Dẫn nhập
Những ai tiếp xúc với bộ tiểu thuyết Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân hay chí ít chỉ là chạm đến với tác phẩm điện ảnh cùng tên do đạo diễn Dương Khiết cải biên từ nguyên bản sẽ khó có thể quên được hình tượng yêu nữ Bạch cốt phu nhân hay gọi quen là Bạch Cốt Tinh. Đây không chỉ là một trong những nhân vật phụ có sức hút trong truyện ngoài phim mà còn là một mấu chốt quan trọng trong việc luận giải các vấn đề triết học – tôn giáo học thuộc nội – ngoại biên địa Tây Du Ký. Mặc dù là một trong những hình tượng có sức ảnh hưởng đối với người tiếp nhận. Tuy nhiên, việc tìm hiểu một cách tường minh, căn nguyên hình thành nên nhân vật Bạch Cốt Tinh đến nay vẫn chưa được hệ thống hóa và làm rõ một cách chuẩn xác. Theo những tư liệu có được mà chúng tôi nghiên cứu thì các luận đề nhận xét về Bạch Cốt Tinh chỉ mới làm nổi bật lên được một khía cạnh nhất định liên quan đến ý nghĩa biểu tượng của nhân vật này. Các luận điểm truy nguyên và phiếm đàm về Bạch Cốt Tinh chỉ dừng lại ở việc phân tích đơn thuần trong không gian của một tác phẩm văn học mà cụ thể là Tây Du Ký. Cho nên trong bài viết này, chúng tôi sẽ sử dụng phương pháp tổng hợp cùng với phương pháp phiên dịch các nguồn tư liệu chính thống của Trung Quốc, nhằm làm rõ nguyên hình, hình tượng của nhân vật Bạch Cốt Tinh cũng như giới thiệu với độc giả một cách khái lược các ý niệm triết học được truyền tải từ nhân vật này, ngõ hầu mở rộng thêm một cái nhìn mới về một dữ kiện đã được văn học hóa trở thành biểu tượng văn hóa tôn giáo của Trung Hoa.
1. NGUYÊN LAI HÌNH TƯỢNG BẠCH CỐT TINH TRONG VĂN HOÁ – VĂN HỌC CỔ ĐIỂN
Bạch Cốt Tinh 白骨精 hay còn gọi là Bạch cốt phu nhân 白骨夫人 theo nguyên tác Tây Du Ký có nghĩa là Yêu quái xương trắng hay Người đàn bà xương trắng. Bạch Cốt Tinh xuất hiện trong hồi thứ 27: “Thi ma tam hí Đường Tam Tạng,/ Thánh Tăng hận trục Mỹ Hầu Vương” (屍魔三戲唐三藏/ 聖僧恨逐美猴王 – Thây ma ba lượt trêu Tam Tạng, Thánh Tăng giận đuổi Mỹ Hầu Vương). Bạch Cốt Tinh là yêu quái ở động Bạch Hổ đã ba lần biến hóa để lừa bắt Đường Tăng cùng với đó là ba lần bị Tôn Ngộ Không đánh chết. Lần đầu tiên, Bạch Cốt Tinh biến thân thành một mỹ nữ đến đưa cơm hầu quyến rũ Đường Tăng cùng hai đồ đệ nhưng bị Ngộ Không kịp thời về từ phương Nam đập chết. Vì cả giận Hầu Vương giết người nên Tam Tạng liền niệm kim cô chú lên y, khiến y quằn quại xin tha mạng. Cũng nhân nể tình Ngộ Không hối lỗi nên Huyền Trang bèn tha bổng cho y. Lần thứ hai, Bạch Cốt Tinh lại hóa thân thành một cụ bà đi tìm con gái nhằm tạo sự chia rẽ nội bộ thầy trò. Bị Ngộ Không nhận ra và giết chết, Bạch Cốt Tinh lại hóa thành một làn khói ma bay về hang động chờ cơ hội. Đường Tăng lúc này phẫn nộ vô cùng, lại niệm chú khẩn thiết, định đuổi y đi nhưng vì nghiệm lại lời hứa với Quan Âm Bồ Tát nên đành để Hầu Tử ở lại. Đến lần thứ ba, Bạch Cốt Tinh lại hóa thành một ông cụ, tay lần tràng hạt, niệm nam mô kinh, ngồi chờ vợ con. Lần này Tôn Ngộ Không gọi Sơn Thần, Thổ Địa đến rồi vung gậy đánh chết yêu tinh, linh quang bị Sơn Thần Thổ Địa giữ chặt không thoát được nữa. Vì hiềm Ngộ Không giết chết ba mạng người, lại thêm lời gièm pha của Trư Bát Giới nên Đường Tăng kiên quyết đuổi Ngộ Không đi, kết hồi Hầu Vương bay về núi Hoa Quả Sơn, bái biệt thầy trò, chuyện dừng lại ở đó.
Để luận về nguyên hình Bạch Cốt Tinh, trước hết hãy luận về nơi mà loài yêu quái này cư ngụ. Theo nguyên tác, Bạch Cốt Tinh ngụ ở núi Bạch Hổ, khi hóa thân thành cô thôn nữ đến dẫn dụ Đường Tăng, yêu quái cho hay: “Chốn nầy là núi Bạch Hổ, nhà tôi ở phía Tây, cha mẹ tôi tụng kinh làm phước.” (師父,此山叫做蛇回獸怕的白虎嶺。正西下面是我家。我父母在堂,看經好善,廣齋方上遠近僧人。 – Sư phụ, thử sơn khiếu tố xà hồi thú phạ đích Bạch Hổ lĩnh. Chính tây hạ diện thị ngã gia. Ngã phụ mẫu tại đường, khán kinh hảo thiện, quảng trai phương thượng viễn cận tăng nhân) Bạch Hổ vốn dĩ không phải là một kì danh kì sơn trong Phật giáo. Kì thực, Bạch Hổ nguyên là một linh thú được các vị tiên nhân trong đạo giáo chuyên cưỡi. Theo sách Đạo pháp nguyên hội 《道法元會》 có viết: 白虎凶星大神丁文仲。黑發,天丁冠,白面怒容,皂綽袍,白汗袴,皂履,騎白虎,右手執鐵槌,左手執鑽。金虎大神紫黑三目,散豎赤金髮,緋衣,左國印,右執金戟,騎白虎,有萬萬雷神列陣,屯駐黑云中,轟雷掣電,殺氣騰空。天靈陰上大將軍吳鬱壘。面白,福貌,綠衣,金甲,兜鑒,執斧,乘白虎。
Phiên âm:
Bạch Hổ Hung Tinh Đại Thần Đinh Văn Trọng. Hắc phát, thiên đinh quan, bạch diện nộ dung, tạo xước bào, bạch hãn khố, tạo lý, kỵ Bạch Hổ, hữu thủ chấp thiết chuỳ, tả thủ chấp toàn. Kim Hổ Đại Thần tử hắc tam mục, tán thụ xích kim phát, phi y, tả quốc ấn, hữu chấp kim kích, kỵ Bạch Hổ, hữu vạn vạn lôi thần liệt trận, truân trú hắc vân trung, oanh lôi xiết điện, sát khí đằng không. Thiên Linh Âm Thượng Đại Tướng Quân Ngô Uất Lũy. Diện bạch, phúc mạo, lục y, kim giáp, đâu giám, chấp phủ, thừa Bạch Hổ.
Dịch nghĩa:
Bạch Hổ Hung Tinh Đại Thần Đinh Văn Trọng, tóc đen, đội mũ Thiên Đinh, mặt trắng tỏ vẻ hung giận, mang túi Tạo Xước, mang quần Bạch Hãn, mang giày đen, cưỡi Bạch Hổ, tay phải cầm chùy sắt, tay trái cầm khoan. Kim Hổ Đại Thần ba mắt đen tím, tóc dựng đứng màu vàng đỏ, áo xanh, tay trái cầm quốc ấn, tay phải cầm kích, cưỡi Bạch Hổ, có muôn vạn thần sấm bày hàng theo sau, trốn trong lớp mây đen, gõ sấm rền vang kích điện đùng đoàng, sát khí đằng đằng. Thiên Linh Âm Thượng Đại Tướng Quân Ngô Uất Luỹ. Mặt trắng, hình tướng phúc hậu, mang áo xanh lục, giáp vàng, đội đâu mâu, cầm rìu, cưỡi Bạch Hổ [1].
Hay như theo cuốn Đăng chân ẩn quyết 《登真隱訣》 có viết: “Thái Nguyên Chân Nhân thừa Bạch Hổ dư, hữu bát sắc vân bình” (太元真人乘白虎輿,有八色云軿。- Thái Nguyên Chân Nhân cưỡi xe Bạch Hổ, có kiệu màn che bằng mây tám màu) [2]. Như vậy, có thể thấy Bạch Hổ là một dạng linh thú trong truyền thuyết được các vị thần tiên chuyên dụng để vân du thủy ngoạn. Cũng theo các sách trên, Bạch Hổ được các bậc thần nhân cưỡi dùng đều được thuần hóa từ các chủng Bạch Hổ trên núi Bạch Hổ. Lúc sống, Bạch Hổ là công cụ đắc lực được các tiên nhân chăm sóc sử dụng nhưng đến khi mất đi thì thi thể của chúng được an táng ngay trên đất tổ nơi mà Bạch Hổ được thuần hóa. Trải qua thời gian lâu dài, thịt da máu xương của những loại Bạch Hổ đã chết ở đây bị phân hủy, biến dạng, song, vì được sự gia trì và chú nguyện từ thần tiên mà kinh qua ngàn năm vẫn không thể hóa hết. Do đó, theo nghiên cứu của những nhà đạo học, Bạch Hổ có khả năng đã hóa tinh và Bạch Cốt Tinh chính là một trong những hóa thân do Bạch Hổ biến hiện mà thành. Ngoài ra, hình tượng Bạch Cốt Tinh có khả năng sử dụng thần thức 神識 để có thể tự do thoát ra đi vào thân xác phàm nhân cũng là một loại phương thức tu hành trong đạo giáo. Phương thức này được gọi là Thi giải 屍解. Theo nghiên cứu của Bằng Nhữ Thường 馮汝常, việc Bạch Cốt Tinh có thể sử dụng thần thức để biến giả dạng thành xác chết, gián tiếp tạo nên sự ly gián trong quan hệ giữa Đường Tam Tạng và Ngộ Không là một trong những đặc trưng thuật pháp quan trọng của đạo giáo thần tiên, tương tự như thuật pháp Thi giải 解屍 mà Hồng Hài Nhi từng sử dụng [3, Tr.121]. Cũng theo tác giả Tuân Ba 苟波 trong Đạo giáo dữ thần ma tiểu thuyết 道教與神魔小說 cũng có đề cập một vấn đề khá đặc sắc rằng: năng lực và bản lĩnh của các loại yêu ma và thần Phật trong các tiểu thuyết thần ma trên thực tế đều là những biến hiện và miêu tả văn học từ những thuật pháp có trong đạo giáo. Các loại thần thông biến hiện của các nhân vật trong tiểu thuyết đều có thể được tìm thấy trong kinh điển của đạo gia [4, Tr.248]. Theo sách Vô thượng mật yếu《無上秘要》quyển thứ 87, phẩm Thi giải〈尸解品〉có chép: “Thi giải giả, hình chi hóa dã, bổn chân chi luyện thuế dã, khu chất chi độn biến dã” (尸解者,形之化也,本真之練蛻也,軀質之遁變也。- Thi giải là sự biến hóa về mặt hình tướng, là việc tu luyện thoát xác khỏi bản chân, là sự biến hình của thân xác thông thường) [5]. Như vậy, từ những cơ sở nói trên cũng như những đặc tính về nhân vật Bạch Cốt Tinh, có thể tạm kết luận rằng đây là hình tượng có nguồn gốc từ trong Đạo gia và được các tác giả văn học hóa dụng trở thành một nhân vật kinh điển hoặc một biểu tượng điển hình trong các trứ tác của họ.
Thực tế, thuật ngữ Bạch Cốt Tinh trong dòng chảy lịch sử văn học Trung Hoa còn được sử dụng để chỉ việc phục sinh hoặc hồi dương, nhưng trong hình hài trào phúng, dị hợm, mang tính kì quái và liêu trai. Trong Mẫu đơn đình 牡丹亭 của kịch tác giả Thang Hiển Tổ, có chi tiết Đỗ Lệ Nương sau khi mất ba năm được Liễu Mộng Mai quật mồ phá quan, lại trở về sống đời sống như xưa, hai người kết hợp đoàn viên cùng nhau thành đôi phu thê. Mẫu đơn đình đề từ 牡丹亭記題詞 có chép:
仿佛晉武都守李仲文、廣州守馮孝將兒女事,
至於杜守收考柳生,亦如漢睢陽王收考談生也。
Phiên âm:
Phảng phất Tấn Võ Đô Thủ Lý Trọng Văn, Quảng Châu Thủ Phùng Hiếu Tướng nhi nữ sự,
Chí ư Đỗ Thú thu khảo liễu sinh, diệc như Hán Tuy Dương Vương thu khảo Đàm Sinh dã.
Dịch nghĩa:
Phảng phất như chuyện của Tấn Vũ Đô Thú Lý Trọng Văn, chuyện con gái của tướng Bằng Hiếu là Thái thú ở Quảng Châu,
Thậm chí chuyện Đỗ Thái thú khảo hạch Liễu sinh, cũng như Tuy Dương Vương đời Hán tra khảo Đàm Sinh vậy [6].
Theo Sưu thần hậu kí 《搜神後記》 quyển bốn: 晉時,武都太守李仲文在都喪女,年十八,權假葬郡城北。有張世之代為郡。世之男字子長,年二十,侍從在廄中,夜夢一女,年可十七八,顏色不常,自言:“前府君女,不幸早亡。會今當更生。心相愛樂,故來相就。“如此五六夕。忽然晝見,衣服薰春殊絕,遂為夫妻,寢息衣皆有污,如處女焉。後仲文遣婢視女墓,因過世之婦相聞。入廄中,見此女一只履在子長床下。取之啼泣,呼言發冢。持履歸,以示仲文。仲文驚愕,遣問世之:“君兒可由得亡女履耶?“世之呼問,兒具道本末。李、張並謂可怪。發棺視之,女體已生肉,姿顏如故,右腳有履,左腳無也。自爾之後遂死,肉爛不得生矣。
Phiên âm:
Tấn thời, Võ Đô Thái thú Lý Trọng Văn tại đô táng nữ, niên thập bát, quyền giả táng quận thành bắc. Hữu Trương Thế Chi đại vi quận. Thế Chi nam tự Tử Trường, niên nhị thập, thị thung tại cứu trung, dạ mộng nhất nữ, niên khả thập thất bát, nhan sắc bất thường, tự ngôn: “tiền phủ quân nữ, bất hạnh tảo vong. Hội kim đương canh sinh. Tâm tương ái nhạc, cố lai tương tựu. “ Như thử ngũ lục tịch. Hốt nhiên trú kiến, y phục huân xuân thù tuyệt, toại vy phu thê, tẩm tức y giai hữu ô, như xứ nữ yên. Hậu trọng văn khiển tỳ thị nữ mộ, nhân quá Thế Chi phụ tương văn. Nhập cứu trung, kiến thử nữ nhất chỉ lý tại tử trưởng sàng hạ. Thủ chi đề khấp, hô ngôn phát trủng. Trì lý quy, dĩ kỳ trọng văn. Trọng văn kinh ngạc, khiển vấn Thế Chi: “Quân nhi khả do đắc vong nữ lý gia? “Thế Chi hô vấn, nhi cụ đạo bản mạt. Lý, Trương tịnh vị khả quái. Phát quan thị chi, nữ thể dĩ sinh nhục, tư nhan như cố, hữu cước hữu lý, tả cước vô dã. Tự nhĩ chi hậu toại tử, nhục lạn bất đắc sinh hỹ.
Dịch nghĩa:
Vào thời Tấn, ở đô Vũ, Thái thú Lý Trọng Văn chôn con gái, tuổi vừa 18, tạm an táng ở phía Bắc thành. Có Trương Thế Chi đến thay ông làm quận chủ. Con trai của Thế Chi tự là Tử Trường, tuổi đã 20, coi nom trong chuồng ngựa, nửa đêm mơ thấy một người con gái, tuổi chừng 17, 18, dung mạo bất thường, nói rằng: “Thiếp là con gái của quan phủ trước, chẳng may mất sớm, nhưng nay được tái sinh, trong lòng mừng vui cho nên tới đây để cùng chàng tề tựu”. Cứ như thế 5, 6 đêm liền. Đột nhiên ban ngày thấy người con gái đó trang phục đẹp đẽ kì tuyệt, bèn kết duyên chồng vợ, tuy nhiên, khi giao hoan quần áo của người con gái ấy tỏa ra mùi hôi cực kì ô tạp, như mùi tiết ra từ âm đạo. Về sau Trọng Văn sai người tì nữ đến mộ con gái, nhân đó tạt qua nhà vợ của Thế Chi hỏi thăm. Khi bước vào chuồng ngựa, cô thấy có một chiếc hài của người đàn bà ở dưới giường Tử Trường. Bèn cầm lên khóc nức nở, cho rằng Trương quật mồ trộm mộ. Sau đó mang giày trở về đưa cho Trọng Văn xem. Trọng Văn kinh ngạc, sai người hỏi Thế Chi: “Con của ngươi sao lại có giày của con gái đã mất của ta?” Thế Chi đi hỏi, người con kể rõ hết đầu đuôi. Tử, Trương đều cho là quái lạ. Mới quật mồ lên xem thì thấy thân thể người con gái đã mọc ra thịt da, nhan sắc như xưa, chân phải có một chiếc hài còn chân trái thì không. Sau chuyện đó thì người con gái đó chết hẳn, da thịt băng ôi không tái sinh được nữa.
Cũng theo Sưu thần hậu kí , truyện về con gái của Bằng Hiếu cũng có nét tương tự.
Nguyên văn:
晉時,東平馮孝將為廣州太守。兒名馬子,年二十餘,獨臥廄中。夜夢見一女子,年十八九,言:「我是前太守北海徐玄方女,不幸蚤亡。亡來今已四年,為鬼所枉殺。案生錄,當八十餘。聽我更生,要當有依憑,乃得生活,又應為君妻。能從所委,見救活不?」馬子答曰:「可爾。」乃與馬子剋期,當出。至期日,牀前地頭髮,正與地平,令人掃去,則愈分明。始悟是所夢見者。遂屏除左右,人便漸漸額出,次頭面出,又次肩項形體頓出。馬子便令坐對榻上,陳說語言,奇妙非常。遂與馬子寢息。每誡云:「我尚虛,君當自節。」問:「何時得出?」答曰:「出,當得本命生日,尚未至。」遂往廄中。言語聲音,人皆聞之。女計生日至,乃具教馬子出己養之方法;語畢,辭去。馬子從其言,至日,以丹雄雞一隻,黍飯一盤,清酒一升,醊其喪前。去廄十餘步,祭訖,掘棺出;開視,女身體貌全如故。徐徐抱出,著氈帳中,唯心下微暖,口有氣息。令婢四人守養護之,常以青羊乳汁瀝其兩眼,漸漸能開;口能咽粥,既而能語。二百日中,持杖起行,一期之後,顏色、肌膚、氣力,悉復如常,乃遣報徐氏。上下盡來,選吉日,下禮,聘為夫婦。生二兒一女。長男,字元慶,永嘉初,為秘書郎中;小男,字敬度,作太傅掾;女,適濟南劉子彥,徵士延世之孫云。
Phiên âm:
Tấn thời, Đông Bình Bằng Hiếu tương vi Quảng Châu Thái thú. Nhi danh Mã Tử, niên nhị thập dư, độc ngoạ cứu trung. Dạ mộng kiến nhất nữ tử, niên thập bát cửu, ngôn: “Ngã thị tiền thái thủ bắc hải từ huyền phương nữ, bất hạnh tảo vong. Vong lai kim dĩ tứ niên, vy quỷ sở uổng sát. Án sinh lục, đương bát thập dư. Thính ngã canh sinh, yếu đương hữu y bằng, nãi đắc sinh hoạt, hựu ưng vy quân thê. Năng thung sở uỷ, kiến cứu hoạt bất?” Mã Tử đáp viết: “Khả nhĩ.” Nãi dữ Mã Tử khắc kỳ, đương xuất. Chí kỳ nhật, sàng tiền địa đầu phát, chính dữ địa bình, linh nhân tảo khứ, tắc dũ phân minh. Thuỷ ngộ thị sở mộng kiến giả. Toại bình trừ tả hữu, nhân tiện tiệm tiệm ngạch xuất, thứ đầu diện xuất, hựu thứ kiên hạng hình thể đốn xuất. Mã Tử tiện linh toạ đối tháp thượng, trần thuyết ngữ ngôn, kỳ diệu phi thường. Toại dữ Mã Tử tẩm tức. Mỗi giới vân: “Ngã thượng hư, quân đương tự tiết.” Vấn: “Hà thì đắc xuất?” Đáp viết: “Xuất, đương đắc bản mệnh sinh nhật, thượng vị chí.” Toại vãng cứu trung. Ngôn ngữ thanh âm, nhân giai văn chi. Nữ kế sinh nhật chí, nãi cụ giáo Mã Tử xuất kỷ dưỡng chi phương pháp; ngữ tất, từ khứ. Mã Tử tòng kỳ ngôn, chí nhật, dĩ đan hùng kê nhất chích, thử phạn nhất bàn, thanh tửu nhất thăng, chuyết kỳ táng tiền. Khứ cứu thập dư bộ, tế cật, quật quan xuất; khai thị, nữ thân thể mạo toàn như cố. Từ từ bão xuất, trước chiên trướng trung, duy tâm hạ vi noãn, khẩu hữu khí tức. Linh tỳ tứ nhân thủ dưỡng hộ chi, thường dĩ thanh dương nhũ hiệp lịch kỳ lưỡng nhãn, tiệm tiệm năng khai; khẩu năng yết chúc, ký nhi năng ngữ. Nhị bách nhật trung, trì trượng khởi hành, nhất kỳ chi hậu, nhan sắc, cơ phu, khí lực, tất phục như thường, nãi khiển báo từ thị. Thượng hạ tận lai, tuyển cát nhật, hạ lễ, sính vi phu phụ. Sinh nhị nhi nhất nữ. Trưởng nam, tự Nguyên Khánh, Vĩnh Gia sơ, vi Bí thư lang trung; tiểu nam, tự Kính Độ, tác Thái phó duyện; nữ, thích Tế Nam Lưu Tử Ngạn, chinh sĩ duyên thế chi tôn vân.
Dịch nghĩa:
Vào thời Tấn, ở Đông Bình có Bằng Hiếu sắp làm Thái thú ở Quảng Châu. Con trai tên là Mã Tử, tuổi đã hơn 20, một mình nằm trong chuồng ngựa. Nửa đêm mộng thấy một người con gái, tuổi chừng 18, 19, nói rằng: “Ta là Từ Phương Huyền sống ở Bắc Hải là con gái của vị Thái thú trước, không may chết sớm. Từ khi chết đến nay đã 40 năm, bị quỷ bắt oan. Căn cứ vào sổ Sinh, ta phải sống đến hơn 80 tuổi. Nếu muốn ta sống lại, phải tìm nương tựa người, mới có thể sống lại được, lại cùng người làm vợ chồng. Người có thể trở thành chỗ dựa, cứu sống ta được không?” Mã Tử đáp rằng: “Được vậy”. Bèn cùng với Mã Tử cùng hẹn ước, nói xong rồi rời đi. Đến ngày hẹn, trước giường thấy một nắm tóc, nằm ngay ngắn trên mặt đất, mới sai người quét đi, nhưng càn quét càng sáng rõ. Chợt nhớ lại giấc mộng ngày trước, kêu gia nhân xung quanh ra khỏi phòng, người dần dần lui hết, kế đến một cái đầu dần lộ ra, sau đó phần vai rồi các bộ phận thân thể dần dần hiện ra. Mã Tử liền nói người con gái đó ngồi đối diện trên chiếc giường, người con gái đó nói rõ mọi lời, dung nhan kì diệu phi thường. Rồi sau mới cùng Mã Tử nghỉ ngơi. Lại dặn Mã Tử rằng: “Ta vẫn còn là người từ hư vô, chàng nên tự biết tiết yếu”. Mã Tử hỏi rằng: “Khi nào mới thoát ra khỏi (địa ngục).” Đáp rằng: “Sẽ ra thôi, chỉ là phải đến ngày sinh thần, hiện tại vẫn chưa đến kì”. Bèn đi đến chuồng ngựa. Lời nói của hai người, người nhà đều nghe hết thảy. Người con gái dự trù hết những việc khi ngày sinh thần đến, bèn dặn dò cho Mã Tử hết phương pháp dưỡng thân, nói xong liền rời đi. Mã Tử theo lời, đến ngày, lấy một con gà trống, nấu một mâm cơm, một thăng rượu ngọt, lấy rượu rưới xuống trước mộ. Đi đến chuồng ngựa chừng hơn 10 bước, tế xong, bèn quật mồ lên, mở ra thì thấy người con gái thân thể vẫn như xưa. Y mới từ từ ôm ra, an trí trong màn the, lúc này tâm khí có vẻ ấm lên, miệng đã toát hơi thở. Lại sai người tì nữ bốn người trông nom chăm sóc, thường lấy sữa dê xanh nhỏ vào hai mắt của nàng ta, dần dần có thể mở ra; miệng có thể húp cháo, lại có thể nói năng. Trong hai trăm ngày, đã có thể cầm gậy bước đi, sau một thời gian, nhan sắc, cơ thịt, khí lực, tất cả đều phục hồi như thường, lại sai người báo họ Từ. Trên dưới đều đến, chọn ngày lành, hạ lễ, gả làm vợ chồng. Sinh được hai con trai một con trái. Người trưởng nam, tự là Nguyên Khánh, đầu năm Vĩnh Gia, là Bí thư lang trung; người con trai nhỏ, tự là Kính Độ, làm quan Thái Phụ; người con gái, gả đến Lưu Tử Ngạn ở Tế Nam, con cháu làm chinh khách nối đời này sang đời khác [7].
Lại theo Liệt dị truyện《列異傳》 chép rằng: 漢談生,四十無婦,夜半讀書,有女子來就生為夫婦,約三年中不能用火照。後生一子,已二歲,生夜伺其寢,以燭照之,腰上已生肉,腰下但有枯骨。婦覺,以一珠袍與生,並裂取生衣裾而去。後生持袍詣市,睢陽王家買之。王識女袍,以生為盜墓賊,乃收拷生。生以實對。王視女冢如故。發現之,得談生衣裾。又視生兒正如王女,乃認談生為婿。
Phiên âm:
Hán Đàm Sinh, tứ thập vô phụ, dạ bán độc thư, hữu nữ tử lai tựu sinh vy phu phụ, ước tam niên trung bất năng dụng hỏa chiếu. Hậu sinh nhất tử, dĩ nhị tuế, sinh dạ tứ kỳ tẩm, dĩ chúc chiếu chi, yêu thượng dĩ sinh nhục, yêu hạ đãn hữu khô cốt. Phụ giác, dĩ nhất châu bào dữ sinh, tịnh liệt thủ sinh y cứ nhi khứ. Hậu sinh trì bào nghệ thị, tuy dương vương gia mãi chi. Vương thức nữ bào, dĩ sinh vy đạo mộ tặc, nãi thu khảo sinh. Sinh dĩ thực đối. Vương thị nữ trủng như cố. Phát hiện chi, đắc Đàm sinh y cứ. Hựu thị sinh nhi chính như vương nữ, nãi nhận đàm sinh vi tế.
Dịch nghĩa:
Hán Đàm Sinh, bốn mươi mà không có vợ, nửa đêm đọc sách, có người con gái tới nguyện làm vợ y, giao hẹn rằng trong ba năm không được dùng lửa chiếu sáng, sau đó sinh ra một người con trai, đã hai tuổi, nửa đêm Sinh rình họ ngủ, lấy đèn chiếu vào họ thì thấy phần trên eo có da có thịt nhưng phần dưới eo người đàn bà nọ chỉ là một bộ xương khô. Người đàn bà tỉnh giấc, lấy một túi ngọc giao cho Sinh, đồng thời cắt lấy vạt áo của sinh mà rời đi. Về sau Sinh cầm cái túi ngọc ấy ra chợ bán, gia đình Tuy Dương Vương mua được túi ấy. Vương biết đó là túi nữ, cho rằng Sinh là kẻ trộm mộ bèn thâu giữ để khảo hạch sinh. Sinh mang hết sự thực ra đối chất. Vương thấy người mộ người nữ đó vẫn như cũ, phát hiện ra được miếng vạt áo của Đàm sinh. Lại thấy con của Sinh giống với con gái của Vương, mới bèn nhận Sinh là con rể [8].
Từ những dẫn chứng trên, có thể biết được rằng ý nghĩa của nguyên hình Bạch Cốt Tinh thực ra đã có từ rất lâu, tiềm tàng trong lịch sử văn học cổ điển Trung Hoa với ý niệm đặc trưng mang tính liêu trai; được vận dụng vào tác phẩm như một chất liệu văn hóa và đặc biệt nổi cộm trong thể loại tiểu thuyết chí quái như Sưu thần ký, Sưu thần hậu ký, Liệt dị truyện, U minh lục… Về sau được các tác giả văn học sử dụng như một dạng điển tích được cài cắm nhằm truyền tải một ngụ ý mang tính triết luận.
2. BẠCH CỐT TINH – Ý NGHĨA BIỂU TƯỢNG LUẬN TỪ LẬP TRƯỜNG PHẬT HỌC
Bản chất của nhân vật Bạch Cốt Tinh ngay khi sinh ra từ vòng lịch sử đến khi được Ngô Thừa Ân tạo dựng và phát triển trở thành một hình mẫu điển hình trong văn học vốn dĩ đã mang một đặc trưng ý nghĩa mang tính thiền học. Trong kho tàng văn học Phật giáo, hình tượng bộ xương có mối liên hệ chặt chẽ với cái đẹp xác thịt và là biểu hiện cho sự đối nghịch giữa tuổi trẻ và cái chết. Ngoài nghĩa những hiện thân Bạch Cốt Tinh hóa hiện thành tương hợp với ý niệm ý – dục – tình trong Phật giáo mà hơn hết hình tượng xương trắng ở trên còn mang nhiều nét nghĩa thâm sâu và tinh mật. Đứng dưới góc độ nghiên cứu từ nguyên, chữ cốt 骨 theo Giáp cốt văn vốn là một từ tượng hình dùng để miêu tả hình dạng của các khớp xương, về sau được thêm vào bộ nhục 肉 để bổ thêm ý nghĩa bộ phận trên cơ thể con người. Cũng vì vậy chữ cốt về sau được sử dụng như một từ với nghĩa chỉ xác phàm của con người. Còn chữ bạch 白 nguyên để chỉ hình dạng của cây đèn và được sử dụng với nghĩa là sáng sủa, rõ ràng. Về sau lại phái sinh thêm nghĩa màu trắng hoặc chỉ sự trần trụi. Như vậy, nếu hiểu một cách sâu hơn về hai chữ bạch cốt, cụm từ này còn mang nghĩa chỉ thân xác trần trụi, trần tục của con người. Như vậy, ngay từ khi thiết lập tên gọi, cụm từ “Bạch Cốt Tinh” đã ám chỉ loại yêu ma này có căn nguyên từ chính nhục thể của con người.
Vì nhục thể trong mắt con người bao giờ cũng là thứ ‘tượng đài’ hoàn thiện và tinh khôi nhất cho nên nhân loại thường bị niệm ái dục chi phối, từ đó sản sinh nên cái mà trong Phật giáo gọi là ngã chấp 我執. Đây vốn là một từ khởi nguyên từ tiếng Phạn आत्म ग्राह ātma-grāha có nghĩa là sự chấp trước vào cái tôi có thực, cái tôi đẹp đẽ và cái tôi hoàn mỹ. Thứ con người thường truy cầu là cái đẹp, vì đắm nhiễm vào cái đẹp nên nảy sinh lòng phân biệt và ham muốn. Vì có ham muốn nên có vô minh, tam độc tham sân si cũng từ đó mà khởi phát. Tuy nhiên, suy xét cho cùng thì người đẹp hay cái đẹp trước mắt thực ra cũng chỉ là giả. Trong muôn bộ kinh điển Phật giáo do cổ đức kết tập giảng nghĩa, tất cả đều khẳng định rằng xác thịt con người chẳng qua chỉ là một túi da bọc lấy những tạp chất ô uế và xương cốt nhầy nhụa bên trong. Mọi hình tướng con người nhìn thấy được bằng mắt thường chẳng qua chỉ là giả tướng nảy sinh từ sự vô minh. Hiện tướng người nữ, người mẹ và người cha do Bạch Cốt Tinh hóa thành thực ra cũng chỉ là một dạng giả tướng không thực, được tạo ra chỉ để đánh lừa đôi mắt phàm nhân của Đường Tam Tạng. Có thể xem đây là một trong những ý niệm triết luận minh bạch mang tính thiền học trong Tây Du Ký. Không chỉ trong Tây Du Ký, ý niệm triết học thông qua hình tượng bộ xương trắng cũng xuất hiện nhiều trong các loại hình nghệ thuật văn hóa, không chỉ riêng Trung Quốc mà ngay cả nước ngoài. Điển hình như trong bộ tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng được viết bởi tiểu thuyết gia Mạt Thanh Tào Tuyết Cần ra đời sau Tây Du Ký, chi tiết về bộ xương được sử dụng cũng để truyền tải một ý nghĩa tương tự. Trong số hơn 400 nhân vật được đề cập trong tác phẩm, có một nhân vật phụ tuy chỉ xuất hiện trong vài hồi ngắn ngủi nhưng lại truyền tải một luận đề nhân sinh sâu sắc – là khơi mào của muôn trùng biến cố trong phủ Giả – Giả Thụy. Giả Thụy tự là Thiên Tường, vốn là cháu nội của Giả Đại Nho, một trong số những chi tương đối lép vế trong phủ Giả. Y là người chủ quản trông nom trường học của dòng họ tuy nhiên vì đắm mê vào dục lạc lại lêu lổng chơi bời nên nơi này trở thành nơi tình tự của các nam sinh lại thường xuyên xảy ra những trò mâu thuẫn xích mích. Từ khi gặp được Vương Hy Phương, trong tâm Giả Thụy thường xuyên nghĩ về những cuộc “mưa Sở mây Tần” với ả ta. Sau khi bị Vương Hy Phương lừa mấy lần, Giả Thụy không chỉ tủi nhục vì bị Giả Đại Nho trừng phạt, bị rớt xuống hầm phân, bị rơi xuống hố xí mà còn chịu cảnh dèm pha, tương tư tột độ, lâu ngày thành bệnh. Giả Thụy từ bị người khác dày vò nay lại thành ra chính mình tự dày vò mình. Thấy y vô minh, Mang Mang đạo sĩ mới gửi cho Giả Thụy tấm gương Phong Nguyệt Bảo Giám hầu chữa hẳn căn bệnh tương tư: Bèn cầm gương mang mặt trái ra soi, thấy trong có bộ xương người. Giả Thụy sợ quá, vội giấu gương đi, mắng: “Đồ láo! Làm sao lại dọa ta! Ta hãy soi mặt phải xem sao?” Bèn soi mặt phải, thấy Phượng Thư đứng ở trong, vẫy tay gọi. Giả Thụy mừng lắm, mê mẩn đi vào trong gương, cùng Phượng Thư vui cuộc mây mưa, rồi Phượng Thư lại đưa ra nằm trên giường. Giả Thụy kêu “ái chà” một tiếng, bừng mắt ra, cái gương tự nhiên lật lại mặt trái, vẫn thấy một bộ xương người đứng sừng sững ở trong. Giả Thụy mồ hôi đầm đìa, dưới quần tinh thoát ra một đống. Dục tình vẫn chưa được thỏa, hắn lại quay mặt phải ra soi, thấy Phượng Thư lại vẫy tay gọi, hắn lại đi vào trong gương, cứ thế ba bốn lần. Đến lần cuối cùng vừa mới ở trong gương ra, thấy hai người chạy lại mang xích sắt khóa tay lôi đi, Giả Thụy kêu “Để cho tôi lấy cái gương đã”. Rồi im bặt, không nói được nữa [9].
Trong triết học phương Tây, bộ xương người là motif thường bắt gặp trong những memento mori – sự nhắc nhở về tính hữu hạn của đời người. Tác phẩm “All is vanity” của Charles Allen Gilbert vẽ hình tượng một thiếu nữ trước tấm gương nhưng toàn bộ khung gương hoàn toàn là hình dạng của cái đầu lâu. Trong kinh Đại Trang Nghiêm cũng có nói chi tiết một vị đại Sư trong lần giáo hóa các môn đồ đã hóa thân thành một bộ xương khô để các đệ tử nhìn rõ ràng được bản chất của sắc dục. Bạch Cốt Tinh trong Tây Du Ký mặc dù biến hóa thành nhiều hình hài nhưng cốt tủy cũng chỉ là bộ xương khô. Vương Hy Phượng trong Hồng Lâu Mộng dù có đẹp đến đâu cũng chỉ là một bộ xương trắng. Thay vì nhìn vào mặt trái của hiện tượng, Giả Thụy lại chấp trước nhìn vào mặt phải của cõi mộng, bởi vậy nên cuối cùng y phải đành bỏ mạng.
Như vậy, từ hình tượng Bạch Cốt Tinh cho thấy, đây không chỉ là một nhân vật phụ chỉ được tạo dựng với chức năng gia cố tính thú vị cho tác phẩm mà còn là một hình tượng có sức gợi có nguồn gốc từ lịch sử và hình thành phát triển trong môi trường văn học nghệ thuật; chứa đựng đầy đủ các ý niệm liên quan đến tôn giáo học mà cụ thể là Phật học. Không chỉ biểu tượng cho vấn đề dục tính và đại diện cho bản chất của thế gian mà Bạch Cốt Tinh còn là trục lý luận cho mối tương quan giữa tuổi trẻ, sự trường thọ và cái chết. Trong Tây Du Ký, khi mô tả hình ảnh cụ ông – hóa thân của Bạch Cốt Tinh – trong tác phẩm có viết: “Bạch phát như Bành Tổ, Thương nhiêm tái Thọ Tinh” (白髮如彭祖,蒼髯賽壽星。 – Tóc trắng như Bành Tổ, Râu xanh sánh Thọ Tinh). Bành Tổ theo Thần tiên truyện thì ông tên thật là Điền Khanh, sống tới 767 tuổi, trải qua nhà Hạ đến cuối nhà Ân. Còn Thọ Tinh hay còn gọi là Nam cực tiên ông lại đại diện cho sự trường thọ trong bộ ba Phúc – Lộc – Thọ. Sử Ký Sách Ẩn (史記索隱) có giải thích rằng: “Thọ Tinh, cái Nam Cực Lão Nhân tinh dã; kiến tắc thiên hạ lý an, cố từ chi dĩ kỳ phước thọ (壽星、蓋南極老人星也、見則天下理安、故祠之以祈福壽 – Thọ Tinh là sao Nam Cực Lão Nhân; thấy sao này tất thiên hạ được yên; cho nên thờ phụng sao này để cầu phước thọ) [10]. Đây là hai nhân vật đại diện cho sức khỏe, tuổi trẻ và sự diên trường thanh xuân của con người. Cái mà người đời mong cầu là sự trường thọ thực tế chỉ mang tính vô thực, huyễn hoặc, thuộc phạm trù ngã chấp về phần sinh mạng mà thôi. Cái ham muốn chấp trước vào sinh mệnh, vào sự trường cửu của hiện thời khiến con người dễ sanh vào lầm lạc hưởng thụ, ao ước tận thọ mọi thú vui trong đời, như trong tác phẩm đó là cái thú vui con cháu vợ chồng. Nói như kinh điển Phật giáo thì đó là các phước hữu lậu vô thực. Do vậy hiện tướng Bạch Cốt Tinh với cái vẻ trường thọ vốn thấy thực ra cũng chỉ là giả, là huyễn và là ảo; mục đích là để cảnh tỉnh con người sự huyễn hoặc của đời sống luân hồi. Chung quy có thể xem hình tượng Bạch Cốt Tinh hay xương trắng chính là mô thức cụ thể giúp con người soi rọi ra bản chất của thế giới. Và cũng chính vì thấu tỏ được chân lý vạn pháp hư huyễn cho nên Đức Phật cùng các bậc giác ngộ ngày xưa đã đề ra học thuyết tam pháp khắc dục bao gồm “vô kiến”, “tâm kiến tự nhân thân” và “quán bất tịnh – quán vô thường” đặc biệt phải kể đến phương pháp thiền hành quán thân bất tịnh 觀身不淨hay còn gọi là bạch cốt thân tu hành pháp 白骨觀修行法. Đây là một trong những phương pháp quán chiếu suy niệm về sự biến hoại của thân xác. Vì biết thân xác rồi sẽ hoại nên hiểu lẽ vô thường, thông đạt tính không của vạn pháp. Đại sư Đạo Ân trong “Hiển mật viên thông thành Phật tâm yếu tập”《顯密圓通成佛心要集》 có chép: 應先觀想自身額上,皮肉爛墜,見於白骨,乃至全身皆見白骨。既見自身一具骨鏁分明現已,復觀餘人爛墜亦爾,觀第二具已,漸次觀於一房一寺一城一國,乃至遍地。以海為邊,骨鏁充滿,為令觀心增長,復卻從寬至狹漸略而觀,唯見一國皆是骨鏁,漸見一城一寺一房一具,又於一具中。乃至漸漸唯見眉間少許白骨,見眉間已。專注一緣,湛然而住,如是修習,乃至得定,此觀成就一切貪愛自然消亡。
Phiên âm:
Ưng tiên quán tưởng tự thân ngạch thượng, bì nhục lạn truỵ, kiến ư bạch cốt, nãi chí toàn thân giai kiến bạch cốt. Ký kiến tự thân nhất cụ cốt toả phân minh hiện dĩ, phục quan dư nhân lạn truỵ diệc nhĩ, quan đệ nhị cụ dĩ, tiệm thứ quan ư nhất phòng nhất tự nhất thành nhất quốc, nãi chí biến địa. Dĩ hải vi biên, cốt toả sung mãn, vi linh quan tâm tăng trưởng, phục khước thung khoan chí hiệp tiệm lược nhi quan, duy kiến nhất quốc giai thị cốt toả, tiệm kiến nhất thành nhất tự nhất phòng nhất cụ, hựu ư nhất cụ trung. Nãi chí tiệm tiệm duy kiến mi gian thiểu hứa bạch cốt, kiến my gian dĩ. Chuyên chú nhất duyên, trạm nhiên nhi trú, như thị tu tập, nãi chí đắc định, thử quan thành tựu nhất thiết tham ái tự nhiên tiêu vong.
Dịch nghĩa:
Đầu tiên nên quán tưởng từ thân cổ trở lên, xa thịt lụn tiêu, thấy cả xương trắng lòi ra, kế đến là thấy toàn thân đều là xương trắng. Đã thấy toàn bộ thân mình là xương trắng rõ ràng rồi lại quán tưởng những người còn lại cũng lụn bại tiêu ôi như vậy, quán tưởng xong lần thứ hai lại dần dần quán tưởng từng thứ một từ phòng ốc đến chùa chiền, từ thành quách đến quốc gia, sau đó quán chiếu ra khắp thảy thế gian. Lấy biển làm bở, xương cốt đầy rẫy, phải quán tâm tăng trưởng, rồi lại từ rộng đến hẹp dần dần quán xét hết thảy, chỉ thấy cả một quốc gia đều là xương khô, lại thấy thành quách, chùa chiền, phòng ốc, đồ đạc, lại những thứ ở trong đồ đạc đó. Lại quán dần dần đến trong một kẽ hở của mi mắt, một phần xương trắng, chỉ thấy trong một kẽ mi mắt mà thôi. Chuyên chú nhất duyên, sâu kỹ mà đi qua, như là đang tu tập, thì sẽ đạt được đến định, cách quán tưởng này nếu thành tựu thì mọi tham ái tự nhiên tiêu vong [11].
Hay như trong Khóa hư lục của Trần Thái Tông có đoạn: “Khô lâu thược tháp hoa trâm ngọc; xú bì đại đới xạ huân lan. Tiển la ỷ khỏa nùng huyết nẵng, điều diên hoa ngự thỉ niệu thung. Như tư ngoại sức, chung thị uế căn. Bất năng giá lý tự tàm; phản hướng cá trung trước ái.” (Đầu sọ khô cài hoa giắt ngọc, túi da hôi ướp xạ xông hương, cắt lụa là che đãy máu tanh, giồi son phấn át thùng phân thối. Trang sức như thế trọn là gốc nhớp. Không thể nơi đây tự thẹn, lại hướng trong ấy mến yêu) [12, chương 2, đoạn 1]. Như vậy, từ lập luận của những bậc cổ đức, chúng tôi có thể nhận định rằng:333 việc tái dựng một hình tượng cũ là Bạch Cốt Tinh cốt yếu để truyền tải một thông điệp chứa đựng giáo lý Phật Gia – ngã chấp và vô ngã. Ngã chấp là con người. Đạt được vô ngã là bậc giác ngộ. Trong chấp bao gồm ngũ dục, phá bỏ được chấp ngũ dục là đấng thánh siêu phàm. Điều này lý giải tại sao trên con đường thỉnh kinh của Tam Tạng lại có nhiều trùng, độc, tinh như vậy. Để đến được bến bờ giác ngộ, đòi hỏi phải trải qua quá trình tu luyện khổ ải và cam go. Bạch Cốt Tinh chỉ là một phần trong số muôn trùng các loại cổ trùng khác ngự trị trong tâm thức con người. Mỗi một loại tinh lại là một đại diện chói lọi cho ham muốn quẩn quanh của con người từ thất tình lục dục đến tiền tài vật chất, từ khao khát trường thọ đến ăn ngon mặc đẹp, tất cả đều phải được giải trừ trên đường tu thì họa may mới có thể chạm được ngõ Linh Sơn. Thực tế Bạch Cốt Tinh chỉ là kẻ khơi mào và dự báo cho một tương lai tu tập đầy thử thách phía trước của năm thầy trò Đường Tăng mà thôi…
3. KẾT LUẬN
Tóm lại xét từ lịch sử nguyên hình đến ý nghĩa truyền tải, hình tượng Bạch Cốt Tinh đã mang đến một điểm nhìn sâu sắc đến với người đọc trước vấn đề nồng nã tính triết học Phật giáo – tiêu trừ ngã chấp và nhận chân sự vô thường của thế gian. Không chỉ vậy phương thức quán tưởng thân bất tịnh, xem vạn vật chỉ như một bộ xương điểm phấn tô son cũng là ngụ ý mà có thể Ngô Thừa Ân vận dụng để chuyên chở cũng như để thức tỉnh sự vô minh trong thế giới quan hiện thời – nơi mà ông sinh sống sáng tạo. Giá trị của Bạch Cốt Tinh không còn nằm ở sự hí lộng trong ngòi bút của tác giả mà đã vươn ra ngoài, trở thành một hình mẫu điển hình trong việc giúp con người nhận chân nên bản chất của thế giới. Đến thời điểm hiện tại, ý nghĩa cũng như giá trị mà bản thân nhân vật này đem đến cho người đọc vẫn còn giữ nguyên.
Nguyễn Thanh Lộc
Tài liệu tham khảo:
[1] Đạo pháp hội nguyên道法会元, quyển 125. Trích xuất từ trang http://www.cngdwx.com/zhonghuadaozang/daoz26-1382-1406.html.
[2] Thái bình ngự lãm 太平御覽, phần Đạo bộ 道部, quyển 19. Trích xuất từ trang https://ctext.org/wiki.pl?if=en&chapter=607081.
[3] 馮汝常 (2009):《中國神魔小說文體研究》,上海:上海三聯書店。Bằng Nhữ Thường (2009), Trung Quốc thần ma tiểu thuyết văn thể nghiên cứu, Thượng Hải: Thượng Hải tam liên thư điếm.
[4] 苟波 (1999 ):《道教與神魔小說》,成都:巴蜀書社。Tuân Ba (1999), Đạo giáo dữ thần ma tiểu thuyết, Thành Đô: Ba Thục thư xã.
[5] Thi giải 尸解. Trích xuất từ trang https://baike.baidu.hk/item/尸解/1848149.
[6] Mẫu đơn đình đề từ 牡丹亭记题词. Trích xuất từ trang https://m.gushiwen.cn/mingju/juv_12b40651ee2e.aspx.
[7] Sưu thần hậu kí 搜神后记, quyển 4. Trích xuất từ trang http://www.gushicimingju.com/dianji/soushenhouji/5436.html.
[8] Liệt dị truyện 列异传, Đàm Sinh Tống Định Bá 谈生宋定伯. Trích xuất từ trang https://www.pinshiwen.com/yuexie/wxjx/20190729161363.html.
[9] Tào Tuyết Cần, Hồng Lâu Mộng, hồi 12. Trích xuất từ trang https://www.sachhayonline.com/tua-sach/hong-lau-mong/hoi-12/2207.
[10] Nam cực tiên ông 南极仙翁.Trích xuất từ trang https://www.wanweibaike.net/wiki-壽星%20(神祇)?551.
[11] 道殷大師 (1981):《顯密圓通成佛心要集》,台北:總持出版社,頁 20-21。Đạo Ân đại sư (1981), Hiển mật viên thông thành phật tâm yếu tập, Đài Bắc: Tổng trì xuất bản xã, Tr.20-21.
[12] Thích Pháp Như (2011), Giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật bài Phổ thuyết sắc thân trong tác phẩm Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông, đăng trên trang daophatngaynay.com.