Kính thưa quý độc giả!
Tất cả chúng ta đều có những nỗi niềm, cảm xúc riêng mình. Trong đó, được hiểu và được thương vốn là nhu cầu muôn thuở của mỗi người. Hiểu và thương là hai yếu tố tinh thần cần thiết và liên đới với nhau. Hiểu biết là trí sáng, còn thương yêu là lòng từ. Có hiểu mới có thương, tình yêu phải được xây dựng trên cơ sở của sự hiểu biết.
Biết thấu hiểu và yêu thương chính là cách để chúng ta giúp cuộc sống trở nên tươi sáng hơn, nhất là trong bối cảnh đại dịch đang khiến niềm tin dần bị hao mòn. Nhằm lan tỏa tinh thần yêu thương trong cộng đồng, Tạp chí Văn hóa Phật giáo mang đến cho độc giả số báo 376 với chủ đề: “Thấu hiểu để yêu thương”. Thông qua những chia sẻ, phân tích sâu sắc về: Thông điệp hiểu và thương (Thích Thiện Mãn), Thấu hiểu để yêu thương nơi Già Lam (Linh Đan Bảo Hải), Thấu hiểu và vị tha theo tinh thần của Phật giáo (Thích Nữ Chơn Ngọc)…, Ban biên tập hy vọng độc giả có thể cảm nhận trọn vẹn ý nghĩa của chủ đề.
Cùng với đó, số báo 376 còn giới thiệu đến bạn đọc gần xa các bài viết nghiên cứu đặc sắc về: Mật hạnh tôn giả Rāhula (La-hầu-la) – Mẫu người lý tưởng cho Tăng Ni trẻ hiện nay (Thích Nữ Hạnh Liên), Ứng dụng thiền chính niệm và tâm từ bi cho đội ngũ nhân viên y tế tuyến đầu trong đại dịch COVID-19 (ThS. Trần Thị Giang), Ảnh hưởng của Phật giáo đối với kiểu truyện về chú Tiểu thông minh trong truyện cổ Lào (ThS. Nguyễn Thị Lý),…
Bên cạnh đó, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tạp chí Văn Hóa Phật giáo đăng tải bài viết Phật giáo với công tác đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp (Thích Minh Nhẫn), giúp độc giả có thêm góc nhìn đa chiều về các lĩnh vực hoạt động của Giáo hội trong thời gian qua.
Ban Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo