Vu Lan báo hiếu trong mùa dịch COVID-19 đối với cư sĩ Phật tử tại TP. Hồ Chí Minh (Thích Ngộ Trí Viên)

Trong hoàn cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, đặc biệt là tại TP. HCM, mùa Vu Lan thắng hội chỉ có thể tổ chức trực tuyến, truyền phát đến quần chúng để những ý nghĩa, giá trị của hiếu hạnh được chia sẻ trên không gian mạng.

Tại Việt Nam, Phật giáo với những giáo lý căn bản đã có nét tương đồng và tích cực với nền văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam [1], trở thành một tôn giáo sâu sắc nhưng giản dị, dễ thẩm thấu và tiếp biến trong đời sống bình dân một cách uyển chuyển. Giáo lý hiếu hạnh của Phật giáo trong quá trình tiếp xúc với các tầng lớp trong xã hội đã tác động tích cực đến hạnh phúc gia đình và đời sống tâm linh. Năm nay, vì tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên quần chúng Phật tử lại gặp trở ngại khi đến chùa mùa Vu Lan và Phật giáo cần những sự uyển chuyển để giáo lý hiếu hạnh đến với người Phật tử tại TP. HCM.

SƠ LƯỢC KHÁI NIỆM VU LAN

Khái niệm Vu Lan, viết đủ là Vu-Lan-bồn (S. Ullambana, C. 盂蘭盆), được chuyển ngữ từ Sanskrit là “avalambana”, mang ý nghĩa “deliverance from suffering”, “hanging downward”, “suspended” [2]. Ý nghĩa của “ullambana” mang ý nghĩa là “giải đảo huyền, cứu thống khổ”, tức cởi trói một người nào đó ra khỏi một ách thống khổ. Đảo là “ngược”, “dốc đầu xuống đất, chân chống lên trời”, chỉ hình phạt nghiêm khắc. “Giải đảo huyền” nghĩa là “tháo bỏ các cực hình treo ngược của nghiệp xấu”, và “cứu thống khổ” là cởi trói ách đau khổ cùng cực của chúng sinh [3].

Thuật ngữ “Vu Lan” xuất phát từ Kinh Vu Lan Bồn (S. Ullambana Sutra) khoảng năm 265-311 [4], bản kinh này được tìm thấy trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh số 685 và 686, tập 16 [5], do Ngài Trúc Pháp Lan (竺法護, Dharmaraksa) dịch. Dù tính chất nguyên thủy của bài kinh vẫn còn được nghiên cứu và gắn liền với văn hóa Trung Quốc, nhưng giá trị giáo dục đạo hiếu và đạo đức làm người trong bản kinh này là điều hoàn toàn đúng đắn. Đó là đường hướng truyền bá Phật pháp chung của các kinh điển Đại thừa, nhấn mạnh tính giáo dục và đạo đức truyền tải trong từng bài kinh hơn là lai lịch và xuất xứ của các bài kinh đó [7].

HÌNH THỨC TỔ CHỨC MỘT BUỔI LỄ VU LAN

Lễ Vu Lan thường tổ chức vào ngày rằm tháng 7 Âm lịch. Vì hầu hết các chùa đều tổ chức nên lễ Vu Lan còn được gọi chung là mùa Vu Lan, tức kéo dài trong tháng 7 Âm lịch. Thông thường, các chùa lớn, có chúng Tăng/chúng Ni đông, quần chúng Phật tử ổn định thì tổ chức vào ngày 14 hoặc 15. Các tự viện nhỏ thì phải chọn ngày khác để có thể cung thỉnh chư Tôn đức và mời quý Phật tử tham dự lễ. Ngoài ra, một số tư gia cũng có tổ chức lễ Vu Lan.

Lễ Vu Lan thường có các nội dung như cài hoa báo hiếu, dâng Y, văn nghệ, cúng cầu siêu cửu huyền thất tổ, chẩn tế âm linh cô hồn… theo quan niệm “thuyết Trung Nguyên” của Lão giáo [7]. Thông thường, lễ Vu Lan tại chùa, nếu tổ chức vào buổi tối được thiết kế theo khung chương trình sau:
(i). Cung đón quý Phật tử.
(ii). Ổn định đạo tràng.
(iii). Cung nghinh chư Tăng, Ni quang lâm.
(iv). Thông qua chương trình
(v). Văn nghệ chào mừng.
(vi). Niệm Phật cầu gia hộ.
(vii). Phút tưởng niệm tứ trọng ân
(viii). Tuyên bố lý do, thông qua chương trình, giới thiệu thành phần tham dự.
(ix). Hoài niệm Vu Lan.
(x). Nghi thức cài hoa.
(xi). Nghi thức dâng Y.
(xii). Đạo từ của chư Tôn đức chứng minh.
(xiii). Quý Phật tử dâng cúng tứ sự (trong khi chư Tăng tụng bài Sám Vu Lan – niệm Phật – hồi hướng).
(xiv). Lời cảm tạ của Ban Tổ chức [8].
(xv). Chụp ảnh lưu niệm, cung thỉnh chư Tăng, Ni hồi quy khách đường.

Tuy khung chương trình để chuẩn bị cho một buổi lễ Vu Lan tại chùa là như thế, nhưng khi tiến hành tổ chức sẽ cần sự linh hoạt, đảo thứ tự các phân mục của buổi lễ sao cho phù hợp.

Nội dung về giáo lý hiếu hạnh mà lễ Vu Lan truyền tải đến hội chúng Phật tử và những người theo dõi trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội (kênh YouTube, trang Facebook của chùa…) tập trung vào phần “Phút tưởng niệm tứ trọng ân” (Ân cha mẹ, ân Tổ quốc, ân Tam Bảo, ân chúng sinh muôn loài); Hoài niệm Vu Lan (diễn đọc văn cảm niệm ân đức sinh thành); Nghi thức cài hoa; Đạo từ của chư Tôn đức chứng minh.

Năm 2021, một lần nữa cả hai mùa Phật Đản và Vu Lan của Phật giáo TP. HCM tiếp tục bị ảnh hưởng, phương hướng tổ chức trực tuyến lễ Vu Lan trở nên thiết thực đối với các tự viện. (Ảnh: vtv1.mediacdn.vn)

Trong đó, nghi thức cài hoa lên áo do Sư ông Nhất Hạnh khởi xướng từ năm 1962, khi Ngài được một bạn sinh viên người Nhật cài hoa cẩm chướng trong ngày Mother’s Day tại Ginza, Đông Kinh [9]. Trong Ngày Mẹ, nếu còn mẹ thì sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và tự hào được còn mẹ; nếu mất mẹ sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng [10]. Từ đó, Ngài thấy tục cài hoa đẹp và có thể áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan nên viết đoản văn Bông hồng cài áo, sau đó Đoàn Sinh viên Phật tử Sài Gòn chép tay lại thành hàng trăm bản, và nghi thức bông hồng cài áo được áp dụng lần đầu trong Lễ Vu Lan tại chùa Xá Lợi cùng năm.

Ý NGHĨA VU LAN BÁO HIẾU TRONG HOÀN CẢNH DỊCH BỆNH COVID-19 ĐỐI VỚI NGƯỜI CƯ SĨ

Ý nghĩa trong kinh văn

Đạo hiếu thảo: Điểm nổi bật của 2 bản Kinh Vu Lan và Kinh Báo ân cha mẹ là đạo hiếu như một phương pháp tu học. Nếu trong kinh Vu Lan, Ngài Mục-kiền-liên được ghi chép về hạnh hiếu thì trong kinh Báo Ân, Đức Phật được ghi chép về hiếu hạnh trong việc đảnh lễ đống xương khô, trong đó có cửu huyền thất tổ của Ngài. Hàm ý của hai bài kinh là Đức Phật và Thánh đệ tử còn hiếu thảo với cha mẹ như vậy, thì người con Phật cần phải sớm lo báo đáp. Ngoài ra, hàm ý khác là đạo hiếu là nền tảng của đạo làm người và đạo thánh nhân. Nếu thiếu hiếu thảo, tính cách đạo đức của con người đã bị phá vỡ, do đó không thể trở thành bậc Chân nhân, Thánh nhân để làm gương sáng cho đời. Tóm lại, đạo hiếu thảo là đạo làm người và đạo làm thánh, nếu đạo hiếu bị phá vỡ thì đạo đức của một cá nhân cũng không thành tựu.

Giá trị đạo đức: Nếu 2 bản Kinh Vu Lan và Kinh Báo ân cha mẹ truyền tải thông điệp hiếu kính cha mẹ thì mùa Vu Lan là mùa biểu tượng của hiếu hạnh trong Phật giáo. Đó là mùa người con Phật nhớ đến công ân sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Lễ Vu Lan là lễ hội của hiếu thảo, thương kính cha mẹ. Hiếu thảo cha mẹ được biểu hiện qua kính trọng, vâng lời cha mẹ dạy, phụng dưỡng nuôi nấng cha mẹ, chăm sóc khi cha mẹ có bệnh duyên. Ngoài quan tâm trong đời sống thường nhật thì trong đời sống tâm linh, con cháu cần hướng dẫn cha mẹ tiếp cận Phật giáo, quy y Tam Bảo, trở thành người Phật tử chân chính (nếu cha mẹ chưa đến với Phật Pháp).
Trong phương diện xã hội, lễ Vu Lan còn là dịp tốt để người Phật tử thực hiện các thiện pháp (P. Kusalā dhamma, S. Kuśalā dhamma) như cúng dường Tam Bảo, phóng sinh, hộ trì chư Tăng tu học… Tinh thần của mùa Vu Lan là tinh thần độ lượng, bao dung, hướng đến giúp đỡ người khác không vụ lợi.

Ý nghĩa thực tiễn

Trong hoàn cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, đặc biệt là tại TP. HCM, mùa Vu Lan thắng hội chỉ có thể tổ chức trực tuyến, truyền phát đến quần chúng để những ý nghĩa, giá trị của hiếu hạnh được chia sẻ trên không gian mạng. Nhờ đó, người Phật tử có thể hiểu và thực hành hiếu hạnh đối với cha mẹ, người giám hộ tại tư gia.

Năm 2020, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Phật giáo Việt Nam đã có bước đầu thích nghi với hình thức tổ chức sự kiện trực tuyến, mà điển hình là chương trình cầu truyền hình trực tiếp Đại lễ Vu lan 3 miền với 3 điểm cầu: Chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Giác Ngộ (TP. HCM), Nghĩa trang Liệt sỹ đồi A1 (Điện Biên) thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng đồng Phật tử, thể hiển nét văn hóa đẹp muôn đời của người Việt Nam [11].

Từ những tác động của truyền thông, người dân Việt Nam, nhất là thanh thiếu niên Phật tử sẽ ý thức được trách nhiệm của một người con và thực hành các hạnh báo ân.

Năm 2021, một lần nữa cả hai mùa Phật Đản và Vu Lan của Phật giáo TP. HCM tiếp tục bị ảnh hưởng, phương hướng tổ chức trực tuyến lễ Vu Lan trở nên thiết thực đối với các tự viện. Trong bối cảnh đất nước bị ảnh hưởng do dịch bệnh, việc truyền thông trực tuyến Lễ Vu Lan, truyền thống hiếu hạnh được chia sẻ trên các trang truyền thông của mỗi chùa là ý nghĩa thực tiễn nhất và phải dựa trên ý nghĩa trong kinh văn. Các hình thức để lan tỏa truyền thống tốt đẹp này cụ thể như: (i) Các bài viết, thơ về đạo hiếu, (ii) Các bài nghiên cứu về Vu Lan, ý nghĩa, giá trị của đạo hiếu, (iii) Ca khúc, pháp âm về chủ đề Vu Lan, (iv) Xây dựng kịch bản trực tuyến Lễ Vu Lan tại Chùa (một khía cạnh cần đến sự phối hợp từ những người có chuyên môn truyền thông để buổi lễ được suôn sẻ). Từ những tác động của truyền thông, người dân Việt Nam, nhất là thanh thiếu niên Phật tử sẽ ý thức được trách nhiệm của một người con và thực hành các hạnh báo ân. Ảnh hưởng đến những bạn bè, đồng nghiệp trong giao tiếp của thanh thiếu niên Phật tử sẽ tạo thêm thắng duyên đến người xung quanh, chính vì vậy pháp hiếu hạnh lại được phát huy nhiều hơn.

Có thể nói, trong tinh thần nhân bản, hướng đến lợi lạc cho con người, Kinh Vu Lan, Kinh Báo ân cha mẹ và lễ hội báo hiếu đã gửi gắm thông điệp hiếu thảo đến những người con đối với các đấng sinh thành, qua đó thể hiện sự tương đồng giữa giáo lý Phật giáo và truyền thống văn hóa Việt Nam, hoàn thiện đạo lý làm người không chỉ riêng một dân tộc mà cho toàn thể nhân loại. Các giá trị đóng góp đối với đạo đức, gia đình và xã hội của hai bản kinh nêu trên chu toàn cả về mặt lý luận và thực tế. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, ý nghĩa của Vu Lan cần được truyền thông rộng rãi đến cộng đồng Phật tử thông qua các nền tảng mạng xã hội, để uyển chuyển giáo lý Phật giáo vào đời sống và giúp người hữu duyên tiếp xúc với đạo hiếu, từ đó báo đáp công ân sinh thành, dưỡng dục đối với cha mẹ và phát triển đời sống tinh thần.

 

Chú thích:

*Thích Ngộ Trí Viên: Học viên, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM

[1] Nguyễn Thị Huyền Chi (31/3/2018), “Ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo đến suy nghĩ của người Việt Nam, Tạp chí Tổ Chức Nhà Nước, https://tcnn.vn/news/detail/39636/Anh_huong_cua_tu_tuong_Phat_giao_den_suy_nghi_cua_nguoi_Viet_Namall.html, truy cập ngày 16/6/2021.
[2] Robert E. Buswell, Donald S. Lopez (2014). The Princeton Dictionary of Buddhism. New Jersey, USA: Princeton University Press, p. 2457-2458.
[3] Thích Huệ Đăng, Thích Nhật Từ (biên tập) (2017), Kinh Vu Lan báo hiếu, Nxb. Tôn Giáo, tr.8-9.
[4] Seishi Karashima (2013), “The Meaning of Yulanpen 盂蘭盆 – “Rice Bowl” On Pravarana Day”. Annual Report of the International Research Institute for Advance Buddhology at Soka University for the Academic Year 2021, 16, pp.289-290.
[5] “Taishō Shinshū Daizōkyō”大正新脩大藏經,第16冊. CBETA 漢文大藏經.[http://tripitaka.cbeta.org/mobile/index.php?index=T16], truy cập ngày 16/06/2021.
[6] Thích Nhật Từ (2017), Sđd, tr.8.
[7] Quảng Tịnh (2019), Kỹ năng dẫn chương trình Phật giáo, Nxb. Hồng Đức, tr.107.
[8] Quảng Tịnh (2019), Sđd, tr.109-110.
[9] Tâm Huy (05/08/2010), Về nguồn gốc Lễ “Bông hồng cài áo”, Thư Viện Hoa Sen, https://thuvienhoasen.org/a12776/ve-nguon-goc-le-bong-hong-cai-ao-tam-huy, truy cập ngày 15/06/2021.
[10] Thích Nhất Hạnh, Bông hồng cài áo, Làng Mai, https://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/thien-tap/bong-hong-cai-ao-1/, truy cập ngày 15/06/2021.
[11] Bảo Tiên (03/09/2020), Cầu truyền hình trực tiếp “Vu Lan 3 miền”: Đại lễ Vu Lan tại chùa Giác Ngộ. Đạo Phật Ngày Nay, http://www.daophatngaynay.com/vn/tin-tuc/trong-nuoc/30145-cau-truyen-hinh-truc-tiep-Vu Lan-3-mien-dai-le-Vu Lan-tai-chua-giac-ngo.html, truy cập ngày 17/06/2021.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *