Viên âm hạnh nguyện phổ lợi nhân sinh (ĐĐ. Thích Thiện Mãn)

Môi trường, giáo dục và bệnh tật đã và đang ảnh hưởng to lớn đến nhân loại, khiến nhiều người phải sống trong cảnh lo âu, nghèo túng. Trước những âm thanh khổ đau thống thiết của nhân sinh, hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm với hạnh nguyện từ bi lắng nghe khổ đau mà thị hiện, hóa độ chúng sanh đã tỏa ánh sáng an lành giữa nhân gian.

KHÁI NIỆM TỪ BI

Bi là tình thương bao la rộng lớn, thấy người ta đau khổ liền khởi tình thương từ tâm cứu giúp thoát khổ “bi năng bạt khổ”. Chính nhờ tình thương của từ tâm đó đã giúp con người tìm về cội nguồn an lạc, vươn lên sống một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tâm từ chính là pháp lành, là tình thương lợi lạc cho tất cả chúng sanh “biến khắp một phương, thành tựu và an trụ. Cũng thế, hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả, tâm tương ưng với từ, không kết, không oán, không sân, không nhuế, không não hại, quảng đại, vô biên” [1]. Tình thương này không phải là tình cảm luyến ái mà Đức Phật từng dạy: “Này các Tỳ kheo, chính là ái này đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái” [2].

Trong kinh tạng Nam truyền (Pañca Nikāya), tâm Từ được ví như tấm lòng người mẹ hiền đối với con mình: “Trọn đời lo che chở, con độc nhất mình sanh” [3], thật bao la rộng lớn! Tâm từ được tìm thấy trong kinh Trung Bộ (Majjhima Nikāya) như kinh Ví dụ tấm vải (số 7), kinh Ví dụ cái cưa (số 21), Tiểu kinh Xóm ngựa (số 40), kinh Hàng ma (số 50), kinh Potaliya (số 54), kinh Làng Sama (số 104), kinh Hành sanh (số 120),… Trong kinh Trường Bộ (Dīgha Nikāya) có kinh Tevijja (số 13), kinh Chuyển luân thánh vương sư tử hống (số 26), kinh Phúng tụng (số 33),… Trong kinh Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikāya) có kinh Cây lao, kinh Gia đình, kinh Cái nồi trong chương Tương ưng thí dụ, tập Thiên Nhân Duyên; kinh Từ và kinh Bộ xương trong chương Tương ưng giác chi, tập Đại phẩm,… Trong kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikāya) có kinh Từ (chương Bốn pháp (phẩm Sợ hãi) và Tám pháp), kinh An ổn trú, kinh Cần phải ghi nhớ, (chương Bảy pháp), kinh Từ bi (chương Chín pháp), kinh Dasama gia chủ và kinh Tham ái (chương Mười một pháp), … Trong kinh Tiểu Bộ (Khudhaka Nikāya) có kinh Lòng từ (Tiểu tụng), kinh Từ bi (Kinh tập),… Còn trong các kinh điển của Phật giáo Bắc truyền thì có một số kinh luận như kinh Diệu pháp Liên hoa (phẩm Phổ Môn), kinh Địa Tạng Bổn Nguyện Công Đức, kinh Bi Hoa, tác phẩm chữ Nôm Nam Hải Quán Âm Bản Hạnh của Thiền sư Chân Nguyên,…

SỨC MẠNH LẮNG NGHE VÀ TỪ BI CỦA ĐỨC BỒ TÁT QUÁN ÂM

Bồ tát (Bodhisattva), dịch là giác hữu tình, tức là vị đó giác ngộ rồi đem Phật pháp hướng dẫn chúng sanh tu tập giác ngộ an vui. Quán Thế Âm [4] (Avalokitesvara) nghĩa là tuệ tri quán sát những âm thanh (khổ đau) ở thế gian. Do con người vì tham đắm trong ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy), trói mình trong mười kiết sử (tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ và tà kiến), nên người tự gây mười điều bất thiện (sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, nói đôi chiều, nói hung ác, nói nhục mạ, tham lam, sân hận, si mê tà kiến). Vì thế, người tạo năng lượng từ tâm thức tỉnh những tâm hồn đang còn say sưa trong ngôi nhà lửa tam giới này, nhanh chân thoát khỏi khổ đau, đó chính là hạnh nguyện Quán Âm lợi lạc khắp nhân sanh.

Trong kinh Bi Hoa, khi còn là Thái tử Bất Huyễn (con của vua Vô Tránh Niệm), Ngài thực hành hạnh cúng dường Đức Phật Bảo Tạng và đại chúng Tăng. Trong lúc thiền định Ngài thấy chúng sanh nơi địa ngục khổ đau, hay chúng sanh cõi trời, người nếu ác tâm thì nhiều đời sanh trong tam đồ ác đạo. Khi đó, thái tử phát nguyện trước Đức Phật Bảo Tạng: “Nay con sẽ dùng âm thanh lớn để báo cho hết thảy chúng sinh đều biết: Hết thảy những căn lành của con đều xin hồi hướng về quả vị A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, nguyện khi con tu hành đạo Bồ tát, nếu có chúng sinh nào đang chịu đựng các khổ não, sợ sệt lo lắng, sự hiểu biết chánh pháp bị thối chuyển, phải rơi vào chỗ tối tăm u ám, sầu đau buồn khổ, cô độc không người cứu giúp, không có nhà cửa, không nơi nương tựa, nếu có thể nhớ nghĩ đến con, xưng tụng danh hiệu của con, sẽ được con dùng thiên nhĩ mà nghe biết, dùng thiên nhãn mà thấy biết, khiến cho những chúng sinh ấy được thoát khỏi mọi sự khổ não. Nếu không được như thế, con quyết sẽ chẳng bao giờ thành tựu quả A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề!” [6].

Thái tử trước Đức Phật Bảo Tạng phát nguyện cứu độ chúng sanh, nên Đức Phật liền thọ ký: “Thiện nam tử! Ông quán xét hết thảy chúng sinh trong hai cõi trời, người cùng với trong ba đường ác mà sinh tâm đại bi, muốn dứt trừ mọi khổ não cho chúng sinh, muốn dứt trừ mọi phiền não cho chúng sinh, muốn tất cả chúng sinh đều được trụ nơi an lạc. Thiện nam tử! Nay ta đặt tên cho ông là Quán Thế Âm” [7]. Bồ tát trải tâm từ bi bao la nguyện cho tất cả chúng sanh xa lìa tham dục, dứt khỏi các khổ não, được Đức Bảo Tạng Như Lai khen:

Bậc đại bi công đức,
Nay ông hãy đứng lên!
Cõi đất khắp mười phương,
Thảy đều đã chấn động.
Chư Phật lại vì ông,
Ban cho lời thọ ký.
Ông quyết sẽ thành Phật,
Hãy sinh lòng hoan hỷ [8].

Với tinh thần vô úy thí, thấy chúng sanh khổ đau (nước lớn cuốn trôi, dâm dục nhiều, tâm ngu si giận hờn), Bồ tát đều cứu độ thoát. Tùy theo từng đối tượng mà Bồ tát Quán Âm ứng hiện những hóa thân khác nhau như thân Phật, thân Duyên Giác, thân Thanh văn, cho đến thân của thần Chấp Kim cang [9] đều hóa hiện ra mà cứu độ nhân sanh. Với lòng từ bi cứu chúng sanh khổ đau trong sáu nẻo luân hồi, Bồ tát đã ứng hóa ra 33 hóa thân khác nhau như:

1/ Dương liễu Quán Âm (tay cầm cành dương);

2/ Long đầu Quán Âm (đứng trên con rồng);

3/ Trì kinh Quán Âm (Thanh văn Quán Âm);

4/ Viên Quang Quán Âm (Bồ tát với lòng từ ái viên mãn, biểu trưng bằng ánh quang minh quanh thân);

5/Du Hý Quán Âm (tự tại các nơi);

6/ Bạch y Quán Âm (Bạch Y Quán Tự Tại Mẫu);

7/ Liên Ngọa Quán Âm (ngồi trên lá sen, đầu đội mão, 

8/ Lang Kiến Quán Âm (ngồi nhìn dòng thác với tâm tư như sức mạnh dòng nước);

9/ Thí Dược Quán Âm (cho chúng sanh lương dược);

10/ Ngư Lam Quán Âm (tay cầm giỏ cá và nhánh lá);

11/ Đức Vương [10] Quán Âm (dùng tiếng Phạm vương thuyết pháp);

12/ Thủy Nguyệt Quán Âm (kiết già trên hoa sen, tay trái cầm hoa sen, tay phải kết thí vô úy ấn);

13/ Nhất Diệp Quán Âm (ngồi trên hoa sen, tâm nghĩ về địa ngục);

14/ Thanh Cảnh Quán Âm (tay trái cầm hoa sen, lòng bàn tay phải hướng lên phát tâm đại từ bi uống lọ thuốc độc cứu chúng sanh);

15/ Uy Đức Quán Âm (tay trái cầm kim cang để nhiếp phục tâm cang cường của chúng sanh);

16/ Diên Mạng Quán Âm (có 20 cánh tay cứu hộ chúng sanh);

17/ Chúng Bảo Quán Âm (tay cầm vàng đối với chúng sanh truy tìm vật báu với tâm nguyện an ổn cho họ);

18/ Nham Hộ Quán Âm (tĩnh tọa trên hoa sen, trong hang động ít ánh sáng);

19/ Năng Tĩnh Quán Âm (tướng tĩnh lặng, giúp người bị nạn);

20/ A Nậu Quán Âm (đầu búi tóc thiên kế, tay trái cầm mảnh y trước bụng, tay phải thả trên gối, mắt nhìn biển lớn);

21/ Vô Úy Quán Âm (khắp thân có ánh sáng, ba mắt và bốn tay, ngồi trên sư tử trắng, một tay cầm hoa sen, một tay cầm chim cát tường trắng);

22/ Diệp Y Quán Âm (thân có vòng lửa, có 4 tay: một tay phải cầm quả cát tường; tay phải kia kiết ấn; một tay trái cầm rìu, tay kia sợi dây);

23/ Lưu Ly Quán Âm (cầm bình lưu ly xanh, đứng trên hoa sen);

24/ Đa La Quán Âm (thân con gái tướng mạo từ bi, đầu búi tóc);

25/ Cáp Lợi Quán Âm (sự kiện con sò vua Đường Văn Tông);

26/ Lục Thời Quán Âm;

27/ Phổ Bi Quán Âm (tâm từ bi);

28/ Mã Lang Phụ Quán Âm (cầm quyển kinh và cây gậy hình đầu lâu);

29/ Hiệp Chưởng Quán Âm (xa lìa tham dục, mặc y trắng ngồi trên bệ đá);

30/ Nhất Như Quán Âm (cưỡi mây chinh phục lôi điện sấm sét);

31/ Bất Nhị Quán Âm (ngồi trên bệ đá, 2 tay chấp trì kim cang xử);

32/ Trì Liên Quán Âm (đứng trên lá sen, hai tay cầm hoa sen, mặc thiên y,…);

33/ Sái Thủy Quán Âm (đứng trên tường vân cầm chén nước rưới xuống).

Cả 33 ứng thân này đều lợi tha nhân sinh nên Ngài đã phát thệ nguyện:

Lòng Bi răn như sấm

Ý Từ diệu dường mây

Xối mưa pháp cam lồ

Dứt trừ lửa phiền não [11].

GIÁ TRỊ THIẾT THỰC CỦA VIỆC HỌC TẬP HẠNH NGUYỆN BỒ TÁT TRONG ĐỜI SỐNG HIỆN NAY

Tình thương bao la rộng khắp, không còn phân biệt ta với người, cái này và cái nọ, được xem là tình thương cao thượng [12], khó bị phi nhân não hại [13]; đồng thời cũng khiến cho thù hận tự tiêu tan [14]. Những sân hận nào đã sanh khởi rồi thì sẽ bị tiêu diệt đi, còn những sân hận nào chưa phát sanh thì không cho phát khởi. Và trong kinh Pháp cú thuộc kinh Tiểu Bộ cũng bảo rằng nếu lấy hận thù mà diệt hận thù là điều không thể thực hiện được vì hận thù chồng chất biết bao giờ mới hết. Chỉ có lấy không giận, tức từ tâm thì mới hóa giải hận thù được mà thôi [15]. Thấy chúng sanh khổ, khởi tâm yêu thương cứu độ đạt được 11 điều lợi ích như:

1/ Ngủ nghỉ được an lạc;

2/ Thức dậy an vui;

3/ Không gặp các ác mộng;

4/ Được mọi người quý kính;

5/ Được phi nhân tôn kính;

6/ Được chư thiên che chở;

7/ Không bị các nạn lửa, thuốc độc, binh đao tổn hại;

8/ Tâm dễ an định;

9/ Sắc thân tốt đẹp vẹn toàn;

10/ Mạng chung sáng suốt;

11/ Sanh lên cõi Phạm thiên (nếu chưa chứng A-la-hán).

Thế giới hiện nay đang phải đối diện với các cuộc khủng hoảng về đạo đức, về niềm tin, về môi trường, về kinh tế,… khiến cho đời sống con người bị xáo trộn, thiên tai bão lụt, dịch bệnh chết chóc, nghèo đói tật bệnh, cướp bóc tham nhũng, thù hằn chiến tranh,… Nguyên nhân chính là do lòng tham lam vô độ, thiếu tâm từ và lòng vị tha. Nếu mọi người trau dồi tu tập năm giới, bát chánh đạo, tứ nhiếp pháp và tứ vô lượng tâm, để thoát ly khổ đau, trải tình thương bao la rộng lớn để tất cả mọi người, phát khởi thông điệp yêu thương với nhau, thì sẽ xây dựng được cảnh Tịnh độ an lành giữa nhân gian.

Tóm lại, hạng phàm phu không nghe chánh pháp, không biết tu tập các thiện pháp thì sẽ bị trôi lăn trong khổ đau bởi những tham giận, hơn thua. Để chuyển hóa sân hận và thanh tịnh thân tâm, đệ tử Phật phải thực tập trí hạnh viên dung, lắng nghe tiếng khổ chúng sanh mà khuyến tấn họ tu tập Bát chánh đạo, thực hành Tứ nhiếp pháp, để vơi bớt những sầu khổ, tìm lại bến bờ an lạc trong đời sống tự thân, hướng đến xây dựng một gia đình hạnh phúc và một xã hội yên bình phát triển.

 

Chú thích:

* ĐĐ. Thích Thiện Mãn: Học viên Cao học khóa III tại Học viện Phật giáo Việt Nam TP. HCM.

[1] ĐTKVN, Kinh Trung A-hàm, tập 1, phẩm Nghiệp tương ưng, kinh Ba-la-lao, VNCPHVN, 1992, tr.218.

[2], ĐTKVNNT, Kinh Tương ưng bộ, tập 5: Đại phẩm, chương Tương ưng sự thật, phẩm Chuyển Pháp luân, kinh Như Lai thuyết, Nxb. Tôn giáo, 2018, tr.783.

[3] ĐTKVNNT, Kinh Tiểu bộ, tập 1, kinh Tập, phẩm Rắn Uragavagga, kinh Từ bi, kệ số 149, Nxb. Tôn giáo, 2018, tr.358.

[4] Quán Thế Âm: hay còn gọi là Quán Âm, Quán Tự Tại.

[6] Nguyễn Minh Tiến (dịch chú), Kinh bi hoa, Nxb. Tôn giáo, HN, 2007, tr.338.

[7] Nguyễn Minh Tiến (2007), Sđd., tr.339.

[8] Nguyễn Minh Tiến (2007), Sđd., tr.341.

[9] Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Diệu pháp liên hoa, phẩm 25, Nxb. Tôn giáo, HN, 2017, tr.541-543.

[10] Đức Vương: tức là Phạm Thiên vương. 

[11] Thích Trí Tịnh (2017), Sđd., tr.549.

[12] Thích Chúc Phú, Biện chính Phật học, tập 1, Nxb. Hồng Đức, HN, 2018, tr.231.

[13] ĐTKVNNT, Kinh Tương Ưng Bộ, tập 2, chương 9: Tương ưng thí dụ, kinh Gia đình, Nxb. Tôn giáo, HN, 2018, tr.608.

[14] ĐTKVN, Kinh Tăng Nhất A-hàm, tập 3, phẩm 45: Mã vương, kinh số 5, VNCPHVN, 1992, tr.255.

[15] ĐTKVNNT, Kinh Tiểu Bộ, tập 1, kinh Pháp cú, phẩm Song yếu, kệ số 5, Nxb. Tôn giáo, HN, 2018, tr.41-42.

[16] ĐTKVNNT, Kinh Tăng Chi Bộ, tập 2, chương Tám pháp, Đại phẩm, kinh Sứ giả, Nxb. Tôn giáo, HN, 2018, tr.324.

[17] ĐTKVNNT, Kinh Tương Ưng Bộ, tập 4, chương Tương ưng sự thật, phẩm Chuyển pháp luân, kinh Như Lai thuyết (1), Nxb. Tôn giáo, HN, 2018, tr.783.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *