Vào ngày 7/11/1981, tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ nhất, sự thống nhất của 9 tổ chức Giáo hội, tổ chức hội, hệ phái [1] đã thành lập nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), tổ chức duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” đã trở thành sự kiện có ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại đối với Tăng, Ni, cư sĩ và đồng bào Phật tử Việt Nam. Trong suốt 40 năm hình thành và phát triển, Phật giáo nước nhà luôn được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhất là dưới sự lãnh đạo, điều hành của chư Tôn đức Hội đồng Trị sự GHPGVN, đã gặt hái những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực công tác Phật sự, góp phần thiết thực vào đời sống văn hóa đạo đức và an sinh xã hội. Song, để đạt được những thành quả nhất định trong quá trình phụng sự đạo pháp và dân tộc, bên cạnh sự đoàn kết hòa hợp nhất quán trong mọi hành động và tâm huyết trí tuệ của chư Tôn đức, phải nói đến tầm quan trọng của chiến lược ổn định và phát triển, được cụ thể hóa bằng quản trị hành chánh Giáo hội và hoạt động quản trị hành chánh trong tổ chức GHPGVN. Nhằm cung cấp những thông tin cơ bản về quản trị hành chánh mang tính đặc thù của bài viết, chia làm hai phần: Phần một, nêu lên tầm quan trọng về tính pháp lý định hướng của Hiến chương; Phần hai, khái quát quản trị hành chánh trong tổ chức Giáo hội.
HIẾN CHƯƠNG LÀ NỀN TẢNG CHIẾN LƯỢC ỔN ĐỊNH, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA GHPGVN; KHẲNG ĐỊNH TÍNH PHÁP LÝ, ĐỊNH HƯỚNG CHO MỌI HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ CỦA GIÁO HỘI
Hiến chương GHPGVN là đạo luật cơ bản, chủ đạo trong hệ thống Giáo hội, nhằm ổn định thể chế, kiện toàn tổ chức, hoàn chỉnh bộ máy Giáo hội và các quan hệ xã hội phù hợp với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, đặt nền móng chế độ pháp lý, chi phối mọi hoạt động và phản ánh bản chất Giáo hội, quy định những vấn đề có tầm bao quát, quan trọng nhất. Vì vậy, nội dung Hiến chương luôn phản ánh và bao hàm các khía cạnh, như tính chất Giáo hội, chế độ suy tôn, suy cử, các quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của Tăng Ni, Phật tử và hệ thống tổ chức bộ máy Giáo hội từ Trung ương đến địa phương. Chương XIII, Điều 68, ghi rõ: “Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất của Giáo hội” và “Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp khi ban hành văn bản phải phù hợp với Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. Điều này khẳng định, Hiến chương là văn bản duy nhất quy định sự thống nhất trọn vẹn với đầy đủ tiêu chí của một Giáo hội duy nhất, đại diện cho Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước; thể hiện tính dân chủ, công bằng và tứ chúng cùng chung lo Phật sự trong ngôi nhà chung GHPGVN; thể hiện ý chí, quyền và nghĩa vụ của các thành viên Giáo hội dưới hình thức được cụ thể hóa bằng các điều khoản.
Hiến chương đã định hướng cho mọi hoạt động Phật sự, đó là “Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức; các truyền thống Hệ phái cũng như các pháp môn tu hành và phương tiện tu hành đúng Chánh pháp vẫn được tôn trọng, duy trì”. Nội hàm Hiến chương mang tính bao quát tất cả các lĩnh vực của chủ thể tham gia GHPGVN, đó là những quan hệ cơ bản liên quan đến các lợi ích cơ bản các thành viên, cơ cấu tổ chức bộ máy Giáo hội, quyền và nghĩa vụ của các thành viên. Do vậy, về pháp lý, đặc tính Hiến chương là luật gốc, có hiệu lực pháp lý cao nhất và biểu hiện cụ thể như sau: Các quy định của Hiến chương là nguồn, là căn cứ pháp lý cho tất cả các quy phạm [2] khác trong hệ thống GHPGVN buộc phải tuân thủ; Các quy phạm khác khi tổ chức triển khai thực hiện không được mâu thuẫn với Hiến chương, mà phải hoàn toàn phù hợp với tinh thần và nội dung của Hiến chương; Tất cả các văn bản quy phạm của các cấp Giáo hội, cơ quan chuyên môn của Giáo hội được ban hành trên cơ sở quy định của Hiến chương và để thi hành Hiến chương, khi ban hành văn bản không được mâu thuẫn với tinh thần và nội dung của Hiến chương; Tất cả cơ quan Giáo hội phải thực hiện chức năng của mình theo quy định của Hiến chương, sử dụng đầy đủ các quyền hạn, làm tròn nghĩa vụ, chức năng mà Hiến chương quy định; Tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Hiến chương là nghĩa vụ mà mỗi thành viên phải thực hiện. Như vậy, đặc tính đầu tiên của Hiến chương đó là đặc tính đạo luật, đây là yếu tố quan trọng khẳng định tính pháp lý định hướng của Hiến chương, cũng chính là nền móng của quản trị hành chánh Giáo hội Phật giáo Việt Nam [3].
KHAI QUÁT QUẢN TRỊ HÀNH CHÁNH TRONG TỔ CHỨC GIÁO HỘI
Bộ máy và hệ thống hành chánh Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Bộ máy Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Hoạt động quản trị hành chánh Giáo hội được vận hành bởi bộ máy GHPGVN, đứng đầu là Chủ tịch Hội đồng Trị sự cùng với Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN. Giáo hội là tổ chức lớn và duy nhất của Phật giáo Việt Nam, là tổ chức gồm nhiều cơ quan, cơ sở tự viện, Ban, Viện có tính chất, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn khác nhau, nhưng quan hệ mật thiết với nhau, tạo thành một thể thống nhất, được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc chung theo Hiến chương GHPGVN tu chỉnh lần thứ VI quy định. Theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bộ máy Giáo hội được chia thành 3 cấp:
* Cấp Trung ương Giáo hội, cấp Tỉnh – Thành hội Phật giáo và cấp quận hội, huyện hội, thị hội, thành hội thuộc Tỉnh. Trong đó, cấp Trung ương GHPGVN: Gồm có 2 Hội đồng là Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự. Trong đó, Hội đồng Chứng minh là cơ quan lãnh đạo tối cao về đạo pháp và giới luật của GHPGVN. Hội đồng Chứng minh suy cử Ban Thường trực HĐCM để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của HĐCM giữa hai kỳ Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc; giám sát và chứng minh các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội. Ban Thường trực HĐCM gồm các chức danh: Đức Pháp chủ, chư vị Phó Pháp chủ, chư vị Giám luật, Chánh Thư ký, chư vị Phó Thư ký, chư vị Uỷ viên Thường trực [4]. Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, đóng vai trò quản trị hành chánh Giáo hội, gồm có Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực [5], các Phó Chủ tịch; Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký [6] và các Trưởng Ban và Viện Trưởng, như Trưởng Ban Tăng sự, Trưởng Ban Giáo dục Tăng Ni, Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử, Trưởng Ban Hoằng pháp, Trưởng Ban Nghi lễ, Trưởng Ban Văn hóa, Trưởng Ban Kinh tế Tài chính, Trưởng Ban Từ thiện Xã hội, Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế, Trưởng Ban Thông tin Truyền thông, Trưởng Ban Pháp chế, Trưởng Ban Kiểm soát, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 02 ủy viên Thủ quỹ và các ủy viên Thường trực.
* Cấp tỉnh, thành: Gồm có Trưởng Ban Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực, các Phó Trưởng ban, 01 Chánh Thư ký, 02 Phó Thư ký, các Trưởng Ban ngành với tên gọi cũng như tên gọi ở cấp Trung ương, nhưng chỉ có 01 thủ quỹ.
* Cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh: Gồm có Trưởng Ban Trị sự, 01 Phó Trưởng ban Thường trực, 02 Phó Trưởng ban chuyên trách, các Trưởng ban chuyên ngành tương ứng với các Ban chuyên ngành của Ban Trị sự cấp tỉnh, 1 Thư ký, 2 Phó Thư ký, 1 Thủ quỹ và các Ủy viên Thường trực.
GHPGVN là một tổ chức được cấu thành từ 3 nhân tố quan trọng: Yếu tố, chức sắc và tín đồ cấu tạo thành Giáo hội rất quan trọng, vì chỉ có Giáo hội khi hiện hữu một tập thể tín đồ cùng các chức sắc, mới trở thành một tập thể duy nhất, có nguyện vọng chung, có cùng chung một quá trình thành lập Giáo hội, có một ý chí của một tập thể tiến tới đến một tổ chức hoàn hảo. Yếu tố hệ thống tổ chức là điều kiện để tín đồ và chức sắc cùng thực hiện niềm tin tôn giáo theo một tiêu chí nhất định, thực hiện các sinh hoạt và cùng thực hiện các hoạt động tôn giáo, có đầy đủ pháp nhân, pháp lý. Yếu tố bộ máy Giáo hội tức là hình thức và cơ cấu tổ chức Giáo hội, đây là quyền hạn được xác lập bởi một tập thể tín đồ và chức sắc trong một Giáo hội duy nhất, xác lập quyền lực của Giáo hội.
Như vậy, về pháp lý, Giáo hội là một pháp nhân công pháp, có quyền hạn về đối nội và đối ngoại theo cơ cấu và tổ chức; đồng thời là một pháp nhân, công pháp tối cao và duy nhất, nên Giáo hội luôn thể hiện giáo quyền trong đối nội và sự độc lập trong đối ngoại.
Hệ thống hành chánh Giáo hội: Theo Hiến chương (bản tu chỉnh lần thứ VI năm 2017), hệ thống hành chánh Giáo hội phân làm 3 cấp hành chánh, gồm: Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Ban Trị sự Giáo hội Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương; Ban Trị sự Giáo hội Quận, Huyện, Thị xã, Thành phố thuộc Tỉnh. Đối với các Ban, Viện Trung ương và Ban Trị sự các Tỉnh Thành, hoạt động hành chánh ngang dọc trong nội bộ Giáo hội đều phải thực hiện các Nghị quyết, chương trình hoạt động của Hội đồng Trị sự và của Ban Trị sự GHPGVN các cấp.
Về hệ thống quản lý hành chánh Giáo hội:
a) Về quản lý trong sinh hoạt Giáo hội: Thực tế trong sinh hoạt, tu học của các thành viên Giáo hội và Tăng Ni, Phật tử rất đa dạng, nếu bỏ qua yếu tố tự giác chấp hành giới luật và quy củ thiền môn thì khó kiểm soát hết được, do đó quản lý là một loại hoạt động rất cần thiết để điều hòa các mối quan hệ, triển khai các hoạt động Phật sự theo định hướng Giáo hội đề ra, chẳng hạn việc quản lý tại một ngôi chùa, vị trụ trì cũng phải thực hiện chức năng quản lý bằng những hoạt động cụ thể, mới có thể làm cho ngôi chùa ổn định và phát triển. Để việc quản lý các thành viên Giáo hội được thực hiện hiệu quả, có sự tác động tích cực vào các quan hệ, hành vi ứng xử của các thành viên Giáo hội theo một trật tự, một quỹ đạo, đạt tới mục đích nhất định, đòi hỏi tổ chức Giáo hội phải hội đủ ba yếu tố: Tổ chức, uy tín quyền hành và biện pháp chế tài.
– Tổ chức: Trong quản lý, thì tổ chức là yếu tố đặc biệt quan trọng để tác động vào các quan hệ, hành vi ứng xử của các thành viên Giáo hội theo một trật tự, quỹ đạo, đạt tới mục đích nhất định. Yếu tố tổ chức thể hiện vị trí chủ động thực hiện các hành vi tác động, điều chỉnh trong mối quan hệ quản lý giữa Giáo hội (chủ thể quản lý) và các thành viên Giáo hội và Tăng, Ni, Phật tử (đối tượng), đồng thời xác lập chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thiết lập thể chế và cơ chế quản lý; xác định phạm vi đối tượng tác động, hình thành hình thức và phương pháp quản lý.
– Uy tín và quyền hành: Yếu tố đầu tiên đó là uy quyền, người làm công tác quản lý bắt buộc phải có uy tín và quyền hành, gọi là uy quyền, uy quyền chính là thể hiện ý chí để điều khiển người khác phục tùng nhằm phục vụ mục đích cao cả của Giáo hội. Thời Phật tại thế, khi giáo đoàn thành lập, quyền uy cũng được thiết lập bằng sự chế tài thông qua giới luật, các đệ tử Phật được đảm bảo một cách bình đẳng trong tu học, tiếp thu tư tưởng giác ngộ giải thoát cho từng cá nhân hay tập thể thành viên Giáo đoàn. Ngày nay, các bậc Tôn túc được cộng đồng Tăng, Ni, Phật tử suy cử vào cương vị lãnh đạo, với phẩm chất đạo đức, năng lực và uy tín của mình, các bậc Tôn túc lãnh đạo Giáo hội đã tác động tích cực đến sự phát triển của đạo pháp, để quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên Giáo hội và Tăng, Ni, Phật tử được đảm bảo. Như thế, quyền uy của Giáo hội được Tăng, Ni, Phật tử thiết lập và phó thác thông qua các kỳ Đại hội, ở đó Tăng, Ni, Phật tử tín nhiệm giao phó trọng trách quản lý Giáo hội cho các bậc Tôn túc lãnh đạo Giáo hội. Uy quyền cũng được biểu hiện khách quan bằng cách đề ra các quy tắc ứng xử, quy định nhằm tác động lên ý chí, hành vi của cá nhân là thành viên Giáo hội, của Tăng, Ni, Phật tử, qua đó thiết lập, củng cố và duy trì trật tự trong nội bộ Giáo hội, đến sự phát triển của đạo pháp.
– Biện pháp chế tài: Biện pháp chế tài là một hệ quả tất yếu khách quan phát sinh từ quá trình quản lý và là biện pháp quan trọng của quản lý, có tác dụng buộc các thành viên Giáo hội và Tăng, Ni, Phật tử phải tuân thủ ý chí của Giáo hội; sử dụng biện pháp chế tài có ý nghĩa tích cực khi nó được áp dụng đúng đối tượng, khách quan, theo những quy tắc chặt chẽ. Trong Điều 47, Hiến chương GHPGVN cũng nêu rõ: “Đối với những Tăng, Ni vi phạm về giới luật, tùy theo mức độ vi phạm, ngành Tăng sự các cấp phối hợp cùng Ban Trị sự căn cứ luật Phật chế để xét xử và giải quyết…”.
b) Về quản lý hành chánh Giáo hội: Hành chánh Giáo hội là một bộ phận đảm nhận các công việc liên quan đến thủ tục hành chánh, là thành phần quan trọng trong bộ máy điều hành; thi hành các chính sách và đường lối bằng các văn bản pháp lý. Hệ thống tổ chức nhân sự về hành chánh của Giáo hội có hai thành phần: Thứ nhất là bộ máy lãnh đạo Giáo hội, đứng đầu là Chủ tịch Hội đồng Trị sự và chư Tôn đức Thường trực Hội đồng Trị sự; Thứ hai là các tổ chức trực thuộc của Giáo hội, bao gồm các Ban, Viện, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành, huyện, các Ban trực thuộc, ngoài ra còn có hệ thống tự viện và Tăng, Ni, Phật tử. Mọi hoạt động của Giáo hội đều thông qua bộ máy hành chánh, đảm nhận công việc tổ chức điều hành sinh hoạt của Giáo hội trên các lĩnh vực nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đối nội và đối ngoại.
Chức năng quản lý hành chánh của Giáo hội: Quản lý Tăng, Ni và quản lý tự, viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường. Trung ương Giáo hội đã ban hành các loại văn bản quản lý hành chánh như: Hiến chương, Nội quy, Quy chế, Giáo chỉ… và các loại giấy tờ về mặt quản lý. Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, thực hiện chức năng quản lý Tăng, Ni, tự, viện tại địa phương, ban hành Thông bạch, Thông báo, các quyết định (theo Quy chế hoạt động Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh). Mục tiêu của Giáo hội mang tính phụng sự đạo pháp và dân tộc, nêu rõ trong Chương II, Điều 6 Hiến chương: “Mục đích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là hoằng dương Phật pháp, phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nước và ở nước ngoài, tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân tộc, góp phần xây dựng hòa bình, an lạc cho thế giới”. Chính mục đích cao cả ấy, ý nghĩa của hành chánh Giáo hội vì sự phát triển của tổ chức và lợi ích cộng đồng.
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chánh Giáo hội: Là định hướng mang tính chủ đạo trong quá trình tổ chức và hoạt động của bộ máy Giáo hội; được xác định trong Hiến chương và Nội quy các Ban – Viện Trung ương Giáo hội, như: Quy chế hoạt động Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Quy chế hoạt động Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp Tỉnh – Thành trực thuộc Trung ương, Nội quy các Ban – Viện Trung ương. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy GHPGVN được quy định trong Hiến chương, đó là quyền lực thuộc về tập thể, tập trung dân chủ, đoàn kết hòa hợp và nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Có 2 thành phần và 4 nhóm nguyên tắc, như sau:
– Thứ nhất là nguyên tắc quyền lực thuộc về tập thể: Nguyên tắc do tập thể quyết định vốn đã có từ thời Đức Phật tại thế, đó là nguyên tắc Yết ma. Giáo hội Phật giáo Việt Nam kế thừa truyền thống đó, nên mọi hoạt động Phật sự đều do tập thể thảo luận và thông qua. Chẳng hạn, chương trình hoạt động Phật sự tại mỗi nhiệm kỳ đều do tập thể Đại biểu tham dự Đại hội Phật giáo toàn quốc thông qua; chương trình hoạt động hằng năm do tập thể Đại biểu thông qua tại các Hội nghị thường niên; hoặc thành viên Hội đồng Chứng minh và Pháp chủ do Đại hội suy tôn, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Chủ tịch Hội đồng Trị sự và các chức danh khác cũng do Đại hội suy cử, và cấp tỉnh, thành, quận, huyện cũng thực hiện theo nguyên tắc này. Điều này cho thấy, Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự gồm thành viên xuất thân từ Tăng, Ni, Phật tử, đại diện ý chí và nguyện vọng của Tăng, Ni và Phật tử. Hội đồng Trị sự do Tăng, Ni, Phật tử suy cử, trực tiếp giao quyền lực cho Giáo hội để thay mặt Tăng, Ni, Phật tử thực hiện những quyền lực đó, vì vậy, Tăng Ni, Phật tử được coi là đã sử dụng quyền lực Giáo hội thông qua Hội đồng Trị sự và Ban Trị sự các cấp. Đáng lưu ý là để sử dụng quyền lực Giáo hội một cách có hiệu quả, Hội đồng Trị sự và các cấp Giáo hội thành lập ra các cơ quan trực thuộc khác và trao cho những quyền lực Giáo hội nhất định, đồng thời giám sát các hoạt động đó. Thí dụ: Ban Tăng sự, Ban Giáo dục, Ban Hoằng Pháp, Ban Hướng dẫn Phật tử…; vì vậy nguyên tắc quyền lực theo quy định Hiến chương cũng như giá trị truyền thống từ bao đời của Phật giáo tất cả thuộc về sự quyết định của tập thể.
– Thứ hai là nguyên tắc tập trung dân chủ: Nguyên tắc này bắt nguồn từ yêu cầu quản lý và điều hành các hoạt động Phật sự của Giáo hội, đồng thời nó bắt nguồn từ bản chất của Phật giáo (Yết ma và Tăng sai); Giáo hội trong quá trình quản lý và điều hành Giáo hội đòi hỏi phải có sự tập trung quyền lực, có tập trung quyền lực thì mới điều khiển được các sinh hoạt, tu học và triển khai, thực hiện các Phật sự, mới thiết lập được một trật tự nhất định đối với tự viện, Tăng, Ni và Phật tử. Thí dụ: Lúc Phật còn tại thế thì mọi quyền lực tập trung về Đức Phật trong việc chế định giới luật, thuyết pháp… Như vậy, việc tập trung quyền lực là cần thiết, tuy nhiên phải dân chủ với các thành viên, vì Giáo hội là của Tăng, Ni, Phật tử. Nguyên tắc này đòi hỏi trong tổ chức và hoạt động bộ máy Giáo hội phải dựa trên 4 tiêu chí:
+ Giáo hội do Tăng, Ni, Phật tử xây dựng nên. Tăng, Ni, Phật tử thông qua suy tôn, suy cử để chọn những thành viên ưu tú, xứng đáng, thay mặt Tăng, Ni, Phật tử thực hiện quyền lực Giáo hội mà Tăng, Ni, Phật tử tín nhiệm giao phó, chịu trách nhiệm trước Tăng, Ni, Phật tử và phục vụ lợi ích của Tăng già.
+ Quyết định của Trung ương Giáo hội buộc cấp dưới, địa phương phải thực hiện. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, cấp dưới hoặc địa phương có quyền phản ánh những kiến nghị với cấp trên, có quyền sáng tạo phù hợp với tình hình đặc điểm cơ quan và địa phương nhưng không trái chủ trương và chỉ đạo; mặt khác Trung ương Giáo hội phải hỗ trợ địa phương tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong khi thực hiện chủ trương, chỉ đạo của mình.
+ Những vấn đề quan trọng của các cấp Giáo hội phải được đưa ra thảo luận tập thể và quyết định theo đa số, buộc thiểu số phải thực hiện, song phía đa số phải lắng nghe ý kiến của thiểu số để rà soát, kiểm tra lại tính đúng đắn trong chủ trương, chỉ đạo của mình.
+ Hội đồng Trị sự là cơ quan quyền lực của Giáo hội, những vấn đề quan trọng đều phải được lấy ý kiến của các thành viên Giáo hội. Chẳng hạn, sửa đổi Hiến chương Giáo hội lần thứ VI năm 2018, chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VII (2012 – 2017) đều được lấy ý kiến rộng rãi trong các thành viên, Tăng, Ni và Phật tử. Thông qua việc lấy ý kiến, Giáo hội hiểu rõ thực tế và tâm tư nguyện vọng của Tăng, Ni, Phật tử để có quyết sách đúng đắn, phù hợp với ý chí của Tăng, Ni và Phật tử. Tập trung và dân chủ là hai mặt của một thể chế thống nhất, kết hợp hài hòa với nhau; nếu thiên về tập trung mà không chú trọng đến dân chủ sẽ dẫn đến tập trung quan liêu, độc đoán trái với bản chất của Phật giáo; ngược lại, nếu thiên về dân chủ mà coi nhẹ tập trung sẽ dẫn đến tình trạng phá rào xảy ra, làm mất ổn định trong hoạt động của bộ máy Giáo hội.
– Thứ ba là nguyên tắc đoàn kết, hòa hợp: Nguyên tắc này cũng bắt nguồn từ bản chất của Phật giáo, đây là những nguyên tắc xây dựng và phát triển Giáo hội, phù hợp với đặc thù của GHPGVN, được quy định trong Hiến chương 2018 tại điều 8, chương II: “Thành phần của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm các Tổ chức, Hệ phái Phật giáo Việt Nam, Tăng, Ni và Cư sĩ thuộc các Tổ chức, Hệ phái Phật giáo Việt Nam đã hợp nhất hình thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chấp nhận bản Hiến chương này”. Nguyên tắc này thể hiện sự độc đáo trong tổ chức và hoạt động của bộ máy GHPGVN. Trong các hoạt động, các cơ quan Giáo hội luôn vì lợi ích của Tăng, Ni, Phật tử, bảo đảm sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các tổ chức, hệ phái. Giáo hội luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, hệ phái thành viên phát triển đồng bộ về mọi mặt, từ vật chất đến tinh thần, đồng thời cũng xử lý những trường hợp gây chia rẽ trong nội bộ Giáo hội, làm phương hại đến uy tín và sự nghiệp thống nhất Phật giáo Việt Nam.
– Thứ tư là nguyên tắc tuân thủ tổ chức: Gồm các yếu tố sau:
+ Giáo hội phải ban hành các chế định bằng văn bản một cách kịp thời để điều chỉnh các quan hệ đang và sẽ xảy ra nhằm thiết lập trật phù hợp với ý chí Giáo hội. Các chế định bằng văn bản do các cơ quan Giáo hội ban hành phải đúng thẩm quyền và mang tính cách đồng bộ trên cơ sở lấy Hiến chương làm gốc; chế định của Giáo hội cấp dưới không được trái với chế định Giáo hội cấp trên; các chế định bằng văn bản của các cấp Giáo hội ban hành phải mang tính thực thi, bắt nguồn từ thực tế và có khả năng thực hiện được.
+ Tất cả cơ quan Giáo hội, cán bộ Giáo hội và Tăng, Ni, Phật tử phải tuân thủ Hiến chương và các chế định khác một cách nghiêm túc. Đặc biệt là các cơ quan Giáo hội phải được tổ chức và hoạt động theo quy định của luật Phật, pháp luật và Hiến chương; chức sắc Giáo hội phải gương mẫu trong việc thực thi Hiến chương và pháp luật, không được cho phép mình “Vượt rào” để làm trái Hiến chương và pháp luật.
+ Các cấp Giáo hội phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi Hiến chương và các chế định khác bằng văn bản. Tất cả cơ quan Giáo hội trong phạm vi có thẩm quyền phải kiểm tra, giám sát việc thực thi Hiến chương và các chế định khác bằng văn bản; kịp thời xử lý những hành vi, vi phạm Hiến chương và các chế định. Việc xử lý kịp thời và nghiêm chỉnh có tác dụng rất lớn đến công tác phòng ngừa vi phạm, giáo dục để làm trang nghiêm Giáo hội.
+ Tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành các chế định của Giáo hội; tuyên truyền, giáo dục là trách nhiệm của tất cả cơ quan Giáo hội các cấp. Cơ quan Giáo hội các cấp đều có trách nhiệm tuyên truyền, giải thích các chế định của Giáo hội để tự viện, Tăng, Ni, Phật tử biết được nội dung, ý nghĩa của các chế định, trên cơ sở đó biết được những hành vi được phép làm và những hành vi không được phép làm để tránh sự vi phạm các chế định cũng như bảo vệ những quyền và lợi ích hợp pháp của mình và của Giáo hội.
VAI TRÒ QUẢN TRỊ HÀNH CHÁNH TRONG TỔ CHỨC GIÁO HỘI
Vai trò cống hiến trí tuệ qua việc nâng cao tính hiệu quả Phật sự và chất lượng tu hành trong sinh hoạt Giáo hội: Hoạt động quản trị hành chánh Giáo hội từng bước làm thay đổi bộ mặt Phật giáo nước nhà theo chiều hướng tích cực, đó là sự thay đổi toàn diện, từ việc tu chỉnh Hiến chương Giáo hội qua từng nhiệm kỳ, từng bước cải cách cơ cấu tổ chức nhân sự, phương thức hoạt động cho đến việc nâng cao chất lượng Phật sự và hiệu quả tu học của Tăng, Ni Phật tử. Đạt được kết quả này chính là nhờ vào sự tập trung trí tuệ của chư Tôn đức Hội đồng Trị sự. Điều này cho thấy quản trị hành chánh đóng vai trò cống hiến trí tuệ rất quan trọng cho sự phát triển Phật giáo nước nhà qua từng thời kỳ phát triển. Cụ thể, tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII nhiệm kỳ 2017 – 2022, chư Tôn đức Hội đồng Trị sự đã thống nhất phương châm “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển”, qua đó tập trung vào các mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân sự, cải tiến phương thức điều hành nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh thời hội nhập, điều này chứng minh quản trị hành chánh trong tổ chức Giáo hội đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc cống hiến trí tuệ cho sự nghiệp xương minh Phật pháp và phát triển thời hội nhập.
– Vai trò phát huy tính nhất quán trong hệ thống tổ chức Giáo hội và tăng cường sự đoàn kết hòa hợp trong sinh hoạt Giáo hội: Kể từ ngày thành lập, trải qua 8 nhiệm kỳ, Giáo hội đã đạt được những thành tựu khả quan trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, thời kỳ đầu thành lập, để có được sự gắn kết keo sơn trong toàn hệ thống Giáo hội, trước tiên phải nói đến quyết tâm cao của chư Tôn đức trong Hội đồng Trị sự, các ngài đã luôn sâu sát kịp thời hóa giải mọi sự ngộ nhận bất đồng tạo nên sự nhất quán về tư duy hành động. Từ đó trở đi đã tạo nên sự nhất quán cao, gắn kết mật thiết trong toàn hệ thống tổ chức Giáo hội, có thể nói, quản trị hành chánh đã thể hiện thành công vai trò tăng cường sự đoàn kết hòa hợp, phát huy tính nhất quán, góp phần quan trọng cho sự nhiệp ổn định và phát triển bền vững của Giáo hội.
– Vai trò giữ vững kỷ cương trong sinh hoạt Giáo hội: Giữ gìn giới luật và kỷ cương là trách nhiệm chung và là vấn đề then chốt đòi hỏi mọi thành viên Giáo hội phải tuân thủ, đó là yếu tố cần thiết cho sự ổn định và phát triển. Trên phương diện hình thức, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng có bộ máy Hội đồng quản trị hành chánh gọi là Hội đồng Trị sự Trung ương và Hiến chương Giáo hội với những điều khoản, luật định rất cụ thể, làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của các thành viên trong ngôi nhà Giáo hội.
Về bản chất, trên tinh thần tự nguyện tự giác, người xuất gia đều nghiêm trì giới luật và tự giác tuân thủ Hiến chương, chấp hành những quy định trong Giáo hội và pháp luật Nhà nước. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khách quan từ nhịp sống thời đại và do yếu tố chủ quan từ một bộ phận người xuất gia vẫn chưa tự giác trong đời sống tu hành, nhất là đối với giới Tăng, Ni trẻ tuổi, do đó, trước yêu cầu phát triển bền vững của Giáo hội, Hội đồng Trị sự Trung ương và Ban Trị sự các cấp ban hành các biện pháp chế tài, đặc biệt là Nội quy Ban Tăng sự, nhằm giữ vững kỷ cương, ổn định sinh hoạt Giáo hội, làm nền móng cho công cuộc xây dựng và phát triển Giáo hội, điều này cho thấy, quản trị hành chánh trong tổ chức Giáo hội thể hiện vai trò giữ vững kỷ cương rất nghiêm túc.
– Vai trò chủ thể trong đối nội và đối ngoại: Bộ máy lãnh đạo Giáo hội [7] giữ vai trò chủ thể then chốt trong toàn bộ hệ thống quản lý và điều hành của Giáo hội, đồng thời xác lập giáo quyền và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của các thành viên trong ngôi nhà Giáo hội. Vai trò chủ thể của Hội đồng quản trị hành chánh Giáo hội được thể hiện trong mọi công tác Phật sự, đối nội và đối ngoại như sau:
+ Vai trò chủ thể trong hoạt động nội bộ: Trong Chương V (Hội đồng Trị sự), Điều 19, Hiến chương (Bản tu chỉnh lần thứ 6) nêu rõ: “Hội đồng Trị sự là cơ quan điều hành, quản lý hành chánh cao nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về mọi mặt hoạt động giữa hai nhiệm kỳ”, điều này nói lên vai trò chủ thể của Hội đồng Trị sự trong quản trị hành chánh Giáo hội [8]. Ngoài ra, Hội đồng Trị sự là cơ quan duy nhất giữ quyền phát ngôn của Giáo hội, có trách nhiệm về nội dung phát ngôn do các cơ quan, cá nhân trong Giáo hội thực hiện; quản lý hoạt động thông tin truyền thông có liên quan đến Giáo hội; có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc xử lý các tổ chức, cá nhân phát ngôn, thông tin truyền thông có nội dung xuyên tạc, thiếu chính xác, thiếu khách quan liên quan đến đạo Phật nói chung, và đến tổ chức Giáo hội các cấp và các thành viên; đề nghị cơ quan Nhà nước xử lý đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài Giáo hội vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của cơ sở tự viện và thành viên Giáo hội; kiểm tra, xử lý các vi phạm Giáo luật, Hiến chương, Quy chế, Nội quy và các quy định khác của Giáo hội; phê chuẩn kế hoạch, chương trình hoạt động Phật sự của Ban, Viện Trung ương, Văn phòng Trung ương Giáo hội, các tổ chức cơ sở, thành viên trực thuộc Trung ương và GHPGVN cấp tỉnh; đề nghị Ban thường trực Hội đồng Chứng minh tấn phong trước kỳ hạn trong trường hợp đặc biệt cần thiết đối với nhân sự bổ sung vào các chức vụ bị khuyết thuộc thẩm quyền suy cử của Hội đồng Trị sự; tổng hợp ý kiến của chư Tăng, Ni, cư sĩ Phật tử thành viên Giáo hội để phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền về chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động tôn giáo; thể hiện các quyền và nhiệm vụ khác được Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh ủy quyền hoặc có quy định trong Hiến chương và các văn bản liên quan [9]… Qua đó cho thấy vai trò chủ thể của quản trị hành chánh Giáo hội đối với toàn bộ công tác đối nội của Giáo hội và chi phối lên mọi hoạt động của các thành viên trong ngôi nhà Giáo hội.
+ Vai trò chủ thể trong hoạt động đối ngoại và quan hệ quốc tế [10]: Nhờ sự lãnh đạo, điều hành năng động của chư Tôn đức Hội đồng Trị sự, đến nay Phật giáo Việt Nam đã có mặt và phát triển ở nhiều nước trên thế giới, như: Đức, Ba Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… chư Tăng, Ni trụ trì những nơi này đều thừa hành công tác Phật sự dưới sự lãnh đạo quản lý điều hành của Hội đồng Trị sự GHPGVN. Mặt khác, các sự kiện của Phật giáo diễn ra hằng năm ở nước ngoài, Hội đồng Trị sự luôn đặc phái chư Tôn đức kết hợp với Tăng, Ni trụ trì những nơi này triển khai Phật sự, từ mối liên kết chặt chẽ này đã tạo điều kiện thuận lợi để Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển ở hải ngoại, đóng góp rất nhiều vào việc giới thiệu hình ảnh và con người Việt Nam, tăng cường mối quan hệ hữu nghị thân thiện giữa Phật giáo Việt Nam và Phật giáo các nước trên thế giới… Ngoài ra tại các diễn đàn Phật giáo quốc tế và các sự kiện trọng đại của Phật giáo mang tính toàn cầu, chẳng hạn như Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc, Hội đồng Trị sự luôn là một thành phần quan trọng của các Đại hội và là chủ thể đứng đầu đại diện hợp pháp của Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế, điều này cho thấy Hội đồng Trị sự đóng vai trò chủ thể then chốt trong mọi sinh hoạt của Giáo hội ở trong và ngoài nước.
– Vai trò quyết định trong việc ban hành các văn bản quan trọng của Giáo hội: Trong Chương III (Nguyên tắc hoạt động và hệ thống tổ chức), ở Điều 10, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nêu rõ nguyên tắc lãnh đạo của Giáo hội “Giáo hội lãnh đạo trên nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, quyết định theo đa số và thống nhất hành động”… Theo đó, dù thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nhưng yếu tố quyết định vẫn là Ban Thường trực Hội đồng Trị sự và người chịu trách nhiệm với quyết định này là Chủ tịch Hội đồng Trị sự. Trải qua 8 nhiệm kỳ lãnh đạo, tổ chức, điều hành, Hội đồng Trị sự luôn được sự đồng tình nhất trí cao của toàn hệ thống tổ chức. Chính sự phát triển bền vững của Giáo hội đã minh chứng hùng hồn về vai trò quyết định của Giáo hội trong các hoạt động Phật sự, nhất là việc các Thông tri, Nghị quyết, Quyết định quan trọng của Giáo hội lần lượt ra đời làm khuôn phép cho mọi hoạt động của các thành viên Giáo hội.
(còn tiếp)
Chú thích:
*HT. Thích Huệ Thông – Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
[1] 9 tổ chức Giáo hội, hội, hệ phái Phật giáo đã thống nhất thành lập GHPGVN, gồm: Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, Ban liên lạc Phật giáo Yêu nước TP. HCM, Giáo hội Thiên Thai giáo Quán Tông, Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, Hội đoàn kết Sư sãi Yêu nước Tây Nam Bộ, Hội Phật học Nam Việt.
[2] Các văn bản quy phạm khác thường chỉ hướng đến các mối quan hệ thuộc một lĩnh vực nhất định, như Nội quy Ban Tăng sự, Ban Giáo dục Tăng Ni,…
[3] Để sáng tỏ tính pháp lý định hướng cho mọi hoạt động Phật sự, có thể tham khảo một số điều trong Hiến chương (bản được tu chỉnh lần thứ VI): Điều 6, 7, 8, 9 Chương II (Mục đích – Thành phần); Điều 10, 11 Chương III (Nguyên tắc hoạt động và hệ thống tổ chức); Điều 19, 20, 21, 22 Chương V (Hội đồng Trị sự) và điều 68 Chương XIII (Hiệu lực của Hiến chương và sửa đổi Hiến chương).
[4] Trích điều 15, chương IV, Hiến chương GHPGVN, tu chỉnh lần thứ IV.
[5] Do đặc thù của Việt Nam có hai miền, nên suy cử 2 Phó Chủ tịch Thường trực.
[6] Do có 2 văn phòng, nên cơ cấu 2 Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng – Văn phòng Trung ương (VP1) đặt tại chùa Quán Sứ, Hà Nội; Văn phòng Thường trực (VP2) đặt tại Thiền viện Quảng Đức, TP. HCM.
[7] Có thể hiểu đó là Hội đồng quản trị hành chánh Giáo hội.
[8] Quý vị tham khảo Chương V (Hội đồng Trị sự), Điều 19, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (bản tu chỉnh lần thứ VI).
[9] Vai trò quản trị hành chánh Giáo hội, thông qua các nhiệm vụ của của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, được thể hiện rất rõ trong Chương V (Hội đồng Trị sự), Điều 19, Hiến chương GHPGVN (bản tu chỉnh lần thứ VI) và được xác định ở Điều 4 trong văn bản Quy chế hoạt động Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN do Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự ký quyết định ban hành vào ngày 5/9/2018.
[10] Hiến chương GHPGVN (bản tu chỉnh lần thứ VI) Chương V, Điều 24, nêu rõ: “Chủ tịch Hội đồng Trị sự là người thay mặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam về mặt pháp lý trong các mối quan hệ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài”. Điều 8 (Quy chế hoạt động Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN), nêu rõ nhiệm vụ quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng Trị sự với công tác đối ngoại: “Thay mặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam về mặt pháp lý và các mối quan hệ đối nội, đối ngoại ở trong và ngoài nước và giữ vai trò phát ngôn chính thức của Giáo hội”.
how to take priligy 7 more likely among women age 65 to 74 29 more likely among women 75 or older