Bất hiếu – vấn nạn xưa và nay (NCS. Thích Nữ Thắng Tâm)

“Chữ Hiếu ngày nay đã nhạt mòn
Lơ là bổn phận mỗi người con.
Nào hay nghĩa nặng… như trời biển
Chẳng rõ ân dày… tựa núi non.”
(Ảnh: sưu tầm)

Trong kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, lòng hiếu thảo luôn được đề cao như một giá trị vĩnh hằng. Đã có biết bao bài thơ, bài văn, nhạc phẩm ca ngợi về những người con hiếu thảo. Ấy thế mà, “Bất hiếu” vẫn còn tồn tại và là vấn nạn của xã hội từ xưa cho đến nay, đã đến lúc dấy lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho nhân loại. Bởi người xưa từng nói: “Một người con bất hiếu, sẽ mãi mãi là không thể làm trọn chữ Nhân được, dù có làm bao nhiêu điều tốt đẹp cho thiên hạ, thì cũng chỉ là sự giả dối và vô nghĩa mà thôi”.

NHỮNG QUAN NIỆM VỀ BẤT HIẾU

Theo Từ điển Viện ngôn ngữ học, Bất hiếu có nghĩa là “tệ bạc, thiếu tình cảm trong sự đối xử với cha mẹ” [1]. Theo Từ điển Hán Việt của Nguyễn Quốc Hùng thì Bất hiếu “不孝”được định nghĩa là “Không hết bổn phận với cha mẹ” [2]. Chữ Hiếu “孝”được chiết tự ra từ chữ Hán gồm chữ Lão ở trên có nghĩa là người già, người giàu kinh nghiệm, người đáng tôn kính và chữ Tử ở dưới mang nghĩa là con cháu, thế hệ sau. Chữ Hiếu theo Hán tự hàm ý một người phải luôn tôn thờ, kính trọng bậc trưởng thượng, người lớn không chỉ trong gia đình mà với tất cả những người mình mang ân nặng nghĩa. Đó mới được gọi là Hiếu, ngược lại thì chính là người Bất hiếu.

Còn theo quan điểm của Phật giáo, trong kinh Báo ân cha mẹ, Đức Phật dạy về sự Bất hiếu của con cái rất chi tiết như sau: “Nói với cha mẹ thì trợn mắt trừng ngươi, hỗn hào to tiếng. Khinh khi chú bác, đánh đập anh em, sỉ nhục bà con, không có lễ nghĩa. Thầy dạy không tuân, cha mẹ răn bảo toàn không y cứ. Đối đãi anh em cố ý gây gổ. Đi ở ra vào không cần cha mẹ. Ngôn hạnh thô bỉ, tự chuyên manh động. Cha mẹ quở trách, chú bác răn dè thì sinh sân hận, chống trả phản nghịch. Bất kể chính ta do mẹ sinh ra, do cha nuôi lớn. Không tuân theo lời dạy của cha mẹ, thầy bạn và các bậc trưởng thượng trong gia tộc. Theo bạn bè xấu ác, từ bỏ gia đình đi hoang, gây tạo tội lỗi làm cho cha mẹ, bà con buồn khổ. Không lo học tập, xao lãng nghề nghiệp, không tạo dựng được một đời sống vững chắc, làm cha mẹ lo lắng. Không phụng sự cha mẹ về vật chất, không an ủi về mặt tinh thần, coi thường cha mẹ,…” [3].

Trong Trường bộ kinh, Đức Phật có dạy một người con được gọi là hiếu thảo phải thuận theo năm trách nhiệm đạo đức như sau: “Tôi sẽ nuôi dưỡng cha mẹ, tôi sẽ làm tròn bổn phận đối với cha mẹ, tôi sẽ giữ gìn danh dự gia đình và truyền thống, tôi sẽ bảo vệ tài sản thừa tự và tôi sẽ lo chu toàn tang lễ của cha mẹ đúng pháp” [4]. Cho nên nếu không làm tròn được năm phần trách nhiệm này, đồng nghĩa với việc không làm tròn chữ Hiếu.

“Một người con bất hiếu, sẽ mãi mãi không thể làm trọn chữ Nhân được, dù có làm bao nhiêu điều tốt đẹp cho thiên hạ, thì cũng chỉ là sự giả dối và vô nghĩa mà thôi”.
(Ảnh: internet)

Bổn phận hiếu thảo đối với cha mẹ không chỉ được xem là nét đẹp văn hóa trong mỗi con người, mà hiếu thảo còn được pháp luật Việt Nam quy định tại nhiều Bộ luật khác nhau, cụ thể như Điều 70, 71 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014, có những nội dung như sau: “Con cái có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình. Nghĩa vụ tham gia sản xuất, tạo thu nhập, đóng góp nhằm đảm bảo đời sống chung của gia đình theo khả năng của mình. Con đã thành niên không sống chung với cha, mẹ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ” [5]. Quy định này cho thấy rằng nếu ai vi phạm những nghĩa vụ, bổn phận nói trên, thì người đó bị xem như là một đứa con bất hiếu.

Khi bàn đến đây, sẽ có những ý kiến cho rằng người xuất gia từ bỏ gia đình, cắt ái từ thân, không gần gũi chăm lo phụng dưỡng cho cha mẹ thì sẽ bị xem là những đứa con bất hiếu. Đây là những suy nghĩ không khác gì “Lục ngoại đạo” đã từng bài xích Đức Phật. Chúng ta cũng từng được nghe: “Một người biết tu, cả Họ được nhờ”. Thông qua những bài kinh mà chúng ta đã biết, ai cũng từng được nghe hạnh Hiếu là hạnh Phật, tâm Hiếu là tâm Phật. Thực chất người xuất gia là người con có hiếu vì “Đạo Phật là đạo Hiếu”. Hiếu hạnh của người xuất gia ở đây là phải có trách nhiệm hóa độ cho tất cả chúng sinh đang nằm trong biển vô minh, sớm được về bến bờ giải thoát. Chúng sanh trong đó có cha mẹ không chỉ đời này, mà còn nhiều đời nhiều kiếp. Tâm Hiếu của người xuất gia đồng với Tâm Bồ tát. Người xuất gia từ bỏ những danh lợi của thế gian, từ bỏ tham sân si để đi sâu vào thực hành tâm từ bi thương yêu kính trọng với tất cả chúng sinh. Như Đức Phật từng dạy: “Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”. Đó là hiếu đạo cao thượng, chẳng phải báo hiếu với cha mẹ một đời, mà còn báo hiếu cả thâm ân đa sinh phụ mẫu trong nhiều đời nhiều kiếp.

Trong Trường bộ kinh, Đức Phật có dạy một người con được gọi là hiếu thảo phải thuận theo năm trách nhiệm đạo đức như sau: “Tôi sẽ nuôi dưỡng cha mẹ, tôi sẽ làm tròn bổn phận đối với cha mẹ, tôi sẽ giữ gìn danh dự gia đình và truyền thống, tôi sẽ bảo vệ tài sản thừa tự và tôi sẽ lo chu toàn tang lễ của cha mẹ đúng pháp”.

Cho nên, chữ Hiếu luôn đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi con người. Phàm là con cái phải hiểu được bổn phận làm con của mình, phải có trách nhiệm báo hiếu cha mẹ. Thế nhưng, vẫn còn tồn tại đâu đó không ít những đứa con “Bất hiếu”.

NGUYÊN NHÂN KHIẾN NHỮNG ĐỨA CON TRỞ NÊN BẤT HIẾU

Nói đến việc con cái bất hiếu đối với cha mẹ, thì có vô vàn lý do. Phần lớn những người con rơi vào những trường hợp này là bởi những nguyên nhân cơ bản như sau:
Thứ nhất, do sự nhận thức của những người con còn hạn hẹp, thiếu sự giáo dục từ gia đình và xã hội. Họ không ý thức được vai trò và vị trí quan trọng của cha mẹ trong cuộc sống này. Họ mặc nhiên cho rằng, chăm sóc lo lắng và dạy dỗ là nghĩa vụ, bổn phận của cha mẹ, xem đó như một quy luật tự nhiên của tạo hóa. Dẫn đến lơ là, không trách nhiệm trong việc yêu thương, ân cần, chăm sóc hay phụng dưỡng cha mẹ.

Thứ hai, trong quan hệ tình cảm gia đình đã từ lâu không êm đẹp, không có sự gắn bó, đoàn tụ, thương yêu. Thay vào đó là những viễn cảnh đầy đau thương, sóng gió. Hoặc do hoàn cảnh gia đình thiếu thốn, vất vả, hoặc bị ngược đãi hành hạ, hoặc bị bỏ rơi, không được yêu thương dạy dỗ… Họ dần thiếu đi sự quan tâm dành cho mình và cũng không quen với việc quan tâm người khác, không biết mở lòng với mọi người xung quanh. Họ cô lập thế giới của mình, rồi dẫn đến việc bảo vệ cái tôi của chính bản thân. Nếu lỡ có ai đụng đến, thì họ sẵn sàng bất kính kể cả người đó là cha hay mẹ mình.

Thứ ba, do sự đua đòi của bản thân, thấy bạn bè người khác có được cái này cái kia, tự bản thân bị lôi cuốn vào cám dỗ của đồng tiền, vật chất và những cuộc vui chơi. Họ cảm thấy cha mẹ mình không bằng cha mẹ con nhà người ta, rồi mặc cảm trách cứ cái nghèo, trách cha mẹ không làm ra tiền để họ có cuộc sống tốt. Bản thân không ý thức được sự biết đủ mà chỉ thích so sánh bằng bạn bằng bè. Họ lại quên đi công ân cha mẹ, buôn tảo bán tần, vất vả cực khổ để chăm sóc nuôi dạy họ.

Thứ tư, lớn lên một chút thì muốn được cha mẹ phân chia tài sản. Nếu việc phân chia tài sản không đồng đều, họ nhanh chóng thù hận cha mẹ mình, ghét bỏ anh em. Cũng chỉ bởi tâm tham lam, lòng thù hận, mê lầm vốn có sẵn trong mỗi con người. Một khi hoàn cảnh tạo duyên cho các tâm ấy sinh khởi và phát triển thì họ bất chấp tất cả, miễn sao đạt được những gì mình mong muốn. Đây là vấn nạn đã và đang tồn tại và ngày càng phức tạp hơn, dấy lên một lời cảnh báo đối với xã hội hiện nay.

Thứ năm, một nguyên nhân không được mong đợi nhất chính là do những bậc làm cha làm mẹ không làm gương tốt cho con cái của mình. Ngay chính bản thân của những người cha người mẹ đó cũng là những người con bất hiếu với chính đấng sinh thành của họ, hoặc thường xuyên xung đột trong tình cảm anh chị em, bất hòa với bà con hàng xóm… Đây quả là một sự học hỏi hoàn toàn không tốt, bởi sống trong một môi trường như thế, cha mẹ đã hình thành những tư tưởng, nhân cách xấu cho các con của mình.

QUẢ BÁO CHO NHỮNG ĐỨA CON BẤT HIẾU

Theo kinh điển Phật giáo

Trong kinh tạng Phật giáo, đã có rất nhiều bài kinh viết về chữ Hiếu như ở phần mở đầu của Kinh Vu lan bồn, Đức Phật đã dạy: “Làm con hiếu hạnh vi tiên” [6], “Trong muôn hạnh thì hạnh hiếu đi đầu, trong muôn tội thì bất hiếu là tội trọng nhất”. Càng nhấn mạnh trách nhiệm, bổn phận của một người con, muốn làm Nhân trước phải tròn chữ Hiếu. Ngược lại, nếu bất hiếu thì “Ân đức cha mẹ cao cả ngần nào, tội báo bất hiếu nặng nề ngần ấy. Cho nên những kẻ bất hiếu phản bội, tội khổ vô cùng, không chi sánh bằng, không thể nói hết” [7]. Trong kinh Nghiệp báo sai biệt [8], Đức Phật đã dạy về những quả báo dựa vào những hành vi nghiệp của con cái đối với cha mẹ như sau:

1. Một trong mười nghiệp hay khiến cho chúng sanh bị quả báo nhiều bệnh: Làm náo loạn cha mẹ – khiến cha mẹ buồn rầu.
2. Một trong mười nghiệp hay khiến cho chúng sanh được quả báo ít bệnh: Cúng dường cha mẹ và các người bệnh.
3. Một trong mười nghiệp hay khiến cho chúng sanh bị quả báo thô xấu: Ðối với chỗ ở của cha mẹ không có lòng kính yêu.
4. Một trong mười nghiệp hay khiến cho chúng sanh được quả báo đoan chánh: Thương yêu Cha Mẹ.
5. Một trong mười nghiệp hay khiến cho chúng sanh bị quả báo ít oai nghi: Ðối với cha mẹ mình và chỗ ở của các Hiền thánh không có tâm thờ phụng.
6. Một trong mười nghiệp hay khiến cho chúng sanh có quả báo được oai thế lớn: Ðối với cha mẹ mình và chỗ các Hiền Thánh cung kính nghinh rước.
7. Một trong mười nghiệp hay khiến cho chúng sanh bị quả báo sanh vào dòng họ thấp kém: Ðối với chỗ ở của Cha Mẹ không tuân theo lời giáo huấn.
8. Một trong mười nghiệp hay khiến cho chúng sanh có quả báo được sanh vào dòng họ cao thượng: Ðối với Cha Mẹ thì kính thọ lời giáo huấn.
9. Một trong mười nghiệp hay khiến cho chúng sanh bị quả báo ít có của cải sinh sống: Ðối với chỗ Cha Mẹ không lo làm ăn.
10. Một trong mười nghiệp hay khiến cho chúng sanh có quả báo được quả báo đời sống có nhiều của cải: Ðối với chỗ ở của Cha Mẹ cung phụng sự làm ăn.

Đức Phật luôn dạy rằng, phàm làm người phải nhớ ơn nguồn cội, phải nhớ nghĩ do đâu mà ta được hình hài này, khối óc này. Phải luôn nhớ đến những công ơn to lớn ấy, mà một lòng hiếu kính, phụng dưỡng mẹ cha. Chẳng những phụng dưỡng về vật chất mà còn phải chăm sóc về mặt tinh thần. Cho nên, việc báo hiếu cần phải được nâng lên bậc cao hơn là làm thế nào để hướng dẫn cha mẹ quay về chăm sóc giá trị tinh thần của mình. Tinh thần ấy muốn được tăng trưởng thì phải dựa trên những việc làm ý nghĩa trong đời sống hằng ngày. Biết làm lành lánh dữ, biết tích tạo phước điền, gieo nhân hạnh phúc cho tương lai.

Theo quy định của Pháp luật hiện hành

Một câu hỏi được đặt ra: Con cái bất hiếu với cha mẹ sẽ phải bị chế tài thế nào?

Theo Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn chi tiết những người có hành vi ngược đãi, không kính trọng, phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ được xem là phạm vào tội bất hiếu được quy như sau: “Về tội ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình quy định tại Điều 151 Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS). a) Hành vi ngược đãi, hành hạ thông thường được hiểu là việc đối xử tồi tệ về ăn, mặc, ở và về các mặt sinh hoạt hàng ngày khác đối với người thân như: nhiếc móc, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách một cách không bình thường hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể người bị hại như: đánh đập, giam hãm,… làm cho người bị hại bị đau đớn về thể xác và tinh thần. Trong trường hợp thương tích, tổn hại sức khoẻ hoặc chết người xảy ra do lỗi cố ý, thì tùy trường hợp cụ thể mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khoản tương ứng của Điều 104 BLHS về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác hoặc Điều 93 BLHS về tội giết người; nếu làm cho nạn nhân bị uất ức mà tự sát, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bức tử theo Điều 100 BLHS. b) Người thực hiện hành vi ngược đãi, hành hạ đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.” [9]

Nếu con cái có các hành vi vi phạm về phòng, chống bạo lực gia đình sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Mục 4 Nghị định 167/2013/NĐ-CP [10] như sau:
– Đánh đập, gây thương tích cho thành viên gia đình bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng (Điều 49).
– Hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình bị phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng (Điều 50).
– Xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng (Điều 51).
– Cô lập xua đuổi, gây áp lực thường xuyên về tâm lý thì bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng (Điều 52).
– Từ chối, trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha mẹ thì phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng (khoản 2 Điều 54).

Pháp luật Việt Nam đặt ra những chế tài hoàn toàn mang tính nhân đạo nhằm mục đích uốn nắn, giáo dục, cải tạo người vi phạm trước khi mang tính trừng phạt. Cho nên, trong trường hợp nghiêm trọng nhất thì mới dùng đến biện pháp hình sự. Ngoài bị phạt cảnh cáo hay phạt hành chính thì những người con bất hiếu sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội sau đây:
Con cái nếu có hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, trong đó có tình tiết tăng nặng tại điểm d khoản 1 Điều 134 (BLHS) [11] là đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình thì dù chỉ gây thương tật chưa tới 11% thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu hành vi xâm phạm mang tính chất hành hạ người khác thì theo Điều 140 BLHS có thể sẽ chịu khung hình phạt cao nhất là 03 năm tù. Còn hành vi ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình sẽ được quy định tại Điều 185 BLHS với khung hình phạt cao nhất là 05 năm tù giam. Về hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định tại Điều 186 BLHS với khung hình phạt cao nhất là 02 năm tù giam.

Một ví dụ điển hình cho những đứa con bất hiếu thời nay, đã bị xã hội lên án gay gắt trong thời gian qua. Sự việc được lan truyền nhanh chóng trên các mạng xã hội một đoạn clip quay lại cảnh người con gái tên N.T.H, đã hành hung chính mẹ ruột của mình gần 80 tuổi. Hành động tra tấn, đánh đập mẹ mình bằng chổi chà, đổ rác và phân lên đầu của cụ. Còn nỗi đau nào bằng khi bị chính đứa con mình mang nặng đẻ đau, nuôi lớn khó nhọc… để rồi khi đến tuổi về già thì lại bị đánh đập, xỉ vả bằng những câu tục tĩu, gọi mẹ là mày và xưng là tao kèm theo vô vàn lời mắng nhiếc và đánh đập rất thương tâm. Nguyên nhân dẫn đến việc bà H thường xuyên bạo hành mẹ ruột của mình là vì cụ bà không chia tài sản cho bà N.T.H, khiến bà H ôm lòng tức hận, trở thành đứa con bất hiếu. Những việc làm này đã xảy ra thường xuyên và rất lâu sau đoạn clip mới được chia sẻ đến công chúng khi chính đứa con gái của bà H quay lại. Hành vi của bà H đã bị Tòa án nhân dân huyện Cần Đước tỉnh Long An kết án về tội “Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình”, theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 185 Bộ Luật Hình sự, với mức án 4 năm tù giam.

Thông qua những bài kinh mà chúng ta đã biết, ai cũng từng được nghe hạnh Hiếu là hạnh Phật, tâm Hiếu là tâm Phật. Thực chất người xuất gia là người con có hiếu vì “đạo Phật là đạo Hiếu”.

Khi được sinh ra trên cõi đời này, không ai muốn mình lại trở thành gánh nặng cho xã hội, trở thành những người bị xã hội lên án và xa lánh. Dù là do nguyên nhân gì, dù sinh ra trong hoàn cảnh nào, dù những người con bất hiếu đã làm ra những điều sai trái gì, thì vẫn còn cơ hội để quay đầu, sửa chữa những lỗi lầm đã phạm, để trở thành một con người đạo đức, một người con hiếu thảo, đáng quý trọng trong xã hội.

VẬY LÀM SAO ĐỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI CON CÓ HIẾU

Trong lần trả lời phỏng vấn cho Tạp chí “Chance”, phóng viên đã hỏi người sáng lập ra Microsoft rằng: “Ngài cho rằng điều gì trong nhân sinh không thể chần chừ nhất?” Mọi người những tưởng rằng Ngài sẽ trả lời chẳng hạn như: “phải nhanh chóng kiếm thật nhiều tiền” hoặc là “hãy nỗ lực để sớm có được thành công”. Nhưng thật bất ngờ, mọi người lại nhận được câu trả lời mà khiến ai khi nghe qua cũng lắng lòng mà suy nghĩ: “Sự việc mà con người không được phép chần chừ, không gì khác ngoài việc kính hiếu với cha mẹ” [12].

Quả thật, thờ kính cha mẹ là trách nhiệm, là đạo lý thiêng liêng của mỗi chúng ta. Trong cuộc sống này, sự hiếu thảo không khó để một người con có thể làm tròn trong khả năng của mình. Nó được nhẹ nhàng thể hiện thông qua các hành vi cư xử đầy sự kính trọng, quan tâm và yêu thương không chỉ dành cho trong gia đình mà còn với mọi người trong xã hội. Cha mẹ sẽ luôn thấy hãnh diện về những đứa con ngoan với trái tim nhân ái. Mọi sự thành đạt trong cuộc sống của một con người đều được xây dựng trên nền tảng của một đứa con hiếu thảo.
Sự hiếu thảo ấy được biểu hiện thông qua sự kính trọng, biết ơn, thương yêu, chăm sóc cho cha mẹ khi còn sống và thờ phụng, hương khói cho cha mẹ khi họ đã mất. Lòng hiếu thảo không chỉ với riêng cha mẹ ruột thịt mà là dành cho tất cả những người có công lao nuôi dưỡng, chăm sóc… con cái, thậm chí là cả tổ tiên, dòng họ và các thể hệ trước có công lao giúp cuộc sống của thế hệ sau tốt đẹp hơn. Chính nhờ lòng hiếu thảo được duy trì và phát triển mà xã hội ngày càng được gắn kết nhau hơn. Đó là lòng hiếu thảo khi nâng lên tầm vĩ mô, được thể hiện bằng lòng biết ơn tổ tiên, thế hệ đi trước đã gây dựng lên cục diện xã hội tốt đẹp ngày hôm nay. Biết bao đời vua Hùng dựng nước, giữ nước. Biết bao thế hệ ông cha đã hy sinh trong thời chống Pháp, chống Mỹ để giữ gìn giang sơn bờ cõi Việt Nam. Ngày nay, có được hòa bình, tự do, chúng ta không quên khắc ghi lòng biết ơn đối với thế hệ trước. Thế hệ trẻ chúng ta thời nay lại cho rằng cha mẹ phải có nghĩa vụ chăm sóc nuôi dạy con cái nên họ hoàn toàn ỷ lại và không hề coi trọng tinh thần hiếu thảo. Đây quả là những tư tưởng sai lệch, nhân cách con người đang dần bị tha hóa một cách báo động.

“Chữ Hiếu ngày nay đã nhạt mòn
Lơ là bổn phận mỗi người con.
Nào hay nghĩa nặng… như trời biển
Chẳng rõ ân dày… tựa núi non”.

Trong thời đại cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan niệm chữ Hiếu không chỉ dành cho phạm vi trong gia đình mà được mở rộng ra với dân tộc, đất nước. Tinh thần “Trung với nước, hiếu với dân” là phẩm chất của một người cách mạng thực hiện nhiệm vụ chống kẻ thù và góp phần xây dựng đất nước. Có hiếu thảo cha mẹ thì mới có thể hiếu trung với đất nước và tinh thần ấy đã trở thành bài học giáo dục sâu sắc và ý nghĩa cho nhân loại. Một người con hiếu thảo luôn là một công dân tốt, có đạo đức, biết trách nhiệm không chỉ với gia đình mà còn ngoài xã hội. Lòng biết ơn cha mẹ là cội nguồn của lòng biết ơn Nhân dân, Tổ quốc.

Đó là về khía cạnh xã hội, còn trong Đạo Phật, chữ Hiếu mang tính toàn diện và siêu việt hơn những quan niệm thông thường khác. Hiếu thảo không chỉ về mặt vật chất là yêu mến, biết vâng lời, chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ khi còn sống, tưởng nhớ song thân khi họ qua đời, mà còn là việc chăm lo cho đời sống tinh thần. Đức Phật dạy con cái muốn đáp đền công ơn cha mẹ một cách trọn vẹn nhất thì hãy khuyên và hướng dẫn cha mẹ bỏ ác làm lành, quy y Tam bảo, giữ gìn năm giới. Bởi, theo quan niệm của Phật giáo, con người không chỉ có kiếp sống hiện tại mà còn có kiếp vị lai, thế nên, cần phải nghĩ đến kết quả của đời sống tương lai sau khi cha mẹ từ giã cuộc đời này bằng những việc hướng cha mẹ làm thiện lành ngay kiếp tại.

Như vậy, chúng ta cần phải nhìn nhận rõ hiện trạng ngày nay, bất hiếu đã trở thành vấn đề gây nhức nhối trong xã hội. Qua đó đã nhắc nhở chúng ta rất nhiều bài học kinh nghiệm cho bản thân. Bởi thế, chúng ta cần quan niệm rằng “Hiếu thảo không chỉ là bổn phận làm con mà còn là đạo làm người. Muốn làm Nhân trước phải tròn chữ Hiếu”. Hiếu được thể hiện qua hai phương diện vật chất và tinh thần. Người con chí hiếu cần phải thể hiện lòng thành kính của mình đối với cha mẹ ngay khi còn sống cả đến khi qua đời. Muốn cha mẹ có cuộc sống hạnh phúc hiện tại lẫn tương lai thì hướng dẫn cha mẹ biết thực hành tịnh giới, tu tập các hạnh lợi tha, đồng thời khuyến hóa cha mẹ thực hành theo đúng chánh pháp. Cho nên, muốn đền đáp thâm ân cao vời của cha mẹ thông qua việc thực hành hạnh hiếu theo lời Phật dạy, ngoài những việc làm kể trên, còn phải hướng cha mẹ tu thân, hành thiện, quy hướng Tam bảo để xây dựng hạnh phúc cho đời này và những đời sau.

 

Tài liệu tham khảo:

* SC. Thích Nữ Thắng Tâm: thế danh Nguyễn Ngọc Trinh – Thạc sĩ Luật học, NCS. Triết học trường ĐH KHXH&NV.

[1] Viện Ngôn ngữ học (2003), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, tr.50.
[2] Nguyễn Quốc Hùng (1975), Hán Việt Tân từ điển, Nxb. Khai Trí, Sài Gòn.
[3] GHPGVN (2015), Kinh Vu lan và Báo hiếu, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
[4] Thích Minh Châu (1991), Trường Bộ Kinh II, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, tr.542.
[5] Quốc Hội (2021), Luật Hôn nhân và Gia đình (hiện hành), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, khoản 2,4 Điều 70, khoản 2 Điều 71.
[6] GHPGVN (2015), sđd, tr.51.
[7] GHPGVN (2015), sđd, tr.28.
[8] Thích Chánh Lạc việt dịch (2009), Kinh Nghiệp báo sai biệt, https://sachphat.net.
[9] Bộ Công An, Bộ Tư pháp – Tòa án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC, ban hành ngày 25/9/2001, Điều 7.
[10] Chính Phủ, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, ban hành ngày 12/11/2013, mục 4.
[11] Văn phòng Quốc Hội, Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-VPQH sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015, ban hành ngày 10/7/2017.
[12] Mùa Vu Lan báo hiếu và câu nói của Bill Gates khiến ai cũng phải tự nhìn lại bản thân mình, https://doanhnhan.vn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *