Ðôi nét về việc phiên dịch kinh điển Phật giáo Phạn văn ở Trung Hoa (từ thời Ðông Hán đến thời Ðường) (Hưng Trung)

Công tác phiên dịch kinh điển Phật giáo ở Trung Hoa bắt đầu từ nhu cầu thực tế của quá trình hoằng dương chánh pháp Phật đà tại Trung Nguyên. Các nhà Sư và cư sĩ hợp lực dịch gần trọn Tam tạng Kinh điển của Phật giáo từ thời Đông Hán đến thời Đường. Ở đây chúng tôi chỉ xin nêu ra đại cương sự phiên dịch đã diễn tiến như thế nào, những vị nổi trội nhất với một số nguyên tắc phiên dịch Kinh điển và tổ chức dịch trường thời bấy giờ.

PHIÊN DỊCH KINH ĐIỂN SANG HÁN TẠNG

Phật giáo truyền vào Trung Hoa từ đầu Công nguyên, nhưng đến thời Đông Hán (25-220) mới phát triển. Công tác Phật sự từ thế kỷ III-IV lấy phiên dịch Kinh điển làm trọng yếu, nên có người gọi đây là thời đại phiên dịch. Kỳ thực, việc dịch Kinh văn sang chữ Hán kéo dài đến tận thời Tùy – Đường. Con đường tơ lụa đi ngang Bắc Ấn đã tạo cơ hội cho các phái đoàn truyền giáo từ Ấn Độ sang Trung Hoa và ngược lại, những đoàn Tăng sĩ Trung Hoa sang xứ Phật nhập Trúc cầu pháp.

Thời Đông Hán

Năm 67 triều Hán Minh Đế, hai vị sư người Ấn Độ là Kàsyapamátanga (Ca Diếp Ma Đằng) và Dharmaraksa (Trúc Pháp Lan) đến nhà Hán để truyền đạo. Vua cho dựng chùa Bạch Mã ở Lạc Dương để hai vị trú ngụ và giảng pháp. Tại đây, họ phiên dịch kinh Tứ Thập Nhị Chương từ Phạn văn sang Hán ngữ. Đây vốn là một tập hợp những lời dạy căn bản về giáo lý Phật giáo, bao quát cả tam thừa (Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát), rất thích hợp để giới thiệu Phật pháp đến những xứ mới bén duyên như Trung Hoa.

Lạc Sơn Đại Phật tại Tứ Xuyên, Trung Quốc có tuổi thọ hơn 1300 năm. (Nguồn ảnh: internet)

Đến khoảng năm 147-148, một vị Tăng người Parthia tên là An Thế Cao đến Lạc Dương. Ông nguyên là hoàng tử của nước Parthia, sau xuất gia tu học. Triều Hán Hoàn đế đã đãi ngộ Ngài một cách tốt đẹp. Sư An Thế Cao phiên dịch các kinh Nguyên thủy như Tứ Đế Kinh, Chuyển Pháp Luân Kinh, Bát Chánh Đạo Kinh, An Ban Thủ Ý Kinh… phần đa kinh văn Ngài dịch đã thất lạc. Hậu thế không biết chính xác Ngài và cộng sự đã phiên dịch bao nhiêu Kinh điển sang Trung văn: Xuất Tam Tạng ký của Tăng Hựu cho rằng có 35 kinh văn được phiên dịch, Phí Trường Phòng lại nói có đến 166 bản Kinh được dịch, Khai Nguyên Thích Giáo Lục ghi nhận có 90 bản Kinh. Có lẽ đích thân sư An Thế Cao không thể dịch lượng Kinh điển đồ sộ như vậy mà tập thể do Sư điều hành gồm: An Huyền, Khang Mạnh Cư, Khang Cư và Nghiêm Phật Điều đảm nhận, kể cả sau khi Ngài viên tịch. Các kinh Pháp Cảnh và A Hàm được ghi nhận do ngài Nghiêm Phật Điều – một trong số những người Trung Hoa sớm nhất tham gia phiên dịch Kinh điển. Kinh điển do An Thế Cao và Trúc Pháp Hộ dịch thường uyển chuyển, văn phong gần gũi với người Trung Hoa hơn so với các bản dịch khác (vì lược bớt những rườm rà trong nguyên bản). Trong Cao Tăng truyện, quyển 1 kể lại, sư Trúc Pháp Hộ vì tinh thông cả hai ngôn ngữ chủ và đích, nên “Tay cầm Hồ bản, miệng dịch lời Tấn”, nhờ thế chất lượng Kinh do ông dịch rất tốt.

Cùng thời với An Thế Cao có sư Lokaksema (Chi Lâu Ca Sấm) phiên dịch văn hệ Bát nhã sang tiếng Trung. Ông là Tăng sĩ Phật giáo gốc Gandhara (Càn-đà-la), đã dịch kinh Bát Thiên Tụng Bát Nhã với tên Đạo Hạnh Bát Nhã Kinh, mở đầu cho việc tu tập và nghiên cứu hệ thống kinh Bát Nhã ở Trung Hoa.

Sư Sangha Buddha (Trúc Phật Sóc) dịch kinh Đạo Hạnh, kinh Ban Chu Tam Muội. Sư Dharmakala (Đàm-ma-ca-la) dịch Tăng Kỳ Giới Bản. Sư Dharmatrata (Đàm-đế) từ Ấn Độ sang dịch Đàm Vô Đức Yết Ma (cách tác pháp cụ giới).

Trong thời gian này, do người am hiểu văn hóa và ngôn ngữ Trung Hoa chưa nhiều, nên các nhà Sư Ấn Độ và Trung Á thường phải giảng bằng tiếng Trung và dựa vào các cộng sự để ghi chép Kinh điển bằng Trung văn. Người phụ tá thường cũng không hiểu tiếng Phạn để đối chiếu lại những gì mình ghi. Hơn nữa, vốn từ vựng Trung Hoa của các vị sư Ấn Độ không phải đồng đều, vả lại sự khác biệt ngôn ngữ gây khó khăn cho việc phiên dịch: ngôn ngữ Trung Hoa ít có biến cách, phần lớn là đơn âm, văn phạm không quy ước chặt chẽ như tiếng Sanskrit, phạm trù tưởng tượng có hạn định, song lại rất súc tích, hay dùng lối ẩn dụ. Hai ngôn ngữ bác học của Thiên Trúc lại chứa quá nhiều biến cách, đa âm tiết, văn phạm cực kỳ phức tạp và chi li, phạm trù tưởng tượng gần như vô hạn.

Các phái đoàn truyền giáo thực hiện cuộc “bản địa hóa” tư tưởng Phật học bằng cách mượn khái niệm, thuật ngữ của Tam huyền (Chu dịch, Lão tử, Trang tử) để diễn tả Phật giáo, nên một số nhà nghiên cứu đã gọi đấy là Phật giáo cách nghĩa. Việc sử dụng khái niệm của Huyền học dẫn đến một số hiểu lầm tư tưởng nhà Phật, ví dụ có người từng nghĩ Phật giáo là Lão giáo Hồ hóa/Lão tử hóa Hồ kinh, hay trong Đạo Phật có quan niệm về một linh hồn, vô vi của Lão-Trang và Niết bàn của Thích Ca là một,.. đó là những hiểu lầm mà Phật giáo Trung Hoa sẽ sớm chấn chỉnh trong thế kỷ IV, khi phong trào phiên dịch tăng tốc.

Sau vài mươi năm tiếp xúc Phật giáo qua Tăng nhân ngoại quốc, người Trung Hoa muốn trực tiếp sang Ấn Độ tầm cầu chánh pháp, để tự mình học hỏi và dịch Kinh điển sang ngôn ngữ của mình, đó là khởi đầu cho thời Nhập Trúc Cầu Pháp. Nhưng trong một thời gian dài, sự phiên dịch tiếp tục thực hiện song hành giữa chư Tăng Tây Vực/Ấn Độ và Trung Hoa. Người Trung Hoa cần thời gian dài tích lũy về lượng, để biến đổi về chất học tàng Phạn ngữ và những hiểu biết về Phật giáo cũng như địa dư, tình hình các nước phía Tây.

Từ thời Tam Quốc đến hết thời Nam Bắc Triều

Đến thời Tam Quốc trở đi, Phật giáo Trung Hoa nở rộ phong trào phiên dịch Kinh điển. Sư Khương Tăng Hội sinh ra ở Trung Á, lớn lên ở Giao Chỉ, dịch Lục Độ Tập Kinh, Tạp Thí Dụ Kinh, chú thích bộ Pháp Kính Kinh, Đạo Thụ Vương Kinh ở đô thành Kiến Nghiệp, nước Ngô. Từ Giang Bắc trải Giang Nam, chư Tăng dốc sức phiên dịch gần như hoàn bị các bộ kinh, luật và luận lớn của cả Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa. Có thể kể đến hai bậc danh Tăng nổi trội nhất là ngài Đạo An và Kumarajiva (Cưu Ma La Thập).

Năm 67 triều Hán Minh Đế, hai vị sư người Ấn Độ là Kàsyapamátanga (Ca Diếp Ma Đằng) và Dharmaraksa (Trúc Pháp Lan) đến nhà Hán để truyền đạo. Vua cho dựng chùa Bạch Mã ở Lạc Dương để hai vị trú ngụ và giảng pháp.
(Ảnh: saigondautu.com.vn)

Ngài Đạo An là đệ tử của Buddhasimha (Phật-đồ-trừng), một Tăng nhân Ấn Độ đến Trung Hoa cuối thời Tam quốc. Nhờ Hán học uyên thâm và tham cận với ngài Phật-đồ-trừng, sư Đạo An thông thạo cả bản ngữ và Phạn văn. Sau khi nghiên cứu các Kinh điển Phật giáo bấy giờ, Ngài nhận thấy việc mượn khái niệm Lão giáo là tiền đề tạo ra nguy cơ trộn lẫn Phật giáo vào Lão giáo. Như vậy, nhất định phải thay đổi Phật giáo cách nghĩa thành Phật giáo thuần thành, trở về với nguyên thủy của Phật đà. Ngài nêu thuyết Ngũ thất bản – 5 vấn nạn người dịch Phật điển dễ gặp phải khiến bản dịch bị sai sót:

– Do sự khác biệt văn phạm nên thứ tự giữa nguyên bản và bản dịch bị đảo ngược;
– Bản kinh tiếng Phạn thì chất phác, trong khi tiếng Trung thì súc tích;
– Bản kinh tiếng Phạn luôn có những câu lặp đi lặp lại (trùng cú), đặc biệt trong các tạng A Hàm, dịch giả thường xóa bỏ những câu như thế;
– Bản kinh tiếng Phạn thường có chú sớ, bản dịch lại cắt bỏ chú sớ và tóm tắt lại;
– Bản dịch thường xóa bỏ chỗ nhắc lại sự việc đã xảy ra-vốn rất thường xuất hiện trong nguyên bản tiếng Phạn.
Là một Tăng nhân học cao hiểu rộng, sư Trúc Đạo An (sau lấy họ Thích-mở đầu cho truyền thống tu sĩ Phật giáo họ Thích ở Trung Hoa) nhận thấy có 3 điểm khiến việc phiên dịch các Kinh trở nên khó khăn (Tam bất dị):

– Phật thuyết pháp cho đủ các hạng căn cơ trong ngôn ngữ và phong hóa đương thời của Ngài (thế kỷ VI-V TCN), thời đại, văn hóa khác nhau, nếu muốn chuyển ngữ để người thời nay hiểu rõ thời trước thật sự không dễ;
– Nghĩa lý uyên thâm của bậc Thánh trí khó có thể chuyển ngữ để kẻ phàm ngu lĩnh hội;
– Những bậc kết tập, biên soạn Kinh điển đều là bậc đại trí, nay công việc ấy lại trong tay hạng hữu học, như vậy việc phiên dịch khó khăn khôn lường.

Ngài Đạo An còn chỉnh lý lại Kinh điển Phật giáo đã dịch trong hai thế kỷ trước đó thành Tổng Lý Chúng Kinh Mục Lục, ghi lại tên tuổi của những tác gia dịch kinh, phân biệt chân-ngụy. Ngoài ra, ông còn nhận xét văn phong các bộ Kinh được dịch. Ví dụ như, trong lời tựa của Nhân Bản Dục Sinh Kinh do Đạo An viết mà Xuất Tam Tạng ký tập, quyển 6, ghi lại: “Kinh này hình như do An Thế Cao dịch bằng ngôn ngữ đời Tấn, ngôn ngữ cổ kính, lời văn khúc chiết, nghĩa vi diệu, lý uyển chuyển”.

Sau khi Đạo An viên tịch (năm 385), có sư Kumarajiva (Cưu Ma La Thập) tiếp nối việc dịch Kinh. Là người uyên bác cả Phạn văn và hiểu phương ngôn Hán ngữ, ông vì thời cuộc mà không thể trổ tài. Đến năm 401, vua Diêu Dư (Hưng) nhà Hậu Tần vời ông ra dịch Kinh điển, phụ tá cho ông có nhiều người tài trong dịch trường của sư Đạo An. Ông bắt đầu dịch Trung Luận, Bách Luận, Thập Nhị Môn Luận, các kinh trong văn hệ Bát Nhã, kinh Diệu Pháp Liên Hoa, bộ Đại Trí Độ Luận, A Di Đà Kinh, Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh, kinh Thủ Lăng Nghiêm, Thập Tụng Luật, Thành Thật Luận,… Xuất Tam Tạng Ký Tập cho rằng ông dịch cả thảy 35 bộ kinh. Sách Khai Nguyên Thích Giáo Lục cho là 74 bộ kinh. Pháp sư Cưu Ma La Thập nhờ thông hiểu tiếng Sanskrit, tiếng Hồ, phương ngôn Hán ngữ nên bản dịch chất lượng rất tốt, văn thể giản dị nhưng súc tích, rõ ràng. Ngài thường tay cầm nguyên bản, miệng đọc lời dịch.

Kế tục công nghiệp của sư Đạo An, sư Cưu Ma La Thập còn chỉnh lý, dịch lại một số bản kinh chư Tăng tiền bối đã dịch. Đối với hiện tượng Phật giáo cách nghĩa, Cưu Ma La Thập và cộng sự phải sáng tạo những từ mới để chuyển tải ý nghĩa của kinh văn. Trong quá trình chuyển ngữ, Ngài đề ra lý luận dịch thuật mới, tương phản với sư An Thế Cao: Xem trọng văn hoa (1); Cắt giảm và tăng bổ Kinh điển (2); Đính chính tên gọi cho đúng sự thực (3). Trước đây các bản dịch ít chú trọng trau chuốt từ ngữ, như Chánh Pháp Hoa Kinh Thọ Quyết Phẩm do ngài Trúc Pháp Hộ dịch có câu “trời thấy người, người thấy trời”, Cưu Ma La Thập cho rằng đã dịch trọn ý, nhưng lời chất phác quá, bèn chọn một câu khác: Trời người giao tiếp, hai bên thấy nhau.

Con đường tơ lụa đi ngang Bắc Ấn đã tạo cơ hội cho các phái đoàn truyền giáo từ Ấn Độ sang Trung Hoa và ngược lại, những đoàn tăng sĩ Trung Hoa sang xứ Phật nhập Trúc cầu pháp.

Với việc tăng san Kinh điển, theo tác giả Vương Văn Nhan trong Phật điển Hán dịch chi nghiên cứu (Thích Phước Sơn dịch), Cưu Ma La Thập nắm vững ba nguyên tắc là làm cho bản dịch phù hợp hơn với nguyên bản Sanskrit thay vì bản Hồ ngữ (vì kinh Hán dịch trước đây đa số dịch từ tiếng Hồ, người Tây Vực đem ý riêng thay thế ý của bản Phạn văn) (i); Châm chước theo mức độ cần thiết của văn hóa Trung Hoa mà chọn dịch phần trọng yếu, như Đại Trí Thích Luận của Long Thọ Bồ tát, Ngài Cưu Ma La Thập chỉ dịch 34 quyển của phẩm giải thích đầu, còn lại chỉ dịch phần chính yếu đủ để giải thích ý văn (ii); thêm, sửa một số chi tiết để bản dịch hoàn hảo, như chuyển tản văn thành kệ tụng, chuyển thể tụng thành tản văn, hoặc thêm chữ “nói kệ rằng” cho rõ nghĩa (iii).

Về thuật ngữ, như bài tựa của Đại Phẩm kinh do Tăng Duệ (đệ tử và là cộng sự với Cưu Ma La Thập) viết, được Xuất Tam Tạng Ký Tập, quyển 8 trích lại: “Tên của những danh từ không giống với bản cũ là do Pháp sư dùng ý nghĩa để đính chính lại, như ấm nhập trì, tên trái với nghĩa, nên tùy theo nghĩa mà đổi lại: chúng đổi là ấm, xứ đổi là nhập, trì đổi là tính, bội xả đổi là giải thoát, thắng xứ đổi là trì nhập, ý chỉ đổi là niệm xứ, chánh đoạn đổi là chánh cần, giác ý đổi là bồ đề, trực hạnh đổi là chánh đạo; đại loại sửa đổi rất nhiều như thế”. Đối với các từ dịch âm trong bản của Tây Vực không chính xác thì ông dùng ngôn từ của Sanskrit đính chính lại, còn những chỗ sai trong bản Hán dịch trước đây, ông chọn những từ ngữ thỏa đáng để sữa chữa, đặc biệt nếu không thể dịch ý được thì phải dùng cách dịch âm.

Trong thời Lưỡng Tấn, bên cạnh các kinh quan trọng của Đại thừa, tập đại thành A Hàm và Luật, Luận của một số bộ phái đã được dịch từ Phạn văn sang Hán tự. Có thể kể đến như:

– Trường A Hàm, do Buddhayasas (Phật Đà Da Xá) ám độc và Trúc Phật Niệm dịch thời Hậu Tần.
– Trung A Hàm do Cồ Đàm Tăng Ca Đề Bà dịch thời Đông Tấn.,
– Tạp A Hàm, Tăng Nhất A Hàm do Cầu Na Bạt Đà Na dịch vào thời Lưu Tống.
– Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh do Buddhabhadra (Phật Đà Bạt Đà La) dịch thời Đông Tấn.
– Đại Bát Niết Bàn Kinh do Đàm Vô Sấm dịch thời Bắc Lương (397-439).
– Đại Phương Đẳng Đại Tập Kinh cũng do Đàm Vô Sấm dịch thời Bắc Lương.
– Lục Độ Tập Kinh do Khương Tăng Hội dịch thời Ngô.
– Ma Ha Tăng Kỳ Luật (của Đại chúng bộ) do Phật Đà Bạt Đà La và Pháp Hiển cùng dịch thời Đông Tấn.
– Tứ Phần Luật cũng do Phật Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm dịch thời Diêu Tần.
– Ngũ Phần Luật (của Hóa Địa Bộ) do Buddhajiva (Phật Đà Thập) và Trúc Đạo Sinh cùng dịch thời Lưu Tống.
– Xá Lợi Phất A Tỳ Đàm Luận do Đàm Ma Da Xá và Đàm Ma Quật Đa cùng dịch đời Diêu Tần.

Và rất nhiều kinh, luật, luận khác. Lối cách nghĩa trong Phật giáo Trung Hoa chấm dứt ở thời Ngài Cưu Ma La Thập.

Thời Tùy – Đường

Sau khi Pháp sư Cưu Ma La Thập viên tịch, phong trào dịch kinh Phật ở Trung Hoa vẫn tiếp tục. Sư Tôn Ngạn (557-610) hoàn chỉnh hơn lý luận dịch kinh với hai ý tưởng: Chủ trương trực tiếp nghiên cứu Phật điển bằng chữ Phạn và tuân thủ nguyên tắc Bát bị, bất đắc dĩ mới phải phiên dịch. Nguyên tắc Bát bị khi phiên dịch được ghi lại trong tác phẩm Biện Chinh Luận của ông, gồm:

– Thành tâm yếu pháp, chí nguyện lợi người, không ngại lâu ngày.
– Muốn sang bờ giác, trước phải giữ giới, không sợ chê bai.
– Hiểu thấu tam tạng, thông nghĩa hai thừa, không bị ngu trệ.
– Đọc khắp sách sử, trau dồi điển chương, không để thiếu sót.
– Trong lòng an tịnh, khí lượng ung dung, không hay chấp trước.
– Đắm mình vào đạo, lạnh nhạt lợi danh, không thích khoe khoang.
– Thông hiểu tiếng Phạn, văn dịch lưu loát, không kẹt ngôn từ.
– Xem qua Thương Nhã, hiểu sơ Triện Lệ, am tường văn hiến (Thương, Nhã: hai phần trong Kinh Thi; Triện, Lệ: hai thể chữ cổ thời Tần-Hán, chỉ việc thông hiểu văn hiến Trung Hoa).

Sư Ngạn Tôn rất khuyến khích Phật tử tham cứu Kinh điển Sanskrit, bản thân ông cũng là người rất thạo Phạn văn. Vua Tùy Văn Đế từng sai ông soạn mấy quyển như Chúng Kinh Mục Lục, Tây Vực Truyện, Xá Lợi Phất Thụy Đoa Kinh, Quốc Gia Tường Thụy Lục bằng Phạn văn để truyền vào các nước Tây Vực.

Sau đời Ngạn Tôn, có Huyền Tráng (thường gọi là Huyền Trang), sang Ấn Độ tu học 17 năm và mang nhiều Kinh điển Phật giáo về Đông Thổ. Các Kinh điển Ngài dịch đa số thuộc về ba nhóm là các bộ Du Già Sư Địa Luận, Câu Xá Luận và Bát Nhã. Vua Đường ban đầu muốn ông dịch các kinh chưa được dịch sang Hán tạng, nhưng Huyền Tráng không đồng ý, Ngài đề xuất dịch hoàn bị các Kinh điển đã có, vì nhiều Kinh văn thời Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch tuy có hay, song lược mất nhiều đoạn, nhiều ý tứ. Pháp sư Huyền Tráng đề ra ba điểm phải tuân thủ khi dịch: tìm cầu toàn bản, tuyệt đối trung thành với nguyên điển và Ngũ chủng bất phiên (ghi lại trong Nam Tống Pháp Vân Phiên Dịch Danh Nghĩa Tập, quyển 1).

Nội dung của Ngũ chủng bất phiên gồm:
– Vì bí mật nên không dịch, như các Đà-la-ni.
– Vì quá hàm súc nên không dịch, như Bạc-già-phạm (Bhagavat).
– Vì ở Trung Hoa không có, nên không dịch, như cây Diêm-phù, chim Ca-lăng-tần-già.
– Vì theo người xưa nên không dịch, như A-nậu-Bồ-đề, Niết bàn
– Vì sinh điều lành nên không dịch, như để nguyên âm Phạn “Bát nhã” thì có vẻ tôn trọng, còn dịch thành “trí tuệ thì có vẻ tầm thường” (để cho người đọc sinh lòng tôn kính nên không dịch).

Nhiều học giả đánh giá bản dịch của Huyền Tráng là đầy đủ nhất so với các bản dịch trước đó, ví dụ đối với Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Kinh, trước sau Ngài có tổng 5 bản dịch, là của Cưu Ma La Thập, Bồ-đề-lưu-chi (Ngụy), Chân Đế (Trần), Đạt-ma-cấp-đa (Tùy) và Nghĩa Tịnh (Đường), nhưng bản của Ngài là đầy đủ, trung thành với nguyên điển nhất.

Trong thời kỳ này, ngoài ba hệ thống kinh và luận đồ sộ nêu trên do Ngài Huyền Tráng dịch, còn có một số bộ Kinh, Luật, Luận được phiên dịch sang Hán tạng như:
– Đại Bảo Tích Kinh, do Bồ Đề Lưu Chi dịch.
– Căn Bổn Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Da, Căn Bổn Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Bật Sô Ni Tỳ Nại Da, do Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh dịch.
– Bảo Tinh Đà La Ni Kinh, do Ba La Pha Mật Đa La dịch.
– Đại Phương Đẳng Đại Tập Kinh Bồ Tát Niệm Phật Tam Muội Phân, do Đạt Ma Cấp Đa dịch
– Các bộ Kinh, Luận thuộc Mật giáo do sư Pháp Hiển dịch (Phật Thuyết Vô Lượng Công Đức Đà La Ni kinh, Phật Thuyết Đại Thừa Quán Tưởng Mạn Noa La Tịnh Chư Ác Thú Kinh, Phật Thuyết Thánh Quán Tự Tại Bồ Tát Phạm Tán Kinh, Phật Thuyết Duyên Thọ Diệu Môn Đà La Ni Kinh…).

Và nhiều Phật điển khác. Việc dịch kinh văn vẫn tiếp tục nhưng sau thời Đường, Hán tạng đã rất phong phú, gồm đủ cả Kinh, Luật, Luận – Tam tạng thánh điển. Thành quả như vậy là nhờ biết bao công sức chư Tôn đức và các nhà hộ pháp, cũng như công tác tổ chức phiên dịch Kinh ở dịch trường được thực hiện tốt.

TỔ CHỨC VIỆC DỊCH KINH

Trước thời Pháp sư Cưu Ma La Thập, việc dịch kinh văn ở Trung Hoa chủ yếu do tư nhân tiến hành, triều đình ít khi can thiệp. Đến khi vua Diêu Hưng mời Cưu Ma La Thập vào kinh, mới bắt đầu lệ triều đình mở dịch trường và đài thọ toàn bộ phí tổn cho công tác phiên dịch Phật điển. Tổ chức dịch trường đại khái có mấy chức vị sau: chủ dịch (còn gọi là minh tượng, vi chủ, nguyên tượng), độ ngữ (dịch ngữ, truyền ngữ hay tuyên dịch), bút thọ, xuyết văn, nhuận văn, chánh tự, chứng nghĩa, hiệu khám. Dịch trường thường đặt ở kinh đô Trường An hay Lạc Dương hoặc các đô thị lớn, mang tính chất thủ phủ chính trị để tiện việc cung cấp tịnh vật, nhân lực và bảo hộ sự dịch Kinh.

Chủ dịch là người dịch chính của dịch trường, nhất định phải tinh thông Sanskrit (và trong nhiều trường hợp tinh thông cả Hán tự, như sư Huyền Tráng, Nghĩa Tịnh). Vị chủ dịch xem nguyên điển và đọc lại cho các vị độ ngữ nghe, hoặc đọc cho người bút thọ viết bản thảo đầu tiên, sau đó cùng tiến hành sửa chữa. Chủ dịch là người chịu trách nhiệm chính, lớn nhất cho việc dịch bộ kinh.

Những vị độ ngữ bắt buộc phải là người tinh thông tiếng Phạn, có thể xem như người phụ vị chủ dịch, dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Trung. Bút thọ là người chép lời của chủ dịch/độ ngữ thành Hán tự. Vào đời Tống, người bút thọ phải thông thạo cả Hán-Phạn. Họ nhận phiên âm tiếng Phạn, như sutra là tố-đát-lãm, sau đó dịch lại thành Kinh.

Xuyết văn có khi là chỉ viên bút thọ, có khi là chức danh khác, có nhiệm vụ kiểm tra văn tự để thành câu có nghĩa. Ví dụ người bút thọ viết là “Phật niệm”, thì xuyết văn chữa lại thành “niệm Phật” cho đúng thể thức văn phạm Trung nguyên. Nhuận văn là chức vụ xem xét câu từ của vị xuyết văn có rõ ràng, mạch lạc không, cũng đảm nhận vị trí quán xuyết Tăng chúng trong trường dịch.

Chức vụ chánh tự đến thời Ngài Huyền Tráng mới có. Viên chánh tự phải là người am hiểu văn hiến, có khả năng giải thích điển tích, dẫn truyện ký, sách vở để chứng minh, giải thích những điều khó hiểu, làm cho lời Kinh trang nhã, hợp với văn hóa Trung Hoa mà không mất lý. Chứng nghĩa cũng là chức vụ có từ thời Đường tại dịch trường, có nhiệm vụ xác chứng nghĩa đã giải thích ở trong bản văn đã dịch. Vị chứng nghĩa làm nhiệm vụ khác vị độ ngữ: vị độ ngữ thuộc về giai đoạn kinh Phật chưa dịch sang tiếng Trung, còn chứng nghĩa là xem bản dịch có phản ánh chính xác nguyên nghĩa của Phật điển hay không.

Hiệu khám có từ các dịch trường trước đời nhà Tùy. Sư Ngạn Tôn từng là người hiệu khám kinh văn. Ông có thể thực hiện sự san định bản dịch, như “thượng chánh biến tri”, dư chữ thượng nên cắt bỏ, còn lại “chánh biến tri”. Bản dịch sau khi qua tay hiệu khám gần như hoàn thiện, chờ vị chủ dịch kiểm tra lại là hoàn thành. Ngoài những chức danh chuyên môn trên, triều đình còn đặt ra chức giám hộ/giám duyệt để hỗ trợ quản lý dịch trường và cung ứng tịnh vật cho chư Tăng. Nhiều lúc trong dịch trường còn có một vị là phạn bái, chuyên đọc qua một biến những Kinh mới dịch xem có êm tai, thuận miệng không vì kinh Phật thường để tụng niệm.

Có thể nói, sau hơn bảy thế kỷ (II-IX, từ thời Đông Hán đến thời trung Đường), Tam tạng Kinh điển của các bộ phái Ấn Độ (toàn bộ là tạng viết bằng tiếng Sanskrit) phần lớn đã được dịch sang Hán văn. Phật giáo đã phát triển rộng khắp Trung Hoa, trở thành tôn giáo được rất nhiều triều đại sùng kính, có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa và lịch sử của không chỉ Trung Hoa mà còn cả khu vực Đông Á. Sau hàng nghìn năm, khi Phật điển Sanskrit thất lạc ở Ấn Độ, kho tàng Tam tạng Thánh điển Hán tạng trở thành nguồn khảo cứu vô cùng giá trị để tìm hiểu luận thuyết của các bộ phái Phật giáo. Đặc biệt, sự trùng khớp căn bản nội dung giữa Hán tạng A Hàm và Pali tạng Nikaya cho thấy dù phát triển theo hai phương địa lý khác nhau, chư Tăng mọi nơi đều trung thành với lời dạy của Đức Phật suốt hàng nghìn năm qua, là lời chứng rằng chỉ duy nhất có một Phật thừa, như kinh Pháp Hoa đã nói vậy.

Tài liệu tham khảo:

1. Vương Văn Nhan-Thích Phước Sơn (dịch) (2008), Lịch sử phiên dịch Hán tạng, Nxb Phương Đông.
2. Thích Thanh Kiểm (1963), Lược sử Phật giáo Ấn Độ, Vạn Hạnh.
3. Viên Trí, Lược sử Phật giáo Trung Quốc, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
4. Viên Trí, Ấn Độ Phật giáo Sử luận, Nxb. Hồng Đức.
5. Thánh Nghiêm-Thích Tâm Trí (dịch) (2010), Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, Nxb Phương Đông.

10 thoughts on “Ðôi nét về việc phiên dịch kinh điển Phật giáo Phạn văn ở Trung Hoa (từ thời Ðông Hán đến thời Ðường) (Hưng Trung)

  1. zoochuche says:

    Our п¬Ѓndings demonstrated that 65 pastillas priligy en mexico Cancer types such as triple negative breast cancer and high grade squamous ovarian cancer display high levels of TP53 mutation, as well as elevated CD73 expression, resulting in poor prognosis 31, 36

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *