Tìm hiểu cơ chế hoạt động ý thức với năm thức giác quan (Thích Nữ Liên Thảo)

Từ ngàn xưa, con người đã có những mộng tưởng hảo huyền, những đêm dài ôm bóng cô liêu, hay những tháng ngày sống trong hạnh phúc. Có đầu mối luân hồi thì có đường chấm dứt khổ đau. Bởi trong kiếp sống trần lao, chúng sanh vui khổ đều do Thức biến hiện. Chính Đức Như Lai đã tìm ra con đường chấm dứt sanh tử, Ngài đã chặt đứt dây ràng của “Bánh xe luân hồi” ấy. Hàng đệ tử của Ngài đã đem giáo lý diễn trình qua nhiều dạng thức, những mong hậu thế hiểu được và tu tập, để tự mình chống thuyền qua biển khổ. Bộ môn Duy thức có mặt từ đó và cụ thể hơn là từ các vị Luận sư sau này, thế kỷ thứ năm cho đến sự xuất hiện của Ngài Huyền Trang đã rút ra yếu nghĩa và làm nên bộ Luận Thành Duy Thức.

Duy thức bao hàm nhiều thành phần biểu hiện về bảy thức trong con người, trong đó Ý thức là một thành phần rất phong phú, đa số hoạt động của chúng là sự quyết định đời sống văn hóa đạo đức thực tiễn của nhân loại. Để có nhận thức đúng đắn, có lối sống cao đẹp cho bản thân và tha nhân thì cần tìm hiểu về Ý thức trong Duy Thức, đặc biệt sự hoạt động đồng thời của Ý thức với năm thức giác quan và cơ chế hoạt động của Tán – vị – độc – đầu – ý – thức. Chúng ta có thể giải mã được rất nhiều vấn đề trong cuộc sống, để làm chủ được mình trước mọi hoàn cảnh.

SỰ HOẠT ĐỘNG ĐỒNG THỜI CỦA Ý THỨC VỚI NĂM THỨC GIÁC QUAN

“Tàng thức gọi là tâm
Tính tư lương là ý
Nhận biết các cảnh tướng
Chúng được gọi là thức” [1].

Khái niệm về Ý thức

Trước khi tìm hiểu hoạt động của Ý thức chúng ta nên biết về khái niệm của chúng. Vậy, thế nào là ý (S. Manas hay Mana)? Hán dịch nghĩa là tư lương, suy nghĩ, so đo, tính toán. Theo Duy thức học, ý là thức thứ bảy trong số tám thức và được gọi là Mạt na Thức. Ý với nghĩa thức thứ bảy là ý theo nghĩa hẹp của môn “Duy Thức” học [2]. Còn theo nghĩa rộng là chỉ các thức nói chung. Ý thức là thức thứ sáu. Trong các loại tâm thức, thức thứ sáu này là loại năng nổ, hoạt động nhất, lanh lợi nhất. Nó có tác dụng giúp năm thức trước phân biệt ra ngoại cảnh. Ví dụ mắt chúng ta nhìn trời xanh, bảo là tác dụng của nhãn thức, nhưng thật ra, mắt chỉ thấy được cái hình trạng của bầu trời một cách đơn thuần chứ chưa nhận biết được (trừ khi trước đó nhận thức trời xanh rồi), đến khi nhìn thấy liền phân biệt trời xanh, rồi gợi lên những niềm vui, nỗi buồn, những kỷ niệm cũ còn đọng lại trong tâm trí ta… Sau đó dù có nhắm mắt cũng có thể nhận thức được bầu trời như thế là nhờ Ý thức tác động vào chúng mới được phân biệt, ước lượng về tính chất và mức độ.

Ý thức con người luôn luôn hoạt động, chỉ trừ lúc ngủ say và chết giấc. Người tu định thành tựu được cảnh giới Vô Tưởng định, hay Diệt Tận định thì Ý thức cũng không hoạt động được nữa. Khi thành tựu được cảnh giới gọi là Vô Niệm thì Ý thức ngừng không hoạt động, nhưng tâm người nhập định vẫn sáng suốt tỉnh táo. Những cảnh giới mà con người cảm nhận có thể nói thấy được sau khi chết hầu hết là sự biểu hiện của thức A-lại-da được cất giữ từ lâu mà thôi. Cần lưu ý, Ý thức là luồng tâm niệm hiện có nơi mỗi chúng sanh. Các tâm niệm sinh diệt, diệt sinh liên tục không dứt. Tuy nhiên, các tâm niệm hiện khởi đều có ngoại cảnh làm duyên, các tiền ngũ thức nhân nơi cảnh tác động mà sanh khởi các nghiệp thiện, ác… Hẳn ta không quên khi nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức tiếp xúc với cảnh trần, thì chính Ý thức là “nhân vật” quan trọng để tạo nghiệp. Bởi chỉ có Ý thức mới có khả năng phân biệt đẹp xấu, yêu ghét, nhỏ to… mà thôi. Có câu hỏi như sau: “Năm thức này chỉ nhận biết thật cảnh (tánh cảnh), không nhận biết những giả tướng đối đãi và hòa hợp liên tục, vậy những giả tướng đó thuộc về cảnh gì và thức nào nhận biết?” [3].

Đại Chúng bộ trong Dị Bộ Tông Luân Luận chủ trương: “với một thời hai tâm cùng sanh khởi” [4]. Hai tâm cùng sanh khởi này chẳng qua là sáu thức cùng khởi. Nhưng tư tưởng Ý thức rất vi tế, trong Dị Bộ cũng nói là: “Tâm biến khắp cả thân”. Sách Thuật Ký của Ngài Khuy Cơ nói: “Tức Ý thức vi tế dựa cả vào thân mà trụ, đụng tay chạm chân đều có thể nhận biết, nên biết Ý thức vi tế trụ khắp ở thân; không phải một sát na có thể biết theo thứ tự, nhất định biết ý vi tế trụ khắp trong thân” [5]. Chỉ có Ý thức mới có khả năng phân biệt, Thức dựa nơi ý căn để làm trợ duyên thù thắng mới được phát sinh. Nó nhận biết so đo hết thảy cảnh thật, đới chất cảnh, độc ảnh cảnh… không một pháp nào lọt ngoài phạm vi nhận biết của thức. Đặc biệt, sự nhanh nhẹn của Ý thức gần như đồng thời với năm thức trước, chẳng hạn; khi vừa nhìn thấy hạt mưa, liền biết đó là nước, và biết nước là thể lỏng… Vì thế, có thể gọi Ý thức hoạt động đồng thời với tiền ngũ thức là vậy. Chúng ta có thể xác nhận điều đó qua ví dụ sau, lấy từ tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài.

Mùa xuân ở Hồng Ngài được tác giả miêu tả rất đẹp. Cùng với vẻ đẹp thiên nhiên là không khí tưng bừng của ngày hội với tiếng khèn, tiếng sáo dìu dặt, thiết tha. Vẻ đẹp ấy được xây dựng trên trang sách như một bức tranh tuyệt diệu, đã đánh thức tâm hồn của Mỵ thoát khỏi tình trạng thờ ơ nguội lạnh trước đây. “Ngày Tết, Mỵ cũng uống rượu. Mỵ lén lấy hũ rượu, cứ uống ừng ực từng bát. Trong trạng thái vừa say, vừa tỉnh lòng Mỵ sống về ngày trước, bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm ngọt ngào của đời thiếu nữ. Mỵ thấy lòng mình phơi phới trở lại và thấy vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Tâm trạng vui sướng ấy vừa xuất hiện thì nỗi buồn tủi cũng đến theo. Mỵ lúc này Ý thức được cảnh ngộ éo le của mình: A Sử và Mỵ không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau!”. Ý nghĩ về cái chết lại xuất hiện… Rất nhiều sự kiện diễn ra trong tâm trí Mỵ.

Để có nhận thức đúng đắn, có lối sống cao đẹp cho bản thân và tha nhân, thì cần tìm hiểu về Ý thức trong Duy Thức, đặc biệt sự hoạt động đồng thời của Ý thức với năm thức giác quan và cơ chế hoạt động của Tán – vị – độc – đầu – ý – thức.

Tuy nhiên, chúng ta chỉ đưa ra một số tình tiết như thế cũng đủ để thấy rằng; khi mắt Mỵ nhìn thấy cảnh đẹp mùa xuân, tai thì nghe tiếng khèn thổi, tiếng sáo gọi bạn ở Hồng Ngài, nàng liền nhớ lại cảnh mùa xuân năm trước khi còn ở nhà mình, nàng tỉnh lại và tỏ ra “yêu đời” hơn. Nàng uống rượu… tức là thân thức, thiệt thức và cả tỷ thức ngửi thấy mùi rượu… đã và đang hoạt động. Ý thức cũng đang hoạt động nên mới có sự phân biệt để nhớ lại, rồi biết giờ này mình đang ở đâu… mình muốn những gì. Như vậy, qua sự kiện của cô Mỵ, chúng ta nhận thấy Ý thức thật sự cùng khởi với tiền ngũ thức. Nó chính là tiền đề quan trọng giúp con người biết được họ nên làm gì để đời sống của họ được tốt hơn. Bởi làm người, ai cũng muốn cho mình được một đời sống tốt đẹp.

SỰ HOẠT ĐỘNG CỦA Ý THỨC ĐỒNG THỜI VỚI TIỀN NGŨ THỨC

Duy thức gọi sự hoạt động này là Ngũ Câu Ý thức, tức là Ý thức hợp tác với năm thức kia cùng một lúc, hoặc Ý thức hợp tác với một hoặc nhiều thức khác trong năm thức. Nếu chúng kết hợp với một thức thì hẳn nhiên sự phân tán sẽ rộng hơn, nên độ chính xác cao hơn. Khi sáu căn tiếp xúc sáu trần duyên được tánh cảnh đó là cảm giác Hiện lượng, Ý thức trong khi ấy chưa có tác dụng suy lý. Đối tượng của Ngũ câu Ý thức là tánh cảnh thực tại, khác hẳn với Độc đầu Ý thức do chủ quan khởi động mà phát sinh. Như vậy, chỉ trong trường hợp cảm giác Ngũ câu Ý thức mới có được sự trực nhận tánh cảnh, đi sâu vào tri giác thì cảnh đó trở lại thành Đới chất cảnh.

THỰC TIỄN TỪ SỰ HOẠT ĐỘNG CỦA Ý THỨC VỚI LỐI SỐNG ĐẠO ĐỨC

Điều chúng ta nhận thấy rõ ràng năm thức nương năm căn, vì năm căn là chỗ nương riêng của mỗi thức. Nhưng Ý thức thì phân biệt để biết được còn nhờ vào thức thứ bảy và thức thứ tám. Vì sao? Bởi khi con người ta sở dĩ biết được là nhờ có học trước, mà sở học theo nhiều hình thức được cất giữ trong A-lại-da, chúng duyên theo các thức trước mà sanh khởi. Ở đây, cô Mỵ sở dĩ có được sự nhớ nhung tỉnh thức… như thế là do tập tục sống của thiếu nữ thời ấy như vậy. Sau khi sống trong bóng tối thì màn vô minh che phủ, khiến cô không hề mơ ước điều gì, chỉ biết cắn răng chịu đựng, đợi đến lúc cơ hội xuất hiện thì niềm vui, nỗi buồn hiện hữu và kéo theo hành động.

Ý thức là luồng tâm niệm hiện có nơi mỗi chúng sanh. Các tâm niệm sinh diệt, diệt sinh liên tục không dứt. Tuy nhiên, các tâm niệm hiện khởi đều có ngoại cảnh làm duyên, các tiền ngũ thức nhân nơi cảnh tác động mà sanh khởi các nghiệp thiện, ác…

Như vậy, nếu chúng ta muốn vun bồi đạo đức cho xã hội thì việc đào tạo thế hệ trẻ là điều thiết yếu. Ta nên tập cho giới trẻ có thói quen tốt thì khi lớn lên, Ý thức được cuộc sống, hạt giống thiện đã có sẵn và đã huân tập sẵng, ví như không may những con người ấy sống trong xã hội không tốt đẹp thì sự sanh khởi ý xấu vẫn rất hạn chế. Bởi trong trí óc họ không có những lằn vết ô trược, như thế sẽ tốt hơn, bằng ngược lại thì hậu quả khó lường. Cho nên, qua sự hiểu biết đường lối hoạt động của Ý thức, hành giả nên thực hiện ngay trong lối sống hiện tại, để cải biến bản thân và đóng góp cho xã hội.

CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA TÁN-VỊ-ĐỘC-ĐẦU Ý THỨC

Phạm vi hoạt động của Ý thức rất rộng, do Ý thức hoạt động tự tại không theo nghiệp báo, nên Ý thức có ba tính, là thiện, bất thiện và vô ký. Chúng có đủ ba lượng là: Hiện lượng, tỷ lượng và phi lượng. Ba cảnh là tính cảnh, đối chất cảnh và độc ảnh cảnh. Tán – vị – độc – đầu Ý thức là một trong năm hành tướng của Ý thức. Theo Bát thức quy củ tụng thì Minh liễu Ý thức khi đã xa rời hiện lượng và dùng tỷ lượng duyên với Tợ – đới – chất – cảnh [6], thực tế đã duyên với cảnh do tự mình so sánh tạo ra chứ không duyên vào trần cảnh hiện hành nữa. Tán – vị – độc – đầu – Ý thức thì tự tạo ra cảnh, rồi tự duyên lấy, không nương theo cảnh thật nên gọi là độc đầu. Tán – vị – độc – đầu – Ý thức là cái độc đầu Ý thức đương tán động, duyên với cái này, cái khác, không phải ở trong định mà hoạt động.

CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG

Cơ chế hoạt động Tán – vị – độc – đầu – Ý thức nó chỉ nương theo sự học tập từ trước mà tạo ra cảnh danh. Chẳng hạn đôi lúc trẻ con nhìn lên bầu trời, thấy những đám mây hình thù như các con vật chúng đã thấy trước đó thì chúng cho rằng đó là hình con voi, con nai… rồi chúng sanh ra ý chí thích thú khi nhìn lên bầu trời… Đó cũng là sự hoạt động của Tán – vị – độc – đầu – ý. Tán – vị – độc – đầu – Ý thức khi hoạt động bằng sự thâu tóm năm trần trong hiện tại, hợp với những gì đã biết trong quá khứ để nhận danh tướng các sự vật, đó là duyên với hữu chất độc ảnh cảnh. Còn nó nghĩ đến những cảnh không hiện hữu trước mắt, hay tưởng tượng ra thì nó đang duyên với vô chất độc ảnh cảnh. Còn khi chúng duyên với cảnh danh ngôn do bản thân nhìn tạo ra mà nhận lầm là ngoại cảnh đó là ở trong phi lượng.

Như chuyện năm người mù sờ voi, sau khi sờ xong con voi, mỗi người mô tả một cách khác nhau. Người thì nói con voi giống cái chổi, người thì nói con voi giống cái quạt, kể thì nói con voi như con đỉa… Bởi họ không thể thấy hết toàn bộ con voi mà chỉ sờ và ví như những vật đã gặp qua trước đó. Họ tưởng tượng ra con voi là thế, họ chấp vào đó và có thể sanh ra những cuộc cãi vã không có “trọng tài”. Chính vì những cảnh ngộ đã gặp trong quá khứ, Tán – vị – độc – đầu – Ý thức hoạt động tạo cho con người lâm vào nhiều tình huống có thể hạnh phúc ở thế gian trong thời gian nhất định, cũng có thể đau khổ, đa nghi… lẫn nhau tạo ra muôn ngàn mối hiểm họa. Cho nên, việc thực tập cho một con người hay con vật đều rất quan trọng. Cái mà đã gọi là sự biết hay thói quen… tất cả đều trở nên nguồn sống trong hiện tại và tương lai của chúng sanh. Tuy nhiên, Tán – vị – độc – đầu – Ý thức cũng có tỷ lượng, nhưng khi nó duyên với tướng của một tâm vương hay tâm sở thì tướng phần khởi ra trong lúc ấy là Chân Đới Chất Cảnh. Nếu nhận thức đúng đắn thì có thể ở trong Chơn – tỷ – lượng. Chính vì vậy, trong cuộc sống có những nhận thức đúng đắn, cũng không ít nhận thức sai lầm trong khi cùng tiếp xúc với một cảnh.

TÁN-VỊ-ĐỘC-ĐẦU Ý THỨC QUA LĂNG KÍNH CỦA DUY THỨC HỌC

Đối với Duy Thức học thì Tán Vị thuộc vào một trong ba loại của Độc đầu Ý thức. Ở đây, sở dĩ lấy luôn hai phần ghép lại một tên là Tán – vị – độc – đầu – Ý thức vì Tán vị chiếm phần lớn trong Độc đầu Ý thức. Duy thức cho rằng Tán vị Ý thức có hai tác dụng phân biệt: do kinh nghiệm trước mà suy đoán chính xác, và giá trị phân biệt nhận thức không đúng, hoặc không rõ ràng… khiến dẫn đến suy đoán sai lệch. Còn Độc Đầu Ý thức là Ý thức độc lập, hoạt động của nó không cần có sự phối hợp của tiền ngũ thức mà vẫn có thể suy nghĩ việc hiện tại, nhớ lại việc đã qua, tính toán việc sắp tới… nó đều có thể làm được. Chính vì thế, ngay cả Mộng trung Ý thức và Định vị Ý thức, Tán vị Ý thức đều là phạm vi hoạt động của nó.

ỨNG DỤNG TRONG THỰC TIỄN CUỘC SỐNG

Cơ chế hoạt động của Tán – vị – độc – đầu – Ý thức nó chỉ nương theo sự học tập từ trước mà tạo ra cảnh danh, đây là vấn đề rất quan trọng trong việc thực hiện giáo dục. Trước hết chúng ta cần chú ý đến cơ sở đào tạo và môi trường sống của đối tượng được đào tạo. Thứ nữa là chương trình đào tạo có đạo đức và khoa học. Nhằm tránh những sự huân tập tạp nhiễm, những cố chấp cổ hủ… hay những luồng tư tưởng cuồng hóa khiến cho sự suy tư, tưởng tượng, phán đoán lệch lạc. Bởi khi con người đã bị nhiễm những ý tưởng không tốt, hay quá sợ hãi, hoặc bị chai lì chẳng hạn, thì việc thực hiện nếp sống hiện tại cũng như tương lai của hành giả trở nên nguy hiểm. Nhất là sự phán đoán và quyết định, định hướng cho những hành động, suy nghĩ mà họ phải đối đầu. Cuộc đời sở dĩ mất hạnh phúc vì con người không thể tin tưởng nhau, sanh ra những đa nghi, bất hòa. Sự vọng tưởng của con người vô cùng phức tạp:

“Thương nhau cau sáu bửa ba,
Ghét nhau cau sáu bửa ra thành mười”.

(Ca dao)

Khi thương người ta có thể bỏ qua mọi chuyện, nhưng khi đã ghét rồi, một mảy thì sảy bằng cái nong. Họ tưởng ra thật nhiều thứ, làm lớn sự việc, khiến cuộc sống ngày một phức tạp hơn. Cứ thế mà gây nhiều oan gia đối đầu, luân hồi sanh tử không dứt vậy.

Như chuyện năm người mù sờ voi, năm người sau khi sờ xong con voi, mỗi người mô tả một cách khác nhau. Người thì nói con voi giống cái chổi, người thì nói con voi giống cái quạt, kể thì nói con voi như con đỉa… (Ảnh: hocnguvan.vn)

Kết luận: Nguyên tắc hoạt động của Ý thức với năm thức giác quan và cơ chế hoạt động của Tán – vị – độc – đầu – Ý thức cho ta thấy, khi Ý thức hoạt động đồng thời với năm thức giác quan con người còn bị sự tác động của Tán – vị – độc – đầu – Ý thức, tức các thói quen, các tập quán… đã được huân tập từ trước. Cụ thể chúng ta nhận thấy trong một số điển tích văn học trên đã chỉ rõ tầm quan trọng của việc nắm bắt và thực hiện từng hoàn cảnh, lứa tuổi… của các trường hợp sao cho phù hợp, nhằm đạt được kết quả cao trong việc đào tạo nhân cách đạo đức con người. Nhất là hoằng pháp lợi sanh, nếu chúng ta không giảng dạy phù hợp với môi trường sống, trình độ văn hóa, thực hiện Tín – Hạnh – Nguyện cho đối tượng nhận thức thì kết quả không những không mỹ mãn mà có khi có “phản ứng phụ” như lệch lạc sang mê tín, hay cố chấp một cách phi pháp.

Qua đó, chúng ta nhận thấy trong cuộc sống của thời đại ngày nay, thời đại của điện tử, của thế giới vật chất. Con người sống dễ bị chi phối bởi sự hấp dẫn của mọi thứ, dẫn đến sự đua đòi thiếu đạo đức, ăn chơi xa xỉ… Để hình thành một thói quen tốt không phải là chuyện dễ, nhưng huân vào những vấn đề không thực tế, ít có trong cuộc sống… thì rất dễ dàng. Vì sao? Bởi tập khí của chúng sanh rất thích tò mò, chính vì vậy mà những vấn đề mới mẻ, dễ nhớ và dễ huân tập hơn. Đó là vấn đề nguy hiểm cho thế giới ngày nay vậy. Đối với việc hoằng pháp, hàng xuất gia, tại gia… những ai có trách nhiệm, bổn phận trong việc “truyền đăng tục diệm” thì nên nắm bắt kỹ các vấn đề Duy thức, tâm lý của nhân loại nói chung và đối tượng chúng ta nhắm đến. Đặc biệt, nên chú ý đến thế hệ trẻ, tâm thức của chúng như những tờ giấy trắng, chúng ta hãy vẽ lên đó những đóa sen thuần khiết, những lời hay, ý đẹp dẫn chúng đi trên con đường hướng thượng. Để đạt kết quả tốt, nhằm đưa chúng sanh chóng đến bờ giải thoát, nên giáo dục trẻ ngay khi còn trong bào thai mẹ. Người mẹ, cũng huân tập giáo lý đạo đức, làm nhiều việc thiện… để đứa trẻ huân theo dòng máu và tình cảm, sự yêu thương con người với con người của người mẹ. Đó là cách ứng dụng sự hiểu biết về Tán – vị – độc – đầu – Ý thức, đồng thời giúp cho sự tiếp nhận của các căn thức sau này được lựa chọn và đi đúng con đường chánh thiện làm lợi ích cho bản thân và xã hội.

 

Chú thích:

[1] Theo Tuệ Sỹ, Thành Duy Thức Luận (Cf. Nhập Lăng-già 9 (Bồ đề lưu chi) T 671, tr.567c14, Nhập Lăng- già 7 (Thật -xoa- nan- đà), T672,tr.632b26.

[2] “Duy còn có nghĩa giản biệt, ngăn không có ngoại cảnh. Thức có nghĩa là liễu giải, biểu thị có nội tâm” Theo Thích Thiện Siêu (1999), Luận Thành Duy Thức, Nxb Tôn Giáo, 1999, tr.26.

[3] Thích Thiện Siêu (2002), Thức biến, Nxb TP. HCM, Nxb 2002, tr.56.

[4] Theo bản dịch của Hòa Thượng Trí Quang, Dị Bộ Tông Luân Luận, Trang Đạo Phật Ngày Nay.

[5] An Thuận, Nhựt Chiếu (dịch) (2006), Nghiên Cứu Nguồn Gốc Duy Thức Học, Nxb Tôn giáo, tr.205.

[6] Tợ-đới-chất-cảnh là cảnh trước (quá khứ) còn có liên hệ với hiện tại có cảnh hao hao giống cảnh trước, các vật có mang hình ảnh, sắc, thinh, hương, vị, xúc của năm thức dính líu với cảnh tợ đới chất. Nghĩa là cảnh này hoàn toàn là bóng dáng phản chiếu của một phía Ý thức mà thôi nên được gọi là Tợ-đới-chất-cảnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *