Bộ tượng quý hiếm tại Bảo tàng Văn Hóa Phật Giáo chùa Quán Thế Âm (Đà Nẵng) (Trần Trung Sáng)

Bảo tàng Văn hóa Phật giáo. (Nguồn: danangfantasticity.com)

SƯ RA ĐỜI CỦA BẢO TÀNG VĂN HÓA PHẬT GIÁO

Bảo tàng Văn hoá Phật giáo (BTVHPG) đầu tiên của Việt Nam được hình thành ngay trong khuôn viên chùa Quán Thế Âm (Đà Nẵng), khánh thành và đón khách từ 24/12/2015. Bộ sưu tập của BTVHPG được hình thành và bổ sung liên tục qua ba đời trụ trì, gồm nhiều hiện vật phản ánh di sản văn hóa Phật giáo của Việt Nam và châu Á. “Có được bộ sưu tập hiện vật và không gian trưng bày như hôm nay đối với chùa Quán Thế Âm như một phép mầu, khi sự phát nguyện được tôn trí nhiều vị Phật và Bồ tát trong mười phương, ba đời để trấn bảo Sơn môn và gìn giữ di sản văn hóa Phật giáo cũng là di sản quý giá của dân tộc cho muôn đời sau”, Thượng tọa Thích Huệ Vinh chia sẻ.

Về quá trình thành lập bảo tàng, cũng theo Thượng tọa: “Khoảng năm 2011, anh Hà Phước Mai, nguyên là Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cùng PGS. TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa và các chuyên gia từ Hà Nội vào miền Trung nghiệm thu cổ vật tàu đắm. Nhân dịp này anh Mai đã giới thiệu bộ sưu tập hiện vật văn hóa Phật giáo của chùa Quán Thế Âm với các nhà chuyên môn. Ngạc nhiên trước sự đa dạng và phong phú của bộ sưu tập, các chuyên gia trong đoàn đã gợi ý nên thành lập một BTVHPG đặt tại chùa với sự hỗ trợ chuyên môn của Bảo tàng Đà Nẵng. Sau đó, khoảng 500 hiện vật thuộc sưu tập đã được lập danh mục, thẩm định và tiến hành nghiên cứu sơ bộ với sự hỗ trợ của Hội đồng Giám định Cổ vật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gồm :TS Phạm Quốc Quân, TS Nguyễn Đình Chiến, phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng. Đến cuối năm 2014, UBND TP Đà Nẵng có Quyết định thành lập BTVHPG tại chùa Quán Thế Âm. Đây được xem là BTVHPG đầu tiên ở Việt Nam”.

Thượng tọa Thích Huệ Vinh và nhóm tượng Phật bằng hợp kim trong sưu tập của BTVHPG.

BỘ TƯỢNG PHẬT GỒM 8 PHO QUÝ HIẾM

Trong số hàng trăm hiện vật trưng bày tại bảo tàng, mỗi hiện vật đều có giá trị khác nhau với riêng một cơ duyên, một câu chuyện thú vị kèm theo. Tuy nhiên, theo TT. Thích Huệ Vinh, nếu được giới thiệu một bộ tượng quý hiếm nhất, có thể ví như bảo vật quốc gia, đó là nhóm 8 pho tượng Phật: “Tôi có dịp thăm một số bảo tàng của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt ở châu Á … nhưng chưa từng thấy những pho tượng tương tự. Tôi cũng tham khảo ý kiến của nhiều nhà chuyên môn về chúng, hầu hết đều thừa nhận là chưa từng gặp loại hợp kim như thế. Với cảm nhận riêng của tôi khi tìm hiểu, nghiên cứu về tượng Phật, tôi thấy rằng một tượng Đức Phật cầm xâu chuỗi; một vị cầm chày kim cang có thể thuộc về Kim cang thừa… đó có thể là Đức Thích Ca Mâu Ni, Đức A Di Đà, Đức Phật Kim cang… Tôi nghĩ rằng, đây là tài sản rất quý, không chỉ của BTVHPG mà còn ở Việt Nam… Hy vọng các cấp thẩm quyền sẽ quan tâm và thẩm định giá trị của nhóm tượng này, tiến tới công nhận là bảo vật quốc gia nếu nhóm tượng hội đủ các tiêu chí theo quy định nhà nước về Luật Di sản”.

Nguồn gốc nhóm tượng Phật quý hiếm

Nhóm tượng Phật trên vốn thuộc sưu tập của Linh mục Nguyễn Trường Thăng (1942-2018), do linh mục sưu tập từ giáo dân Trà Kiệu và không nằm trong sưu tập của nhà thờ Trà Kiệu. Sau này đã được anh Trần Xuân giới thiệu và giúp thỉnh về bảo tàng.

Nhóm tượng Phật qua góc nhìn chuyên môn và nghệ thuật

Sau khi nghe câu chuyện về nhóm tượng Phật độc đáo tại BTVHPG, chúng tôi đã gặp nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Trần Kỳ Phương để tìm hiểu thêm. Về chuyên môn, trong nhóm tượng này, tác phẩm được quan tâm nhất là pho tượng thể hiện Bồ tát Trí Huệ Ba-la-mật (Prajnaparamita). Ngài là vị Bồ tát rất nổi tiếng trong kinh điển Phât giáo Đại thừa Mật tông, tượng trưng cho trí tuệ giải thoát. Hình tượng Ngài xuất hiện vào khoảng thế kỷ V ở Ấn Độ. Tại Đông Nam Á, tượng Bồ tát Trí Huệ Ba-la-mật được tôn thờ khá phổ biến từ thế kỷ IX trở đi. Riêng ở Campuchia, vào thời Angkor, Ngài rất được hoàng gia Khmer sùng bái. Nhiều tác phẩm thể hiện hình tượng Bồ tát Trí Huệ được chế tác vào thế kỷ XII-XIII là thời hưng thịnh nhất của đế chế Angkor.

Pho tượng Bồ tát Trí huệ Ba-la-mật, thuộc phong cách nghệ thuật Khmer Bayon thế kỷ XII-XIII, trong sưu tập của BTVHPG.

Theo nhà nghiên cứu, nếu nhóm tượng này được phát hiện tại Trà Kiệu thì nhiều niên đại lịch sử của vương quốc Champa cần được suy xét. Hai vương quốc Champa và Khmer từng xảy ra chiến tranh dưới triều vua Jaya Harivarman, trị vì khoảng năm 1157, theo một bi ký dựng tại Mỹ Sơn. Năm 1177, thủ phủ Angkor bị người Chăm chiếm đóng; sau đó người Khmer tấn công cảng thị Champa tại Quảng Trị để phục thù, rồi tiến chiếm Amaravati ở Quảng Nam và Vijaya ở Bình Định. Từ năm 1190, người Khmer dưới triều vua Jayavarman VII đã xâm chiếm Champa trong vòng 30 năm. Nhiều pho tượng Bồ Tát Quán Thế Âm bằng sa thạch của thời Angkor được phát hiện tại Quảng Trị và nhiều nơi khác ở miền Trung.

Vào đầu thế kỷ XX, các học giả Pháp đã phát hiện tại Trà Kiệu một pho tượng Bồ tát Quán Thế Âm tỏa quang (Radiant Lokesvara) bằng sa thạch, có niên đại thế kỷ XII-XIII. Năm 2019, TS William Southworth và nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương đã công bố một nghiên cứu về pho tượng này trong mối quan hệ ngoại giao và văn hóa giữa Champa và Khmer. Vì vậy, việc phát hiện nhóm tượng thuộc Phật giáo Mật tông của Khmer bằng đồng tại Trà Kiệu có thể xem là sự kiện quan trọng để nghiên cứu lịch sử và nghệ thuật của hai vương quốc cổ này.

Pho tượng Quán Thế Âm tỏa quang, phong cách nghệ thuật Khmer Bayon, sa thạch, thế kỷ XII-XIII, phát hiện tại Trà Kiệu. Hiện bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hà Nội.

Tuy nhiên, sự thẩm định tính nguyên bản của nhóm tượng là việc làm thiết yếu để phục vụ cho sự nghiên cứu. Theo nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương, lịch sử nghệ thuật Đông Nam Á ghi nhận nhiều trường hợp các pho tượng quý thường được phục chế vào các thời kỳ sau để phục vụ việc thờ tự. Gần đây, TS Martin Porkinghorne của Đại học Flinder ở Úc đã công bố một nghiên cứu về pho tượng Phật bằng đồng mang phong cách thời Angkor Bayon thế kỷ XIII nhưng được phục chế lại vào thế kỷ XVII để thờ trong một ngôi chùa ở Siem Reap (Campuchia), dựa vào sự xét nghiệm và phân tích hợp kim đúc tượng khác nhau giữa hai thế kỷ XIII và XVII . Vì thế, việc xét nghiệm khoa học để phân tích chất liệu cho những pho tượng Phật hiếm quý bằng hợp kim thuộc sưu tập của BTVHPG là cần thiết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *