An cư kiết hạ là truyền thống hàng nghìn năm qua của Phật giáo. Theo lời Phật dạy, mỗi năm vào ba tháng mùa hạ, tu sĩ Phật giáo tập trung về trú xứ nhất định để cùng sống chung tu học. Đây là khoảng thời gian quý giá của cộng đồng tu sĩ, tạm dừng lại các hoạt động Phật sự của mình mà chuyên tâm vào tu học, lấy lại năng lượng nội lực cho tự thân bằng cách chiêm nghiệm lại lối sống, hành động của mình trong chín tháng vừa qua. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để Tăng đoàn củng cố sau những tháng ngày hoạt động không mệt mỏi, từ đó hướng đến duy trì và phát triển mạng mạch của Phật giáo.
DUYÊN KHỞI
Điều này ghi chép trong Đại Phẩm Luật Tạng. Những năm đầu, việc cư trú mùa mưa chưa được Đức Phật quy định. Giới Tăng lữ vẫn đi khất thực suốt năm. Vì vậy, dân chúng phàn nàn: “Tại sao các Sa-môn Thích tử lại đi du hành trong mùa lạnh, trong mùa nóng, và cả trong mùa mưa nữa? Các vị đang dẫm đạp lên các loại cỏ xanh, đang hãm hại mạng sống của loài chỉ có một giác quan, và đang gây nên việc giết hại hàng loạt nhiều chúng sanh nhỏ nhoi” [1]. Họ cho rằng, hàng ngoại đạo dù giáo lý có tồi tệ vẫn sống cố định trong mùa mưa và so sánh với hàng Sa-môn Thích tử lại đi du hành trong một năm mà không có thời gian sống cố định. Sự việc này được trình lên Đức Phật. Nhân đây Đức Phật nói: “Này các Tỳ khưu, ta cho phép vào mùa (an cư) mưa” [2]. Từ đó về sau truyền thống an cư được thực hiện đều đặn hằng năm trong Tăng đoàn và đã đem lại nhiều lợi lạc cho số đông.
Ngày nay, Phật giáo đã có mặt khắp thế giới. Ở đâu có Tăng đoàn, ở đó truyền thống An cư kiết hạ được gìn giữ. Mặc dù có ít nhiều thay đổi vì hoàn cảnh và môi trường nhưng tựu trung vẫn giữ được nét đẹp truyền thống đã làm nên bản sắc văn hóa Phật giáo. Như vậy, dù An cư thời Đức Phật hay trong thời hiện đại, ý nghĩa cốt lõi vẫn không đổi. Đó là bảo hộ Tăng đoàn khỏi sự cơ hiềm của quần chúng và nuôi dưỡng lòng từ bi của người xuất gia. Nhưng ý nghĩa sâu xa hơn, Đức Phật thấy được trong một năm các Tỳ kheo cần phải có khoảng thời gian quay trở lại tu tập lấy lại nội lực cho chính bản thân vị hành giả, đây là khoảng thời gian các Tỳ kheo phải tạm dừng các hoạt động Phật sự bên ngoài, quy tụ Tăng chúng nơi già lam thanh tịnh để cùng nhau tu tập, thúc liễm thân tâm, trau dồi giới luật. Cho nên, An cư là dịp để củng cố lại Tăng đoàn, thắt chặt lại tính hòa hợp trong cộng đồng Tăng lữ, mặt khác khi Tăng đoàn được củng cố sẽ làm cho mạng mạch Phật pháp được duy trì và phát triển.
AN CƯ KIẾT HẠ ĐỂ CỦNG CỐ TĂNG ĐOÀN
Củng cố Tăng đoàn
Suốt ba tháng an cư, các Tỳ kheo phải ở yên tại trú xứ. Trong khoảng thời gian này, hành giả dừng hết tất cả những Phật sự bên ngoài, chuyên tâm vào việc nghiêm tầm kinh luật, phát triển thiền định, mục đích là để khơi mở trí tuệ. Bởi vì chín tháng trong năm, các Tỳ kheo đã du hành khắp nơi để chăm lo về mặt tinh thần cho quần chúng nên một phần hao tổn về mặt sức khỏe và năng lượng tâm linh.
Thời tiết ở Ấn Độ vào thời Đức Phật không cho phép các Sa-môn đi du hoá suốt năm vì ba tháng hạ là mùa mưa. Nước dâng lên cao, các côn trùng trỗi dậy, việc trồng trọt buôn bán bị ngưng trệ, mọi sinh hoạt đều trở ngại. Vì vậy, không riêng giáo đoàn Đức Phật có mùa an cư mà ngay cả các Bà-la-môn giáo, Kỳ-na giáo mùa này cũng ẩn trú. Bà-la-môn gọi việc tạm dừng này là Dhruvasìla, các kinh sách của họ chỉ đề cập đến việc “sống ở một nơi” (ekatra), hay “chỗ ở đã định” (Dhruvasìla). Kỳ-na giáo gọi là Pajjusama, nghĩa là cho phép vị thầy (Ecàryopadhijàna) và một nhóm môn đệ (Ganavacchedaka) sống chung với nhau. Cho nên, việc tạm dừng hành đạo trong ba tháng mùa mưa là điểm chung của các tôn giáo thời bấy giờ. Đức Phật đã cải biên lại hình thức và nội dung kỳ An cư kiết hạ để đem đến lợi ích thiết thực nhất cho Tăng đoàn và nhân gian. Các Tỳ kheo cùng sống chung tu tập trong mùa An cư là đặc điểm rõ nét nhất của Phật giáo. Minh chứng ngay từ thời Đức Phật, có những mùa an cư mà có cả ngàn vị Tỳ kheo cùng chung sống tại Veluvana là một đặc điểm khác biệt với các đoàn Sa-môn khác lúc bấy giờ. Nhưng cùng sống chung tu tập phải đầy đủ hai yếu tố đó là hòa hợp và thanh tịnh.
Hòa hợp và thanh tịnh
Đây là hai yếu tố hình thành nên Tăng đoàn của Đức Phật. Thiếu chúng, Tăng-già dù có tồn tại cũng chỉ là hình thức, bản thể của Tăng đoàn xem như tan vỡ và cố nhiên là không giữ trọn ý nghĩa của từ Sangha. Vì vậy, một trong những nguyên nhân nội tại khiến Phật giáo suy tàn qua các thời đại luôn đến từ Tăng đoàn thiếu ổn định, đoàn kết và thống nhất. Thông qua sự thanh tịnh hòa hợp, Tăng đoàn mới xứng đáng là một trong ba ngôi Tam bảo, làm chỗ nương tựa, y cứ cho hàng Phật tử tại gia. Ý nghĩa của việc an cư, một phần tránh cơ hiềm thế gian, mặt khác là nuôi dưỡng lòng từ bi của người con Phật, nhưng ý nghĩa sâu xa là làm cho Chánh Pháp cửu trụ lâu dài, qua biểu hiện duy trì đời sống hòa hợp và thanh tịnh của Tăng-già.
Mùa an cư chính là lúc tái tạo lại nguồn sinh lực Tăng-già. Đức Phật chế giới an cư cũng vì muốn bảo hộ Tăng đoàn. Trong những tháng ngày hành đạo, vị hành giả giống như đem năng lượng của mình đi chia sẻ cho người khác. Hàng Tỳ kheo nếu không có ba tháng cùng sinh hoạt cộng trú để học hỏi kinh nghiệm, khuyên dạy lẫn nhau thì làm sao trưởng dưỡng được nội tâm, chưa nói đến bổn phận của từng cá nhân vị Tỳ kheo phải tạo năng lượng cho Tăng đoàn vững mạnh. Vì vậy, nhờ có sự sống chung tu tập, các Tỳ kheo từ mọi nơi tụ họp lại như pháp, sinh hoạt như pháp, chắc chắn sẽ làm lớn mạnh vai trò của Tăng-già trong đời sống xã hội.
An cư từ thời Đức Phật được duy trì đến hiện tại, không chỉ là trách nhiệm của Tỳ kheo, Tỳ kheo ni trong việc trì luật, mà còn thể hiện sự hòa hợp và thanh tịnh của cộng đồng Tăng già. Pháp an cư, nếu được Tăng-già nhiệt tâm thực hiện thì đây là nguồn năng lượng lớn lao để củng cố tinh thần hòa hợp và thanh tịnh của Tăng-già. Tăng đoàn được hòa hợp và thanh tịnh hay không, một phần không nhỏ thuộc về mỗi cá nhân vị Tỳ kheo. Do đó, việc củng cố Tăng đoàn đến từ việc củng cố cá nhân vị Tu sĩ, việc củng cố một vị tu sĩ không gì khác hơn ngoài việc tự hoàn thiện đạo đức của mình.
Mùa an cư giúp hoàn thiện đạo đức của một Tỳ kheo
An cư kiết hạ cũng là phương pháp củng cố và duy trì nguồn nội lực sau những ngày tháng dấn thân phụng sự đạo pháp. Mùa an cư giúp các Tỳ kheo trẻ có cơ hội gần gũi, thân cận với các bậc Tôn túc trưởng lão nhiều hơn. Việc này vừa giúp cho các Tỳ kheo trẻ được bồi dưỡng kiến thức tu học, vừa thực hành đời sống tập thể, thể hiện tinh thần lục hòa cộng trụ trong đời sống hằng ngày. Nhờ việc học tập qua thân giáo với các vị tôn túc mà làm cho các Tỳ kheo sinh tâm kính ngưỡng, vừa đối chiếu xem những gì mình đã học đã được thực hành đúng hay chưa, có sai trật chỗ nào không để kịp thời sửa đổi. Bởi trong một cộng đồng hoà hợp thanh tịnh như pháp, mọi thái độ hay hành vi lệch lạc đều không có dịp phát triển vì chúng kịp thời được uốn nắn.
Một đời sống phạm hạnh là đời sống đạo đức, thánh thiện, nỗ lực liên tục để hướng đến sự thanh tịnh tối thượng, chống chọi lại tham lam, sân hận, si mê, lười biếng, bạo lực,… và người xuất gia phải chấp nhận với cuộc sống này. Mục tiêu của người xuất gia là chứng đạt an lạc giải thoát. Đức Phật là người đã thành tựu mục đích ấy và Ngài đã chỉ rõ con đường đưa đến mục đích ấy cho loài người. Vì vậy, muốn đạt được một nhân cách toàn thiện như Đức Phật, người xuất gia phải thực hiện một cuộc sống mẫu mực như chính Ngài đã từng sống. Những phẩm chất tiêu biểu của Đức Phật được ghi lại trong các kinh điển Nikaya như: “Sa môn Cồ-đàm đã dứt bỏ việc gây hại cho đời, đã mất hẳn cái khuynh hướng gây hại ấy…Ngài sống một cách khiêm hoà, tràn đầy khoan lượng bằng từ bi, mong muốn hạnh phúc cho chúng sanh”, “Ngài đã dứt bỏ việc lấy của mà người khác không cho mình”, “Ngài đã dứt bỏ sự vu khống”, “Ngài đã dứt bỏ việc nói lời cay nghiệt”, “Ngài không làm hại hạt giống và cây cỏ. Mỗi ngày, Ngài chỉ dùng một bữa, không ăn ban đêm hoặc không đúng lúc…”. Phẩm chất đạo đức cao thượng của Đức Phật làm gương mẫu cho toàn thể Tăng già. Đây chính là kết quả của việc tu tập Giới-Định-Tuệ được thể hiện trong việc thực hành Bát Chánh Đạo. Do thực hành Bát Chánh đạo mà phẩm chất đạo đức ngày một thăng tiến.
Đạo đức không phải là sự giải thoát mà là sự phò trợ đưa đến giải thoát và là kết quả từng bước tu tập để giải thoát [3]. Phẩm chất đạo đức của một Tỳ kheo là yếu tố quan trọng quyết định phẩm chất của Tăng già và sự tồn tại, phát triển của Tăng đoàn. Phẩm chất ấy là kết quả của việc thực hiện tu tập của trí tuệ và hành trì thiền định và cũng là điều kiện để thành tựu trí tuệ giải thoát. Mặc dù mang trên mình sự thanh bần giản dị, nhưng đó là thành quả của đạo đức, là sự thể hiện của tri thức trong cuộc sống. Ai cũng biết, một cá nhân có đạo đức sẽ đưa đến một xã hội phồn vinh, xã hội phồn vinh sẽ đưa đất nước hòa bình thịnh vượng và chắc chắn rằng bất cứ ai trong cuộc đời đều mong muốn sống trong đất nước hòa bình đó. Nhưng làm thế nào để mục đích đó sớm được thành tựu? Điều này đã và đang được các cá nhân Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, và Tăng đoàn Phật giáo là những người tiên phong trong mọi sinh hoạt hằng ngày bằng các hành vi đạo đức và truyền bá nguồn cảm hứng này đến với loài người.
Vì vậy, mùa an cư là mùa các Tỳ kheo càng phải tinh tấn tu tập, khép mình vào giới luật, giữ gìn oai nghi tế hạnh, bởi đó chính là sự hoàn thiện nhân cách đạo đức của một người tu sĩ. Suy cho cùng giá trị đời người tu sĩ chỉ ở cái tâm hướng thượng chứ không luận trên âm thanh, sắc tướng bên ngoài.
DUY TRÌ MẠNG MẠCH PHẬT PHÁP
Lấy giới luật làm thầy
Người xuất gia luôn tâm niệm đặt mình trong khuôn khổ của giới luật nhằm để đảm bảo uy tín và thanh tịnh của Tăng đoàn. Một vị tu sĩ nếu biết áp dụng giới luật vào đời sống của mình, thực hành một cách nghiêm túc, chắc chắn vị ấy sẽ được giải thoát mọi ràng buộc ngay trong cuộc sống hiện tại, bởi vì Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, hãy sống đầy đủ giới, đầy đủ giới bổn Patimokkha, được chế ngự với sự chế ngự giới bổn Pàtimokkha. Hãy sống đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Đã sống đầy đủ giới,…, cần có gì cần phải làm thêm nữa?” [4].
Và quan trọng, trong suốt 45 năm hiện diện trên cõi đời, Đức Phật chưa bao giờ đề cao chính Ngài và cũng chưa bao giờ nói Ngài là người lãnh đạo Tăng đoàn. Nhưng điều đặc biệt, Ngài luôn nhấn mạnh các Tỳ kheo hãy lấy Pháp và Luật làm người dẫn đường của mình. Vì vậy, trong những lời di huấn sau cùng, Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo sau khi ta diệt độ các ông phải lấy giới luật làm thầy cũng như người đi trong đêm tối gặp đèn sáng, người nghèo được của báu. Phải biết giới luật là thầy của các ông, dù Ta có trụ ở đời cũng chẳng khác gì pháp này vậy”.
Qua lời dạy trên có thể thấy giới luật được xem là hiện thân của Đức Phật. Đây không chỉ là chỗ nương tựa, là người dẫn đường, là bậc thầy của giới xuất gia mà còn là nền tảng cho sự tồn tại của Phật pháp. Do vậy, bất cứ thời gian nào, dù ở quá khứ, hiện tại hay tương lai, nếu các Tỳ kheo còn cung kính và hành trì giới luật một cách nghiêm mật, xem Giới luật như người thầy dẫn đường thì chính lúc ấy Tăng đoàn sẽ tồn tại và hưng thịnh, bởi vì Giới luật còn là Phật pháp còn, giới luật mất là Phật pháp mất.
Giới luật là nền tảng để Phật pháp trường cửu
Chính vì giới luật quan trọng và thù thắng như vậy nên Đạo Phật hưng thịnh hay suy vi đều không ngoài phạm vi của giới luật. Giới luật vun bồi nên đức hạnh của một tu sĩ, từ một người tu sĩ có đức hạnh tạo nền tảng cho Phật pháp hưng thịnh. An cư kiết hạ là truyền thống có giá trị rất thiết yếu trong Phật giáo. Trong chín tháng vân du hóa độ, thực tế đã cho thấy có trường hợp cá nhân thiếu kiểm soát đã dẫn đến ảnh hưởng hình ảnh của người tu sĩ Phật giáo. Vì vậy, giới hạnh của một vị tu sĩ liên quan đến sự thịnh suy của Phật pháp một cách mật thiết.
Trong mùa an cư, các Tỳ kheo sẽ có nhiều thời gian để nghiên tầm giới luật, ngăn chặn lỗi lầm phát sinh trong tương lai. Một Tỳ kheo với tư cách là một thành viên của Tăng già, ngoài sự nỗ lực tu tập bản thân, còn phải có bổn phận xây dựng, đẩy mạnh sự phát triển của Tăng già. Vì vậy, việc thường xuyên tụng đọc lại luật Phật chế để hun đúc cuộc sống tịnh hạnh của Tỳ kheo, xây dựng sự đoàn kết thanh tịnh trong cộng đồng Tăng già. Xa hơn nữa, không phải chỉ mùa an cư mới thường xuyên nghiên tầm giới luật, nếu giới luật luôn được nghiêm trì trong đời sống hằng ngày thì Phật pháp sẽ được tồn tại lâu dài. Vì vậy, điều kiện cần và đủ của một người xuất gia là phải nghiêm trì tịnh giới, không ngừng trau dồi giới đức.
Truyền thống tốt đẹp – An cư kiết hạ đã được ứng dụng và hành trì từ thời Đức Phật, nó có hiệu lực từ quá khứ đến hiện tại và cho cả vị lai, làm nòng cốt cho sự tu học của Tăng đoàn và giữ vững mạng mạch của đạo pháp. Bởi vì mọi sự thoái thất về giới luật luôn tiềm tàng dẫn đến sự sụp đổ đạo đức và niềm tin. Cho nên ý nghĩa sâu xa của việc Đức Phật chế pháp an cư là để duy trì đời sống thanh tịnh và hòa hợp của Tăng-già. Khi nào Tăng-già còn nhiệt tâm trong trách nhiệm an cư thì Chánh pháp được tồn tại lâu dài.
Nhiệm vụ của tứ chúng
Để duy trì mạng mạch và phát triển Phật pháp, thiết nghĩ phải kể đến nhiệm vụ của tứ chúng trong mùa An cư kiết hạ. Việc phát triển Phật giáo phải đến từ tứ chúng chứ không phải chỉ riêng chúng xuất gia hay tại gia và mùa An cư là lúc cần thắt chặt lại mối quan hệ của tứ chúng.
ĐỐI VỚI NGƯỜI XUẤT GIA
Mang trên mình chiếc áo giải thoát thì phải luôn tâm niệm rằng mình tu học để giải thoát và giúp chúng sinh giải thoát (tự độ và độ tha). Nếu tu sĩ mà không có chất liệu của sự tu tập thì khó lòng độ được chính mình, huống là độ người khác. Cách báo đáp ý nghĩa nhất đối với đàn na tín thí là tinh tấn tu tập, thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, phát triển đạo lực để giải thoát tự thân và giáo hoá, cứu độ chúng sinh. Trong ba tháng an cư, nếu hành giả công phu tu tập một cách nghiêm mật, một mặt đem lại công đức cho người hành trì, mặt khác đem lại an tịnh và lợi lạc cho những người sống cùng trong môi trường hay trú xứ. Để rồi từ đây, Tăng Bảo tiếp tục là điểm tựa vững chãi cho quần chúng nương nhờ.
ĐỐI VỚI HÀNG CƯ SĨ
Hình ảnh Tăng đoàn cùng chung sống hòa hợp, ngày ngày tinh tấn tu tập luôn là nguồn cảm hứng động viên cho hàng cư sĩ. Phật tử tại gia một lòng khát ngưỡng giáo pháp, mong muốn được học hỏi lời Phật dạy để áp dụng vào cuộc sống, nhằm chuyển hóa nỗi khổ và niềm đau. Tại các đạo tràng an cư kiết hạ tập trung của chư Tăng Ni, vì chư vị chuyên tâm tu học, hạn chế tối đa sự hướng ngoại nên rất cần sự hộ trì về nhiều phương diện của hàng Phật tử. Vì thế, các cư sĩ thường chung tay góp sức, kẻ góp của người góp công, tùy theo năng lực và hoàn cảnh của mình mà tận lực ủng hộ đạo tràng an cư để vun bồi phước đức. Cúng dường chư Tôn đức Tăng, Ni an cư tịnh tu tam vô lậu học, để Phật pháp được trường tồn ở thế gian, là điều nên làm đối với giới cư sĩ tại gia. Nhờ bố thí, cúng dường và học hỏi giáo lý Phật pháp nơi Tăng già trong mùa an cư mà hàng Phật tử được phước đức sâu dày, thăng tiến trong đời sống tâm linh. Từ mối quan hệ qua lại lẫn nhau giữa Tăng đoàn và quần chúng Phật tử mà kết chặt vững bền giữa tứ chúng đệ tử Phật. Khi mối quan hệ tứ chúng được thắt chặt thì hệ quả tất yếu là Phật pháp sẽ trường tồn tại thế gian.
Có thể nói, truyền thống an cư kiết hạ có từ thời Đức Phật. Tăng đoàn mọi nơi trên thế thế giới ngày nay vẫn nghiêm túc thực hành theo pháp An cư mà Đức Phật đã chế định. Có thể ví việc an cư kiết hạ cũng giống như người nông phu mỗi năm phải cày ruộng, nếu năm nào bỏ bê không chăm lo đến mùa màng thì năm đó sẽ bị mất mùa đói kém. Cũng vậy, người xuất gia trong một năm nếu không có những ngày tháng cùng sinh hoạt cộng trú để sách tấn lẫn nhau thì sẽ không có điều kiện tạo thành năng lực hoà hợp để kiểm chứng giá trị tu tập bản thân. Truyền thống An cư kiết hạ, nếu được thực hành nghiêm túc sẽ trưởng dưỡng tâm bồ đề ngày càng lớn mạnh, giúp cho sự nghiệp nhiếp hóa chúng sinh được viên mãn. Đồng thời đó là nguồn năng lực lớn lao để củng cố tinh thần hòa hợp thanh tịnh của Tăng già, đưa đến sự duy trì và phát triển mạng mạch Chánh pháp được trường tồn.
Chú thích:
[1] Tỳ Khưu Indacanda dịch (2021), Đại phẩm, tập 1, NXB. Tôn Giáo, tr.275.
[2] Sđd, tr.276.
[3] Thích Chơn Thiện (1991), Tăng già thời Đức Phật, VNCPHVN, tr.92
[4] Thích Minh Châu, Kinh Tiểu bộ, tập 1, ĐTKVN, tr.451-452.