Qua một số từ ngữ tiếng Việt, tìm hiểu kinh nghiệm học tập bao đời của người Việt (Nguyễn Quốc Dũng)

Nói đến vấn đề học tập, một điều thú vị là tiếng Việt có khá nhiều từ ngữ phản ánh những kinh nghiệm, cách thức, thái độ học tập khác nhau, như: Học hành, học tập, học hỏi, học vẹt, học gạo, học lóm (học lỏm), học mót, học vấn, học thức, học đại, học đòi… Xét về từ loại, chỉ có hai từ học vấn và học thức thuộc lớp danh từ; còn lại là các động từ chỉ quá trình học tập, rèn luyện tri thức. Xét về cấu tạo, các từ này đều có chung thành tố “Học” nhưng lại thuộc hai kiểu cấu tạo khác nhau: Từ ghép đẳng lập (học hành, học tập, học hỏi, học vấn, học thức) và từ ghép chính phụ (học vẹt, học gạo, học lóm/học lỏm, học mót, học đại, học đòi…). Tìm hiểu, phân tích cấu tạo ngữ nghĩa các từ này, nhìn chung, có thể nêu mấy nhận xét về cách thức, kinh nghiệm học tập của người Việt Nam ta.

ĐÚC KẾT KINH NGHIỆM HỌC TẬP

Trước tiên, trong phạm vi các từ ghép đẳng lập, ngoài hai danh từ học vấn, học thức biểu thị ý nghĩa “Tri thức, hiểu biết” do kết quả học tập đem lại, các từ khác là động từ biểu thị quá trình học tập theo một cách thức nhất định. Trong cấu tạo của các từ học tập, học hành và học hỏi, các yếu tố cấu thành chúng (học, tập, hành, hỏi) cho thấy học trong quan niệm chính thống của người Việt không phải là một quá trình tiếp thu thụ động mà là một hoạt động tích cực của người học. Để có được kiến thức vững vàng, người học cần phải thực hành, luyện tập những hiểu biết đã học; tìm tòi, hỏi han, trao đổi với thầy cô, bạn bè trong quá trình học. Nói đơn giản, muốn đạt được thành quả tốt đẹp thì học phải đi đôi với hành, với tập (học hành, học tập), không nên chỉ dừng lại ở lý thuyết suông. Không những thế, có học phải có hỏi (học hỏi). Học phải biết hoài nghi, nghi vấn thì mới tìm tòi, nghiên cứu để thỏa mãn những điều còn mơ hồ. Không phải ngẫu nhiên mà tiếng Việt lại có được cách diễn đạt sâu sắc như các từ trên. Ắt hẳn là cả một quá trình đúc kết kinh nghiệm học tập của cha ông ta.

HỌC VẸT, HỌC GẠO, HỌC LÓM…

Đối lập với cách học tích cực nói trên, các từ ghép chính phụ (học vẹt, học gạo, học lóm, học mót…) lại biểu thị những cách học tạm bợ, nhất thời, không mang tính hệ thống. Học vẹt là học thuộc lòng một cách máy móc mà không hiểu gì, giống như con vẹt; học gạo là học cắm cúi, cốt thuộc bài để ứng phó với các kỳ thi trước mắt; học mót là học bằng cách lượm lặt ở người này người kia, chỗ này chỗ nọ một ít, không theo trường lớp hệ thống nào; còn học lóm hay học lỏm là học bằng cách nghe, nhìn người khác mà làm theo, không cần đến người chỉ dẫn… Trong nhóm từ này, học đòi thực ra không phải là học; đó chỉ là hành động bắt chước [1]. Các thành tố phụ vẹt, gạo, mót trong các từ ghép chính phụ trên cho thấy những cách thức học khác nhau. Những cách học như thế mang tính tạm bợ, đối phó mà kết quả là những mớ hiểu biết thiếu chín chắn (học gạo), nông cạn, vụn vặt, không đến nơi đến chốn (học lóm, học mót), thậm chí mơ hồ (học vẹt). Giá trị ngữ nghĩa của các thành tố phụ ấy cho thấy thái độ phê phán những lối học vô bổ, tiêu cực, thiếu khoa học mà không ít bộ phận người học trong xã hội ta còn mắc phải.

CHỮ HỌC TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ

Với cái nhìn lịch sử, từ đầu thế XIX trở về trước, để chỉ quá trình học tập, từ những sử liệu để lại chỉ ghi nhận trong tiếng Việt hai từ học và học hành [2], đều được phiên dịch ra tiếng Latinh là “studere”, nghĩa là “Học, nghiên cứu” (Từ điển Taberd, 1838). Đến cuối thế kỷ XIX, tư liệu ghi nhận xuất hiện thêm hai từ học lóm, học mót (xem Từ điển Huỳnh Tịnh Của, 1895), là những cách học vặt vãnh, chưa phải học theo đúng nghĩa của nó. Sau đó, tiếng Việt đã nảy sinh những từ mới thể hiện các cách học khác nhau, đa dạng hơn nhiều. Cũng chính trong thời đại hiện nay, chúng ta mới dùng và hiểu từ học hành theo nghĩa của từ ghép đẳng lập “Có học phải có hành”. Nghĩa ban đầu của từ này là một từ láy [3]: “học tập nói chung” (xem Taberd). Thực ra, đây mới là nghĩa chính của từ, bởi các tự điển tiếng Việt hiện đại nhìn chung đều định nghĩa từ học hành theo nghĩa này. Chẳng hạn, theo Từ điển Văn Tân (1997, tr.521) thì “Học hành là học nói chung”; còn theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (1992, tr.454) thì “Học hành là học văn hoá, có thầy, có chương trình, có hướng dẫn (nói khái quát)”. Hoặc đơn giản như Từ điển giáo khoa tiếng Việt tiểu học của Nguyễn Như Ý (chủ biên, 1995) chỉ giải thích gọn nhẹ: “Học hành: Học” (tr.171). Ý nghĩa hiểu theo cấu tạo từ ghép đẳng lập của từ này là cách vận dụng linh hoạt do sự liên tưởng trên cơ sở từ tố phái sinh hành (mang nghĩa hư) của từ láy sang từ tố hành gốc Hán Việt (mang nghĩa thực) của từ ghép. Từ điển Văn Tân (1997) ghi nhận nghĩa này với vị trí là nghĩa thứ hai của từ học hành. Như vậy, trong tiếng Việt hiện nay, học hành có thể được dùng theo hai kiểu cấu tạo khác nhau (từ láy hay từ ghép) tuỳ theo ngữ cảnh. 

Những dẫn giải ở trên cho thấy, trong quá trình phát triển của tiếng Việt, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có những nguyên nhân xã hội chủ quan (như sự phát triển của giáo dục, nhu cầu học tập của quần chúng,…) mà trong xã hội gần đây đã xuất hiện một số từ mới, ghi nhận những cách học khác nhau, chủ yếu là những cách học không chính thống.

HỌC TẬP HIỆU QUẢ

Mục đích của việc học nhằm có đầy đủ tri thức, nắm vững những hiểu biết chuyên môn ngành nghề (có cơ hội nâng cao tri thức) để làm việc thuận lợi, nhanh chóng, có hiệu quả. Vấn đề đặt ra cho việc học, để tạo lập hành trang hữu ích vào đời, là “Học thế nào có hiệu quả?”. Đó là một vấn đề hết sức bình thường nhưng không phải lúc nào cũng được mọi người quan tâm và nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nó. Trong một xã hội chuộng bằng cấp mà giáo dục trở thành một món hàng hoá thì vấn đề ấy lại càng được ít người quan tâm. Việc học tựu trung được nhìn nhận chỉ cốt kiếm lấy tấm bằng làm “Giấy thông hành” vào đời, hơn là chiếm lĩnh kiến thức thực sự. Đó là một nhận thức sai lầm và vô cùng tai hại cho nền giáo dục nước nhà nói riêng và tiền đồ đất nước nói chung.

Thực ra, về kiến thức, học thực sự bao giờ vẫn hơn, như dân gian thường nói, có học thì “không nẩy bề dọc cũng nẩy bề ngang”! Trong xã hội xưa, người có học thức luôn được kính nể, tôn trọng. Ngày nay cũng vậy. Tuy nhiên, dầu xưa hay nay, sự kính trọng ấy chỉ thực sự có được với những người trí thức chân chính. Để đạt được những kiến thức hữu ích, người học phải thực sự cầu thị ở việc học của mình: Học thế nào cho hiệu quả. Học có hiệu quả đòi hỏi phải có phương pháp. Ngoài những phương pháp chung qua thầy cô, môn học… Người học còn phải tự tìm cho mình những phương pháp học tập riêng phù hợp với hoàn cảnh, môi trường, điều kiện cuộc sống đặc thù của mình. Phương pháp học tập truyền thống của người Việt Nam đã được đúc kết thành kinh nghiệm trong mấy chữ giản dị: “học hành, học tập, học hỏi”. Học phải có hành, tức phải có luyện tập thì kiến thức mới bền vững; và học còn phải biết hỏi han, truy vấn, suy nghĩ, tìm tòi, nghiên cứu cho đến cùng thì kiến thức mới thâm sâu, uyên bác. Phương pháp “Học gắn liền với hành, tập và hỏi” còn bao hàm ý nghĩa người học phải luôn luôn có ý thức chủ động, tích cực học tập, rèn luyện kiến thức của mình. Điều này quả không xa lạ với chủ trương, phương pháp dạy học của chúng ta ngày nay. Nhờ có kinh nghiệm, phương pháp học tập chủ động, tích cực như trên mà trong xã hội ta thời phong kiến đã xuất hiện biết bao trí thức, hiền tài đóng góp trí lực cho đất nước. Ngoại trừ số ít là con cháu quan lại, vua chúa được theo học trường lớp chính quy (Quốc Tử Giám), còn lại chủ yếu là những người xuất thân từ quần chúng nông dân, chỉ được thụ giáo ở các Thầy đồ, hay may hơn là ở các quan Nghè, ông Cống về hưu tự mở lớp ở làng quê và cơ bản là tự học. Lịch sử cho thấy thành công của việc học phần lớn là do nỗ lực tự thân của người học. Dĩ nhiên “Không thầy đố mày làm nên”, nhưng người học nếu không nỗ lực, chủ động thì dù người dạy có giỏi đến mấy e cũng khó thành công được!

Tóm lại, qua mấy từ ghép biểu thị quá trình học tập của người Việt trong tiếng Việt, chúng ta thấy kinh nghiệm học tập của dân ta đã được phản ánh sâu sắc, không những về phương pháp mà còn cả về thái độ. Quả thực, về phương pháp học tập, cha ông ta đã để lại một kinh nghiệm quý báu trong từ ngữ tiếng Việt: “Học hành, học tập, học hỏi”. Học thực sự thì không nên chỉ học lóm, học mót; lại càng chẳng bao giờ nên học vẹt, học gạo. Học thực sự là học gắn liền với hành, tập và hỏi”, trong đó “Học hỏi” là quá trình tiêu biểu nhất. Bởi học mà không hỏi, tức không biết nghi vấn thì sẽ không có nhu cầu giải tỏa thắc mắc, chẳng cần phải suy nghĩ tìm tòi sâu xa hơn nữa. Nhà văn L.Tolstoy đã nói một câu chí lý mà mỗi người học cần suy nghiệm: “Tri thức là kết quả của sự suy nghĩ tìm tòi, chứ không phải là trí nhớ”. Trần Mạnh Hảo trong một bài viết về nhà văn Nguyễn Khải, cũng phát biểu một ý tương tự khá sâu sắc: “Một người trí thức không biết hoài nghi chỉ là một con vẹt. Không có sự hoài nghi đi kèm, niềm tin chỉ còn là ngụy tín”. Ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, kinh nghiệm học tập ấy được thể hiện khéo léo thành phương châm dạy-học thiết thực và vô cùng đơn giản trong ba từ “Văn – Tư – Tu” (Nghe – Suy nghĩ – Thực hành).

Nguyễn Quốc Dũng

 

Chú thích: 

* Nguyễn Quốc Dũng, Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.

[1] Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (Trung tâm Từ điển ngôn ngữ, 1992) định nghĩa:

– Học tập: Học và luyện tập để hiểu biết, để có kỹ năng (tr.454).

– Học hỏi: Tìm tòi hỏi han để học tập (tr.454).

– Học đòi: Bắt chước làm theo những việc không hay gì một cách thiếu suy nghĩ. Ví dụ: Học đòi ăn diện (tr.453).

[2] Trong Từ điển Taberd, bên cạnh hai từ học và học hành, còn có từ học đòi, nhưng nghĩa của nó không cùng hệ thống với học. Học đòi tương đương tiếng Latinh là imitari (tr.204) có nghĩa là “Bắt chước”.

[3] Học hành, trong trường hợp này có thể hiểu là một từ láy, bởi nó có cùng cơ cấu nghĩa khái quát như các từ láy: Tập tành (tập nói chung), dỗ dành (dỗ nói chung), nhặt nhạnh (nhặt nói chung), vui vẻ (vui nói chung), buồn bã (buồn nói chung), sạch sẽ (sạch nói chung), nói năng (nói nói chung), làm lụng (làm nói chung)…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *