Kỳ 4: Hội nghị Thống nhất Phật giáo Việt Nam (HT. Thích Huệ Thông)

Nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tạp chí Văn hóa Phật giáo trân trọng trích đăng các bài viết thuộc tác phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hình thành và phát triển của Hòa thượng Thích Huệ Thông. Các bài viết được sắp xếp và biên tập để cung cấp cho độc giả gần xa biết về những khó khăn, thách thức và nỗ lực không ngừng nghỉ của bao thế hệ chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong suốt nhiều năm, nhằm xây dựng, bảo vệ và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

DUYÊN KHỞI

Phật giáo Việt Nam với nguyện vọng hợp nhất các Giáo hội, tổ chức Hội và hệ phái Phật giáo trong cả nước thành một khối thống nhất, trong khoảng thời gian này, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM và một số tỉnh thành ra đời nhằm kết nối, gắn bó giữa các tổ chức Giáo hội và hệ phái.

Tiếp đến, vào năm 1980, một Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam được hình thành, sau gần hai năm tích cực làm tốt vai trò vận động, chư Tôn đức trong Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đã thu thập ý kiến của chư Tôn đức lãnh đạo các Giáo hội, tổ chức Hội và hệ phái Phật giáo trên cả nước để soạn thảo văn kiện căn bản cho sự thống nhất. Đồng thời, chư Tôn đức tổ chức Hội nghị Đại biểu các hệ phái, thảo luận, biểu quyết các văn kiện và thành lập Ban Lãnh đạo Trung ương lâm thời để triển khai thành lập cơ cấu tổ chức các tỉnh thành. Từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu toàn này, Ban vận động và chư Tôn đức đã tạo tiền đề tốt đẹp và rất thuận lợi để tiến tới Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam.

Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam hướng đến thành lập một tổ chức Giáo hội Phật giáo duy nhất không chỉ là nguyện vọng của toàn thể Phật giáo đồ, mà hơn thế nữa, đó là chân lý tất yếu của Phật giáo Việt Nam.

Được sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, nhất là sự tích cực làm việc không ngừng nghỉ của chư Tôn đức trong Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, tâm huyết và sự nỗ lực của chư Tôn đức trong 9 Giáo hội, tổ chức Hội và hệ phái Phật giáo đương thời đã dẫn đến một sự kiện quan trọng, đó là Hội nghị thống nhất Phật giáo toàn quốc được tổ chức trọng thể tại chùa Quán Sứ – Thủ đô Hà Nội từ ngày 4 đến ngày 7 tháng 11 năm 1981. Đây là duyên khởi của sự thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Chư Tôn giáo phẩm cùng nhất tâm đảnh lễ Tam bảo trước phiên khai mạc Hội nghị Thống nhất Phật giáo Việt Nam.Nguồn: vanhoaphatgiaovietnam.net

Khởi sự vào ngày 4 tháng 11 năm 1981, Hội nghị thống nhất Phật giáo cả nước được khai mạc tại chùa Quán Sứ – thủ đô Hà Nội, mở ra trang sử mới của Phật giáo nước nhà khi tất cả Tăng Ni, tín đồ đều hội tụ dưới một mái nhà của tinh thần đoàn kết, hòa hợp, đánh dấu một giai đoạn mới vô cùng quan trọng, vừa tiếp nối truyền thống vẻ vang của 2000 năm truyền bá giáo lý của Đức Bổn Sư trên đất nước Việt Nam thân yêu, vừa viết những trang sử mới của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại. Đại hội đã quy tụ 165 Đại biểu của 9 tổ chức Giáo hội, hệ phái Phật giáo trong cả nước, gồm có:

1/ Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam

2/ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

3/ Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

4/ Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM.

5/ Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam.

6/ Giáo hội Thiên Thai Giáo Quán Tông.

7/ Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam.

8/ Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước miền Tây Nam Bộ.

9/ Hội Phật học Nam Việt.

Trong quá trình diễn ra Đại hội, để tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, với người thầy của cách mạng Việt Nam, toàn thể Đại biểu Đại hội, thay mặt cho Tăng Ni, Phật tử cả nước đã vào lăng kính viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã đến chào cụ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Trong buổi lễ khai mạc, Đại hội đã được cụ Hoàng Quốc Việt – Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cụ Xuân Thủy – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước đến dự, phát biểu ý kiến và nhiệt liệt hoan nghênh 9 Giáo hội, tổ chức Hội và Hệ phái Phật giáo trong cả nước đã tụ hội về Thủ đô Hà Nội tiến hành Đại hội thống nhất Phật giáo Việt Nam.

Trong bài phát biểu của mình, cụ Hoàng Quốc Việt đã khẳng định: “Việc thống nhất Phật giáo cả nước là nguyện vọng chánh đáng và tha thiết của đông đảo Tăng Ni và đồng bào Phật tử đã ấp ủ từ lâu, nhưng trước đây chưa thể thực hiện được vì đất nước bị chia cắt; kẻ thù lại tìm mọi cách ngăn cản, gây chia rẽ trong nội bộ Phật giáo hòng thao túng và lợi dụng. Ngày nay, nhân dân ta đã đuổi hết quân xâm lược, giang sơn gấm vóc của ta đã qui về một mối, Tổ quốc ta đã hoàn toàn độc lập và thống nhất. Đó là điều kiện thuận lợi để cho Tăng Ni và đồng bào Phật tử thực hiện trọn vẹn nguyện vọng thống nhất Phật giáo cả nước của mình…”, “…Hội nghị này sẽ là dịp để đồng bào Phật giáo phát huy được truyền thống yêu nước tốt đẹp của mình, và quyết tâm xứng đáng hơn nữa với những anh hùng, liệt sĩ, của những Tăng Ni và đồng bào Phật tử đã xả thân cho sự nghiệp thống nhất và độc lập của Tổ quốc, cho tiền đồ của dân tộc”.

Theo trình tự Đại hội, sau diễn văn khai mạc Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Thích Trí Thủ – Trưởng ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đọc tại Hội nghị, tiếp đến Thượng tọa Thích Minh Châu – Chánh Thư ký Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đã đọc báo cáo về quá trình hoạt động của các cuộc vận động từ trước đến nay, kế đến quý Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Thượng tọa Thích Minh Châu, Thượng tọa Thích Thanh Tứ, Thượng tọa Thích Từ Hạnh thuyết trình dự thảo Hiến chương và dự thảo chương trình hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trong diễn văn khai mạc Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Trí Thủ – Trưởng ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đã nói lên ý nghĩa và tầm quan trọng của Đại hội: “Hôm nay, lần đầu tiên trong lịch sử 2000 năm Phật giáo Việt Nam, chúng ta có được một Đại hội gồm đủ Đại biểu của các tổ chức, giáo hội, hệ phái Phật giáo trong cả nước:

Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ và Phật giáo Khmer, Tăng, Ni và nam nữ cư sĩ, già và trẻ, từ mọi miền đất nước Việt Nam đã vân tập về đây, trong hội trường trang nghiêm và rực rỡ này, với một quyết tâm sắt đá: xây dựng hoàn thành ngôi nhà thống nhất Phật giáo Việt Nam… Quý vị là biểu tượng của những đóa hoa sen nhiều màu nhiều vẻ, về đây kết thành lẵng hoa vĩ đại, dâng lên Đức Phật để tỏ lòng sùng bái của hàng đệ tử suốt đời trung hiếu với Đức Bổn Sư… Quý vị cũng là những viên đá tảng, đúc kết bằng những ước nguyện thiết tha và mãnh liệt của toàn thể Tăng, Ni và Phật tử cả nước, về đây làm nền móng vững chắc cho ngôi nhà thống nhất Phật giáo được xây lên”[1].

Mục đích thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam thông qua Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo toàn quốc lần này cũng được Hòa thượng Thích Trí Thủ nêu lên rất rõ, đó là: “Mở ra một hướng phát triển mới trong lịch sử Phật giáo nước nhà, làm lợi ích cho Tổ quốc và nhân dân, làm sáng chói tinh thần Phật giáo trong thời đại nước Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát huy cao hơn nữa truyền thống gắn bó hài hòa giữa Đạo Phật với dân tộc, đảm bảo truyền thống tín ngưỡng và phương pháp tu hành của Tăng, Ni và đồng bào Phật tử theo lời Phật dạy. Chúng ta quyết tâm củng cố hàng ngũ trong nội bộ Phật giáo chúng ta, đoàn kết với các giới đồng bào các dân tộc trong mặt trận đoàn kết toàn dân. Với sức mạnh đoàn kết đó, chúng ta tin chắc rằng sứ mệnh phụng sự đạo pháp và dân tộc, công cuộc đóng góp cho Hòa bình thế giới và hạnh phúc nhân loại sẽ được nhiều hiệu quả hơn”[2].

Trong bài diễn văn khai mạc, Hòa thượng Thích Trí Thủ nói lên nhiệm vụ thiêng liêng và trọng tâm của Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới: “Nhiệm vụ của chúng ta vô cùng lớn lao, không những đối với hoài bão, nguyện vọng chính đáng của Tăng Ni, Phật tử trong hiện tại, mà còn đối với công đức của chư Tổ và tiền nhân trong quá khứ đã để lại cho chúng ta một nền văn hóa Phật giáo rạng rỡ, trong nền văn hóa dân tộc bốn ngàn năm. Những quyết định của chúng ta trong Đại hội lịch sử lần này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vận mạng và tiền đồ Phật giáo Việt Nam, góp phần tích cực trong bước đi lên của dân tộc, đồng thời góp phần đem lại hòa bình an lạc cho Tổ quốc và nhân loại”[3].

Cũng trong diễn văn khai mạc, đại diện cho 9 Giáo hội, tổ chức Hội và hệ phái Phật giáo trong cả nước, Hòa thượng Thích Trí Thủ, Trưởng ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, nêu bật lên phương châm, định hướng của sự nghiệp thống nhất Phật giáo Việt Nam: “Sự thống nhất Phật giáo Việt Nam đặt trên nguyên tắc: Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, tuy nhiên, các truyền thống hệ phái và phương tiện tu hành đúng chính pháp đều được tôn trọng, duy trì. Đây là một sự thống nhất thật sự, trọn vẹn và dân chủ”[4]. Đồng thời cũng nói lên tính ưu việt của sự nghiệp thống nhất Phật giáo cả nước mà toàn thể Hội nghị trong từng phút từng giây đang hướng đến: “Trong quá khứ, đáp lại nguyện vọng thiết tha của Tăng, Ni và tín đồ, nhiều tổ chức, giáo hội cũng đã cố gắng tập hợp Tăng tín đồ của nhiều hệ phái, đoàn thể Phật giáo dưới danh nghĩa thống nhất. Nhưng vì cơ duyên chưa hội đủ, hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, âm mưu chia để trị của thực dân cũ và mới, chưa có một tổ chức Phật giáo nào thực sự được thống nhất trọn vẹn, toàn diện, đúng với danh xưng. Ngày nay đất nước đã độc lập thống nhất thực sự, với sự khuyến khích giúp đỡ của Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với kinh nghiệm đã qua và sự quyết tâm của toàn thể Tăng, Ni, Phật tử cả nước, chúng ta có đủ yếu tố để tin tưởng rằng chúng ta sẽ xây dựng thành công một nền Phật giáo Việt Nam thống nhất thực sự, đúng với danh nghĩa của nó, nền thống nhất này sẽ dựa trên tinh thần dân chủ, lấy tứ chúng đồng tu làm cơ sở, chứ không dựa trên giáo quyền, phong kiến hay quyền lực cá nhân, tổ chức này sẽ là tổ chức Phật giáo duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước”[5].

Sau bài diễn văn khai mạc của Hòa thượng Trưởng ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam trình bày trước Đại hội, toàn thể 165 Đại biểu đại diện cho 9 Giáo hội, tổ chức Hội và hệ phái Phật giáo trong cả nước, đã tập trung trí tuệ thảo luận và biểu quyết thông qua bản Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà Ban Vận động đã soạn thảo trước; thảo luận và thông qua chương trình hoạt động đại cương của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tiến hành việc giới thiệu và suy tôn Hội đồng Chứng minh, giới thiệu và suy cử Hội đồng Trị sự… Có thể nói rằng đây là những công việc cực kỳ quan trọng trước thời khắc Giáo hội Phật giáo Việt Nam sắp ra mắt, thời khắc quan trọng này đang nhích dần theo từng diễn biến tại Đại hội.

Ý thức sâu sắc trách nhiệm lớn lao đối với lịch sử truyền bá giáo lý Phật Đà trên mảnh đất Việt Nam từ 2000 năm nay, nhất là đối với vận mệnh và tiền đồ của Phật giáo Việt Nam, cũng như đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu, toàn thể 165 Đại biểu đều thành tâm đem hết trí tuệ nhiệt tình đóng góp cho đại hội, qua thái độ cởi mở và cảm thông với tinh thần đoàn kết và xây dựng chân tình, nhờ đó, đại hội đã diễn tiến hài hòa trong tinh thần đồng đạo, thắm tình ruột thịt và đã thu hoạch được những thành quả vô cùng lớn lao như sau:

– Hoàn thành việc xây dựng và biểu quyết thông qua một bản Hiến chương cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam có nội dung đoàn kết và thống nhất thực sự, thể hiện tinh thần dân chủ, vô ngã, vị tha và lục hòa của Phật giáo.

– Suy tôn Hội đồng Chứng minh và suy cử Hội đồng Trị sự Trung ương.

– Thảo luận và biểu quyết thông qua bản Đại cương chương trình hoạt động của Giáo hội, gồm 6 điểm:

1/ Thực hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, tinh thần hòa hợp đại chúng giữa các giáo phái và Tăng Ni, tín đồ.

2/ Hoằng dương chính pháp, chấn hưng tư tưởng trong sáng và tích cực của giáo lý Đức Phật.

3/ Đào tạo Tăng, Ni và hướng dẫn việc tu hành của Phật tử.

4/ Phát huy truyền thống yêu nước và gắn bó với dân tộc, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

5/ Xây dựng kinh tế nhà chùa, nhằm giải quyết đời sống của Tăng, Ni và góp phần lợi ích cho xã hội.

6/ Phát triển quan hệ hữu nghị với Phật tử trên thế giới, góp phần vào việc xây dựng hòa bình và an lạc cho nhân loại.

(Tiếp theo kỳ 5: Sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam)

 

Chú thích:

* HT. Thích Huệ Thông – Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

[1], [2], [3], [4], [5]: Trích diễn văn khai mạc Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Thích Trí Thủ, Trưởng ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đọc tại Hội nghị.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *