Trong Đạo Phật, giáo pháp được chia thành hai loại pháp hành, một loại dành cho cả đối tượng xuất sĩ và cư sĩ tại gia (gọi là Cộng pháp), một loại chuyên biệt dành riêng đối tượng người xuất gia (gọi là Bất cộng pháp). Sự phân biệt giữa xuất sĩ và cư sĩ là do sự thực hành giáo pháp của hai đối tượng này có tính chất khác nhau. Đời sống của một người cư sĩ không đầu tư toàn bộ sinh mạng cho quá trình tu tập và giải thoát, họ có thể sống giữa cuộc đời, hưởng hạnh phúc trần thế và thực tập giáo pháp để mang lại niềm an lạc ngay trong đời sống hiện tiền. Tuy cũng có những vị cư sĩ trong quá khứ, hết lòng tu tập và chứng nghiệm được giải thoát nhưng số lượng rất ít. Còn giới xuất gia là đối tượng dành trọn cuộc đời cho sự tu tập và mong muốn chứng nghiệm được pháp lạc của Đức Thế Tôn ngay hiện đời, thành tựu quả giải thoát.
Người xuất gia từ xưa đến nay vẫn được xem một biểu tượng đạo đức giữa nhân gian. Họ phải vượt lên những ham muốn phàm thường của thế tục, phẩm đức phải cao quý hơn phẩm đức của những người cao quý ở đời thì mới có khả năng thành tựu được phạm hạnh. Hình ảnh một người xuất gia với nếp sống giản dị, khiêm nhường và hài hòa giữa cuộc đời luôn là một hình ảnh vô cùng đẹp. Nếp sống ấy là biểu hiện của một đời sống tỉnh thức, tinh cần, biết “thiểu dục, tri túc”.
“THIỂU DỤC, TRI TÚC” TRONG KINH DI GIÁO
Vấn đề “thiểu dục, tri túc” được đề cập đến trong nhiều kinh văn Phật giáo như: kinh A Hàm, kinh Pháp Cú, kinh Tứ Thập Nhị Chương, kinh Bát Đại Nhân Giác… Cho đến kinh Di Giáo, bản kinh tập hợp những lời cuối cùng mà Đức Thế Tôn dặn dò cho chúng đệ tử trước khi nhập Niết bàn, Ngài cũng không quên nhắc nhở hàng đệ tử xuất gia phải thực hành nếp sống thiểu dục, tri túc:
“Tỳ kheo các ông! Phải biết người đa dục vì cầu lợi nhiều nên khổ não cũng nhiều; người Thiểu dục, không mong cầu ham muốn thì không khổ não. Ngay nơi hạnh Thiểu dục còn phải tu tập, huống gì là Thiểu dục để sinh ra các công đức? Người Thiểu dục thì không dua nịnh để vừa ý người, cũng không bị các căn dẫn dắt. Người tu hạnh Thiểu dục, tâm được thản nhiên không sự lo sợ, gặp việc có dư, thường không thiếu thốn. Người có Thiểu dục thì có Niết bàn, ấy là công đức Thiểu dục.
Tỳ kheo các ông! Nếu muốn khỏi các khổ não, phải quán Tri túc, vì pháp Tri túc tức là chỗ giàu có, vui vẻ và an ổn. Người Tri túc, tuy nằm dưới đất cũng được an vui; người không Tri túc, dầu ở thiên đường mà cũng không xứng ý. Người không Tri túc tuy giàu mà nghèo, người biết Tri túc tuy nghèo mà giàu. Người không Tri túc thường bị ngũ dục sai khiến, bị người Tri túc thương xót. Ấy là công đức Tri túc” [1].
Kinh Di Giáo là những lời nhắn nhủ từ trái tim của một bậc giác ngộ đến những người học trò của mình, sống thế nào cho xứng đáng, đừng buông trôi, đừng để mất lý tưởng của mình và kinh Di Giáo được xem như sách giáo khoa dành cho những người xuất gia. Trong đoạn kinh trên, tuy “thiểu dục” và “tri túc” (ít ham muốn và biết đủ) được tách thành hai đoạn khác nhau, nhưng thực ra hai pháp tu này vốn rất gần gũi với nhau. Người ít tham muốn thì dễ dàng bằng lòng với cuộc sống hiện tại và ngược lại, người lòng tham nhiều không bao giờ biết đủ.
Theo dòng phát triển của xã hội, Đạo Phật đã vượt ra khỏi biên giới Ấn Độ để hiện diện trong nhiều nền văn hóa khác nhau. Sự hình thành của Phật giáo Đại thừa, với tinh thần đem đạo vào đời, làm cho Phật pháp trở nên sống động, phổ biến trong quần chúng, do vậy tính chất tu tập của chư Tăng trong quá khứ đã pha lẫn với những sắc thái “đi vào đời”. Đời sống của chư Tăng dần dần khác xa đời sống của Tăng đoàn trong quá khứ với ba y một bát và khất thực hàng ngày. Sự thay đổi của những hình thức sinh hoạt Tăng đoàn Phật giáo như: chư Tăng phải đứng ra xây dựng các công trình tu viện, chùa chiền; điều hành những trung tâm tu học; lo cho đời sống của Tăng chúng… nên không thể nào “thiểu dục tri túc” theo hình thức ngày xưa với ba y một bát và cũng không thể áp dụng những tiêu chí ngày xưa để đánh giá về sự “thiểu dục tri túc” của ngày nay. Những giáo lý vượt thời gian ấy sở dĩ có thể thích ứng với xã hội hiện thời là nhờ cách ứng dụng lời Phật dạy. Cho đến giờ, vẫn tồn tại hai thái cực tư duy, như có người thấy chư Tăng ngày nay đi xe hơi, dùng điện thoại đẹp, xây chùa to rộng… thì nói họ không biết thiểu dục tri túc và cho rằng Tăng già bị tha hóa; lại có những người vin vào Bồ tát đạo với chủ trương nhập thế tích cực mà phóng túng cho những tham muốn cá nhân, rồi cho đó là “phương tiện độ sinh”. Cả hai thái cực ấy đều trái với tinh thần của Đạo Phật.
Đối tượng trọng tâm mà Đức Phật dạy thực hành pháp thiểu dục và tri túc trong kinh Di Giáo là những người xuất gia. Họ thực hành hạnh ít tham muốn và biết đủ, sống một nếp sống đơn giản và chú trọng vào thực hành giáo pháp, phát triển đời sống tâm linh. Tuy vậy, người cư sĩ cũng có thể thực tập ở một mức độ nhất định. Họ vẫn sống trong cuộc đời thế tục, được phép làm giàu chính đáng, được quyền mong muốn một đời sống đầy đủ, hạnh phúc theo quan niệm của thế gian và thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Nên cùng một pháp hành thiểu dục và tri túc, nhưng sự thực hành giữa người xuất sĩ và người cư sĩ là khác nhau.
Đức Phật xác định nguyên nhân tất cả những khổ não của con người trên trần thế là do lòng tham: “Tỳ kheo các ông! Phải biết người đa dục vì cầu lợi nhiều nên khổ não cũng nhiều”. Lòng tham như một cái hố không đáy và không gì chứa đựng nổi lòng tham của con người. Chưa có một kẻ tham lam nào bằng lòng với cuộc sống hiện tại của họ. Người mà tâm thức luôn cháy bỏng với tham muốn thì lòng dạ không bao giờ yên ổn, họ cũng không có đủ thì giờ để sống đời sống của chính họ và không thể tham thiền nhập định. Trong kinh Phật nói đến một hình tượng vô cùng khổ là chúng sinh ở cõi ngạ quỷ. Đầu và bụng to như cái trống mà cổ nhỏ như cây kim, nên ăn hoài mà vẫn đói, bao giờ cho no được. Điều này được dụ cho nỗi khổ của những người tham vọng, lòng tham thì không đáy mà khả năng thì có giới hạn nên lúc nào trong lòng cũng bốc cháy. Vậy nên Đức Phật dạy các Tỳ kheo: “Người Thiểu dục, không mong cầu ham muốn thì không khổ não… Nếu muốn khỏi các khổ não, phải quán Tri túc”. Hai điều mà Đức Phật đưa ra trong đoạn kinh trên để thoát khỏi khổ não đó là dừng lại các ham muốn và thực hành phép quán “biết đủ”.
Dừng lại thì có an lạc. Ta chưa cần phải làm gì thêm, chỉ cần dừng lại các tham muốn thì ta trở nên giàu có và hạnh phúc, vì tâm thức không bị đốt cháy bởi những dục vọng điên cuồng, đời sống mãn nguyện và tràn đầy niềm vui. Đôi khi đời sống chúng ta không phải khổ, nhưng sự ganh tị làm chúng ta khổ và cảm thấy mình thiếu thốn. Ganh tị vì thấy người khác hơn mình, giàu sang hơn, quyền cao chức trọng hơn, được thầy thương, huynh đệ quý mến hơn… Động lực của sự ganh tị được thúc đẩy bởi năng lượng tham lam.
Nhưng nếu chỉ thực tập dừng lại các tham muốn thì thật không dễ với mỗi người, cho dù là một người xuất gia. Đôi khi ta biết rất rõ không nên tham lam nhưng chúng ta vẫn mải miết quay cuồng trong vòng tham dục của tiền tài, sắc đẹp, danh dự và lợi dưỡng… Vì con người được hình thành từ năng lượng của “dục” và những mầm sống ấy đã thấm vào từng tế bào cơ thể. Tâm thức của chúng ta lại như một dòng chảy cuồn cuộn suốt ngày đêm không lúc nào ngừng nghỉ, nó luôn so sánh, luôn đối chiếu, luôn hướng ngoại và vọng động. Nếu chỉ dùng ý thức để ra lệnh và khuyên nhủ cái tâm này “hãy thiểu dục đi, hãy vô dục đi” thì giống như “lấy đá đè cỏ”, ta chỉ tạm thời trấn áp được nó. Người tu cần phải đi vào công phu quán chiếu để nhận thức vấn đề một cách sâu sắc, phải đem năng lực của chánh niệm tỉnh giác soi rọi vào mỗi giây phút của đời sống hằng ngày để nhận diện từng tâm niệm tham dục đang móng khởi, quán chiếu về sự giả huyễn và tính chất không bền chắc của những đối tượng mà ta đang tham đắm.
Con người rất sợ cô đơn, trống trải, muốn bao phủ lên mình một vẻ hào nhoáng đủ đầy để tự hào với người khác. Họ cho rằng giá trị của họ tăng lên theo tài sản, địa vị, quyền lợi… mà họ có. Từ thời nguyên thủy loài người đã xuất hiện những nhận thức này . Cho đến ngày nay, nếu con người sống mà không được ai chấp nhận, thương yêu và kính trọng thì người đó cảm thấy vô cùng bất hạnh. Ai cũng muốn được “bằng bạn bằng bè” hoặc là phải vượt hơn, nếu thua kém điều gì đó thì thật tệ hại. Một số người giàu có thể hiện mình bằng sự “khác người”, từ quần áo, phục trang, xe cộ, vật dụng, đến kiểu chơi của họ…
Có ngàn vạn thứ trong cuộc đời vẫn đi theo chiều hướng đó. Có khi chỉ tham muốn một chút của cải vật chất, một vài lời khen của người khác mà cái giá phải trả là cả một đời người, thậm chí cả một sinh mạng. Người ta trộm, cướp nhiều khi không hẳn vì đói, thiếu mà vì tham, muốn hưởng thụ mà không muốn bỏ công sức chân chính. Người ta mải miết chạy theo những thứ hư danh phù phiếm ở đời như con thiêu thân lao mình vào lửa.
“Thiểu dục” cũng có các mức độ thô tế khác nhau. Có những người đã hạn chế được những ham muốn về của cải vật chất và những thứ bề ngoài, nhưng vẫn còn rất nhiều những ham muốn bên trong. Một người xuất gia trong Tăng chúng có thể đã loại trừ được ham muốn vật chất, danh dự và lợi dưỡng nhưng còn muốn được thầy tổ, huynh đệ chiếu cố, được mọi người quan tâm, thương mến và công nhận. Đây là một loại tâm lý rất phổ thông, con người luôn muốn tạo ra một lớp vỏ bọc bảo vệ bên ngoài, để thấy mình không trống trải cô đơn, luôn có nơi nương tựa, luôn được yêu thương. Nhưng nếu người ấy thấu rõ được đạo lý và thực hành giáo pháp thì họ sẽ cảm thấy đủ đầy từ bên trong, không còn thấy trống vắng và thiếu thốn, họ an trú được nơi pháp, sống được với pháp và không còn quan tâm rằng bên ngoài đang nghĩ gì về mình, thầy tổ có quan tâm và công nhận mình không, huynh đệ có thương mến mình không. Tất cả những việc bên ngoài trở thành phù phiếm và không còn là mối quan tâm của một người miên mật thực hành giáo pháp.
Nên “đa cầu đa khổ” có rất nhiều tầng bậc, nếu chứng được Thánh quả thì mới loại trừ được tập nghiệp tham đắm, còn nếu chỉ nhận thức thông thường và tu tập một cách hời hợt thì chỉ có thể loại trừ được phần “thô” của “đa dục”, còn sâu thẳm bên trong nội tâm thì không loại trừ được. Mức độ “thô” là của cải, vật chất. Mức độ sâu hơn là danh, lợi, tình cảm yêu mến… Mức độ vi tế hơn nữa là sự chấp ngã ta là thân này, ta là cái buồn vui này, ta là nghĩ suy này. Vì chấp ngã nên luôn vun vén cho cái ta, cho cái của ta.
CÔNG ĐỨC CỦA SỰ THỰC HÀNH “THIỂU DỤC, TRI TÚC”
Cùng với sự phát triển của xã hội, đời sống vật chất của con người ngày một nâng cao; một tu viện, một ngôi chùa hiện tại nên tổ chức thế nào để người xuất gia có cơ hội thực hiện nếp sống thiểu dục, tri túc và dưỡng nuôi được Bồ đề tâm. Người xuất gia không trực tiếp vất vả kiếm tiền và tạo ra của cải vật chất như người cư sĩ nhưng chúng ta cần ý thức mình là những người đang may mắn được thừa hưởng phước lành của Tam bảo, thọ dụng sự cúng dường để duy trì đời sống, do vậy phải hết lòng thực hành giáo pháp, dưỡng nuôi tâm từ, dưỡng nuôi Bồ đề tâm để không mang nợ đàn việt và không cô phụ bốn ân. Nếu người xuất gia chưa thể thực tập được hạnh thiểu dục và tri túc thì không thể sinh trưởng được phước điền để nuôi dưỡng cho đời sống tu tập bền lâu. Ngược lại, người tu hạnh thiểu dục, tri túc thì công đức vô cùng lớn lao.
Trong đoạn kinh văn đã trích ở trên, Đức Phật dạy về công đức thiểu dục và tri túc như sau: “Người Thiểu dục thì không dua nịnh để vừa ý người, cũng không bị các căn dẫn dắt. Người tu hạnh Thiểu dục, tâm được thản nhiên không sự lo sợ, gặp việc có dư, thường không thiếu thốn. Người có Thiểu dục thì có Niết bàn… Người Tri túc, tuy nằm dưới đất cũng được an vui; người không Tri túc, dầu ở thiên đường mà cũng không xứng ý. Người không Tri túc tuy giàu mà nghèo, người biết Tri túc tuy nghèo mà giàu”.
Một người xuất gia sống thiểu dục tri túc thì chắc chắn trở thành một người chính trực, vô úy và được mọi người quý mến. Người xuất gia là đại diện cho pháp hạnh ở đời, nếu sống một nếp sống giản dị, khiêm tốn, hài hòa với xã hội… thì tự thân họ trở thành một tấm gương sáng, làm thân giáo cho người khác. Nếu như một người tu không biết sống thiểu dục, tri túc thì cho dù thuyết giảng hay đến mấy cũng không tạo được niềm tin nơi người vì ngôn hành không tương ưng. Người thiểu dục, tri túc vì biết bằng lòng với cuộc sống, không tham danh, hám lợi, không cầu quyền thế… nên họ tự tại vô úy, không làm những điều giả dối để lợi mình nên thản nhiên không lo sợ, không tham đắm nên không bị sáu căn sai sử và khi ấy đóa sen thanh tịnh được nở ngát thơm giữa đời.
Một người xuất gia chỉ cần được sống trong môi trường có pháp để tu và có đủ điều kiện vật chất cơ bản để sống thì phải biết đủ, biết nhận diện, quán chiếu những điều kiện của hạnh phúc để sống an lạc và nuôi dưỡng Bồ đề tâm. Một người cư sĩ cũng vậy, chỉ cần thay đổi nhận thức thì cuộc sống liền thay đổi. Mỗi người, có thể thực tập quán chiếu những điều kiện hạnh phúc mà mình đang có để bớt đòi hỏi và so sánh, như có đôi mắt sáng đã là hạnh phúc, có đôi chân còn khỏe là hạnh phúc, mỗi ngày có đầy đủ cơm ăn, áo mặc là hạnh phúc… và hạnh phúc hơn rất nhiều người khác đang không có những điều kiện như chúng ta, đó là những trẻ em khuyết tật, là những người dân ở các vùng quê nghèo, những người đang phải giành giật từng mảnh đất quê hương và giành giật với sự sống ở những nơi chiến tranh… Quán chiếu được như vậy thì ta không những có được hạnh phúc ngay phút giây hiện tại mà còn nuôi dưỡng được lòng từ bi nơi ta.
Chuyện tri túc và thiểu dục không phải nhìn qua lăng kính của một người giàu hay nghèo mà nằm trong trái tim của mỗi người. Có những người rất giàu nhưng vẫn chưa bao giờ dừng cuộc kiếm tìm. Đức Phật dạy: “Người Tri túc, tuy nằm dưới đất cũng được an vui; người không Tri túc, dầu ở thiên đường mà cũng không xứng ý”. Người biết đủ, biết hài lòng với cuộc sống của chính mình, biết hạnh phúc với những gì đang có thì họ chính là người giàu sang bậc nhất.
Căn bản của sự thực hành thiểu dục tri túc không phải bằng sự trấn áp của ý thức, mà điều cốt yếu hơn là ở sự thực hành giáo pháp một cách miên mật. Khi tâm lực của ta dành cho công phu tu học, an trú trong chánh niệm khi đi, đứng, nằm, ngồi thì năng lực của chánh niệm và hành pháp sẽ làm cho tâm thiểu dục tri túc tự nhiên sinh khởi mà không cần cố gắng, đó chính là hoa trái của công phu tu tập và công đức lớn nhất của pháp tu thiểu dục tri túc là có thể chứng nghiệm giải thoát. Thánh quả hay tuệ giác chỉ phát sinh ở tâm tu tập phạm hạnh vẹn toàn, do thiểu dục tri túc nên không còn hướng ngoại, không còn tham đắm mà quay vào hướng nội, an trú trong chánh niệm và tuệ quán. Nên thành tựu tuệ giác là hoa trái lớn nhất được sinh ra từ công đức thiểu dục.
“Thiểu dục, tri túc” trong kinh Di Giáo cũng đã bao quát hết yếu nghĩa được nói đến trong các kinh văn khác đã kể ở trên. Thiểu dục, tri túc tuy không phải là pháp tu cứu cánh để đạt đến giác ngộ, giải thoát nhưng là một nấc thang căn bản mà người xuất gia cần phải bước qua nếu như muốn phát triển và thăng hoa trong đời sống tâm linh.
Chú thích:
* SC. Thích Nữ Mai Anh: Học viên Cao học Phật học Khóa I – Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.
[1] Phật Tổ Ngũ Kinh, HT. Thích Hoàn Quan dịch, Nxb Tôn giáo, TP. Hồ Chí Minh, 2007, tr.345.