Mùa của yêu thương (Hoàng Khánh Duy)

Chưa bao giờ tôi cảm thấy thương thành phố mình nhiều như thế! Những ngày dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, tôi nhận ra người thành phố đối đãi với nhau bằng tình yêu thương. Tôi còn gọi mùa dịch là mùa của yêu thương, nó như những tia sáng lấp lánh giữa lòng phố sẵn sàng đưa con người qua muôn vàn bão giông. Thế mới hay trong lúc khó khăn nhất, bằng cái nhìn lạc quan và có niềm tin vào lòng người, chúng ta sẽ nhận ra được thành phố này thật đáng để ta sống và cống hiến. Những ngày dịch dã chẳng qua chỉ là những ngày chúng ta ngồi nhìn ngắm lại lòng mình, lòng người, nhận ra những điều tốt đẹp trong muôn vạn tháng ngày và tích lũy cho mình một nguồn năng lượng mới để ngày mai tiếp tục bước đi những bước chân thật vững chãi.

Ai bảo rằng người thành phố chỉ biết ganh đua, chèn ép lẫn nhau? Ai bảo rằng người thành phố chỉ biết lừa lọc nhau và giẫm lên nhau mà sống? Tôi lại thấy người thành phố cũng chân chất như người quê, cũng hiền lành, lương thiện và biết thương nhau đúng thời điểm mà đất nước cần lắm những tấm lòng bao dung. Chữ thương của họ thật giản dị biết bao. Thương đơn giản chỉ là dừng xe lại ở góc đường mua giúp cụ già tóc bạc mấy lọn rau, nhúm ớt thay vì mua ở siêu thị để cụ được dọn hàng về sớm; là thay vì chọn trà sữa đắt tiền thì lại mua giúp ông cụ chạy xe đạp đèo theo cái thùng phía sau đựng mấy chai nước mát, mía lau, sâm lạnh… Mùa dịch, các ông cụ bà cụ vẫn nhọc nhằn bước ra đường mưu sinh. Dĩ nhiên họ vẫn đeo khẩu trang để đảm bảo sức khỏe, nhưng nhìn vào hình ảnh bà cụ ngồi ở góc đường hàng giờ đồng hồ, trước mặt là mớ rau cắt trong khu vườn nhỏ giữa lòng phố bán hết cũng chẳng được bao nhiêu, tôi lại thấy thương đứt ruột. Nhìn hình ảnh đó, tự dưng tôi rưng rưng, chắc vì cụ già hiền hòa quá, lam lũ quá, chắc vì hình bóng cụ gợi lên trong tim tôi hình bóng của bà nội khoan dung mà bấy lâu nay tôi vẫn chưa về thăm được.

Dịch nên tôi “mắc kẹt” giữa thành phố, sống đơn độc chỉ biết tìm vui trong những hình ảnh quen thương. Như hôm tôi đi ngang qua ngôi nhà nhỏ trong hẻm vắng, nhìn cảnh ông bà, cha mẹ, con cái quây quần bên mâm cơm đơn sơ, trước nhà là con gà cục tác cục ta chui vào khóm dong riềng bé tẹo… tôi lại ứa nước mắt vì nhớ cảnh quê yên bình, người quê thương mến. Như lúc tôi thấy bóng dáng của người già quảy gánh hàng rong đi sâu vào trong hẻm, tiếng rao hàng cất lên mà như trĩu nặng một đời người… tôi cũng khóc. Ôi, tôi nhớ đến bà tôi – người bà một đời tảo tần hôm sớm. Tôi chỉ mong rằng dịch mau qua để tôi được về lại miền quê dấu yêu, được ôm bờ vai gầy gò của người thân, được nhìn nụ cười hiền lành mà chứa chan trong đôi mắt là một nỗi thương sâu nặng.

Người thành phố thương nhau bằng sự chân thành chứ không hề toan tính. Tình thương có ở mọi nơi, có trong từng túi gạo con con, trong gói mì tôm, trong chai dầu ăn, nước mắm mỗi góc từ thiện giữa mùa dịch dã. Nhìn nụ cười thoáng hiện trên khuôn mặt của người phố khi nhận về túi quà từ thiện, tôi hiểu rằng họ trân quý đến mức nào. Người nước mình đùm bọc lẫn nhau, không bao giờ bỏ nhau giữa khó khăn hoạn nạn. Bởi vậy mới thương, mới tự hào vì mình được sinh ra trên một đất nước nghĩa tình, mình được sống trong sự chở che của đồng bào mình, đối đãi nhau bằng cái tình và làm cho chữ thương thêm phần trọn vẹn.

Tôi nghĩ về thành phố trong một chiều nhạt nắng. Nhìn những người qua lại, ít ỏi hơn và nhịp sống chậm rãi hơn, tôi thầm mong đại dịch sẽ mau chóng đi qua trả lại cho chúng tôi một thành phố năng động bậc nhất. Nhưng, dù cho mùa dịch hay những ngày đất nước bình an, tình yêu thương vẫn không bao giờ vơi cạn trong trái tim tôi và trái tim người phố. Chỉ cần biết thương nhau, chúng ta sẽ sống với nhau những ngày tháng đẹp nhất trong cuộc đời. Chỉ cần biết thương nhau, bão giông nào ta cũng sẽ vững tin bước qua và hướng về một ngày mai tươi đẹp.

 

One thought on “Mùa của yêu thương (Hoàng Khánh Duy)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *