Lịch sử và xu hướng nghiên cứu tư tưởng sinh thái Phật giáo (Kỳ 1) (NCS. Phạm Hoài Phong)

Tóm tắt: Ở phương Tây, nghiên cứu tư tưởng sinh thái Phật giáo bắt đầu từ thập niên 60 của thế kỷ XX. Đến thập niên 80, thành quả nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực này đã tăng lên đáng kể. Giữa thập niên 90, với động thái phản tư, phê phán của Harris và những người khác về các nghiên cứu trước đây liên quan đến tư tưởng sinh thái Phật giáo, các nghiên cứu trong lĩnh vực này tiếp tục phát triển và đi vào chiều sâu, hình thành nên nhiều cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu sinh thái Phật giáo, chẳng hạn như thuyết hộ giáo, thuyết phê bình, thuyết kiến tạo, thuyết đức tính, cách tiếp cận nhân học văn hóa, xã hội học… Ở Đài Loan, các nghiên cứu liên quan lĩnh vực này đã được tiến hành từ khá sớm và trở nên khá sâu sắc vào thập niên 90. Ở Trung Quốc đại lục, những nghiên cứu liên quan chỉ bắt đầu vào cuối thập niên 90. Khoảng năm 2007, một số học giả Trung Quốc bắt đầu tiến hành phê phán, phản biện một cách nghiêm túc về các nghiên cứu liên quan trước đó, từ đó các nghiên cứu này mới dần dần đi vào chiều sâu. Dựa vào thành quả nghiên cứu liên quan ở phương Tây, đồng thời kết hợp với nhu cầu xây dựng một nền văn minh sinh thái toàn cầu, nghiên cứu này tìm hiểu một cách hệ thống và chuyên sâu về tư tưởng sinh thái Phật giáo.

Cùng với sự xuất hiện của vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái diễn ra trên phạm vi thế giới, giới học thuật Âu – Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu triết học sinh thái Phật giáo từ những năm 1960 và đạt đến cao trào từ khoảng cuối những năm 1980 đến đầu những năm 1990. Việc nghiên cứu triết học sinh thái Phật giáo trong giới học thuật ở Trung Quốc chỉ bắt đầu vào cuối những năm 1990.

Có thể thấy, việc nghiên cứu sinh thái Phật giáo ở Trung Quốc và các quốc gia Âu – Mỹ đã trải qua một quá trình, từ việc trình bày, mô tả tư tưởng, triết học sinh thái Phật giáo thông qua việc so sánh tư tưởng liên quan của Phật giáo với các phong trào văn hóa sinh thái, đến hướng nghiên cứu mang tính phản biện, lý tính khách quan về lĩnh vực này. Tìm hiểu lịch sử và kết quả nghiên cứu văn hóa tư tưởng sinh thái Phật giáo trong và ngoài nước, do đó, có ý nghĩa to lớn đối với việc nắm bắt xu hướng nghiên cứu và đào sâu nghiên cứu tư tưởng, văn hóa Phật giáo.

1. NGHIÊN CỨU TU TƯỞNG SINH THÁI PHẬT GIÁO Ở CÁC QUỐC GIA ÂU – MỸ 

Việc nghiên cứu tư tưởng sinh thái Phật giáo ở Âu – Mỹ bắt đầu từ việc nhận thức và phản ánh cuộc khủng hoảng môi trường sinh thái trong xã hội phương Tây vào những năm 1960. Năm 1967, Lynn White đã chỉ ra trong nghiên cứu “Nguồn gốc lịch sử của khủng hoảng sinh thái” của mình rằng Cơ đốc giáo là một tôn giáo thể hiện rõ nhất sắc thái chủ nghĩa nhân văn và là cội nguồn chủ yếu của cuộc khủng hoảng sinh thái hiện đại. Trái lại, Phật giáo ủng hộ quan điểm chỉnh thể, lợi tha và là một tôn giáo thân thiện với môi trường [1]. Chịu ảnh hưởng bởi quan niệm này, một số nhà lãnh đạo Phật giáo phương Đông và các tín đồ phương Tây của họ đã chứng minh tư tưởng bảo vệ môi trường sinh thái của Phật giáo từ quan điểm tôn giáo này về tự nhiên, Phật tính luận và đời sống… Về đại thể, có thể chia các nghiên cứu văn hóa tư tưởng sinh thái Phật giáo ở Âu – Mỹ thành ba giai đoạn như sau:

Giai đoạn nghiên cứu khởi đầu (1964 – 1985). Thành quả nghiên cứu ở giai đoạn này tương đối ít. Trong thời gian này, Thiền tông Nhật Bản đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của xã hội Âu – Mỹ, thành quả nghiên cứu tương quan chủ yếu tập trung vào phương diện nghiên cứu tư tưởng sinh thái Thiền tông, mà ảnh hưởng tương đối lớn sau này là các nghiên cứu về Thiền tông và sinh thái học tầng sâu. Ngoài những ý tưởng ban đầu về đạo đức sinh thái Phật giáo, các nghiên cứu Phật giáo về tự nhiên và động vật không được coi là những nghiên cứu tự giác về tư tưởng sinh thái Phật giáo.

Giai đoạn phát triển (1986 – 1993). Ở giai đoạn này, việc nghiên cứu tư tưởng sinh thái Phật giáo ở Âu – Mỹ đã lên đến cao trào. Có hơn 150 bài nghiên cứu liên quan được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành và xuất bản ba tuyển tập các bài nghiên cứu liên quan đến vấn đề sinh thái Phật giáo ở giai đoạn này, gồm: Quan điểm Phật giáo về cuộc khủng hoảng sinh thái (Buddhist Perspectives on the EcocrisisKlas, 1987) do Klas Sandell chủ biên; Dharma Gaia: Tuyển tập các nghiên cứu về Phật giáo và sinh thái (Dharma Gaia: A Harvest of Essays in Buddhism and Ecology) Allan H. Badiner chủ biên; Phật giáo và sinh thái (Buddhism and Ecology Paperback) do Batc Marine và Kerry Brown chủ biên. Ngoài ra, các tuyển tập nghiên cứu như Tự nhiên trong tư tưởng truyền thống châu Á (Nature in Asian Traditions of Thought: Essays in Environmental Philosophy) do J. Baird Callicott chủ biên cũng liên quan đến việc nghiên cứu tư tưởng sinh thái Phật giáo. Đặc biệt, tuyển tập các nghiên cứu Nghĩ giống như núi: Hướng tới đời sống cộng đồng (Thinking Like a Mountain: Towards a Council of All Beings) do Johnna Macy và Roger T. Ames chủ biên, càng phản ánh sâu hơn nguồn gốc mối quan hệ sinh thái học tầng sâu và Phật giáo.

Ở giai đoạn này, các chủ đề nghiên cứu liên quan đến tư tưởng sinh thái Phật giáo vô cùng rộng lớn và tập trung chủ yếu ở các phương diện: Thứ nhất, nghiên cứu đạo đức sinh thái Phật giáo và cơ sở triết học của nó. Các tác giả tiêu biểu của hướng nghiên cứu này bao gồm Lambert Schmithausen hay Alan Sponberg. Các nghiên cứu nổi bật liên quan đến Duyên khởi luận, đặc biệt là ý nghĩa triết học sinh thái thể hiện qua ẩn dụ Mạn-đà-la trong Kinh Hoa Nghiêm, nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa đạo đức sinh thái Phật giáo với chủ nghĩa nhân văn. Thứ hai, nghiên cứu Phật giáo và sinh thái học tầng sâu. Đại diện của khuynh hướng này là Johanna Messi. Nhiều nghiên cứu của ông đã giải thích mối quan hệ bên trong giữa quan niệm “Đại ngã sinh thái” trong sinh thái học tầng sâu và tư tưởng Thiền tông. Thứ ba, nghiên cứu quan điểm động vật của Phật giáo. Chủ đề này đã thu thập được 15 bài báo liên quan, bao gồm các chủ đề liên quan đến vấn đề đạo đức không giết hại, không bạo lực, chủ nghĩa ăn chay, quan điểm về tình thương hay lòng từ bi, quan điểm thí nghiệm trên động vật… của Phật giáo. Thứ tư, nghiên cứu nhân học văn hóa sinh thái và xã hội học Phật giáo. Lĩnh vực này đã thu thập hơn 30 bài nghiên cứu liên quan, gồm các chủ đề liên quan đến các phong trào bảo vệ môi trường của Phật giáo, phong trào bảo vệ môi trường Phật giáo và Phật giáo nhập thế, nữ quyền sinh thái và các nghiên cứu liên quan đến mối quan hệ giữa tư tưởng sinh thái Phật giáo và văn hóa Ấn Độ, Thiền tông Nhật Bản, văn hóa Phật giáo Thái Lan,… Trong đó, nghiên cứu về phong trào bảo vệ sinh thái Phật giáo và cội nguồn văn hóa của nó ở Thái Lan chiếm số lượng nhiều nhất. Thứ năm là nghiên cứu về đạo đức sinh thái của Gary Snyder – người từng đoạt giải thưởng nhà thơ của Mỹ và từng thực hành thiền tại Nhật Bản. Đạo đức sinh thái của ông chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Thiền tông và có sức ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển của nghiên cứu tư tưởng sinh thái Phật giáo ở Âu – Mỹ.

Giai đoạn hưng thịnh và đi vào chiều sâu (từ 1994 đến nay). Ở giai đoạn này, nghiên cứu tư tưởng sinh thái Phật giáo Âu – Mỹ một mặt tiếp tục phát triển thịnh vượng, mặt khác dần dần đi vào chiều sâu. Trong thời kỳ này, có hơn 20 chuyên khảo liên quan trực tiếp đến việc nghiên cứu tư tưởng sinh thái Phật giáo, như: Phật giáo và sinh thái học tầng sâu (Buddhism And Deep Ecology, 2002) của Daniel H. Henning; Phật giáo, đạo đức và môi trường (Buddhism, Virtue and Environment) của David E. Cooper và các cộng sự; Sinh thái học tầng sâu và kinh tế học Phật giáo (Business within Limits: Deep Ecology and Buddhist Economics) của Laszlo Zsolnai và Knut Johannessen; Đạo đức môi trường trong Phật giáo: Cách tiếp cận quan điểm giá trị (Environmental Ethics in Buddhism: A Virtues Approach) của Pragati Sahni; Triết học sinh thái và đạo đức trong Phật giáo (Environmental Philosophy and Ethics in Buddhism) của Padmasiri D. Silva,… Nghiên cứu sâu về tư tưởng sinh thái Phật giáo trong thời kỳ này chủ yếu thể hiện ở: (1) Phản biện và phê phán các phương pháp nghiên cứu trước đây về tư tưởng sinh thái Phật giáo. Có thể thấy khuynh hướng nghiên cứu này ở các nghiên cứu phê bình của Ian Harris, nghiên cứu thuyết kiến tạo của Schmithausen và Gross Rita, nghiên cứu thuyết đức tính của David E. Cooper và Simon P. James. Các nghiên cứu ở giai đoạn này chỉ ra rằng, việc nghiên cứu tư tưởng sinh thái Phật giáo Âu – Mỹ dần dần hướng tới tính lý tính, khách quan; (2) Chủ đề nghiên cứu càng có tính chuyên sâu và tinh tế hơn, chẳng hạn như những nghiên cứu tìm hiểu, khám phá mối quan hệ giữa Thiền sư Đạo Nguyên (Nhật Bản) và hệ sinh thái tầng sâu, ý nghĩa sinh thái của quan niệm “Vô tình thành Phật” trong Phật giáo Trung Quốc và Nhật Bản, nghiên cứu về phóng sinh động vật ở Trung Quốc thời Minh và Thanh…; (3) Việc mở rộng lĩnh vực nghiên cứu. Chẳng hạn như nghiên cứu về các đề tài liên quan đến kinh tế học sinh thái Phật giáo và chính trị học sinh thái Phật giáo; (4) Chú ý nghiên cứu có hệ thống và cấu trúc tư tưởng sinh thái học Phật giáo. Điều này thể hiện rõ qua việc xuất bản nhiều chuyên khảo và công trình nghiên cứu sau năm 2000 như: Phật giáo và sinh thái tầng sâu, Triết học môi trường và đạo đức môi trường trong Phật giáo, Phật giáo, đạo đức và môi trường,… (5) Càng chú ý hơn đến giá trị sinh thái Phật giáo đối với văn hóa địa phương, chẳng hạn như các nghiên cứu về giá trị sinh thái của văn hóa Phật giáo ở Ấn Độ, Thái Lan và Nhật Bản; (6) Chú ý đến việc vận dụng phương pháp điều tra điền dã và phân tích xã hội học để nghiên cứu văn hóa Phật giáo, nghiên cứu trường hợp xã hội học, phân tích trường hợp và các phương pháp khác để nghiên cứu giá trị sinh thái… trong đời sống văn hóa, sản xuất Phật giáo.

Trong một nghiên cứu của Donald K. Swearer (2006), ông chia nghiên cứu tư tưởng sinh thái Phật giáo Âu – Mỹ thành năm loại nghiên cứu: Thuyết hộ giáo, thuyết phản biện, thuyết kiến tạo, thuyết đức tính và thuyết ngữ cảnh. Dưới đây, xuất phát từ quan điểm này, chúng tôi thử cố gắng trình bày những thành quả và quan điểm mang tính tiêu biểu trong nghiên cứu này ở nước ngoài:

1.1. Nghiên cứu thuyết bảo vệ mạng sống (Hộ giáo luận)

Thành quả tiêu biểu của hướng nghiên cứu này có các tuyển tập các công trình, bài báo nghiên cứu như: Dharma Gaia: Tuyển tập các bài luận về Phật giáo và sinh thái (Dharma Gaia: A Harvest of Essays in Buddhism and Ecology) do Allan H. Badiner chủ biên [2], Phật giáo và sinh thái (Buddhism and Ecology Paperback) do Batc Marine and Kerry Brown chủ biên, Mưa pháp: Nguồn tài nguyên của tư tưởng bảo vệ môi trường sinh thái của Phật giáo (Dharma Rain: Sources of Buddhist Environmentalism) do Stephanie Kaza and Kenneth Kraft chủ biên… [3] Ở đây, lấy công trình Mưa pháp: Nguồn tài nguyên của tư tưởng bảo vệ môi trường sinh thái của Phật giáo làm ví dụ. Nội dung của tác phẩm này chia thành bảy phần, phần lớn nội dung của nó thảo luận trực tiếp về cội nguồn tư tưởng bảo vệ môi trường sinh thái của Phật giáo. Chẳng hạn, phần đầu tiên của công trình, tác giả thảo luận về nguồn tư tưởng bảo vệ môi trường sinh thái trong giáo lý Phật giáo truyền thống. Nội dung của nó liên quan đến mối quan hệ giữa đời sống ẩn cư của các nhà sư Phật giáo Nguyên thủy Ấn Độ với môi trường tự nhiên, tinh thần cống hiến mang tính vô ngã trong câu chuyện về cuộc đời của Đức Phật, tâm nguyện cứu độ tất cả chúng sinh của Bồ-tát Tịch Thiên, mối liên hệ nội tại giữa cuộc sống và thiên nhiên được thể hiện trong bài thơ Hàn Sơn tự của nhà thơ Trung Quốc, quan điểm của Phật giáo về tự nhiên trong thuyết Duyên khởi… Ở phần thứ hai là sự giải thích sinh thái theo giáo lý Phật giáo của các nhà tư tưởng trong thế kỷ XX bắt đầu từ mối quan tâm của họ về khủng hoảng sinh thái. Chẳng hạn như nội dung liên quan đến quan điểm sinh thái Thiền tông của Snyder, sự nhấn mạnh của Thích Nhất Hạnh về khái niệm cộng sinh giữa con người và thiên nhiên, chủ trương Phật giáo nên mở rộng sự quan tâm đến thiên nhiên và cuộc sống đồng thời đặt nó lên trên sự giải thoát mang tính cá nhân của Joanna Messi… Ở phần thứ tư, đó là sự kết hợp theo dõi việc đóng gói và vận chuyển chất thải hạt nhân, hành vi ngồi trên cây của các nhà sư nhằm mục đích cứu lấy các cây quý lâu năm ở Thái Lan, gây chú ý và thúc đẩy phong trào bảo vệ môi trường sinh thái, thảo luận về cách Phật giáo kết hợp ý thức sinh thái, sự tu tập nội tại với sự thúc đẩy phong trào bảo vệ môi trường trong xã hội đương đại [4]. Phần thứ năm chủ yếu bàn về sự gợi ý của Phật giáo đối với cuộc sống hàng ngày và các hoạt động dã ngoại. Chẳng hạn như việc nỗ lực thực hiện thực tiễn vườn hữu cơ theo quan điểm bảo vệ môi trường Phật giáo của Wendy Johnson; Dựa vào cuộc khủng hoảng lương thực và nguồn nước hiện nay, Snyder và các cộng sự đã thảo luận về tính phức tạp của các vấn đề lựa chọn thực phẩm từ quan điểm giới luật Phật giáo về vấn đề không sát sinh [5].

Mưa pháp: Nguồn tài nguyên của tư tưởng bảo vệ môi trường sinh thái của Phật giáo (Dharma Rain: Sources of Buddhist Environmentalism) do Stephanie Kaza and Kenneth Kraft chủ biên. (Ảnh: amazon.com)

Phương pháp nghiên cứu bảo vệ sinh mạng (Hộ giáo luận) có xu hướng tập trung vào thực tiễn bảo vệ môi trường sinh thái của tự nhiên quan, quan niệm về sinh mạng, thực tiễn bảo vệ môi trường sinh thái hiện tại, tìm kiếm nguồn gốc tư tưởng và sự ủng hộ tư tưởng từ giáo nghĩa Phật giáo. Việc so sánh các khái niệm sinh thái phương Tây và tìm kiếm tài nguyên tương ứng từ Phật giáo của hướng nghiên cứu này vẫn chưa xây dựng được một hệ thống tư tưởng sinh thái với những đặc điểm đặc thù đến từ tự thân hệ thống tư tưởng Phật giáo.

1.2. Nghiên cứu thuyết phê phán

Đại diện cho khuynh hướng nghiên cứu phê bình có Ian Harris, thuộc Đại học Saint Martin và học giả Nhật Bản Hakamatani Kenaki. Học giả Ian Harris đã xuất bản bảy bài nghiên cứu liên quan đến vấn đề sinh thái Phật giáo, chẳng hạn: “Làm thế nào để ứng xử với thuyết bảo vệ môi trường của Phật giáo” (How Environmentalist is Buddhism?), “Duyên khởi và giải thoát: Vấn đề đạo đức bảo vệ môi trường của Phật giáo” (Buddhist Causation, Dysteology and Environmental Ethics), “Đạo đức sinh thái Phật giáo và phi truyền thống hóa: Trường hợp của Phật giáo sinh thái” (Buddhist Environmental Ethics and Detraditionalization: The Case of EcoBuddhism), “Phật giáo và mối quan tâm đến bảo vệ sinh thái: Một số suy nghĩ về vấn đề phương pháp luận” (Getting to Grips with Buddhist Environmentalism: A Provisional Typology)… Harris tin rằng mặc dù một số dữ liệu trong kinh Phật có thể được xem là phù hợp với đạo đức sinh thái, nhưng nói một cách khách quan, dữ liệu đó không bàn luận một cách cụ thể, rõ ràng về đạo đức sinh thái. Cho dù có một số dấu vết thân thiện với môi trường trong lối sinh hoạt Phật giáo ở nông thôn, nhưng những dấu vết này không đại diện cho các truyền thống Phật giáo vì chúng chỉ là một dạng tín ngưỡng dân gian. Harris cho rằng, bản thân sinh thái là một vấn đề mang tính hiện đại và Phật giáo cổ xưa hoàn toàn không chú ý đến vấn đề này. Điều Phật giáo cổ xưa quan tâm là sự giải thoát những phiền não, khổ đau trong đời sống của con người. Phật giáo nhấn mạnh tự nhiên và đời sống con người đều không ngừng vận động, biến đổi, vô thường và con người cần nỗ lực tu tập, giải thoát khỏi kiếp sống luân hồi đau khổ [6].

Các bài báo tiêu biểu của học giả Nhật Bản Khố Cốc Hiến Chiêu (Hakamatani Kenaki) có: “Phật giáo như là sự phê bình “tự nhiên” và “Người Nhật và thuyết vạn vật hữu linh”. Là học giả tiêu biểu của trường phái Phật giáo phê phán, ông cho rằng tư tưởng Phật giáo về hệ thống Như Lai tạng được Trung Quốc và Nhật Bản kế thừa về cơ bản đã lệch khỏi tinh thần duyên khởi của Phật giáo nguyên thủy ở Ấn Độ. Vì thế, một số diễn ngôn sinh thái được phát triển trên cơ sở của nó không thể được coi là diễn ngôn chân chính về sinh thái Phật giáo [7]. Nghiên cứu thuyết phê bình tư tưởng sinh thái Phật giáo là nghiên cứu chuyên sâu về tư tưởng sinh thái Phật giáo. Giới hạn của nó là không thể kết hợp nguồn tư tưởng Phật giáo truyền thống với thực tiễn môi trường sinh thái thực tế để khám phá mối quan hệ mang tính tương tác giữa hai yếu tố này.

1.3. Nghiên cứu thuyết kiến tạo

Các đại diện của hướng nghiên cứu này có Lambert Schmithausen, David Eckel, Quy Điền Thuần Sinh… Các tác phẩm tiêu biểu của Schmithausen gồm “Phật giáo và tự nhiên” (Buddhism and Nature) và “Truyền thống Phật giáo Nguyên thủy và đạo đức sinh thái” (The Early Buddhist Tradition and Ecological Ethics). Trong “Phật giáo và tự nhiên”, Schmithausen cho rằng, Phật giáo Ấn Độ thực sự không có diễn ngôn rõ ràng về tự nhiên, thái độ đối với tự nhiên của Phật giáo này về cơ bản là một dạng lập trường xa lánh tự nhiên và gần gũi văn hóa. Nhưng ông lại cho rằng các quốc gia Phật giáo Châu Á đã phát triển một diễn ngôn chân chính về đạo đức môi trường Phật giáo dựa trên nền tảng Phật giáo truyền thống. Nghiên cứu “Truyền thống Phật giáo Nguyên thủy và đạo đức sinh thái” của ông nhằm mục đích khám phá cách ứng phó với các cuộc khủng hoảng sinh thái đương đại theo quan điểm Phật giáo Nguyên thủy và làm thế nào để đưa sự quan tâm đến sinh thái vào triết lý Phật giáo truyền thống. Nghiên cứu nhắm vào thuyết phê phán của hai nhà nghiên cứu Harris và Khố Cốc Hiến Chiêu. Tại đây, ông cho rằng sự biểu hiện của tự nhiên trong Phật giáo Nguyên thủy mang màu sắc ảm đạm, nhưng truyền thống này không chủ trương cải tạo tự nhiên, cũng không phục tùng nó, mà chỉ theo đuổi giá trị, lý tưởng giải thoát, vượt lên tự nhiên về mặt tinh thần. Mặc dù quan niệm về tự nhiên này hoàn toàn khác với sự mô tả lãng mạn của chủ nghĩa sinh thái đương thời, nhưng nó hoàn toàn không ngăn cản việc thiết lập đạo đức sinh thái Phật giáo trên cơ sở quan niệm này [8].

Dựa vào cuộc khủng hoảng lương thực và nguồn nước hiện nay, Snyder và các cộng sự đã thảo luận về tính phức tạp của các vấn đề lựa chọn thực phẩm từ quan điểm giới luật Phật giáo về vấn đề không sát sinh.
(Ảnh: pixabay.com)

Quan niệm sinh thái Phật giáo được trình bày trong các nghiên cứu “Quan điểm tự nhiên và tư tưởng bảo vệ sinh thái trong truyền thống Nhật Bản” và “Khả năng đóng góp vào sự hiểu biết về tự nhiên của tư tưởng phương Đông: Trường hợp tư tưởng Phật giáo”…, của học giả người Nhật Quy Điền Thuần Sinh cũng có thể xem là những nghiên cứu theo khuynh hướng kiến tạo luận. Trong các nghiên cứu của mình, ông chỉ trích những người theo thuyết hộ giáo đơn giản xem tư tưởng phương Tây là sự đối lập giữa con người và tự nhiên hoặc con người thống trị tự nhiên, đồng thời xem tư tưởng phương Đông là tư tưởng cộng sinh hài hòa giữa con người với tự nhiên và luôn xem nó là mô thức tư tưởng ưu việt. Ông cho rằng ý nghĩa sinh thái của phương Đông như Phật giáo… nên được khảo sát trong lịch sử. Hiện nay, để nghiên cứu ý nghĩa sinh thái trong tư tưởng Phật giáo cần xem xét tư tưởng của tôn giáo này trong thực tế xã hội, trên cơ sở khẳng định tính tất yếu lịch sử và hiện thực của nền văn minh khoa học và công nghệ hiện đại và nền kinh tế thị trường, tìm hiểu vấn đề cộng sinh của con người và tự nhiên trong môi trường xã hội hiện đại, suy nghĩ về ý nghĩa thực tiễn và những hạn chế của tư duy truyền thống phương Đông. Theo quan điểm của ông, tư tưởng Phật giáo không có tác dụng tích cực trong việc bảo vệ sinh thái như quan niệm của những người theo thuyết hộ giáo chỉ ra [9].

Trên cơ sở phản biện mang tính khách quan, các nghiên cứu theo khuynh hướng kiến tạo luận khám phá sâu hơn khả năng ứng phó của Phật giáo đối với cuộc khủng hoảng môi trường hiện đại và việc xây dựng các tư tưởng sinh thái của chính mình. Mục đích khám phá nội hàm tự nhiên từ giá trị tâm linh tự thân Phật giáo của David Eckel và việc tìm hiểu ý nghĩa và giới hạn của việc bảo vệ môi trường của Phật giáo trong môi trường xã hội hiện đại của Quy Điền Thuần Sinh có nhiều ý nghĩa gợi mở hữu ích cho chúng ta khi nghiên cứu triết học sinh thái Phật giáo cũng như vai trò của nó trong việc xây dựng nền văn minh sinh thái hiện đại. Thiếu sót và đáng tiếc của các nghiên cứu này là vẫn còn giới hạn trong quan điểm của Phật giáo về môi trường tự nhiên hoặc nhu cầu thực tế của việc xây dựng môi trường sinh thái, mà chưa thể xem là những nghiên cứu sâu sắc và có hệ thống về tư tưởng và văn hóa sinh thái Phật giáo từ giá trị căn bản, cốt lõi nhất của tự thân Phật giáo.

1.4. Nghiên cứu thuyết đức hạnh

Các nhà nghiên cứu tiêu biểu của hướng nghiên cứu này có Cooper, James, Alan Spinberg, Trì Điền Đại Tác,… Các nghiên cứu tiêu biểu có Phật giáo, đức hạnh và môi trường (Buddhism, Virtue and Environment) của David E.Cooper và Simon P. James. Trong nghiên cứu này, Cooper và James không đồng ý việc thiết lập đạo đức sinh thái Phật giáo dựa trên lý thuyết Duyên khởi. Họ cho rằng lý thuyết Duyên khởi của Phật giáo không đề xuất một sự hiểu biết thống nhất về vạn vật trong tự nhiên. Do đó xây dựng sinh thái học Phật giáo trên nền tảng lý thuyết này là không đáng tin cậy, mà nó cần được xây dựng trên nền tảng tu tập, nuôi dưỡng phẩm chất đức hạnh. Nghiên cứu Phật giáo, đức hạnh và môi trường của họ tập trung vào nội hàm của các đức tính sinh thái Phật giáo. Ở đó, các tác giả chia đức hạnh sinh thái Phật giáo thành ba loại: Đức hạnh sinh thái thông thường, đức hạnh tự lợi và đức hạnh vị tha. Đặc biệt, các tác giả đã tiến hành thảo luận về vai trò của các đức tính cụ thể trong việc bảo vệ sinh thái như “khiêm tốn”, “tự chủ”, “điềm tĩnh”, “quan tâm”, “bất bạo động”, “có trách nhiệm”, “chánh niệm”… [10].

Trong những ghi chép có nhan đề “Hướng tới thế kỷ 21” và “Hồi chuông cảnh tỉnh của thế kỷ 21” của mình, học giả Nhật Bản Trì Điền Đại Tác đã xem quan điểm về tự nhiên mà ở đó con người và tự nhiên đối lập với nhau và những động cơ tư tưởng muốn chinh phục và sử dụng thiên nhiên vì lợi ích của con người, cũng như việc lạm dụng khoa học và công nghệ chứa đựng trong nền văn minh khoa học hiện đại là nguồn gốc của khủng hoảng sinh thái. Ông cho rằng, để giải quyết cuộc khủng hoảng sinh thái, chúng ta nên bắt đầu từ quan điểm của Phật giáo và cuộc cách mạng của con người. Cái gọi là cuộc cách mạng của con người ở đây, theo ông, chính là sự vượt thoát bản ngã (tiểu ngã) liên hệ với dục vọng thông qua nhận thức về đại ngã (bản ngã phổ biến của vũ trụ). Việc thực hiện cuộc cách mạng của con người, một mặt, phải được thực hiện từ tầng sâu của cuộc sống thông qua thực hành Phật giáo, mặt khác, phải được thực hiện trong sự tương tác với thực tiễn đời sống. Trì Điền Đại Tác đặt việc tu dưỡng đạo đức con người lên trên tầm quan trọng của việc cứu vãn tình trạng khủng hoảng sinh thái và đó cũng là một phương pháp nghiên cứu lý thuyết về đức hạnh [11].

Phương pháp nghiên cứu tư tưởng sinh thái Phật giáo của thuyết đức hạnh là một khía cạnh quan trọng của các nghiên cứu lý thuyết kiến tạo, nhưng nó đặt việc tu dưỡng đạo đức ở vị trí trung tâm, nắm vững căn bản triết học Phật giáo và là đại diện cho xu hướng nghiên cứu tư tưởng sinh thái Phật giáo. Tuy nhiên, việc nghiên cứu thuyết đức hạnh của tư tưởng sinh thái Phật giáo ở nước ngoài cũng có những giới hạn riêng của nó. Thứ nhất, chúng thường bắt đầu từ mô hình đạo đức học của phương Tây, một mặt, so sánh những điểm dị đồng giữa Phật giáo và đạo đức học phương Tây, đồng thời đi sâu nghiên cứu về các đức tính sinh thái của Phật giáo, nhưng mặt khác, các công trình nghiên cứu theo hướng tiếp cận này cũng gây trở ngại cho sự hiểu biết đúng đắn về tư tưởng sinh thái Phật giáo. Thứ hai, các nghiên cứu này luôn có xu hướng tập trung vào ý nghĩa bảo vệ sinh thái của các đức tính cụ thể, nhưng thiếu một cuộc thảo luận có hệ thống và chuyên sâu về phương thức và con đường thực tiễn sinh thái trên nền tảng nhân tính luận của lý thuyết đức hạnh sinh thái Phật giáo.

1.5. Nghiên cứu nhân học văn hóa và xã hội học

Nghiên cứu nhân học văn hóa và xã hội học là một khía cạnh quan trọng của nghiên cứu tư tưởng sinh thái Phật giáo và cũng là một khía cạnh quan trọng của việc nghiên cứu cách thức và con đường tham gia của Phật giáo vào các thực hành bảo vệ môi trường sinh thái đương đại. Ở các nước Âu – Mỹ đã có nhiều thành tựu nghiên cứu về khía cạnh này. Dưới đây là một số nghiên cứu tiêu biểu:

Nghiên cứu “Nguyên tắc và thơ ca, vùng đất và những câu chuyện: Nguồn lực của hệ sinh thái Phật giáo” (Principles and Poetry, Places and Stories: The Resources of Buddhist Ecology) của Donald K. Swearer mô tả sách lược bảo vệ sinh thái của người dân miền Bắc Thái Lan mà chính ông đã trải nghiệm nhằm bảo vệ núi Suthep thánh địa của Phật giáo khỏi sự phát triển thương mại. Tác giả cho rằng, ký ức văn hóa và tưởng tượng văn hóa liên quan đến núi Suthep là yếu tố quyết định trong việc kích thích phong trào bảo vệ sinh thái ở quốc gia này [12].

Nghiên cứu “Hồi ứng của những Phật tử Mỹ đối với đất đai: Thực tiễn sinh thái học ở hai trung tâm thực tập Thiền ở bờ biển phía Tây” của Stephanie Kaza [13] đánh giá môi trường được thực hiện trên các khía cạnh phát triển, sử dụng, quản lý và lối sống trên đất đai của hai khóa tu Thiền Phật giáo tại Green Canyon Farm và Lingyan Mountain ở Hoa Kỳ. Nghiên cứu cũng thảo luận về thực tiễn sinh thái Phật giáo được thúc đẩy bởi truyền thống Phật giáo hay chủ nghĩa bảo vệ môi trường của Mỹ, đồng thời cũng chỉ ra các trung tâm thực tập Thiền Phật giáo cần phải quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ môi trường sinh thái, cần phải nỗ lực hơn nữa trong các phương diện hướng dẫn thiền tập, nhấn mạnh công việc mang tính sáng tạo của nhân viên làm việc ở các vị trí chủ chốt và vai trò của giáo nghĩa Phật giáo đối với việc bảo vệ môi trường sinh thái [14].

Các trung tâm thực tập Thiền Phật giáo cần phải quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ môi trường sinh thái, cần phải nỗ lực hơn nữa trong các phương diện hướng dẫn thiền tập. (Ảnh: pixabay.com)

Trong nghiên cứu “Phóng sinh, cái chết và quốc gia: Nghi thức phóng sinh ở thời Trung cổ Nhật Bản”, Duncan R. Williams đã thảo luận về lễ phóng sinh của Phật giáo Nhật Bản thời Trung cổ và sự phổ biến của nó ở Đông Á và Đông Nam Á. Nghiên cứu cũng cho thấy hậu quả tiêu cực đưa đến cái chết của một số động vật do quá trình phóng sinh hiện đại mang lại [15].

Nghiên cứu “Chương trình nghị sự thế kỷ 21 về vấn đề bảo vệ môi trường Phật giáo Hàn Quốc” của Hoằng Ba giới thiệu ngắn gọn về các phương diện hoạt động trong phong trào bảo vệ môi trường sinh thái của giới Phật giáo Hàn Quốc vào thập niên 60 của thế kỷ XX. Chẳng hạn sự phản đối việc phát triển sân golf và phản đối xây dựng đường đèo núi Gaya, phản đối việc tổ các buổi tiệc trên đất sạch và thành lập các nhóm bảo vệ môi trường Phật giáo; từ việc hiện đại hóa tư tưởng đời sống sinh thái của Phật giáo, xây dựng và thực hiện các chương trình Phật giáo đối mặt với các vấn đề của thời đại, phát triển và phổ biến các khóa học giáo dục môi trường cho giới xuất gia và tại gia của Phật giáo, bảo tồn đúng mức các di sản văn hóa của các ngôi chùa, làm tốt công tác quản lý có hệ thống, thiết lập và kiểm soát cơ sở chuyên môn bảo vệ môi trường, hiện thực hóa kế hoạch bảo vệ môi trường, thúc đẩy các Phật sự bảo vệ môi trường và lối sống hài hòa sinh thái, thường xuyên tổ chức các hội nghị về công tác môi trường Phật giáo, và đưa ra các thiết kế và quy hoạch cụ thể về phương diện giáo dục, bồi dưỡng các chuyên gia bảo vệ môi trường và các đoàn thể bảo vệ môi trường trong cộng đồng Phật giáo [16].

Mục đích của việc nghiên cứu tư tưởng sinh thái Phật giáo là thúc đẩy thực tiễn xây dựng bảo vệ sinh thái trong thực tế, nghiên cứu nhân học văn hóa và xã hội học của sinh thái học Phật giáo chắc chắn có ý nghĩa to lớn đối với việc tìm hiểu thực tiễn bảo vệ và xây dựng môi trường sinh thái thực tế hiện nay.

 

 

Chú thích:

* Phạm Hoài Phong: NCS Tiến sĩ khoa Triết học, Học viện Nhân văn, Đại học Hạ Môn (Xiamen University), Trung Quốc.

** Nguyên tác tiếng Hoa: 陈红兵:〈佛教生态思想研究历程及趋势〉,《孔学堂》,2017年,第02期。

[1] Lynn White, “The Historical Roots of Our Ecologic Crisis,” in Western Man and Environmental Ethics: Attitudes toward Nature and Technology, ed. Ian G. Barbour (Reading: Addison-Wesley Publishing Company, 1973): 28.

[2], [3], [4] Allan H. Badiner, ed., Dharma Gaia: A Harvest of Essays in Buddhism and Ecology (Berkeley: Parallax Press, 1990); Marine Batchelor and Kerry Brown, eds., Buddhism and Ecology (London: Motilal Banarsidass Publishers, 1994); Stephanie Kaza and Kenneth Kraft, eds., Dharma Rain: Sources of Buddhist Environmentalism (Boston: Shambhala Publications, 2000).

[5] Stephanie Kaza and Kenneth Kraft, Dharma Rain: Sources of Buddhist Environmentalism (Boston: Shambhala Publications, 2000).

[6] Ian Harris, “Causation and ‘Telos’: The Problem of Buddhist Environment Ethics,” Journal of Buddhist Ethics 1, (1994): 46-59; Ian Harris,”Buddhist Environmental Ethics and Detraditionalization: The Case of EcoBuddhism,” Religion 25, no.3 (1995): 199-211; Ian Harris, “Getting to Grips with Buddhist Environmentalism: A Provisional Typology,” Journal of Buddhist Ethics 2, (1995): 173-190; Ian Harris,”How Environmentalist is Buddhism?” Religion 21, no.2 (1991): 101-114; Ian Harris, “Buddhism and Ecology,” in Contemporary Buddhist Ethics, ed. Damien Keown (London: Curzon Press, 2000), 113-136; Ian Harris, “Buddhist Causation, Dysteology and Environmental Ethics,” in Purifying the Earthly Body of God: Religion and Ecology in Hindu India, ed. Lance E. Nelson (Albany: State University of New York Press, 2000).

[7] Tuyên Phương: “Tổng quan nghiên cứu của giới học thuật Âu – Mỹ liên quan đến Phật giáo và sinh thái”, Tái Giác Tỉnh (chủ biên): Phật giáo và văn minh sinh thái, Bắc Kinh: NXB Văn hóa Tôn giáo, 2009, trang 286-299.

[8] Lambert Schmithausen, “Buddhism and Nature,” in Buddhism and Nature—Proceedings of an International Symposium on the Occasion of EXPO 1990 (Tokyo: The International Institute for Buddhist Studies, 1991), 22-34; Lambert Schmithausen, “The Early Buddhist Tradition and Ecological Ethics,” Journal of Buddhist Ethics 4, no.1 (1997): 74.

[9] Tham khảo Phùng Lôi: “Giá trị và giới hạn của tư tưởng truyền thống phương Đông trong phong trào sinh thái hiện đại”, Tạp chí Khoa học xã hội nước ngoài, kỳ 3, 2008; Quy Điền Thuần Sinh: “Quan điểm tự nhiên và tư tưởng bảo vệ sinh thái trong truyền thống Nhật Bản”, Tái Ngọc Thủ Hoa, Thích Ấn Bình (chủ biên): Môi trường và văn minh Đông Á – Ý nghĩa hiện đại của tư tưởng bảo vệ môi trường sinh thái truyền thống phương Đông, Thái Nguyên: Nxb. Sơn Tây Cổ Tịch, 1999.

[10] David E. Cooper and Simon P. James, Buddhism, Virtue and Environment (Aldershot: Ashgate, 2005).

[11] Thang Nhân Tỉ, Trì Điền Đại Tác: Thế kỷ 21 triển vọng – Ghi chép về cuộc đối thoại của Thang Nhân Tỉ, Trì Điền Đại Tác, Tuần Xuân Sinh và những người khác (dịch), Bắc Kinh: Công ty xuất bản Văn hóa Quốc tế, 1997; Trì Điền Đại Tác, Bối Kháp: Tiếng chuông cảnh tỉnh của thế kỷ 21, Biện Lập Cường (dịch), Bắc Kinh: Công ty xuất bản Văn hóa Quốc tế, 1998.

[12] Donald K. Swearer, “Principles and Poetry, Places and Stories: The Resources of Buddhist Ecology,” Daedalus 130, no.4 (2001): 225-241.

[13], [14] Stephanie Kaz: “Hồi ứng của những Phật tử Mỹ đối với đất đai: Thực tiễn sinh thái học ở hai trung tâm thực tập Thiền ở bờ biển phía Tây”, Tái An Lạc Triết (chủ biên): Phật giáo và sinh thái, Hà Tắc Dương, Diêm Diễm (dịch), Nam Kinh: Nxb. Giáo dục Giang Tô, 212-240.

[15] Duncan R. Williams: “Phóng sinh, cái chết và quốc gia: Nghi thức phóng sinh ở thời Trung cổ Nhật Bản”, Tái An Lạc Triết (chủ biên): Phật giáo và sinh thái, Hà Tắc Dương, Diêm Diễm (dịch), Nam Kinh: Nxb. Giáo dục Giang Tô, 144-154.

[16] Hoằng Ba: “Chương trình nghị sự thế kỷ 21 về vấn đề bảo vệ môi trường Phật giáo Hàn Quốc”, Tạp chí Pháp Âm, kỳ 11, 2008.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Lynn White, “The Historical Roots of Our Ecologic Crisis,” in Western Man and Environmental Ethics: Attitudes toward Nature and Technology, ed. Ian G. Barbour (Reading: Addison-Wesley Publishing Company, 1973).

2. Allan H. Badiner, ed., Dharma Gaia: A Harvest of Essays in Buddhism and Ecology (Berkeley: Parallax Press, 1990)

3. Marine Batchelor and Kerry Brown, eds., Buddhism and Ecology (London: Motilal Banarsidass Publishers, 1994)

4. Stephanie Kaza and Kenneth Kraft, eds., Dharma Rain: Sources of Buddhist Environmentalism (Boston: Shambhala Publications, 2000).

5. Ian Harris, “Causation and ‘Telos’: The Problem of Buddhist Environment Ethics,” Journal of Buddhist Ethics 1, (1994): 46-59.

6. Ian Harris, “Buddhist Environmental Ethics and Detraditionalization: The Case of EcoBuddhism,” Religion 25, no.3 (1995): 199-211.

7. Ian Harris, “Getting to Grips with Buddhist Environmentalism: A Provisional Typology,” Journal of Buddhist Ethics 2, (1995): 173-190.

8. Ian Harris, “How Environmentalist is Buddhism?” Religion 21, no.2 (1991): 101-114.

9. Ian Harris, “Buddhism and Ecology,” in Contemporary Buddhist Ethics, ed. Damien Keown (London: Curzon Press, 2000), 113-136.

10. Ian Harris, “Buddhist Causation, Dysteology and Environmental Ethics,” in Purifying the Earthly Body of God: Religion and Ecology in Hindu India, ed. Lance E. Nelson (Albany: State University of New York Press, 2000).

11. 宣方:〈那你发起来嘛人。欧美学界关于佛教与生态的研究述评〉,载觉醒主编:《佛教与生态文明》,北京:宗教文化出版社,2009年。(Tuyên Phương: “Tổng quan nghiên cứu của giới học thuật Âu – Mỹ liên quan đến Phật giáo và sinh thái”, Tài Giác Tỉnh (chủ biên): Phật giáo và văn minh sinh thái, Bắc Kinh: Nxb. Văn hóa Tôn giáo, 2009. )

12. Lambert Schmithausen,”Buddhism and Nature,” in Buddhism and Nature—Proceedings of an International Symposium on the Occasion of EXPO 1990 (Tokyo: The International Institute for Buddhist Studies, 1991).

13. Lambert Schmithausen, “The Early Buddhist Tradition and Ecological Ethics,” Journal of Buddhist Ethics 4, no.1 (1997).

14. 冯雷:〈现代生态运动中东方传统思想的价值与局限——龟山纯生论日本佛教生态思想的现代意义〉,《国外社会科学》2008年,第3期。(Phùng Lôi: “Giá trị và giới hạn của tư tưởng truyền thống phương Đông trong phong trào sinh thái hiện đại”, Tạp chí Khoa học xã hội nước ngoài, kỳ 3, 2008.)

15. 龟山纯生:〈日本传统的自然观与环境思想〉,载王守华、戚印平编:《环境与东亚文明——东方传统环境思想的现代意义》,太原:山西古籍出版社,1999年。(Quy Điền Thuần Sinh: “Quan điểm tự nhiên và tư tưởng bảo vệ sinh thái trong truyền thống Nhật Bản”, Tái Ngọc Thủ Hoa, Thích Ấn Bình (chủ biên): Môi trường và văn minh Đông Á – Ý nghĩa hiện đại của tư tưởng bảo vệ môi trường sinh thái truyền thống phương Đông, Thái Nguyên: Nxb. Sơn Tây Cổ Tịch , 1999.)

16. David E. Cooper and Simon P. James, Buddhism, Virtue and Environment, (Aldershot: Ashgate, 2005).

17. David E. Cooper and Simon P. James, Buddhism, Virtue and Environment (Aldershot: Ashgate, 2005).

18. 汤因比,池田大作:《展望21世纪——汤因比与池田大作对话录》,荀春生等译,北京:国际文化出版公司,1997年。(Thang Nhân Tỉ, Trì Điền Đại Tác: Thế kỷ 21 triển vọng – Ghi chép về cuộc đối thoại của Thang Nhân Tỉ, Trì Điền Đại Tác, Tuần Xuân Sinh và những người khác (dịch), Bắc Kinh: Công ty xuất bản Văn hóa Quốc tế, 1997.)

19. 池田大作、贝恰:《二十一世纪的警钟》,卞立强译,北京:中国国际广播出版社,1998年。(Trì Điền Đại Tác, Bối Kháp: Tiếng chuông cảnh tỉnh của thế kỷ 21, Biện Lập Cường (dịch), Bắc Kinh: Công ty xuất bản Văn hóa Quốc tế, 1998.)

20. Donald K. Swearer, “Principles and Poetry, Places and Stories: The Resources of Buddhist Ecology,” Daedalus 130, no.4 (2001): 225-241.

21. Stephanie Kaz:〈美国佛教徒对土地的回应:西海岸两所静修中心的生态学实践〉,载安乐哲主编:《佛教与生态》,何则阴、闫艳译,南京:江苏教育出版社。(Stephanie Kaz: “Hồi ứng của những Phật tử Mỹ đối với đất đai: Thực tiễn sinh thái học ở hai trung tâm thực tập Thiền ở bờ biển phía Tây”, Tái An Lạc Triết (chủ biên): Phật giáo và sinh thái, Hà Tắc Dương, Diêm Diễm (dịch), Nam Kinh: Nxb. Giáo dục Giang Tô, 2000, trang 212-240. )

22. 邓肯·威廉斯:〈放生、死亡与国家:日本中古时期的放生仪式〉,载安乐哲主编《佛教与生态》,何则阴、闫艳译,南京:江苏教育出版社。(Duncan R. Williams: “Phóng sinh, cái chết và quốc gia: Nghi thức phóng sinh ở thời Trung cổ Nhật Bản”, Tái An Lạc Triết (chủ biên): Phật giáo và sinh thái, Hà Tắc Dương, Diêm Diễm (dịch), Nam Kinh: Nxb. Giáo dục Giang Tô, 144-154.)

23.泓坡:〈韩国佛教环境21世纪议程〉,《法音》2008年,第11期。(Hoằng Ba: “Chương trình nghị sự thế kỷ 21 về vấn đề bảo vệ môi trường Phật giáo Hàn Quốc”, Tạp chí Pháp Âm, kỳ 11, 2008.)

24.惟善:〈中国佛教环保理念与实践研s究概述〉,《法音》2011年第3期。(Duy Thiện: “Khái lược về nghiên cứu quan điểm và thực tiễn bảo vệ môi trường sinh thái Phật giáo”, Tạp chí Pháp Âm, kỳ 3, 2011.)

25. Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm: “Bảo vệ môi trường tâm linh”, Tạp chí Nhân sinh, kỳ 194, 1999.

26.参见杨惠南:〈信仰与土地——建立缘起性空的佛教深层生态学〉,《人间佛教与当代对话——第三届印顺导师思想之理论与实践学术研讨会论文集》,财团法人弘誓文教基金会印行,2002年。(Dương Huệ Nam: “Tín ngưỡng và đất đai: Xây dựng sinh thái học tầng sâu từ duyên khởi tính không”, Nhân gian Phật giáo và đối thoại đương đại – Kỷ yếu Hội thảo lần 3 Nghiên cứu thực tiễn và lý luận tư tưởng Đại sư Ấn Thuận, Tài đoàn pháp nhân Hoằng Triết Văn Giáo Cơ Kim Hội ấn hành, 2002.)

27.杨惠南:〈当代台湾佛教环保理念的省思——以“预约人间净土”和“心灵环保”为例〉,《当代》第104期,1994年。(Dương Huệ Nam: “Xem xét lại quan niệm bảo vệ môi trường sinh thái của Phật giáo Đài Loan đương đại – trường hợp uớc hẹn Tịnh độ nhân gian và và bảo vệ môi trường tâm linh”, Tạp chí Đương Đại, kỳ 104, 1994.)

28.杨惠南:〈从境解脱到心解脱——建立心境平等的佛教生态学〉,《佛教与社会关怀学术研讨会论文集》,台湾中华佛教百科文献基金会印行,1993年。Dương Huệ Nam: “Từ cảnh giải thoát đến tâm giải thoát – Xây dựng sinh thái học Phật giáo bình đẳng tâm và cảnh”, Kỷ yếu Hội thảo mối quan tâm của Phật giáo và xã hội, Đài Loan Trung Hoa Phật giáo Bách khoa văn hiến ấn hành, 1993.)

29.刘元春:〈天光云影共徘徊——关于佛教与维护生态平衡的思考〉,《法音》1991年第1期。(Lưu Nguyên Xuân: “Sự cộng sinh của ánh sáng và bóng mây: Một khảo sát liên quan đến Phật giáo và bảo vệ sự cân bằng sinh thái” Tạp chí Pháp Âm, kỳ 1, 1991.)

30.魏德东:〈佛教的生态观〉,《中国社会科学》1999年,第5期。(Ngụy Đức Đông: “Quan điểm sinh thái của Phật giáo”, Tạp chí Trung Quốc xã hội khoa học, kỳ 5, 1999.)

31.觉醒主编:《佛教与生态文明》,北京:宗教文化出版社,2009年。(Giác Tỉnh (chủ biên): Phật giáo và văn minh sinh thái, Bắc Kinh: Nxb. Văn hóa Tôn giáo, 2009. )

32.唐忠毛:〈佛教生态伦理的理论核心及其现代诠释的误区〉,载觉醒主编:《佛教与生态文明》,北京:宗教文化出版社,2009年。(Đường Trung Mao: “Cốt lõi lý luận của đạo đức sinh thái Phật giáo và chỗ sai lầm trong lý giải hiện đại của nó”, Tái Giác Tỉnh (chủ biên), Phật giáo và văn minh sinh thái, Bắc Kinh: Nxb. Văn hóa Tôn giáo, 2009.)

33.宋立道:〈西方生态伦理观与佛教生态伦理〉,载觉醒主编:《佛教与生态文明》,北京:宗教文化出版社,2009年。(Tống Lập Đạo: “Thuyết đạo đức sinh thái phương Tây và đạo đức sinh thái Phật giáo”, Tái Giác Tỉnh (chủ biên), Phật giáo và văn minh sinh thái, Bắc Kinh: Nxb. Văn hóa Tôn giáo, 2009.)

34.王雷泉:〈佛教能为环境保护提供什么样的思想资源〉,载觉醒主编:《佛教与生态文明》,北京:宗教文化出版社,2009年。(Vương Tuyết Tuyền: “Phật giáo có thể cung cấp những nguồn tư tưởng nào để bảo vệ môi trường”, Tái Giác Tỉnh (chủ biên): Phật giáo và văn minh sinh thái, Bắc Kinh: Nxb. Văn hóa Tôn giáo, 2009.)

35.陈红兵:《佛教生态哲学研究》,北京:宗教文化出版社,2011年。(Trần Hồng Binh: Nghiên cứu triết học sinh thái Phật giáo, Bắc Kinh: Nxb. Văn hóa Tôn giáo, 2011.)

36.南文渊:《藏族生态伦理》,北京:民族出版社,2006年。(Nam Văn Tuyền: Đạo đức sinh thái của người Tây Tạng, Bắc Kinh: Nxb. Dân tộc, 2006.)

37.洲塔:〈崇山祭神——论藏族神山观念对生态保护的客观作用〉,《甘肃社会科学》2010年,第3期。(Châp Tháp: “Sùng Núi tế Thần: Bàn về tác động khách quan của quan niệm về núi Thần của dân tộc Tây Tạng đối với việc bảo vệ sinh thái”, Tạp chí Khoa học Xã hội Cam Túc, kỳ 3, 2010.)

38.阎莉、史永义:〈傣族圣境及其生物多样性意蕴〉,《贵州民族研究》2012年第2期。(Diêm Lệ, Sử Vĩnh Nghĩa: “Thánh cảnh của người Thái và hàm nghĩa đa dạng sinh vật của nó”, Quý Châu dân tộc nghiên cứu, kỳ 2, 2012.)

39.段玉明:〈佛教环保技术试析——以峨眉山为例〉,《云南社会科学》2009年第1期。(Đoàn Ngọc Minh: “Phân tích kỹ thuật bảo vệ môi trường Phật giáo – Trường hợp núi Nga Mi”, Tạp chí Khoa học xã hội Vân Nam, kỳ 1, 2009.)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *