Tóm tắt:
Trong kho tàng truyện dân gian Đông Nam Á, kiểu truyện (story type) nhân vật người thông minh, láu lỉnh là một trong những kiểu truyện xuất hiện ở nhiều nước trong đó có Lào. Đây là kiểu truyện dân gian kết chuỗi đặc biệt có nhiều đặc điểm kế thừa và phát triển từ kiểu loại truyện cổ tích sinh hoạt và truyện cười. Dù truyện có những yếu tố gây cười, nhưng ẩn ý sâu xa của những truyện này không chỉ nhằm mục đích giải trí. Kiểu truyện về chú Tiểu thông minh, láu lỉnh nằm trong type truyện về nhân vật người thông minh, láu lỉnh trong truyện dân gian Lào. Yếu tố Phật giáo là một trong những nhân tố văn hóa đặc trưng tạo ra sự riêng biệt của các chuỗi truyện về chú Tiểu thông minh ở Lào: từ nhan đề truyện, cách thể hiện trí tuệ nhân vật, tư tưởng loại trừ cái ác bảo vệ cái thiện, cách kết thúc có hậu cho nhân vật.
Mở đầu:
Phật giáo là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình phát triển văn học Lào. Vì vậy các tác phẩm văn học ở Lào thường có hơi hướng ảnh hưởng tư tưởng từ Đạo Phật. Truyện dân gian có bề dày gắn liền với lịch sử ra đời của Đạo Phật ở Lào. Do những đặc trưng riêng về thể loại nên truyện dân gian có sự ảnh hưởng nhiều hơn từ tôn giáo này so với văn học viết. Trong kho tàng truyện dân gian Đông Nam Á, kiểu truyện (type) nhân vật người thông minh, láu lỉnh là một kiểu truyện dân gian kết chuỗi đặc biệt có nhiều đặc điểm kế thừa và phát triển từ kiểu loại truyện cổ tích sinh hoạt và loại truyện cười xuất hiện ở Lào, Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á về các nhân vật thông minh, láu lỉnh, ranh mãnh như chú Tiểu Xiêng Miệng, Xiêng Nọi, Trạng Quỳnh, Xiển Bột, Ba Giai- Tú Xuất, Thủ Thiệm… Đây là kiểu truyện mà tính trí tuệ, uyên bác được đề cao và chi phối tới toàn bộ kết cấu của cốt truyện. Bên cạnh tính trí tuệ, kiểu truyện còn hấp dẫn bởi sự hài hước, tính giải trí do tính cách láu lỉnh, ranh mãnh của các nhân vật tạo ra. Truyện về Xiêng Miệng là chuỗi truyện tiêu biểu cho type truyện nhân vật người thông minh, láu lỉnh ở Lào thông qua hình tượng nhân vật chú Tiểu thông minh. Trong phạm vi nhỏ của bài viết này chúng tôi chủ yếu tập trung nghiên cứu ảnh hưởng của Phật giáo trong chuỗi truyện Xiêng Miệng. Giá trị riêng biệt của chuỗi truyện so với những type truyện cùng kiểu ở Việt Nam là tư tưởng, giáo lý sâu sắc của Đạo Phật ở Lào được phản ánh qua những câu chuyện về cuộc đời chú Tiểu rất đời thường và dung dị.
KIỂU TRUYỆN VỀ CHÚ TIỂU THÔNG MINH TRONG TRUYỆN CỔ LÀO
Kiểu truyện về chú Tiểu thông minh, láu lỉnh nằm trong type truyện về nhân vật người thông minh, láu lỉnh trong truyện dân gian Lào. Trong kiểu truyện này, nhân vật chú Tiểu thông minh, láu lỉnh là nhân vật nền tảng xuyên suốt chuỗi truyện, tham gia vào tất cả các diễn biến sự kiện trong câu chuyện. Sự kết chuỗi của các mẩu chuyện làm nên tính chỉnh thể cho toàn bộ chuỗi truyện. Tuy nhiên mỗi một truyện nhỏ lại có nội dung, cốt truyện hoàn chỉnh, khiến cho các chuỗi truyện không có sự liên kết chặt chẽ với nhau trong một tổng thể hoàn chỉnh. Theo dòng lưu truyền, khi kể chuyện người kể có thể lược mỗi truyện nhỏ làm thành một truyện đơn, hoặc có thể sắp xếp thứ tự các truyện tùy theo sở thích. Vì thế, các câu chuyện có lúc liền mạch, có lúc thống nhất nhưng cũng có lúc không nhất quán, chặt chẽ. Dù có sợi dây xâu chuỗi các truyện lại với nhau nhưng nhân vật chính vẫn là chú Tiểu thông minh, láu lỉnh. Đây là điểm khu biệt của kiểu truyện này so với những dạng truyện kết chuỗi khác.

Kết cấu chung của các chuỗi truyện về chú Tiểu thông minh, láu lỉnh cũng giống như kết cấu của nhiều thể loại tự sự dân gian khác, thường gồm ba phần: phần mở đầu, phần diễn biến và phần kết thúc. Phần diễn biến truyện là những cuộc đấu trí của nhân vật chú Tiểu thông minh và là phần chiếm dung lượng lớn nhất trong chuỗi truyện. Đó là những cuộc đấu trí của chú Tiểu thông minh với nhiều thế lực đối kháng mà phần thắng hầu hết nghiêng về các nhân vật thông minh. Mỗi lần thử thách, đấu trí nhân vật chú Tiểu lại được khắc hoạ và tô đậm thêm phẩm chất thông minh cũng như tính cách láu lỉnh, ranh mãnh của mình. Động cơ mà các nhân vật chú Tiểu đấu tranh chống lại các thế lực lớn đa phần là sự phản kháng, đáp trả lại sự xấu xa của đối phương. Trong truyện về các chú Tiểu ở Lào sự thống nhất các dữ kiện chuỗi truyện để nhằm làm nổi bật tính cách láu lỉnh và trí tuệ thông minh của nhân vật trung tâm.
Trong các truyện cổ ở Lào, ngoài các nhân vật sư Thầy, sư Trụ trì thường xuyên có sự xuất hiện các chú Tiểu thông minh, láu lỉnh như Xiêng Miệng, Xiêng Nọi. Xiêng là danh xưng dành cho những chú Tiểu đã từng tu trong chùa nhưng đã hoàn tục. Để phân biệt những người từng đi tu với những người chưa qua quá trình tu tập, người ta gọi những người vừa hoàn tục là Xiêng. Chính vì vậy, trong các truyện dân gian của Lào, thường xuyên xuất hiện các nhân vật chú Tiểu hoàn tục kiểu này.
ຊຽງໝ້ຽງ (Xiêng Miệng) là tên của nhân vật chính trong một chuỗi truyện về nhân vật thông minh, láu lỉnh ở Lào. ຊຽງ(Xiêng) trong Từ điển Việt – Lào có nghĩa là: “Thầy – cấp bậc của những người đã đi tu thành tiểu” [1]. Câu truyện yêu thích nhất khi người Lào đọc Xiêng Miệng và xuất hiện trong tất cả các bản kể về Xiêng Miệng chính là mẩu truyện lý giải về cái tên của chú Tiểu này: “Được tên Xiêng Miệng”. Trong đó, Xiêng Miệng đã dùng kế lợi dụng sự đồng âm trong ngôn ngữ để lừa những người lái buôn lá ໝ້ຽງ (Miệng) (ở Việt Nam gọi là chè) và thu về rất nhiều chiến lợi phẩm. Nhờ việc thách đố ຂ້າມ (tiếng Lào có nhiều nghĩa vừa là sang vừa là vượt qua), đám lái buôn có người bơi qua, có người lại lặn để qua sông. Nhưng chú Tiểu thông minh cãi là phải vượt qua – nghĩa là phải bay qua mặt sông. Tiếp tục sử dụng mánh lừa lợi dụng sự đồng âm, Xiêng Miệng lại đòi phần phạt cao sau khi thắng cuộc đám người buôn, Pha Nha phân xử Xiêng Miệng được lấy ສີ່ຊາຫ້າບາດ (“4 đến 5 đồng bạt – nghĩa là rất ít”) [2] nhưng Xiêng Miệng lại cố tình luận mệnh lệnh của Pha Nha là: 5 giỏ 4 âu chè – nghĩa là hết luôn cả đống hàng của đám người buôn). Những mánh lới của Xiêng Miệng không chỉ là là sự chơi khăm mà còn là yếu tố gây cười cho truyện. Câu chuyện này thú vị tới mức có một bản kể tương tự ở Thái Lan và nhiều motif gần giống như thế ra đời. Điều này chứng tỏ sức hấp dẫn của câu chuyện gắn liền với motif chơi chữ – lợi dụng sự đồng âm trong ngôn ngữ dân tộc của chú Tiểu thông minh, lém lỉnh ở Lào. Cũng từ câu chuyện này, chú Tiểu được người đời gọi là Xiêng Miệng. Sự vận dụng tài tình ngôn ngữ dân tộc để tạo thành vũ khí sắc bén cho bản thân thể hiện sự thâm thúy, sâu sắc và sự đa dạng trong ngôn ngữ của Lào.
Người Lào quan niệm: “Đi tu là một phong tục của người Lào. Người con trai nên đi tu. Thời trước nếu chưa kịp đi tu người ta coi là người ດິບ (người chưa chín chắn – người vô công rồi nghề), người được tu rồi thì coi là người ສຸກ (người chín chắn rồi – người đã trưởng thành)” [3]. Quan niệm này chứng minh người Lào coi việc sở hữu tri thức Phật giáo thì con người sẽ trở nên thông minh và trưởng thành hơn. Quan niệm tôn kính Đạo Phật này ảnh hưởng tới quan niệm thẩm mỹ trong các tác phẩm văn học. Cũng chính vì vậy, nhân vật Xiêng Miệng mặc dù có chút láu lỉnh, tinh nghịch, ranh ma nhưng trong tiềm thức của người Lào nhân vật này tượng trưng cho hình ảnh của những con người trí tuệ được người người, nhà nhà yêu thích. Vì vậy, truyện về chú Tiểu thông minh Xiêng Miệng được coi là chuỗi truyện tiêu biểu cho type truyện nhân vật người thông minh, láu lỉnh ở Lào.
TRÍ TUỆ THÔNG MINH CỦA NHÂN VẬT
Xuyên suốt chuỗi truyện là trí tuệ thông minh hơn người của nhân vật chú Tiểu Xiêng Miệng. Điều này lại càng minh chứng cho mệnh đề quan niệm về phong tục đi tu của người Lào. Xiêng Miệng có trí tuệ thông minh, hết lần nọ đến lần kia chiến thắng đối phương bằng lý lẽ và tư duy của mình phải chăng là nhờ cả một quá trình tu tập trước đó của Chú ở chùa.
Bằng các phương cách khác nhau: Có lúc chú Tiểu dùng sự việc phi lý để cãi lý – khi bị đưa vào tình huống ngược đời, phi lý nên chú đã xử lý tình huống bằng cách tạo ra một tình huống phi lý khác tương tự để chứng minh sự phi lý của tình huống thử thách và vấn đề được giải quyết. Trong truyện Thi đẻ trứng, Xiêng Miệng bị Pha Nha trả thù bằng cách đặt nhân vật thông minh vào tình thế khó xử: Bắt nhảy xuống sông và Thi làm gà đẻ trứng, nếu không có trứng dâng lên sẽ bị phạt. Các cung nữ cùng chơi đều được người đứng đầu báo trước nên đã âm thầm chuẩn bị một quả trứng. Riêng Xiêng Miệng bị dồn vào thế bí, tưởng chừng khó thoát tội được. Nhưng Xiêng Miệng nhanh trí đóng giả thành gà trống và cãi rằng: “Thần không thể dâng trứng cho Pha Nha được vì thần là gà trống có nhiệm vụ đạp mái để gà mái có trứng, nếu không có gà trống thì gà mái cũng sẽ không có trứng” [4]. Đó là sự thật mà Pha Nha không thể chối cãi được, và nhờ đó Xiêng Miệng thông minh lại tiếp tục chiến thắng trước âm mưu trả thù của Pha Nha.

Cũng có lúc Xiêng Miệng dùng phương thức “gậy ông đập lưng ông” làm vũ khí chống lại đối tượng khác. Cách thức hành động của nhân vật thông minh là: làm theo y nguyên mệnh lệnh, dùng chính mệnh lệnh của đối phương để đáp trả. Có thể khái quát công thức chung của cách thức hành động này là: Phe đối phương ra lệnh, hoặc dặn dò nhân vật thông minh- nhân vật thông minh cố tình làm theo lời ra lệnh một cách máy móc – đối phương nhận phải hậu quả bẽ bàng nhưng không dám trừng phạt. Chuỗi truyện Xiêng Miệng có tần suất sử dụng motif “gậy ông đập lưng ông” rất cao: 21 lần/37 truyện. Có nghĩa là, cứ khoảng hai mẩu truyện trong chuỗi truyện về Xiêng Miệng là lại có hơn 1 lần motif này xuất hiện. Motif gậy ông đập lưng ông liên tiếp xuất hiện trong hàng loạt các truyện về Xiêng Miệng: Tiểu Khăm ăn mía trí khôn, Khóc Đại tăng thống, Bọ hung xuôi dòng, Pha Nha ăn phân khô, Xiêng Miệng đánh cung nữ, Mộ người sứt môi về sửa nhà, Xiêng Nhan ngửi rắm, Vào chầu Pha Nha trước gà, Xiêng Miệng đi nhặt ớt, Mẹ trí khôn của Xiêng Miệng, Pha Nha không muốn nhìn mặt Xiêng Miệng, Vào chầu Pha Nha cả nhà… Cách thức hành động của Xiêng Miệng là dựa vào sơ hở trong câu nói của đối phương để tìm ra cách trả đũa, khiến đối phương biết bị chơi xỏ nhưng đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Ví dụ khi ra lệnh cho Xiêng Miệng phải “vào chầu trước gà” (nghĩa là phải vào chầu Pha Nha sớm, trước cả khi gà gáy sáng), Xiêng Miệng đã chọn cách đối phó: vào chầu thật muộn và buộc con gà đất bằng một sợi dây và kéo nó theo sau mình. Câu chuyện đối đáp và xử lý của nhân vật thông minh quá đỗi hợp lý và logic, khiến Pha Nha không thể có cớ để phạt tội Xiêng Miệng. Ngoài Xiêng Miệng, trong truyện dân gian Lào còn có nhân vật là các chú Tiểu khác cũng thường xuyên có cách thức hành động lấy gậy ông đập lưng ông để trả đũa đối phương. Motif gậy ông đập lưng ông trong truyện dân gian Lào khá đặc sắc và hấp dẫn. Motif với các tình huống đa dạng, lối lập luận ngây ngô nhưng logic và dễ gây cười của nhân vật, tạo cho nhân vật thông minh, láu lỉnh như Chú Tiểu Xiêng Miệng. Đây là một đặc điểm khó lẫn so với các nhân vật thông minh khác. Nhân vật thông minh dùng chính những mệnh lệnh của bề trên dành cho mình để đáp trả. Kết cục này mang lại sự căm hận, tức giận nhưng đành bất lực của đối phương. Về lý, các nhân vật vẫn làm đúng, không hề trái lời. Thế nên những chiến thắng với cách thức dùng gậy ông đập lưng ông lại càng mang lại cho người đọc sự hả hê, vui mừng bởi sự khôn ngoan, thông minh, sắc sảo của nhân vật.
Nhân vật thông minh dù có sự đối đáp, ứng xử thông minh trong cuộc sống thường ngày, nhưng sự thông minh ấy chưa được thừa nhận một cách chính thức. Chính vì vậy, những lần thách đố, thử tài để thử thách tài năng và trí tuệ của các nhân vật thông minh là dịp để các nhân vật thể hiện tài năng của mình một cách đường đường, chính chính, được sự thừa nhận của nhân dân, của triều đình hoặc của các nước bang giao qua các cuộc thách đố, thử tài. Nhân vật chú Tiểu thông minh hoặc nước mà nhân vật thông minh đại diện thường ở thế yếu hơn so với nước đi thách đố, nhưng bằng trí tuệ và mưu mẹo của mình nhân vật đã chiến thắng một cách thuyết phục. Trong truyện Xiêng Miệng có tới 9 lần xuất hiện các thử thách, thách đố dành cho chú Tiểu thông minh. Thay vì sửa soạn, chuẩn bị lực lượng cho tốt thì Xiêng Miệng lại chọn cách dùng con nghé nhỏ để trị con trâu lớn trong truyện Trâu Xiêng Miệng húc trâu Pha Nha [5]. Nghĩa là, khi bị thách đố trong các cuộc thi tài, biết rõ tương quan lực lượng của đối thủ rất mạnh mẽ với những con vật dữ tợn và có kinh nghiệm thi đấu, nhân vật lại lựa chọn con vật yếu ớt đem ra thi đấu. Trong cuộc đấu, không thể ngờ được, trâu chọi của Pha Nha lại bị thất thế trước con vật nhỏ bé. Vì vậy phần thắng lại thuộc về nhân vật thông minh. Phải nhìn nhận rằng, chiến thắng của những nhân vật thông minh trong những trường hợp này thể hiện tinh thần của câu thành ngữ: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Sức mạnh của các nhân vật thông minh nằm ở trí tuệ hóm hỉnh, ranh mãnh, biết biến những yếu điểm của mình thành sức mạnh, lợi dụng điểm mạnh của kẻ thù để xoay chuyển tình thế. Một lần khác khi phải thi đấu với người đầu hói khỏe mạnh của mường Tani theo lời thách đố trong truyện Đầu hói húc nhau [6]. Xiêng Miệng tiếp tục giành được chiến thắng trước đối thủ đáng gờm bằng cách “giả bộ tài giỏi”. Anh ta đã lựa chọn khắp mường của mình một anh chàng có ngoại hình to cao, dữ tợn, sau đó dựng lên một tình huống khiến kẻ thù nhầm tưởng về sức mạnh của người đầu hói. Xiêng Miệng cho làm những sợi dây chão to bằng giấy bện, lấy lông trâu dán bên ngoài để nhìn như dây làm bằng da trâu, lại cho lấy xà phòng làm thành cái búa to, lấy nước bã rượu xoa bên ngoài cho giống như màu gỗ trắc. Sau đó sắp xếp một buổi cho người đầu hói của mình đi tắm sông, cố tình để phía mường Tani biết và để ý, trong buổi ấy người đầu hói của Xiêng Miệng ra vẻ thật hung dữ đến mức giật đứt cả mấy sợi chão buộc trên người, quân lính lấy búa gõ vào người thì búa gẫy tan. Mường Tani thấy sức mạnh đáng sợ của người đầu hói ở mường của Xiêng Miệng như vậy đành chịu thua và rút quân ra về. Những chiêu trò để vượt qua các thử thách của nhân vật thông minh thể hiện sự lém lỉnh, biết người biết ta. Và hơn hết, ẩn chứa trong những câu chuyện thú vị đó là tư tưởng sử dụng trí tuệ trở thành như một thứ lương tri luôn luôn tồn tại như một ngọn đèn soi sáng cho nhân vật thông minh biết điểm yếu của mình, từ đó phân biệt, nhận biết những gì nên làm, và chọn lựa phương thức để hướng đến chiến thắng cho bản thân và đất nước.
TƯ TƯỞNG LOẠI TRỪ CÁI ÁC VÀ BẢO VỆ CÁI THIỆN
Chú Tiểu thông minh, lém lỉnh ở Lào luôn dùng trí tuệ của mình để chống lại thế lực lớn. Có thể nói tư tưởng mong muốn loại trừ cái ác để bảo vệ cái thiện là động lực hành động của các nhân vật thông minh này. Trong cuộc chiến này, sự thông minh, lém lỉnh của chú Tiểu có điều kiện để phô bày, đồng thời cũng thể hiện mâu thuẫn giữa hai phe: một bên là nhân vật thông minh – đại diện cho tầng lớp nghèo khổ, không có địa vị trong xã hội với một bên là những thế lực lớn, có địa vị, có sức mạnh hơn hẳn phe nhân vật chính.
Các thế lực mà chú Tiểu thông minh trong truyện cổ Lào phải đối đầu thường là thế lực ngoại bang, đối tượng lãnh chúa Pha Nha. Các chú Tiểu Xiêng Miệng, Xiêng Nọi đấu trí trong các tình huống chiến tranh, thi đọc kinh, thi chọi người đầu hói, thi vẽ tranh với thế lực ngoại bang để bảo vệ nhân dân và bộ tộc Lào. Bằng trí tuệ và những mưu mẹo độc đáo, biết mình biết người, Xiêng Miệng và Xiêng Nọi đã đem lại chiến thắng trong tiếng cười giòn giã, hả hê của nhân dân. Ở Lào, nhân vật thông minh thách thức không từ một ai: Pha Nha, Ngọc hoàng, sư Tăng, Cung nữ… Xiêng Miệng liên tục có những đòn ăn miếng trả miếng, châm chọc Pha Nha. Trong mẩu truyện: Pha Nha ăn phân khô, Xiêng Miệng trả thù Pha Nha bằng cách dùng “gậy ông đập lưng ông”, không hề kém cạnh. Sau khi bị Pha Nha lừa phải ăn thịt kền kền, một loài chim bẩn chuyên ăn xác chết của thú vật, Xiêng Miệng đã tìm cách trả thù. Xiêng Miệng vào rừng, tìm nhặt những cục phân kền kền đem về phơi khô, tán ra rồi nặn thành một cây bút rất đẹp và mang dâng Phanha. Khi viết không ra mực, Pha Nha đưa lên miệng liếm cho bút mềm để viết. Xiêng Miệng đanh thép bảo: “Tâu Pha Nha, bút này không phải là người lái buôn biếu mà chính thần đã đi nhặt phân kên kên về tán nhỏ và làm ra. Đem dâng Pha Nha để Pha Nha ghi lại sự việc mà Pha Nha đã gọi tôi vào cung cho ăn thịt kền kền vừa dai vừa thối ấy” [7].
Ngoài đối tượng là Pha Nha – lãnh chúa mường, quan lại thì các nhân vật thông minh còn tập trung vào sự châm chọc, vạch trần những thói xấu của tầng lớp sư Tăng trong xã hội. Sư Tăng là tầng lớp trên trong xã hội Lào, nhận được nhiều sự kính trọng của nhân dân và bổng lộc của triều đình. Bên cạnh những vị chân tu đúng mực thì vẫn tồn tại một số vị sư Tăng núp danh nhà Phật, mượn áo cà sa để làm những điều sai trái. Trong các truyện: Tiểu Khăm ăn mía trí khôn, Khóc Đại tăng thống, Xiêng Miệng bói hoa mông sư Thầy, chú Tiểu Xiêng Miệng đã đả kích những sư cụ, sư thầy xấu tính, hám danh, keo kiệt, tham sân si làm trái với tinh thần của Đạo Phật. Xiêng Miệng bằng những mưu mẹo của mình khiến các bậc tu hành giả trân trở thành trò cười cho thiên hạ hoặc bị nhục nhã về tinh thần. Xiêng Miệng đã thay mặt nhân dân dạy cho các vị sư Tăng ấy những bài học nhớ đời. Trong chuỗi truyện về các Chú Tiểu khác: Sư tre đè sư mít, Sư hiển thánh, Sư xơi gan ăn trâu, Sư háu ăn, Sư mắc bệnh kín, Tham thì thâm, Sư ăn đòn, Sư bủn xỉn hình ảnh xấu xí của các vị sư hổ mang lại càng được phô ra dưới con mắt sắc sảo của nhân vật thông minh với các thói xấu: keo kiệt, bủn xỉn, bệnh hoạn, độc ác, tham lam, tục tĩu. Toàn bộ chuỗi truyện châm biếm này là sự đấu tranh nhằm vạch trần thói xấu xa của một bộ phận người mang danh nhà tu nhưng chưa đúng tác phong, đạo hạnh. Các chú Tiểu thông minh trong cuộc đấu tranh này là người tiên phong khiến dân chúng hả hê, vui mừng khi họ đã vạch mặt được những tệ nạn, tư tưởng làm vấy bẩn cửa chùa linh thiêng vốn được nhân dân sùng kính.
Các nhà nghiên cứu ở Lào cho rằng, truyện Xiêng Miệng là truyện dân gian ra đời ở thời kì Văn học Lạn Xạng – sau khi vương quốc Lạn Xạng được vua Phạ Ngùm thống nhất từ năm 1353-1893 [8]. Cụ thể là thời kì mà vua Su Li Nhạ Vông Sả trị vì (từ năm 1633) [9] – đây là thời kì suy vong của vương quốc Lạn Xạng từ sau cái chết của vua Sệt Thả Thị Lạt. Như vậy điểm chung của các truyện thuộc kiểu truyện về nhân vật thông minh ở Lào và Việt Nam đều ra đời vào thời buổi suy tàn của chế độ phong kiến. Vào lúc đó, những ưu việt buổi đầu của các nhà nước phong kiến đã mất, đất nước cũng không còn hùng mạnh như xưa. Sự mâu thuẫn nội bộ trong giai cấp thống trị và sự áp bức nhân dân không những làm suy yếu đất nước mà còn là động lực để nhân dân đấu tranh. Các chú Tiểu thông minh, láu lỉnh như Xiêng Miệng, Xiêng Nọi… ở Lào là những anh hùng trong lòng dân chúng khi dám đương đầu với giai cấp thống trị và tầng lớp trên.
KẾT THÚC CÓ HẬU THEO LUẬT NHÂN – QUẢ
Trong các truyện về nhân vật thông minh, láu lỉnh ở Đông Nam Á xuất hiện một tình tiết riêng biệt chỉ có trong các truyện ở Lào: kết thúc có hậu cho nhân vật. Kết thúc có hậu dành cho nhân vật chính là kết thúc thường thấy trong thể loại truyện cổ tích. Với mơ ước ở hiền gặp lành, dân gian thường mong ước đến cái kết thúc tốt đẹp cho nhân vật. Nhưng sâu xa hơn, kết thúc của các nhân vật thông minh, láu lỉnh trong truyện dân gian Lào là cách kết thúc có hậu theo thuyết Nhân quả của nhà Phật: Làm thiện gặp thiện, làm ác gặp ác. Vì vậy cách kết thúc này thể hiện tinh thần Phật giáo đậm chất triết lý, nhân sinh riêng biệt ở nước Lào. Ngoài chuỗi truyện Xiêng Miệng kết thúc bằng cái chết của cả Xiêng Miệng và Pha Nha các chuỗi truyện về các chú Tiểu thông minh đều hướng đến kết thúc tốt đẹp. Trong đó các nhân vật, kẻ thì làm vua chúa, người thì giàu có, đạt đúng sở nguyện của mình. Kể cả như chuỗi truyện về Xiêng Miệng, dẫu phải đánh đổi mạng sống của mình nhưng nếu xét một cách toàn diện, có thể xem Xiêng Miệng là người chiến thắng Pha Nha, khiến cho Pha Nha phải nhận kết cục cay đắng nhất là cái chết. Chú Tiểu thông minh đến sau cùng vẫn là đại diện cho tầng lớp người dân nghèo khó, không có địa vị trong xã hội, luôn bị tầng lớp trên tìm cách áp bức. Vì thế kiểu truyện về các chú Tiểu thông minh, láu lỉnh ở Lào có kết thúc như trong các truyện cổ tích – trong đó các kết thúc thiên về có hậu, cái thiện chiến thắng được cái ác, người tốt thì gặp may mắn còn kẻ ác sẽ bị trừng trị thích đáng. Kết thúc tươi sáng của các câu truyện trong kiểu truyện về nhân vật thông minh, láu lỉnh ở Lào phần nhiều ảnh hưởng từ quan niệm Thiện ác Nghiệp báo của nhà Phật, kết thúc cuộc đời sẽ là sự báo ứng từ những việc lành, dữ do bản thân mình gây ra, làm việc lành sẽ được hưởng phước lành, làm điều ác sẽ phải chịu quả ác. Điều này rất phù hợp với tư duy của dân gian Lào- một đất nước có nền tảng văn hóa vững chắc từ Phật giáo.

Kết thúc có hậu dành cho nhân vật thông minh xuất phát từ tư duy nghiệp báo, luật nhân quả này của Đạo Phật. Đạo Phật là tôn giáo lớn nhất và là nền tảng của văn hóa, lễ giáo của đất nước Lào. Những bài học giáo lý của Đạo Phật là kim chỉ nam định hướng cho nhân cách sống hiền hòa, hướng thiện, chân thành của người dân Lào. Như một lẽ tất yếu, tư tưởng thẩm mỹ trong văn học Lào ảnh hưởng sâu sắc tinh thần nhân văn của Đạo Phật.
Kiểu truyện về chú Tiểu thông minh, láu lỉnh đề cao trí tuệ tuyệt vời của dân gian. Đó là những chú Tiểu có “tài”, thường được đẩy lên tới cực điểm của sự thông minh, ranh mãnh, đối lập lại với sự dốt nát, đần độn của bọn vua quan, bọn người giàu có, chức sắc tôn giáo nhằm làm bật lên tiếng cười sảng khoái trong từng tình huống cụ thể. Kiểu truyện này cũng đã mô tả cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của con người dưới cái nhìn trí tuệ, vui nhộn nhưng cũng vô cùng tỉnh táo, nghiêm khắc và sắc bén. Yếu tố tôn giáo Phật giáo là một trong những nhân tố văn hóa đặc trưng tạo ra sự riêng biệt của các chuỗi truyện về chú Tiểu thông minh: từ nhan đề truyện, cách thể hiện trí tuệ nhân vật, tư tưởng loại trừ cái ác bảo vệ cái thiện, cách kết thúc có hậu cho nhân vật. Những ảnh hưởng từ tư tưởng của Đạo Phật đã góp phần tạo ra vùng sáng riêng biệt, một dạng mã hóa cá nhân cho kiểu nhân vật người thông minh, láu lỉnh ở Lào.
ThS. Nguyễn Thị Lý
Chú thích:
* Thạc sĩ Nguyễn Thị Lý, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
[1] Bộ giáo dục và thể thao CHDCND Lào – Bộ Giáo dục và đào tạo CHXHCN Việt Nam, Từ điển Lào – Việt, Nxb Giáo dục Việt Nam, tr.529.
[2] ສີພອນ ວຸດທິສັກດີ (2015),
[3] ກິແດງ ພອນກະເສີມສຸກ (2006), ວັດທະນະທຳລາວ
[4] ສີພອນ ວຸດທິສັກດີ (2015)
[5] ສີພອນ ວຸດທິສັກດີ (2015),
[6] ສີພອນ ວຸດທິສັກດີ (2015),
[7] ສີພອນ ວຸດທິສັກດີ (2015),
[8] ຄຳເພົາ ພອນແກ້ວ,(2014), ), Lược sử Lào, Nxb Sỉ Sạ Vạt, thủ đô Viên Chăn.
[9] ປະມວນວັນນະຄະດີລ້ານຊ້າງເຫລັ້ມ 1, ໂຮງພິມແຫ່ງລັດ ນະຄອນຫລວງວຽງຈັນ. (Viện khoa học xã hội quốc gia Lào- Viện nghiên cứu văn hóa (2014), Tuyển tập Văn học Lạn Xạng tập 1, Nxb Nhà Nước, thủ đô VC), tr.10.
ປະຫວັດສາດລາວໂດຍຫຍໍ້, ໂຮງພິມສີສະຫວາດ, ນະຄອນຫລວງວຽງຈັນ.( KhămPhau PhonKẹo (2014), Lược sử Lào, Nxb Sỉ Sạ Vạt, thủ đô VC.), tr.62.ກ່ຽວກັບການດຳລົງຊີວິດຕາມຮີດ 12 ຄອງ 14, ໂຮງພິມພິດສະວົງ, ນະຄອນຫລວງວຽງຈັນ. (Kỉ Đèng PhonCạSúc (2006), Văn hóa Lào – về việc sinh sống theo 12 phong tục, 14 tập quán, Nxb Phít Sạ Vông, Thủ đô VC.), tr.96.
ອົມຍິ້ມກັບຊຽງຫມ້ຽງ, ສຳນັກພິມອ້າຍຫນູນ້ອຍ, ຫລວງພະບາງ(Sỉ Pon Vút Thi Sắc Đì ( 2015), Ngậm cười với Xiêng Miệng, Nxb Anh chuột nhỏ, Luông Pha Bang), tr.22.
ປະມວນວັນນະຄະດີລ້ານຊ້າງເຫລັ້ມ 1, ໂຮງພິມແຫ່ງລັດ ນະຄອນຫລວງວຽງຈັນ. (Viện khoa học xã hội quốc gia Lào – Viện nghiên cứu văn hóa (2014), Tuyển tập Văn học Lạn Xạng tập 1, Nxb Nhà Nước, thủ đô VC), tr.10.
ປະຫວັດສາດລາວໂດຍຫຍໍ້, ໂຮງພິມສີສະຫວາດ, ນະຄອນຫລວງວຽງຈັນ, (KhămPhau PhonKẹo (2014), Lược sử Lào, Nxb Sỉ Sạ Vạt, thủ đô VC.), tr.62.
ອົມຍິ້ມກັບຊຽງຫມ້ຽງ, ສຳນັກພິມອ້າຍຫນູນ້ອຍ, ຫລວງພະບາງ(Sỉ Pon Vút Thi Sắc Đì (2015), Ngậm cười với Xiêng Miệng, Nxb Anh chuột nhỏ, Luông Pha Bang.), tr.58.
ກັບການດຳລົງຊີວິດຕາມຮີດ 12 ຄອງ 14, ໂຮງພິມພິດສະວົງ, ນະຄອນຫລວງວຽງຈັນ. (Kỉ Đèng PhonCạSúc (2006), Văn hóa Lào – về việc sinh sống theo 12 phong tục, 14 tập quán, Nxb Phít Sạ Vông, Thủ đô VC.), tr.96.
ພອນກະເສີມສຸ ກ(2006), ວັດທະນະທຳລາວ ກ່ຽວກັບການດຳລົງຊີວິດຕາມຮີດ 12 ຄອງ 14, ໂຮງພິມພິດສະວົງ, ນະຄອນຫລວງວຽງຈັນ. (Kỉ Đèng PhonCạSúc (2006), Văn hóa Lào – về việc sinh sống theo 12 phong tục, 14 tập quán, Nxb Phít Sạ Vông, Thủ đô VC.), tr.96.
Tài liệu tham khảo:
1. ກິແດງ ພອນກະເສີມສຸກ (2006), ວັດທະນະທຳລາວ ກ່ຽວ
2. ສີພອນ ວຸດທິສັກດີ (2015),
3. ຄຳເພົາ ພອນແກ້ວ, (2014),
4. ສະຖາບັນວິທະຍາສາດສັງຄົມແຫ່ງຊາດ (2014).
5. Bộ giáo dục và thể thao CHDCND Lào – Bộ giáo dục và đào tạo CHXHCN Việt Nam, Từ điển Lào – Việt, Nxb Giáo dục Việt Nam, tr.529.
6. Hoàng Lâm- Xu Văn Thon sưu tầm (1962), Truyện dân gian Lào, Nxb Văn Hóa, tr.60.