Về tư tưởng thiền học và phương pháp giảng thuyết của Thiền sư Chuyết Chuyết qua sách “Chuyết Chuyết Tổ sư ngữ lục” (Vũ Ngọc Định)

Thiền sư Chuyết Chuyết hóa trong tư thế ngồi thiền. (Ảnh: Sưu tầm)

Thiền sư Chuyết Chuyết (1590-1644), pháp danh là Hải Trừng, hiệu Chuyết Chuyết, pháp húy Viên Văn. Sinh năm 1590, tại Tiệm Sơn (nay thuộc thành phố Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc). Năm 1630, Ngài cùng một số huynh đệ, đạo hữu rời Trung Quốc sang Chân Lạp, Chiêm Thành rồi qua Đàng Trong (Việt Nam), dừng chân ở Quy Nhơn và Thuận Hóa. Tiếp theo đó ra Đàng Ngoài ghé chùa Thiên Tượng (Nghệ An), chùa Trạch Lâm (Thanh Hóa). Đến năm 1633, Hòa thượng Chuyết Chuyết đến kinh thành Thăng Long, ở lại chùa Khán Sơn và bắt đầu giảng dạy Phật pháp. Ngài tịch ngày rằm tháng 7 năm Giáp Thân (1644), thọ 55 tuổi. Vua Lê Chân Tông phong hiệu là Minh Việt Phổ giác Quảng tế Đại đức Thiền sư.

GIỚI THIỆU SÁCH CHUYẾT CHUYẾT TỔ SƯ NGỮ LỤC [1]

Sách viết bằng chữ Hán do Thiền sư Minh Hành Tại Tại và Thiền sư Tuệ Tiến biên tập, ghi về lai lịch, quá trình hành đạo, các bài thuyết pháp của Thiền sư Chuyết Chuyết. Văn bản Chuyết Chuyết Tổ Sư ngữ lục được thể hiện ở dạng bản in ván, gồm phần mở đầu và phần nội dung, riêng phần nội dung chia làm ba quyển nhỏ.

Phần Mở đầu có tiêu đề Tổ Sư xuất thế thực lục cho chúng ta biết tường tận về lai lịch của Thiền sư Chuyết Chuyết.

Phần Nội dung, quyển 1 và quyển 2, có tiêu đề Chuyết Chuyết tổ sư ngữ lục, ghi chép những bài giảng, bài thuyết pháp của Thiền sư Chuyết Chuyết. Nội dung trong phần này thể hiện tư tưởng Phật học của Thiền sư trên nhiều phương diện: Bồ đề, pháp giới, phương pháp và lợi ích của việc học đạo, bản tâm, tam không, mối quan hệ và lợi ích của niệm Tam Bảo,… Quyển 3, có tiêu đề Chuyết Chuyết tổ sư ngữ lục hoặc vấn, là những lời đối thoại của Chuyết Công với ba vị quan cao cấp của triều đình là: Dũng Lễ công, Chưởng giám Tư lễ Thái bảo Tuấn Quận công và Cổn Quận công.

Năm 2017, hai dịch giả Nguyễn Quang Khải, Đại đức Thích Nguyên Đạt đã dịch thuật và chú giải tác phẩm này từ tư liệu gốc. Tìm hiểu nội dung sách Chuyết Chuyết tổ Sư ngữ lục, chúng tôi thấy đây là một tư liệu quý, giúp chúng ta không những biết về thân thế và sự nghiệp của Thiền sư Chuyết Chuyết mà còn hiểu về phương pháp, cách thức truyền đạo, giảng pháp của Ngài.

TƯ TƯỞNG CỦA THIỀN SƯ CHUYẾT CHUYẾT 

Nho – Phật song hành

Thuở thiếu thời, trước khi quy y cửa Phật, Thiền sư Chuyết Chuyết chuyên tâm nghiên cứu kinh sử đến mức bị suy nhược tinh thần, nên đến ở chùa Tiệm Sơn tu tập cho tĩnh tâm. Bấy giờ Thiền sư ho khạc ra máu, Tiệm Sơn Trưởng lão mới hỏi rằng: Thư sinh sao mà bị bệnh?
Thiền sư thưa rằng: Là do học hành khắc khổ.
Trưởng lão hỏi rằng: Học xong định tạo sự nghiệp gì?
Thiền sư thưa: Giúp vua cứu dân.
Trưởng lão khen rằng: Lành thay! Lành thay! Đây là chí xung thiên, song còn tham danh lợi mà không quan tâm đến bản chất của sinh tử.

Thiền sư chưa lĩnh hội được ý tứ của câu nói. Trưởng lão bèn sai mang đến một cái trống nhỏ và nói với Sư rằng: “… Trước khi đánh trống thì đâu có cái danh (tên gọi là Trống), sau khi đánh lên thì cái danh mới nhân nơi nghiệp mà hình thành. Danh chẳng qua là nhất thời rồi sẽ tan biến, còn nghiệp sẽ theo đến muôn đời không mất. Vậy chữ “danh” này từ đâu mà có”. Thiền sư lĩnh hội được ý, bèn bỏ Nho quy Tăng, tham cứu yếu chỉ của Pháp vô sinh, đàm luận giáo nghĩa tối thượng thừa [2].

Khi sang Việt Nam, Ngài hoằng hóa trong thời kỳ mà Nho giáo là hệ tư tưởng chủ đạo thì giáo nghĩa “Nhị giáo dung hợp” lại càng có điều kiện để phát huy. Điều này được thể hiện rõ nét qua những cuộc đối thoại giữa Thiền sư với các vị mệnh quan của triều đình.

Trong cuộc đối đáp với Dũng Lễ công Trịnh Khải (em trai Thanh vương Trịnh Tráng), Thiền sư đã dẫn các thuyết Tam cương, Ngũ thường, Thuần nhân, Trung thứ của Nho giáo; thuyết “Vô tâm bất sinh diệt” của Phật giáo để đưa ra kết luận rằng “Do tâm nên sinh thân, do thân nên có dục, tâm còn vô huống nữa là thân và dục”. Thiền sư cũng khẳng định, Nho như vì sao, Phật như mặt trời. Nho giáo lấy kinh bang tế thế để tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Phật giáo lấy sự minh tâm cho sáng suốt tròn vạnh chiếu khắp làm yên vui [3].

Khi giảng về việc học đạo cho đại chúng, Thiền sư thuyết rằng: Người học đạo trước phải sửa trị bên trong, rồi sau mới sửa trị bên ngoài, trong ngoài kết hợp cùng nhau. Tâm ở bên trong, thân ở bên ngoài, tâm là “nội tắc” khó đề phòng. Vì vậy, Sư trích dẫn sách Luận Ngữ mà dạy rằng: “Từ Thiên tử cho đến thứ dân, tất cả đều lấy việc tu thân làm gốc”. Thiền sư cũng dạy rằng: “Người tu thân phải xuất phát từ chỗ minh tâm; sự minh tâm phải xuất phát từ nơi thế giới”. Quan điểm này xuất phát từ tư tưởng “Trí tri tại cách vật” trong sách Lễ ký và Đại học của Nho giáo [4].

Tượng Thiền sư Chuyết Chuyết trong tháp BáoNghiêm.
(Ảnh: phatgiao.org.vn)

Khi bàn về chữ “đạo”, làm sao để “minh đạo, minh tâm”. Thiền sư giảng rằng: “Chỉ cần làm cho cái tâm sáng tỏ, ngoại cảnh sẽ vắng lặng. Cho nên nếu liễu ngộ “nhất” thì vạn vật sẽ rốt ráo”. Thiền sư đã đem các chủ trương Minh đức, Lương tri, Tính thiện, Trung dung,… trong Nho giáo và Đại giác, Bồ đề, Bát nhã, Niết bàn, Chân như,… trong Phật giáo để làm sáng tỏ vấn đề. Thiền sư giảng rằng, cầu học đạo là phải cầu đạo lý bản tính, cầu đạo lý bản tính là cầu cái bản tướng chân thật, cầu ngay ở trong bản tâm và thân tâm mình, đạo chẳng xa người mà ở ngay trong cuộc sống hàng ngày. Không hiểu Phật đạo thì thế đạo cũng không hiểu, hiểu thấu thế đạo thì Phật đạo tự nhiên cũng thấu hiểu [5].

Trong cuộc đối đáp với quan Chưởng giám Tư lễ Thái bảo Tuấn Quận công về chữ “nhân”, Thiền sư đã mượn lời Khổng Tử để giảng rằng: “Con người thì phải có lòng nhân, không có lòng nhân thì không phải con người. Nhân là sự yêu thương, cho nên mới nói: Bác ái thì gọi là nhân”. Ngài lại giảng rằng: Sao [Đức Thích Ca] lại gọi là Năng Nhân? nghĩa là thân thiết với người thân, yêu thương muôn loài. Nhưng con người ai cũng có thể thân thiết với người thân, lại không thể yêu thương được người ngoài; yêu thương được người ngoài nhưng không thể yêu thương được loài vật”. Cho nên “thân thiết người thân, yêu thương muôn loài”, đó là Năng Nhân. Duy chỉ có Đức Phật Thích Ca hiệu là Đại Giác Năng Nhân mà thôi [6].

Tuy chủ trương Nho – Phật song hành nhưng Thiền sư Chuyết Chuyết cũng luôn ý thức phân định rõ ràng ngôi vị chủ thứ. Điển hình, khi Ngài thuyết pháp ở Thăng Long, có vị hỏi: “Tam giáo Nho – Thích – Đạo, cái nào tôn quý hơn?” Ngài trả lời: “… Nho gia cho rằng, ít dục là bậc chính nhân quân tử; Đạo gia quan niệm, vận khí để trường sinh bất lão; Thích gia quan niệm, vô tâm là bất sinh bất diệt. Do tâm nên sinh thân, do thân nên có dục, tâm còn vô huống nữa là thân và dục? Thế cho nên, Nho như những vì sao, Đạo như vầng trăng, Thích như mặt trời. Sao không sáng bằng trăng, trăng không sáng bằng mặt trời; một khi mặt trời lên thì đến trăng còn không thấy huống nữa là sao ư?… Tam giáo tuy đều sinh ra từ nơi tâm, nhưng trên dưới có khác, người trí tự suy nghĩ, lựa chọn sở trường của mỗi bên mà y theo” [7].

Thiền – Tịnh song tu, tính – mệnh song tu

Về mặt tư tưởng, nội bộ Phật giáo cũng tồn tại sự dung hợp giữa nhiều tông phái với nhau, đặc biệt là giữa Thiền tông và Tịnh độ tông. Sự kết hợp này cũng được phản ánh trong con người của Thiền sư Chuyết Chuyết. Việc “trì trai niệm Phật” đã được Ngài nhấn mạnh nhiều lần trong Chuyết Chuyết tổ sư ngữ lục. Xin đơn cử ví dụ, trong bài pháp ở quyển 2 có câu: “Trì trai, niệm Phật và giữ giới, ba việc này được mệnh danh là Quán tự tại”. Ngoài ra cũng còn rất nhiều những câu nói tương tự nằm rải rác trong các bài pháp thoại của Ngài. Tuy nhiên, mặc dù đề xướng Thiền Tịnh song tu, nhưng với Ngài, Thiền vẫn là chủ đạo và Tịnh luôn được hiểu theo nguyên tắc “minh tâm kiến tính”, “tâm tịnh quốc độ tịnh” hay “tội tùng tâm khởi đương tâm sám” của Thiền. Ngài nói: “Nếu có thể chuyên cần diệt tận vô minh” thì “xứ xứ đều là An Lạc quốc” và cũng “không cần cầu sám hối ở nơi nào khác” [8].

Trong phần đối đáp với Dũng Lễ công, hỏi “Như thế nào là tính – mệnh song tu? Hãy nói rõ cho tôi cái lý này. Thiền sư đáp rằng: Bản tính do nơi mệnh mà có, có tính cho nên mới có mệnh, nên tính và mệnh phải song hành tu tập hàng ngày, có song tu thì mọi việc mới đúng đắn được. Thiền sư cũng giải thích rằng: Con người lấy khí làm mệnh, Phật lấy tuệ làm mệnh. Mệnh người ta chỉ dài ba tấc, tuệ mệnh thì trường sinh. Thiền sư cũng giải thích tiếp rằng: Có được Tuệ mệnh thì sẽ linh thông, khi linh thông thì thấy được bản tính. Khi đó sẽ nhìn thấu hình tướng, một khi đã thấu hình tướng thì sẽ đạt được bản mệnh. Khi bản mệnh được viên dung thì vô ngã không có cạnh tranh.

Kế thừa yếu chỉ “Tâm tức thị Phật” truyền thống của Thiền tông

Thông qua Chuyết Chuyết tổ sư ngữ lục và một số các tài liệu khác, không khó để chúng ta có thể nhận ra, Chuyết Chuyết Thiền sư đã kế thừa sâu sắc yếu chỉ “Tâm tức thị Phật” của Thiền tông, Ngài cho rằng Phật tức là tâm, vạn pháp đều do tâm tạo, học Phật, tu Phật buộc phải “minh tâm kiến tính”. Ngài nói: “Pháp giới tuy nhiều nhưng không ngoài tâm… Phàm, người học đạo phải hiểu rõ nguồn tâm, liễu ngộ pháp Vô vi. Nguồn tâm nếu mê mờ thì không có đạo nào để học. Cho nên mới nói, học đạo mà không hiểu đạo thì cái đạo đó trở thành đạo luân hồi; học Phật mà không hiểu Phật thì trở thành oan gia Phật. Đạo là con đường, biết đường mới có thể đi được; không biết đường thì dù có dũng mãnh, tinh tiến, cuối cùng rồi cũng lạc lối, như thế thì có cái đạo nào để đạt? Phật chính là tâm, hiểu tâm mới có thể phát tâm; không hiểu tâm mà phát tâm thì tuy trai giới, làm phúc cũng đều là vọng tâm, như vậy thì có Phật nào để thành?… Tâm là nguồn gốc của pháp giới… Muốn thành Phật mà không minh tâm kiến tính thì học đạo vô ích. Người người đều có đầy đủ Phật tính, không phải đợi cầu ở bên ngoài, đó gọi là tự tính vô vi pháp. Thế cho nên, tu phúc trên nền tảng minh tâm thì như gấm thêm hoa; ngược lại không minh tâm mà tu phúc chẳng khác nào như chim không cánh” [9].

PHƯƠNG PHÁP ĐỐI THOẠI, THUYẾT GIẢNG CỦA THIỀN SƯ CHUYẾT CHUYẾT 

Trong sách Chuyết Chuyết tổ sư ngữ lục, nhằm thuyết phục người nghe, khi trình bày vấn đề, Thiền sư Chuyết Chuyết đã vận dụng linh hoạt nhiều phương pháp để thuyết giảng, trong đó nổi bật lên hai phương pháp chủ yếu.

Khi giảng về việc học đạo cho đại chúng, Thiền sư thuyết rằng: Người học đạo trước phải sửa trị bên trong, rồi sau mới sửa trị bên ngoài, trong ngoài kết hợp cùng nhau.

Phương pháp dẫn chứng để người nghe dễ hình dung được vấn đề

Khi nói về vấn đề “Trai giới”, Thiền sư giảng với đại chúng rằng “Nếu chỉ biết trai giới làm phúc mà không phát tâm Bồ Đề, thì chẳng khác nào cày ruộng mà không gieo hạt vậy, đến mầm còn không có thì lấy đâu ra quả”. Thiền sư dạy rằng, bố thí là cái bên ngoài, phát tâm là cái bên trong, con người đa phần chỉ có cái bên ngoài mà không có cái bên trong. Tuy nhiên, muốn phát khởi cái tâm thì phải nhờ ngoại cảnh, cũng như vật báu muốn phát lộ phải nhờ ánh đèn.

Khi giảng về “thức tính”, Thiền sư dẫn giải rằng “Ví như lửa vốn có ở trong gỗ, nhưng phải có tay người cầm dùi khoan vào thì mới có thể lấy lửa được. Tính chất của lửa đó chẳng phải xuất ra từ gỗ, chẳng phải xuất ra từ tay người, cũng chẳng phải xuất ra từ cái dùi, mà phải cả ba yếu tố kết hợp hài hòa mới có thể ra được lửa”.

Khi giải thích về “phát đại thệ nguyện”, Thiền sư thuyết rằng “Có giới mà không nguyện cũng như có xe mà không có người cầm cương”; về “thụ trì ngũ giới, Thiền sư nói “Có quy y mà không thụ giới thì cũng giống như có nhà mà không có người ở, có nước mà không có vua, không có người thì lấy ai hưng gia nghiệp, không có vua thì lấy ai lãnh đạo quốc chính”.

Phương pháp so sánh nội dung Phật giáo với Nho giáo

Trong quá trình thuyết giảng, khi gặp các khái niệm, tư tưởng của Phật giáo, để người nghe dễ hiểu, dễ hình dung vấn đề, Thiền sư Chuyết Chuyết đã vận dụng thế mạnh là tri thức truyền thống (Nho học) vốn đã có trong bản thân người nghe để giải quyết các vấn đề.

Khi nói về “Tu thân dưỡng ý”, Thiền sư đã lấy quan điểm “Từ bậc thiên tử cho đến kẻ thường dân, đều phải lấy việc tu thân làm gốc”, “gốc vững thì đạo từ đó mà sinh ra”; sự tu thân, tu dưỡng của cá nhân phải xuất phát từ “minh tâm” và “trí tri tại cách vật” của Nho giáo truyền thống để dẫn dắt giải quyết vấn đề. Để đưa ra kết luận rằng “phải hiểu đạo mới học được đạo, phải hiểu tâm thì mới có thể minh tâm, phải hiểu Phật thì mới có thể thành Phật, học Phật mà không hiểu Phật thì lại trở thành oan gia của Phật”.

Khi trả lời Dũng Lễ công về câu hỏi “Trong ba đạo Nho – Thích – Đạo, đạo nào là tôn quý?”, Thiền sư đã lấy những khái niệm, tư tưởng của ba tôn giáo này để làm dẫn chứng và khẳng định rằng “Nho giáo lấy việc kinh bang tế thế để tề gia, trị quốc, bình thiên hạ; Đạo giáo lấy việc tu luyện để trường sinh bất lão; Phật giáo lấy sự minh tâm khiến cho sáng suốt tròn đủ, lặng chiếu khắp làm vui”. Trong câu hỏi này, Thiền sư đã không trả lời thẳng vấn đề mà Dũng Lễ công hỏi, mà chỉ nêu ra tông chỉ của từng tôn giáo, việc phân định thì kẻ trí tự suy nghĩ, tự lựa chọn.

Khi trả lời câu hỏi của quan Chưởng giám Tư lễ Thái bảo Tuấn Quận công về nghĩa của chữ “Thích Ca – Năng Nhân”, Thiền sư trích dẫn câu nói của Khổng Tử “Nhân giả, nhân giả” và giải thích rằng: “Con người phải có lòng nhân, không có lòng nhân thì không phải con người. Sao gọi là Năng Nhân, đó là thân thiết với người thân, thương yêu mọi loài, đó gọi là Năng Nhân. Duy chỉ có Đức Phật Thích Ca hiệu là Đại giác Năng Nhân, còn các hạng khác chỉ có khả năng tự giác mà không thể giác tha hoặc có thể tự giác, giác tha mà chưa thể giác hạnh một cách viên mãn. Đối với con người, họ có thể thương yêu người thân, nhưng không thể thương yêu được hết mọi người; có thể thương yêu con người nhưng không thể thương yêu được loài vật.

Đọc Chuyết Chuyết tổ sư ngữ lục, chúng ta thấy tư tưởng thiền học và phương pháp thuyết giảng của Thiền sư Chuyết Chuyết dù không phải là phương pháp mới, tư tưởng và phương pháp này đã được Đức Phật Thích Ca sử dụng trong kinh Tứ thập nhị chương, Pháp cú, Diệu pháp Liên Hoa… Nhưng có một điều hiển hiện rõ ở đây là khi trình bày, thuyết giảng bằng hai phương pháp này, người trình bày vừa phải có kiến thức uyên bác về các tôn giáo, vừa phải có cái nhìn khoáng đạt, lại vừa phải nắm bắt được tâm lý, trình độ nhận thức của người nghe. Tính linh hoạt trong lựa chọn phương pháp thuyết giảng, tính phù hợp với đối tượng thuyết giảng, là minh chứng rõ ràng nhất cho sự thành công của Thiền sư Chuyết Chuyết trong quá trình truyền bá Phật pháp đến với đại chúng.

 

Chú thích:

* Ths. Vũ Ngọc Định, Khoa Khoa học Xã hội, Trường Đại học Hồng Đức.

[1] Nhan đề sách do dịch giả Nguyễn Quảng Khải và ĐĐ. Thích Nguyên Đạt đặt.
[2][3] Nguyễn Quang Khải, Thích Nguyên Đạt (dịch, 2017), Chuyết Chuyết tổ sư ngữ lục, tr.15-16;84.
[4][5] Nguyễn Quang Khải, Thích Nguyên Đạt (dịch, 2017), Chuyết Chuyết tổ sư ngữ lục (dịch, 2017), tr.45-46;57-58.
[6] Nguyễn Quang Khải, Thích Nguyên Đạt (dịch, 2017), Chuyết Chuyết tổ sư ngữ lục (dịch, 2017), tr.99-100.
[7][8][9] Vũ Ngọc Định, Thích Nguyên Đạt, Thích Nguyên Hối (2017), Hành trạng chư Tăng Ni Thanh Hóa, tập 1, tr.38-40.

2 thoughts on “Về tư tưởng thiền học và phương pháp giảng thuyết của Thiền sư Chuyết Chuyết qua sách “Chuyết Chuyết Tổ sư ngữ lục” (Vũ Ngọc Định)

  1. pornxab.win says:

    I savour, leead to I discovered exactly whyat I used tto bee llooking for.
    You’ve eded mmy 4 day lengthy hunt! Godd Bless youu man. Havee
    a nie day. Bye

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *