Vài nét về chùa Diệu Hỷ và Hoằng Hóa Quận vương Miên Triện: Một ông Hoàng mến mộ Phật pháp (Nguyễn Văn Cương)

Trong các đề tài về Di sản Hán Nôm văn bia chùa Huế hiện đã có công trình “Tuyển dịch văn bia chùa Huế” của nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu được Tạp chí Nghiên cứu & Phát triển Thừa Thiên Huế ấn hành (NC&PT, số 49,50, 2005), gồm 45 bài văn bia thuộc 22 ngôi cổ tự xứ Thuận Hóa. Một công trình khác là “Văn bia và văn chuông Hán Nôm dân gian Thừa Thiên Huế” của nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh giới thiệu thêm 8 bài văn bia chùa làng. Phải nói rằng, đây là những công trình mang tính chất giới thiệu, dịch thuật văn bản học, giúp cho độc giả hiểu thêm về các giá trị di sản văn hóa và lịch sử hình thành các ngôi chùa cổ tại Huế thể hiện trên hệ thống văn bia chữ Hán-Nôm, như: chùa Từ Hiếu, Thiên Mụ, Ba La Mật, Linh Quang, Diệu Đế, Tường Vân, Thuyền Tôn, Trúc Lâm, Thánh Duyên… và một số chùa làng như chùa Trường Xuân, Tuệ Vũ, Sơn Tùng, Thanh Lương… Tuy nhiên, về bài “Diệu Hỷ bia ký” mà chúng tôi sẽ giới thiệu dưới đây thì cả hai công trình trên đều chưa thấy đề cập. Vì vậy, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin được giới thiệu nội dung toàn văn bài ký bia chùa Diệu Hỷ, một ngôi chùa khá đặc biệt do chính chủ nhân vốn là một Thân vương hoàng tộc lập ngay trong phủ đệ của mình. Đó là Hoằng Hóa Quận vương Nguyễn Phúc Miên Triện.

Huế ngoài là thủ phủ Đàng Trong các đời chúa Nguyễn, đô thành trọng yếu của triều đại Tây Sơn và kinh đô vương triều Nguyễn thì còn là xứ sở Phật giáo. (Ảnh: redsvn.net)

VÀI NÉT VỀ CHÙA DIỆU HỶ

Chùa Diệu Hỷ tọa lạc tại số 26 đường Tô Hiến Thành, phường Gia Hội, TP. Huế, do Hoằng Hóa Quận vương Miên Triện, Hoàng tử 66 của vua Minh Mạng, lập bên cạnh phủ đệ để thờ Phật Dược Sư (nguyên là một thảo am), chùa không rõ thời gian xây dựng nhưng khoảng giữa thế kỷ XIX. Ngày 19/7/1883, vua Tự Đức băng hà, triều đình trải qua cuộc biến thời “tứ nguyệt tam vương”, trong bốn tháng lần lượt các vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc liên tiếp bị phế lập do sự thao túng của hai quyền thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường. Biến cố này đã gây chấn động lớn đối với giới hoàng tộc, thậm chí cả Tuy Lý Vương Miên Trinh cùng một số hoàng thân khác phải đem gia quyến chạy đến chỗ phái viên Pháp đóng ở Thuận An ẩn náu. “Hoằng Hóa công Miên Triện, Hải Ninh Quận công Miên Tằng cũng sợ hãi đi mất” [1]. Chùa bị bỏ hoang, pháp tượng, pháp khí đem gửi ở chùa Ba La Mật. Năm 1927, người cháu thừa tự [2] của ngài Hoằng Hóa là Tham tri Ưng Bàng, pháp danh Thanh Cát cùng phu nhân là Nguyễn Khoa Diệu Xuyến, pháp danh Trừng Tú trùng tu lại chùa, thỉnh pháp tượng, pháp khí về và nhờ sư Viên Thành viết bài Diệu Hỷ tự ký ghi lại quá trình nguyên ủy thành lập, ý nghĩa tên gọi, trùng tu và công lao tiền nhân, thể hiện sự thành kính, lòng mộ đạo của vợ chồng cư sĩ Phật giáo Ưng Bàng cùng phu nhân Diệu Xuyến; ngoài ra còn có một nữ đạo hữu họ Nguyễn, pháp danh Thanh An đã chung sức đúc tượng và pháp khí, tôn trí tượng thờ, góp phần khôi phục lại chùa. Đệ tử của Viên Thành là Trí Giải, Trí Thủ nối tiếp trụ trì, đến năm 1947 giao cho Ni bộ, Sư bà Chơn Hiền nhận nhiệm vụ quản lý cho đến nay. Chùa Diệu Hỷ còn có bức tranh chân dung Hoằng Hóa Quận vương do một họa sĩ Pháp vẽ năm 1891 khi Vương đi sứ sang Pháp [3] và bộ Trí Thủ văn tập, do các đệ tử của Hòa thượng Thích Trí Thủ sưu tập lại thành bộ hai cuốn dày, khổ giấy lớn. Trí Thủ Văn Tập hiện được tàng bản tại chùa Diệu Hỷ; cũng không thấy san hành để phổ biến.[4]

Khuôn viên chùa rộng khoảng 2.500m2. Cổng vào hình vòng cung, mở một cửa, biển ngạch đề chữ Quốc ngữ “Chùa Diệu Hỷ”. Lối đi ở giữa, hai bên vườn có non bộ, hoa cảnh, cây cối. Chính điện một gian hai chái, rầm thượng kiểu cổ, trông rất giản dị. Mái lợp ngói liệt. Hành lang chạy dài bao quanh, diện tích chừng 50 m2. Đằng sau là một nhà làm thư viện dài 7 mét, rộng 5 mét; bên trái có một dãy nhà Tăng và một phòng khách. Nội thất bài trí thờ tự đơn sơ, lấy Phật Thích Ca làm chính. Bức hoành thời Bảo Đại đề “Diệu Hỷ Tự”.

NỘI DUNG BÀI VĂN BIA CHÙA HIỆU HỶ [5]

妙喜碑記

妙喜寺者,兵部參知兼攝尊人府左尊卿蒙峰膺大人,法名清吉並貴夫人阮科氏,法名澄繡同一發心重興此寺,以光先德之所建也.昔先王弘化郡王約亭大尊伯以陳思之文章,兼東平之樂善,雅慕玄風,仰崇佛化闢梁苑中地建一凈菴為曰妙喜按華嚴經有妙喜世界蓋其所取義也.鑄造藥師琉璃光如來寶像虔奉于其中,香油鼎燭焚修瞻拜者歷有年所既.念茫茫塵海,華屋山邱,萬物有情歸於等盡.於是舉諸佛像法器而托于波羅密寺之先大師覺靈,謂獲其所無復顧慮,何其縹渺冥漠之頃華其繼者有人焉,起而營理之修整之使衹園似藍紺宇重新,旛影珠光儼然一梵王寶剎也.盻悶宮之伊邇,魚山梵唄依稀,回粉署以逶遲,鹿苑天華燦爛.(衲)辰或下山留謁睹此,軒簷嚴麗,棟宇嵯峨,欄楣週圍,竹樹茂密,公每與談斯寺之,緣起而囑(衲)為記之.(衲)忝預尊親道契相識,素深敢不隨善應教.夫!惟:仙源積慶,無慚燕翼貽謀,梵宇重營,豈減布金買地.此則建寺之功德,奉佛之精虔,(衲)於公無間然也.戶部屏南阮相公所謂公能繼志述事.於戲!前王不忘信不誣矣,公宿植德,本主帝王家現宰官身,為眾生說法而夫人亦錦屏之人,夙根通慧,貞靜幽嫻,有樛木關雎之德.惟日香爐經卷以凈土為皈心.當此,榮貴芬華而克持素志,非但修因慕果而瓜豆之理.必然,積善之慶,永世子孫,必獲善感尚有持也.公每興作佛事,夫人同一意喜,婉娩相助,為理于以成此大觀.當梵宇初成,願欲得阿彌陀佛寶像一尊坐,蓮華臺金漆,相好以安于斯寺,俾瞻仰者得褔而尚未克遂適.有夫人道伴阮氏法名清安,詣寺瞻拜,發誠懇心,願依式雕造奉供,乃自乂安省亦古寺購求名木,選諸北城造像巧手,閱半載而始完,恭迎尊置三日禮懺道場,酬其夙願皆夢劫勝緣也.今而後登斯寺者一瞻一禮如入華藏之玄門,悟毘盧之性海,其功德豈可思量者哉.伏願金瓶永奠,天家衍慶於無窮,寶座長明,天地群歸于有象,是為記.

皇朝保大三年戊辰浴佛誕日

密山楂菴主圓成謹撰

Dịch nghĩa:

Bài ký bia chùa Diệu Hỷ

Chùa Diệu Hỷ, do Binh bộ Tham tri kiêm nhiếp Tôn Nhân phủ tả tôn khanh Mông Phong Ưng đại nhân, pháp danh Thanh Cát cùng quý phu nhân họ Nguyễn Khoa, pháp danh Trừng Tú cùng đồng tâm trùng tu chùa này, để làm sáng tỏ cái đức dựng xây đời trước. Xưa bác là tiên vương Hoằng Hóa Ước Đình vốn có tài văn chương như Tào Thực [6], mến điều thiện tựa Đông Bình [7] hâm mộ Thiền môn, tôn sùng Phật pháp, cho nên mới chọn chỗ đất tốt cao ráo trong vườn, xây một tịnh am, gọi là “Diệu Hỷ”, dựa vào câu “thế giới Diệu Hỷ” [8] trong Kinh Hoa Nghiêm [9] để lấy nghĩa mà đặt làm tên vậy! Đúc tạo tượng Phật Như Lai Dược Sư Lưu Ly Quang [10] thành kính đặt thờ phụng bên trong, khói hương, dầu, lư, đèn, nhang cho việc tu tập lễ bái cũng nhiều năm lắm rồi. Vốn ngẫm; trời biển mênh mang, núi gò thành bãi, vạn vật hữu tình, hư vô hết thảy; thế nên mới đem các đồ pháp khí, tượng Phật gửi cho tiên Đại sư Giác Linh [11] chùa Ba La Mật, không lo xa như thế, sau này cuộc đời nổi trôi mờ mịt ai biết ra sao. Khi có người kế tục được, bắt đầu dựng xây chỉnh lý lại khiến cho chốn Kỳ Viên khôi phục lại cảnh vẹn nguyên tựa già lam cổ kính, ngọc ánh tinh kỳ, hệt y một tòa phạm vương bảo sát [12] vậy. Thấp thỏm u cung [13] đã gần kề, ngọn Ngư sơn [14] còn phảng phất lời kệ kinh, quay về chốn quan [15] nên chậm rãi, bởi vườn Nai [16] rực rỡ bóng trời hoa. Tôi [17] mỗi khi xuống núi có đến bái phỏng nơi này (chùa Diệu Hỷ), thấy hiên thềm nghiêm (trang) tráng (lệ), rường mái nguy nga, cột xà đầy đặn, trúc thụ um tùm, ông thường cùng tôi nói chuyện về ngôi chùa, nhân đó có ý muốn tôi viết đôi lời; kẻ hèn này với bậc tôn thân (hoàng tộc) nhờ đồng đạo mà được biết nhau, nên từ trong sâu thẳm không dám vui vẻ nhận lời. Ôi! Dòng Tiên chứa phúc, chẳng thẹn mưu tính chắp thêm lông, cánh vì cháu con, trùng tu chùa miếu, đâu dám bớt vàng để trải đầy sân [18], vậy nên cái công đức trùng tu chùa và lòng thành khẩn kính Phật giữa tôi và ông chẳng có gì khác nhau. Ngài Hộ bộ Bình Nam Nguyễn Tướng công [19] bảo rằng ông có thể kế thừa sự nghiệp. Ô hô! Tiên vương vốn dĩ không quên điều tín, chẳng dám dối lừa vậy, (đến đời) ông cũng gieo đức nghiệp, thân làm quan lớn thuộc dòng vương giả triều vua ta, vì chúng sanh truyền Phật pháp mà phu nhân cũng là bậc lang trung khuê nữ [20], vốn dĩ thông minh, tuệ mẫn, kín đáo, nhã nhặn, có cái đức của Cù Mộc – Quan Thư [21]. Duy chỉ ngày đêm đốt lò hương đọc kinh kệ, một lòng hướng về cõi Tịnh Độ. Đương thời (phu nhân) thân phận vinh hoa quyền quý nhưng vẫn giữ gìn phẩm hạnh trắng trong, không những gieo nhân trồng quả mà còn hiểu lẽ gieo gặt đậu dưa [22]. Tất nhiên, chứa tích phúc lành, truyền mãi cháu con, không những thu hái được những điều tốt đẹp mà còn được phù hộ độ trì nữa vậy. Ông mỗi khi làm Phật sự, phu nhân đều vui vẻ đồng lòng, giúp đỡ chu đáo, nhờ đó mà chốn ấy trở nên bề thế. Khi vừa hoàn thành xong việc dựng chùa, mong làm một tòa tượng Phật A Di Đà ngồi trên một đài Liên Hoa sơn son thếp vàng đẹp đẽ để đặt vào ngôi chùa (Diệu Hỷ) này. Khiến cho người đến chiêm bái nương được cõi phúc, nhưng vẫn chưa được toại nguyện. Vừa hay một vị đạo hữu của phu nhân, họ Nguyễn, pháp danh Thanh An đến chùa chiêm bái, phát tâm thành khẩn, theo đúng cách thức để tạc (tượng Phật) phụng cúng, bèn từ một ngôi chùa cổ ở Nghệ An tìm mua gỗ tốt, tuyển thợ chạm tay nghề khéo ở Bắc thành làm. Trải qua nửa năm mới làm xong, mở lễ sám đạo tràng ba ngày ba đêm để cúng rước, nhằm đền đáp công lao phò trợ đêm ngày, sao cho mọi ước mong cầu nguyện đều thành duyên lành đượm mãi. Chúng sinh từ hôm nay và mai sau đến chùa này để lễ bái sẽ được vào chốn “huyền môn” của Hoa Tạng [23] ngộ được “tính hải” của Tỳ Lư [24]. Cái công đức (xây chùa, tạo tượng) ấy há có thể đo đếm được sao. Kính mong! Bình vàng dâng lễ, thiên đình trải phúc mãi vô cùng; tòa báu sáng lòa, trời đất xoay vần trong vạn tượng, cho nên làm bài ký vậy!

Ngày Phật Đản (mùng 8 tháng 4), năm Mậu Thìn, Niên hiệu Hoàng triều Bảo Đại năm thứ 3 (1928). Viên Thành – Trụ trì chùa Mật Sơn (Tra Am cũ) cẩn soạn.

ĐÔI NÉT VỀ HOẰNG HÓA QUẬN VƯƠNG –  MIÊN TRIỆN

Hoằng Hóa Quận vương – Nguyễn Phúc Miên Triện (1833-1905), ông là con trai thứ 66 của vua Minh Mạng và bà Tài nhân Trần Thị Thanh. Ông sinh ngày 03/6 năm Quý Tỵ (19/7/1833), thuở nhỏ thông minh ham học, được phong Triệu Phong Quận công và lập phủ riêng năm 1850, đổi phong Quỳnh Quốc công năm 1878, rồi Hoằng Hóa công năm 1883, cuối năm ấy do mắc lỗi [25], bị giáng Hoằng Hóa Hương công, đến cuối năm sau mới được khôi phục tước Quận công. Năm 1889, vua Thành Thái cử ông sung Sứ đoàn sang Pháp, khi về phong dần đến Hoằng Hóa Quận vương. Ngoài tài năng trong việc giải quyết các vấn đề nội chính, Miên Triện còn được biết đến tài thơ văn, ông tự Quân Công, hiệu là Ước Đình. Ông tham gia Mạc Vân thi xã do anh ông là Tùng Thiện Vương Miên Thẩm thành lập (1819-1870). Tác phẩm của Vương nay còn “Ước Đình thi sao” gồm 240 bài thơ gồm thơ đề vịnh, họa, tặng và tả cảnh trên đường đi sứ sang Pháp trước và sau năm 1889.

Ông mất ngày 04 tháng 4 năm Ất Tỵ (7/5/1905); tẩm ở làng Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thủy (nay phường Thủy Xuân, TP. Huế).

Thay lời kết

Huế ngoài là thủ phủ Đàng Trong các đời chúa Nguyễn, đô thành trọng yếu của triều đại Tây Sơn và kinh đô vương triều Nguyễn thì còn là xứ sở Phật giáo. Phật giáo Huế không những phát triển theo chiều sâu, nơi hội tụ của các truyền thống Phật giáo Việt Nam như Trúc Lâm Yên Tử, Thiền Tào Động, Thiền Lâm Tế… mà còn “phát triển theo bề mặt, tức là việc trùng kiến, trùng hưng và xây dựng chùa tháp, đúc chuông, tô tượng. Hệ luận của công việc này là trong Phật giáo xứ Huế đã hình thành cả một hệ thống chùa chiền rộng lớn” [26]. Trong công trình “Lịch sử Phật giáo xứ Huế” của hai tác giả Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm có chia “hệ thống chùa Huế từ thời 1802 – 1885 này có thể làm ba loại: Quốc tự gọi nôm na là chùa Vua; Tổ đình hay chùa Tổ, do một vị Thiền sư khai sơn và lập nên; sau cùng là chùa dân” [27]. Tuy vậy, chùa Diệu Hỷ được thành lập trong trường hợp khá đặc biệt là tọa lạc ngay trong khuôn viên phủ Hoằng Hóa do chính chủ nhân là ông Hoàng Miên Triện lập, xuất phát điểm từ một thảo am, sau đó được thế hệ sau trùng tu lại thành chùa, đó là một điểm đặc biệt. Chúng tôi từng tham khảo thêm ý kiến của Tiến sĩ Trần Văn Dũng, một người từng có nhiều năm nghiên cứu về hệ thống phủ đệ Huế, thì theo đó còn có một loại hình chùa mới, đó là “chùa phủ đệ”. Đây là một vấn đề thú vị; ngõ hầu làm sáng tỏ thêm tinh thần Phật pháp xứ Huế đã thấm nhuần ngay cả chốn hoàng gia, điển hình là Hoằng Hóa Quận vương Miên Triện, một Thân vương hoàng tộc mến mộ Đạo Phật và cho lập bàn thờ Phật ngay trong chính gian giữa phủ đệ của mình, đồng thời xây một thảo am thờ Phật Dược Sư trong khuôn viên phủ đã minh chứng điều đó.

Nguyễn Văn Cương

 

Chú thích:

* Nguyễn Văn Cương, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP. Huế.

 [1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 8, NXB Giáo Dục, 2007, tr.610.

[2] Hoằng Hóa Quận vương Miên Triện không có con trai nên lấy cháu là Hồng Du (con của Thọ Xuân vương Miên Định) làm thừa tự, đổi tên Hồng Hậu. Ông có hai người con gái, một là Công nữ Úy Đào, hai là Công nữ Đồng Canh, tự Quý Lương, hiệu Đạm Phương Sử Nữ, lấy Nguyễn Khoa Tùng, sinh ra Nguyễn Khoa Văn (nhà văn cách mạng Hải Triều).

[3] Nguyễn Đắc Xuân (2011), Nghiên cứu Triều Nguyễn & Huế xưa, tập 1, NXB Thuận Hóa, tr.661.

[4] Thích Hải Ấn – Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, NXB Văn hóa Sài Gòn, tr.768.

[5] Chúng tôi xin chân thành cảm ơn TS. Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian TT Huế đã cung cấp, hỗ trợ tư liệu và ảnh “bài ký chùa Diệu Hỷ”. Chân thành cảm tạ nhà nghiên cứu Lê Minh Khiêm đã góp ý, giúp đỡ chúng tôi hoàn thiện bản dịch bài văn bia trên.

[6] Nguyên văn là Trần Tư: Tào Thực (曹植, 192 – 232), tự Tử Kiến (子建), con trai Tào Tháo, giỏi thơ phú và là nhà thơ lớn đời Ngụy, khi mất, ông được ban thụy là Tư (思), vì vậy đời sau gọi ông là Trần Tư Vương (陳思王).

[7] Đông Bình: Tức Đông Bình Vương, con thứ tám của vua Quang Vũ đời Đông Hán. Vốn nổi tiếng là người hiếu thiện. Vua cha thường ngày hỏi ông trị gia thế nào là hạnh phúc nhất. Ông đáp: “Thiện tối lạc”.

[8] Thế giới Diệu Hỷ: là cõi nước của sự vui vẻ kỳ diệu.

[9] Kinh Hoa Nghiêm: là một bộ Kinh Đại thừa, lập giáo lý căn bản của Hoa Nghiêm tông. Kinh nhấn mạnh đến tính “vô ngại” của mọi hiện tượng và chủ trương rằng tâm con người chính là vũ trụ và đồng thể với tâm Phật. Nội dung siêu việt tuyệt luân hùng vĩ, tráng lệ nguy nga, thể hiện pháp thân, tư tưởng và tâm nguyện của Phật.

[10] Phật Dược Sư (藥師佛), còn gọi là Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật (藥師琉璃光佛), là vị Phật đại diện cho sự trọn vẹn của Phật quả ngự cõi phía Đông (là cõi Tịnh Lưu ly). Tranh tượng của vị Phật này hay được vẽ với tay trái cầm thuốc chữa bệnh và tay phải giữ Ấn thí nguyện.

[11] Tức sư Viên Giác: Nguyễn Khoa Luận (1834 – 1900), hiệu Đàm Trai, pháp danh Thanh Chân, pháp hiệu Viên Giác Đại sư. Khi làm Bố chánh Thanh Hóa, triều đình Huế thất bại, phải chịu để Pháp đô hộ. Khi nghe tin vua Hàm Nghi ra chiến khu Hà Tĩnh và ban chiếu (hay hịch) Cần Vương, ông hưởng ứng, chuẩn bị thành trì, súng đạn, nhưng việc thất bại, ông xin treo ấn từ quan. Pháp nghi ngờ theo dõi, ông bực mình đi đường núi vào dần đến Quảng Ngãi, lại ra Huế, ẩn tích trong các chùa, rồi cắt tóc quy y với hòa thượng Hải Thiệu chùa Từ Hiếu. Phu nhân là Thanh Trất Từ Thiện thấy ông lênh đênh nay chùa này mai chùa nọ, bèn bỏ tiền riêng và quyên góp bà con, dựng ngôi chùa Ba La Mật để Sư tu hành.

[12] Phạm vương bảo sát: chỉ chùa chiền, danh lam cổ tự.

[13] Nguyên văn muộn cung (悶宮): theo thiển ý của chúng tôi ám chỉ chốn cung cấm u uất.

[14] Ngư sơn: Tên một ngọn núi ở huyện Đông A, Trung Quốc. Tương truyền nhân hình thế núi như vảy cá nên đặt là Ngư sơn, trên đỉnh núi có lập một miếu gọi là “Ngư cô miếu” và một ngôi chùa là chùa Ngư Sơn. Thời Đường, Thi Phật Vương Duy từng đến đây sáng tác bài Ngư sơn thần nữ ca từ (魚山神女歌祠).

[15] Nguyên văn phấn thự, tức nhà quan. Bài “Thu nhật Quỳ phủ vịnh hoài phụng ký Trịnh giám, Lý tân khách nhất bách vận” của Đỗ Phủ có câu: Vụ vũ ngân chương sáp霧雨銀章澀/Hinh hương phấn thự nghiên馨香粉署妍. Nghĩa: Mưa mù làm mờ đai bạc/Hương thơm làm đẹp nhà quan.

[16] Lộc Uyển: Vườn Lộc Giả – Sarnath còn gọi là vườn nai nơi Đức Phật giảng pháp lần đầu tiên cho anh em Kiều Trần Như, và cũng là nơi Tăng Già Phật Giáo ra đời xuyên qua sự giác ngộ của Kondanna (Kiều Trần Như) vị đệ tử cao niên nhất trong năm vị, thấu triệt Giáo Pháp và đắc Quả Tu Đà Hoàn, tầng đầu tiên trong bốn tầng Thánh. Sarnath tọa lạc 13km về phía đông bắc của thành Varanasi. Sarnath được Đức Phật đề cập là một trong bốn thánh tích hành hương.

[17] Tức sư Viên Thành: Sư nguyên là công tôn Hoài Trấp (1879-1928), kế thế trú trì chùa Ba La Mật, em con chú của bà Thanh Trất, thuộc phòng Định Viễn Quận vương. Là một nhà thơ, Viên Thành đã biến chùa Ba La Mật thành một chùa thơ từ ngoài đến trong. Đến năm 1923, sư Viên Thành lên lập riêng chùa Tra Am, giao chùa Ba La Mật lại cho dòng họ Nguyễn Khoa quản lý.

[18] Nguyên văn: bố kim mãi địa, tích khi Đức Phật ở Ma Kiệt Đà, Cấp Cô Độc – một thương gia giàu có đến vườn Trúc Lâm nghe Phật thuyết pháp, ông thấu hiểu và vui lòng quy y, bèn mời Phật đến thành Xá Vệ cứu độ chúng sinh. Ông muốn mua khu vườn đẹp nhất của Thái tử Kỳ Đà, con vua Ba Tư Nặc nước Câu Tát Na ở thành Xá Vệ, thường gọi là Kỳ Đà Viên hay Kỳ Viên, để cúng cho Phật làm Tịnh Xá; Thái tử Kỳ Đà ra điều kiện phải trải vàng trên mặt đất, trải đủ đến đâu bán đến đó. Ông trải vàng khắp vườn, trừ các gốc cây. Thái tử bằng lòng, bèn bán vườn, còn cây thì vẫn thuộc về mình, nhưng cũng cúng cho Phật luôn, kể cả những rẻo đất còn lại, nên người ta gọi là Kỳ Đà Thụ Cấp Cô Độc Viên (gọi tắc là Kỳ Viên).

[19] Tức Nguyễn Khoa Tân (1870-1938): Con trai Đại sư Viên Giác, đỗ Cử nhân năm 1894, làm quan đến Thượng thư Bộ Hộ, Hiệp tá Đại học sĩ sung Cơ Mật Viện đại thần, góp nhiều công lao vào việc sáng lập Hội Phật học Trung Kỳ.

[20] Ý chỉ thân phận nữ nhi nhưng đảm đương được trọng trách lớn lao, bậc nữ trung hào kiệt.

[21] Cù Mộc, Quan Thư: hai thiên trong Kinh Thi. Cù Mộc là thiên Nam hữu cù mộc trong thơ Chu Nam phần Quốc phong, khen bà Hậu phi như cây gỗ lớn, các bà thiếp nương nhờ như dây sắn, dây bìm leo quanh; Quan Thư cũng thuộc vào thơ Chu Nam, phần Quốc phong, khen người con gái hiền thục là đối tượng cầu mong của người quân tử.

[22] Lẽ gieo gặt đậu dưa, nguyên văn là “qua đậu chi lí”, đây là câu ngạn ngữ cổ, ý nghĩa “trồng đậu thì được đậu, trồng dưa thì hái dưa”, tựa như luật nhân quả, gieo nhân nào thì gặt quả đó.

[23] Huyền môn của Hoa tạng: Hoa Tạng giới tức Liên Hoa tạng giới, cõi có sự báo ứng kỳ diệu, cõi tịnh độ của báo thân chư Phật, toàn do hoa sen báu tạo thành, cũng như Cực Lạc giới.

[24] Tính hải của Tỳ Lư: pháp thân của đức Phật Đại Nhật Như Lai tức Tỳ Lư Già Na sâu rộng như biển. Tên vị này được nói đến trong kinh Hoa Nghiêm, có trí tuệ bao trùm cả các Phật, kể cả Như Lai.

[25] Lỗi này chính là thời tứ Nguyệt tam vương, triều đình bị thao túng bởi hai quyền thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường, mà Miên Triện sợ bị lụy phải ẩn náu một thời gian. Khi trở lại triều, ông bị giáng chức và lưu đày.

[26] Thích Hải Ấn – Hà Xuân Liêm (2006), S.đ.d, tr.326.

[27] Thích Hải Ấn – Hà Xuân Liêm (2006), S.đ.d, tr.327.

One thought on “Vài nét về chùa Diệu Hỷ và Hoằng Hóa Quận vương Miên Triện: Một ông Hoàng mến mộ Phật pháp (Nguyễn Văn Cương)

  1. Hà Cẩm Cháu says:

    Tôi là chăt ngoại cụ Ưng Bàng , bà ngoại tôi là con gái thứ hai của cụ , Bà Công Tằng tôn nữ thị Ân , tôi rất muốn tìm hiểu thêm về già định họ ngoại và cung cấp thêm một số thông tin về hậu duệ của cụ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *