Truyền thông Phật giáo Việt Nam định hướng cho cư sĩ Phật tử (Thích Ngộ Trí Viên)

Trong 26 thế kỷ từ khi Đạo Phật xuất hiện tại Ấn Độ, hoằng pháp là hoạt động then chốt của chư Tăng Ni, xuất phát từ lòng bi mẫn [1] [2], có tầm quan trọng hàng đầu từ quá khứ, cho đến hiện tại và tương lai đối với Phật giáo các quốc gia trên thế giới nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng. Mục đích của hoằng pháp là làm lan tỏa giáo pháp của Đức Phật và đem lại sự an lạc, giải thoát cho con người [3]. Bên cạnh đó, đặc trưng của hoạt động hoằng pháp là luôn linh hoạt, nhất là gắn liền với tinh thần khế lý, khế cơ, khế xứ, khế thời. Mỗi thời đại, quốc độ, xứ sở khác nhau thì Tăng, Ni phải có cách thức hoằng pháp phù hợp, đem đạo vào đời một cách hợp lý, thành công [4]. Trong gần thập niên trở lại, nền tảng truyền thông của Phật giáo Việt Nam đã phát triển mạnh, đồng hành cùng quý Tôn đức Tăng Ni từ các hoạt động Phật sự thường ngày đến những sự kiện lớn. Đứng trước những thuận lợi và cả thách thức từ truyền thông, Phật giáo Việt Nam cần có những giải pháp để tận dụng mặt thuận lợi của truyền thông nhằm phát huy các thông điệp của Đức Phật, đồng thời chuyển hóa những nhận thức sai lầm đã xảy ra trước đây đối với một bộ phận tín đồ và những người hữu duyên.

VAI TRÒ CỦA TRUYỀN THÔNG ĐẠI CHÚNG VỀ PHẬT GIÁO

Truyền thông là quá trình chia sẻ thông tin. Truyền thông là một kiểu tương tác xã hội, trong đó ít nhất có hai tác nhân tương tác lẫn nhau, chia sẻ các quy tắc và tín hiệu chung. Ở dạng đơn giản, thông tin được truyền từ người gửi đến người nhận. Ở dạng phức tạp hơn, các thông tin trao đổi liên kết người gửi và người nhận. Truyền thông được mô tả như việc truyền ý nghĩ, thông tin, ý tưởng, ý kiến, hoặc kiến thức từ một người, một nhóm người sang một người hay sang một nhóm người khác bằng lời nói, hình ảnh, văn bản hay tín hiệu [5]. Như vậy, “truyền thông là sự trao đổi thông điệp giữa các thành viên hay các nhóm người trong xã hội nhằm đạt được sự hiểu biết lẫn nhau” [6].

Không chỉ dừng lại ở sự học tập Phật Pháp, người Tăng sĩ cần tích hợp và nắm vững tri thức đa ngành (các ngành khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, ngành đặc thù) để tạo mối liên hệ tri thức chuyên ngành

Truyền thông là hoạt động có ý thức của con người. Đó là quá trình có thể dẫn đến sự thay đổi về nhận thức và hành vi. Trên cơ sở đó, truyền thông tôn giáo nói chung và truyền thông Phật giáo nói riêng là hoạt động giao tiếp có ý thức của con người, với việc một chủ thể (một người, một nhóm người, một tổ chức) truyền thông điệp về những vấn đề liên quan đến tôn giáo sang một đối tượng (một người, một nhóm người, một tổ chức) qua một hệ thống phương tiện truyền thông nhằm tăng cường nhận thức về tôn giáo giữa các cá nhân và nhóm người trong xã hội. Dựa trên nguyên lý đó, kết quả của truyền thông Phật giáo là tạo ra sự thay đổi về nhận thức và hành vi đối với Phật giáo và những vấn đề liên quan đến Phật giáo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao bản cảm ơn ghi nhận sự đóng góp của Trung ương GHPGVN (Nguồn: VP 1 Trung ương GHPGVN)

Song song với sự tô bồi nhận thức của tín đồ Phật giáo về giáo lý Đạo Phật cùng các hoạt động Phật giáo trong nước và nước ngoài, truyền thông đại chúng của Phật giáo có vai trò quan trọng trong việc phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với Phật giáo và hỗ trợ đời sống tinh thần, cũng như một phần đời sống vật chất của người dân tại các địa phương:

(i) Góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, chức sắc, tín đồ Phật tử thực hiện tốt quan điểm, chính sách, pháp luật về tôn giáo của Đảng và Nhà nước.

(ii) Việc đọc báo, Tạp chí, xem truyền hình đã góp phần nâng cao nhận thức của quý Tăng Ni, Phật tử và những người quan tâm mến mộ Phật giáo về quan điểm, chính sách, pháp luật về tôn giáo. Từ đó, tạo sự chuyển biến về hành động trong việc chấp hành chính sách, tuân thủ pháp luật. Nhiều bài viết, phóng sự phát thanh, truyền hình đã phản ánh gương điển hình của quý Tôn đức, cư sĩ Phật tử thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước. Gần đây nhất, tại buổi lễ ra mắt Quỹ vắc-xin phòng, chống dịch COVID-19, thay mặt Trung ương GHPGVN, HT. Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN đã trao biển ủng hộ mua vắc-xin 3,5 tỷ đồng [7].

(iii) Truyền thông đại chúng của Phật giáo góp phần tuyên truyền về công tác tôn giáo, về đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Chính truyền thông Phật giáo góp phần không nhỏ vào việc giải quyết các vụ việc tôn giáo, từ đó ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tôn giáo để truyền đạo trái pháp luật, gây mất ổn định trật tự trị an xã hội.

(iv) Tích cực khuyến tấn Tăng, Ni và hàng Phật tử tại gia hộ quốc an dân, phụng sự Phật giáo và nhân sinh, phát triển quê hương đất nước, đời sống văn hóa. Lịch sử dựng nước và giữ nước đã ghi nhận nhiều quý Tôn đức và cư sĩ có niềm tin bất hoại đối với Tam bảo, mà xây dựng quốc gia, giữ gìn sự bình ổn, có thể kể đến như Thiền sư Đỗ Pháp Thuận [8], Thiền sư Vạn Hạnh [9], Thiền sư Khuông Việt (Ngô Chân Lưu) [10] [11]. Truyền thống hộ quốc an dân vẫn tiếp tục trong thời hiện đại, như Ni sư Huỳnh Liên trong phong trào kháng chiến chống Mỹ cứu nước [12], cho đến những vị Tăng sĩ ngày nay đóng góp cho đất nước thông qua các hoạt động học thuật chuyên ngành, cứu trợ thiên tai, hiến máu – hiến mô tạng – hiến xác, xây dựng cầu đường v.v… Đó là sự tiếp nối con đường phụng sự nhân sinh mà chư vị tiền bối của Phật giáo nước nhà đã đi qua, phù hợp với những mối liên hệ giữa Đức Phật với các vị quốc vương tại miền Bắc Ấn Độ khi còn tại thế dưới vai trò vị cố vấn (Bimbisara, Pasenadi, Suddhodana) và lời dạy của Ngài về tư đức [13], pháp trị của người đứng đầu quốc gia [14] [15].

TRUYỀN THÔNG PHẬT GIÁO CÓ GIẢI PHÁP NÀO ĐỂ LAN TỎA GIÁO LÝ PHẬT GIÁO ĐẾN CỘNG ĐỒNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Trong Phật giáo, truyền thông được xem là phương tiện làm sáng tỏ trắng đen, phải trái, chân ngụy, chính tà, sửa chữa những luận điểm sai lầm, lệch lạc về giáo lý Phật giáo. Ngoài bảo vệ chân lý, truyền thông Phật giáo còn nêu lên tinh thần mang tính nhân văn, văn hóa của dân tộc [16]. Thông qua truyền thông, những lời Phật dạy, tấm gương các bậc danh Tăng, những vị Phật tử sống tốt đời đẹp đạo đều được phản ảnh rõ nét và sinh động. Từ đó Phật giáo tác dụng hướng thiện rất lớn, hướng mọi người đến với các giá trị tốt đẹp của đời sống.

Truyền thông Phật giáo là một trọng trách của quý Tăng Ni để hoằng pháp độ sinh một cách hữu hiệu trong thời đại hiện nay.

Một vai trò to lớn của truyền thông là vai trò định hướng. Đối với truyền thông đại chúng về Phật giáo, đó là sự định hướng mặt tâm linh, đạo đức cho hàng Phật tử tại gia. Trong thời điểm hiện nay, khi mà truyền thông nói chung và truyền thông Phật giáo nói riêng phát triển rất nhanh, nhất là trong mùa đại dịch Covid-19, thì những thách thức và bất cập của truyền thông Phật giáo là điều cần được thảo luận để đưa ra các giải pháp phù hợp mà vẫn giữ được chất liệu Phật Pháp, giữ được chiều sâu tâm linh. Người làm truyền thông Phật giáo hiệu quả nhất chính là quý Tăng Ni, đặc biệt những Tăng Ni trẻ có sự năng động, sáng tạo. Chính Tăng Ni là nhân tố truyền bá tốt nhất giáo pháp của Như Lai, vì vậy giải pháp đối với truyền thông Phật giáo cũng chính là giải pháp cho quý Tăng Ni về khía cạnh truyền thông, báo chí. Tác giả đề xuất một số giải pháp (có thể không mới nhưng sẽ chi tiết hơn) mà có thể sẽ hữu ích phần nào đó:

(i) Quý Tôn đức Tăng Ni chia sẻ Phật Pháp qua các phương diện như thuyết giảng, tọa đàm, xuất bản sách (tạm gọi chung là hoằng pháp) cần trau dồi năng lực sử dụng các thiết bị ghi hình, thu âm, chụp ảnh, kỹ năng marketing trên mạng xã hội để đưa sản phẩm về Phật Pháp (một cách chọn lọc và phù hợp với tín đồ Phật tử) đến rộng rãi quần chúng, nhất là những người bận rộn, không có nhiều thời gian đến chùa học tập giáo lý của Đức Thế Tôn.

(ii) Người Tăng sĩ cần thể hiện sự trang nghiêm, oai nghi, đạo hạnh của người xuất gia qua cách thể hiện ngôn từ, khung hình, hội thoại…, tránh đưa những thông tin phản cảm, làm ảnh hưởng đến hình ảnh Phật giáo Việt Nam mà chư Tôn giáo phẩm đã gầy dựng.

Vì vậy, nắm bắt các kỹ năng, phương tiện truyền thông nhưng Tăng Ni vẫn không quên phát huy những tinh hoa giáo pháp của Đức Thế Tôn là quy chuẩn truyền thông đại chúng để vừa đảm bảo chất liệu tuệ giác, vừa lan tỏa thông điệp đến cộng đồng và xã hội.

(iii) Việc xác định ưu điểm, khuyết điểm của bản thân để hoằng pháp cho từng nhóm xã hội như thanh niên, sinh viên, công nhân, nông dân, doanh nghiệp, công chức…).

(iv) Các vị Tăng Ni ngoài việc giao tiếp qua mạng xã hội thì nên cân bằng việc tiếp xúc trong đời sống thường nhật; tiếp xúc, trải nghiệm, chia sẻ trực tiếp với hàng Phật tử và cộng đồng xã hội để thông qua đó tiếp cận, lý giải Phật Pháp không chỉ bằng khẩu giáo mà còn bằng thân giáo.

(v) Nội điển: Chư Tăng Ni khi truyền thông giáo lý Phật-đà đến cộng đồng, xã hội không chỉ đặt nặng ở việc có nhân sự chuyên môn hộ trì mình, mà còn phải học tập Phật Pháp một cách có hệ thống, phương pháp để am tường lời dạy của bậc Giác Ngộ và chư vị tiền bối trong những thời kỳ Phật giáo, tông phái và nền triết luận. Khi đã tìm hiểu Phật Pháp từ căn bản lên nâng cao, người học Phật sẽ đạt được pháp hỷ trong những thời khóa thực tập. Từ đó, mỗi vị Tăng Ni sẽ luôn là suối nguồn tỉnh thức để truyền thông các thông điệp Phật Pháp cho những cá nhân, nhóm và nhóm xã hội hữu duyên, ở địa phương mà họ đang tu học.

(vi) Ngoại điển: không chỉ dừng lại ở sự học tập Phật Pháp, người Tăng sĩ cần tích hợp và nắm vững tri thức đa ngành (các ngành khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, ngành đặc thù) để tạo mối liên hệ tri thức chuyên ngành, đáp ứng nhu cầu truyền thông Phật Pháp mà chính họ là nhân tố chủ đạo.

(vii) Giải pháp cho khủng hoảng truyền thông: Phật giáo hay bất kỳ tôn giáo nào trên thế giới cũng đều có những cuộc khủng hoảng truyền thông, thể hiện qua các vụ việc gây tai tiếng đến Phật giáo, làm mất tín tâm của người Phật tử, tạo dư luận không tốt. Vì vậy, ngành truyền thông và ngành hoằng pháp cần ngồi lại với nhau bằng các buổi tọa đàm để vạch ra những phương án dập tắt khủng hoảng truyền thông Phật giáo có nguy cơ xảy ra trong tương lai. Qua đó, người làm truyền thông sẽ giữ gìn bộ mặt chung của Phật giáo Việt Nam và kịp thời định hướng đối với những sự việc tiêu cực.

Trong 26 thế kỷ từ khi Đạo Phật xuất hiện tại Ấn Độ, hoằng pháp là hoạt động then chốt của chư Tăng Ni, xuất phát từ lòng bi mẫn [1] [2], có tầm quan trọng hàng đầu từ quá khứ, cho đến hiện tại và tương lai đối với Phật giáo các quốc gia trên thế giới nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng.
Có thể nói, Truyền thông Phật giáo là một trọng trách của quý Tăng Ni để hoằng pháp độ sinh một cách hữu hiệu trong thời đại hiện nay. Dù cho xã hội có phát triển đến mức nào, sự tu tập, huân tập Pháp Phật vẫn là cốt lõi của bản thân mỗi người xuất sĩ. Vì vậy, nắm bắt các kỹ năng, phương tiện truyền thông nhưng Tăng Ni vẫn không quên phát huy những tinh hoa giáo pháp của Đức Thế Tôn làm quy chuẩn truyền thông đại chúng để vừa đảm bảo chất liệu tuệ giác, vừa lan tỏa thông điệp thiện lành đến cộng đồng và xã hội.

 

Chú thích:

* Thích Ngộ Trí Viên: Học viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM.

[1] Thích Minh Châu (dịch). (1992). “Kinh Đại Không”. Trung Bộ kinh, tập 3, kinh 122. TP. Hồ Chí Minh: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.

 [2] Thích Minh Châu (2001). Chánh pháp và hạnh phúc. Hà Nội: NXB Tôn Giáo.

[3] Mahàvagga – Đại Phẩm, Luật tạng, chương Trọng yếu, tụng phẩm thứ 2, đoạn 32. Xem bản dịch của Indacanda Nguyệt Thiên, http://www.budsas.org/uni/u-luat-daipham/dp-00.htm.

[4] Thích Tấn Đạt (2019). “Công tác hoằng pháp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”. Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững. Hội thảo quốc gia Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc lần thứ 16. Hà Nội: NXB Hồng Đức, tr.117.

[5] Nguyễn Thị Minh Ngọc, Nguyễn Thúy Hà (2014). Truyền thông đại chúng về tôn giáo trong bối cảnh đa dạng tôn giáo tại Việt Nam hiện nay (Nghiên cứu trường hợp Phật giáo và Công giáo). Xã hội học, số 1 (125). Hà Nội: Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tr.65.

[6] Tạ Ngọc Tấn (2001). Truyền thông đại chúng: NXB Chính trị Quốc gia, tr.7-8.

[7] Cổng thông tin điện tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngày 06 tháng 06 năm 2021. GHGPVN ủng hộ 3,5 tỷ đồng tại lễ ra mắt Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19. [https://phatgiao.org.vn/ghpgvn-ung-ho-35-ty-dong-tai-le-ra-mat-quy-vac-xin-phong-chong-covid-19-d47530.html]. Truy cập ngày 06/06/2021.

[8] Nguyễn Quang Khải (2016). Đỗ Pháp Thuận – một tăng sĩ tiêu biểu thời Lê. Tạp chí Nghiên cứu Phật học, 06 (2016).

[9] Nguyễn Đại Đồng (2010), trong Phật giáo đời Lý có đề cập về Thiền sư Vạn Hạnh đã nhiều lần được Lý Thái Tổ vời về kinh thành vấn yếu chỉ Thiền tông, bàn việc chính sự triều định.

[10] Trần Trọng Dương. Khuông Việt thiền sư hay phức thể dung hội Nho-Phật. Khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP. Hồ Chí Minh.

[11] Hoàng Văn Lâu (1996). Đi tìm địa chỉ Ngô Chân Lưu. Tạp chí Hán Nôm, số 1 (26), 1996: Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam – Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

[12] Trần Hồng Liên (2007). 100 câu hỏi đáp về Gia Định – Sài Gòn TP. Hồ Chí Minh. NXB Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, tr.195-197.

[13] Buddhaghosa. Trưởng lão Pháp Minh (dịch). Sớ giải Kinh Pháp Cú. NXB Tổng Hợp TP.HCM.

[14] Thích Minh Châu (dịch). (1991). “Kinh Chuyển luân thánh vương Sư tử hống”. Trường Bộ kinh, tập 2. TP.HCM: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.

[15] Tuệ Sỹ (dịch). “Kinh chuyển luân vương tu hành”. Kinh Trường A-hàm, tập 1. Tái bản 2021. Hà Nội: Nxb Hồng Đức.

[16] Thích Gia Quang (2006). Vai trò của báo chí trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Phật học, 5. TP.HCM-VNCPHVN, tr.25-29.21.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *