PHẬT GIÁO NHẬP THẾ TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC
Bản thân Phật giáo vốn mang nét đặc thù của một thực thể giác ngộ giải thoát, chính điều này khiến cho việc nghiên cứu các hoạt động và những tính chất đặc thù của Đạo Phật sẽ khó xác định giữa bản chất và hiện tượng trong sinh hoạt Phật giáo, với mong muốn các nội dung nghiên cứu sẽ phù hợp với bản chất Đạo Phật. Mục đích của Đạo Phật là diệt khổ, bản chất của Đạo Phật là giác ngộ, giải thoát; muốn diệt khổ thì phải y theo giáo pháp và giới luật của Đức Phật và thực hành cho đến khi thành tựu đạo quả. Sau khi thành tựu đạo quả, người con Phật phải mở lòng từ bi hóa độ chúng sanh. Như vậy thuở ban sơ Đạo Phật chỉ chú trọng việc thực hành giáo pháp và đi giáo hóa khi đã giác ngộ giải thoát. Thời Phật tại thế, sau khi được Đức Phật giáo huấn, các vị Tỳ kheo thường tìm nơi yên tĩnh như dưới gốc cây hay trong các khu rừng vắng để tọa thiền quán tưởng. Đến khi Tăng chúng trong Giáo đoàn đông đủ, Đức Phật mới dạy các vị Tỳ kheo “Hãy đi khắp nơi vì lợi lạc và hạnh phúc của số đông, do lòng từ bi đối với cuộc đời, vì lợi lạc và hạnh phúc của Trời và Người”.
Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ được thể hiện qua hành động: người có lòng từ bi thì không thể làm ngơ trước thống khổ nhân loại, hoằng pháp lợi sanh thì phải đi vào đời sống của nhân sinh. Đây chính là hành động thể hiện hạnh nguyện Bồ tát như tinh thần nhập thế với tấm lòng từ bi thương tưởng cứu vớt chúng sanh. Đạo Phật hướng con người đến mục tiêu giác ngộ giải thoát. Tự giác – giác tha được xem là hành trình tất yếu mà mỗi hành giả Phật môn phải kinh qua. Với lòng từ bi lân mẫn, mong muốn mọi người đều giác ngộ như mình, chư Tăng đã đem giáo lý Phật Đà truyền bá vào đời sống, từ đây mở ra con đường nhập thế và nhập thế trở thành một hành dụng không thể tách rời trong quá trình hoằng pháp lợi sanh. Thời Phật tại thế, chư Tăng đi hoằng pháp là hướng trực tiếp đến những người khát khao tầm cầu chân lý giải thoát, đó là hoằng pháp thuần túy về đạo. Vì vậy, thời bấy giờ con đường nhập thế chưa được mở rộng trong đời sống xã hội. Về sau qua mỗi giai đoạn lịch sử, thuận theo trào lưu tiến hóa và nhu cầu xã hội, định hướng hoằng pháp cũng được thể hiện qua nhiều phương cách, tùy theo yếu tố con người và bối cảnh thời đại, từ đó hành trạng nhập thế phát triển trên nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội.
Từ khi du nhập vào nước ta, Đạo Phật đã nhanh chóng ăn sâu, bám rễ vào đời sống tinh thần của người dân, ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt trong đời sống xã hội, dưới các triều đại từ Đinh, Lê đến Lý, Trần. Tinh thần nhập thế của Phật giáo đã thể hiện mạnh mẽ trong đời sống xã hội đương thời, bằng chứng là các vị cao Tăng đạo hạnh và có uy tín của Phật giáo đã đứng ra đảm nhận vai trò quân sư, cố vấn triều đình lèo lái con thuyền dân tộc.
Thời nhà Đinh, Thiền sư Ngô Chân Lưu được vua Đinh Tiên Hoàng phong chức Tăng thống, ban hiệu là Khuông Việt Thái Sư, đứng đầu Phật giáo thời bấy giờ. Điều này cho thấy triều đại nhà Đinh đã chính thức công nhận nhân sự của Phật giáo trực tiếp tham gia chính sự trong vai trò chỉ đạo tâm linh. Thời nhà Lê, vua Lê Đại Hành đã cho mời hai Thiền sư Pháp Thuận và Vạn Hạnh làm cố vấn chính trị, Thiền sư Vạn Hạnh được vua Lê Đại Hành đích thân xin ý kiến về cuộc kháng chiến chống quân Tống vào năm 980… Sang thời nhà Lý, Thiền sư Vạn Hạnh đã cố vấn vua Lý Công Uẩn dời đô từ kinh thành Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La, tức Thăng Long – Hà Nội ngày nay, biến nơi đây thành một trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội, thương mại mang tầm vóc của nước Đại Cồ Việt. Lịch sử ghi nhận Thiền sư Vạn Hạnh đã đào tạo nên Lý Công Uẩn tại chùa Lục Tổ, Thiền sư Trí ở núi Cao Dã đã đào tạo nên Tô Hiến Thành, Ngô Hòa Nghĩa… đây là những bậc anh tài kiệt xuất trong lịch sử dân tộc. Các Thiền sư Đa Bảo, Viên Thông, Nguyễn Thường nhiều lần được vua Lý Thái Tổ thỉnh vào cung để luận bàn việc nước. Một số nhà sư đóng góp công lao to lớn với đất nước được triều đình phong làm Quốc sư như Quốc sư Viên Thông, Quốc sư Thông Biện. Thời nhà Lý, sự gần gũi và gắn kết giữa vua quan với dân chúng, đã nói lên mức độ ảnh hưởng nền đạo đức và văn hóa tâm linh của Phật giáo rất sâu rộng, học giả Hoàng Xuân Hãn ghi nhận điều này trong cuốn Lý Thường Kiệt rằng: “Đời Lý có thể gọi là đời thuần từ nhất trong lịch sử nước ta, đó chính là ảnh hưởng của Đạo Phật”.
Đến thời nhà Trần, sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm và Giáo hội Trúc Lâm, đã đánh dấu thời kỳ mở đầu của tổ chức Giáo hội Phật giáo độc lập và thuần Việt tại nước ta, khẳng định vị thế vững vàng của Phật giáo trong lòng dân tộc. Đặc biệt tư tưởng “Hòa quang đồng trần” của Tuệ Trung Thượng Sĩ và hành trạng hoằng pháp lợi sanh của Phật hoàng Trần Nhân Tông đã cho thấy chủ trương của Phật giáo thời nhà Trần là đem sự tu chứng đi vào cuộc đời, giúp người đời tiếp cận chánh pháp và tu hành theo đạo giải thoát ngay trong cuộc sống đời thường. Điều này đáp ứng được nhu cầu thực tế của đại bộ phận quần chúng nên đã hội tụ nhân tâm, đánh động lương tri, chuyển mê khai ngộ, khiến cho từ vua quan đến thứ dân bá tánh đều quy ngưỡng về Đạo Phật. Tư tưởng “Hòa quang đồng trần” mang đậm dấu ấn trí tuệ và tinh thần dân tộc, đã được Tuệ Trung Thượng sĩ, bậc thầy của Sơ tổ Trần Nhân Tông, tích cực đem ánh sáng giác ngộ chan hòa vào đời sống thế tục tạo hiệu ứng tác động đến môi trường sống xã hội, bằng tâm từ bi thương tưởng chúng sanh, vì an lạc hạnh phúc số đông, như hình ảnh con ong hút mật hoa được diễn tả trong kinh Pháp Cú: “Như ong đến với hoa; không hại sắc và hương; che chở hoa, lấy nhụy; bậc Thánh đi vào đời cũng thế”.
Vào thời nhà Trần, các vua Trần không chỉ là những Phật tử thuần thành mà còn là những hành giả thâm chứng Phật pháp, với tư tưởng “Phật tại tâm, Tâm tức Phật” và chủ trương “không xa lánh cõi đời, cùng gánh vác việc đời”. Các vua Trần đã thiết lập thể chế chính trị được xây dựng trên tinh thần từ bi, đạo đức, khoan dung của Đạo Phật, khiến cho trật tự xã hội vô cùng ổn định, nhờ đó đã gắn chặt khối đại đoàn kết dân tộc và phát huy truyền thống tự lực tự cường của dân tộc, bảo vệ vững chắc giang sơn xã tắc Đại Việt. Điều này được thể hiện qua Hội nghị Diên Hồng do đích thân vua Trần Nhân Tông đứng ra hiệu triệu toàn dân tộc đồng lòng chung sức đánh tan giặc ngoại xâm Nguyên Mông. Đặc biệt, vua Trần Nhân Tông vừa là một nhà chính trị tài ba, một thiền sư lỗi lạc, một nhà lãnh đạo uy tín của Phật giáo. Sau khi hoàn thành trọng trách đối với dân tộc trên cương vị của một bậc minh quân, suốt cuộc đời làm Tăng của vua Trần Nhân Tông là một chuỗi ngày hoạt động tích cực và hiệu quả vì sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh. Hành trạng nhập thế độ sanh của vua Trần Nhân Tông đã tạo ảnh hưởng rất lớn trong đời sống đạo đức xã hội, công cuộc đem đạo vào đời của vua Trần Nhân Tông đã không ngừng nâng cao vị thế nhà Trần, củng cố triều đại, tạo nguồn an lạc trong đời sống nhân dân. Lịch sử Phật giáo đã ghi lại lời quốc sư Trúc Lâm, tức Thiền sư Đạo Viên đã giáo huấn vua Trần Thái Tông về bổn phận của một nhà chính trị khi là một Phật tử: “Đã là người phụng sự dân thì phải lấy cái muốn của dân làm cái muốn của mình, phải lấy ý dân làm ý mình, trong khi đó không được xao lãng việc tu học của bản thân”. Hay như vua Trần Nhân Tông đã khẳng định đường lối trị nước của mình: “Nhà chính trị phải thực hiện Đạo Phật trong xã hội”, từ đó chúng ta có thể khẳng định rằng, vai trò tích cực nhập thế của Phật giáo thời nhà Trần đã góp phần to lớn vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước Đại Việt.
Ở thời hiện đại, nhất là trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Việt Nam, Phật giáo đã đồng hành cùng Dân tộc, góp phần giải phóng quê hương thống nhất đất nước, giang san nối liền một dải Bắc Nam sum họp một nhà.
PHẬT GIÁO NHẬP THẾ TRONG KỶ NGUYÊN MỚI
Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, mỗi người trong chúng ta đều có nguy cơ bị ảnh hưởng liên đới bởi những biến động và diễn biến tiêu cực xảy ra ở bất cứ một nơi nào đó trên thế giới, do vậy việc chuyển hóa nghiệp lực thế giới mà chúng ta đang sống trở thành trách nhiệm chung của toàn nhân loại, nhất là đối với Phật giáo. Trên tinh thần đó, bằng tỉnh thức và chánh niệm, mỗi thành viên của tổ chức Phật giáo sẽ tích cực mang vào đời thông điệp hòa bình, tư tưởng hóa giải oán kết hận thù và hành động chuyển hóa nghiệp lực. Đây là việc làm có mục đích và trách nhiệm của Phật giáo thời đại và đây cũng chính là động cơ Phật giáo tích cực tham gia giải quyết các vấn đề xã hội.
Ngày nay, chúng ta đang sống trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa, song song đó là việc xây dựng nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, đây là thời kỳ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, nhất là sự bùng nổ của hệ thống mạng và sự du nhập của các nền văn hóa đã tác động không nhỏ đến đời sống con người. Trong bối cảnh này, Phật giáo đã tích cực tham gia góp phần giải quyết các vấn đề xã hội với khả năng của mình. Cộng đồng Phật giáo đã nghiêm túc và khuyến tấn nhau trong việc giữ gìn “ngũ giới”, đây là giới căn bản thể hiện đạo đức nhân cách của một người con Phật. Trong “ngũ giới”, việc giữ gìn giới “sát sanh” không phải chỉ là “không giết” mà còn thể hiện bằng hành động ngăn chặn mọi hành vi “giết hại” xảy ra trong đời sống. Do vậy, việc một tu sĩ Phật giáo tham gia các diễn đàn chống chủ nghĩa khủng bố nhằm ngăn chặn sự “sát sanh hại vật” có nguy cơ xảy ra trong cuộc sống, vừa giữ được truyền thống tu hành của Đạo Phật lại vừa mang tính phổ độ chúng sanh. Chỉ riêng việc giữ giới cũng đã nói lên tinh thần tích cực của Phật giáo trong việc tham gia giải quyết các vấn đề xã hội. Bước vào thời hiện đại, trước những vấn nạn trầm trọng của xã hội về môi trường sinh thái, bệnh dịch, mại dâm, về bạo động, khủng bố và chiến tranh, tinh thần tích cực của Phật giáo luôn được dàn trải trên các phương diện xã hội nhằm góp phần làm giảm bớt khổ đau và khủng hoảng trong đời sống con người.
Về vấn đề môi trường sinh thái, Phật giáo luôn khuyến khích mọi người tôn trọng mạng sống muôn loài, đồng thời tham gia trồng cây gây rừng và bảo vệ nguồn nước không bị ô nhiễm; về bệnh dịch HIV/AIDS, Phật giáo phối hợp với Mặt trận Tổ quốc về: “ Sáng kiến của lãnh Đạo Phật giáo” tham gia phòng chống HIV/AIDS đã cùng với các đoàn thể xã hội tích cực tuyên truyền về cách ngăn ngừa nhằm làm giảm đi cường độ lây lan của căn bệnh thế kỷ vốn đang có chiều hướng gia tăng gây tai họa cho xã hội.
Về giáo dục, Phật giáo chủ động tổ chức mở các lớp đào tạo chuyên ngành giáo dục sư phạm mầm non nhằm tạo điều kiện cho nữ cư sĩ Phật tử phụng sự xã hội trên phương diện nuôi dạy trẻ.
Về vấn nạn bạo hành và bất ổn trong đời sống hôn nhân gia đình, Phật giáo đã không ngừng chuyển hóa bằng cách hướng dẫn quần chúng Phật tử sống tôn trọng, thông cảm và có trách nhiệm với nhau theo những điều Đức Phật đã dạy trong kinh Ca Thi La Việt.
Về trách nhiệm cá nhân đối với gia đình và xã hội, về vấn đề chiến tranh, bạo động và khủng bố, Phật giáo luôn khuyến khích quần chúng thể hiện lòng từ bi, sống trong tỉnh thức và chánh niệm vì một đời sống hòa bình, hạnh phúc và an lạc.
Trong thời gian qua, GHPGVN đã phối hợp với UBATGTQG tổ chức lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông nhằm chia sẻ đau thương, sự mất mát của những người chết vì tai nạn giao thông, đồng thời tuyên truyền mọi người tích cực chấp hành luật an toàn giao thông. Hay các vị Giáo phẩm của Giáo hội tham gia vào các tổ chức đoàn thể và cơ quan lập pháp để giám sát và đóng góp ý kiến xây dựng cơ chế và chủ trương chính sách phù hợp với tình hình thực tế xã hội, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, nhằm xây dựng đời sống xã hội tốt đẹp hơn, nhất là tham gia chương trình bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu do Liên Hiệp Quốc và Nhà Nước chủ trương… Thực tế trên cho thấy, tinh thần dấn thân nhập thế của Phật giáo đã nói lên vai trò tích cực của mình trong đời sống xã hội đương đại, không những tạo ra các giá trị chân chính đóng góp thiết thực vì lợi ích tha nhân mà còn bảo tồn nguyên vẹn các giá trị truyền thống và bản chất của Đạo Phật.
Nhìn lại những đóng góp hiệu quả của Phật giáo đối với dân tộc suốt chiều dài lịch sử, đặc biệt là Phật giáo thời nhà Trần cũng như Phật giáo Việt Nam ngày nay, cho thấy tinh thần tích cực của Phật giáo đã mang lại những lợi ích to lớn, thiết thực cho đời sống xã hội và đây cũng chính là mục đích cao cả mà Phật giáo mọi thời đại luôn hướng đến. Tuy nhiên, trong quá trình hoằng pháp lợi sanh, dù tích cực đem ánh sáng giác ngộ đi vào cuộc đời, sẵn sàng tham gia các hoạt động vì lợi ích tha nhân và xã hội, nhưng Phật giáo cũng không đặt nặng vấn đề cho rằng nhập thế là chủ trương của Đạo Phật, bởi điều này không quan trọng bằng kết quả đóng góp thiết thực mang lại nguồn an lạc, hạnh phúc cho đời sống con người trong hiện tại và tương lai trên hành tinh này.
* HT.TS. Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN.
I was looking at some of your articles on this
website and I think this site is very instructive!
Keep on putting up.Blog monry