VỀ TÁC GIẢ PHẠM PHÚ THỨ
Phạm Phú Thứ (1821-1882), đại thần triều Nguyễn, là danh nhân văn hóa lớn của Việt Nam trong thế kỷ XIX. Ông thuở nhỏ tên Hào, đi học lấy tên Thứ (rộng lượng), đỗ Tiến sĩ được vua Thiệu Trị đổi thành Thứ (đông đúc), tự Giáo Chi, hiệu Trúc Đường, biệt hiệu Giá Viên, Trúc Ẩn; người làng Đông Bàn (nay là xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Phạm Phú Thứ làm quan trải qua hai đời vua là Thiệu Trị và Tự Đức. Ông giữ nhiều chức vụ quan trọng dù hoạn lộ thăng trầm, từng làm Phó sứ sang Tây xin chuộc các tỉnh Nam Bộ. Ông để lại sự nghiệp trước tác đồ sộ, đa dạng và mang nhiều giá trị. Tác phẩm của ông “là một mảng tài liệu tham khảo rất quan trọng và có ý nghĩa để tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử cận đại Việt Nam nói chung và triều Tự Đức nói riêng” [1]. Trong đó, tư liệu về Phật giáo và chùa Việt thế kỷ XIX là một trong những giá trị nổi bật.
Phạm Phú Thứ không chỉ là nhà nho nhập thế tích cực, ông còn là vị trọng thần với tư duy coi trọng thực tiễn, tư tưởng canh tân tiến bộ, được triều đình giao phó nhiều trọng trách. Không thể phủ nhận những ảnh hưởng của Phật giáo trong tư tưởng và trước thuật của ông. Một trong những dấu ấn rõ nét của ảnh hưởng trên là sự xuất hiện thường xuyên của không gian chùa, tự viện – một kiểu không gian đặc trưng của văn hóa Phật giáo, trong thơ Giá Viên.
GIÁ VIÊN THI THẢO
Khác với các tác giả văn học trung đại thường nhắc đến những ngôi chùa chung chung, Phạm Phú Thứ không chỉ viết nhiều mà còn đề cập đến những ngôi chùa cụ thể. Trong Giá Viên thi thảo (tập hợp toàn bộ 13 quyển thơ của Phạm Phú Thứ), ngoài chùa Trường Thọ thuộc tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) được nhắc đến trong Đông hành thi lục [2] và ngôi chùa trên núi tại đảo Sái-lăng của Ấn Độ được nhắc đến trong Tây phù thi thảo [3], Phạm Phú Thứ còn đề cập đến nhiều ngôi chùa trong nước. Đó là các chùa Nam Tào trên núi Dược Sơn, chùa trên núi Dương Nham thuộc tỉnh Hải Dương; chùa Thiên Mụ, chùa Thúy Vân, chùa Nông tại Huế; chùa Thiên Ấn tại Quảng Ngãi; chùa Phước Khánh ở An Quán và một số ngôi chùa khác mà tác giả không nhắc tên. Ở những bài thơ viết về các ngôi chùa này, bên cạnh thể hiện cảm xúc trước cảnh chùa cùng những suy nghiệm về đạo Phật, tác giả còn cung cấp nhiều thông tin, tư liệu quan trọng. Qua đó, ta có thể hình dung phần nào đặc điểm chùa Việt nói riêng, bối cảnh Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ XIX nói chung.
Nổi bật trong các bài thơ về chùa Việt của Phạm Phú Thứ là những giá trị tư liệu về vị trí địa lý, lai lịch, quá trình phát triển, sự ảnh hưởng… của một số ngôi chùa. Trong nhiều tác phẩm, bên cạnh văn bản thơ, Giá Viên thường có phần tiểu dẫn, lời chú khá chi tiết, cung cấp nhiều thông tin liên quan đến đối tượng được nhắc trong thơ, trong đó có các ngôi chùa. Chẳng hạn, ở bài Đồng hữu nhân phiếm chu đăng Dược Sơn Nam Tào tự, ngoài câu thơ Nam Tào độc tự cao [4] (riêng một mình chùa Nam Tào ở trên cao), tác giả còn có phần tiểu dẫn ở đầu bài, miêu tả khá cụ thể vị trí, địa thế của chùa Nam Tào: “Hạt coi sóc giáp với địa đầu đất Hải Dương, có xã Vạn An, tên cũ là trại Vạn Kiếp. Đây chính là nơi cư trú riêng lúc sinh thời của Đại Vương Trần Hưng Đạo, nay là đền thờ Ngài […]. Phía tả là núi Nam Tào, hữu là núi Bắc Đẩu, trên núi có chùa, lại có chín ngọn suối và hai giếng rất đẹp” [5]. Hoặc như ở phần tiểu dẫn bài Vũ trung quá An Quán Phước Khánh tự tiểu khế, tác giả cho biết tình trạng của chùa Phước Khánh cũng như lai lịch của đôi câu đối trước cổng chùa: “Chùa bỏ phế từ lâu. Năm ấy người trong làng trùng tu lại. Cặp câu đối trước chùa mạ vàng là trước kia vua ngự bút và đã ban cho chùa này” [6]. Ở phần tiểu dẫn khá dài của bài Thủ hạ bồi bản tỉnh Lê Phiên đài Nội các, Vũ Thị lang du Thiên Ấn sơn tự hữu tự, tác giả miêu tả khá kỹ về cảnh sắc núi Thiên Ấn, quang cảnh du khách vãn cảnh chùa cũng như kể lại thần tích giếng Phật trên chùa Thiên Ấn: “Hỏi thăm những cảnh đẹp ở gần đây thì được biết Thiên Ấn là danh lam của tỉnh Quảng Ngãi. Giậu xanh quầng tía bao trùm trên hoa núi thơm tho […]. Khách đi trên đường, xe tứ mã nối nhau đông như mây […]. Nhìn tháp cổ nghĩ đến bậc thần tăng xưa đào giếng đá để rót ra nguồn nước ngọt. Mười mấy mẫu ruộng phẳng phiu, đã lâu minh chứng cho công phu pháp lực […]. (Trên núi có hơn mười mẫu ruộng, phẳng phiu như mặt đá mài. Tương truyền lúc ban đầu mở mang, vị Pháp tăng đào giếng trên núi, phải đến ba mươi năm sau mới nên cảnh chùa ở núi này. Các tiên thánh triều ta ban cho biển ngạch có đề bốn chữ: Thiên Túng Đạo Nhân)” [7]. Trong phần chú ở cuối bài Tứ nguyệt nhật giá hạnh tuần thị hải cương, thân phụng từ giá hạnh Thuận An, tái hạnh Thúy Vân tự, duyệt Tư Hiền hải khẩu, hộ tòng cung ký (bài 4), tác giả cho biết: “Chùa Thúy Vân thường được rước thánh từ (thân mẫu vua) đến cúng cầu phúc cho dân” [8].
Thậm chí, viết về chùa ở nước ngoài, tác giả Phạm Phú Thứ cũng không quên ghi chú những mối liên hệ đối với chùa Việt. Trong chuyến công cán hộ tống quan nhà Thanh gặp nạn trở về Quảng Đông, nhà thơ đến thăm và có thơ lưu đề tại chùa Trường Thọ. Sự kiện này được ghi lại trong bài Trường Thọ tự lưu đề. Ở phần tiểu dẫn của bài thơ này, bên cạnh những thông tin về nguồn gốc, kiến trúc, vị trí địa lý của chùa Trường Thọ, tác giả còn cho biết quan hệ mật thiết giữa vị sư khai tự của chùa với chùa Thiên Mụ nước ta: “Chùa ở về phía Tây cách Việt thành vài dặm do Hòa thượng Thạch Liêm xây dựng. Vào thời Hiếu Vũ Hoàng đế tiên thánh của nước ta, Thạch Liêm chống gậy đi về phương Nam làm sư Trụ trị truyền kinh Phật ở chùa Thiên Mụ. Đến khi ông trở về, vua ban cho các vật liệu và gỗ cây, nhân đó mà cất lên chùa này” [9]. Đây là những tư liệu tham khảo có giá trị mà nghiên cứu về chùa Việt nói riêng thế kỷ XX không thể bỏ qua.
Trong Giá Viên thi thảo, Phạm Phú Thứ còn đề cập đến một số hoạt động thờ tự, sinh hoạt của nhiều ngôi chùa. Chẳng hạn, ở bài Đăng Dương Nham sơn tự độc Phạm Kinh lược Sư Mạnh công khắc thạch thi, không gian thờ tự của chùa trên núi Dương Nham được miêu tả khá ấn tượng: Tăng Phật mãn khám không sắc tướng ([tượng] (Tăng Phật đầy trong khám thờ, sắc tướng thành không). Hình ảnh vị Sư già ngồi đọc Kinh Kim Cang ở chùa Phước Khánh được miêu tả trong khung cảnh thật yên bình ở bài Vũ trung quá An Quán Phước Khánh tự tiểu khế: Cách song hạ vũ huyền tân quả/ Đối án Kim kinh định lão Tăng (Ngoài song cửa mưa hè treo chùm quả mới/ Trước án vị sư già ngồi lặng im đọc Kinh Kim Cang). Trong bài Trọng thu đồng Trác Phong chư nhân thần đăng Nam Tào sơn tự lâu, nhà thơ ghi lại sự việc được nhà sư mời trà thơm trong nắng sớm: “Sơn tăng cung tục mính/ Hải nhật lộng phương tôn” (Sơn tăng mời trà ấm/ Nắng biển rọi vào chén trà thơm). Tuy không thật phong phú nhưng những chi tiết này cũng có ý nghĩa tham khảo nhất định đối với việc tìm hiểu hoạt động thờ tự, sinh hoạt của chùa Việt trong thời Phạm Phú Thứ.
Có một điều đặc biệt là hầu hết các chùa được nhắc đến trong thơ Phạm Phú Thứ đều gắn liền với những chuyến công cán của nhà thơ. Hầu như đến địa phương nào, thậm chí ở nước ngoài, ông cũng tìm đến thăm một vài ngôi chùa tại địa phương đó và ghi lại trong thơ. Điều này phần nào nói lên tình cảm của ông đối với đạo Phật [10]. Hơn nữa, qua những bài thơ này, ta còn thấy được ở nhà thơ những chiêm nghiệm về đạo Phật. Trong bài Kinh quá chư tự, nhà thơ nhìn lại vị trí của đạo Phật trong lịch sử dân tộc: “Nam phục văn minh thiệu chính truyền/ Lý Trần tích xử kỷ lưu liên” (cõi Nam văn minh nối tiếp chính truyền/ thời Lý, Trần mộ Phật đã lâu đời). Ở bài Vũ trung quá An Quán Phước Khánh tự tiểu khế, ông chỉ ra sự phát triển vững bền của Phật giáo nước ta trong dòng chảy lịch sử: “Bách niên phạm vũ phục truyền đăng” (trăm năm chùa Phật lại được truyền thừa). Thăm chùa Thiên Mụ, nhà thơ không giấu niềm tự hào về ngôi cổ tự gần 300 năm trên đất kinh đô: “Linh tích tiêu kỳ tam bách tải” (di tích linh ứng nêu lên sự lạ lùng đã ba trăm năm nay – Đồng Lại bộ Lê Xuân Đình Thị lang vãn đăng Thiên Mụ tự hồi chu thư tặng). Đây là những chi tiết không thể bỏ qua đối với việc nghiên cứu tư tưởng Phật giáo của Phạm Phú Thứ.
Bên cạnh đó, trong những bài thơ về chùa Việt, Giá Viên còn thể hiện những trạng thái cảm xúc của một vị đại thần với nhiều trọng trách, đồng thời một thi nhân với tâm hồn khoáng đạt. Nổi bật trong đó là giây phút thư thái, tĩnh lặng trong cõi lòng cùng những khoảnh khắc bừng ngộ: Chung thanh phá hiểu hôn/…/ Tương đối đạm vô ngôn (tiếng chuông [chùa] xua bóng tối lúc mờ sáng/…/ trước cảnh thanh nhã, bỗng như quên cả lời – Trọng thu đồng Trác Phong chư nhân thần đăng Nam Tào sơn tự lâu); Lãm cảnh trừng tâm khả tự do (thưởng cảnh [chùa], làm cho lòng thanh tĩnh có thể tự do – Đồng Lại bộ Lê Xuân Đình Thị lang vãn đăng Thiên Mụ tự hồi chu thư tặng). Bởi đó, lúc rời chùa trở về, dù đã cách xa nhưng tiếng chuông chùa vẫn cứ ngân vang trong lòng lữ khách: “Cách thôn do nhận pháp chung âm” (cách xa thôn rồi mà vẫn còn nhận ra tiếng chuông chùa – Chí nhật đồng Đoàn Tú tài quá Nông tự). Không gian trong thơ Phạm Phú Thứ hết sức đa dạng. Bên cạnh những không gian rộng lớn nhưng núi rừng, ruộng đồng, sông biển, chùa cũng là một kiểu không gian mang đến cho nhà thơ nhiều cảm xúc thẩm mỹ, trong đó có trạng thái thư nhàn, tĩnh tâm, tự tại.
Kết luận
Có thể nói, chùa là một kiểu không gian khá đặc biệt trong thơ Phạm Phú Thứ. Đây là kiểu không gian tâm linh – tôn giáo được phóng chiếu qua nhãn quan thế tục của một nhà nho, một vị trọng thần, do đó, được thể hiện một cách khá cụ thể, chân thực. Hơn nữa, trong các tác phẩm, Giá Viên ghi chép khá cẩn thận nhiều thông tin về vị trí địa lý, lịch sử hình thành, quá trình phát triển, hoạt động thờ tự, sinh hoạt của một số ngôi chùa Việt đương thời. Đây là những tư liệu tham khảo có ý nghĩa đối với việc tìm hiểu chùa Việt nói riêng, đời sống Phật giáo nói chung trong thời Phạm Phú Thứ.
ThS. Phạm Tuấn Vũ
Chú thích:
* Thạc sĩ Phạm Tuấn Vũ, Quảng Ngãi.
[1] Nguyễn Hoàng Thân (2011), Phạm Phú Thứ với Giá Viên toàn tập, Nxb Văn học, tr.93-94.
[2] Đây là quyển thơ tập hợp các bài làm trong thời gian Phạm Phú Thứ đi công cán tỉnh Quảng Đông (từ tháng 3/1851 đến 1854).
[3] Đây là quyển thơ tập hợp các bài làm trong thời gian Phạm Phú Thứ đi sứ sang Pháp và Tây Ban Nha (1863-1864).
[4] Toàn bộ trích dẫn thơ trong bài viết này đều được dẫn theo sách Phạm Phú Thứ toàn tập, Phạm Ngô Minh chủ biên, Nxb Đà Nẵng, 2014.
[5] Phạm Phú Thứ toàn tập, sđd, tr.305.
[6] Phạm Phú Thứ toàn tập, sđd, tr.413.
[7] Phạm Phú Thứ toàn tập, sđd, tr.641.
[8] Phạm Phú Thứ toàn tập, sđd, tr.1039.
[9] Phạm Phú Thứ toàn tập, sđd, tr.469.
[10] Trong Giá Viên toàn tập, Phạm Phú Thứ thường thể hiện thái độ ủng hộ đạo Phật, thậm chí có lúc định kiến với các tôn giáo mà ông từng biết, tiếp xúc.