Chiếc áo năm thân (SC. Thích Nữ Huệ Nhật)

Thời gian trôi qua nhanh quá! Thấm thoát chiếc áo lam năm thân này cũng gắn bó với tôi được hơn mười ba năm rồi. Ai cũng nói tôi là người thuộc thế hệ 9X mà giống người cổ xưa vậy, chắc nó phải có ý nghĩa gì đặc biệt đối với tôi lắm!…

Cái ngày tôi thi vào lớp mười và biết được kết quả đậu rồi, tôi cứ mong chờ sư phụ tôi may cho cái áo năm thân mới để đi dự khai giảng cho đỡ quê với chúng bạn, áo dài tôi cũ lắm rồi. Lớp mười là ngưỡng cửa sắp trở thành người trưởng thành rồi, các bạn ai cũng diện đồ mới, thướt tha với tà áo dài trắng toát duyên dáng kia. Còn tôi, tuy là điệu tu học ở chùa thì cũng phải tươm tất với cái áo năm thân mới chứ, tôi cứ chờ… chờ mãi mà không thấy sư phụ kêu đi may áo dài mới, chỉ kêu vào phòng hỏi áo dài bị rách phải không? Đưa thầy vá lại cho. Tôi trả lời “dạ” mà cảm thấy hụt hẫng đến dường nào…!!!

Rồi cái ngày trọng đại được làm người sắp trưởng thành cũng đến, bạn nào cũng xúng xính đồ mới khoe nhau trong ngày tựu trường, tôi bận chiếc áo dài năm thân màu lam cũ lủi thủi đến trường mà lòng đau như cắt, pha chút quê quê với chúng bạn. Hôm qua sư phụ tôi có làm lại áo cho tôi, mạng miếng vải màu gần giống vào chỗ rách ở viền cổ và hai đầu tay áo, rồi tỉ mỉ khâu lại xung quanh, sau đó đưa vào máy may đạp thành các đường chỉ chắc chắn. Sáng sớm, thầy đưa cho tôi và nói “Con ráng mang áo này thêm một năm nữa xem sao nha, tuy áo cũ nhưng còn đẹp lắm đó con. Người tu phải nên thiểu dục tri túc con à”. Tôi nhận lấy hai tay rồi lí nhí cám ơn sư phụ, nhưng lòng tôi lúc này vô cùng ấm ức, sao sư phụ không thương mình vậy, không may áo mới cho mình mà còn vá chằng chịt cho xấu thêm. Thời đại của tôi mà còn mang áo vá đi học thật là quê mùa, vậy mà chùa tôi vẫn giữ nét áo vá truyền thống đến tận hôm nay. 

Ngồi trong lớp học, mấy đứa bạn cứ hỏi thăm chỉ chỏ cái áo của tôi sao lạ quá, có đứa còn nói “Áo bạn đẹp ghê, hơi giống áo tụi mình mà chỉ khác màu lam, nhất là mấy đường viền cổ áo với cổ tay bằng chỉ hay quá à, hàng độc lạ nha!”. Tôi cảm thấy vừa quê quê, vừa buồn cười vì sự hiểu lầm của đám bạn. Thôi thì ráng bận áo năm thân cũ đi học chớ sao nữa, nhìn riết rồi sẽ quen, bớt đi sự ngại ngùng. Với lại bộ đồ vạt hò nâu ở trong còn nhìn tệ hơn nữa, không biết là bao nhiêu miếng vá, mong rằng không ai thấy. Mỗi khi tiếng trống tan trường vang lên, tôi lại lủi thủi đi về với chiếc xe đạp cũ truyền từ bao đời, đời tôi là đời thứ tư rồi. Hình như tôi từ trên xuống toàn tập là đồ cũ: áo dài cũ, xe đạp cũ, cặp cũ, sách cũ và cả đôi dép cũng cũ… Tôi cũng không có tiền gửi xe tại trường, tôi phải gửi nó ở bên chùa đối diện trường. Dắt xe lên được cái dốc lên cổng chùa, đám bạn hùa ra với đủ loại xe đời mới, có đứa còn được ba mẹ đưa đón bằng xe hơi, nghĩ mà chạnh lòng tủi thân vô cùng. Mà chiếc xe đạp này hay hư lắm, giữa đường dắt bộ cũng là cả một quá trình gian nan, sửa xong về đến chùa là trời đã sập tối, vừa mệt, vừa đói lả… 

Vào những lúc người ta hạ cây lấy gỗ đem bán, dù xa xôi dưới chân núi hay nằm trong rẫy, chùa tôi cũng đến xin trẩy nhánh hay đào gốc về chụm. Chúng tôi tranh thủ thời gian sau giờ học về là chặt củi, chất củi lên xe bò kéo về chùa suốt quãng đường dài. Mùi nắng, mùi gió, mùi củi, mùi nhang, mùi mồ hôi, mùi chịu khó và cả mùi vất vả… đã giúp chúng tôi vững bước vượt qua cả chặng đường tuổi thơ vất vả. Chùa tôi nghèo, lại đông chúng điệu đi học nên phải se nhang, làm thành phẩm, sau đó nhờ Phật tử Sài Gòn bán dùm, mỗi người được phân công công tác rõ ràng trước giờ đi học và sau giờ về chùa. Thời gian lặng lẽ trôi, tôi đã học lên Cao học, không còn chạy lăng xăng chặt củi, phơi nhang, nhưng những kỷ niệm ấy khắc ghi mãi trong lòng, tôi luôn tự nhủ lòng cố gắng học và không quên những ân tình dưới mái chùa đã nuôi tôi khôn lớn. 

Mỗi khi nghe đến “thiểu dục tri túc”, tôi lại nhớ đến chiếc áo năm thân ngày đó, gắn bó với tuổi thơ đầy cơ cực nhưng đầy ắp tiếng cười bình dị năm nao. Bây giờ tôi có thể tự đi may chiếc áo dài bằng vải tốt, mang đôi dép tốt hơn xưa, nhưng đâu bằng chiếc áo chan chứa tình yêu thương của sư phụ ngày ấy, người đã dành cho những đứa con của mình bằng tất cả sự hy sinh thầm lặng và lớn lao. Sau này tôi có dịp thưa sư phụ, tại sao lúc đó không may áo mới cho tôi đi khai giảng vào lớp mười, sư phụ tôi cười bảo: “Cuộc đời này nhiều cám dỗ lắm con, lúc đó sư phụ sợ con se sua theo bạn bè, muốn giữ cho con tâm hạnh biết đủ của người con Phật, không chạy theo những cái đẹp hào nhoáng bên ngoài. Có vậy thì sau này con lớn lên, dù đi đâu con cũng sống được, chịu đựng được và nhất là luôn giữ vững tâm Bồ đề”. 

Những lời dạy của sư phụ giúp tôi bất chợt quay đầu khi khởi lên những tâm niệm phân biệt tốt xấu, lựa chọn thức ăn ngon dở. Thay vào đó, tôi cố gắng chọn cho mình cách sống giản dị giữa lòng đất Sài Gòn phồn hoa đủ sắc màu. Cũng nhờ được rèn luyện cách sống đó mà hôm nay tôi có thể tự tiết kiệm trang trãi học phí và các khoản khác, cố gắng đã và đang đi nửa chặng đường. Chiếc xe máy cũ vẫn bon bon chạy đến trường, bon bon chạy vào các thư viện để mượn sách, lắm lúc đến thăm hoài các chú sửa xe khi đang đi giữa đường phố Sài Gòn – mưa giăng khắp lối. Trong thời gian chờ đợi sửa xe, tôi có dịp tận hưởng phút giây sống thật chậm giữa dòng người hối hả, vội vã vì cuộc sống mưu sinh. 

Tôi tin rằng, với tâm cầu học, lòng tin tưởng bất diệt nơi chư Phật, Bồ tát… Quý Ngài sẽ hộ trì, tạo duyên lành cho tôi hoàn thành sở nguyện, đem chút ít sở học hướng dẫn đến những người hữu duyên muốn tu học Phật pháp. Tôi cầu mong tất cả mọi người hãy luôn sống với tâm biết đủ thì chắc chắn chúng ta sẽ luôn được tâm an, lòng thanh thản giữa cuộc đời này. Tôi tự hứa với lòng dù có đi đâu, làm gì cũng cố gắng giữ được tâm hạnh biết đủ của người con Phật, chuẩn bị hành trang vững chãi nhẹ bước trên lộ trình tìm về bến giác.

“Không đau khổ lấy chi làm chất liệu

Không buồn thương sao biết chuyện con người

Không nghèo đói làm sao thi vị hóa

Không lang thang sao biết gió mưa nhiều”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *