuấn, Phật giáo với văn hoá xã hội Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá hiện đại hoá, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2008, tr.24.

[2] Lễ Hữu Nghĩa – Nguyễn Đức Lữ, Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo và công tác tôn giáo, Nxb. Tôn giáo, 2003, tr.314

[3] Theo Báo cáo Tổng kết Công tác Phật sự của Ban Từ thiện xã hội Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *