
Nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo trân trọng trích đăng các bài viết thuộc tác phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hình thành và phát triển của Hòa thượng Thích Huệ Thông. Các bài viết được sắp xếp và biên tập để cung cấp cho độc giả gần xa biết về những khó khăn, thách thức và nỗ lực không ngừng nghỉ của bao thế hệ chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong suốt nhiều năm, nhằm xây dựng, bảo vệ và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
LUẬN CHỨNG CĂN BẢN ĐỂ HƯỚNG ĐẾN VIỆC XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Nhìn lại lịch sử hình thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chúng ta sẽ thấy mục đích ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981 là thống nhất các Giáo hội, tổ chức Hội và hệ phái Phật giáo trong cả nước quy về một mối, hoạt động trên tinh thần Hiến chương Giáo hội và quy định của pháp luật Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngay từ khi ra đời, Hiến chương Giáo hội, vừa nói lên lập trường, lý tưởng, quan điểm, phương hướng, đường lối và chủ trương của Giáo hội, vừa là kim chỉ nam (giống như là một bản lề) cho các chương trình hoạt động Phật sự từng nhiệm kỳ của Giáo hội được triển khai trên nguyên tắc nhất quán từ Trung ương Giáo hội đến các cấp cơ sở với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.
Như vậy, trong thời kỳ đầu, Hiến chương Giáo hội có vai trò quyết định mọi hoạt động của Giáo hội, trong đó mục đích chính là hình thành và ổn định bộ máy nhân sự, giúp cho Giáo hội vận hành guồng máy từ Trung ương đến địa phương được thông suốt và hoàn thành các mục tiêu mà chương trình hoạt động Phật sự đã được Trung ương Giáo hội đề ra trong từng nhiệm kỳ.
Trên phương diện lịch sử, nhất là trong bối cảnh xã hội sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, thì sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981 là nhằm ổn định tình hình an ninh, chính trị tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng. Chính vì vậy, mục tiêu thống nhất và ổn định tình hình nội bộ Phật giáo được đặt hàng đầu, còn các mục tiêu khác thì đều dựa vào chương trình hoạt động Phật sự của từng nhiệm kỳ, điều này cho thấy, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ tập trung vào việc hoạch định chiến lược ổn định bền vững, chứ chưa thật sự tập trung vào việc hoạch định chiến lược phát triển ngay khi thành lập, điều này hoàn toàn khác hẳn so với các tổ chức khác trong đời sống xã hội.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức tôn giáo mang tính đặc thù về giáo dục tâm linh và hoằng dương chánh pháp. Chính vì vậy, các chỉ tiêu và mục tiêu phấn đấu nhằm hướng đến một chiến lược phát triển và phát triển bền vững như tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngay từ ngày đầu thành lập cũng rất khó đưa ra những chỉ tiêu cụ thể, nhất là trong bối cảnh Phật giáo cũng như xã hội lúc bấy giờ đang cần đến sự nhất quán và ổn định trong mọi tổ chức đoàn thể. Từ thực tế này đã khiến cho chương trình hoạt động Phật sự trong từng nhiệm kỳ của Giáo hội vừa đóng vai trò hoạch định chiến lược phát triển ngắn hạn của Giáo hội, vừa đóng vai trò thừa hành, triển khai thực hiện các nội dung cần thiết đã đề ra trong nhiệm kỳ đang hoạt động. Và cũng chính vì vậy, qua mỗi nhiệm kỳ, Hiến chương Giáo hội từng bước được tu chỉnh, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu Phật sự trong tình hình mới. Tuy nhiên, sự tu chỉnh, bổ sung thêm các nội dung cần thiết vào Hiến chương Giáo hội qua mỗi nhiệm kỳ cũng chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động Phật sự trong hoàn cảnh hiện tại.
Mặt khác, trong công tác lãnh đạo điều hành, thường chúng ta căn cứ vào những giới hạn về một số hoạt động Phật sự chưa thực hiện được, như truyền thống bấy lâu nay chúng ta từng nêu lên trong các báo cáo tổng kết cuối nhiệm kỳ. Mãi đến nay, do bị động bởi cơ chế nên chúng ta vẫn chưa có bước đột phá trong hoạt động hoạch định chiến lược phát triển về lâu dài, nhất là từ nhiệm kỳ VIII trở đi, chúng ta mới tự tin mạnh dạn thể hiện tầm nhìn thời đại với quyết tâm nâng cao chất lượng trong mọi hoạt động Phật sự từ Trung ương đến các cấp Giáo hội theo định hướng “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển”. Do vậy, đã đến lúc chúng ta cần tận dụng những thuận lợi, phát huy yếu tố trí tuệ một cách toàn diện, sâu sắc nhất ngay trong công tác hoạch định sách lược của Giáo hội để hướng đến một chiến lược phát triển bền vững, bởi vì mọi hoạt động, từ công tác tổ chức, lãnh đạo, điều hành và cả giám sát của Trung ương Giáo hội đều xuất phát từ nền tảng ban đầu, đó là công tác hoạch định sách lược trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trên nền tảng trí tuệ và nguyên lý vận hành khoa học của hoạt động quản trị hành chánh, nếu chúng ta vận dụng và phát huy yếu tố trí tuệ đắc lực và hiệu quả ngay trong hoạt động hoạch định, chúng ta sẽ nhận ra những giới hạn ở tầm vĩ mô, những tồn tại mang tính căn cơ là nguyên nhân gây nên những giới hạn làm cản trở việc phát huy tối đa sức khai phóng, sáng tạo, năng động và tầm nhìn về hướng đi, cũng như những công tác tiên liệu về những diễn biến của xã hội trong bối cảnh hội nhập của Phật giáo và của đất nước, từ đó chúng ta sẽ thành công trong việc hiện thực hóa chủ đề “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển” và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Như chúng ta đã biết, hoạch định là chức năng đầu tiên và cũng là chức năng mang tính mũi nhọn trong quá trình quản trị, nó mang tính quyết định cho sự nghiệp phát triển và phát triển bền vững của tổ chức; chức năng này buộc nhà quản trị Giáo hội phải xác định mục tiêu của tổ chức, nắm vững hệ thống tổ chức, xây dựng phương án để đưa ra chiến lược tổng thể và kế hoạch chương trình cụ thể một cách chi tiết nhất nhằm thực hiện các mục tiêu hướng đến. Do đó, việc phát huy yếu tố trí tuệ trong công tác hoạch định của Giáo hội là việc làm cần thiết chúng ta phải thực hiện; hơn nữa, nếu chúng ta mong muốn có một chiến lược phát triển mạch lạc.
Nói đến trí tuệ trong tập thể nhân sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì chúng ta có quyền tự hào và khẳng định Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay là một tổ chức tập trung nguồn lực trí tuệ dồi dào, sung mãn nhất, cùng với đó, chúng ta đang có rất nhiều điều kiện thuận lợi, đó là chúng ta đang có định hướng “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển” nêu bật tầm nhìn thời đại và quyết tâm của chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội trong sự nghiệp xương minh Phật pháp và phát triển bền vững. Chúng ta cũng đang có chương trình hoạt động Phật sự với 9 nội dung quan trọng đã được Trung ương Giáo hội báo cáo tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2017 – 2022), đây sẽ là tiền đề cho những bước đi cụ thể tiếp theo. Ngoài ra, chúng ta còn được Nhà nước quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để Phật giáo phát triển và đóng góp cho Tổ quốc, chúng ta đang sinh hoạt, hành đạo và hoằng đạo với những thuận lợi nhất định mà văn minh tiện ích thời công nghiệp 4.0 mang đến.

Tôi chủ quan cho rằng, với nhiều thuận lợi như vậy, cùng với việc hoạch định có trí tuệ, hướng đến một chiến lược phát triển lâu dài bền vững, trên cơ sở làm sáng tỏ và tường tận những khó khăn cũng như nguyên nhân khiến cho những giới hạn trong hoạt động Giáo hội thì chúng ta có quyền hy vọng và niềm tin vững chắc về một tương lai hưng thịnh, tươi sáng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Đặc biệt, đến nhiệm kỳ VIII (2017-2022), căn cứ theo tình hình thực tế, phù hợp với yêu cầu phát triển trong xu thế hội nhập của Giáo hội và của đất nước, Giáo hội đã xây dựng chủ đề “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển”, thông qua tám chữ vàng “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển” đã cho chúng ta thấy, ở đó thể hiện rất rõ quyết tâm và tầm nhìn mang tính chiến lược, đáp ứng yêu cầu phát triển về lâu dài, chứ không còn đóng khung trong một nhiệm kỳ hay một giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên, vấn đề thiết yếu là Giáo hội làm thế nào để nắm chắc chiếc chìa khóa “Trí tuệ – Kỷ cương” để mở toang cánh cửa phát triển bền vững và tự tại trên bước đường hội nhập…
Có thể nói đây, là vấn đề trọng đại không chỉ giúp cho Giáo hội chuyển tải thành công mục đích ý nghĩa chủ đề “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển” đi vào đời sống, mà còn tự tin trong việc hiện thực hóa mọi chủ trương đường lối của Giáo hội.
Từ nhận định này, chúng tôi cho rằng, nếu hiện thực hóa chủ đề “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển” bằng công tác hoạch định có trí tuệ, một cách khoa học mang tính khả thi, chúng ta sẽ không còn nặng về hình thức hay lý luận, không còn đi theo lối mòn “rách đâu vá đó”. Ngược lại, mọi việc làm có mục tiêu cụ thể của chúng ta từ nay sẽ trở nên mạch lạc, trôi chảy, nhất là một khi chúng ta nhận ra những hạn chế về tầm nhìn chiến lược, trong đó có cả sự chưa dứt khoát và quyết đoán để tự tin, mạnh dạn đưa ra những quyết sách kịp thời trên tinh thần khế cơ khế lý, trên tinh thần thượng tôn Giới luật, Hiến chương Giáo hội và Pháp luật Nhà nước quy định.
XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU CỤ THỂ ĐỂ KIẾN LẬP CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ NHẦM XÂY DỰNG MỘT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Như chúng ta đã biết, tất cả tổ chức trong xã hội đều phải vận hành bộ máy để hoàn thành các mục tiêu đề ra, đồng thời mọi tổ chức không thể nào tách biệt với đời sống mà luôn có sự tương tác với môi trường bên ngoài để tồn tại và phát triển, sự tương tác đó cũng nhằm đáp ứng và thỏa mãn các yêu cầu của pháp luật và xã hội đối với tổ chức đó. Đối với mọi tổ chức trong đời sống xã hội, ngay khi hình thành của bất kỳ tổ chức nào cũng đều phải đề ra những mục tiêu cụ thể để phát triển ngắn hạn và hướng đến những mục tiêu cao hơn để phát triển lâu dài, đồng thời phải tiên liệu trước những biến động sắp diễn ra trên dòng chảy đời sống để kịp thời có đối sách ứng phó phù hợp. Do vậy, tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nếu muốn xây dựng một chiến lược phát triển bền vững cũng sẽ không ra ngoài quy luật này, nghĩa là cũng phải đặt ra những mục tiêu cụ thể cho sự phát triển trong mỗi giai đoạn và mục tiêu bao quát cho sự nghiệp phát triển lâu dài, nhất là đứng trước yêu cầu phát triển bền vững của Giáo hội thời hội nhập.
Nhìn lại lịch sử, kể từ khi hình thành, Giáo hội Phật giáo Việt Nam lấy Hiến chương làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động Phật sự của Giáo hội, về mặt tư tưởng, Hiến chương nêu bật lý tưởng, quan điểm, chủ trương, đường lối và phương châm hoạt động “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, đồng thời khẳng định “Lý tưởng giác ngộ chân lý hòa hợp chúng, hòa bình và công bằng xã hội của giáo lý Đức Phật, nhằm phục vụ dân tộc, Tổ quốc và nhân loại chúng sinh…”. Song song đó, về phương diện hành sự, Hiến chương Giáo hội còn có chức năng như một chiến lược tổng quát nhằm ổn định và kiện toàn bộ máy Giáo hội. Tuy nhiên, Hiến chương Giáo hội chỉ nhấn mạnh mục tiêu chung, đó là “Điều hòa hợp nhất các hệ phái Phật giáo Việt Nam cả nước để hộ trì và hoằng dương Phật pháp, phục vụ dân tộc và Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần hòa bình an lạc cho thế giới”, chứ không thể hiện chức năng hoạch định, nên chưa nêu lên những mục tiêu cụ thể nhằm đáp ứng cho yêu cầu phát triển từng giai đoạn và những mục tiêu rộng lớn hơn nhằm hướng đến một chiến lược phát triển lâu dài, vấn đề này luôn được hoạch định tại các kỳ Đại hội hoặc Hội nghị thường niên.
Chính vì lẽ đó, công tác hoạch định một cách khoa học, khế cơ khế lý, phù hợp với tình hình thực tiễn sẽ trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Chúng tôi cho rằng, kế hoạch và chương trình hành động với những mục tiêu cụ thể, chắc chắn tạo thế chủ động và nó sẽ là yếu tố quyết định thành công cho mọi hoạt động Phật sự của Giáo hội. Hơn nữa, dưới cái nhìn trí tuệ và khoa học, trong mọi cơ cấu tổ chức, hoạch định là quá trình xác định những mục tiêu đồng thời đề ra các kế hoạch, chiến lược, biện pháp tốt nhất để thực hiện mục tiêu đó. Đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng vậy, việc xác định những mục tiêu cụ thể cho một chiến lược phát triển bền vững phải dựa trên những yêu cầu thực tiễn của Giáo hội và hoàn cảnh xã hội.
Từ nhận định này và căn cứ vào những mặt giới hạn mà Trung ương Giáo hội tự đánh giá, cũng như những nội dung chương trình hoạt động Phật sự được Trung ương Giáo hội nêu lên trong nhiệm kỳ VII (2012 – 2017) và nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022), chúng tôi xin nêu lên một số mục tiêu cơ bản tổng quát cho một chiến lược phát triển bền vững của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, như sau:
1.Mục tiêu xây dựng nguồn nhân sự bền vững
a. Về việc thâu nhận người xuất gia
Thực tế qua chiều dài lịch sử 40 năm hình thành, ổn định và phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho thấy, nguy cơ bất ổn ngay trong lòng Phật giáo, chính là yếu tố con người, điều này được thể hiện, dàn trải trong đời sống tu học và sinh hoạt của một bộ phận Tăng, Ni trẻ, đặc biệt là đối với một bộ phận Tăng, Ni trẻ thể hiện lối sống tùy tiện, vô tổ chức, xem thường giới luật và kỷ cương quy định của Giáo hội, đây chính là mối nguy cơ tiềm ẩn những bất ổn mang tính chủ quan, nó âm ỉ lâu dài và rất khó giải quyết dứt điểm ngay trong lòng Phật giáo; nguy hiểm hơn, những nguy cơ tiềm ẩn này lại được môi trường văn minh thời đại, từ mặt trái các trang mạng xã hội lôi cuốn hấp dẫn một bộ phận Tăng, Ni trẻ thiếu nền tảng đạo đức, từ đó dẫn đến đời sống hướng ngoại, thiên về thế tục, ngày càng đánh mất lý tưởng của người xuất gia.
Từ nhận thức lệch lạc đó, cùng với sự cám dỗ của thế giới vật chất và mặt trái của các tiện ích thời đại mang đến, đã khiến cho nền tảng đạo đức của họ ngày càng bị xuống cấp, sa đọa, khiến cho Giáo hội phải gánh chịu sự tổn thương cũng như ảnh hưởng đến uy tín mà cả hệ thống Tăng già phải mất nhiều trí tuệ công sức gầy dựng, đồng thời đây cũng chính là rào cản trên bước đường phát triển bền vững của Giáo hội. Suy cho cùng, nguyên nhân chủ quan vẫn là do Giáo hội các cấp thiếu sự giám sát chặt chẽ, nhất là các vị thầy Bổn sư, các vị trụ trì tại các cơ sở tự viện đã chưa thể hiện tính nghiêm minh trong việc sâu sát về mặt nhân cách đạo đức của đệ tử trước khi cho họ xuất gia, cũng như giáo huấn sau khi xuất gia. Do vậy, việc Giáo hội thể hiện tốt vai trò chức năng kiểm soát, chắt lọc, nghiêm minh, kiên quyết trong việc thâu nhận những người xuất gia đến với môi trường đạo pháp, sẽ được xem là một trong những mục tiêu hàng đầu cho một chiến lược phát triển bền vững của Giáo hội thời hội nhập.
b. Về nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo Tăng tài
Nhìn vào tình hình hiện nay, chúng ta ngày càng thấy rõ truyền thống và hiện đại là hai yếu tố song hành trong đời sống, đối với Phật giáo Việt Nam, tu hành và hoằng pháp lợi sanh vốn là sinh hoạt truyền thống; song song đó, những tiện nghi thời đại cũng đã giúp việc tu học và hành đạo được thuận lợi hơn. Tuy nhiên, các phương tiện vật chất từ nền văn minh thời đại mang đến cũng khiến cho một bộ phận không nhỏ trong giới Tăng, Ni trẻ dễ bị lôi cuốn vào những mục đích không thật sự cần thiết, thậm chí không lành mạnh; trong khi đó, khả năng thay đổi hoàn cảnh sinh hoạt để thích ứng với yêu cầu thời đại vẫn chưa được vận dụng một cách thỏa đáng, chưa thật sự bắt nhịp với sự phát triển của thời đại, điều này đặt ra trong bản thân Giáo hội cần phải có một sự đổi mới toàn diện, trong đó nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo Tăng tài phải là mục tiêu lớn của Giáo hội, môi trường giáo dục Phật giáo và chương trình đào tạo mang tính đặc thù của Phật giáo thời nay phải thỏa mãn hai điều kiện, đó là vừa trang bị kiến thức Phật học, vừa chú trọng công phu tu hành theo truyền thống Phật giáo, đồng thời phải thích ứng trào lưu tiến hóa nhằm đáp ứng trước những yêu cầu hoằng pháp của xã hội thời hiện đại.
Do vậy, để kết hợp và dung hòa một cách trí tuệ giữa hình thái truyền thống và hiện đại nhằm xây dựng một chiến lược phát triển bền vững, trước mắt Trung ương Giáo hội cần phải tập trung vào mục tiêu đào tạo nguồn nhân sự kế thừa thực tu thực học, cụ thể là nâng cao chất lượng đào tạo Tăng tài có kiến thức vững vàng trong từng chương trình, từng lĩnh vực đào tạo, có môi trường tốt để học Tăng công phu tu hành. Nguồn nhân sự được đào tạo phải có phẩm hạnh đạo đức, có thành tích học tập và hành trì theo thời khóa quy định của nhà trường. Bên cạnh đó, Giáo hội phải kiên quyết đào thải những Tăng, Ni sinh không thể hiện sự nghiêm trì giới luật và tu hành nghiêm túc trong môi trường giáo dục do nhà trường quy định. Để có chất lượng và điều kiện vững chắc trong việc học tập, nên chăng ngành Giáo dục Giáo hội nghiên cứu mô hình xây dựng trường Phật học chuẩn cho Tăng Ni sinh tập trung học theo từng khu vực.
Mục tiêu quy hoạch nhân sự
Sự lớn mạnh của Tăng già và hoàn thiện khâu tổ chức nhân sự là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển bền vững của Giáo hội. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự giới hạn ở khâu nhân sự, cho đến nay Giáo hội vẫn chưa có chiến lược quy hoạch nguồn nhân sự một cách bài bản. Theo truyền thống, việc đề cử nhân sự vào Giáo hội thường chú trọng vào mặt phẩm hạnh và tuổi đạo (hạ lạp), nhưng lại ít quan tâm đến yếu tố năng lực và tình trạng sức khỏe Trong khi đó, yêu cầu thực tế cho thấy, ngoài yếu tố căn bản là phẩm hạnh đạo đức, thì sức khỏe và trình độ năng lực lại là những điều kiện rất quan trọng để gánh vác Phật sự lâu dài, tiêu chí cần thiết ít nhất cũng phải đủ “thực” và “lực” để điều hành công tác Giáo hội giao phó trong mỗi nhiệm kỳ, chứ không phải chỉ nhậm chức trên danh nghĩa, chính vì vậy mà Giáo hội cần chọn ra những vị hội đủ các điều kiện về phẩm hạnh đạo đức, tầm nhìn, năng lực, nhiệt huyết, đồng thời phải đảm bảo sức khỏe để đảm nhận trọng trách trong suốt nhiệm kỳ. Ngoài ra, bản thân mỗi vị Tăng, Ni được cắt cử vào các vị trí, dù ở Ban, Viện, hay một ngành nào đi nữa thì cũng phải biết trọng dụng nhân tài, không thiên vị khi sử dụng nhân sự yếu kém năng lực, dứt khoát khước từ những người thiếu phẩm hạnh đạo đức, đồng thời phải biết cấu trúc tổ chức, hoạch định và phân bổ công việc hợp lý, để tạo nên một guồng máy vận hành năng động, hiệu quả, thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương Giáo hội cho đến Ban Trị sự các cấp, có như vậy thì mới có thể đáp ứng yêu cầu phát triển chất lượng và bền vững của Giáo hội.
Quy hoạch nhân sự là công tác quan trọng cho sự nghiệp phát triển bền vững của Giáo hội, thế nhưng lâu nay, công tác quy hoạch nhân sự chỉ được tiến hành trong các kỳ diễn ra đại hội, mỗi nhiệm kỳ diễn ra trong 05 năm, thời gian này không phải là ngắn, nhưng theo truyền thống thì đến hết nhiệm kỳ, công tác này mới được thực hiện trở lại. Như vậy, trong khoảng thời gian này, công tác tổ chức nhân sự dường như bị bỏ ngỏ, điều này đồng nghĩa với trong 5 năm đó những người dù hội đủ các điều kiện và tâm huyết cống hiến (giới hạnh, năng lực, tâm huyết và sức khỏe) nhưng chưa được cơ cấu vào tổ chức, thì phải chờ cho đến hết nhiệm kỳ mới được tham gia đóng góp công sức trí tuệ cho Giáo hội, điều này quả thật là lãng phí, chưa thật sự phù hợp với yêu cầu phát triển trong hoàn cảnh thời hội nhập.
Do vậy, đã đến lúc Giáo hội nên tiến hành thành lập bộ phận chuyên trách về công tác nhân sự, Trung ương Giáo hội sẽ giao nhiệm vụ cụ thể và tạo điều kiện thuận lợi để bộ phận phụ trách công tác nhân sự hoạt động hiệu quả. Bộ phận chuyên trách công tác nhân sự có nhiệm vụ trọng tâm là thường xuyên tập trung theo dõi, giám sát tình hình nhân sự cho Giáo hội, theo đó, quy hoạch nhân sự từ xa, tham mưu và đề xuất với lãnh đạo Trung ương Giáo hội việc cơ cấu và bổ nhiệm nhân sự khi cần thiết trước yêu cầu thực tế. Bộ phận chuyên trách công tác nhân sự của Giáo hội, ngoài việc quy hoạch và bố trí nhân sự, còn có nhiệm vụ mở các khóa bồi dưỡng định kỳ về nghiệp vụ chuyên môn cho các thành viên trong Giáo hội, đồng thời có kế hoạch gạn lọc và bổ sung thành phần nhân sự hội đủ điều kiện phục vụ lâu dài cho Giáo hội. Trong xu thế hội nhập, để đạt được sự phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu hoằng pháp độ sanh trong bối cảnh thời đại, Giáo hội rất cần một định hướng và kế hoạch lâu dài mang tính chiến lược về quy hoạch nhân sự, bố trí thành phần nhân sự trong cơ cấu Giáo hội phù hợp với khả năng, tình hình thực tiễn trong hoàn cảnh thời đại.
Mục tiêu tổ chức, lãnh đạo, điều hành
Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng là một tổ chức hành chánh. Do vậy, để phù hợp với yêu cầu phát triển trong bối cảnh thời đại, Giáo hội cũng cần đổi mới về mặt hành chánh, nhất là trong các kỳ Đại hội, những quyết sách, những nội dung quan trọng đã được đề ra trong chương trình hoạt động Phật sự mỗi nhiệm kỳ, một khi đã thống nhất thông qua, thì phải được thực thi. Đồng thời, đối với công tác tổ chức, lãnh đạo, điều hành, để nâng cao chất lượng Phật sự và chủ động trong công tác quản lý điều hành, Hội đồng Trị sự cần có một bộ phận chuyên trách về sách lược định hướng phát triển Giáo hội, với đội ngũ nhân sự là các vị giáo phẩm trong Ban Thường trực Hội đồng Trị sự.
Tại các kỳ họp của Hội đồng Trị sự, chư Tôn giáo phẩm trong Ban Thường trực và các Ủy viên của Hội đồng Trị sự cần phải thể hiện vai trò sâu sát tình hình thực tiễn, có trách nhiệm cùng Trung ương Giáo hội nâng cao chất lượng Phật sự, mỗi thành viên phải đảm nhận từng công việc cụ thể và tích cực hoạt động để hoàn thành sứ mạng được giao. Mặt khác, trong các kỳ Hội nghị thường niên và Đại hội Phật giáo toàn quốc, ngoài những hoạt động mang tính truyền thống (khai mạc, báo cáo thành quả, tôn vinh, khen thưởng, bế mạc), thiết nghĩ Giáo hội nên dành nhiều thời gian cho đại biểu nhận định, phân tích sâu vào từng vấn đề chưa hoàn thiện hoặc chưa giải quyết rốt ráo, về mặt khuyết điểm, Giáo hội cần nêu rõ những nguyên nhân gây nên sự tồn đọng, giới hạn, qua đó đề ra từng mục tiêu cụ thể cho các Ban, Viện, Ban Trị sự các cấp trong nhiệm kỳ tới, như vậy sẽ giúp Trung ương Giáo hội tập trung vào các vấn đề trọng tâm, thay vì thiên về hình thức.
Xoay quanh mục tiêu tổ chức, lãnh đạo, điều hành, nhằm gắn kết hoạt động Phật sự giữa Trung ương Giáo hội với Ban Trị sự Giáo hội cấp tỉnh, thành, đồng thời để tăng cường công tác tham mưu cho Trung ương Giáo hội thuận lợi trong việc nắm bắt tình hình hoạt động Phật sự, cũng như xử lý kịp thời những khó khăn vướng mắc của Giáo hội các cấp cơ sở, Trung ương Giáo hội nên có kế hoạch thành lập bộ phận chuyên trách về công tác tham mưu, từ đó Trung ương Giáo hội sẽ tạo sự gắn kết, sâu sát với tình hình công tác Phật sự của các đơn vị trực thuộc trên cả nước. Để thực hiện điều này, Trung ương Giáo hội cần tiến hành hội nghị bàn về công tác tham mưu, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng vị bằng văn bản, nêu rõ vai trò, chức năng và trách nhiệm tham mưu cho Giáo hội trên địa bàn mình phụ trách, thường xuyên giao ban với các vị Trưởng Ban Trị sự tỉnh thành.

Như vậy, các vị Trưởng ban Trị sự Giáo hội các tỉnh, thành vừa là cán bộ lãnh đạo đơn vị trực thuộc, vừa giúp bộ phận tham mưu của Trung ương Giáo hội phụ trách công tác tham mưu ngay đơn vị mình lãnh đạo. Có thể nói, đây là quyết sách trí tuệ, khoa học, hợp lý cho sự sâu sát và gắn kết trong mọi hoạt động Phật sự giữa Trung ương Giáo hội và Giáo hội các cấp tại địa phương. Đối với các Ban, Viện trực thuộc Trung ương Giáo hội thì cũng theo phương cách này thực hiện, chúng tôi chủ quan cho rằng, với cách làm này, những vướng mắc tồn tại hay khó khăn sẽ nhanh chóng tháo gỡ, đồng thời, đối với những địa phương chưa bắt kịp các đơn vị bạn, chưa hòa nhập vào sự phát triển chung của Giáo hội thì qua mô hình này sẽ nhanh chóng khắc phục những mặt còn yếu kém trong thời gian nhanh nhất.
Một trường hợp nữa, với vai trò tổ chức, lãnh đạo, điều hành mọi hoạt động Phật sự của Trung ương Giáo hội. Thiết nghĩ, chư Tôn đức lãnh đạo Hội đồng Trị sự cần quan tâm xem xét để chỉ đạo công tác quy hoạch môi trường giáo dục đào tạo tại các cấp cơ sở sao cho tinh gọn, ít tốn kém mà đạt hiệu quả, đó là tình trạng hoạt động giáo dục đào tạo tại Giáo hội cấp tỉnh, thành diễn ra tràn lan, hầu như tỉnh thành nào hiện nay cũng đều thành lập Trường Trung cấp Phật học, điều đáng nói là sau khi mở trường, đơn vị nào cũng đều mong muốn có đông Tăng, Ni theo học. Tuy nhiên, hiện nay Tăng, Ni địa phương nào phải tòng học tại địa phương đó, điều này dẫn đến tình trạng nhiều trường sau khi khai giảng chỉ có vài chục học Tăng, đó là chưa nói đến chất lượng đào tạo không cơ quan nào kiểm chứng. Trước tình hình bất cập này, nên chăng chúng ta cần tập trung về một vài trường trong khu vực vùng, miền có môi trường giáo dục tốt, có quy mô từ cơ sở vật chất, điều kiện học và tu, cho đến chất lượng đội ngũ giáo thọ có năng lực và trách nhiệm cao trong ngành giáo dục Phật giáo.