Kính thưa quý độc giả!
Trong lịch sử báo chí Việt Nam, từ những năm 60 thế kỉ XIX đã có “Gia Định báo” và một số báo khác lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác. Không nằm ngoài sự vận động của thời đại, báo chí Phật giáo Việt Nam cũng đã bắt đầu xuất hiện từ phong trào chấn hưng Phật giáo, trong điều kiện nền giáo dục và văn học quốc ngữ đã có những phát triển nhất định. Qua đó thực hiện nhiệm vụ hoằng pháp, xây dựng nền văn học Phật giáo trong văn học quốc ngữ và góp phần bảo tồn di sản văn hóa nước nhà.
Từ những tờ báo ban đầu như: “Pháp Âm”, Tạp chí “Từ bi âm”, “Viên âm”, “Bồ đề”,… đến nay, sau gần 100 năm, báo chí Phật giáo đã có vị thế vững chắc trong làng báo chí Việt Nam. Báo chí Phật giáo là một trong những phương tiện hữu hiệu và cơ bản nhất để truyền bá chánh pháp đến với quần chúng nhân dân và tín đồ Phật tử, thể hiện tiếng nói của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hướng đến sự kiện Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo mang đến cho độc giả số báo 369 với chủ đề: “Truyền thông Phật giáo xưa và nay”. Thông qua các bài viết chuyên sâu về báo chí, hy vọng độc giả có thể cảm nhận được ý nghĩa, tầm quan trọng của truyền thông trong sự vận động và phát triển không ngừng của Phật giáo Việt Nam.
Cùng với danh mục chủ đề, số báo 369 sẽ giới thiệu đến bạn đọc gần xa các bài viết nghiên cứu đặc sắc về: Vai trò của hành vi nhân viên trong tổ chức với việc tăng cường chính sách và nâng cao cách thức quản trị con người (TS. Tạ Hoàng Giang), Thanh thiếu niên lựa chọn và gắn kết với Đạo Phật như thế nào: Góc nhìn từ lý thuyết xã hội hóa tôn giáo (NCS. Lê Tấn Lộc), Chùa Hải Tạng trên đảo Cù Lao Chàm – Quảng Nam (ThS. Đinh Thị Toan), Người thầy thuốc của Đức Phật (Cao Huy Hóa), Viên âm hạnh nguyện phổ lợi nhân sinh (ĐĐ. Thích Thiện Mãn)…
Bên cạnh đó, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo sẽ tiếp tục trích đăng các bài viết trong tác phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hình thành và phát triển của Hòa thượng Thích Huệ Thông.
Ban biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo