Mấy gợi ý về công cuộc Hoằng pháp giữa thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 (Lam Phương)

Thứ nhất, việc thuyết giảng Phật pháp cần tăng cường kỹ năng tin học, vận dụng internet và các phương tiện công nghệ trong thời buổi online hiện nay, nhất là trong điều kiện do tình hình dịch bệnh. Hoằng pháp ngày nay không chỉ thuyết giảng trên pháp tòa mà còn thông qua các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube,… để đưa bài pháp đến rộng rãi quần chúng, nhất là những người thường xuyên bận rộn công việc, không có thời gian đi đến Phật đường, giúp tất cả đều có điều kiện học hỏi giáo pháp của Đức Thế Tôn. Nhờ thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 mà giáo pháp vi diệu của Đức Phật đến với đại đa số quần chúng nhân dân sâu rộng hơn trước kia rất nhiều, trong đó ảnh hưởng, lan tỏa đến những người dân ở vùng nông thôn xa xôi, vùng núi cao biên giới hiểm trở. Cho nên, chúng ta cần phát huy, nhân rộng các mô hình này hơn nữa.

Thứ hai, hình ảnh Tăng Ni xuất hiện ngày một nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông. Xã hội ngày càng hiểu rõ về vị trí, vai trò của người tu sĩ với sứ mạng tu tập giải thoát và nhập thế hành đạo. Cho nên, trong hoạt động tương tác với truyền thông, các vị Tăng, Ni cần phải thể hiện sự trang nghiêm, oai nghi tế hạnh của người xuất gia, tránh đưa những hình ảnh vô tình làm phản cảm hoặc bị những người chưa hiểu biết Phật pháp phát tán, gây ảnh hưởng đến Tăng đoàn nói riêng và Giáo hội nói chung. Điều này trong thực tế đã diễn ra.

Hình ảnh Tăng Ni xuất hiện ngày một nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông. Xã hội ngày càng hiểu rõ về vị trí, vai trò của người tu sĩ với sứ mạng tu tập giải thoát và nhập thế hành đạo.

Thứ ba, truyền thông ngày nay là một thế giới đa chiều, đa thông tin. Vì thế, Tăng, Ni hoằng pháp cần chọn lựa những thế mạnh của mình để thích hợp với đặc điểm những nhóm xã hội khác nhau (thanh niên, sinh viên, công nhân, nông dân, doanh nghiệp, doanh nhân, các tập đoàn, công chức văn phòng). Ngoài ra, việc thuyết pháp qua truyền thông hiện nay cần hết sức ngắn gọn, mạch lạc, logic và truyền cảm cho quần chúng vì nhiều người không có thời gian. Do vậy, Tăng Ni tham gia thuyết giảng cần biết cách sắp xếp tư duy hợp lý để bài pháp dễ đi sâu vào lòng người, truyền cảm hứng cho họ tu học gắn với thực tiễn cuộc sống.

Việc thuyết giảng Phật pháp cần tăng cường kỹ năng tin học, vận dụng internet và các phương tiện công nghệ trong thời buổi online hiện nay do tình hình dịch bệnh. Hoằng pháp ngày nay không chỉ thuyết giảng trên pháp tòa mà còn thông qua các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube,…

Thứ tư, ngành hoằng pháp cần tổ chức các buổi tọa đàm để vạch ra những kế hoạch hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho những nhóm xã hội, nghề nghiệp dễ rơi vào tình trạng thất nghiệp trong tương lai do hệ lụy cuộc cách mạng 4.0 đem lại. Hay nói cách khác, họ là những nhóm dễ bị tổn thương, rất cần chúng ta giúp đỡ bằng tấm lòng từ bi. Theo chúng tôi, Phật giáo cần có biện pháp hỗ trợ họ bằng nhiều cách như: Chuyển đổi sinh kế, giáo dục kỹ năng, tư vấn, hỗ trợ về tâm lý, nhận thức, định hướng sao cho ổn định, thăng bằng cuộc sống trong cách sống mới. Qua đó, chúng ta sẽ hướng họ về với giáo pháp, về với Phật pháp một cách dễ dàng. Như thế, trong cuộc cách mạng 4.0 tại Việt Nam, Phật giáo sẽ giữ một vai trò, vị trí quan trọng đối với người dân, cũng như đã từng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc qua hơn 2.000 năm dựng nước và giữ nước.

Thứ năm, cuộc cách mạng 4.0 này sẽ làm cho con người giao tiếp, tương tác với nhau nhiều hơn. Nhưng giao tiếp chủ yếu là qua các thiết bị điện tử, mạng truyền thông mà ít có cơ hội tiếp xúc trực tiếp lẫn nhau. Như vậy, tôi muốn nhấn mạnh rằng, điều này phải chăng sẽ làm giảm đi tính nhân văn trong xã hội? Liệu rằng văn hóa giao tiếp giữa người với người để học hỏi về đạo đức, nhân cách, lối sống lẫn nhau sẽ phai mờ trước những hiện tượng do truyền thông dẫn dắt. Tôi suy nghĩ rất nhiều về điều này. Hoằng pháp qua các phương tiện truyền thông là qui luật, là mục tiêu hàng đầu. Nhưng các vị giảng sư cũng cần tiếp xúc, trải nghiệm, chia sẻ trực tiếp với hàng Phật tử và cộng đồng xã hội để thông qua đó họ tiếp cận, lý giải Phật pháp không chỉ bằng ý giáo, khẩu giáo mà còn cả thân giáo. 

Thứ sáu, theo chúng tôi, các vị giảng sư trong Ban Hoằng pháp Trung ương nên xây dựng hình ảnh cá nhân hoặc của chùa, đặc biệt trên Facebook/Zalo để đăng tải các hoạt động của chùa, các bài thuyết giảng nhanh chóng đến với Phật tử. Để kết nối với đạo tràng tu tập của chùa, cũng như nắm bắt kịp thời tâm tư và mong muốn của Phật tử, chúng ta cần tạo nhóm để hiểu và đồng thời hướng dẫn họ tu tập một cách lành mạnh, dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Thứ bảy, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh rằng: Trong thời đại 4.0, người học cần tích hợp kiến thức đa ngành. Cơ hội nằm ở liên kết các ngành, các tri thức khác nhau. Vì vậy, theo tác giả, chư Tăng Ni hoằng pháp thời nay cần học tập nhiều hơn nữa, hiểu biết nhiều hơn nữa, tích hợp và nắm vững tri thức đa ngành, từ Phật học cho đến các ngành khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên cũng như các kiến thức khác để có thể đáp ứng nhu cầu truyền bá Chánh pháp trong thời đại mới. 

Có thể nói, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một xu thế, một tiến bộ lớn của loài người mà không ai có thể đảo ngược. Chúng ta, hàng Tăng Ni với trọng trách cầm ngọn đuốc chánh pháp, với trí tuệ của người con Phật cùng tinh thần khế lý, khế cơ, khế xứ, khế thời rất cần học hỏi, nắm bắt và vận dụng thành tựu của cuộc cách mạng này để áp dụng vào lĩnh vực hoằng pháp độ sinh. Làm được như thế, chúng ta sẽ hoằng truyền giáo lý vi diệu của Đức Phật một cách hữu hiệu trong thời đại văn minh với những thành tựu tiên tiến của khoa học kỹ thuật.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Bhikkhu Bodhi (2016), Lời Phật dạy về sự hòa hợp trong cộng đồng và xã hội, Nxb Hồng Đức.

2. Phan Xuân Dũng (2018), Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cuộc cách mạng của sự hội tụ và tiết kiệm, Nxb Khoa học kỹ thuật.

3. Thích Nhất Hạnh (2008), Đạo Phật hiện đại hóa, Nxb Văn hóa thông tin.

4. Thích Nhật Từ (soạn dịch) (2017), 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *