SỰ SÁNG LẬP DÒNG THIỀN CHÚC THÁNH
Theo lịch sử, Thiền phái Lâm tế truyền vào Đại Việt từ nửa thế kỷ XVII, bắt đầu từ Đàng Trong năm 1630. Sau này Đàng ngoài do Thiền sư Viên Văn Chuyết Chuyết và Minh Hành Tại Tại, còn Đàng Trong do Tổ sư Nguyên Thiều, xem là Tổ thứ hai định hình cho dòng Lâm Tế phát triển lâu dài. Đàng Ngoài vì không có người kế thừa, do đó dần dần tông Lâm Tế hòa nhập với tông Tào Động Việt Nam. Trong khi đó, Lâm Tế Đàng Trong tiếp tục tồn tại và phát triển đến ngày nay nhờ hồng ân của tổ Nguyên Thiều và liệt vị Tổ sư dày công duy trì, phát triển một cách phong phú, bao gồm cả Lâm Tế Thiên Đồng, Lâm Tế Trí Tuệ, Lâm Tế Gia Phổ, Lâm Tế Chúc Thánh, Lâm Tế Liễu Quán đều lấy Lâm tế Nghĩa Huyền làm chánh tông như một vườn hoa nở rộ, tỏa ngát hương thơm, khoe sắc thắm trong vòm trời và mảnh đất Việt Nam hơn 300 năm nay và mãi mãi về sau.
Kể từ khi tổ Minh Hải – Pháp Bảo khai tông lập giáo, tính đến nay dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh đã trải qua 300 năm lịch sử với 12 đời truyền thừa. Qua ngần ấy thời gian có mặt trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam, các thế hệ Tăng nhân của dòng thiền Chúc Thánh đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển của Đạo pháp và Dân tộc. Dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh là một trong những thiền phái lớn của Phật giáo Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tại. Thế nhưng, từ trước đến nay đa phần các nhà viết sử Phật giáo ít đề cập đến dòng thiền này. Nếu có chăng cũng chỉ trích dẫn bài kệ của tổ Minh Hải – Pháp Bảo. Việc khái quát lại hệ thống truyền thừa, sự phát triển cũng như những đóng góp tích cực của dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh đối với lịch sử Phật giáo và dân tộc chưa được tiến hành và đánh giá đúng mức. Phải chăng do chư Tôn đức chỉ chú trọng vào việc tu chứng và không muốn lưu lại dấu tích? Hay do nguồn tư liệu khan hiếm bởi phần lớn bị hủy hoại trong các cuộc chiến tranh và thiên tai gây nên? Có rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, nên mãi đến bây giờ vẫn chưa có ai hệ thống lại lịch sử truyền thừa của các thế hệ Lâm Tế Chúc Thánh.
Chúng ta đều biết năm 1697, Tổ sư Minh Hải đã khai sơn chùa Chúc Thánh tại xã Cẩm Phô, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là TP Hội An). Tổ mở trường dạy học, học chúng theo về rất đông. Thời gian đầu ở lại Đàng Trong, sư Minh Hải – Pháp Bảo chỉ lập một thảo am ở Hội An để tịnh tu phạm hạnh. Dần dà, danh tiếng Sư được nhiều người biết đến, người dân phố Hội và các vùng phụ cận đến nghe giảng ngày càng đông. Thấy cơ duyên hóa độ đã đến, Sư chính thức khai đường giảng pháp, tiếp tăng độ chúng. Để cho sự truyền thừa có quy củ dài lâu, Sư biệt xuất một bài kệ truyền pháp như sau:
傳 法 名 偈
明 實 法 全 彰
印 真 如 是 同
祝 聖 壽 天 久
祈 國 祚 地 長.
Truyền pháp danh kệ:
Minh Thiệt Pháp Toàn Chương
Ấn Chơn Như Thị Đồng
Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu
Kỳ Quốc Tộ Địa Trường.
Đệ tử của Tổ là những bậc cao Tăng xuất chúng: Tổ Thiệt Diệu đời thứ hai trụ lại chùa Chúc Thánh. Tổ Thiệt Dinh khai sơn chùa Phước Lâm, Quảng Nam. hai Tổ Thiệt Đăng và Thiệt Thuận truyền pháp vào Bình Định, khai sơn chùa Long Sơn và Linh Sơn.
Riêng tổ Thiệt Lãm vào Phú Yên khai sơn chùa Thiên Hưng. Sau 50 năm hoằng dương chánh pháp, đại nguyện đã viên thành, ngày 7 tháng 11 năm Bính Dần (1746), Tổ truyền Tâm Ấn cho trưởng tử là tổ Thiệt Dinh, rồi an nhiên thị tịch. Ngài xuất kệ Phú Chúc:
原浮法界空
真如無性相
若了悟如此
眾生與佛同.
Phiên âm:
Nguyên phù pháp giới không
Chơn Như vô tánh tướng
Nhược liễu ngộ như thử
Chúng sanh dữ Phật đồng.
Tạm dịch:
Pháp giới như mây nổi
Chân như tánh tướng không
Nếu hiểu được như vậy
Chúng sanh với Phật đồng
Đồ chúng cung thỉnh nhục thân Ngài nhập bảo tháp trong khuôn viên chùa Chúc Thánh.
Cố Hòa thượng Thích Giải Nghiêm giải thích về hai chữ Chúc Thánh: “Về ý nghĩa của hai chữ Chúc Thánh, chúng ta có thể hiểu hai nghĩa như sau:
– Đứng về mặt Đạo pháp, là một người trưởng tử của Như Lai, chư Tổ ngày xưa cũng như các thế hệ chúng ta ngày nay, ai ai cũng muốn cho chánh pháp cửu trụ thế gian để lợi lạc quần sanh. Ở đây, Thiền sư Minh Hải lấy hai chữ Chúc Thánh để đặt tên cho ngôi chùa cũng có ý nghĩa như vậy. Thánh ở đây có nghĩa là Thánh đạo, Ngài muốn Thánh giáo luôn luôn tồn tại ở thế giới Ta-bà này để xoa dịu những nỗi thống khổ của kiếp nhân sinh.
– Đứng về mặt Dân tộc, mỗi người chúng ta ai cũng muốn có những vị vua anh minh cai trị đất nước, đem lại cảnh hòa bình an lạc cho muôn dân. Vì thế, Chúc Thánh ở đây còn có nghĩa là Chúc cho Thánh quân thọ lâu muôn tuổi để trị vì thiên hạ. Bởi lẽ, giai đoạn tổ Minh Hải qua Đàng Trong là giai đoạn các chúa Nguyễn anh minh đang trị vì và Đàng Trong đang thời hưng thịnh. Đồng thời, các chúa Nguyễn là những vị nhiệt tâm hộ trì Phật giáo. Họ chính là những vị hộ pháp đắc lực cho chư Tăng trong sự nghiệp truyền bá chánh pháp [2].
NHỮNG ĐÓNG GÓP CHO ĐẠO PHÁP VÀ DÂN TỘC
Qua ý nghĩa hai chữ Chúc Thánh, chúng ta thấy được sự kết hợp hai yếu tố đạo pháp và dân tộc: “Với hai chữ ngắn gọn, Thiền sư Minh Hải đã gói trọn, dung hòa được cả hai yếu tố quan trọng này. Ngày nay Thiền phái Chúc Thánh phát triển khắp các tỉnh miền Trung – Nam Việt Nam và sang tận Âu – Mỹ” [3]. Với thời gian 300 năm mà thiền phái Chúc Thánh phát triển nhanh chóng như vậy? Chúng ta có thể lý giải vấn đề này qua một số nguyên nhân sau:
Đối với đạo pháp
Gần 50 năm hoằng hóa, đạo phong của tổ Minh Hải đã thấm nhuần, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần của người dân xứ Quảng. Quan trọng hơn, Ngài đã đào tạo một thế hệ kế thừa xứng đáng, đủ khả năng kế nghiệp Ngài để xiển dương đạo pháp và phát triển tông môn. Cũng theo HT Thích Giải Nghiêm, lý do dòng thiền Chúc Thánh phát triển nhanh tại Quảng Nam vì các Thiền sư dòng Chúc Thánh đã đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân nên dòng thiền này nhanh chóng phát triển. Hội An là chiếc nôi khai sinh của dòng Lâm Tế Chúc Thánh. Lúc bấy giờ Hội An là một thương cảng trù phú nên có nhiều người ngoại quốc đến sinh sống làm ăn, trong đó cộng đồng người Hoa chiếm đại đa số. Với một lực lượng kế thừa hùng hậu, các Thiền sư dòng Chúc Thánh đã đáp ứng được cả hai cộng đồng người Việt lẫn người Hoa. Các ngài Thiệt Diệu, Thiệt Thọ, Thiệt Mẫn là người Hoa nên ngụ tại Chúc Thánh đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng người Hoa. Còn Thiền sư Thiệt Dinh ra khai sơn Phước Lâm với sự hỗ trợ từ các ngài Thiệt Đạo, Thiệt Gia đã thu hút sự quy ngưỡng cũng như đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của người Việt. Với tư tưởng phóng khoáng của tông Lâm Tế, cộng với nếp sống giản dị, thanh bần, các Thiền sư dòng Chúc Thánh gần gũi với nhân dân nên dễ dàng tiếp cận đi sâu vào lòng quần chúng [4].
Đối với dân tộc
Thiền sư Minh Hải là vị Tổ đầu tiên truyền bá dòng thiền Lâm Tế tại Quảng Nam. Bằng sự chứng ngộ của mình, Tổ sư Minh Hải đã xuất kệ truyền thừa, lập nên một thiền phái lớn trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Trong bối cảnh đất Quảng Nam đang thiếu một người lãnh đạo tâm linh và tinh thần, tổ Minh Hải đã đến đúng lúc, đã đáp ứng được tâm nguyện của tín đồ quần chúng. Vì thế, “Hạt giống Bồ đề” Ngài gieo cách đây 300 năm giờ đã sum suê cành lá. Tăng đồ của thiền phái Chúc Thánh đóng vai trò quan trọng trong việc hoằng pháp tại các tỉnh thành từ Thừa Thiên – Huế vào đến Sài Gòn – Gia Định… Các Ngài đóng vai trò cố vấn chính trị cho chúa Nguyễn, tạo được sự đoàn kết trong mọi tầng lớp dân chúng, góp phần ổn định nhân tâm nên các chúa Nguyễn rất mến mộ. Trong giai đoạn Pháp thuộc, các Ngài cũng đã dấn thân tham gia phong trào Duy Tân. Các Thiền sư Thiệt Dinh, Pháp Liêm, Pháp Chuyên, Toàn Nhật, Vĩnh Gia, Từ Trí… đều là những bậc cao Tăng có sự ảnh hưởng rất lớn đối với Phật giáo Việt Nam qua các thời đại. Gần chúng ta hơn, có Hòa thượng Thích Quảng Đức đã vị pháp thiêu thân ngõ hầu cứu nguy đạo pháp trong pháp nạn 1963. Có thể nói hình ảnh vị Sư già gần 70 tuổi kiết ấn Cam Lồ an nhiên ngồi trong ánh lửa đã thể hiện tinh thần vô úy của người con Phật, là sự kết tinh của 300 năm hoằng truyền của dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh. Hiện tại, chư Ttăng dòng Lâm Tế Chúc Thánh có đóng góp không nhỏ trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam.
SỰ PHÁT TRIỂN DÒNG THIỀN CHÚC THÁNH Ở SÀI GÒN GIA ĐỊNH
Tại Sài Gòn – Gia Định và các tỉnh miền Nam
Theo bước chân những người Nam tiến, các Thiền sư dòng Chúc Thánh cũng đã có mặt đáp ứng nhu cầu tu học của quần chúng Phật tử. Xét về sự truyền thừa và phát triển của dòng Chúc Thánh tại miền Nam, theo HT Thích Giải Nghiêm, ta có thể chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 từ thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX; giai đoạn 2 từ đầu cho đến cuối thế kỷ XX. Còn theo ĐĐ. Thích Như Tịnh: “Trong giai đoạn phôi thai của Phật giáo Gia Định, Biên Hòa đã có các Thiền sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch; Minh Vật – Nhất Tri; Minh Lượng – Thành Đẳng … trực tiếp giáo hóa. Các ngôi chùa Kim Chương, Từ Ân, Khải Tường, Giác Lâm, Giác Viên, Tập Phước được thành lập tại vùng Gia Định” [5]. Sau đó tác giả liệt kê tiêu biểu một số chùa (mà HT Giải Nghiêm xếp vào giai đoạn 2) như: Dòng Lâm Tế Chúc Thánh Quảng Nam vào Sài Gòn có HT Chơn Sâm Phổ Truyền khai sơn chùa Văn Thánh; HT Chơn Trừng – Đạo Thanh khai sơn chùa Pháp Hoa, Phú Nhuận; HT Như Điển – Huệ Chấn trùng kiến chùa Hưng Long, quận 10; HT Như Quý – Trí Nghiêm trùng kiến chùa Bửu Đà – quận 10; HT Thị Năng – Trí Huệ khai sơn chùa Ứng Quang (tức Ấn Quang) quận 10…
Chư Tăng tỉnh Quảng Ngãi vào khai sơn các chùa như Thiền Lâm, quận 6 (HT Chơn Miên); chùa Bửu Quang, quận 7 (HT Chơn Khai); ngài Khánh Anh vào trụ trì tại chùa Phước Hậu – Trà Vinh. Tại Sài Gòn, có các chùa Thiền Lâm (quận 6), Phổ Đà Sơn (quận 8), Đức Quang (quận 4), Liên Hoa (quận 4), Tân Long (quận 7), Vĩnh Đức (TP Thủ Đức).., tạo thành chi phái Chúc Thánh Quảng Ngãi tại Sài Gòn. Chư Tăng thuộc tỉnh Phú Yên có HT Hành Trụ lập chùa Giác Nguyên, Kim Liên (quận 4), Đông Hưng, Thiền Tịnh, Từ Phong (TP Thủ Đức)…
Dòng Lâm Tế Chúc Thánh Khánh Hòa, Ninh Thuận vào khai sơn trụ trì các chùa như HT Như Hạnh khai sơn chùa Pháp Vân, Bình Thạnh, Bồ tát Quảng Đức trụ trì chùa Quan Thế Âm (quận Phú Nhuận) (theo HT Giải Nghiêm thì Bồ tát Quảng Đức đến từ Phú Yên). Chư Tăng thuộc tỉnh Bình Định vào lập chùa Giác Uyển (quận Phú Nhuận), Giác Hoa (quận Bình Thạnh), Phật Quang (quận 10)…
Như vậy, đến giữa thế kỷ XX, số lượng chư Tăng thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh tại các tỉnh miền Trung vào tu học và hoằng pháp tại Sài Gòn khá đông. Hệ thống các chùa truyền thừa theo bài kệ của tổ Minh Hải ngày một nhiều. Tuy nhiên, nổi bậc nhất là quý Hòa thượng Khánh Anh, Hòa thượng Quảng Đức, Hòa thượng Hành Trụ đóng góp rất nhiều công sức cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam.
Tổ đình Giác Nguyên
Tổ đình Giác Nguyên được dựng lên bởi nhóm bốn vị Hòa thượng, đứng đầu là HT Hành Trụ [6].
Hòa thượng Hành Trụ, thế danh Lê An, sinh tại làng Phương Lưu, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Năm 1904, Ngài xuất gia với tổ Thiền Phương tại chùa Phước Sơn nên có pháp danh Thị An, tự Hành Trụ, hiệu Phước Bình, thuộc đời 41 dòng Lâm Tế Chúc Thánh. Là người học Phật uyên bác nên Ngài sớm làm giáo thọ tại các chùa tỉnh Phú Yên. Ngài có công kiến tạo nhiều ngôi chùa tại Sài Gòn và làm giáo thọ các trường Phật học khắp miền Nam. Hòa thượng kết nghĩa huynh đệ với ba vị khác là HT Thới An, Hành Nguyện và Thiện Tường gọi là nhóm “Long An kết nghĩa”, nguyện “cùng nhau tu học, đồng cam cộng khổ, suốt hành trình tu học, không rời bỏ nhau. Ai thành tựu trước dìu dắt người đi sau”. Năm 1947, Ngài cùng ba vị sư đệ kết nghĩa lên Sài Gòn cùng nhau dựng chùa Tăng Già (quận 4), mở trường hướng cho chư Tăng Ni tu học. Khi tu bổ chùa sau cơn hỏa hoạn, HT Hành Trụ với sự góp ý của HT Tâm Châu quyết định đặt tên chùa là Kim Liên với ý nghĩa “hoa sen vàng vẫn sáng lên trong lửa”. Chùa Kim Liên còn được gọi là chùa “Tăng Già Sư Nữ” vì Ngài quyết định chuyển Tăng sang nơi khác, nhường chùa cho Ni giới vì chư Ni gặp nhiều khó khăn hơn. Hòa thượng còn kêu gọi Phật tử phát đạo tâm xây nên một ngôi chùa mới gọi là Giác Nguyên để tiếp độ chư Tăng. Từ đó Hòa thượng làm Giám đốc Phật học đường Giác Nguyên và Hóa chủ Phật học Ni trường Tăng Già Khánh Hội với sự giảng dạy thường xuyên của hai vị Pháp sư Kiều Lợi và Huệ Hưng.
Những Ni sư như: Tịnh Như, Tịnh Ý, Tịnh Quang, Tịnh Huệ, Tịnh Hành đều là đệ tử của Ngài. Năm 1951, Hòa thượng làm Trưởng ban Nghi lễ Giáo hội Tăng già Nam Việt. Năm 1956, Ngài làm Chứng minh Đạo sư Hội Phật học Nam Việt chùa Xá Lợi. Ngài nhiều lần được cung thỉnh làm Hòa thượng đàn đầu truyền trao giới pháp cho Tăng Ni. Trải qua các Giáo hội, Ngài đều được cung thỉnh vào Hội đồng trưởng lão Chứng minh tiêu biểu cho giới luật. Ngài thị tịch tại chùa Đông Hưng (Thủ Thiêm) vào ngày 29 tháng 10 năm Giáp Tý (1984) trụ thế 81 năm. Ngài trước tác và phiên dịch rất nhiều kinh sách nhưng chủ yếu là luật học như Luật Tứ Phần Giới Bổn, Quy Sơn Cảnh Sách, Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhơn Duyên, Tỳ Kheo Giới Kinh, Di Đà Sớ Sao, Kinh Phạm Võng, Kinh Hiền Nhân…
Hòa thượng Thích Thới An, thế danh Nguyễn Văn Quang, pháp danh Hồng Thọ sinh 1912 tại Tân Phú Trung, Hóc Môn, nay là huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngài quy y từ năm 9 tuổi với HT Từ Phong. Trải qua nhiều năm thiền lữ xuôi ngược theo thầy và các bậc cao đức, năm 1944 Ngài làm trụ trì chùa Long An (Sa Đéc) với HT Khánh Phước và Thiện Tường. Năm 1946, các Ngài về Sài Gòn khai mở đạo trường tiếp chúng, dựng chùa Tăng Già, Giác Nguyên, Chánh Giác. Ngài được HT Hành Trụ suy cử trụ trì chùa Phổ Hiền. Ngài thâu thần thị tịch ngày 25 tháng 4 năm Ất Sửu (1985).
Hòa thượng Thị Niệm, tự Hành Nguyện hiệu Viên Thành, thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 42, sinh năm 1904 tại làng Minh Hương, Tuy Phước, Bình Định. Ngài xuất gia năm 15 tuổi với HT Chánh Đạo chùa Tường Quang (Khánh Hội – quận 4). Năm 1938, Ngài được suy cử làm trụ trì chùa Khánh Phước tại Xóm Chiếu, quận 4. Năm 1941, cơ duyên đưa Ngài gặp HT Thới An và Thiện Tường cùng nhau tu học. Các vị xuống miền lục tỉnh, đến Phật Học Viện Vạn An và tổ đình Hội Phước tại Nha Mân, thọ học với Pháp sư Thích Hành Trụ. Năm 1947, Ngài cùng các huynh đệ đốc xuất các vị Phật tử hảo tâm mến đạo đắp nền xây dựng nên chùa Giác Nguyên. Năm 1951, Hòa thượng làm trụ trì Tổ đình Giác Nguyên. Đến năm 1965, Ngài thấy Phật sự tạm yên nên nhận lãnh trụ trì chùa Phước Hải ở Bình Tây, quận 6 để an tâm nhập thất tu niệm. Hòa thượng thị tịch ngày 18 tháng 4 năm Quý Sửu (1973).
Hòa thượng Thiện Tường, pháp danh Thanh Giới, tự Chơn Như, hiệu Thiện Tường thuộc dòng Lâm Tế Chánh tông đời thứ 41, sinh năm 1917 tại làng Bình Xuân, tổng Hòa Lạc, Gò Công. Năm 19 tuổi, Ngài xuất gia tại chùa Quang Bình làng Bình Thạnh. Ngài lên Sài Gòn gặp thầy tổ là HT Lê Phước Chí sau đó thọ học với HT Hòa Bình chùa Kim Huê, HT Bửu Đạt chùa Linh sơn. Năm 1944, Ngài trụ trì chùa Long An (Sa Đéc) và ở đây Hoà thượng tình cờ gặp HT Hành Trụ, hợp cùng các sư huynh Thới An, Khánh Phước mở Phật học đường dạy chúng Tăng tu học. Năm 1946, các Ngài đã cùng nhau dựng chùa Tăng Già, chùa Giác Nguyên (như đã trình bày ở trên). Duyên lành hóa độ năm 1950, Hội Vạn Thọ hiến chùa Vạn Thọ ở Tân Định. Từ đó, suốt 10 năm Hòa thượng đã hoằng dương chánh pháp, trùng tu và kiến tạo các ngôi chùa Thiền lâm, Giác Minh., Quan Âm, Thiên Phước, Hội Tôn… Năm 1960, Ngài về làm Hóa chủ Tổ đình Giác Nguyên để nhiếp độ tứ chúng. Sau đó Hòa thượng thường xuyên làm giáo thọ A-xà-lê tại nhiều đại giới đàn.
Qua hơn 65 năm hoằng pháp độ sanh, ngày 23 tháng 8 năm Giáp Tý (1984), Ngài thị tịch. Trước đó, Hòa thượng đã tấn phong chánh trưởng tử và năm 1983 thì Ngài truyền y bát cho Thượng tọa Thông Ân Đồng Hoằng, pháp hiệu Minh Nghĩa, đồng thời di chúc trụ trì lại cho Thượng tọa Minh Nghĩa với lời dặn dò “bồi đắp Tổ đình Giác Nguyên mà Thầy cùng 3 vị Hành Trụ, Thới An và Hành Nguyện đã dày công sáng lập, mong tiếp chúng độ Tăng, báo Phật ân đức [7].
Hòa thượng Thích Minh Nghĩa, sinh năm 1951. Ngài đi tu từ bé cùng trang lứa với chư Hòa thượng Huệ Hưng, Minh Cảnh, Thiện Nhơn, Thái Siêu… Năm 1972 – 1973, Đại đức Minh Nghĩa đã là Hiệu phó trường Trung học Bồ Đề Long Khánh (Hiệu trưởng là HT Minh Cảnh). Thầy đã phát triển Trường Bồ Đề trở thành một ngôi trường uy tín nhất khu vực bấy giờ. Năm 1974, Ngài tu học với HT Thanh Từ và quyết định chuyển về Tu viện Chơn Không tu học cho đến khi về Giác Nguyên năm 1977. Đại đức thụ phong y bát năm 1983 từ HT Thiện Tường và trụ trì từ năm 1984 đến nay.
Trải qua bao thăng trầm, Tổ đình Giác Nguyên là một trong những những ngôi tự viện uy nghi nhất ở quận 4 và TP. HCM với đông đảo tín chúng. Chùa hiện có khoảng 40 Tăng sĩ, chưa kể số Tăng sĩ an cư kiết hạ. Chùa đã hoàn tất xây dựng khang trang vào cuối năm 2020 và tiếp tục bổ sung thêm nhiều hạng mục khác. Chùa thường xuyên tổ chức những đạo tràng hết sức ý nghĩa như Đạo tràng cho bệnh nhân ung bướu, đạo tràng cho người khiếm thị. Ngoài Giác Nguyên, HT Minh Nghĩa còn khai sáng Tu viện Toàn Giác từ một vùng đất hoang vu cách nay hơn 20 năm (diện tích trên 30 hecta) ở Giang Điền (Đồng Nai). Phật tử ở hải ngoại góp sức xây dựng chùa Giác Nguyên 2 ở Virginia và Giác Nguyên 3, chùa Thanh Từ (đều ở New Jersey), chùa Toàn Giác ở Houston. Ngoài ra, còn có Hòa thượng Chơn Điền, đời 40 dòng Lâm Tế Chúc Thánh sang bang Texas lập chùa Quan Âm; Hòa thượng Thông Đạt – Thanh An, đời 43 dòng Lâm Tế Chúc Thánh lập An Tường Tự Viện ở bang Oakland; HT Hạnh Đạo, đời 42 dòng Lâm Tế Chúc Thánh lập chùa Phổ Đà tại bang California; HT Đồng Điển – Thông Kinh đời 43 dòng Lâm Tế Chúc Thánh lập chùa Đông Hưng tại bang Virginia. Quý Ngài đều hết lòng vì Phật sự. Dòng thiền Chúc Thánh còn có nhiều ngôi chùa ở châu Âu và châu Úc.
Như vậy, hiện tại dòng Chúc Thánh được truyền bá rất rộng rãi. Chư Tăng thuộc các tỉnh miền Trung vẫn trung thành với bài kệ truyền pháp của Tổ. Hiện nay, các ngôi tổ đình xưa của dòng Chúc Thánh tại miền Nam như Tập Phước, Hội Khánh không còn truyền theo kệ của tổ Minh Hải. Bởi lẽ, người miền Nam rất phóng khoáng, không câu nệ chấp chặt hệ phái. Có người cho rằng việc này thật là đáng tiếc, vì nó làm mất đi truyền thống bao đời của chư Tổ. Nhưng có hề gì, Phật pháp ít khi câu nệ hình thức miễn là chúng ta hiểu đó là Dòng Chúc Thánh vì:
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.
(Huyền Không)
Các vị Tổ sư như bóng nhạn bay qua dòng sông:
Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm
Các Ngài đâu cần lưu giữ hình bóng,
Huống chi hình tướng là không.
Chúng ta nhìn dưới lăng kính người phàm thấy trên bình diện tục đế các Ngài đã đến, đã hiện hữu và đã có công-nghiệp để lại cho mai sau nên nói ở đây, tán thán công đức và nguyện noi theo bước chân người xưa trên đường hoằng pháp.
Chú thích:
[1] Thích Thiện Nhơn (2018), Những đóa hoa Phật giáo Việt Nam, Nxb Hồng Đức.
[2], [3], [4], http://huongtichphatviet.com/THIEN-PHAI-LAM-TE-CHUC-THANH-TAI-QUANG-NAM_kcsmpp_su-hoc.html.
[5] Thích Như Tịnh, Lịch sử truyền thừa phái Chúc Thánh, www.hoavouu.com.
[6] Môn đồ đệ tử Tổ đình Đông Hưng – Tổ đình Giác Nguyên, Tiểu sử Chư Hòa Thượng Tôn Sư, 1992.
[7] Phỏng vấn trực tiếp HT Thích Minh Nghĩa tại Tổ Đình Giác Nguyên 7/2020.
donde comprar priligy mexico J Public Health Dent 2006; 66 152 8
can i purchase generic cytotec without a prescription Cancer Res 2007 Sep 1; 67 17 8396 405 Mertens Talcott et al Induction of cell death in Caco 2 human colon carcinoma cells by ellagic acid rich fractions from muscadine grapes Vitis rotundifolia
Metformin HCl Tablets 1 the best over the counter fertility pills Some people thrive on fermentable fiber, others find the lower the fiber, the better their digestive health