Thư tòa soạn

Kính thưa quý độc giả!

Với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” và triết lý vì con người, muốn mang lại cho con người cuộc sống hạnh phúc, an lạc, đảm bảo an sinh xã hội luôn được xem là một trong những công tác trọng tâm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Qua đó, phản ánh rõ nét chức năng xã hội của Phật giáo, truyền bá thông điệp từ bi, nhân ái của đạo Phật vào đời sống xã hội.

Trong quá trình đồng hành cùng Nhà nước vào các hoạt động từ thiện hỗ trợ người dân, Phật giáo Việt Nam đã tham gia giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề xã hội đang đặt ra để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho những mảnh đời bất hạnh, đặc biệt là người khuyết tật và bệnh nhân HIV/AIDS. Những hoạt động Phật sự ấy luôn để lại ý nghĩa xã hội rất lớn, góp phần cứu rỗi những con người không may và lầm lạc, giúp xóa đi sự kỳ thị lẫn mặc cảm xã hội, đồng thời hạn chế sự lây lan của căn bệnh thế kỷ.

Hòa vào tinh thần ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS (1/12) và ngày quốc tế người khuyết tật (3/12), Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo mang đến số báo 379 với chủ đề “An trú trong hiện tại”, mong muốn góp phần truyền tải thông điệp yêu thương, chia sẻ từ tâm không phân biệt của người con Phật. Qua đó, tiếp tục khẳng định cánh cửa Phật pháp, ánh sáng thiện lương luôn là nơi để mỗi chúng ta an trú và quay về.

Ngoài ra, Tạp chí lựa chọn khái niệm “an trú” không chỉ nói về cách để những phận đời bất hạnh tìm thấy lối thoát của cuộc sống, mà còn xem đây là cơ sở để chúng ta bình tâm trước bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay. Trong đó, thoát ra khỏi ám ảnh quá khứ và những trói chặt bởi viễn cảnh tương lai, làm cho tốt điều mình đang làm chính là lời khuyên mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh dành cho mỗi chúng ta để có thể sống hạnh phúc, an trú ngay trong giây phút hiện tại.

Ban Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *