
Cư trú là nhu cầu quan trọng của con người từ buổi bình minh nhân loại. Các dân tộc trên thế giới tùy theo không gian địa lý – văn hóa mà lựa chọn mô hình cư trú khác nhau. Không chỉ thế, xoay quanh nhu cầu cư trú, họ còn thực hiện nhiều tập tục phong phú. Cũng như vậy, người Việt khi dựng nhà không chỉ coi trọng sản phẩm, mà cả quá trình xây dựng cũng quan trọng không kém. Ngày xưa, việc dựng nhà phải trải qua nhiều nghi lễ lớn nhỏ khác nhau. Ngày nay, do sự thay đổi của xã hội hiện đại, nhiều nghi lễ được giản lược. Song, trong số đó có một nghi lễ quan trọng hàng đầu vẫn được duy trì từ xưa đến nay, là lễ Thượng lương, vốn được người miền Bắc gọi là lễ Cất nóc, trong khi đó người miền Nam lại quen gọi là lễ Gác đòn dông. Đòn dông là thanh gỗ nằm ngang ở vị trí cao nhất trên nóc nhà, nơi giao nhau giữa hai mái trước và sau. Trong quan niệm dân gian với tư duy vạn vật hữu linh, cây đòn dông cũng được xem là linh hồn của ngôi nhà. Mục đích của lễ Thượng lương là đặt cây đòn dông lên nóc nhà, đánh dấu tiến trình xây dựng đã hoàn tất phần khung sườn cơ bản, ngoài ra còn mang ý nghĩa cầu mong cho ngôi nhà được bền vững lâu dài.
Tầm quan trọng của nghi lễ này từng được nhiều nhà nghiên cứu đề cập. GS. Đào Duy Anh cho biết: “Khi định được hướng tốt, chọn được ngày lành rồi, thì đoàn thợ mộc làm lễ Phạt mộc rồi chủ nhà làm lễ Thượng lương” [1]. Tương tự, GS. Nguyễn Văn Huyên cũng nhận định: “Khi đến ngày giờ thuận lợi, người ta làm lễ Thượng lương, tức là lễ đặt cây xà chính. Đấy là lễ quan trọng nhất trong việc dựng nhà. Hậu vận chủ nhà phụ thuộc vào lúc đặt Thượng lương” [2]. Riêng Lương Đức Thiệp có lẽ đã nhầm khi cho rằng: “Trước khi khởi công người ta phải làm lễ phạt mộc rồi lễ thượng lương và dán bùa nữa” [3]. Bởi lễ phạt mộc được xem là lễ khởi công ngôi nhà, lễ thượng lương là lễ đưa cây đòn dông lên nóc nhà, không phải diễn ra “trước khi khởi công”.
Do tính chất quan trọng đó, nên nếu trong trường hợp gia chủ chọn được ngày lành tháng tốt nhưng vẫn chưa đủ điều kiện cất nhà, họ vẫn làm lễ Thượng lương rồi để đó, những công việc còn lại của việc dựng nhà sẽ dần diễn ra sau. Họ cho rằng như thế mình sẽ có thể có được những may mắn từ việc tổ chức lễ Thượng lương đúng thời điểm tốt. Nhưng nếu xảy ra trường hợp ngược lại, nghĩa là gia đình đã đủ điều kiện cất nhà, nhưng lại không chọn được ngày phù hợp để làm lễ Thượng lương thì sao? Khi đó, họ sẽ nhờ một người khác làm lễ Thượng lương thay mình. Người này phải hội đủ những tiêu chuẩn như đức độ, vợ còn sống, gia đình hòa thuận, con cháu đông đúc, làm ăn phát đạt… đặc biệt là phải có ngày tốt phù hợp với tuổi của người ấy. Diễn tiến nghi thức Thượng lương nói chung theo trình tự cơ bản là: “Đặt tấm gỗ nóc gian giữa lên trên bốn cây bương buộc nạng làm giá chống lên cao, chỉ một tấm gian giữa tượng trưng cho tất cả nóc gian khác. Trên mặt tấm gỗ nóc có viết hoặc khắc dòng chữ Hán ghi rõ niên hiệu thứ mấy đời vua đương thời, năm gì (theo Can Chi) và tháng, ngày, giờ cất nóc. Cái nóc này phải được giữ gìn ở nguyên đấy cho đến khi cất nhà thì đặt nó vào chính chỗ, rồi mới tháo bỏ cái giá bương đi, rất đỗi kiêng không để cái nóc đã cất rớt xuống, là điềm chẳng hay” [4]. Tuy nhiên tùy mỗi địa phương và gia đình mà nghi thức có khác biệt ít nhiều.
Ở miền Nam, lễ Gác đòn dông thường được chọn vào ngày con nước lớn. “Kinh nghiệm chọn ngày nước lớn để tiến hành các công việc là rất có cơ sở khí hậu vì những việc như gieo trồng, ra khơi, đánh bắt thủy sản… sẽ khá thuận lợi khi con nước lớn. Đặc biệt Nam Bộ vốn là vùng sông nước mênh mông, làm gì cũng phải nhìn con nước để tính sao cho thuận lợi. Nhưng việc động thổ làm nhà hay Gác đòn dông thì lại không thuộc dạng công việc… cần nước lớn như vậy” [5]. Lễ Gác đòn dông ở đồng bằng sông Cửu Long thường diễn ra đơn giản với vật phẩm dâng cúng là gà luộc, trái cây, rượu trắng… Tuy nhiên, không kém phần trang nghiêm. Cây đòn dông phải là cây thẳng, tròn, bền chắc, không bị sâu mọt. Cây ấy phải do chính tay người thợ cái (người chỉ huy nhóm thợ cất nhà) cưa xẻ, bào gọt và bịt vải đỏ ở hai đầu. Sau đó, cây đòn dông sẽ được đặt ở một vị trí riêng biệt nhằm tránh việc ai đó vô ý bước ngang qua. Người xưa thường ghi ngày tháng làm lễ vào cây đòn dông. Bên cạnh đó, cây đòn dông thường sẽ được buộc thêm tai tàu lá thiên tuế và một tấm bùa màu đỏ. “Cũng có nhà thay vì miếng vải đỏ này, người ta dán vào đòn chính một lá bùa bát quái hoặc treo vào đó một quyển lịch Tàu. Công dụng của lá bùa và quyển lịch cũng giống như công dụng của miếng vải đỏ trên” [6]. Trên lá bùa có hình bát quái và có thể có thêm một số chi tiết khác tùy địa phương, tuy nhiên chắc chắn phải có ghi tên Khương Thái Công với quan niệm ông sẽ phù hộ gia chủ xua đuổi tà ma. Ví dụ, một lá bùa có ghi dòng chữ bên trái là “Hoàng triều Bảo Đại lục niên tuế thứ Tân Mùi tứ nguyệt thập cửu nhật lương thời thọ trụ thượng lương đại cát” (Giờ lành ngày 19 tháng 4 năm Tân Mùi 1931, niên hiệu Bảo Đại thứ sáu, dựng cây thượng lương gặp may mắn lớn) và dòng chữ bên phải là “Khương Thái Công tại thử bách vô cấm kị” (Khương Thái Công tại đây, trăm điều không kiêng sợ). Khương Thái Công tức Khương Thượng (Khương Tử Nha) là một công thần triều Chu (Trung Quốc) và được xem là người có pháp thuật cao siêu, có thể trừ ma diệt quỷ.


Bước vào nghi lễ chính thức, gia chủ khấn vái Cửu Thiên Huyền Nữ phù hộ cho ngôi nhà được vững chắc và gia quyến sống bình an. Cửu Thiên Huyền Nữ là vị nữ thần trong thần thoại Trung Hoa cổ đại, vừa được xem là tổ của các nghề thủ công, vừa được xem là thần độ mạng cho nữ giới và bảo hộ trẻ con. Theo dân gian, buổi đầu con người chưa biết làm nhà, Cửu Thiên Huyền Nữ đã chống hai tay vào hông và dạy phải cất nhà theo hình dáng ấy, từ đó con người bắt đầu làm nhà hai mái. Ở Nam Bộ, người Hoa và cả người Việt thường thờ Cửu Thiên Huyền Nữ với hình thức một trang thờ nhỏ trên vách nhà, trong trang tờ giấy màu đỏ được viết bốn chữ Hán màu đen là “Cửu Thiên Huyền Nữ”. Đến giờ được chọn, người thợ cái đứng giữa, hai người thợ phụ đứng ở hai đầu của cây đòn dông, cùng nhau đưa nó lên gian chánh của ngôi nhà. Trong lúc đó, gia chủ (hoặc người được nhờ thay thế gia chủ) sẽ vịn tay vào cây đòn dông để cùng với những người thợ nâng nó lên. Đây là điểm nhấn quan trọng trong lễ Thượng lương. Sau khi cây đòn dông được đưa lên đến khu vực nóc nhà, nhóm thợ thận trọng đặt vào đúng vị trí đã được chọn.
Ở miền Bắc, nhà thường quay mặt về hướng Nam để tránh gió mùa Đông Bắc. Câu tục ngữ “Lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng Nam” hàm ý việc làm nhà hướng Nam là cũng quy luật tất yếu giống như việc lấy vợ đàn bà. Không ít người vì không hiểu rõ, cho rằng câu tục ngữ này “huề trớt”, nên sửa lại thành “Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam”. Ở miền Nam, việc làm nhà hướng Nam không nhất thiết phải tuân thủ, thay vào đó hướng nhà được lựa chọn tùy theo sự tiện dụng cho gia chủ. Tuy vậy, do điều kiện tự nhiên có hai mùa gió chính là Tây Nam và Đông Bắc, nên người dân vẫn quan tâm đến việc bố trí nóc nhà xuôi theo hướng gió mùa để tránh gió lùa và mưa tạt [7].
Có hai tập tục liên quan đến lễ Thượng lương ở Nam Bộ mà ngày nay gần như đã mai một. Đầu tiên là một số địa phương có tập tục gác đòn dông vào đêm khuya, vì cho rằng nghi thức này cần tránh người khác “dòm ngó”, nhất là phụ nữ mang thai. Kế đến là khi làm lễ, người thợ cái còn phải bịt vải đỏ lên đầu, hình thức này phần nào phản ánh sự ảnh hưởng của văn hóa Đạo giáo Trung Hoa. Ngày nay, cả hai tập tục đó gần như không còn xuất hiện trong lễ Thượng lương nhà ở của cư dân, nhưng đôi khi vẫn còn bắt gặp trong lễ Thượng lương của các chùa miếu. Đặc biệt, tôn giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa ở Nam Bộ vẫn còn bảo lưu cả hai tập tục này trong lễ Thượng lương các cơ sở thờ tự. Lễ được diễn ra vào nửa đêm, các chức sắc và tín đồ tham gia lễ phải bịt khăn đỏ lên đầu [8].
Lễ Thượng lương nói riêng, các nghi lễ xoay quanh việc dựng nhà nói chung, thể hiện thái độ trân trọng của cư dân với ngôi nhà của mình, bởi ông bà xưa đã dạy: “Có an cư mới lạc nghiệp”. Ý nghĩa của việc cúng tế nhằm cầu mong những điều tốt lành đến với gia đình trong ngôi nhà mới. Diễn biến nghi lễ có thể khác biệt ít nhiều tùy theo văn hóa từng vùng, riêng cư dân đồng bằng sông Cửu Long thường có xu hướng đơn giản hóa các nghi lễ trong đời sống, lễ Thượng lương cũng không ngoại lệ. Trong xã hội hiện đại ngày nay, dù đời sống đã có nhiều biến đổi, nhưng lễ Thượng lương vẫn là một trong những nghi lễ được duy trì và trở thành một nét đẹp trong văn hóa cư trú của người Việt.
Chú thích:
[1] Đào Duy Anh (1951), Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Bốn Phương, tr.179.
[2] Nguyễn Văn Huyên (2016), Văn minh Việt Nam, Nxb Hội Nhà văn, tr.169.
[3] Lương Đức Thiệp (1971), Xã hội Việt Nam, tái bản, Nxb Hoa Tiên, tr.153.
[4] Nhất Thanh (1970), Đất lề quê thói, Cơ sở ấn loát Đường Sáng, tr.240-241.
[5] Hà Anh Tuấn (2017), “Mái nhà: hiểu đúng, dùng đủ”, Tạp chí Nội thất điện tử (www.noithatmagazine.vn), 23/10/2017
[6] Toan Ánh (1970), Nếp cũ con người Việt Nam, Nhà sách Khai Trí, tr.254.
[7] Thạch Phương, Hồ Lê, Huỳnh Lứa, Nguyễn Quang Vinh (2014), Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ, Nxb Tổng hợp TP.HCM, tr.79.
[8] Tư liệu khảo sát thực tế của tác giả bài viết (2019).