An Cư Kiết Hạ – Nét văn hoá đặc trưng và tính thực tiễn của Ðạo Phật (SC. Thích Nữ Linh Thuần)

Các khoá an cư được tổ chức không chỉ tạo điều kiện cho cư sĩ có thêm cơ hội tiếp cận chư Tăng để nghe giảng dạy giáo pháp, hướng dẫn tâm linh mà còn củng cố, thắt chặt mối quan hệ cộng sinh giữa hai chúng xuất gia và tại gia.

Trong lịch sử Phật giáo, chưa bao giờ tinh thần “An cư” được phát huy toàn diện như những ngày này, khi đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên thế giới. Với người Việt Nam, khẩu hiệu: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, ai ở chỗ nào, ở yên chỗ đó” đã trở thành phương châm sống của nhiều người dân thuộc diện phong toả, giãn cách xã hội. Việc ở yên một chỗ khiến tinh thần một số đông trở nên bức bối, khó chịu do những nhu cầu hoạt động xã hội của con người. Tuy nhiên, với người xuất gia, việc an cư lại là cơ hội để các hành giả tôi luyện nghị lực, thấu triệt tâm tính hơn. Trong quá trình an cư, việc tịnh hoá thân tâm sẽ tạo ra một nguồn năng lượng vô biên – kết quả tu tập từ giới đức, tuệ giác. Nguồn năng lượng này có khả năng chữa lành vết thương cho những tâm hồn đang tràn ngập phiền não, bất an.

SỰ CHUYỂN ĐỔI TỪ ĐỜI SỐNG KHUẤT THỰC ĐẾN HÌNH THỨC AN CƯ CỦA TĂNG ĐOÀN

Tại thời kỳ đầu, đời sống của Đức Phật và Tăng chúng được duy trì bằng cách khất thực. Sự tu tập luôn nghiêm mật, nỗ lực với mục đích duy nhất là đạt được sự giải thoát hoàn toàn, ngay cả khi máu thịt cơ thể khô héo [1]. Lý do duy nhất mà các Tăng sĩ phải ở yên một chỗ là khi mưa đến, hàng ngàn loài côn trùng bắt đầu sinh sôi. Đời sống du Tăng trong mùa mưa có thể gây nguy hại đến sinh mệnh các loài sinh vật nhỏ; định chế bắt buộc các Tăng sĩ phải giảm thiểu đi lại và nên sống cùng nhau trong mùa mưa. Hình thức chư Tăng sống cùng nhau trong một hội chúng Phật giáo gọi đó là varsā [2], Pāli: Vassa, Anh ngữ: Rain retreat season – khóa tu trong mùa mưa.

An cư là đọc theo âm Hán tự, an nghĩa là yên, cư là ở, hàm ý định cư một chỗ. Sự định cư cần được sắp xếp trong ranh giới tại khu vực đó, việc phân bổ và ấn định ranh giới đã trở thành vấn đề quan trọng để cho phép một nhóm Tăng sĩ sống chung với nhau, gọi là kiết giới (Simā) [3], về sau thường gọi An cư kiết hạ là ý này.

Theo sử liệu, hình thức định cư ban đầu của Tăng chúng là khu rừng, vườn cây có phong cảnh u nhã  để chúng Tăng tọa Thiền, tu tập, sinh hoạt và gọi là Vihāra hay Arama [4]. Về sau, vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã xây dựng một tự viện tại khu rừng trúc của vua để làm chỗ trú ẩn an toàn cho Tăng chúng khi mùa mưa đến, tránh thú dữ trong rừng, Đức Phật đã trải qua mùa an cư đầu tiên tại Veluvanārāma (Trúc Lâm Tịnh xá) [5].

Thực tế, chúng ta không thể tìm ra một nơi nào trên hành tinh này không có phiền não, đau khổ, nhiễm ô…. sự bình yên của tâm là ở chính trong khoảng giữa của sự hỗn loạn, lộn xộn, xô bồ.

Với các nước theo truyền thống Phật giáo Theravada như Thái Lan, Vassa còn được gọi là Mùa chay – Buddhist Lent [6]. Đây là thời điểm vô cùng ý nghĩa trong năm để người dân địa phương thể hiện sự tôn trọng, niềm tin tôn giáo, và phổ biến nét văn hoá đặc trưng về Phật giáo của họ. Các khoá an cư được tổ chức không chỉ tạo điều kiện cho Cư sĩ có thêm cơ hội tiếp cận chư Tăng để nghe giảng dạy giáo pháp, hướng dẫn tâm linh mà còn củng cố, thắt chặt mối quan hệ cộng sinh giữa hai chúng xuất gia và tại gia. Với họ, mọi công đức đều được tăng trưởng thông qua việc thực hành bổn phận của người cư sĩ đối với chúng xuất gia, vì thế họ hân hoan vô cùng khi được cúng dường những vật phẩm thiết yếu cho chư Tăng hoặc vào chùa công quả và tập sự xuất gia trong một thời gian nhất định. Đặc biệt, vào thời điểm cuối cùng sau thời kỳ an cư, họ đã biến ngày lễ Kathina [7] – ngày lễ Dâng y cho chư Tăng trở thành một ngày lễ hội truyền thống của toàn dân, mang đậm dấu ấn trác tuyệt của nền văn hoá Phật giáo.

AN CƯ KIẾT HẠ: BIỂU HIỆN CAO NHẤT CỦA TINH THẦN LỤC HÒA

Bất kỳ hình thái tổ chức nào kể cả tôn giáo nếu thiếu đi các yếu tố như sự tôn trọng, sẻ chia, tính đoàn kết, thái độ cầu thị, tính vị tha… chắc chắn hiệu suất làm việc của tổ chức đó không cao, suy yếu cùng cơ chế vận hành, tiến độ công việc của tổ chức đó sẽ khó để phát triển, chứ đừng nói đến phát triển vượt bậc. Đến kỳ an cư, chư Tăng, Ni thường dừng việc du hóa, quay về các Đạo tràng An cư kiết hạ để tu tập. Chư hành giả trong đạo tràng là đại diện cho nhiều cá thể, căn tính, môi trường, hoàn cảnh sống khác nhau vì thế cách biểu hiện quan điểm cũng khác nhau. Để sống chung trong một môi trường như vậy đòi hỏi sự tương tác, đồng cảm, thấu hiểu và tinh thần nâng đỡ nhau trong quá trình tu tập, Đức Phật gọi đó là tinh thần Lục hòa. Như vậy, mỗi hành giả an cư; những người đã, đang áp dụng sáu nguyên tắc vàng mà Đức Phật đã đưa ra cho bất kỳ một hội đoàn nào nếu tổ chức đó, hay đoàn thể đó muốn lớn mạnh cả về chất lẫn lượng: “Ānanda, có sáu nguyên tắc của sự thân ái tạo nên tình yêu và sự tôn trọng, thái độ không tranh chấp, sự hòa hợp và đoàn kết bao gồm: Thân hòa cùng ở, khẩu hoà không tranh cãi, ý hoà cùng vui, giới hoà cùng tu tập, thấy biết cùng nhau chia sẻ, lợi dưỡng cùng nhau phân chia hợp lý…, nếu các vị Tỳ Kheo luôn duy trì thực hiện sáu nguyên tắc này sẽ dẫn đến hạnh phúc lợi lạc dài lâu” [8].

Từ những quan điểm, nguyên tắc, phương pháp làm tiền đề cho sự phát triển của mỗi cá nhân, tổ chức mà Đức Phật đã nêu ở trên, điều quan trọng là mỗi hành giả an cư sau khi mãn hạ trở về vẫn luôn áp dụng tinh thần Lục hòa này trong trụ xứ của mình, hội đoàn của mình; có như vậy mới làm nổi bật tính đặc trưng của giáo lý Phật giáo là tính thực tiễn.

Các chùa theo hệ phái Nam tông tổ chức lễ Dâng y Kathina.

Ý NGHĨA ĐÍCH THỰC CỦA VIỆC AN CƯ KIẾT HẠ

Thực tế, chúng ta không thể tìm ra một nơi nào trên hành tinh này không có phiền não, đau khổ, nhiễm ô…. sự bình yên của tâm là ở chính trong khoảng giữa của sự hỗn loạn, lộn xộn, xô bồ. Vì sao? Vì “Hữu độ tức phi tịnh” – có cõi nước, có quốc độ đồng nghĩa với việc không thể có một cõi nước thanh thuần ở chốn nhân gian còn khổ đau này. Giác ngộ không chỉ đơn giản là thẩm thấu, thực hành trọn vẹn những lời dạy của Đức Phật, xa hơn nữa giác ngộ là nhận ra, hiểu được nhu cầu đổi mới của xã hội. Nếu tư duy của chúng ta không theo kịp sự phát triển của thời đại, chắc chắn chúng ta sẽ bị quy luật đào thải mà thôi. Vượt lên một tôn giáo, Phật giáo còn là một triết lý sống được Đức Phật phát triển một cách khoa học nhằm giải quyết một cách thiết thực những vấn đề cơ bản của con người. Như thế, An cư chỉ thực sự có ý nghĩa khi trong mỗi chúng ta luôn diễn ra quá trình tự tịnh hoá thân tâm mình, chứ không chỉ trong khoảng thời gian an cư cùng hội chúng. Vấn đề là mỗi chúng ta phải tự thiết lập đạo tràng an cư cho riêng mình; sau khi mãn hạ các hành giả trở về trụ xứ sẽ có biết bao công tác Phật sự cần đến, còn các tín đồ Phật tử phải lao động để duy trì cuộc sống và tái tạo giá trị thặng dư cho xã hội.

 

Chú thích:

[1] Majjhima Nikāya (The Collection of The Middle Length Sayings), Trans by I. B. Horner, Vol. II, ‘Majjihimapannāsa’ (The Middle Fifty Discourse), Kitāgirisutta 70 (Discourse at Kitāgiri), Published by Motilal Banarsidass, Delhi, 2004, p.146.

[2] Vinaya Pitaka, (The Book of The Discipline), Vol. IV, (Mahāvagga), Part. The Great Division (Mahāvagga III), Trans by I. B. Horner, Published by Luzac & Company LTD, 1963, (2nd impression), p.184.

[3] Vinaya Pitaka, Sđd., p.235.

[4] Sukumar Dutt, Buddhist Monks and Monasteries of India: Their History and Their Contribution to Indian Culture, Publisher by Motilal Banarsidass Publishers LTD, 3rd (Reprint), Delhi, 2015, p.58.

[5] Vinaya Pitaka, Sđd., p.51.

[6] Thai Culture Magazine, Vol. I -2002, Published by Office of the National Culture Commission, p.12.

[7] Nguồn: John Clifford Holt, Theravada Traditions: Buddhist Ritual Cultures in Contemporary Southeast Asia and Sri Lanka, Published by University of Hawaii Press, 2017, p.195.

[8] Majjhima Nikāya (The Collection of The Middle Length Sayings), Trans by I. B. Horner, Vol. III. Sutta No. 104. Discourse at Sāmagāma (Sāmagāmasutta), Published by Motilal Banarsidass Publisher LTD, Delhi, 2004, pp.36-37.

One thought on “An Cư Kiết Hạ – Nét văn hoá đặc trưng và tính thực tiễn của Ðạo Phật (SC. Thích Nữ Linh Thuần)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *