Ý thức về môi trường sinh thái qua ca dao, tục ngữ Nam bộ (Trần Bảo Định)

Thuận theo con nước hai buổi lớn ròng và biết lấy đó làm lợi cho cuộc sống cá nhân, không phạm kỵ nghịch ý tự nhiên. Đó là quan điểm vừa nước vừa cái – vừa người vừa mình không ép buộc ai, kể cả môi trường tự nhiên.

ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI NAM BỘ VÀ NHẬN THỨC SINH THÁI QUA CA DAO TỤC NGỮ

Biến đổi về khí hậu, cuộc sống con người cũng biến đổi trên nhiều phương diện. Ắt hẳn có những biến đổi nao lòng, sự tiêu biến của đời sống sinh hoạt đậm đà tình nghĩa. Ruộng hoang hóa là đất hứa cho cỏ dại ngẩng cao đầu, còn bông lúa vàng rơm trĩu hạt cúi đầu chờ người gặt hái thì đã biệt tăm. Ví như, nông dân vùng nước nổi buồn bã bởi họ tiếc nuối cảnh chiều về đầm ấm bên nồi cá kho, canh chua bông điên điển… ngồi quay quần bên nhau uống chung rượu tình nghĩa, hò điệu hò xứ sở hoặc hát vài câu vọng cổ quê nhà sau một ngày giăng câu thả lưới bắt cá, tôm giữa trời quê hương nước tràn đồng, trắng ruộng. Mùa cá linh cũng chỉ còn là dư vị của trí nhớ, trở thành ký ức trong tâm hồn của nhiều người (hỏi những thanh niên xa quê, chẳng mấy người còn nhớ…). Những người còn bám trụ với đồng ruộng năm nào, vừa cực vừa khổ nay rơi vào cảnh ngộ “chẳng đặng đừng”. Mối liên hệ buộc ràng máAu thịt với đồng ruộng xưa nay của họ tuột mối sút dây; dấu ấn “văn minh lúa nước” lần hồi nhạt phai trở thành ký ức. “Nước” trong đời sống tâm hồn, trong văn hóa dân gian Nam Bộ có nguy cơ mai một. 

“Thương hoài sông nước Tiền Giang
Thuyền trăng nhớ bến về nơi hẹn hò
Đêm dài thức với Mỹ Tho
Sông Tiền vọng lại tiếng hò quê hương”.

Nói rõ nhận thức của người bình dân Nam Bộ về tự nhiên, chi bằng nói đến sự hiểu biết của họ về con nước. Cuộc sống gắn liền với sông nước, kế sinh nhai cũng cần có nước, tự khắc phải nắm bắt quy luật vận động của nước mới mong sống nổi ở vùng đầm lầy nước đọng. Người dân Cà Mau (An Xuyên), cũng như mọi người dân Nam Bộ đều hiểu và biết rõ con nước quê mình. Có đôi vần ca dao như:

“Sông sâu nước chảy, mồng bảy kém rồi,
Tảo tần chi cho lắm, cái nồi cũng ra ơ”.

Hay:

“Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi!
Mua bán chẳng lời, chèo chống mỏi mê”.

Nắm bắt con nước, họ gửi gắm tình ý hoặc “để dành” kinh nghiệm “sinh thái môi trường” ấy nhằm thuận tiện làm lụng canh tác. Chỉ cần bấm đốt ngón tay là họ có thể tính ra được thời khắc nước lớn, nước ròng Mùng mười nước chảy, Mười bảy nước rông [1]. Giả tỷ, có người cho rằng nông dân Nam Bộ còn hạn chế kỹ thuật canh tác nên lệ thuộc vào con nước mà không biết làm “thủy lợi”. Nhưng xét ra, cái ý làm thủy lợi kia có khi “lợi bất cập hại” và cũng có lúc đi ngược lại tự nhiên (chinh phục tự nhiên/xâm lược tự nhiên) bắt tự nhiên phục vụ lợi ích con người hay sao. Còn người bình dân, thuận theo con nước hai buổi lớn ròng và biết lấy đó làm lợi cho cuộc sống cá nhân, không phạm kỵ, nghịch ý tự nhiên. Đó là quan điểm vừa nước vừa cái – vừa người vừa mình không ép buộc ai, kể cả môi trường tự nhiên. Chính vì lẽ đó, khiến người bình dân Nam Bộ không “đành lòng” cũng không dám ngông cuồng, kiêu ngạo làm điều trái đạo với tạo vật trời đất. Vì mang ơn nên tôn trọng, trọng nên kính, kính nên sợ, biết sợ thành ra có kiêng cữ.

“Bốc mả kiêng ngày trùng tang
Trồng khoai lang kiêng ngày gió bấc”.

Nhận thức vấn đề sinh thái, cho đến tái kết nối sinh thái, có thể nhắc lại chuyện một vài người thành phố nhớ quê xưa. Thèm một cơn gió sau vườn, nhớ con cá dưới sông, nhớ tiếng trâu “nghé ngọ” trên đồng, luyến tiếc mùa gặt lúa trĩu hạt vàng rơm rực nắng giữa trời quê… họ háo hức trở về chốn quê xưa và không ngần ngại bỏ lại sau lưng thành phố nhộn nhịp, bộn bề. Phải vậy mới thấy, trong sâu thẳm mỗi con người, dù xa xứ bao nhiêu năm vẫn không quên được con nước phù sa trên mảnh đất chôn nhau, cắt rốn. Nhận thức sinh thái đó, thật bền thật chặt và rất sâu kín dù có thể ẩn tàng nhưng không mất đi. Du lịch sinh thái hiện nay ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã nói lên đầy đủ điều đó và vấn đề được nhận thức sâu sắc, mở rộng, phổ biến với sự kết nối đa chiều tạo thành một “hệ sinh thái du lịch”.

Lấy “chủ nghĩa nhân văn mới” như cách nói Tây phương, song theo lời ăn tiếng nói Nam Bộ thì ấy là hàn gắn vết thương lòng của mẹ quê và biết trả lại cho mẹ quê vẻ đẹp hồn hậu tự nhiên vốn có, cũng nhờ đó con người sống được bằng chính vẻ đẹp thuần khiết, chất phác của từng cây mận, cây quýt, cây ổi…, từng con cá, con chim, con gà, con vịt…, thấm đẫm tình quê, đong đầy nhung nhớ! Nhìn lu “mái vú”, lu da trơn đựng nước mưa, bất chợt thấy nhớ chái bếp sau hè; ngó giàn bầu, bí trổ bông bên bờ bỗng dưng thấy nhớ cầu ao mẹ tắm cho con những ngày trưa hè đầy hoa nắng… Người thành phố dẫn con trẻ về lại quê nhà, chỉ tay cho con biết cây ra hoa, kết trái như thế nào; dẫn con ra thăm cánh đồng để con trẻ ngó biết đồng ruộng Cửu Long; cho con tát nước để con trẻ cảm nhận được cái mát ngọt phù sa trong dòng nước sông quê… Những trải nghiệm đó, đánh thức sự biết, thấy của con trẻ và hơn nữa sẽ trở thành vốn liếng cho con mai này sống với nhân quần khắp cõi thế gian. Không những vậy, chính những người trưởng thành xa quê, luân lạc mưu sinh khắp các bờ bến cũng bỗng dưng chợt nhớ ra hình bóng tổ tiên, ông bà, cha mẹ với nhà cửa vườn tược thời thơ ấu, gắn kết lại phần tâm hồn tưởng đã bị bụi đường sinh nhai phủ mờ.

“Ở đâu rồi cũng nhớ nhà
Nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ bà con xưa”.

(Trần Bảo Định)

Nhận thức sinh thái môi trường mà con người Nam Bộ đang gìn giữ (thông qua du lịch) thực chất mang ý nghĩa giáo dục. Mô hình này, vô hình trung cho thấy căn bản tâm hồn Nam Bộ vẫn còn đó lòng tôn trọng trân quý tự nhiên. Mỗi địa phương mang một phong cách, nét thú vị riêng và miền sông nước không chỉ có sông nước mà nó còn ẩn chứa nhiều điều bất ngờ, thú vị. Trở lại với thiên nhiên môi trường, con người bỗng ngỡ ngàng nhận ra và luống những mong muốn gầy dựng lại cuộc sống hài hòa trời đất mà trước đây người đời trước đã từng sống, từng chắt chiu, vun đắp với hoài bão để lại di sản thiên nhiên cho người đời sau. 

CÁC NGUYÊN TẮC SINH THÁI CỦA CON NGƯỜI NAM BỘ

Nguyên tắc biết ơn

Từ buổi khẩn hoang với trình độ canh tác hạn chế, việc lao động sản xuất của người Nam Bộ xưa còn rất nhiều lệ thuộc vào thiên nhiên. Việc này đưa lại bất lợi và gây không ít khó khăn nhất định. Cuộc sống con người lắm khó khăn, nhiều vất vả nên con người chẳng mong gì hơn là cuộc sống được thảnh thơi, no ấm. Do đó, họ cầu mong mưa thuận, gió hòa để công việc đồng áng thuận lợi, sản vật phong phú, tốt tươi, đủ ăn, đủ mặc.

“Nhờ trời mưa thuận gió hòa
Lúa vàng đầy ruộng, lời ca đầy đồng”.

Hay:

“Lia thia là lộc đất trời
Sinh sôi nảy nở nuôi người khai hoang”.

(Ca dao)

Trước sự hào phóng của thiên nhiên, con người cảm tức, sinh ra lòng biết ơn. Nên có những tục lệ cúng bái để lễ tạ trời đất, tổ tiên [2] (chẳng hạn tục cúng thần Nông ở Hưng Điền xưa). Ca dao có câu:

“Ơn trời mưa nắng phải thì,
Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu
Công lên chẳng quản lâu đâu,
Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng.
Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang,
Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu.”

Hoặc là:

“Cám ơn hạt lúa nàng co
Nợ nần trả hết, lại no tấm lòng.”

(Ca dao)

Thiên nhiên tạo vật mang lại cuộc sống cho con người. Trời đất nuôi người và ban cho món ăn, thức uống. Người đáp nghĩa lớn, đền công “dưỡng nhơn” bằng tấm lòng ghi ơn, gìn giữ. Người nhà quê suy nghĩ rất đơn giản “ăn cây nào, rào cây nấy”. Môi trường tự nhiên ban tặng sản vật cho con người – đó là ơn. Con người bảo vệ tự nhiên môi trường – đó là nghĩa. Ơn nghĩa là nguyên tắc sinh thái mà người dân quê bấy lâu hằng gìn giữ, cho dù “vật đổi sao dời” đến giờ họ vẫn không hề đơn sai.

Nguyên tắc tôn trọng

Hay nói về con cọp/hổ với lòng tôn trọng. Cọp tượng trưng cho cái dữ, cái ác, cái hùng.

“Chèo ghe sợ sấu ăn chưn
Xuống bưng sợ đỉa, lên rừng sợ ma.”

(Ca dao)

Nói sợ, nhưng chẳng phải sợ. Người bỏ xứ đi khẩn hoang, lập điền nơi vùng hoang địa, thì đâu là kẻ nhát gan mà phải sợ cọp; cả đàn bà, con gái cũng biết cầm côn, mác, liềm hái… sẵn sàng chống cự với “ông ba mươi” [3]. Người Nam Bộ kính trọng/ tôn trọng cọp; điều này đồng nghĩa tôn kính tự nhiên. Rằng tự nhiên có cái linh tính vận hành với sức mạnh và quy luật riêng. Lưu dân đến đây, tức là khách – kẻ lạ – xâm nhập vào “lãnh địa” của “ông ba mươi”. Vậy nên, phải tôn trọng chúa sơn lâm, những mong được nhập địa, lập điền, gầy dựng cuộc sống. Đó cũng là nhận thức về lẽ phải, sống biết điều, sống có trước sau của người Nam Bộ. Phàm đã mang ơn tự nhiên thì phải ghi ơn, phải thờ phụng. Hơn nữa, hình ảnh hổ/cọp hay xuất hiện ở trước miếu mạo, đình chùa, những nơi thờ tự với vai trò hộ pháp [4]. Có lẽ, cũng xuất phát từ cảm thức con cọp là loài vật có sức mạnh (vừa có thể hại người cũng có thể cứu giúp người) và đứng đầu chuỗi thức ăn (lưới thức ăn) trong khu vực hệ sinh thái. Vai trò chẳng khác gì người “kiểm lâm” giữ cho cấu trúc sinh thái ổn định, cân bằng, có trật tự. Phải chăng, vì vậy mà hổ hiện diện như người giữ gìn an yên cho xóm làng, dần được thờ phụng. Chẳng hạn, Dinh Ông với cái am nhỏ thờ Cả Cọp bên bờ rạch Dinh ở xã An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An; hay miếu thờ Ông Hổ ở Long Trung, Hội Xuân ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Có lẽ vậy, hễ ai phạm điều sai quấy thường bị người đời quở “hùm tha sấu bắt”.

Nguyên tắc hài hòa, phối ứng (thích nghi)

Không có gì ngạc nhiên hay lạ khi nói rằng, con người đã biết nhìn tự nhiên mà đặt để cách ăn, ở, sinh hoạt, lao động:

Trông trời, trông đất, trông mây
Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm
Trông cho chân cứng, đá mềm
Trời yên, biển lặng mới yên tấm lòng.

(Ca dao)

Người dân Nam Bộ vốn dĩ thấm nhuần hình ảnh ước từ buổi lọt lòng: Nước lớn, ròng ngày hai lượt ăn sâu vào tâm thức từ thuở nào. Nước là sự sống. Nước có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời người và điều quan trọng ấy không thể tách rời với quan niệm sinh thái của người Nam Bộ. Do vậy, họ nhất định sống, chết giữ gìn nước. Dấu ấn nước trong văn học dân gian (ca dao dân ca) cho thấy rất rõ về ý thức đó. Biết rằng, trời đất có cơ chế vận hành riêng. Cơ tạo có sắp đặt, có trật tự. “Ông trời ổng tính hết rồi”, nói vậy không có nghĩa “mê tín” phụ thuộc siêu nhiên mà không chủ động trong cuộc sống hay phó mặc cho trời. Chẳng phải vậy! Kỳ thực, đó là ý thức về cấu trúc và cơ chế sinh thái. Người dân Nam Bộ hiểu rằng phàm việc gì cũng có nguyên do. Từ biểu hiện thời tiết đến sinh quán cây cối, con vật cũng có nguyên do, nguyên lý của nó. Bởi vậy, một khi phạm kỵ hoặc phá vỡ lệ thường trời đất tạo vật cũng có nghĩa là phá vỡ cân bằng của nó. Con người biết vậy nên sống thuận theo quy luật tự nhiên, đó cũng là lẽ thường không mang ý định cưỡng bách, chinh phục, đi ngược lại mà biết sống nhu thuận mùa nào, thức nấy:

“Tháng Chạp là tháng trồng khoai
Tháng Giêng trồng đậu, tháng Hai trồng cà
Tháng Ba cày vỡ ruộng ra
Tháng Tư làm mạ, mưa sa đầy đồng.”

(Ca dao)

Về sau này, các loại cây trồng, vật nuôi thường được con người lai tạo và phun thuốc kích ra hoa, đậu trái nghịch mùa. Trước mắt và tức thời có thể đạt được lợi ích dồi dào, nhưng trong lợi ích dồi dào đó có điều tàng ẩn hậu quả, ví như các loại thuốc kích thích ra hoa trái mùa, thuốc bảo vệ thực vật có thể ảnh hưởng đến sinh quyển, đến sức khỏe con người [5]. Những tác động tiêu cực đến thiên nhiên sẽ nhận phản hồi nghiệt ngã gấp bội lần và thế hệ tiếp nối sẽ là người nhận gánh chịu hệ quả. Ông bà xưa chẳng phải đã dạy con cháu “ăn theo thuở, ở theo thời”. “Thời – thuở” trong tự nhiên đặt để “thời – thuở” trong mối quan hệ xã hội. Hai thiết chế “tự nhiên” và “xã hội”, tưởng chừng cách biệt như hai sinh giới “hữu sinh” và “hữu tình”. Thế nhưng, hữu sinh và hữu tình không cách biệt mà ngược lại, chúng bao hàm lẫn nhau. Người bình dân ý thức được điều này, nên dựa trên “thời – thuở” trong tự nhiên, bày ra lễ tiết, tập tục trong xã hội. Hài hòa là đạo thường và biết sống phối ứng với tự nhiên chính là lẽ tự nhiên của sinh hiện con người.

Quả là tình người đáng trân quý trước vẻ hung hiểm của thiên nhiên trời đất. Người Việt cũng như người Khmer, đều biết sống chan hòa cùng nhau. Người Khmer quen sống trên đất gò; người Việt thích sống nơi đất sậy đế, lau lách, đầm lầy và nhất là cận sông, cuối rạch. Lợi ích không đụng chạm, hay qua lại, giúp đỡ, giao lưu. Tính mỗi người mỗi khác, song họ biết tôn trọng nhau để sống chan hòa, không ưa tranh đoạt. Với thiên nhiên cũng vậy, người Nam Bộ không đối đầu với tự nhiên. Quan sát và rút kết tập tính loài vật, để cả người và vật có phương cách chung sống. “Cọp chỉ ở rừng gừa ven sông; sấu không dám vô rạch nhỏ, nếu có thì chỉ bén mảng ngoài vàm. Cứ xốc một hàng cừ chận ngang lại là yên” [6]. Bà con có câu:

“U Minh, Rạch Giá thị quá sơn trường
Dưới sông sấu lội trên rừng cọp đua.”

(Ca dao)

Chẳng những vậy, người thời đó thường gọi cọp, sấu bằng biệt danh mấy ông gác rừng. Không riêng gì cọp, sấu, kể cả nạn hoành hành phá hoại ruộng lúa bởi chim chóc, chuột, khỉ, heo rừng… người Nam Bộ dựa trên tập quán giải trừ nạn phá hoại, không phải cái gì đi ngược lại lợi ích con người thì con người ra tay giết hại. Chuyện có người kể, nạn voi phá ruộng, dân muốn giữ đất, giữ huê lợi nên  nhờ người Khmer báo về Bảy Núi, Cần Vọt (Cần Bột – Kampot) và liền sau đó có thầy chuyên môn đến “rước” các ông Voi về nuôi [7]. Rõ ràng, từ chỗ biết tôn trọng, con người biết tìm cách chung sống. Điều này, trở thành nguyên tắc sống và bảo vệ môi trường sinh thái lâu đời. Nhưng e rằng, đời sống kỹ nghệ và sự lây nhiễm chủ nghĩa vị kỷ dưới áp lực “phát triển, tích lũy vật chất” có thể đẩy con người hiện thời tàn phá và tận diệt môi trường sinh thái tự nhiên.

Cám ơn hạt lúa nàng co
Nợ nần trả hết, lại no tấm lòng
(Ca dao)

Nguyên tắc gìn giữ (để dành) và chia sẻ

Nhiều người vẫn nghĩ, cư dân Nam Bộ với sản vật thiên nhiên phong phú thường có tính “bạt mạng” ăn xài phung phí. Đó chỉ là cái nhìn bề ngoài, chớ kỳ thực cư dân Nam Bộ muốn có cái ăn thì họ phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”:

Tháp Mười nước mặn, đồng chua
Nửa mùa nắng cháy, nửa mùa nước dâng.

(Ca dao)

Nhưng, cùng cảnh khổ, cùng phận người hạ bạc lênh đênh sông nước, sanh ra lòng tương trợ, “hụ hợ” nhau trong lúc tối lửa, tắt đèn. Đối diện thiên nhiên hoang sơ và còn cơ cực, con người trở nên nhỏ bé. Do vậy, phải đùm bọc, giúp đỡ, chia sẻ với nhau, chẳng phải vì người Nam Bộ quen lối “trọc phú” hay trời đất ưu đãi mà có tính rộng rãi. Sự rộng rãi ấy xuất phát từ tinh thần trượng nghĩa, từ tấm lòng chơn tình, nhơn hậu mà sinh ra lối sống khảng khái, phóng khoáng, hào sảng, cũng vì vậy, nó khác hẳn với lối sống chiều lòng, phong lưu, hào hoa. Thực ra, bản thân họ cũng nghèo, nhưng không vì nghèo mà họ không sẵn lòng cứu giúp người sa cơ. Điều gì đã thúc bách họ hành động như vậy? Có lẽ, điều đó bắt nguồn từ cuộc sống và ý nghĩ liền mạch với thiên nhiên: Được, mất, đầy, vơi… nên không đành lòng thấy người chết mà không cứu và không đành bụng thấy việc nghĩa mà không làm. Họ sợ làm điều quấy nhưng càng xấu hổ nếu từ chối việc nghĩa.

Về lẽ phải trong cách sống với con người, cư dân Nam Bộ học được trong cách sống với tự nhiên và từ đời này sang đời khác đúc kết thành ca dao, hò vè, tục ngữ, thành ngữ… truyền miệng khi chưa có chữ viết nhằm dạy dỗ, giáo huấn con người thành Người. Cư dân Nam Bộ, quan niệm: “Sống với người có nghĩa, thì sống với thiên nhiên tạo vật cũng có nghĩa”. Ăn biết để dành chứ không tận diệt. Ví như ăn bông, họ hái, lựa những bông đực và chỉ hái, tỉa vừa đủ ăn không hái trọc cả cây (bông điên điển, bông bí, bông so đũa, bông súng, …) cho tới ngắt đọt; tưởng ngắt đọt phá hoại cây trồng, kỳ thực để đánh thức bản năng sinh sôi của cây, ngắt đọt cây tức là tạo điều kiện cho cây đâm chồi tươi tốt thêm (đọt bầu, bí, rau lang, ngót, …). Bắt còng, bắt cua cho đến bắt các loài vật khác, dù biết là “vật dưỡng nhơn” nhưng không phải lạm sát, nhằm thỏa mãn “lỗ miệng” của người. Người miền Tây Nam Bộ biết rằng cái ăn để sống mà cũng là nguy cơ chết. Người xưa đã dạy: “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”. Biết tự răn mình và phải biết chừng mực với những gì không thuộc về mình. Bắt ong, lấy mật ong ở rừng U Minh Thượng thì cũng biết trả nghĩa cho ong, để cho bầy, đàn còn có cơ may gầy dựng lại tổ. Nghề bắt ong, lấy mật ong của người dân U Minh Thượng là thái độ nghĩa tình với tạo vật. Chụp đìa, người nông dân biết chọn lưới phù hợp, kẽ lưới vừa phải để bắt những con cá đủ lớn, chừa lại cá con cho mùa sau. Biết ơn và tôn trọng, trở thành nguyên tắc sống của cư dân Nam Bộ trong việc bảo tồn, gìn giữ tự nhiên để đời mình hưởng và con cháu đời sau tiếp tục được hưởng.

Quê hương có thể ví như “gia tài sự sản” thế hệ trước để lại thế hệ sau. Nhưng con cháu chẳng biết gìn giữ, chỉ biết khai thác “mù quáng” thì “gia tài sự sản” có bằng núi cũng lở mòn, cạn kiệt và mai một. Mai kia, con cháu tiếp nối sẽ lấy gì để khai thác và ca dao, hò vè, tục ngữ, thành ngữ… mang vẻ đẹp tâm hồn của xứ sở làm sao còn chỗ tồn tại.

Ca dao, dân ca, tục ngữ, thành ngữ… cũng như truyện kể dân gian nói rộng ra là kho tàng tâm thức dân gian, ẩn chứa nhiều bài học quý giá của tiền nhân, đáng để hậu thế quan tâm, suy ngẫm. Ở đó, con người có cơ may kết nối lại tiếng mẹ và lòng mẹ. Mẹ quê cũng là mẹ tự nhiên. Người từ mẹ khai sinh, người được mẹ dung dưỡng,… “Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Hiếu kính, thờ mẹ cho đến tôn trọng tự nhiên môi trường có lẽ cùng một bản chất. Bởi vì, thiên nhiên, trời đất dung chứa nuôi dưỡng con người có khác gì lòng mẹ. Chẳng phải, “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” hay sao! Qua đây, chúng ta bỗng thấy đạo gia tiên của người Nam Bộ nói riêng và người Việt nói chung rất đáng để lập thành hành vi ứng xử sinh thái. Kết nối hai vấn đề này, khả dĩ tạo thành nền tảng đạo đức môi trường bền chặt. Ai ơi còn nhớ:

“Chim xa rừng thương cây nhớ cội
Người xa nguồn trôi nổi lắm nơi
Nước non là nước non trời
Ai chia đặng nước, ai dời đặng non!”

(Ca dao)

Như vậy thì:

“Con người có tổ, có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn.”

(Ca dao)

Không tôn trọng tự nhiên thì có khác gì phản bội cội nguồn.

 

Chú thích:

[1] Nghê Văn Lương (192), Cà Mau xưa và An Xuyên nay, Trung tâm học liệu – Bộ Giáo dục ấn hành, Saigon, tr.210.
[2] Xem thêm:
– Trần Thị An (2015), Bản sắc Nam Bộ qua tục thờ Nữ thần – Nghiên cứu trường hợp tục thờ Bà Thủy, Tạp chí Khoa học Đại học Văn Hiến số 8 (8/2015), tr.23-32.
– Dương Hoàng Lộc (2010), “Tín ngưỡng thờ bà Thủy của cộng đồng ngư dân An Thủy (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre)”, Tạp chí Nguồn sáng dân gian, số 2.
– Ngô Thị Hồng Quế (2015), Bước đầu tìm hiểu tục cúng việc lề của người Việt ở Tây Nam Bộ, Tạp chí Khoa học Đại học Trà Vinh số 18 (6/2015), tr.46-51.
– Đỗ Thị Hà Thơ (2018), Tín ngưỡng thờ Thần ở đình làng Đồng Tháp, Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ (Khoa học Xã hội Nhân văn và Giáo dục), Tập 54 số 4C (2018), tr.126-136.
[3] Sơn Nam (1959), Tìm hiểu đất Hậu Giang, Phù Sa ấn hành lần thứ nhất, Saigon, tr.84.
[4] Đơn cử trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đình thường có bàn thờ Hổ hoặc miếu thờ Hổ trong khuôn viên đình. Khoảng 32 đình ở Thành phố Hồ Chí Minh có thờ Hổ: Đình Tân Kiên (Bình Chánh), đình Bình Thọ (Thủ Đức), đình Hưng Phú (quận 8), đình Tân An Hội (Củ Chi), đình Thới Hiệp (Nhà Bè), đình Thới Tam Thôn (Hóc Môn), ….
[5] Khuất Đăng Long (2013), Về sinh vật biến đổi gen, nhận thức về lợi ích, những nguy cơ và rủi ro của chúng, Tạp chí Sinh học 35 (4), tr.397-416.
Nhiều tác giả (biên tập, 2010), Quản lý thực phẩm biến đổi gen: kinh nghiệm của Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc – Tổng luận tháng 9/2010, Cục thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
[6] Sơn Nam (1959), Tìm hiểu đất Hậu Giang, Phù Sa ấn hành lần thứ nhứt, Saigon, tr.82.
[7] Chuyện này được người dân lưu truyền và Sơn Nam ghi chép lại, có lẽ cũng nên tìm hiểu thêm. Sơn Nam (1959), Tìm hiểu đất Hậu Giang, Phù Sa ấn hành lần thứ nhất, Saigon, tr.84.

Trần Bảo Định

5 thoughts on “Ý thức về môi trường sinh thái qua ca dao, tục ngữ Nam bộ (Trần Bảo Định)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *