Tiếng mõ trầm đục ngân vang, lâu lâu điểm một vài tiếng chuông lúc ngắt nghỉ dòng kinh, đến bài hồi hướng:
“Nguyện tiêu tan chướng trừ phiền não
Nguyện đắc trí tuệ chơn minh liễu
Phổ nguyện tội chướng tất tiêu trừ
Thế thế thường hành Bồ tát đạo”
Boong…
“Nguyện sanh Tây phương tịnh độ trung
Cửu phẩm Liên hoa vi phụ mẫu
Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh
Bất thoái Bồ tát vi bạn lữ”
Boong…
“Nguyện dĩ thử công đức
Phổ cập ư nhất thiết
Ngã đẳng dữ chúng sanh
Giai cộng thành Phật đạo.”
Boong Boong … Boong…
Vừa dứt hồi chuông kết thúc khóa lễ công phu chiều xong, Ôn Hòa thượng trụ trì gọi quý Thầy đến và dặn một số công việc của chùa. Đây là năm đầu tiên tôi được sư phụ cho ở lại Huế đón Tết, cảm thấy nhiều điều mới lạ so với cách đón Tết của chùa tôi. Huế được mệnh danh là mảnh đất Thần Kinh, mang đậm nét thiền vị, nhưng cũng không thể thiếu đi chút buồn sâu lắng lạ.
Ngày 23 tháng Chạp, Ôn trụ trì dạy quý thầy xuống núi, đi mua vài chậu cúc về trang trí xung quanh chùa để đón Tết (xứ Huế thường gọi quý Hòa thượng là Ôn một cách rất trân trọng và tôn kính). Tôi thấy làm lạ, bởi vì ở quê tôi chỉ dùng hoa cúc để cúng lễ, sao ở đây lại dùng hoa cúc để trang trí đón Tết cơ chứ. Thế nhưng, mãi về sau tôi mới nhận ra một điều, màu vàng của hoa cúc chính là màu giải thoát của Phật giáo, màu của thiền vị của sự trầm tĩnh; hóa ra người Huế quý cây mai vàng, cúc vàng là thế. Đó là chi tiết rất nhỏ mà tôi nhận ra được từ cốt cách trầm lặng mà thanh cao trong lối sống của người Huế, đặc biệt là quý ngài ở Huế.
Đứng từ ngoài cổng Tam quan nhìn vào, tôi thấy cảnh vật sâu lắng đến lạ, mọi thứ yên tĩnh đến nỗi khó tả, cảnh chùa được phủ đầy màu của thời gian, của trầm tích và của sự mặc nhiên. Vì sao mặc nhiên, bởi vì qua bao triều đại lịch sử, bao biến động của Phật giáo và xã hội, thế mà cảnh chùa và con người nơi đây vẫn an nhiên, bình thản, giữ tâm mình trong khuôn phép tu hành. Tôi được biết vị trụ trì tu hạnh vô ngôn, Ôn không nói nhiều và không nói những điều không cần thiết, nếu việc gì cần nhắn nhủ với đại chúng, Ôn dùng phấn viết lên bảng cho đại chúng hay biết. Cách sống của Ôn trụ trì làm tôi ấn tượng, tôi kính phục và tôn kính vô cùng; sống giữa thế giới nói không ngừng, Ôn chọn cách im lặng – nói ít đi. Ôn là một lão nông tăng, kể từ ngày vào chùa cho đến năm 75 tuổi, Ôn mới chính thức nghỉ cày ruộng, nhưng khi tôi vào Huế để theo học giáo lý, thì Ôn vẫn còn trồng rau, làm vườn… Cảnh chùa đẹp, bởi có sự nhuốm màu của thời gian, nhưng hơn hết có bóng dáng của Ôn trụ trì, một bậc chân tu sống một đời thanh bạch. Cảnh chùa trầm tĩnh đến thế, nay được điểm một vài chậu cúc vàng vào, làm tôn lên nét thiền phong vô cùng tuyệt mỹ. Nét đẹp này nó cứ nằm trong tâm thức của tôi mà mãi vẫn chưa phai nhạt đi, bởi nó quá sâu sắc và bình dị.
Điều đặc biệt hơn, đến tận ngày 28 Tết, tôi vẫn không thấy một cành đào nào trong chùa, tôi mới hỏi Thầy tri sự: “Bạch Thầy, ở trong này không chưng đào cho ngày Tết ạ?”. Thầy bảo: “Mọi năm có người cúng dường cho, năm nay chưa thấy ai cúng cả, nên thôi chưng cúc là đẹp rồi”. Tôi lại hết sức ngỡ ngàng với cách đón Tết chốn thiền môn xứ Huế, quý thầy ở đây không quá nặng nề cái Tết về hình thức, họ sống thiên về chiều sâu trong phong vị đón Tết của thiền môn, như: Gói bánh tét rất tỉ mỉ, cắm bình hoa rất bình dị mà hóa ra rất đẹp, chưng trái cây cúng Phật cũng rất thanh cảnh, mọi thứ đều được làm rất kỹ càng và nâng niu.
Tôi ấn tượng nhất là vào đêm Giao thừa, mấy chú Điệu ngồi lại với nhau đơm xôi chè để dâng cúng vào thời khắc chuyển giao năm mới. Một lát sau, thấy Ôn trụ trì đi pha một ấm trà và chuẩn bị một khay mứt Tết, mọi thứ để vào khay mứt vừa phải, không quá nhiều cũng không quá ít. Lúc này đây, tôi mới thấy hương vị quen thuộc của Tết, nhưng còn bất ngờ hơn khay mứt đấy không phải dọn ra để tiếp khách, mà là để dâng cúng Tam bảo vào khoảnh khắc Giao thừa.
Đúng 23h30, chuông báo chúng ngân lên một hồi bảy tiếng rồi dứt, báo hiệu đại chúng đến giờ lên chùa cung chúc tân xuân. Đại chúng đều mặc y áo trang nghiêm tập trung trước khách đường, rồi thứ tự từ vị lớn nhất đến vị bé nhất nối gót nhau lên lễ Tổ, sau đó lên chùa để tụng kinh đầu năm mới. Vị đi đầu là Ôn phương trượng, với tôi không có nhiều kỉ niệm về Ôn phương trượng, vì Ôn rất nghiêm nghị và Ôn sống với hạnh ẩn tu, nên tôi không được tiếp xúc nhiều. Duy chỉ có một lần Ôn gặp tôi, Ôn bảo: “Thầy ở Nghệ An vào học đúng không, gắng mà học cho giỏi hí, sau ni về quê hương mà phụng sự Phật Pháp nghe không”. Giọng nói đậm chất Huế xưa, nhưng đầy sự nghiêm nghị và từ bi của Ôn làm tôi thấy hạnh phúc vô cùng, hạnh phúc vì không nghĩ Ôn ẩn tu như thế mà lại biết mình ở Nghệ An vào tu học. Tôi còn nhớ ngày đầu tiên đến đây, thầy tri sự dẫn tôi đến đảnh lễ Ôn, thì Ôn chỉ gật đầu và cho lui xuống. Chắc có lẽ, Ôn ít nói, ít tiếp xúc với mọi người, nhưng Ôn sống rất sâu sắc. Tôi chỉ tiếc rằng, giây phút này đây tôi viết về Ôn, nhưng Ôn đã quảy gót về Tây… đi sau Ôn phương trượng là Ôn trụ trì, trên tay Ôn trụ trì bưng khay trà và một lư trầm thoang thoảng khói nhẹ bay, còn trên tay Thầy tri sự là khay mứt, rồi khẽ đặt trước bàn Phật với sự cung kính đầy trầm lặng.
Đại chúng tụng kinh chúc xuân ở chánh điện xong, thì Ôn phương trượng lấy ấm trà rót vào ba cái ly có sẵn để dâng cúng lên Tam bảo. Tiếp theo Ôn trụ trì mở khay mứt ra rồi dâng lên Tam bảo, mỗi hành động của quý Ôn đều tràn đầy sự thành kính và đậm nét thiền vị. Đây là nét thiền vị nhất mà tôi nghĩ chỉ riêng chùa Huế mới có và nó thật sự vô cùng ý nghĩa.
Từ ngày tôi đi tu, Tết năm nào cũng chật vật, chạy hối hả để rút chân hương, vì người đến chùa thắp hương quá nhiều. Năm nay được ở Huế đón Tết, lòng tôi cảm thấy đạo vị đến vô cùng. Tôi bảo với Thầy tri sự: “Bạch thầy, đây là lần đầu tiên con được đón Tết trong khung cảnh bình yên và thắm tình đạo như thế này”. Tại vì sao tôi nói thắm tình đạo, tất cả đều có nguyên do của nó. Khi lễ Tam bảo xong, toàn bộ đại chúng đi xuống đảnh lễ Tổ, rồi từ Ôn trụ trì trở xuống đến trước thiền thất của Ôn phương trượng để đảnh lễ chúc xuân năm mới; Sau đó, từ thầy Duy na trở xuống đến trước thiền thất của Ôn trụ trì để đảnh lễ chúc xuân, và cứ đảnh lễ chúc xuân từ quý Thầy lớn đến quý Thầy nhỏ, xuống đến các Điệu nhỏ cũng chúc xuân nhau, tôi thấy thật ấm áp và đậm nét tình đạo vị. Mỗi lần chúc Tết Ôn phương trượng hay Ôn trụ trì hay thầy Duy na, Tri sự… thì quý Ngài đều khuyến tấn huynh đệ chúng tôi cố gắng tu tập tinh tấn và thương yêu nhau để sống cho lục hòa. Từng lời chúc xuân của quý ngài như một món quà đầu năm vô cùng ý nghĩa và sâu sắc đối với huynh đệ chúng tôi. Sau khi đảnh lễ chúc Tết xong, huynh đệ trẻ chúng tôi tập trung lại với nhau để uống trà và ăn mứt bánh, rồi hàn thuyên những câu chuyện đón Tết của từng vùng miền. Mỗi Thầy đều kể về cách đón Tết của quê mình, bởi vì huynh đệ chúng tôi mỗi người một phương về đây cùng nhau tu tập.
Tôi còn nhớ như in, sáng ngày mồng một Tết, tôi thức dậy khá sớm để đi dạo quanh chùa, khí trời ngày mồng một lúc nào cũng trong lành, yên ả như dòng sông êm đềm. Con người với con người luôn tươi cười và chúc tụng nhau những lời hay ý đẹp; thiên nhiên với thiên nhiên lại chan hòa sức sống để cùng nhau tô đẹp cho đời. Cái vẻ đẹp này được gọi là hoàn mỹ nhất của một năm, bởi giữa thiên nhiên và con người đều chung một ý niệm khởi đầu tươi đẹp của một năm mới. Năm mới đến, con người thường rũ bỏ đi tất cả những điều không tốt đẹp của một năm cũ, để đón mừng những điều mới mẻ và vạch ra nhiều hoạch định cho tương lai phía trước của mình.
Vào sáng mồng một, quý Thầy, quý Sư cô ở xung quanh chùa Tổ đến đảnh lễ quý Hòa thượng đầu xuân năm mới. Tôi đứng từ đằng xa, nhìn thấy quý Thầy, quý Sư cô khoác lên mình một màu huỳnh y giải thoát đang đảnh lễ và chúc Tết quý Ôn, hòa cùng là những tiếng cười vang vô cùng hoan hỷ và bình dị.
Sao thắm tình đạo vị thế?
Sao ấm áp đến vậy?
Chốn Tùng lâm, quý Ngài chính là chỗ nương tựa cho chúng con. Những ký ức, những hoài niệm ngày ấy khó phai và khó quên trong tâm tôi. Giờ đây, tôi nhớ được điều gì thì tôi viết lại điều ấy; bởi lúc này đây, tóc tôi đã bạc trắng, tay chân tôi đã run rẩy, trí nhớ tôi cũng đã kém dần đi, tất cả giờ đây chỉ còn là kỉ niệm, một kỉ niệm khó phai. Già rồi, ngồi an yên ngẫm lại những điều đã đi qua trong đời, chợt nhận ra: “Mùa xuân lại đến, thanh xuân vẫn còn, bởi với tôi, thanh xuân là cả cuộc đời”…
Một cái Tết đầy thiền vị, đầy an trú và đầy tình đạo, chợt nhớ câu nói của Ôn Trúc Lâm:
“Đường đời chật hẹp người chen lấn,
Lối đạo thênh thang hiếm kẻ tìm”.
Chắc giờ đây, chốn Thiền môn xưa vẫn đang an nhiên đón Xuân, một nét Xuân nơi cửa Thiền. Nhớ Huế, nhớ nét thiền của chùa Huế, nhớ những lời nói dịu dàng của Huế.
Fan Việt
Chú thích:
* Đại đức – Thạc sĩ Thích Quảng Thông, thành viên Trung tâm Biên phiên dịch Tư liệu Phật giáo Quốc tế, Chùa Long Hưng (Hà Nội).