Trong Phật giáo, Parami (trong tiếng Pali) hay Paramita (trong tiếng Phạn) hoặc Baramee (trong tiếng Thái) được định nghĩa là “đức độ hoàn hảo”, hay “đức hạnh hoặc phẩm tính cao đạo. Có rất nhiều bản liệt kê đức tính mà người Phật tử nên tu hành để thành chính quả, trong các Kinh khác nhau của các bộ phái khác nhau, hoặc trong các Trường phái Đại thừa hoặc Nguyên thủy.
Tại Thái Lan, quốc gia chủ yếu theo Phật giáo Nguyên thủy (cũng có hiện diện chùa Phật giáo Đại thừa), hầu hết người Thái đều quen thuộc với “Thập đức tối thượng” (Dasa Parami), khi đạt sẽ là cơ sở cho các vị Bồ tát của những vị Phật tương lai đạt được Phật quả hoặc giác ngộ hoàn toàn. Người ta tin rằng trong mười kiếp cuối cùng của Đức Phật trước khi tái sinh thành Thái tử Tất Đạt Đa và đạt được Niết bàn, Đức Phật đã thực hành và hoàn thiện từng đức tính trong số mười đức hạnh – một trong số những đức hạnh đó chính là Viriya Parami.
“Viriya” (trong tiếng Pali) hoặc “Virya” (trong tiếng Phạn) đã được dịch là “cố gắng”, “nỗ lực”, “siêng năng”, “kiên trì”, hoặc “bền bỉ”. Những đặc tính được diễn giải ra là trạng thái tâm trí luôn luôn hoạt động, cống hiến, kiên định, vững vàng và không mệt mỏi. Với Viriya, người ta sẽ hoàn thiện và nhận ra điều gì có lợi để đạt được những đức tính tích cực khác.
Ngày 5/12 là một ngày đặc biệt ở Thái Lan. Ngày này người ta tổ chức làm ngày Quốc khánh, ngày của Cha và ngày kỷ niệm sinh nhật của cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej Đại đế, cha của Quốc vương hiện tại Maha Vajiralongkorn. Vào năm 2020, Tổng Lãnh sự quán Hoàng gia Thái Lan tại TP.HCM đã chủ trì, tuân thủ theo biện pháp y tế của Việt Nam, một buổi chiêu đãi quy mô nhỏ tại Tổng Lãnh sự quán vào ngày 4/12/2020. Ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và khoảng 80 người bạn Thái Lan đã tham dự sự kiện này.
Trong bài phát biểu của mình, tôi đã nói về năm 2020, phải thừa nhận rằng có thể coi đây là một năm đầy thử thách đối với tất cả chúng ta, vì cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu COVID-19 và thiên tai ở miền Trung Việt Nam. Bất chấp những khó khăn thách thức đó, Việt Nam vẫn đứng vững và tự hào, có biện pháp y tế hiệu quả để chống lại đại dịch, và chúng ta vẫn còn nhiều điều đáng mừng về mối quan hệ giữa Thái Lan và Việt Nam. Thương mại hai chiều tiếp tục phát triển và đầu tư từ Thái Lan vẫn đổ vào, trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 9 tại Việt Nam. Tôi vui mừng thấy những diễn biến đang diễn ra trên khắp đất nước và tự hào rằng nhiều doanh nghiệp Thái Lan đã tham gia chung vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Mối quan hệ giao hữu nhân dân (bao gồm cả quan hệ giữa các Phật tử Thái Lan và Việt Nam) vẫn bền chặt và không bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Có những cuộc tiếp xúc giữa Tổng Lãnh sự quán với công dân Thái Lan gốc Việt đang sinh sống tại Thái Lan, cũng như những công dân Việt Nam trở về sinh sống tại đây, những người vẫn luôn ấp ủ những kỷ niệm đẹp đẽ về thời kỳ họ trên đất nước chúng tôi. Họ vẫn liên lạc với chúng tôi và với nhau, theo những cách bình thường mới. Các trường đại học của chúng ta vẫn làm việc cùng nhau và văn phòng của tôi vẫn thúc đẩy hợp tác trong học thuật và giao lưu thanh niên giữa hai quốc gia của chúng ta, cũng theo những cách thức bình thường mới.
Về thiên tai tại miền Trung Việt Nam, Thái Lan đã bày tỏ mối quan tâm về những thiệt hại về nhân mạng, tổn thất và khó khăn do bão và lũ lụt ở đó. Chúng tôi đã cùng nhiều người khác ứng phó hoàn cảnh khó khăn của các bạn Việt Nam và Chính phủ Thái Lan đã tài trợ 30.000 USD thông qua Đại sứ quán tại Hà Nội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Về phía mình, Tổng Lãnh sự quán, các doanh nghiệp Thái Lan và cộng đồng người Thái tại miền Nam đã đóng góp 1,341 tỷ đồng và vật phẩm trị giá 90 triệu đồng, 25.000 khẩu trang thông qua Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh để giúp đỡ các bạn vùng chịu ảnh hưởng. Chúng tôi vẫn tin tưởng vào khả năng chống chịu và sớm phục hồi của Việt Nam.
Đối với buổi biểu diễn văn hóa Thái Lan tại tiệc chiêu đãi ngày Quốc khánh của chúng tôi, chúng tôi đã chủ ý chọn “Múa Mani Mekhala”. Điệu múa Thái Lan này được lấy cảm hứng từ một tác phẩm văn học do cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej viết, lấy cảm hứng từ một trong những câu chuyện Phật giáo về “Jataka” hoặc tiền kiếp của Đức Phật. Cố Quốc vương Bhumibol là một Phật tử đã xuất gia tạm thời làm nhà sư trong thời kỳ trị vì của Ngài vào tháng 10 và tháng 11/1956, trú tại chùa Wat Bowonniwet Wihan ở Bangkok. Ngay cả sau khi hoàn tục, nhà vua vẫn quan tâm đến Phật giáo, đặc biệt là thiền định Phật giáo, cho đến cuối đời. Ông đã dịch (và, theo nghiên cứu kinh Phật riêng của mình, dịch lại) câu chuyện Phật giáo này từ văn bản Pali sang tiếng Anh và tiếng Thái, xuất bản bản dịch lần đầu tiên vào năm 1996.
Trong phần diễn giải lại của Ngài, Vua Bhumibol đã kể lại Câu chuyện về Bồ tát Maha Janaka, một trong mười vị Jatakas cuối cùng trước khi Đức Phật thành đạo. Đây là câu chuyện mẫu mực của Viriya Parami. Theo thần thoại Thái Lan, Mani Mekhala là vị thiên thần của khí hậu, đặc biệt là Thần sáng. Nữ thần chịu trách nhiệm tuần tra đại dương. Trong câu chuyện ngụ ngôn này, Maha Janaka trong vai một thương gia đã du hành từ Ấn Độ cổ đại đến Suvarnabhumi (Vùng đất vàng) ở Đông Nam Á. Khi một cơn bão ập đến và đánh chìm con tàu của Ngài, tất cả những hành khách khác đều bỏ mạng, Ngài là người sống sót duy nhất. Maha Janaka quyết tâm cố gắng hết sức mình để bơi từ giữa đại dương vào bờ, đối chọi với mọi khó khăn.
Sau bảy ngày bơi lội không mệt mỏi, Nữ thần Mani Mekhala đã xuất hiện phía trên Ngài. Để kiểm tra sự kiên trì của Boshiwa, Nữ thần hỏi Ngài là ai, và vì lý do gì mà vẫn cố vượt những con sóng trong một nỗ lực dường như vô ích và vô vọng ấy. Ngài trả lời Nữ thần rằng người ta nên làm sao cho tốt nhất nhiệm vụ của chính mình, ngay cả khi đối mặt với cái chết như vậy sẽ không bị coi là mắc nợ ai, cũng không bị chỉ trích hay đổ lỗi. Lòng kiên trì và quyết tâm kiên cường của Maha Janaka theo chính đạo đã gây ấn tượng mạnh với Nữ thần đến mức cuối cùng Thần đã đưa Bồ tát vào bờ an toàn và ban phước cho Ngài. Thông điệp trong câu chuyện ngụ ngôn Phật giáo này về cơ bản giống với thông điệp của Aesop: Các vị thần sẽ giúp những ai biết tự giúp mình. Cá nhân tôi nhận thấy rằng tính kiên trì là một trong những đức tính đáng khâm phục tôi thường thấy ở những người bạn Việt Nam của mình. Vì vậy, chúng tôi hy vọng cùng một tinh thần “Viriya” – lòng kiên trì, ý chí bất khuất và hy vọng kiên cường sẽ tiếp tục hướng dẫn và lèo lái tất cả chúng ta trong những thử thách hiện tại, để chúng ta cùng nhau vượt qua.
Tình hữu nghị Thái Lan-Việt Nam muôn năm!
* Apirat Sugondhabhirom: Tổng Lãnh sự Thái Lan tại TP.HCM.