Thông điệp quán chiếu (Chiếu Tâm)

Đức Phật dạy_ “Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác”.

Việt Nam, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan hữu trách bắt tay vào việc phòng, chống dịch bệnh trên phạm vi cả nước. Để ngăn chặn và dập tắt sự lây lan của dịch bệnh, Chính phủ kêu gọi toàn thể nhân dân tuân thủ các nguyên tắc an toàn để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng:

– Không tụ tập.

– Khoảng cách.

– Khử khuẩn.

– Khẩu trang.     

– Khai báo y tế.

Từ năm nguyên tắc trên, soi sáng qua lăng kính Phật giáo, chúng ta sẽ thiết lập được các đề mục quán chiếu nhằm tu dưỡng thân tâm trong mùa đại dịch này.

1. KHÔNG TỤ TẬP (HÃY Ở NHÀ) – AN TRÚ TỰ THÂN: 

Hãy ở tại nhà, hạn chế ra ngoài khi không thật sự cần thiết, hạn chế tiếp xúc và tụ tập vui chơi. Nói một cách khác là hãy trở về an trú nơi bản thân và gia đình mình. Đức Phật dạy: “Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác” (Kinh Tương ưng V, chương 3, phẩm Ambapàli, phần Bệnh).

Chúng ta hãy quay về tìm niềm vui nơi bản thân và gia đình mình, đừng tìm niềm vui phù phiếm bên ngoài, ngừng việc rong chơi đây đó, nhóm hợp bạn bè ăn nhậu, nhảy múa, ca hát ở các quán bar, vũ trường. Nếu mãi chạy theo những thói quen bất thiện này thì trước sau gì chúng ta cũng sẽ “kết duyên” với virus COVID-19 mà thôi.

Chúng ta cùng nhìn lại và tìm hiểu nguyên nhân tại sao tình cảm vợ chồng chỉ sau một hoặc vài năm cưới nhau lại giảm sự nồng nàn; tình cảm giữa cha mẹ và con cái cũng phai nhạt theo năm tháng. Lý do là gì? Có phải là bởi công việc mưu sinh quá vất vả và bận rộn không? Điều này đúng nhưng chưa đủ, lý do chính đáng ở đây là vợ chồng không dành thời gian cho nhau, không kết nối với nhau. Con cái là thành quả của tình yêu, sự ra đời của đứa bé khiến niềm hạnh phúc được nâng lên theo cấp số nhân. Nhưng khi đứa trẻ lớn lên thì được nuôi dưỡng trong môi trường lạnh nhạt, thiếu thốn tình yêu thương của cha mẹ, tiếng nói và ý kiến của trẻ nhỏ không được coi trọng, không được quan tâm, sự xa cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng sâu rộng hơn. Giờ đây, nguyên tắc “hãy ở tại nhà” là thiện duyên để vợ chồng dành thời gian kết nối, chia sẻ nhiều hơn và con cái được sống trong vòng tay thân ái chở che của cha mẹ. Đây là đề mục thực tập thứ nhất.

2. KHOẢNG CÁCH (NGỪNG, GIẢM HOẠT ĐỘNG) – NẾP SỐNG TĨNH TẠI: 

Hoạt động là thuộc tính cố hữu của con người, nó không ngoài mục đích sinh lợi và thụ hưởng thành quả. Xưa nay, con người ban cho mình quyền tự do hoạt động sản xuất, khai thác thiên nhiên và sử dụng mọi thứ trên đất Mẹ. Hậu quả của sự tự tung tự tác ấy là nạn động đất, sóng thần, lũ lụt… dẫn đến cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, góp phần tăng sức tàn phá của thiên tai, dịch bệnh. Con người phần lớn được dạy dỗ, uốn nắn theo tinh thần “cạnh tranh sinh tồn, ưu thắng liệt bại” (thuyết tiến hóa Darwin), cho nên bất luận là hoạt động nào cũng đều tồn tại sự đấu tranh, giành giật, chà đạp, hơn thua lẫn nhau. Hoạt động trên nền tảng của phiền não tham sân thì kết quả đưa đến là sự bất an, lo lắng, hoang mang và khổ đau.

Hôm nay, trong bối cảnh tiết giảm các hoạt động sản xuất và khai thác, chính là lúc chúng ta ngồi xuống và nhìn lại chính mình, quán chiếu trong quá khứ chúng ta đã tạo tác những gì, khiến tổn hại đến thiên nhiên, môi trường sống, tổn thương đến tha nhân và cộng đồng. Nếu nhận chân được những sai lầm thì ta cần thay đổi và xây dựng theo hướng khác. Chúng ta có biết vì sao Bhutan được xem là quốc gia hạnh phúc nhất và đáng sống nhất trên hành tinh này không? Phải chăng do họ có đầy đủ vật chất và phương tiện sống hiện đại? Hoàn toàn không! Cốt lõi của vấn đề là họ biết trân trọng giá trị tinh thần hơn giá trị vật chất. Giá trị tinh thần ở đây là sự bình yên và thanh thản nơi tâm hồn. Để có được điều đó thì mọi hoạt động phải được thiết lập trên nền tảng của vô ngã và vị tha. Một khi biết tôn trọng giá trị tinh thần thì không phải vật lộn với sản xuất, gấp gáp trong hành động, vội vã trong công việc, nhọc nhằn trong tư duy, toan tính trong suy nghĩ,… mà trở về với nếp sống tĩnh tại, nhàn hạ và yên bình. Đó chính là ngừng giảm hoạt động sản xuất tham sân; khử trừ vi trùng bất an, lo lắng; diệt tận vi khuẩn hoang mang, khổ đau nơi tâm hồn của cá nhân và trong đời sống cộng đồng. Lúc ấy, chúng ta sẽ thấy được cảnh giới nhân tâm hòa mục, thế giới thanh bình, thiên nhiên hồi sinh.
Đây là đề mục thực tập thứ hai.

3. KHỬ KHUẨN (RỬA SẠCH ĐÔI TAY) – HÀNH ĐỘNG LÀNH MẠNH:

Khi còn học tiểu học đến giờ cơm trưa, thầy cô thường nhắc nhở chúng ta: “Các con hãy rửa sạch thật sạch đôi tay mình!”. Tuổi thơ là thế và bây giờ cũng phải thế. Bàn tay chúng ta là phương tiện thường xuyên tiếp xúc với ba cửa mắt, mũi, miệng; nếu không rửa sạch đôi tay (bằng dung dịch sát khuẩn) thì chúng ta đã tự dẫn giặc vào nhà. Ngoài ra, đôi tay là biểu trưng cho hành động và năng lực của con người. Hãy quán chiếu, công danh sự nghiệp của chúng ta có vị mặn hạt lệ và mùi tanh giọt máu của tha nhân không? Người xưa nói: “Nhất tướng công thành vạn cốt khô” cũng không ngoài ý này. Trong lịch sử, không có hào quang của đấng Quân vương nào mà thiếu vắng bóng tối linh hồn của dân tộc. Nói như thế thì hơi xa rời thực tiễn, nhưng suy cho cùng thì từ lúc sinh ra, trưởng thành, phát triển và già chết, thật rất hiếm có những đôi bàn tay trong sạch theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Những hành động trói cột, giam giữ, giết hại sinh mạng; trộm cắp, cướp giật, chiếm đoạt của cải, tài sản; đốt phá nhà cửa, núi rừng, cây cỏ,… đều từ thuộc tính xấu ác của đôi tay.

Ngay thời điểm này, chúng ta nên “rửa sạch đôi tay”, nên dừng lại những hành động xấu ác, gây tổn hại đến loài vật, con người, thiên nhiên và xã hội. Cần có hành động lành mạnh mang lại lợi ích cho thiên nhiên, con người và xã hội. Đây là đề mục thực tập thứ ba.

4. KHẨU TRANG – QUẢN LÝ KHẨU NGHIỆP:

Khẩu trang là phương tiện ngăn chặn bụi bẩn và virus nhằm bảo vệ mũi và miệng. Mũi và miệng là hai nơi dễ lây nhiễm virus nhất, cho nên hiện nay khi giao thiệp, tương tác với người khác thì nhất thiết phải đeo khẩu trang, nhằm ngăn chặn giọt bắn ra từ người sang mình và ngược lại. Bên cạnh đó, phải gìn giữ môi trường chung quanh, không được hỉ mũi, khạc nhổ không đúng nơi quy định. “Thường đeo khẩu trang” chính là quản lý khẩu nghiệp. Quản lý khẩu nghiệp, có 3 vấn đề:

Cân bằng chế độ ăn uống

Dân gian có câu: “Họa tùng khẩu xuất, bệnh tùng khẩu nhập” (Họa từ miệng ra, bệnh từ miệng vào). Quả thật không sai. Nhiều người than phiền bệnh hoài không hết hoặc tập thể dục, thể thao hoài vẫn không giảm cân. Nhưng khi nhìn nếp sinh hoạt hằng ngày của họ, ta mới hiểu được phần nào nguyên nhân: thói quen ăn uống thiếu kiểm soát. Riêng trong Thiền môn xưa nay, người xuất sĩ luôn giữ nếp sống “tam thường bất túc” (ăn, mặc, ngủ không quá đầy đủ) để gìn giữ sức khỏe và duy trì cuộc sống.
Ngoài ra, cân bằng chế độ ăn uống còn là việc ngừng, giảm ăn thịt, chuyển sang chế độ trường chay. Có rất ít người ý thức rằng, vì được khoái khẩu và hưởng thụ cuộc sống mà nhân loại đã vay mượn quá nhiều sinh mạng của động vật. Một trong số những giả thuyết cho rằng Covid-19 xuất phát từ dơi, từ chợ thịt hoang dã nơi Vũ Hán. Điều này đúng hay sai không quan trọng, nhưng đây là tiếng chuông cảnh tỉnh để chúng ta hồi tâm phản chiếu về vấn đề ăn thịt động vật. Nếu không, biết đâu tương lai sẽ còn nhiều chủng virus khác xuất hiện từ gà, vịt, heo, bò… gây bệnh dịch nữa chứ không chỉ có từ dơi. Ăn chay sẽ giúp cơ thể loại dần cặn bã, mùi hôi tanh, giúp tâm hồn vơi dần sát khí, góp phần trưởng dưỡng lòng từ bi.

Làm chủ lời nói

Người xưa dạy: “Có thể ăn bậy, chứ không được nói bừa” hoặc “Trước khi nói nên uốn lưỡi bảy lần”. Đó chính là sự răn dạy chúng ta hãy suy nghĩ trước khi phát ngôn, bởi hậu quả của việc nói dối, nói thêu dệt, nói đâm thọc, nói lời hung ác sẽ gây mất hòa khí và làm tổn thương sâu sắc đến người khác. Đừng vì cảm xúc nhất thời, nói cho sướng miệng mà quên đi hậu quả của nó, để hiện đời không ai dám giao thiệp, kiếp vị lai phải mang dáng hình mồm méo, miệng hôi, môi sứt, nói năng ngọng liệu.

Học cách im lặng

Khi mới sinh ra, chúng ta học cười, học nói. Đến trường lớp, thầy cô dạy cho ta biết kiến thức, biết nghe, nói, đọc viết đúng cách. Và giờ đây chúng ta cần học im lặng đúng cách. Trong hoàn cảnh dịch bệnh lan rộng như thế này, thì sự im lặng để hạn chế lây nhiễm là đều tối ưu. Người xưa dạy: “Khẩu khai thần khí tán”, cho nên im lặng là cách để gìn giữ nguyên khí của mình. Còn Phật dạy chúng ta: “Hãy nói năng như chánh pháp và im lặng như chánh pháp”. Tạp thoại sẽ khiến tâm thức tán loạn, im lặng giúp chúng ta tập trung tinh thần, các ý tưởng, các suy tư, các vọng thức, các tạp niệm đều ngừng lại. Cho nên, khẩu nghiệp ngừng thì tâm thức sẽ lắng đọng, tuệ giác sẽ khai mở. Nếp sống của Thánh nhân xưa có vị nào mà chẳng lặng lẽ và trầm tư tịch mặc? Đây là đề mục thực tập thứ tư.

5. KHAI BÁO Y TẾ – THÀNH THẬT VỚI CHÍNH MÌNH VÀ MỌI NGƯỜI:

Khai báo y tế đúng sự thật về lịch trình di chuyển của bản thân như từng đi đến nơi nào, tiếp xúc những ai, tình trạng sức khỏe ra sao? Sẽ giúp các cơ quan phòng chống dịch kiểm soát tốt dịch bệnh. Trên thực tế, nhiều cá nhân không trung thực trong khai báo y tế đã gây hậu quả nghiêm trọng đến cộng đồng. Thực trạng này đáng để chúng ta suy gẫm.

Thời Đức Phật còn tại thế, khi chúng Tỳ kheo thưa trình về lỗi lầm của ai, Ngài đều gọi vị đó đến hỏi: “Này Tỳ kheo, có phải ông làm việc đó không?”. Tỳ kheo phạm lỗi: “Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn!”. Sau đó Ngài chỉ dạy khiến họ từ bỏ. Những bài kinh rất ngắn nhưng chứa đựng giá trị sâu sắc trong nếp sống thường ngày. Khi người Thầy nghe điều không hay về đệ tử, liền gọi đến hỏi chứ không tin ngay vào những lời nói từ một phía. Đệ tử có lỗi liền thú nhận chờ nghe dạy bảo, hoan hỷ làm theo. Người có lỗi đã sám hối, trong đại chúng không nhắc đến lỗi đó nữa. Phật ví đó như “chiếc áo dơ đã được giặt sạch ” có thể mặc bình thường. Người xưa đã vậy, người nay cũng thế, luôn tôn trọng sự thật ngay cả khi phạm sai lầm, không chỉ với chính mình mà còn với mọi người.

Thành thật với mọi người

Chân thật là chất liệu củng cố niềm tin nhằm gắn kết các mối quan hệ được xích lại gần nhau hơn. Đức Phật dạy hàng đệ tử, dù xuất gia hay tại gia đều không được nói dối, mà hãy nói trung thực. Ca dao Việt Nam có câu: “Những người tính nết thật thà/Đi đâu cũng được người ta tin dùng”.

Thật vậy, con người vốn có bản năng bảo vệ chính mình, cũng như hơn thua đố kỵ với người nên thường nghĩ ra “trăm mưu nghìn kế” để phòng thủ, thậm chí sẵn sàng tổn hại đến người nhằm củng cố danh vọng, địa vị cá nhân, bất chấp gây tổn thương hay tước đoạt mạng sống của người khác. Đa nghi, đố kị lâu dần thành thói xấu khó từ bỏ, dẫn đến mất niềm tin nơi bạn bè, gia đình không hòa thuận, sự nghiệp bị ảnh hưởng, xã hội xem thường…

Thành thật với chính mình

Bản ngã được hiểu theo nghĩa hẹp là cái tôi. Nó luôn có khuynh hướng sai lầm trong việc bảo vệ tự thân; cái tôi này tự thủ rất chắc chắn, không muốn ai chạm đến. Nó sinh ra nhiều lớp vỏ bọc, thậm chí là giả dối để tạo cảm giác an toàn.
Theo nhịp sống hối hả, con người ít có thời gian nhìn lại chính mình. Ngày qua ngày, những thói quen xấu tích tụ do không kiểm soát đã lấn át dần những hạt giống thiện lành trong tâm. Nhiều người trở nên xa lạ với chính mình, bởi quá cố gắng trở thành một ai đó. Nếu bên trong ta trống rỗng thì càng cố bao bọc, sơn phết liệu có giá trị gì? Cũng như người ta kỳ công làm đồ hàng mã cho thật giống rồi cuối cùng cũng đem đốt thành tro mà thôi. Đốm lửa chân thật của cuộc đời sẽ thiêu rụi vỏ bọc “thánh nhân giả tạo” dù ta có cố công làm chúng giống sự thật đi chăng nữa. Sao chúng ta không thành thật với chính mình? Tự tin sử dụng bản chất thiện lành (Nhân chi sơ, tính bổn thiện) sẵn có, chấp nhận những xấu dỡ từ đó điều chỉnh nhận thức, hành vi theo hướng tốt đẹp. Thiết nghĩ, điều này dễ thực hiện hơn là cố gồng mình tỏ ra thánh thiện.

Chúng ta đã bao giờ xét lại lời nói và hành vi của mình đối với mọi người chung quanh chưa? Hay có bao giờ tự hỏi bản thân có mệt không khi mỗi ngày lương tâm luôn chất vấn về những hành vi sai trái của mình? Người chân chính dù trước hay sau lưng người vẫn hành xử không khác. Thành thật với chính mình không có nghĩa phải lôi hết những tốt xấu, hay dở của mình cho người khác biết, mà hãy luôn tự biết tàm quý, bình tĩnh, nhẫn nại thay đổi dần dần từ xấu sang tốt, từ tốt sang hoàn hảo… Để bản chất lương thiện được hiển bày, từ đó dễ cảm thông trước những sai lầm của người khác. Thấu hiểu và bao dung là kết quả phụ kèm theo trong quá trình chuyển hóa thói xấu; bản thân cũng sẽ thận trọng hơn trong việc tiếp nhận thêm chúng. Chúng ta có trung thực với chính mình thì việc thành thật với người mới thực hiện được. Khi thành thật với chính mình, mọi ảo tưởng về bản ngã sẽ tan biến, lớp vỏ bọc ngăn cách giữa ta và mọi người cũng vỡ đi.

Cuộc sống ngày càng trở nên tươi đẹp khi con người bớt nghi ngờ, đố kỵ, phòng thủ lẫn nhau. Suy cho cùng, cái tôi càng nhỏ thì khoảng cách giữa người và người càng thu hẹp.
Hãy bắt đầu thành thật với mình và người từ những điều nhỏ nhất. Phải nhớ, thành thật là biết rõ chính mình, không ảo tưởng về bản thân, không tạo thêm những hiềm khích không đáng có. Con người ai cũng có lỗi lầm cần sửa đổi hơn đả kích. Hiểu vậy chúng ta cũng phải biết giữ mình đừng mãi “bới lông tìm vết”, đừng nghĩ cách phải hơn thua với đối tượng vì nó chỉ tạo thêm nhiều thị phi, đôi khi còn phản ứng ngược cho bản thân.

Hiện nay, có rất nhiều người lầm lẫn điều này, đua nhau bới móc lỗi lầm, tranh cãi nảy lửa trên mạng xã hội, rồi nghĩ cách hạ uy tín lẫn nhau, cứ tưởng làm vậy là anh hùng, là trực tâm, nhưng đâu ngờ ngập sâu trong vũng bùn nghiệp thức. Trong kinh Duy Ma Cật có dạy: “Trực tâm tức thị đạo tràng”. Trực tâm là tâm ngay thẳng không phân biệt có – không, phải – trái, lành – dữ… Vạn pháp do tâm tạo, cảnh vật, con người, vui buồn… cũng đều do tâm hoá hiện mà thành. Nếu chế ngự được cái tâm phóng dật để trở về bản nhiên thanh tịnh thì đó là chân tâm, là chỗ để tỏ ngộ chân lý; là đất lành cho hạt giống Bồ đề nẩy mầm tăng trưởng. Cũng tại nơi tâm thanh tịnh ấy, các hoạt động học đạo, tu đạo mới được diễn ra và đạo tràng bấy giờ trở về nguyên nghĩa khi chỉ sự giác ngộ, là Tịnh độ, Niết bàn. Liệu có mấy ai trong biển người nhốn nháo đó hiểu và nhận ra sai lầm chính mình.

Cuối cùng, hãy đừng bao giờ tự lừa mình dối người với những ý nghĩ sẽ không có ai thấy, biết việc mình làm, từ đó buông thả bản thân. Chính khi mình làm thì đã có mình biết, đối tượng mình biết nên không thể nói ko ai biết? Đây là đề mục thực tập thứ năm.

Như vậy, từ năm nguyên tắc phòng chống dịch, chúng ta có được năm đề mục để thực tập và tu dưỡng thân, khẩu, ý. Rất mong mọi người hãy ứng dụng để tu sửa và hoàn thiện bản thân mình, ngõ hầu đạt được an lạc giữa cuộc sống nhiều biến động bất an này. Xin hãy cùng thắp ngọn lửa niềm tin, nguyện cầu và trao gửi năng lượng từ bi đến toàn thể người dân trên khắp thế giới cũng như đồng bào Việt Nam mến yêu – những người không may lâm vào đại dịch Covid-19. Nguyện cho nhân loại vượt qua được đại dịch này một cách nhanh chóng và an ổn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *