Giá trị văn hóa của chùa Viên Giác, tỉnh Bến Tre (ĐĐ. Thích Nhuận Thiện)

Thuở xưa, đây là ngôi chùa của người Khmer được xây dựng năm 1870. Tại chùa, còn ba pho tượng đồng mang dấu ấn của Phật giáo Nam truyền. Do thời cuộc biến thiên, các vị sư người Khmer rời đi và chùa bị xuống cấp. Bấy giờ hương chức làng An Hội đã đứng ra quản lý và ngôi chùa Khmer từ đó đã trở thành chùa của làng An Hội. Năm 1900, HT. Tâm Quang được bổn đạo làng An Hội thỉnh về làm trụ trì chùa Viên Giác, Ngài đã làm nhiều Phật sự cho chùa, đáng kể nhất là công cuộc đại trùng tu chùa Viên Giác từ năm 1915-1924.

VỊ TRÍ ĐỊA LÝ CHÙA VIÊN GIÁC 

Chùa Viên Giác không chỉ là một ngôi chùa có kiến trúc đẹp mà còn gắn liền với lịch sử của Bến Tre. Mặt tiền chùa theo hướng Đông Bắc, hướng ra con rạch, mặt hậu hướng Tây Nam là mặt tiền đường Hoàng Lam, cách đó chưa đầy trăm mét là con sông Bến Tre. Mặt trái hướng Đông Nam cách 1km là chợ Bến Tre. Do vị thế như vậy nên chùa rất thuận lợi về đường bộ và cả đường sông, dễ giao thương cho người dân trong vùng cũng như khách thập phương. Hiện nay, có ba hướng có thể vào chùa Viên Giác. Hướng thứ nhất là đi từ Quốc lộ 60 đến đường Trương Định vào đường Hoàng Lam, hướng thứ 2 có thể đi từ Quốc lộ 60 vào chợ Bến Tre đến đường Hùng Vương, rẽ trái chạy đến đường Hoàng Lam và con đường thứ ba là đường thủy có thể đi từ sông Hàm Luông vào sông Bến Tre hoặc đi ngã ba Chẹt Sậy rẽ trái sông Bến Tre thì sẽ đến ngay sau chùa Viên Giác.

Quá trình xây dựng và trùng tu chùa Viên Giác

Chùa Viên Giác trở thành nơi tụ hội quan trọng trong sự thăng hoa tâm linh của người dân Bến Tre.
(Ảnh: internet)

Thuở xưa, đây là ngôi chùa của người Khmer được xây dựng năm 1870. Tại chùa còn ba pho tượng đồng mang dấu ấn của Phật giáo Nam truyền. Do thời cuộc biến thiên, các vị sư người Khmer rời đi và chùa bị xuống cấp. Bấy giờ hương chức làng An Hội đã đứng ra quản lý và ngôi chùa Khmer từ đó đã trở thành chùa của làng An Hội. Năm 1900, HT. Tâm Quang được bổn đạo làng An Hội thỉnh về làm trụ trì chùa Viên Giác, Ngài đã làm nhiều Phật sự cho chùa, đáng kể nhất là công cuộc đại trùng tu chùa Viên Giác từ năm 1915-1924. Bức hoành phi lạc thành được HT. Lê Khánh phụng cúng, đặt trang nghiêm trên chánh điện đã nói lên điều này.

Ngôi chùa được hoàn thiện qua nhiều thời kỳ. Phức hợp kiến trúc có giá trị văn hóa nhất của ngôi chùa chính là ba tòa nhà: Tiền điện, nhà Tổ và Giảng đường nằm chung một trục dọc. Kiến trúc của chùa là chữ “tam” (三). Theo các nhà nghiên cứu, cấu trúc này là sự tiếp biến từ cấu trúc “Nội công ngoại quốc” kế thừa từ kiến trúc chùa cổ ở miền Bắc, ở đây sườn nhà đã cho ta thấy sự kết hợp giữa nhà rường ở Bắc và sườn nhà đâm trích cột kê miền Trung.

Thuở xưa, đây là ngôi chùa của người Khmer được xây dựng năm 1870.

DÒNG KỆ TRUYỀN THỪA VÀ CÁC THẾ HỆ TRỤ TRÌ 

Từ năm 1630, Thiền phái Lâm Tế bắt đầu truyền vào nước ta với hai vị Thiền sư Viên Văn Chuyết Công và Minh Hành Tự Tại. Ở Đàng Trong, Tổ sư Nguyên Thiều được xem là vị Tổ thứ hai chính thức truyền thừa tông Lâm Tế. Tông phát triển mạnh mẽ thành: Lâm Tế Thiên Đồng, Lâm Tế Gia Phổ, Lâm Tế Liễu Quán, Lâm Tế Trí Tuệ, Lâm Tế Chúc Thánh. Trong cuốn sách “Góp phần tìm hiểu Phật giáo Nam bộ” của tác giả Trần Hồng Liên có bài “Vài đặc điểm của Phật giáo Đàng Trong thời chúa Nguyễn” [1] đề cập đến dòng truyền thừa Trí Huệ Thanh Trừng của Ngài Trí Thắng – Bích Dung.

Năm 1900, HT. Thích Tâm Quang (1877-1944) đã được bổn đạo và hương chức làng An Hội thỉnh về làm trụ trì chùa Viên Giác và Ngài được xem là Tổ khai sơn chùa Viên Giác.

Năm 1944, sau khi HT. Thích Tâm Quang viên tịch thì HT. Chí An (1895-1960) kế nhiệm làm trụ trì chùa Viên Giác. Ngài thế danh là Lê Văn Đáng, xuất gia từ lúc nhỏ với HT. Tâm Quang, được đặt pháp danh là Chí An, húy là Nguyên Pháp.

Ngài Chí An viên tịch năm 1960, HT. Giác Thanh (1924-1998) kế nhiệm. Thế danh của Ngài là Nguyễn Văn Chỉ, sinh trưởng trong một gia đình trung nông và xuất gia với HT. Chí An, được đặt pháp danh Giác Thanh, húy là Quảng Ngộ.

Năm 1998, HT. Giác Thanh viên tịch, TT. Huệ Đức kế nhiệm làm trụ trì chùa Viên Giác đến nay. Ngài tên Lục Vĩnh Phước, sinh trong một gia đình tiểu thương, xuất gia với HT. Giác Thanh và được đặt pháp danh là Huệ Đức, húy là Tục Lộc.

NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA CỦA CHÙA VIÊN GIÁC 

Bài trí tượng thờ và nghệ thuật tạc tượng

Giá trị văn hóa của chùa Viên Giác thể hiện có nét đặc trưng vùng miền của tỉnh Bến Tre. Tại gian chánh điện, phía trong bài trí bàn thờ cao ba tầng: “Tầng trên cùng là bộ Di Đà Tam Tôn với Di Đà, Quan Âm, Thế Chí; tầng giữa là bộ Địa Tạng Vương Bồ tát; tầng dưới cùng là Thích Ca Đản Sanh, hai tượng Thiện Hữu, Ác Hữu. Hai gian bên đều phối thờ tôn tượng Thích Ca vốn có nguồn gốc từ chùa Linh Sơn (Sài Gòn) và được thỉnh về chùa Viên Giác dưới thời tổ Tâm Quang” [2]. Bàn thờ được đặt ở gian giữa của Tiền điện, bài trí tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Quan Thánh và hai vị Thập điện Diêm Vương là: Diêm La Vương (ngũ điện) và Chuyển Luân Vương (thập điện). Các pho tượng được chạm khắc bằng gỗ, có kích thước khác nhau, hiện vật ở đây đều gắn liền với giai đoạn lịch sử của chùa.

Thiết kế nhà Tổ và Trai đường của chùa gồm tất cả 6 bàn thờ, trong đó có 3 bàn thờ như sau: Bàn chính diện thờ Lục Tổ Huệ Năng và tổ Bồ Đề Đạt Ma, bàn bên trái từ ngoài nhìn vào là chư vị Trụ trì, bàn thờ bên tay phải thờ chư vị Tu sĩ trong phong trào chấn hưng Phật giáo cũng như các chư Tăng. Một bàn thờ Chuẩn Đề Bồ tát để ngay giữa gian nhà Tổ, còn lại là bàn thờ chư vị hương linh Nam và Nữ.

Chùa Viên Giác là ngôi cổ tự đã qua nhiều thế kỷ, đây cũng là nơi lưu giữ nhiều bài vị của Tăng sĩ, Phật tử. Bài vị là những mảnh gỗ, tạc chạm khắc thành nhiều dạng khác nhau, có chân đế, không có chân đế, dùng ghi tên người mất, năm sinh, năm mất để thờ tự. Đối với tu sĩ, thì còn cho biết tên dòng phái, tên húy, thế hệ truyền thừa, chức vụ (trụ trì) pháp danh, ngày, giờ, năm sinh và thị tịch (mất). Đó cũng là góp phần giới thiệu thêm mảng văn hóa Phật giáo, đặc biệt là phần thờ tự và nghi lễ.

Tháp Tổ Hòa thượng Tâm Quang

Tháp hình lục giác được thiết kế 4 tầng, cao 6,6m, có một hàng rào bao quanh. Tháp xây bằng gạch đá và xi măng, lối lên tháp tương đối rộng, có hai hàng tháp. Hàng rào trong thì có 6 cột trụ, trên trụ là búp sen được sơn màu vàng rực rỡ, hàng rào phía ngoài khối hình chữ nhật, trên mỗi đầu trụ là hình vuông có chóp.

Có hai tấm bia gắn liền vào tháp, cái phía dưới khắc chữ Quốc ngữ ghi lại quá trình kiến tạo tháp và người kiến tạo như sau: “Bửu tháp chùa Viên Giác đại lão Hòa thượng pháp hiệu Tâm Quang sanh năm Đinh Sửu (1876), hưởng thọ 69 tuổi, thị tịch ngày 25 tháng 5 năm Giáp Thân (1947), kiến tạo năm Quý Tỵ (1935) Trưởng tử Chí An Hòa thượng hiệp cùng bổn đạo kỷ niệm” [3].

Thiền Đường

Đây là ngôi tháp được xem là Tổ khai sơn của chùa Viên Giác, tháp mang dáng dấp cổ kính, nhưng cũng có thể hiện nét mới, mang phong cách phương Tây qua các cột trụ vuông, hàng rào có chấn song, bệ và chân tháp dạng chân quỳ. Ngoài bình hồ lô, lục giác của tháp mang yếu tố màu sắc tháp Trung Hoa, dạng lục giác còn gợi lên yếu tố lục độ, lục căn, lục thức, lục trần… trong giáo lý Phật giáo. Hoa văn tháp được trang trí bằng chén, dĩa cổ, còn có bình tịnh thủy, rồng… Tuy vậy, tháp vẫn theo cách viết bia dạng cổ chữ Hán, có khắc thêm ngày, tháng, năm sinh và thị tịch.

Tháp Tổ Hòa thượng Chí An

Tháp có hình trụ vuông, mỗi cạnh dài 2m, chiều cao 6m, được đặt trên bệ cao 1,50m. Tháp được xây theo phong cách văn hóa Khmer, là hình ảnh thu nhỏ và biến thể của tòa Stupa Ấn Độ, do chính HT. Chí An xây dựng trước khi Ngài thị tịch. Có hai tháp nhỏ mỗi tháp cao 1,20m, cạnh bên hai tháp nhỏ là hai tượng thần Reahu cao 1,50m. Thân tháp là khối hình vuông thon dần lên trên, ở trên có hình quả chuông úp, có trang trí hoa văn và có chữ Phật bằng chữ Hán. Trên quả chuông là các đĩa tròn nhỏ dần lên tới đỉnh. Trên đỉnh được trang trí đầu tượng thần Mahaprum bốn mặt, đầu đội mũ nhọn.

Bên trong tháp được xây một tháp nhỏ, có gắn bia ghi lại năm, tháng kiến tạo lên bửu tháp viết bằng chữ Quốc ngữ như sau: “Bửu tháp thống Tăng trưởng chùa Viên Giác pháp và hiệu Lê Chí An, sanh năm Ất Mùi (1894 DL), thị tịch 1960, hưởng thọ 60 tuổi, kiến tạo năm 1935, Ất và Mùi hiệp cùng bổn đạo Nam, Nữ đồng kỷ niệm bổn và sự”.

Tháp Tổ Hòa thượng Giác Thanh

Tháp hình lục giác, cao 6,24m gồm 3 tầng. Đây là tháp của tổ Giác Thanh, thuộc đời 42, phái Lâm Tế, dòng Trí Huệ. Kiến trúc theo phong cách Trung Hoa. Tháp Tổ Giác Thanh được xây dựng bằng gạch ống và xi măng, có hàng rào bao quanh. Mặt ngoài có trụ hình chữ nhật cao 1,50m. Đầu trụ cột dạng vuông. Bốn cột trụ thẳng hàng, trên đỉnh trụ có búp sen. Rào bao quanh tháp có trang trí hoa văn rồng, còn có bình đồ lục giác mang yếu tố Trung Hoa như tháp Tổ Hòa thượng Tâm Quang.

Phong cách kiến trúc các tháp Tổ thể hiện sự hòa quyện văn hóa người Kinh, người Khmer, văn hóa Phật giáo Trung Hoa và điểm xuyết văn minh phương Tây hiện đại.

Hoành phi Hoành Kim Bảo Điện – “黃金寶殿”

Lạc khoản:

龍飛啟定九年甲子吉日造. 仙靈寺和尚黎慶和奉供.

Phiên âm:
Hoàng Kim bửu điện. Long phi Khải Định cửu niên Giáp Tý cát nhật tạo. Tiên Linh tự Hòa thượng Lê Khánh Hòa phụng cúng.

Tạm dịch: 
Bửu điện Hoàng Kim. Hòa thượng Lê Khánh Hòa ở chùa Tiên Linh phụng cúng vào ngày tốt, năm Khải Định thứ 9, Giáp Tý (1924).

Hoành phi được treo tại án thờ Phật, cao 0,50m, dài 2,20m, bằng gỗ chạm lộng chủ đề “Tứ quý”. Hoành phi có nẹp viền quanh, nền viền đỏ, kỹ thuật tạo hoành bằng cách ghép gỗ và tra mộng, chạm lộng sử dụng nhát đục, nền là những ô vuông tạo thành bông hoa nổi thép vàng. Phần trên hoành có hình răng cưa, hai bên phải và trái hoành có phần lạc khoản gồm hai hàng chữ Hán màu đen [4]. Chính giữa ghi bốn chữ: “Hoàng Kim Bảo Điện”, bức hoành phi tạo tác năm 1924 đây là năm lạc thành ngôi chánh điện thờ Phật. Như vậy, bức hoành này được treo vị trí trung tâm của Tam bảo, đánh dấu cho sự kiện lạc khoản của một ngôi cổ tự, còn một ý nghĩa kỷ niệm nữa đó là Hòa thượng Khánh Hòa là thành viên của phong trào chấn hưng Phật giáo lúc bấy giờ trao tặng. Qua đây cho chúng ta thấy mối quan hệ khăng khít giữa HT. Tâm Quang trụ trì chùa Viên giác và HT. Khánh Hòa trụ trì chùa Tiên Linh rất thân thiết.

Bao lam

Tại Chánh điện, nghệ thuật chạm khắc gỗ được thể hiện trên các bao lam bàn thờ, trên nền gỗ đỏ, bàn thờ được khắc chạm với nhiều đề tài phong phú về hoa, lá, thú vật, chim muông, linh vật… những bao lam còn vượt lên tính ước lệ nhưng cũng không quên trở về khuôn mẫu, với lề luật quy định. Đó là những con rồng, con phượng, con lân, con quy. Vì đây là nơi tôn nghiêm, cao quý mới có rồng ngự. Nhà dân ít được chạm khắc, tuy là thân thuộc nhưng trang nghiêm, gần gũi nhưng tôn kính! Đấy là những gì được khắc họa trên bao lam thể hiện giai đoạn chuyển tiếp của phong cách chạm trổ, đồng thời cũng mang điều ước vọng của nghệ nhân truyền đạt đến những ai thưởng thức qua hơn nửa thế kỷ nay. Như vậy, bao lam ngoài trang trí cho Chánh điện được lộng lẫy, còn góp phần thể hiện sinh động giáo lý nhà Phật truyền đến với chúng sanh. Những biểu hiện cao siêu, tinh túy đã được nghệ nhân tiếp thu và thể hiện trên tác phẩm dưới bàn tay khéo léo và tấm lòng mộ đạo của người con Phật.

Liễn đối

Chùa Viên Giác là ngôi chùa cổ tại Bến Tre đã trải qua nhiều đời trụ trì, riêng thời HT. Tâm Quang đã dành cho chùa 24 câu liễn đối, bằng gỗ trang trí ở Chánh điện, nhà Tổ và Trai đường. Tuy rằng đã trải qua thời gian dài nhưng câu liễn vẫn đẹp và mang nét cổ kính cho ngôi chùa, tất cả câu liễn đối dù là làm bằng gỗ hay xi măng đa số là dùng chữ Hán, có một hay hai cặp là chữ Quốc ngữ do HT. Giác Thanh trùng tu và khắc thêm sau này. Nội dung các câu đối đều tán thán Đức Phật, các vị Bồ tát, chư vị Tổ sư và ca ngợi địa phương theo quan niệm “Địa linh nhân kiệt”, hay nói về công đức cúng dường của tín đồ Phật tử.

Chữ Hán:
圓機超十地圓滿六通圓成十號 – 覺道越三祇覺空五蘊覺了三乘

Phiên âm:
Viên cơ siêu thập địa, viên mãn lục thông, viên thành thập hiệu,
Giác đạo việt tam kỳ, giác không ngũ uẩn, giác liễu tam thừa.

Tạm dịch:
Căn tánh tròn đầy qua thập địa, viên mãn lục thông, vẹn thành thập hiệu,
Chánh giác đại đạo vượt tam kỳ, sạch không ngũ uẩn, thông hiểu tam thừa.

Đây là cặp liễn đối được trang trí trước chánh điện vô cùng lộng lẫy nổi bậc với bao lam chạm trổ đề tài cửu long, còn cặp liễn đối chạm chữ Hán được sơn đen trên nền rồng mây rất công phu tuyệt mỹ. Đây là do hai nữ tín chủ giàu lòng mộ đạo ở Bến Tre là bà Lê Thị Ngỡi (pháp danh Diệu Lý) và bà Phạm Thị Quý (pháp danh Nguyên Phú) phụng cúng. Ý nghĩa hai câu đối này ví chùa Viên Giác như là đất Phật ngự, chư Tăng và Phật tử nương tựa vào đây tu học sẽ vượt thoát ra mười địa, chứng lục thông, thành Phật đầy đủ mười hiệu, ra khỏi Tam giới không còn vướng bận năm uẩn, thông hiểu Tam thừa, giác ngộ thành Phật, an lạc đời đời.

Đồ thờ – pháp khí

Hiện tại trong chùa có 15 bàn thờ, có cái được tạo tác tại chùa, cũng có cái được Phật tử hiến cúng. Vào đầu thế kỷ XX, bàn thờ Phật được làm bằng gỗ đỏ và cây thao lao do gia đình cô Lê Thị Ngỡ (Nghĩa) cúng dường. Ngoài hai bàn thờ đại đồng của Nam và Nữ làm bằng xi măng không chạm hoa văn còn tất cả sạp, ghế trường kỷ và bàn thờ khác đều có chạm khắc hoa văn tinh tế, đẹp và trang nghiêm. Bố cục vẫn còn tuân thủ những nguyên tắc đăng đối, tuy vậy tác phẩm vẫn mang nét sinh động. Người nghệ nhân đã có sự quan sát tinh tế trong khi chạm khắc, để thể hiện nhiều chủ đề khác nhau như: Tứ linh, Tứ quý, tùng – lộc, mai – điểu, chim cò, hoa – lá, ngư long, chim phụng… tất cả đều nói lên ý nghĩa lịch sử của một ngôi chùa cổ tại miền Tây Nam bộ.

Hiện nay, chùa Viên Giác là ngôi cổ tự từ một thảo am nhỏ đơn sơ của người Khmer thành lập, qua nhiều lần trùng tu xây dựng, đã trở thành khang trang như hiện nay. Kiến trúc thờ phụng theo lối “tiền Phật, hậu Tổ”, cùng với những pho tượng gỗ sơn son thếp vàng trang nghiêm, được tô điểm thêm bằng hoành phi, liễn đối đã tăng lên nét thâm trầm cổ kính. Chùa trở thành nơi tụ hội quan trọng trong sự thăng hoa tâm linh của người dân nơi Bến Tre.

 

Chú thích:

* Đại đức Thích Nhuận Thiện, Học viên Cao học Phật học khóa II tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.

[1] Trần Hồng Liên (2000), Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ-Việt Nam (từ thế kỷ XVII đến 1975) (tái bản lần thứ nhất), Nxb khoa học xã hội Hà Nội.
[2] Nguyễn Hữu Lộc (2017), Kỷ yếu Hội thảo khoa học Hòa Thượng Khánh Hòa chấn hưng Phật giáo Việt Nam và truyền thống Bến Tre, “Chùa Viên Giác ngôi cổ tự gắn với phong trào chấn hưng Phật giáo”, tr.291.
[3], [4] Tài liệu do TT. Huệ Đức – Trụ trì chùa Viên giác cung cấp.

ĐĐ. Thích Nhuận Thiện

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *