KỲ 10: Các thành tích tiêu biểu trong giai đoạn 3 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (HT. Thích Huệ Thông)

Nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo trân trọng trích đăng các bài viết thuộc tác phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hình thành và phát triển của Hòa thượng Thích Huệ Thông. Các bài viết được sắp xếp và biên tập để cung cấp cho độc giả gần xa biết về những khó khăn, thách thức và nỗ lực không ngừng nghỉ của bao thế hệ chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong suốt nhiều năm, nhằm xây dựng, bảo vệ và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Điều đáng ghi nhận là trong giai đoạn thứ ba, nhận thức được tầm quan trọng của công tác thông tin truyền thông thời công nghiệp 4.0, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII, nhiệm kỳ 2012-2017, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo đã được thành lập, đồng thời kết hợp với Đài Truyền hình An Viên chính thức trở thành cơ quan ngôn luận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho đến kỳ Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017-2022 thì Nghị quyết Đại hội càng chú trọng hoạt động thông tin truyền thông, xem đây là một trong những thế mạnh hoằng pháp và quảng bá hình ảnh Phật giáo đến đồng bào Phật tử trong và ngoài nước. Đặc biệt, việc thành lập tổ Thông tin tuyên truyền của Văn phòng II và sau đó thuộc Văn phòng Trung ương Giáo hội do Thượng tọa Thích Minh Nhẫn phụ trách, đã kịp thời cập nhật những thông tin quan trọng và giải quyết, xử lý một cách có hiệu quả trong thời kỳ công nghiệp lần thứ 4. Cũng trong thời gian này, sau Đại hội VIII, Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký với vai trò lãnh đạo, điều hành tổng quát 2 văn phòng, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm của 2 văn phòng, Văn phòng I Trung ương Giáo hội với sự điều hành của Hòa thượng Thích Thanh Điện – Chánh Văn phòng đã cơ cấu và bổ sung nhân sự, ban hành quy chế làm việc của Văn phòng nhằm đáp ứng nhu cầu tham mưu cho lãnh đạo Trung ương Giáo hội; Văn phòng II Trung ương Giáo hội do Hòa thượng Thích Huệ Thông điều hành, trình và xin lãnh đạo thành lập 4 Tổ chuyên trách làm tham mưu giúp việc cho Văn phòng, gồm: Tổ Công tác Văn phòng do Hòa thượng Huệ Thông làm Tổ trưởng, Tổ Thông tin tuyên truyền do Thượng tọa Minh Nhẫn làm Tổ trưởng, Tổ Báo chí do Thượng tọa An Đạt làm Tổ trưởng, Tổ Lễ tân do Thượng tọa Phước Nguyên làm Tổ trưởng. Văn phòng ban hành quy chế làm việc do Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự ký quyết định phê chuẩn.

Ban Thông tin truyền thông TƯ GHPGVN tổng kết công tác Phật sự năm 2020 (Ảnh: phatgiao.org.vn)

Nhằm đáp ứng nhu cầu điều hành công tác hành chánh Giáo hội trong thời đại kỹ thuật số, Hòa thượng Chủ tịch, Thượng tọa Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký chỉ đạo 2 Văn phòng thành lập văn phòng hành chánh điện tử, tiến tới sẽ thành lập văn phòng hành chánh điện tử cho từng khu vực và Ban Trị sự các tỉnh thành để kết nối, cập nhật và điều hành công tác Phật sự.

Trong giai đoạn này, Trung ương Giáo hội đã tổ chức các Khóa tập huấn nghiệp vụ Truyền thông Phật giáo tại chùa Ba Vàng (TP.Uông Bí, Quảng Ninh); khóa tập huấn về Thông tin Truyền thông của Ban Thông tin Truyền thông Trung ương tại Văn phòng II; đầu năm 2018, Ban Thông tin Truyền thông Trung ương kết hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang tổ chức khóa tập huấn Nghiệp vụ Truyền thông Phật giáo & Nghiệp vụ thư ký tại chùa Phật Quang (TP.Rạch Giá) giúp các học viên nắm rõ quan điểm, tư tưởng của Trung ương Giáo hội về công tác báo chí và quản trị truyền thông theo Hiến chương và Nghị quyết của Giáo hội, đường lối của Đảng và Nhà nước. Kế đến, vào tháng 4 năm 2018, Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội cũng đã kết hợp Ban Thông tin Truyền thông Trung ương và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang tổ chức chương trình tập huấn Truyền thông & Hành chánh văn phòng tại chùa Sùng Đức (Phú Quốc) với đề tài “Truyền thông Phật giáo thời hiện đại” cho các Trưởng, Phó ban Truyền thông các tỉnh, thành nhằm đào tạo nguồn nhân sự quản lý truyền thông, hành chánh văn phòng…

TT. Thích Minh Nhẫn phát biểu ý kiến đóng góp cho phương hướng hoạt động năm 2021 của Ban TT-TT TƯ
(Ảnh: phatgiao.org.vn)

Kể từ khi Ban Thông tin Truyền thông được thành lập, với sự năng nỗ, tích cực, trí tuệ và sáng tạo, ngành thông tin truyền thông Phật giáo từ Trung ương đến địa phương đã thành lập được nhiều trang website, facebook, và các kênh truyền hình trực tuyến chính thống của Phật giáo như: phatgiao.org, giaohoiphatgiaovietnam.vn, banhoangphaptw.vn, giacngo.vn, kênh truyền hình An Viên, kênh truyền hình Phật Sự Online… đã phản ánh trung thực, đầy đủ, kịp thời các sự kiện trong sinh hoạt của Giáo hội, không chỉ giới hạn phạm vi trong nước mà còn vươn tầm ra thế giới.

Sự ra đời của Ban Thông tin Truyền thông Trung ương, cũng như Ban Thông tin Truyền thông của Tỉnh, Thành hội Phật giáo trong giai đoạn này đã đánh dấu một bước ngoặt phát triển mới của Phật giáo Việt Nam thời hội nhập, có thể nói đây là một trong những điểm nổi bật trong các hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở giai đoạn thứ ba…

Về hoạt động giáo dục, sau gần 5 năm thực hiện thí điểm chương trình đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ Phật học của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM với kết quả khả quan. Năm 2017, Trung ương Giáo hội đã có văn bản đề nghị Ban Tôn giáo Chính phủ trình Thủ tướng cho phép Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức đào tạo chương trình sau Đại học tại cả 4 Học viện Phật giáo Việt Nam và đề nghị này đã được Thủ tướng chấp thuận. Như vậy, ở giai đoạn thứ ba, ngành giáo dục Phật giáo Việt Nam bước qua thời kỳ chính thức đào tạo chương trình Thạc sĩ và Tiến sĩ Phật học.

Về hoạt động văn hóa, giai đoạn này, Ban Văn hóa Trung ương đã triển khai 4 đề án như Sắc phục, Kiến trúc, Ngôn ngữ và Di sản Phật giáo. Theo đó, Ban Văn hóa Trung ương đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học nhằm đi đến việc hiện thực hóa các nội dung của đề án… Về các hoạt động Phật sự khác, nổi bật trong giai đoạn này, đó là nhiều đơn vị thuộc tổ chức Giáo hội như Phân Ban thanh thiếu niên Phật tử Trung ương và các tỉnh, thành; Ban Hướng dẫn Phật tử,… đã tổ chức nhiều Hội trại, Trại hè, Khóa tu mùa hè cho thanh thiếu niên Phật tử. Đặc biệt, chương trình tiếp sức mùa thi là hoạt động mang tính thời đại và ý nghĩa nhân văn rất cao, đã được các đơn vị thuộc Giáo hội đồng loạt ra quân, như Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương và Phân ban Thanh thiếu niên Phật tử, Báo Giác Ngộ, Ban Trị sự và Ban Hướng dẫn Phật tử các tỉnh, thành… tổ chức nhằm giúp thí sinh tại các địa phương trong cả nước thuận lợi trong mùa thi cử, đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các tình nguyện viên, các tự viện và gia đình Phật tử…

Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong suốt 40 năm qua, thì đây là giai đoạn Giáo hội Phật giáo Việt Nam vô cùng ổn định và ngày càng đi vào chiều sâu của sự phát triển bền vững.

Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong suốt 40 năm qua, thì đây là giai đoạn Giáo hội Phật giáo Việt Nam vô cùng ổn định và ngày càng đi vào chiều sâu của sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, để có được những thành tựu và kết quả khả quan này, trước hết phải nói, đó chính là nhờ Hòa thượng Thích Thiện Nhơn đã biết kế thừa và phát huy hiệu quả những nền tảng quý giá mà Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh dày công vun đắp, bên cạnh đó cũng nhờ vào sự đồng tâm hiệp lực của chư Tôn đức Hội đồng Trị sự, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự các cấp và toàn thể Tăng, Ni, tín đồ Phật tử. Đặc biệt là sự nỗ lực tích cực của Ban Thư ký. Trước những thành tựu Phật sự đáng ghi nhận trong giai đoạn này, một điều không thể phủ nhận, đó cũng chính là nhờ năng lực và tâm huyết của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Hòa thượng đã tận tâm tận lực phục vụ Giáo hội, mang hết tâm huyết cống hiến vì sự nghiệp xương minh Phật giáo, thể hiện một cách trọn vẹn tinh thần hết lòng phục vụ Giáo hội, phụng sự Đạo pháp, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Tăng sai.

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chúng ta cùng nhau ôn lại một chặng đường lịch sử để cảm nhận sâu sắc giá trị những thành quả đã đạt được trong suốt 40 năm qua, thành quả đó chính là sức mạnh nội lực to lớn, là nền tảng vững chắc để Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng đến những mục tiêu cao cả, đáp ứng yêu cầu phát triển Giáo hội và nguyện vọng chánh đáng của toàn thể Phật giáo đồ trong thời gian sắp đến. Bên cạnh đó, chúng ta cũng sẽ rút ra những bài học về những mặt hạn chế tồn tại để kịp thời đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhằm phụng sự đạo pháp và dân tộc ngày càng chất lượng hơn nữa trong những nhiệm kỳ kế tiếp…

Những thành tựu Phật sự đạt được trong giai đoạn thứ ba, không chỉ là sự kế thừa và phát huy hiệu quả nền tảng từ hai giai đoạn trước, mà còn đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của Giáo hội Phật giáo Việt Nam sau 40 năm hình thành, ổn định và phát triển; đồng thời khẳng định vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong lòng dân tộc và đối với Phật giáo các nước trên thế giới trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

 

(Đón xem kỳ 11: Hướng đến một chiến lược phát triển bền vững của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam qua chủ đề “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển”)

 

* HT. Thích Huệ Thông – Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *