Ứng dụng thiền chính niệm và tâm từ bi cho đội ngũ nhân viên y tế tuyến đầu trong đại dịch COVID-19 (ThS. Trần Thị Giang)

 

Trong năm qua tại Mỹ và một số nước phương Tây, dựa trên giáo lý Phật giáo, nhiều ứng dụng hướng dẫn các phương pháp thiền chánh niệm, từ bi tâm đã được thiết kế, đặc biệt dành cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe. (Ảnh: blog.calm.com)

“CHẤN THƯƠNG TINH THẦN” CỦA NHÂN VIÊN Y TẾ

Dịch bệnh COVID-19 đã kéo dài gần hai năm trên khắp toàn cầu. Thế giới vẫn phải đang chịu những đợt sóng mới của đại dịch. Các chủng virus mới, dễ lây lan hơn tiếp tục làm tăng gánh nặng cho các bệnh viện và nhân viên y tế ở tuyến đầu. Áp lực và độ căng thẳng đối với các nhân viên y tế vẫn ở mức rất cao.

Một cuộc khảo sát gần đây của nhóm Medscape gồm hơn 7.500 bác sĩ từ khắp nơi trên thế giới và 5.000 nhân viên y tế từ Mỹ cho thấy, có gần 2/3 (64%) trong số đó cảm thấy ngày càng kiệt sức, 93% nhân viên y tế bị căng thẳng, 86% lo lắng, 82% kiệt sức về cảm xúc, 70% khó ngủ và 76% mệt mỏi trước đại dịch COVID-19. Sau những nỗ lực phi thường để vượt qua nhiều đợt bùng phát dịch liên tiếp trong năm qua, 3/4 nhân viên y tế tuyến đầu tại Mỹ cho biết họ cảm thấy quá tải. Vậy ai sẽ chăm sóc cho những y bác sĩ này, để họ có thể tiếp tục chữa trị cho các bệnh nhân?

Dù được ưu tiên tiêm vắc-xin và nhiều điều kiện khích lệ khác nhưng áp lực công việc khiến các nhân viên y tế tuyến đầu đối diện với một loại “bệnh truyền nhiễm” khác, với nguy cơ bị “chấn thương tinh thần” khi liên tục phải chứng kiến sự đau khổ từ bệnh nhân và môi trường xung quanh.

Một số nghiên cứu chỉ ra dấu hiệu kiệt sức ở đội ngũ chăm sóc y tế như: “Sự mỏi nhọc về năng lượng thể chất và cảm xúc. Sự mệt mỏi luôn đeo bám họ như một gánh nặng trên vai, làm suy giảm khả năng tương tác với đồng nghiệp và bệnh nhân, hoặc để tập trung hoàn thành các công việc thường ngày” [1]. Những dòng suy nghĩ lặp đi lặp lại kiểu như: “Tôi không chắc mình có thể tiếp tục việc này bao lâu nữa” và tiếp đến là sự mất phương hướng. Sự mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần khiến họ dần quên mất đi ý nghĩa và mục đích trong công việc hàng ngày mình đang làm. Họ dần cảm thấy xa lìa ý thức về mục đích công việc, không còn đồng cảm với người khác. Một khi động lực đã mất thì cảm giác bất lực và bị ngưng trệ khi phải đối mặt với số lượng bệnh nhân lớn, tất cả sẽ dẫn tới hiệu quả công việc giảm sút. Đôi khi các nhân viên y tế sẽ thấy mình giống như những con Robot, làm việc một cách máy móc hơn là một con người sống động, tràn đầy tình thương yêu, trách nhiệm chăm sóc và chữa trị bệnh nhân.

Dù được ưu tiên tiêm vắc-xin và nhiều điều kiện khích lệ khác nhưng áp lực công việc khiến các nhân viên y tế tuyến đầu đối diện với một loại “bệnh truyền nhiễm” khác, với nguy cơ bị “chấn thương tinh thần” khi liên tục phải chứng kiến sự đau khổ từ bệnh nhân và môi trường xung quanh.

Đây thực chất là hiện tượng phổ biến trong nhiều lĩnh vực, với các nhân viên cứu trợ nhân đạo, những người bảo vệ hòa bình hay các nhóm từ thiện. Họ thường phải chịu áp lực, sự căng thẳng cùng các cảm xúc tiêu cực giống như những đối tượng cứu trợ của mình. Tâm lý choáng ngợp cũng là trạng thái chung của số đông lực lượng y tế tuyến đầu trước hậu quả do COVID-19 gây ra. Vì vậy, ngành y tế cũng đã cảnh báo và hướng dẫn những người đang làm việc ở tuyến đầu về nguy cơ của sự căng thẳng và những chấn thương tâm lý có thể gặp phải bằng phương pháp rèn luyện thân tâm.

GIẢI PHÁP TRỊ LIỆU TÂM LÝ

Đã có nhiều giải pháp đưa ra cho cuộc “khủng hoảng kiệt sức”, bao gồm những thay đổi về cách tổ chức và thay đổi chính sách, thì thực hành chánh niệm cũng mang lại nhiều ứng dụng và lợi ích đã được chứng minh. Trong năm qua tại Mỹ và một số nước phương Tây, dựa trên giáo lý Phật giáo, nhiều ứng dụng hướng dẫn các phương pháp thiền chánh niệm, tâm từ bi đã được thiết kế, đặc biệt dành cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe.

Đối với đội ngũ y bác sĩ và hệ thống chăm sóc y tế, thực hành chánh niệm giúp giảm bớt sự mệt nhọc, kiệt sức, đồng thời cải thiện năng lực tương tác, khả năng giao tiếp, tăng tinh thần trách nhiệm, thái độ thân thiện với bệnh nhân. Đồng thời, việc áp dụng thiền chánh niệm còn giúp bản thân quan sát được thân tâm và điều chỉnh cảm xúc, để từ đó tăng cường khả năng làm việc nhóm, ra quyết định, nâng cao hiệu quả công việc. Ngoài ra, thiền chánh niệm cũng giúp cải thiện trí tuệ cảm xúc, giấc ngủ và khả năng phục hồi toàn diện đối với đội ngũ chăm sóc y tế. Lợi ích của thực hành chánh niệm cũng mở rộng tới lãnh đạo các trung tâm y tế. Họ phải trải qua nhiều quyết định căng thẳng và thiền chánh niệm giúp họ tập trung hơn, cải thiện kỹ năng lãnh đạo dựa trên trí tuệ cảm xúc và giao tiếp. Một số bệnh viện cũng có các nguồn lực để giúp nuôi dưỡng cảm xúc và sức khỏe tinh thần cho nhân viên của mình, ví như chương trình chánh niệm tại nhà của bệnh viện Middlesex, hay Trung tâm Đối trị Căng thẳng, Rèn luyện khả năng phục hồi và Nuôi dưỡng tinh thần mỗi người của bệnh viện Mount Sinai. Các mạng lưới chăm sóc sức khỏe tinh thần, như Giúp Nhân viên y tế tự chữa lành đã bắt đầu phát triển.

CHƯƠNG TRÌNH CHĂM SÓC CHO NHÂN VIÊN Y TẾ

Diana Calthorpe Rose (Chủ tịch danh dự sáng lập của Viện Garrison, nơi áp dụng các phương pháp thiền quán cho các vấn đề xã hội và môi trường) cùng nữ cư sĩ Sharon Salzberg đã xây dựng ứng dụng Chăm sóc miễn phí cho nhân viên y tế (A free Care for Caregivers app), kết hợp thiền chánh niệm với một số động tác yoga cùng các phương pháp rèn luyện tâm thức, giúp giảm căng thẳng, cân bằng các cảm xúc và sức khỏe tinh thần. “Một trong những nội dung chính của ứng dụng này là giúp cho mọi người có hiểu biết về sự khác biệt lòng thương cảm với từ bi tâm” [2].

Lòng cảm thông sâu sắc của các nhân viên tuyến đầu khi phải chứng kiến và chăm sóc bệnh nhân có thể khiến họ phải chịu đựng quá mức trước những đau khổ của dịch bệnh, của tinh thần người bệnh và hoàn cảnh bên ngoài, để rồi dần rơi vào mệt mỏi và kiệt quệ. Nhưng tâm từ bi sẽ mang lại lợi ích rất khác biệt. Tâm từ bi vững chãi giúp nhân viên y tế thấu hiểu bệnh nhân, chia sẻ và tìm cách giúp họ vơi bớt nỗi đau.

“Tình thương cảm mà chưa đạt tới phẩm chất từ bi lại có xu hướng làm cho các nhân viên y tế bị mệt mỏi và kiệt sức. Nhưng thương cảm đi kèm với từ bi tâm mang lại sự tĩnh tại và bình an, giúp các nhân viên y tế biết yêu thương trước hết với bản thân mình cũng như với bệnh nhân, bởi vậy họ có thể làm tốt các trọng trách của mình, phụng sự người bệnh một cách nhiệt tâm mà không bị kiệt quệ nhất là về tinh thần” [3]. Sự tĩnh tại này là một năng lực vốn có ở mỗi người và là phẩm chất có thể rèn luyện, nuôi dưỡng và phát triển thông qua các khóa đào tạo, hành thiền và ngay khi tham gia các hoạt động chữa trị cho bệnh nhân.

CHƯƠNG TRÌNH GRACE

Nữ cư sĩ Roshi Joan Halifax đã chia sẻ một chương trình 5 bước giúp các nhân viên y tế chăm sóc bản thân trong khi đang chăm sóc người bệnh. Bà chia sẻ rằng bản thân từng “bị choáng ngợp khi chứng kiến nỗi đau vô cùng của người bệnh, cảm thấy nhịp tim của mình tăng nhanh, da trở nên lạnh và sởn gai ốc, hơi thở mỗi lúc một gấp gáp. Bà nhận ra rằng khi chứng kiến những khổ đau của bệnh nhân đã vượt quá sự chịu đựng của bản thân. Với những kinh nghiệm thực hành Phật pháp của mình, bà đã chuyển hóa trạng thái tâm của mình từ lòng thương cảm tới từ bi tâm, từ chứng kiến thụ động tới chia sẻ chủ động” [4]. Đây là một ví dụ về nỗi khổ đau mà những nhân viên y tế có thể phải trải qua, như một loại chấn thương tâm lý quá lớn khi họ liên tục phải tiếp xúc với những người bệnh đau đớn về thể xác và tinh thần.

Từ bi tâm vững chãi giúp nhân viên y tế thấu hiểu bệnh nhân, chia sẻ và tìm cách giúp họ vơi bớt nỗi đau. (Ảnh: myamericannurse.com)

Chương trình này được gọi là GRACE gồm năm bước: Định tâm – Gợi nhớ – Quan sát bản thân và đối tượng – Quán xét – Tham dự.

Thứ nhất, phát triển năng lực định tâm bằng cách giảm những hoạt động và suy nghĩ bên ngoài, hít thở sâu, để cho bản thân dần tập trung. Tiếp tới thở ra, để cho thân tâm hiện diện một cách vững chãi. Có thể sử dụng một đối tượng làm nơi chú tâm với mục đích cho các cảm xúc bớt xao động; các phán đoán, mong chờ hay kỳ vọng lắng đọng lại và qua đó cho phép nhân viên y tế được thư giãn.

Thứ hai, gợi nhớ lại mục đích của bản thân ở đây là phục vụ người bệnh, nên mọi suy nghĩ, hành động lẫn lời nói cần chân thành, thân thiện và chuyên nghiệp. Ghi nhớ động cơ và mục đích bản thân giúp nhân viên y tế luôn giữ thái độ chuẩn mực, phát huy được những giá trị tốt đẹp nhất.

Thứ ba, tập quan sát những gì diễn ra trong thân và tâm. Chú ý tới bất kỳ tư tưởng nào hiện khởi trong tâm và điều chỉnh cho phù hợp. Tiếp tới quan sát những biến đổi trên thân thể và cảm xúc của người bệnh.

Thứ tư, tiếp tới hãy tự đặt câu hỏi xem đâu là giải pháp phù hợp nhất. Bằng kinh nghiệm, tri thức và sự hiểu biết của mình, hãy quyết định xem đâu là điều nên nói, nên làm trong hoàn cảnh cụ thể. Hãy cởi mở với mọi thứ đang diễn ra, không nên khư khư những định kiến hay kết luận cứng nhắc.

Thứ năm, là Tham dự: Giữ suy nghĩ, lời nói và hành động phù hợp sau khi đã ra quyết định. Tinh thần trách nhiệm, chuyên nghiệp và thái độ trân trọng hiện diện từ tâm thức cởi mở, sáng suốt mà người chăm sóc chia sẻ cho người bệnh.

Cư sĩ Roshi Joan Halifax chia sẻ, khi bắt gặp bản thân rơi vào cảm giác choáng ngợp và đau khổ khi chứng kiến sự đau đớn của người bệnh, bà đã chuyển sự chú tâm trở lại dưới sự vững chãi nơi đôi chân, hít sâu để tâm an định, rồi nhanh chóng gợi nhớ bổn phận của mình ở đây là để giúp đỡ người bệnh. Khi nhịp thở đều dần, đầu óc tỉnh táo và tĩnh tại, bà hướng sự chú tâm vào người bệnh. Tất nhiên tiến trình này diễn ra rất nhanh chóng. Bà nhận ra hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân phải trải qua và những người chăm sóc bệnh nhân cũng vậy. Trong bà tràn ngập sự ấm áp của tình thương, cảm giác trân trọng và tri ân hiện khởi với người bệnh, với người chăm sóc bệnh nhân, rồi dần gửi tình thương tới tất cả mọi người đang hiện diện nơi đây.

Chúng ta thấy triết lý và những phương pháp tu trì của Phật giáo có thể được ứng dụng rộng rãi, mang lại nhiều lợi ích to lớn, không chỉ giúp chữa lành tinh thần người bệnh mà cả đội ngũ nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch COVID-19.

PHƯƠNG PHÁP PACE

Tiến sĩ Reena Kotecha đã giới thiệu phương pháp PACE giúp những người ở tuyến đầu chống dịch dành những khoảnh khắc ưu tiên chăm sóc cho sức khỏe thể chất và tinh thần của bản thân. PACE là viết tắt của bốn từ Permission (Chấp nhận) – Awareness (Nhận thức) – Compassion (Từ bi) và Envision (Hình dung), đồng thời cũng là bốn giai đoạn rèn luyện của một người khi tham gia vào quá trình chăm sóc bệnh nhân.

Giai đoạn thứ nhất

Mặc dù các nhân viên y tế luôn khích lệ người bệnh phải biết dành thời gian để ưu tiên sức khỏe và hạnh phúc của mình, nhưng chính họ lại không dễ làm những điều tương tự cho chính bản thân khi đang chăm sóc người bệnh. Bởi vậy bước rèn luyện này mong muốn nhân viên y tế hãy quan sát xem mình đang nhìn, ngắm, suy nghĩ và cảm giác khi làm việc thế nào. Họ được khuyến khích sử dụng những lời nói để trân quý bản thân: Mình đang có cơ hội để mang lại cho mình sự bình an và hạnh phúc đích thực. Hoặc có thể tranh thủ tìm những khoảng không gian riêng và khoảng thời gian ngắn dành cho bản thân.

Giai đoạn thứ hai

Đưa nhận thức vào thời điểm hiện tại; chú tâm tới những vùng trên thân thể mà mình cảm thấy bị căng thẳng, mệt nhọc. Đừng vội phản ứng với chúng, hãy quan sát và học cách thư giãn. Quan sát những dòng suy nghĩ hiện khởi, nếu có bất kỳ cảm xúc khó chịu nào nảy sinh thì có thể quay trở lại với hơi thở, hít thở sâu và dài.

Giai đoạn thứ ba

Là nuôi dưỡng tâm từ bi. Khi đã tỉnh thức với sự hiện diện đầy đủ của thân tâm, hãy hướng tâm từ bi tới chính mình, nhân viên y tế hãy yêu thương và trân quý bản thân, giống như cách đã dành cho bệnh nhân, đồng nghiệp. Họ có thể tặng cho mình cảm giác tự hào vì đang làm một công việc tốt. Hoặc bằng cách đặt tay lên trái tim và cảm nhận tình thương truyền qua các ngón tay, qua đó để tự dành cho mình những lời khích lệ hay trân quý bản thân khi đang làm công việc này.

Giai đoạn thứ tư

Khi cảm thấy sẵn sàng, nhân viên y tế có thể để bản thân bước vào khoảnh khắc tiếp theo và tất cả khoảnh khắc trong tương lai với cảm giác an bình. Hãy cảm nhận nguồn năng lượng và sức sống ở từng khoảnh khắc.

THIỀN CHÁNH NIỆM À TÂM TỪ BI

Tiến sĩ Mark Bertin đã đề xuất các nhân viên y tế thực hành phương pháp thiền chánh niệm và tâm từ bi. Ông cho rằng: “Tâm thức của chúng ta không bao giờ thực sự tĩnh lặng. Trong những khoảnh khắc bất định hay khủng hoảng, cho dù trong đời sống thường ngày hay trong hoàn cảnh chăm sóc y tế, tâm thức con người có thể làm phức tạp, cường điệu các cảm xúc, phản ứng một cách tự do làm trầm trọng hóa những trải nghiệm” [5]. Các nhân viên y tế có thể bị cuốn theo những dòng suy nghĩ tốt, xấu, hữu ích hay không hữu ích, ngợi ca hay chỉ trích… Bởi vậy, khi biết quan sát sự hiện khởi, vận hành các dòng tâm thức, các cảm xúc thì tâm lý không bị ảnh hưởng và xao động bởi môi trường bên ngoài, bởi những lo âu và phiền não bên trong.

Theo ông, khi thời điểm chúng ta cảm thấy thực sự bất ổn và thực sự lạc lối. Khi ấy hãy tìm cho mình một tư thế thoải mái (ngồi hoặc đứng). Chọn một nơi bạn có thể yên tĩnh trong giây lát và sau đó nhìn xuống. Hãy nhắm mắt lại nếu điều đó phù hợp và bạn cảm thấy thoải mái với điều đó. Nếu mắt nhìn phải chứng kiến quá nhiều cảnh đau đớn, tật bệnh và những hoàn cảnh khổ đau, chúng ta có thể nhanh chóng rơi vào lãng tâm và mệt mỏi.

Hãy quan sát hơi thở, điều chỉnh nhịp thở. Hít vào và thở ra nhiều lần. Không để những kỳ vọng hay cảm giác cần phải sửa chữa điều gì trong công việc, không phải nỗ lực hay phấn đấu để làm tốt hơn, đơn giản chỉ hít vào và thở ra. Dần dần, chúng ta kết nối trở lại với thân tâm làm tâm thức tĩnh lặng và sáng suốt hơn. Trong thời gian thực hành, không có gì để làm, không có gì để sửa chữa và bỏ qua bất kỳ cảm giác phấn đấu hay cố gắng nào để khiến bản thân cảm thấy khác biệt hơn. Chỉ hít vào và thở ra.

THỰC HÀNH TAM TỪ BI THEO PHƯƠNG PHÁP PHẬT GIÁO TRUYỀN THỐNG

Trong thực hành này, Mark Bertin đã khuyên nên tìm một nơi để ngồi với tư thế thoải mái. Tất nhiên trong các hoàn cảnh chật hẹp, nhân viên y tế có thể đứng hoặc nằm thực hành. Tiếp tới tự tặng cho mình lời nguyện cầu tốt đẹp, kết hợp với làm chủ hơi thở. Lặp lại những lời trân trọng, từ bi với bản thân như: “Mong cho tôi được bình an, khỏe mạnh, tĩnh tại và an lành”. Có thể sử dụng bất kỳ cụm từ nào mình thấy phù hợp để nuôi dưỡng sự trân trọng bản thân và công việc mà mình đang làm.

Nếu tâm bị xao nhãng, hãy kết hợp hơi thở, rồi chú tâm trở lại. Bỏ qua bất kỳ mong muốn, cố gắng gượng ép nào để bản thân được thư giãn. Tiếp tục lặp lại những lời chúc nguyện với bản thân và tự nhắc nhở mình rằng mình xứng đáng được nhận và có được những lời khích lệ, chúc nguyện tốt lành như vậy. Tiếp tới hãy mở rộng ước nguyện đó tới những người xung quanh. Đó có thể là những người bạn đồng nghiệp đang nỗ lực hết mình trong công việc, là những bệnh nhân đang trải qua cơn bệnh thập tử nhất sinh.

Hãy lặng lẽ gửi lời chúc nguyện an lành tới họ: “Mong quý vị được sức khỏe, an lành, không còn khổ đau”. Hãy ghi nhớ rằng tất cả mọi người dù mạnh khỏe hay đau yếu, dù thân hay sơ, họ đều xứng đáng được nhận những lời cầu chúc đó. Nếu muốn phát triển tâm từ bi xa hơn, bạn có thể mở rộng lời chúc tới mọi người không chỉ những ai đang hiện diện trước mặt, rất nhiều người khác cũng đang hứng chịu những khổ đau, họ cũng giống mình đều phải trải qua những mong manh, bất định của cuộc sống, đều mong có được sức khỏe, an lành. Vậy hãy gửi lời cầu chúc tới họ và tự hứa nỗ lực trong suy nghĩ, lời nói, việc làm của mình để giúp đỡ bất kỳ ai vơi bớt khổ đau và có được hạnh phúc. Sau đó hãy để tâm tĩnh lặng một chút, không mong cầu hay luyến tiếc điều gì. Rồi tiếp tục trở lại với công việc của mình. Nếu kìm nén các cảm xúc sẽ rất dễ dồn nén và làm tăng căng thẳng, lo lắng, giảm năng suất lao động.

Qua một số nội dung trên, chúng ta thấy triết lý và những phương pháp tu trì của Phật giáo có thể được ứng dụng rộng rãi, mang lại nhiều lợi ích to lớn, không chỉ giúp chữa lành tinh thần người bệnh mà cả đội ngũ nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch COVID-19. Tất nhiên những nghiên cứu, ứng dụng trên vẫn còn rất nhỏ so với nhu cầu to lớn, cần có thêm nhiều nguồn lực để lan tỏa các giá trị Phật giáo, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh vẫn đang hoành hành dữ dội hiện nay.

ThS. Trần Thị Giang

 

Chú thích:

* Thạc sĩ Trần Thị Giang, Khoa Triết học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

[1] www.mindful.org/mindfulhome-mindfulness-for-healthcare-workers-during-covid/ by Dr. Mark Bertin, March 15, 2021.
[2] www.newsweek.com/health-care-workers-risk-burn-out-how-will-they-get-care-they-need-opinion-1568063/ by Diana Calthorpe Rose và Sharon Salzberg/ February 10, 2021.
[3] www.garrisoninstitute.org/initiatives/programs/contemplative-based-resilience/care-for-caregivers-app.
[4] www.lionsroar.com/help-when-your-heart-breaks/byJoanHalifax/August16,2021.
[5] www.mindful.org/mindfulhome-mindfulness-for-healthcare-workers-during-covid/ by Dr. Mark Bertin, March 15, 2021.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *