2. TƯ TƯỞNG BẢN THỂ LUẬN CỦA DUY THỨC HỌC VÔ VI Y
Tư tưởng nền tảng nhất của bản thể luận Duy thức học Vô vi y là lấy Tâm tính làm căn bản sở y của tất cả các pháp (一切法之根本所依). Sự hình thành tư tưởng này ngoài nguyên nhân nội tại, còn có nguyên nhân ngoại tại. Ở phương diện nội tại, dựa vào nguyên tắc chung của học thuyết Du-già hành phái để chia thành hai nguyên tắc. Một là nguyên tắc Tâm tính (心性原则), tức xem Tâm tính là tâm sở nhiếp tất cả các pháp, hoặc thật tướng của các pháp mang đặc tính Duy tâm. Nói cách khác, pháp tính của tất cả pháp trong ý nghĩa tất cả các pháp mang đặc tính Duy tâm được giải thích là Tâm tính (心性). Hai là nguyên tắc “giả tất y thật” (假必依实原则). Trong Duy thức học Hữu vi y, nguyên tắc “giả tất y thật” được giải thích là sự an lập của tất cả pháp phải nương vào pháp thể Y tha khởi tính (依他起性法体) và trong Duy thức học Vô vi y thì được giải thích là sự kiến lập của tất cả pháp cuối cùng phải nương vào Tâm tính Viên thành thật tính (圆成实性心性). Ở phương diện ngoại tại, tư tưởng bản thể luận của Duy thức học Vô vi y là sự ảnh hưởng của tư tưởng Như Lai tạng Đại thừa như Tâm tính bản giác thuyết (心性本觉说), Phật tính thuyết (佛性说), Như Lai tạng thuyết (如来藏说)… Nhưng căn cứ vào bản thể luận mà nói, trong khi nguyên nhân nội tại chỉ là nhân tố mang tính “khả năng”, thì nguyên nhân ngoại tại lại là nhân tố giúp hình thành nên bản thể luận của Duy thức học Vô vi y. Thông qua tư tưởng Như Lai tạng thể hiện trong điển tịch Duy thức học, ở đây sẽ nói sơ lược về nền tảng xác lập nên bản thể luận của Duy thức học Vô vi y.
2.1. Mối quan hệ chủ và khách của Tâm tính chân như và Hư vọng phân biệt
Trong Biện Trung Biên Luận, Biện Pháp Pháp Tính Luận, luận giả đem pháp chia thành hai loại: Một là Hư vọng phân biệt (虚忘分别), hai là Tâm tính (Không tính, Chân như, Pháp giới). Phân biệt hư vọng là sự nắm bắt của tâm thức, nó thể hiện ở hai phương diện năng thủ và sở thủ, nhưng cả hai năng thủ và sở thủ này đều giống như lông rùa, sừng thỏ, tức là chúng không tồn tại, do đó Phân biệt hư vọng vốn là huyễn hóa, không thật, nó là một dạng biểu hiện mang tính điên đảo của tâm thức. Nếu nhận thức được cảnh biểu hiện của Phân biệt hư vọng (năng, sở thủ) vốn chẳng phải thực có, thì sự chấp trước năng sở trong Phân biệt hư vọng không có tính thực tồn, đây chính là tính không của nhị thủ phi hữu sở hiện, cũng tức là Chân như bất biến mang đặc tính bình đẳng của tất cả Hư vọng phân biệt, cũng tức là bản tính thanh tịnh bản lai của tất cả pháp [1], tiến một bước cũng tức là thực tính của tâm thức tiếp nhận tất cả các pháp hư vọng [2], tức Tâm tính. Lấy Phân biệt hư vọng và Tâm tính tiếp nhận tất cả pháp, tức đem tất cả pháp cho là tính tạp nhiễm của Phân biệt hư vọng sở nhiếp [3], cho đến tính thanh tịnh của Tâm tính sở nhiếp. Nhưng mối quan hệ giữa sự thanh tịnh và ô nhiễm chắc chắn không phải là mối quan hệ mang tính tương đãi. Chẳng hạn như nội dung đoạn trích dưới đây:
Tụng chép: “Tạp nhiễm, thanh tịnh này, do hữu cấu vô cấu, như thủy giới kim không, vì thanh tịnh nên thừa nhận là thanh tịnh. Giải thích: Nói một cách giản lược sự sai biệt của không tính có hai loại: Một là tạp nhiễm (samklistā), hai là thanh tịnh (viśuddhā). Nó bị xem là tạp nhiễm do phân biệt chỗ nhiễm tịnh khác nhau, nghĩa là khi ô nhiễm, thì gọi là tạp nhiễm, nhưng khi ra khỏi ô nhiễm thì gọi là thanh tịnh. Trước là tạp nhiễm sau thành thanh tịnh, nhưng đó không phải là sự chuyển biến thành sự mất đi mang tính vô thường (Anityā). Giống như sự thanh tịnh của nước, của hư không khi tách khỏi khách trần, bụi bặm (āgantuka – malā), vốn chẳng có tính (svabhāva) chuyển biến” [4].
Ở đây, Tâm tính (không tính) có hai đặc tính ô nhiễm và thanh tịnh, nếu do Phân biệt hư vọng mà tồn tại thì gọi là ô nhiễm, còn tiêu trừ Phân biệt hư vọng thì gọi là thanh tịnh. Nhưng sự thanh tịnh đó hoàn toàn không phải là kết quả chuyển biến từ ô nhiễm mà có, mà là sự Thanh tịnh bản hữu (本有清净), tức sự thanh tịnh vốn có của Tâm tính. Sự thanh tịnh mang tính đối đãi thì tương đối, vô thường, nhưng sự Thanh tịnh bản hữu là siêu việt đối đãi, là thể tính thường hằng đầy đủ xưa nay của Tâm tính [5]. Ý nghĩa này được nói đến một cách rõ ràng hơn ở đoạn trích dưới đây:
Tụng chép: “Biết bản tính của pháp giới, thanh tịnh như hư không, nên ô nhiễm và thanh tịnh không có chủ thể, thấy biết như vậy là không điên đảo với khách trần. Luận giải: Bản tính của Pháp giới thanh tịnh (Prakrti – viśuddhatvāt) như hư không. Do đó nên biết, tướng sai biệt của hai thứ trước nhiễm sau tịnh, đều là khách (āgantukam) chẳng phải chủ. Nếu thấy biết như thật tướng khách đó, thì gọi là không điên đảo nơi khách” [6].
Nghĩa là: Tâm tính là Không tính, Pháp giới thì giống như hư không, bản tính của nó là thanh tịnh, là chủ, còn tướng tạp nhiễm và thanh tịnh mang tính đối đãi sai biệt giống như mây [7] đến đi trong hư không, đều là khách. Nói cách khác, tướng của Tâm tính thanh tịnh thường hằng đối với trần cấu Tạp nhiễm hư vọng [8] là chủ, hoặc nói tính nội tại (内在性); còn sự Phân biệt hư vọng mang tính sinh diệt bất định [9] là khách, hoặc nói tính ngoại tại (外在性). Thuyết “Tâm tính bản tịnh” trong ý nghĩa Duy tâm được thành lập như thế. Cho nên luận này nói:
Kệ tụng: “Chẳng nhiễm chẳng bất nhiễm, chẳng tịnh chẳng bất tịnh, vì Tâm tính vốn thanh tịnh, do khách trần ô nhiễm. Luận chép: Vì sao chẳng phải nhiễm, chẳng phải không nhiễm? Vì y cứ vào sự thanh tịnh vốn có của Tâm tính [10] (prabhāsvara – tvāc cittasya); vì sao chẳng phải tịnh chẳng phải bất tịnh? Vì khách trần ô nhiễm (kleśasya āgantukatvata)” [11].
Ở đây lấy tính Bản thể thanh tịnh sáng suốt (prahāsvaratva) của tâm (citta) [12] làm tính thanh tịnh vốn có của tâm [13]. Tâm đó ở trong luận chính là Tâm tính (không tính). Trong Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận, tư tưởng này được nói đến và phát huy rất rõ:
Tụng chép: “Đã nói Tâm tính thanh tịnh, nhưng khách trần ô nhiễm, ô nhiễm nhưng không rời xa Tâm chân như (dharmatā – citta, dịch trực tiếp là Pháp tính tâm), mà vẫn riêng có Tâm tính tịnh. Giải thích: Ví như tính của nước tự trong, nhưng bị cáu bẩn bên ngoài làm cho vẩn đục, Tâm tính cũng như thế, tự thanh tịnh nhưng bị khách trần làm cho ô nhiễm. Như thế nghĩa này đã được thành lập. Từ nghĩa đó mà nói, không thể lìa tính Chân như của tâm [14] mà riêng có tâm khác được, nghĩa là thông qua tướng Y tha mà nói Tự tính thanh tịnh. Trong đó nên biết, nói Tâm chân như (citta – tathatā, dịch trực tiếp là Tâm chân như), định danh nó là Tâm, tức là nói Tâm này là Tự tính thanh tịnh. Tâm này tức là A-ma-la thức [15].
Ở đây, tụng bản này giải thích thuật ngữ Tâm bản tính thanh tịnh (本性清净之心) trong tiếng Phạn là Pháp tính tâm (dharmatā – citta), trong khi trong Trường Hàng Thích Văn giải thích nó là Tâm chân như (citta – tathatā), nhưng trong bản Hán dịch, cả hai đều dịch là nó là Tâm chân như. Nhưng bất luận dịch là Pháp tính tâm hay Tâm chân như, thì chúng đều chỉ ra rằng Tâm bản tính thanh tịnh không phải là Tâm hữu vi sinh diệt (有为生灭之心), mà là Chân như Vô vi (无为真如), Pháp tính (法性) trong ý nghĩa Duy tâm, tức Tâm tính. Điều đó cho thấy rõ rằng: “Tâm tính bản tịnh” (心性本净) là Bản tính (bản lai, tự tính) thanh tịnh (prakrti – prabhāsvara) của Tâm tính.
Tóm lại, “Tâm tính bản tịnh” thuyết trong Biện Trung Biên Luận, Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận… đã giải thích quan hệ chủ – khách giữa tâm theo ý nghĩa Phật giáo Nguyên thủy và phiền não là quan hệ chủ – khách giữa Tâm tính theo nghĩa Duy tâm và Hư vọng phân biệt [16]. Điều này đặt nền tảng tư tưởng lý giải về Tâm tính trong ý nghĩa giải thoát luận và bản thể luận của tư tưởng Duy thức học Vô vi y.
2.2. Tâm tính chân như là bản thể sở y của Nhiễm tịnh chuyển y
Việc lý giải Bản lai thanh tịnh của Tâm tính chân như (心性真如本来清净) không chỉ liên quan đến trạng thái tạp nhiễm của tâm thức, mà còn liên quan đến trạng thái xa lìa trần cấu, tức là vấn đề chuyển biến tâm thức từ phàm sang thánh. Đây là ý nghĩa giải thoát luận nguyên bản của thuyết Tâm tính bản tịnh. Học thuyết này cho rằng, do pháp Phân biệt hư vọng che đậy và làm cho ô nhiễm nên gọi là phàm phu. Nhưng sự che đậy, ô nhiễm này mang tính vô thỉ. Nói cách khác, Tâm tính bị ô nhiễm từ vô thỉ tới nay, vì tính thanh tịnh của nó bị che mờ, không thể hiển lộ. Nhưng cả Tâm tính và Hư vọng phân biệt tạp nhiễm đều mang tính chủ – khách và Hư vọng phân biệt có thể được trừ bỏ. Vì thế, nếu trừ bỏ sự ô nhiễm do Hư vọng phân biệt tạo ra thì tính Bản lai thanh tịnh của Tâm tính chân như sẽ xuất hiện. Đó là Tịnh vị (净位), tức là phương diện thanh tịnh của Tâm tính, hay còn gọi là Ly cấu vị (离垢位), Phật vị (佛位). Hiển nhiên, từ phương diện biểu hiện [17] mà nói, có sự phân biệt nhiễm tịnh khác nhau, nhưng thực tế Tâm tính của chúng chỉ là một, tức Bản lai thanh tịnh của chúng trước sau đều không thay đổi. Trong ý nghĩa này, sở y của các pháp tạp nhiễm và thanh tịnh (hoặc gọi là luân hồi và giải thoát) đều là Tâm tính bản tịnh. Trong Biện Pháp Pháp Tính Luận, Tâm tính bản tịnh này được gọi là Bản thể sở y chuyển y sở y (转依所依体):
Đạt đến thể tính đó, gọi là Chân như ly cấu (bản tiếng Tây Tạng dịch từ ly cấu là dri ma med par gyur pa), tất cả chỉ là Chân như (de bzhin nyid), hiển hiện (snang ba), là bỉ vị, chuyển sở y thành tựu. Do mười tướng chuyển y (chuyển y: gnas yongs gyur), ngộ nhập là vô thượng: Ngộ nhập tự thể vật, số thủ thú thù thắng, sở tác và sở y, tác ý và gia hạnh, quá hoạn và công đức. Trong đó, tự thể, ngộ nhập là ô nhiễm mang tính khách thể (glo bur ba yi dri ma), với Tính chân như, bất hiển hiện, là Chân như ly cấu… [18].
Trong đoạn dẫn trên, Chân như ly cấu là chuyển y. Nhưng trước và sau khi chuyển y, Chân như vẫn không thay đổi, chỉ là trước đó nó không hiển lộ và sau đó thì nó hiển lộ mà thôi. Do đó, Chân như là bản thể y cứ của chuyển y [19]. Trong bản luận được trích dẫn này, khái niệm chuyển y được nói đến ở mười phương diện khác nhau, ở đây sẽ không nói rõ các phương diện này. Tuy vậy, có một điểm cần phải nhấn mạnh là, thể chuyển y nói ở đây là Chân như tự tính thanh tịnh [20], nó không giống với thể chuyển y là A-lại-da thức mang đặc tính Y tha khởi tính [21] mà Duy thức học Hữu vi y đã nói, đây là một trong những khác biệt chủ yếu của Duy thức học Hữu vi y và Duy thức học Vô vi y.
Thực tế, thể chuyển y trong ý nghĩa giải thoát luận nói rõ Tâm tính chân như là căn bản sở y của tất cả các pháp nhiễm tịnh, điều này giống với việc nhấn mạnh Tâm tính đối lập với tính chủ thể của Phân biệt hư vọng, còn gọi là tính nội tại. Trong ý nghĩa đó, nó đã thể hiện trọn vẹn hàm nghĩa của bản thể luận.
2.3. Tâm tính chân như như là căn bản sở y của tất cả các pháp
Trong Kinh điển thuộc hệ thống Như Lai tạng thời kỳ đầu, Pháp tính chân như là Phật tính Như Lai tạng. Trên nền tảng cơ bản này, từ ý nghĩa Như Lai tạng phàm thánh bình đẳng (凡圣平等之如来藏) hàm chứa tất cả các tịnh pháp Như lai và bị phiền não làm cho ô nhiễm, suy ra rằng, Như Lai tạng là căn bản sở y của tất cả các pháp nhiễm, tịnh. Trong Thắng Man Kinh, ý nghĩa này được đề cập rất rõ: “Bạch Đức Thế Tôn, các hiện tượng sinh tử y cứ vào Như Lai tạng mà biểu hiện. Do Như Lai tạng mà nói bổn tế [22] không thể nắm bắt được. Bạch Đức Thế Tôn, vì có Như Lai tạng, nên nói có sinh tử, đây gọi là thiện thuyết. … Như Lai tạng tách rời tướng hữu vi, Như Lai tạng thường trụ bất biến. Vì thế Như Lai tạng là nơi y cứ (niśraya), là chỗ nắm giữ (ādhāra), là nền tảng kiến lập (pratisthā). Bạch Đức Thế Tôn, Pháp do Phật thuyết bất ly, bất đoạn, bất thoát, bất dị, không thể nghĩ bàn. Bạch Đức Thế Tôn, pháp làm nơi y cứ, làm chỗ nắm giữ, là nền tảng kiến lập của các pháp Hữu vi đoạn diệt, giải thoát, sai khác đó chính là Như Lai tạng” [23].
Ở đây, từ phương diện sinh diệt của hữu tình mà nói, Như Lai tạng thường trụ bất biến, giống như đại địa kiên cố đối lập với cỏ cây vô thường, cho nên nói chỗ y cứ sinh tử của hữu tình là Như Lai tạng. Hơn nữa, tất cả Phật pháp không thể nghĩ bàn, cho đến tất cả pháp Hữu vi vô thường sinh diệt, đều lấy Như Lai tạng làm chỗ y cứ, nắm giữ, kiến lập. Nói cách khác, Như Lai tạng này là bản thể sở y của tất cả các pháp. Điều này càng thấy rõ hơn trong tác phẩm Bảo Tính Luận của Du-già hành phái: Trong kinh có kệ rằng: “Vô thỉ thế lai tính (dhātu), là y chỉ (sama – āśraya) của các pháp, y tính có các cõi và quả chứng Niết-bàn. Ở đây, bài kệ này nói lên điều gì? “Vô thỉ thế lai tính”, giống như Kinh điển nói, vì chư Phật, Như Lai nương vào Như Lai tạng nói rằng bản tế vô thủy của chúng sinh không thể thấy biết. Tính (dhātu), như Thắng Man nói trong Kinh Thắng Man, bạch Đức Thế Tôn, Như lai nói Như Lai tạng… [Tính] là y chỉ của các pháp”, giống như Thánh giả Thắng Man nói trong Kinh Thắng Man, bạch Đức Thế Tôn, cho nên Như Lai tạng là y cứ, là duy trì, là trú trì, là kiến lập. Ở đây nói lên điều gì? Ở đây cho rằng, Như Lai tạng cứu cánh Như lai pháp thân không sai biệt, thể tướng Chân như (tathatā), cứu cánh định Phật tính thể (gotra – svabhāva), trong tất cả thân chúng sinh ở mọi thời (sattva – dhātu), đều không thể biết được một cách rốt ráo [24].
Kệ dẫn ở đây lấy từ Kinh điển của Du-già hành phái là A-tì-đạt-ma Đại Thừa Kinh, Huyền Trang dịch là: “Vô thỉ thời lai giới, là đẳng y (chỗ y cứ bình đẳng) của tất cả các pháp, từ đó có các cõi và sự chứng đắc Niết-bàn” [25]. Chữ “Dhātu” trong tụng này thông thường được dịch là “giới”, trong đoạn dẫn này dịch là “tính”. Ý nghĩa của tụng là, “tính” có đủ tính bản lai, là sở y chung (共同所依), còn gọi là “đẳng y” (trong đó, “y”, “sở y”, “y chỉ” là āśraya) của tất cả các pháp, nương vào “tính” sở y đó, có thể lập nên tất cả các pháp nhiễm tịnh sở nhiếp luân hồi và giải thoát. Bảo Tính Luận giải thích Như Lai tạng của Kinh Thắng Man mà bản tụng này sử dụng là “Tự tính thanh tịnh tạng” mang đặc tính “là y, là trì, là kiến lập”. Như vậy, “tính” trong ý ngữ cảnh đó được dịch là Như Lai tạng, cũng chính là Chân như. Hơn nữa, do Chân như ở đây cũng là Phật tính, Tự tính thanh tịnh tâm, do đó, cũng đồng nhất với Chân như, Tự tính thanh tịnh tâm, Phật tính, Như Lai tạng và là sở y của tất cả các pháp. Sự đồng nhất này cũng chính là sự đồng nhất của Pháp tính chân như và Tự tính thanh tịnh tâm của tất cả các pháp mà Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận gọi là Pháp tính tâm trong ý nghĩa duy tâm đã nói trước đó. Trong Kinh Lăng-già, Không tính… là Như Lai tạng, chẳng hạn như: Đức Phật bảo Đại Tuệ rằng: Như Lai tạng mà Ta thuyết giảng không giống với học thuyết về “ngã” của ngoại đạo. Đại Tuệ, có khi Như Lai nói, không (空, śūnyatā, tức không tính), vô tướng, vô nguyện, như, thật tế, Pháp tính, Pháp thân, Niết-bàn, xa lìa tự tính, không sinh, không diệt, Thanh tịnh xưa nay, Tự tính Niết-bàn… Nếu chẳng phải như thế thì “tạng” mà Như Lai thuyết giảng chẳng khác gì “ngã” trong học thuyết về ngã của ngoại đạo. Do đó Đại Tuệ, muốn vượt ra ngoài sự thấy biết sai lầm về ngã của ngoại đạo, phải nương vào “tạng” mang đặc tính Như Lai vô ngã (tathāgata – nairātmya – garbha) [26].
Như Lai tạng không tính (空性如来藏) trong đoạn kinh vừa dẫn ở trên là thể tính kiến lập nên A-lại-da thức (阿赖耶识, ālaya – vijñāna, còn dịch là Thức tàng, Tàng thức), nó cũng chính là Tâm tính Như Lai tạng. Từ phương diện tập khí mà nói, Không tính bị tập khí từ vô thủy huân tập chính là A-lại-da thức (Tàng thức, Thức tàng), từ phương diện Không tính (Tâm tính) mà nói nó là Như Lai tạng. Do đó, trong Kinh Lăng-già, Như Lai tạng và A-lại-da thức được gọi chung là “Như Lai tạng tàng thức” (如来藏藏识). Căn cứ vào mối quan hệ của Tâm tính Như Lai tạng và tất cả các pháp mà nói, vì Tâm tính Như Lai tạng tiếp nhận, nhiếp thủ tất cả tập khí của các pháp, do đó nó là sở y của tất cả các pháp. Như đoạn kinh dưới đây nói rõ:
Đức Phật bảo Đại Tuệ rằng: Tàng của Như Lai (如来之藏) là nhân thiện và bất thiện (kuśala – akuśala – hetuka, còn gọi là cụ thiện-bất thiện nhân), có mặt ở khắp nơi và đưa tới tái sinh ở các cõi, giống như người kỹ nữ có thể vào nhiều vai diễn khác nhau, nó không có ngã và ngã sở cố định bất biến. Nhưng vì không hiểu được điều đó, tức các pháp do ba loại duyên hòa hợp phương tiện mà thành, ngoại đạo cho đó là ngã, là tác giả. Vì là nơi huân tập các tập khí hư vọng, bất thiện từ vô thỉ (anādikāla – vividha – prapañca – dausdulya – vāsanā – vāsitah) nên gọi nó là Thức tàng (识藏, ālaya – vijñāna, A-lại-da thức), nó cùng sinh khởi với vô minh và bảy thức (saptabhir – vijñānaih saha), giống như nước biển và sóng, tự tính của nó vô cấu, thanh tịnh rốt ráo, vượt thoát mọi tai họa do vô thường đưa tới và xa rời mọi hý luận về ngã [của ngoại đạo] [27].
Ở đây xem Như Lai tạng bị tập khí (vāsanā) huân tập (vāsita) làm Tàng thức (藏识, tức A-lại-da thức). Thức tàng này gắn liền với bảy thức còn lại, giống như biển và sóng biển. Nói cách khác, tập khí của bảy thức huân tập ở Tàng thức, hay che đậy Như Lai tạng. Do đó nói Như Lai tạng là nhân của tất cả các pháp thiện và bất thiện. Đó chính là lấy A-lại-da thức làm sở y trực tiếp (直接所依) của tất cả các pháp và lấy Như Lai tạng làm sở y căn bản cuối cùng của tất cả các pháp [28]. Cũng tức là xác lập Tâm tính Như Lai tạng là bản thể của tất cả các pháp. Ở phương diện này, thì Kinh Mật Nghiêm cũng có cùng quan điểm với Kinh Lăng-già A-bật-đa-la Bảo. Hơn nữa, thức thứ chín (第九识) , mà Kinh Lăng-già và Kinh Mật Nghiêm nói đến nên hiểu là tên gọi khác của Như Lai tạng [29].
Chú thích:
[1] Nguyên văn: 一切本来清净的本性.
[2] Nguyên văn: 摄一切虚妄分别之心识的实性.
[3] Nguyên văn: 虚妄分别所摄的杂染性.
[4] Biện Trung Biên Luận, Quyển Thượng, Phẩm thứ nhất Biện Tướng, Đại Chánh tạng, Tập 31. Tiếng Phạn dẫn từ: G. M. Nagao (biên tập): Madhyāntavibhāga – bhāsya, Tokyo: Suzuki Research Foundation, 1964, tr.24.
[5] Nguyên văn: 心性本来具有的恒常之性.
[6] Tiếng Phạn dẫn từ: G. M. Nagao (biên tập): Madhyāntavibhāga – bhāsya, Tokyo: Suzuki Research Foundation, 1964, tr.67.
[7] Nguyên văn: 鸟云, tức mây có hình thù như con chim.
[8] Nguyên văn: 恒常清净之心性相, tức tướng của Tâm tính mang đặc tính thường hằng bất biến, là sự thanh tịnh vốn có, không phải do duyên sinh.
[9] Nguyên văn: 起灭不定之虚妄分别.
[10] Nguyên văn: 心性本净, tức sự Thanh tịnh vốn có của tâm.
[11] Biện Trung Biên Luận, Quyển thượng, Phẩm thứ nhất Biện tướng, Đại Chính Tạng, Tập 31. Tiếng Phạn dẫn từ: G. M. Nagao (biên tập): Madhyaatavibhaga – bhasya, Tokyo: Suzuki Research Foundation, 1964, tr.27.
[12] Nguyên văn: 心的明净性, tính Thanh tịnh sáng suốt của tâm, cũng tức là bản thể Thanh tịnh sáng suốt của tâm.
[13] Nguyên văn: 心的本来清净性, tính Thanh tịnh bản lai của tâm, tức là bản thể Thanh tịnh xưa nay vốn có của tâm.
[14] Nguyên văn: 心之真如, nghĩa là sự Thanh tịnh của tâm.
[15] Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận, Q.6, Phẩm Tùy Tu thứ 14, Đại Chánh tạng, Tập 31. Tiếng Phạn ở đây dẫn từ: Dr. S. S. Limaye (biên tập), Mahāyānasūtrālamkāra, Delhi: Sri Satguru Publications, 1992, tr.253.
[16] Xem Duy tâm và Liễu biệt, tr.225-226.
[17] Nguyên văn là 显相, nghĩa là tướng trạng biểu hiện ra bên ngoài.
[18] Xem Duy tâm và Liễu biệt, tr.453. Tạng văn trích dẫn, xem Byams chos sde lang, Nxb Dân tộc, 1991, tr.152.
[19] Nguyên văn: 转依之所依体, tức bản thể y cứ của chuyển y.
[20] Nguyên văn: 自性清净之真如.
[21] Nguyên văn: 依他起性之阿赖耶识.
[22] Nguyên văn: 本际, tức thực thể của các pháp.
[23] Thắng Man Sư Tử Hống Nhất Thừa Đại Phương Tiện Phương Quảng Kinh, Đại Chánh tạng Tập 12.
[24] Cứu Cánh Nhất Thừa Bảo Tính Luận, Quyển 4, Phẩm thứ 6 Lượng Phiền Não Sở Triền, Đại Chánh tạng, Tập 31. Tiếng Phạn dẫn từ Thôn Đoan Long, Cứu Cánh Nhất Thừa Bảo Tính Luận nghiên cứu, Nxb Hoa Vũ, 1988, tr.141-143.
[25] Nguyên văn: 无始时来界,一切法等依,由此有诸趣,及涅槃证得。Xem Nhiếp Đại Thừa Luận Bản, Quyển thượng, Phẩm thứ hai Sở Tri Y, Đại Chánh tạng, Tập 31.
[26] Lăng-già A-bật-đa-la Bảo Kinh, Đại Chánh tạng16. Phần tiếng Phạn dẫn theo P. L. Vaidya (biên tập), Saddharma – lankāvatāra – sūtram, Darbhanga: The Mithila Institute, 1963, tr.33.
[27] Lăng-già A-bật-đa-la Bảo Kinh, Đại Chánh tạng, Tập 16. Tiếng Phạn dẫn từ: P. L. Vaidya (biên tập), Saddharma – lankāvatāra – sūtram, Darbhanga: The Mithila Institute, 1963, tr.90.
[28] Nguyên văn: 一切法最终之根本所依, tức sở y, nền tảng căn bản cuối cùng của tất cả các pháp.
[29] Xem Đại Thừa Nhập Lăng-già Kinh, Quyển 6, Phần đầu Phẩm Kệ Tụng 10; Đại Thừa Mật Nghiêm Kinh, Quyển Trung, Phẩm thứ 4 Hiển Thị Tự Tác, Đại Chánh tạng, Tập 16.
Tài liệu tham khảo:
Châu Quý Hoa, Duy tâm và Liễu biệt, Bắc Kinh: Nxb Khoa học Xã hội Trung Quốc, 2004.
Biện Trung Biên Luận, Đại Chánh Tạng, Tập 31.
G. M. Nagao (biên tập): Madhyāntavibhāga – bhāsya, Tokyo: Suzuki Research Foundation.
Thắng Man Sư Tử Hống Nhất Thừa Đại Phương Tiện Phương Quảng Kinh, Đại Chánh tạng, Tập 12.
Cứu Cánh Nhất Thừa Bảo Tính Luận, Quyển 4, Phẩm thứ 6 Lượng Phiền Não Sở Triền, Đại Chánh tạng, Tập 31.
Thôn Đoan Long, Cứu Cánh Nhất Thừa Bảo Tính Luận nghiên cứu, Nxb Hoa Vũ, 1988, tr.141-143.
Nhiếp Đại Thừa Luận Bản, Quyển thượng, Phẩm thứ hai Sở Tri Y, Đại Chánh tạng, Tập 31.
Lăng-già A-bật-đa-la Bảo Kinh, Đại Chánh tạng, Tập 16.
P. L. Vaidya (biên tập), Saddharma – lankāvatāra – sūtram, Darbhanga: The Mithila Institute, 1963.
Đại Thừa Nhập Lăng-già Kinh, Quyển 6, Phần đầu Phẩm Kệ Tụng 10; Đại Thừa Mật Nghiêm Kinh, Quyển Trung, Phẩm thứ 4 Hiển Thị Tự Tác, Đại Chánh tạng, Tập 16.
NCS. Phạm Hoài Phong