Chế tác Hạnh phúc qua Kinh Điềm Lành (Thông Bảo)

Trong tâm thức người Việt nói chung, Tết cổ truyền là dịp lễ quan trọng nhất. Dịp này, người dân nô nức đến chùa lễ Phật, gởi gắm những lời ước nguyện đến với Phật Tổ, mong ước một năm bình an cho mình và mọi người. Nhưng nói như vậy, không phải Phật giáo mong chờ lời cầu nguyện qua những lời hoa mỹ, mà điều Đức Phật thường dạy là phải làm cho lời cầu nguyện đó được thể hiện qua hành động, lời nói và ý nghĩ của mỗi người. Bởi việc cầu nguyện giống như gieo hạt giống thiện lành trong tâm, còn muốn gặt hái hoa trái hạnh phúc, chúng ta phải có sự thực hành, hoàn thiện nhân cách trong từng phút giây. Cho nên đừng để hạnh phúc là một khái niệm lý thuyết xa vời mà cần phải biết chế tác hạnh phúc theo lời Đức Phật đã giảng dạy trong kinh Điềm Lành. Nhờ biết chế tác hạnh phúc, ta mới gặt hái hoa trái hạnh phúc trong đời sống thực tại và góp thêm năng lượng bình an, hạnh phúc cho nhân sinh.

Kinh Điềm Lành (Mangala Sutta) – còn có tên là kinh Phước Đức hay kinh Hạnh Phúc, là bài kinh số 5 trong Tiểu Tụng (Khuddakapātha), thuộc Tiểu Bộ kinh (Khuddhaka Nikāya); được Đức Phật giảng dạy tại Jetavana, Sāvatthi. Nội dung bài kinh nói về nếp sống đạo đức mà một người cần phải thực tập hằng ngày, để có thể gặt hái điềm lành. Khởi đầu bài kinh được một vị Thiên tử đại diện khởi thỉnh bằng bài kệ:

1.

Nhiều Thiên tử và người,

Suy nghĩ đến điềm lành,

Mong ước và đợi chờ,

Một nếp sống an toàn,

Xin Ngài hãy nói lên,

Về điềm lành tối thượng.

Có thể thấy, lời khởi thỉnh đã nói lên mong muốn có một đời sống hạnh phúc của con người. Sau đây là những điềm lành mà Đức Phật giảng dạy.

2.

Không thân cận kẻ ngu,

Nhưng gần gũi bậc Trí,

Đảnh lễ người đáng lễ,

Là điềm lành tối thượng.

Người xưa có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Muốn cuộc đời mình không lầm đường lạc lối, đầu tiên cần phải gần gũi bậc trí. Bởi chỉ người trí mới có thể thấy cái sai của ta và chỉ cho ta thấy cái sai đó để thay đổi. Còn kẻ ngu ở đây là chỉ những người vô minh, không thấy rõ nguồn gốc khổ đau và phương pháp đưa đến dập tắt ngọn lửa khổ. Chứ không nhằm ám chỉ người có đầu óc ngu si, đần độn. Có những người thông minh nhưng vẫn xem là kẻ ngu, như những kẻ cầm đầu băng nhóm thường rất thông minh, mưu mô nhưng lại hướng con người sa đọa vào đầm lầy tội lỗi. Thường thân cận và đồng hành cùng bậc trí sẽ là phước đức lớn cho bản thân, như lời Tổ Quy Sơn đời Đường ở Trung Hoa có câu: “Thân phụ thiện giả, như vụ lộ trung hành, tuy bất thấp y, thời thời hữu nhuận” (thân cận bậc thiện tri thức giống như đi trong sương mai, tuy không ướt áo, nhưng lâu dần sẽ thấm đượm). Tức thường thân cận bậc thiện trí, lâu dần chúng ta cũng ảnh hưởng những đức tính tốt từ họ.

Đảnh lễ người đáng lễ là bày tỏ sự cung kính đến với những bậc đã dày công dạy dỗ mình. Người đó có thể là cha mẹ, thầy cô hoặc là người bạn đã kéo ta ra vũng lầy tội ác. Nhưng người xưa có dạy: “Cung kính bất nhi phụng mệnh”, tức cung kính không chỉ là hành động chắp tay trước ngực để bái lạy, mà xa hơn nữa cần áp dụng lời dạy đó trong đời sống thường nhật để giúp bản thân ngày càng hoàn thiện hơn, đó mới chính là cung kính tuyệt đối. Giống như đến chùa lễ Phật, không chỉ bái lạy để van xin, mà chúng ta đảnh lễ nhằm tiêu trừ thói cống cao, ngã mạn và học theo đức tính từ bi-trí tuệ của Phật để làm thanh thản nơi tâm hồn và giúp đỡ tha nhân.

3.

Ở trú xứ thích hợp,

Công đức trước đã làm,

Chân chánh hướng tự tâm,

Là điềm lành tối thượng.

Trú xứ ở đây được hiểu theo nghĩa rộng là môi trường sống. Bản tính con người thường rất dễ bị tác động bởi hoàn cảnh bên ngoài. Nếu chúng ta là người lương thiện, nhưng ở lâu trong môi trường suốt ngày tụ tập, nói năng bừa bãi; rượu chè say sưa hung hãn, cờ bạc, chắc chắn lâu dần sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Câu chuyện mẹ Mạnh Tử ba lần chuyển nhà để tìm hoàn cảnh sống thích hợp cho Mạnh Tử chuyên tâm học tập đã nói lên tầm quan trọng của môi trường sống. Ban đầu, mẹ con Mạnh Tử ở gần một bãi tha ma, nên ông thường xuyên cùng các bạn chơi trò cúng tế, khóc than như người ta thường làm trong đám tang. Mẹ ông biết được nên chuyển đến sinh sống trong khu phố, nhưng lại cách một lò giết mổ không xa. Trong hoàn cảnh ấy, Mạnh Tử thường xuyên cùng các bạn chơi trò buôn bán, mặc cả, thậm chí cãi vã với nhau hệt như ngoài chợ. Cuối cùng, mẹ Mạnh Tử chuyển đến sống ở chỗ đối diện với một trường học và văn miếu. Vì vậy, được tiếp xúc với các học giả, Mạnh Tử đã có sự ảnh hưởng tốt, từ đó tạo cơ sở vững chắc để học tập lễ nghi và những kiến thức nền tảng trở thành học giả nổi tiếng sau này. Qua câu chuyện trên, có thể thấy tầm quan trọng của một trú xứ thích hợp như thế nào. Hơn nữa, chọn môi trường thích hợp không chỉ cho riêng mình mà còn cho thế hệ sau này. Bởi khi sống trong môi trường tốt, lâu dài sẽ tạo cho chúng ta năng lượng tích cực để giúp ích bản thân và cuộc đời.

Kinh Điềm Lành (Mangala Sutta) – còn có tên là kinh Phước Đức hay kinh Hạnh Phúc, là bài kinh số 5 trong Tiểu Tụng (Khuddakapātha), thuộc Tiểu Bộ kinh (Khuddhaka Nikāya); được Đức Phật giảng dạy tại Jetavana, Sāvatthi.

“Công đức trước đã làm” ở đây có nghĩa trong quá khứ, mình đã gieo nhân phước thiện bằng hành động, lời nói, ý nghĩ thì nay mình hưởng điều kiện sống tốt đẹp hơn. Không dừng lại ở đó, ta tiếp tục tạo phước đức trong hiện tại, để tương lai tiếp tục gặt hái hoa trái hạnh phúc hơn nữa. Nhưng muốn tạo các việc phước thiện một cách đúng đắn, hợp với lẽ đạo, tâm chúng ta phải đặt trên nền tảng chân chánh, đúng đắn. Khi tâm có định hướng đúng đắn, ta sẽ biết việc nào nên làm, việc nào không nên làm, đây chính là cơ hội cho mình xử lý khổ đau và tạo dựng hạnh phúc trong hiện tại.

4.

Học nhiều, nghề nghiệp giỏi,

Khéo huấn luyện học tập,

Nói những lời khéo nói,

Là điềm lành tối thượng.

Khi đã lựa chọn môi trường thích hợp, tiếp theo là phải cố gắng học tập và làm việc thật chăm chỉ. Bởi ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, đã giúp con người thấy được kho tàng kiến thức khổng lồ, con người giống như giọt nước giữa đại dương mênh mông. Nếu ta chỉ sống trong vùng an toàn với những kiến thức nhỏ nhặt có được, thì thiệt thòi sẽ đến với chính mình. Cho nên, việc học tập sẽ giúp ta khám phá những điều mới mẻ trong cuộc sống, thấy được điều hay lẽ phải, từ đó rút kinh nghiệm cho những điều sai trái mà mình từng làm, từng nói, từng nghĩ.

Sau khi đã chăm chỉ học tập, sự chuyên tâm trau dồi kiến thức, huấn luyện qua năm tháng sẽ giúp ta có một nghề nghiệp giỏi. Từ đó, chính nghề nghiệp giỏi giúp mình có được thu nhập tự nuôi sống bản thân, gia đình và đáp ứng nhu cầu xã hội. Khi đã tự thân học tốt và làm tốt rồi, chúng ta cũng phải tu khẩu, tức biết “nói những lời khéo nói”. Bởi một lời nói thiếu trách nhiệm có thể phá hỏng sự nghiệp, thậm chí làm tan nát một đời người. Bàng bạc trên báo chí ngày nay, cũng vì lời qua tiếng lại thiếu kiểm soát mà đưa đến ẩu đả, thậm chí tước đi mạng sống một người. Do vậy, trước khi nói ra lời nào, mỗi người đều phải suy ngẫm. Hãy tập nói lời nói có giá trị, đưa đến lợi ích cho chính mình và mọi người.

5.

Hiếu dưỡng mẹ và cha,

Nuôi nấng vợ và con.

Làm nghề không rắc rối

Là điềm lành tối thượng.

Đây là điềm lành có được khi Phật tử biết sống có trách nhiệm và bổn phận chăm lo cho gia đình: Cha-mẹ, vợ (chồng)-con cái về cả vật chất lẫn tinh thần. Nhưng để có đủ điều kiện hiếu dưỡng cha mẹ và lo lắng cho vợ con đầy đủ, người chủ gia đình cần có nghề nghiệp ổn định. Nghề nghiệp ở đây được Đức Phật nói rất rõ là “làm nghề không rắc rối”, tức Chánh mạng. Chánh mạng là những công việc hoặc nghề nghiệp chân chính không đem lại tai hại cho bản thân người làm công việc đó hay cho bất cứ ai khác. Bởi nếu làm nghề nghiệp không chân chánh, mặc dù nghề đó có thể giúp mình chăm lo cho gia đình, đời sống vật chất đủ đầy nhưng lâu dài sẽ dẫn đến hậu quả không tốt về sau, nghiêm trọng hơn là liên lụy đến gia đình và người thân. Như việc tiêm thuốc kích thích rau củ quả để tăng gia sản xuất, mặc dù đem đến tiền của mau chóng, nhưng chắc chắn rằng trong tương lai, chính mình sẽ là người chịu hậu quả, có thể dính đến pháp luật. Và như vậy, mình cũng đã làm liên lụy đến người thân.

Đừng để hạnh phúc là một khái niệm lý thuyết xa vời mà cần phải biết chế tác hạnh phúc theo lời Đức Phật đã giảng dạy trong kinh Điềm Lành.

6.

Bố thí, hành, đúng pháp,

Săn sóc các bà con,

Làm nghiệp không lỗi lầm,

Là điềm lành tối thượng.

Cuộc sống là một mạng lưới mà mỗi người là một mắt xích. Ngoài mối quan tâm với gia đình là cha mẹ, vợ con, Đức Phật dạy cũng cần quan tâm đến những mối quan hệ khác như quan hệ với bà con thân hữu, hàng xóm láng giềng. Ngày nay, con người thường chọn lối sống khép kín “Đèn nhà ai nấy rạng” nên càng ngày, dù sống trong thế giới rộng mở của công nghệ, nhưng họ lại tạo ra một khoảng cách rộng lớn với những người xung quanh. Cũng chính khoảng cách này đã dần tạo nên sự vô cảm giữa người với người trong xã hội, gây nên biết bao nhiêu sự nhói lòng đáng tiếc trong thời gian qua. Cho nên, để đem đến hạnh phúc cho chính mình và mọi người, chúng ta cần siêng năng làm những điều ích lợi, quan tâm đến phúc lợi cho người khác, cho xã hội. Nếu con người biết tương thân tương ái lẫn nhau sẽ xóa bỏ ranh giới phân biệt mà tạo ra sức mạnh tập thể vượt qua khó khăn.

7.

Chấm dứt, từ bỏ ác,

Chế ngự đam mê rượu,

Trong Pháp, không phóng dật,

Là điềm lành tối thượng.

Xã hội bình an, con người hạnh phúc khi và chỉ khi con người trong xã hội đó từ bỏ các việc ác và biết đối xử với nhau trên nền tảng “Hiểu và thương”. Vậy từ bỏ các việc ác là gì? Đó là từ bỏ sát sanh, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ nói lời thô ác và đặc biệt là từ bỏ các chất gây say, gây nghiện như: rượu, bia, ma túy,… Bởi lạm dụng chất gây say lâu dài sẽ làm con người mất đi bản tính sáng suốt, mê mờ tâm trí, khiến người sử dụng thiếu tự chủ trong mọi hành động, dẫn đầu nhiều hậu quả tai hại. Đây là nguyên nhân chính gây ra tệ nạn xã hội và các việc bất thiện kể trên. Cho nên để tiến đến xã hội văn minh, việc chấm dứt các hành vi bất thiện và tiết chế trong việc sử dụng chất gây say là điều hoàn toàn nên làm.

Đức Phật trước khi vào Niết bàn đã nhắc nhở hàng đệ tử: “Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn lên, đừng có phóng dật”. Ngài nhấn mạnh đến sự đổi thay trong từng giây phút của mọi hiện tượng; trong đó có con người không phải để khiến con người chán nản với cuộc đời, mà chỉ giúp ta hiểu thấu được thời gian trôi qua mau chóng. Hãy nên trân quý những giây phút hiện tại để học tập, làm việc, phụng sự nhân sinh bằng cách tạo các nghiệp thiện lành với những việc làm có ý nghĩa, lợi mình, lợi người, nhằm đưa đến sự an lạc cho chính bản thân và kiến tạo cõi Tịnh độ ngay tại trần gian này.

8.

Kính lễ và hạ mình,

Biết đủ và biết ơn,

Đúng thời, nghe Chánh Pháp,

Là điềm lành tối thượng.

Với nhịp sống hối hả để mưu sinh, chúng ta có thể đầy đủ về mặt tiện ích vật chất nhưng chính nhịp sống vội vàng đó đang khiến con người bỏ qua một số giá trị đạo đức tinh thần. Họ chỉ hăng say làm đẹp vẻ bề ngoài nhưng bỏ qua giá trị phẩm hạnh bên trong. Vì vậy, dù đời sống vật chất được no đủ, nhưng lúc nào họ cũng phải sống trong phòng vệ, bởi khủng hoảng về đạo đức đang đẩy con người đến bờ vực nguy hiểm. Cho nên, những giá trị căn bản đạo đức của con người như đức tính khiêm cung, sống biết tri ân và báo ân sẽ là nét đẹp đạo đức bên trong mà bất cứ con người trong thời đại nào cũng cần thiết. Nó là giá trị đích thực của mỗi người, chính giá trị từ nếp sống đạo đức đó sẽ khiến bản thân được thanh thản, nhẹ nhàng và xã hội ngày càng tươi đẹp, mang lại hạnh phúc và bình an cho muôn loài.

Bên cạnh đó, một Phật tử muốn gặt hái điềm lành trong cuộc sống thì việc siêng năng học và nghe lời Phật dạy là hết sức cần thiết, nhằm chuyển hóa nỗi khổ niềm đau và tăng trưởng hạt giống Phật bên trong của mình. Nếu không siêng năng học pháp và nghe pháp, hằng ngày, khi các giác quan tiếp xúc với cảnh tượng bên ngoài, chúng ta dễ sinh lòng ham muốn, sân hận và ngày càng chất chồng phiền não trong tâm. Như vậy, một đời của mình chỉ nhận lại khổ đau.

9.

Nhẫn nhục, lời hòa nhã,

Yết kiến các Sa-môn,

Đúng thời, đàm luận pháp,

Là điềm lành tối thượng.

Theo cách nghĩ thông thường của thế gian, nhẫn nhục là chịu đựng trước những việc không vừa lòng, không phản ứng lại để cầu được yên thân. Nếu hiểu theo nghĩa của chữ nhẫn thì rất nguy hiểm. Bởi nếu cơn giận không được hóa giải, ấp ủ tích chứa trong lòng lâu ngày thì đến một lúc nào đó sẽ bùng phát và có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Theo Phật giáo, nhẫn nhục là chấm dứt sân hận bằng tình thương và trí tuệ mà không dùng đến bạo lực. Nhẫn nhục gồm thân nhẫn, khẩu nhẫn và ý nhẫn. Thân nhẫn là sự chịu đựng của thân trước các hoàn cảnh không vừa ý như nóng lạnh, bệnh tật, đói khát hoặc bị chửi mắng, hành hạ, đánh đập. Khẩu nhẫn là chế phục khẩu nghiệp, dù bị người khác nói đâm thọc, nói ác khẩu, nhưng ta vẫn giữ thái độ bình tĩnh, chỉ từ tốn giải thích trong ôn hòa. Ý nhẫn là tâm nhẫn nhục trước nghịch cảnh mang đến cho thân và trước những lời nói trái tai mà giữ tâm buông xả, không có ý nghĩ tức giận, thù oán. Một đời sống có sự nhẫn nhục về thân, khẩu, ý chính là cách ứng xử đầy khôn ngoan, nhân văn và trí tuệ. Gần đây, nhiều trường hợp lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội khiến lòng người quặn thắt như một hành vi thô lỗ, một lời nói giễu cợt, hay một cái liếc nhìn thoáng qua cũng khiến lấy đi một mạng người. Vì vậy, hơn bao giờ hết, con người cần phải tỉnh táo để nhận ra thực trạng đau lòng này mà thực hành hạnh nhẫn nhục để gặt hái điềm lành cho bản thân.

Sa-môn ở đây được hiểu là hàng xuất gia đệ tử Phật. Trách nhiệm của Tăng Ni là giúp Phật tử tháo gỡ khuất mắc trong đời sống tinh thần, nuôi dưỡng đời sống tâm linh. Các Sa-môn là người đại diện cho sự tu tập, trí tuệ và tình thương, nên khi ta gần gũi cũng sẽ nhận được nhiều năng lượng tích cực từ những vị ấy. Mục đích yết kiến các Sa-môn là để đàm luận về chánh pháp. Bởi sau điềm lành “Đúng thời, nghe chánh pháp” thì việc đàm luận về chánh pháp là dịp để Phật tử có cơ hội giãi bày những khó khăn, nghi hoặc trên bước đường tu tập nếu có kiến giải gì cũng trình lên vị Sa-môn để được giải đáp. Như vậy, qua việc yết kiến các Sa-môn và đàm luận chánh pháp đúng thời điểm sẽ giúp người Phật tử củng cố niềm tin vào Tam Bảo, tinh tấn hơn trên bước đường tu học.

10.

Khắc khổ và Phạm hạnh,

Thấy được lý Thánh đế.

Giác ngộ quả: “Niết Bàn”

Là điềm lành tối thượng.

Đời sống khắc khổ và phạm hạnh ở đây không phải Đạo Phật cổ xúy cho cách sống yếm thế, bắt con người phải sống với hoàn cảnh mà số phận đã an bài. Mà đây là đời sống ít muốn – biết đủ, giúp con người từ bỏ bớt hơn thua, ganh tị. Có như vậy, ta mới có thể giữ tâm hồn thanh thản và an ổn giữa vòng vây của ngũ dục.   

Trong nhiều bản kinh, Đức Phật đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Tứ Đế: “Này các Tỳ-kheo, chính vì không giác ngộ, không thông hiểu bốn Thánh đế mà chúng ta phải lưu chuyển luân hồi lâu năm, Ta và các Ngươi”. Lý Thánh đế là chân lý vi diệu mà trong đó Đức Phật đã chỉ dạy cho con người về sự thật cuộc sống là khổ đau, về nguyên nhân dẫn đến đau khổ, về sự chấm dứt đau khổ và phương pháp thực hành dẫn đến việc chấm dứt khổ đau. Giáo lý này bao hàm đầy đủ cả hai mặt lý thuyết và thực hành. Cho nên khi nắm vững lý Thánh đế, sẽ đưa đến cho con người một thái độ nhận thức đúng đắn về sự thật cuộc đời, như tiếng chuông cảnh tỉnh lay động những tâm hồn còn đang say mộng. Từ nhận thức đúng mà ta có hành động đúng để hóa giải nỗi khổ niềm đau, buông xả đi gánh nặng đã đeo mang. Khi sống với một đời sống an lạc nội tâm, không còn bị vướng mắc vào khổ đau, thì đó chính là giác ngộ Niết bàn vậy.

11.

Khi xúc chạm việc đời

Tâm không động, không sầu,

Không uế nhiễm, an ổn,

Là điềm lành tối thượng.

Mỗi ngày, giác quan của chúng ta tiếp xúc với cảnh vật bên ngoài, phần nhiều sẽ bị tám ngọn gió (bát phong) lợi, suy, vui, khổ, vinh, nhục, khen, chê chi phối. Đây là các trạng thái tình cảm phân biệt, được nhà Phật xem như tám loại gió độc thổi vào con người, làm cho tâm loạn động, khiến cuộc sống chẳng mấy khi được bình an. Nhưng không phải vì vậy mà ta trở nên bi quan yếm thế, không dám tiếp xúc với đời. Quan trọng là khi các giác quan tiếp xúc với cảnh bên ngoài ta phải biết phòng hộ, soi sáng bằng sự chánh niệm tỉnh giác, không khởi lên sự đắm chìm vào nó. Giống như khi ăn cơm, ta ăn trong sự quán niệm món ăn đó như là thuốc để chữa bệnh chứ không khởi lên sự phân biệt món ăn ngon hay dở. Cho nên, chánh niệm sẽ giúp mình duy trì sự sáng suốt trong mỗi việc làm, không để tâm bị đắm chìm trong nhiễm ô. Khi tâm bình ổn, tỉnh táo, sáng suốt mới có thể sống đời tự tại thong dong.

12.

Làm sự việc như vầy,

Không chỗ nào thất bại,

Khắp nơi được an toàn,

Là điềm lành tối thượng.

Trong cuộc đời mỗi người, không chỉ có thuận duyên mà cũng khó tránh khỏi nghịch cảnh, không chỉ có nỗi khổ mà còn có niềm vui. Nhưng nếu thực hiện được những điều như trên, dù sống bất cứ đâu, thời gian nào, mọi điềm lành đều đến với chính mình. Một người làm lành, một gia đình được hạnh phúc. Một gia đình làm lành, một khu phố được thêm bình yên, nhiều thành phố bình yên, đất nước sẽ phồn thịnh.

Tóm lại, mùa xuân là mùa khởi đầu một năm, là mùa thanh lọc của đất trời. Đây cũng là dịp để mọi người xả bỏ những cảm xúc tiêu cực và không cho phát triển những hạt giống xấu trong năm cũ. Thay vào đó, ta tiếp tục vun xới những hạt giống thiện để lan toả đến mọi người và chế tác thêm năng lượng hạnh phúc. Bằng phương pháp chế tác hạnh phúc qua kinh Điềm Lành, chúng ta sẵn sàng biến cuộc đời mình thành một lời chúc phúc đến cho tất cả mọi người. Và nếu phương pháp này được duy trì liên tục không những chỉ trong vài ngày Tết mà xuyên suốt một năm, chắc chắn ta sẽ gặt hái được nhiều điềm lành trong cuộc sống, để từ đó góp phần năng lượng kiến tạo nhân gian Tịnh độ ngay tại thế gian này.

Thông Bảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *