Từ khi du nhập vào Việt Nam từ đầu Công nguyên, Phật giáo đã đồng hành cùng đất nước trong hơn hai nghìn năm lịch sử và trở thành tôn giáo của dân tộc. Phật giáo khi vào Việt Nam đã được phát huy cao độ tinh thần nhập thế của một tôn giáo xuất thế. Trong quá khứ vào thời Lý – Trần, tinh thần nhập thế được khẳng định bởi Phật hoàng Trần Nhân Tông với tư tưởng về đạo và đời. Thời hiện đại là tinh thần “Engaged Buddhism” tức Phật giáo dấn thân trong xã hội và hội nhập với cả thế giới. Tinh thần nhập thế của Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam là sự đi vào cuộc đời, hiện hữu trong cuộc sống và đạo cũng chính là đời, không xa đời và không ở ngoài đời. Vì vậy, làm rõ tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam trong thời quá khứ và hiện tại với giá trị tích cực của đạo trong đời sống là nội dung mà bài viết này quan tâm.
TINH THẦN NHẬP THẾ CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỜI LÝ – TRẦN
Nhận thức về tinh thần nhập thế của Phật giáo
Phật giáo ra đời ở Ấn Độ vào khoảng thế kỷ VI TCN, hướng đến sự giác ngộ và giải thoát bằng con đường diệt khổ. Phật giáo được coi là một tôn giáo xuất thế, lánh đời với những tu sĩ xa rời cõi tục, sống tại những am tự yên tĩnh vắng vẻ để tu hành. Tuy nhiên mục tiêu diệt khổ đã thể hiện rất rõ tinh thần nhập thế của Phật giáo. Bởi lẽ nếu không nhập thế thì Phật giáo làm sao có thể giáo hóa chúng sinh để hướng con người tới mục tiêu giác ngộ và giải thoát để diệt khổ trong cuộc đời. Do vậy, có thể nói Phật giáo có tinh thần nhập thế tự thân.
Đức Phật đã bỏ hơn 06 năm xuất thế tu tập để tìm “đạo” và có 49 ngày hành thiền dưới cội Bồ đề cho đến khi đạt tới sự “giác ngộ”, Ngài đã giành 45 năm để thuyết pháp cứu độ chúng sinh. Phật giáo khẳng định quan điểm con người đều bình đẳng như nhau về nỗi khổ và đều có thể tự thân thoát khổ nếu như giác ngộ. Với tư tưởng Vô ngã, Vô thường và thuyết Duyên khởi, Phật giáo đã mở ra niềm tin về sự giải thoát một cách bình đẳng cho tất cả mọi người không phân biệt đẳng cấp, giàu nghèo hay giới tính… Trên con đường mà mỗi người phải tự đi, tự đến, tự tu hành và giác ngộ được Vô ngã, Vô thường thì sẽ thoát được vô minh và có thể vươn tới giải thoát, điều này bình đẳng với tất cả mọi người. Đức Phật đã chỉ ra rằng mỗi người đều có Phật tính và đây chính là hạt nhân để con người đều có thể trở thành Phật. Việc tu tập được thực hiện bằng đạo đức (giới), trí tuệ (tuệ) và niềm tin (định). Điều quan trọng là ở chính mỗi người có muốn tư tu tập để được giải thoát theo con đường mà Đức Phật chỉ hướng hay không mà thôi. Việc tin tưởng vào con đường tự giác của mỗi người và tính nhân văn cao cả của Phật giáo là từ bi, cứu khổ phù hợp với chuẩn mực đạo đức chung đã khiến Phật giáo đáp ứng được nguyện vọng tôn giáo và tâm linh của xã hội Ấn Độ lúc đó.
Phật giáo đã mở rộng con đường tôn giáo với mọi tầng lớp trong xã hội. Tư tưởng đạo đức từ bi, cứu khổ và sự bình đẳng trong niềm tin tôn giáo mà Phật giáo đề ra đã chiếm được lòng tin của chúng sinh khi mà đạo Bà-la-môn với vai trò thống trị vốn có quan điểm phân biệt đẳng cấp khắc nghiệt. Với lý do này Phật giáo đã phát triển nhanh chóng tại Ấn Độ và trở thành quốc giáo dưới triều vua Asoka (thế kỷ III TCN) sau đó tiếp tục phát triển mạnh ra bên ngoài Ấn Độ và trở thành một tôn giáo thế giới. Tinh thần nhập thế của Phật giáo với mục đích cứu độ chúng sinh đã giúp Phật giáo du nhập và lan tỏa tại các vùng đất mới một cách hòa bình trên cơ sở hòa nhập. Trong lịch sử phát triển của Phật giáo, khuynh hướng nhập thế đã không ngừng phát triển và thể hiện nổi bật nhất là dòng Đại thừa. Phật giáo Đại thừa chấp nhận các kinh điển và giáo lý chính của Phật giáo Nguyên thủy nhưng được bổ sung những tư tưởng mới. Đó là xu hướng đi theo sự giải thoát rộng mở như “cỗ xe lớn” dựa trên tính đa dạng của giáo pháp, đặc biệt cho mô hình Phật tử tại gia (cư sĩ) mở đường cho đông đảo chúng sinh đều có thể giác ngộ và giải thoát. Bồ-tát là hình tượng tiêu biểu của Phật giáo Đại thừa với lòng từ bi, có thể hóa độ, giải thoát cho tất cả chúng sinh.
Tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam thời Lý – Trần mà đại diện là Thiền phái Trúc Lâm
Phật giáo được du nhập vào Việt Nam đầu Công nguyên với hai con đường từ Ấn Độ và Trung Quốc. Trong quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa, dân tộc Việt Nam với tinh thần khoa dung tôn giáo đã hình thành quan hệ “Tam giáo đồng nguyên” (Phật – Nho – Lão) trong đời sống xã hội. Tuy nhiên có thể nói, Phật giáo đã khẳng định uy tín và vai trò trong đời sống tâm linh của dân tộc Việt. Trước khi hình thành Thiền phái Trúc Lâm một Phật giáo Việt Nam vào thời Trần, đã có những môn phái Thiền được du nhập từ Ấn Độ và Trung Quốc. Đó là các giáo phái như: Tì-ni-đa-lưu-chi, Vô ngôn thông và Thảo đường. Thời Lý – Trần, Phật giáo đã trở thành quốc giáo và khuynh hướng nhập thế rất nổi bật. Hầu hết các nhà vua thời Lý – Trần đều tôn sùng Phật giáo, coi trọng và sử dụng những vị cao tăng làm cố vấn trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao. Đặc biệt, trong thời Trần (1226-1400), Thiền phái Trúc Lâm – Yên Tử do vua Trần Nhân Tông sáng lập đã trở thành tôn giáo chính thống của Việt Nam với tinh thần nhập thế là điển hình của sự kết hợp giữa đạo và đời.
Trần Nhân Tông là một vị vua duy nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam có một tên gọi khác là “Phật hoàng”. Đó là một vị thủ lĩnh chính trị đã giữ trọng trách “Dỗ yên dân chúng”, trực tiếp lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông tạo nên hào khí Đông A nhưng về cuối đời lại cởi áo bào đi tu, trở thành vị tổ thứ nhất của dòng Thiền Trúc Lâm với tư tưởng nhập thế đặc sắc Việt Nam. Để hiểu được tư tưởng Phật giáo của Trần Nhân Tông và nội dung chủ yếu của Thiền phái Trúc Lâm do ông sáng lập, cần đặt Trần Nhân Tông trong hệ phái Thiền mang nặng cảm thức nhập thế của xã hội Việt Nam thời đại Lý – Trần. Trong nhiều chi phái của Phật giáo được truyền bá vào Việt Nam từ những thế kỷ trước, dòng Thiền phái đã được giai cấp thống trị lựa chọn để làm nền cho sinh hoạt tâm linh của người Việt. Trần Thái Tông, ông vua đầu tiên của triều Trần, đã muốn đi tu nhưng vì nguyện vọng của muôn dân phải trở về trị vì trăm họ. Bên cạnh việc làm vua, Thái Tông vẫn đi sâu vào nghiên cứu Phật giáo và viết “Khóa hư lục”.
Trong Khóa hư lục, Trần Thái Tông đã kết hợp một cách hài hoà “giữa con đường giải thoát tự lực với con đường giải thoát bằng tha lực. Ông không những quan tâm đến sự giải thoát của bậc thượng trí mà còn quan tâm đến sự giải thoát của bậc hạ trí nữa. Đó là chỗ đặc sắc của Thiền tông đời Trần làm cho nó khác với Thiền tông Trung Hoa” [1]. Tiếp sau “Khóa hư lục”, một tác phẩm nổi tiếng khác có nội dung Thiền học được kể đến là Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục, tác giả là Trần Tung – Tuệ Trung Thượng sĩ [2]. Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục đề cập đến cái bản thể chân hay còn gọi là chân tính, Phật tính, “Tâm tức Phật, Phật tức tâm”. Tuệ Trung thượng sĩ cho rằng: “Người tu hành có thể sống cuộc đời trần tục một cách tự do không hề bị ước thúc bởi một quy định nào của giới luật nhà chùa kể cả việc ăn chay niệm Phật… Và họ thật sự kiến tánh thành Phật ngay trong cuộc sống trần tục ấy” [3]. Trên cơ sở tiếp thu, phát triển tư tưởng của ông nội và của Tuệ Trung Thượng sĩ, Trần Nhân Tông đã dựng nên dòng Thiền Trúc Lâm với hạt nhân tư tưởng là “Phật tại tâm”, lấy sự giác ngộ trong lòng làm gốc, mong muốn đưa Phật đến mọi nhà, mọi người, đồng thời cũng gắn Phật với cuộc sống thực tại, với vận mệnh dân tộc. Với tác phẩm “Cư trần lạc đạo phú” viết bằng chữ Nôm, ông đã nêu ra tuyên ngôn của con đường sống đạo mà Phật giáo Đại Việt đã đề ra và chi phối toàn bộ tư tưởng, cuộc sống của người dân lúc bấy giờ. Chủ thuyết của Cư trần lạc đạo là:
“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”
(Cư trần vui đạo hãy tùy duyên
Đói cứ ăn no, mệt ngủ liền
Báu sẵn trong nhà thôi khỏi kiếm
Vô tâm trước cảnh, hỏi chi thiền) [4]
Rõ ràng, Phật giáo mà Trần Nhân Tông quan niệm ở đây là cuộc sống mà trong cuộc sống đó, mọi con người trong xã hội đều có thể có Phật ở trong tâm vì Phật giáo chính là quá trình đi tìm chân lý. Chân lý không nằm trong Phật giáo mà nằm trong cuộc sống. Khi đã giác ngộ được chân lý chính là lúc con người ta có thể kiến tánh thành Phật không phân biệt sang hèn. Con người khi đã ngộ đạo thì ở đời vẫn vui đạo. Con người có thể tùy duyên mà hành động và suy nghĩ theo đạo lý của cuộc sống ở đời và làm tròn phận sự với xã hội nhưng vẫn an trú với đạo. Phật luôn hóa hiện giữa đời, mỗi người chỉ cần đoạn “tham, sân, si”, sống đạo đức nhân nghĩa với người khác thì ai cũng là Phật Thích Ca, Di Lặc. Người Phật tử có thể sống và trở thành những vị Phật giữa đời thường. Chính tư tưởng này mới tác động vào tâm thức mọi người với mọi khả năng tự tin, đầy bản lĩnh sáng tạo để cống hiến. Đây chính là tinh thần nhập thế tích cực của Thiền phái Trúc Lâm mà Nhân Tông muốn truyền bá cho dân chúng. Với chủ trương tùy tục để nhập thế, không nhất thiết xuống tóc xuất gia, chỉ cần ngộ cái lý năm uẩn là không, chân tâm không tướng, thì có thể nhập đời trong mối tương quan mà có thái độ sống thích hợp, cống hiến cho đời cũng chính là cho đạo.
Vì vậy mà tùy thời, Phật tử có thể tham gia đóng góp cho đất nước và dân tộc. Thiền phái Trúc Lâm với tư tưởng đã tạo nên hình mẫu những Phật tử biết đem đạo ứng dụng vào đời. Trần Thái Tông chính là người đã biết tự giải thoát và đã quay trở lại làm vua, trực tiếp lãnh đạo nhân dân Đại Việt giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ nhất. Cũng chính ông là người đặt nền móng cho Thiền phái Trúc Lâm ra đời. Trong thời nhà Trần, đã xuất hiện một loạt các Thiền sư xuất gia, tại gia đã tích cực tham gia vào các hoạt động của đời sống kinh tế, chính trị của đất nước. Để giải quyết vấn đề mở rộng bờ cõi, nhằm phát triển kinh tế, xã hội của đất nước sau chiến tranh, Trần Nhân Tông đã dùng biện pháp hôn nhân để sát nhập hai châu Ô, Lý vào bản đồ Đại Việt. Với sự kiện này, Đại Việt giải quyết được vấn đề áp lực gia tăng dân số và thiết lập được nền an ninh vững mạnh cho đất nước. Điều đáng nói, Trần Nhân Tông đã làm điều này khi đã ở địa vị người xuất gia và mặc dù là người xuất gia, ông vẫn quan tâm đến vấn đề kinh tế, chính trị của quốc gia.
Công cuộc chấn hưng đất nước không chỉ là vấn đề kinh tế chính trị mà còn là cả vấn đề văn hoá. Việc tái thiết lại các công trình công cộng, kể cả xây dựng các ngôi chùa và đem mười điều thiện dạy khắp toàn dân đã phản ánh chính sách dùng Chính pháp để an dân mà chỉ một nhà chính trị kết hợp với Thiền gia như Trần Nhân Tông mới đủ bản lĩnh để thực hiện. Tư tưởng “Cư trần lạc đạo” của Trần Nhân Tông là một triết lý nhập thế linh hoạt và đạt đạo ngay giữa đời của Phật giáo Việt Nam. Đó là cũng là sự thể hiện của tinh thần dân tộc, ý thức sâu sắc về trách nhiệm của người tu Phật với dân tộc và nhân dân trong cuộc đời. Nhập thế là trách nhiệm và đường tu của người tu Phật vì “Phật tại tâm” và con đường tu chân chính là con đường tại thế. Đây chính là tư tưởng của Trần Nhân Tông và cũng là bản lĩnh văn hóa dân tộc Việt trong quá khứ.
TINH THẦN NHẬP THẾ CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỜI HIỆN ĐẠI
Tinh thần dấn thân vì xã hội của Phật giáo trong giai đoạn hội nhập quốc tế
Phật giáo nhập thế là một hiện thực và thể hiện trong lịch sử Phật giáo Việt Nam mà nổi bật là thời nhà Trần với tinh thần “Phật tại tâm”, “An trần lạc đạo” của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Trong thời hiện đại, tinh thần nhập thế của Phật giáo càng trở nên mạnh mẽ. Với tư tưởng “Engaged Buddhism” – “Phật giáo dấn thân”, đạo Phật đã đi vào cuộc đời, phát huy vai trò “Hộ quốc, an dân”, đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Với cơ chế của kinh tế thị trường trong giai đoạn “toàn cầu hóa”, con người và xã hội Việt Nam bị ảnh hưởng bởi những biến động và nguy cơ mất an toàn. Đó là ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn, dịch bệnh lan tràn, sự đói nghèo và bất bình đẳng, vì vậy cuộc sống hạnh phúc và an lạc vẫn là khao khát của người dân.
Hơn lúc nào hết, tư tưởng “Phật giáo dấn thân” hay “Phật giáo nhân gian” thời hiện đại đã là sự dẫn dắt tinh thần nhằm mục tiêu đem lại những điều hướng thiện trong cuộc sống nhân gian. Tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam thời hội nhập thể hiện rõ trong các hoạt động tích cực của tổ chức Phật giáo trong đời sống xã hội. Đó là các hoạt động mang tính hòa bình, không bạo lực để giải quyết những vấn đề xã hội, chính trị và môi trường. Việc truyền bá tinh thần của đạo Phật, quảng bá các yếu tố văn hóa và đạo đức Phật giáo trong cuộc sống thông qua truyền thông và sách báo được chú trọng. Tổ chức của Phật giáo cũng phát triển các hoạt động giáo dục và an sinh xã hội như tổ chức các lớp học hè tại chùa, các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ người bệnh, trẻ mồ côi.
Tinh thần dấn thân này không xa lạ với các giá trị của Phật giáo Nguyên thủy khi đức Phật Thích Ca sinh trong nhân gian, tu đạo trong nhân gian, thành Phật trong nhân gian và hoằng pháp trong nhân gian. Tinh thần của Phật giáo nhân gian hiện đại cũng không xa lạ với tinh thần “Phật tại tâm”, “An trần lạc đạo” của Phật giáo nhập thế Việt Nam truyền thống với các quan điểm tự độ, tự giác, dùng Phật pháp để giải quyết các vấn đề xã hội, khiến Phật pháp có thể thấm sâu vào đời sống tinh thần của người dân trong xã hội, để cuộc sống của con người được xây đắp bởi sự thiện mỹ. Tuy nhiên, xu hướng nhập thế của Phật giáo Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Tinh thần nhập thế dấn thân vốn là tính tự thân của Phật giáo và đã được diễn ra trong lịch sử Việt Nam khi Phật giáo có địa vị quan trọng trong đời sống tâm linh của dân tộc. Tuy nhiên, trong hành trình nhập thế, việc không để “nhuốm căn trần huyên náo” với giới tu hành là một vấn đề đáng lưu tâm. Những giới định mà người tu Phật cần đạt tới là cơ sở để các tăng sĩ Phật giáo khi nhập thể miễn nhiễm được bụi trần ai. Có thể thấy, vai trò của hệ thống tổ chức Phật giáo trong việc đảm bảo định hướng của tinh thần nhập thế của Phật giáo là rất quan trọng khi có sự va chạm giữa Phật giáo với các thiết chế xã hội khác khi nhập thế. Những vấn đề xã hội, nhân sinh trong bối cảnh toàn cầu và kỷ nguyên số, xã hội tiêu thụ không phải không có tác động đến hiện thực nhập thế nhân danh Phật giáo. Chính vì lẽ đó, tinh thần nhập thế của Phật giáo cần được khẳng định những điểm tựa tư tưởng của giá trị văn hóa và đạo đức.
Giá trị văn hóa và đạo đức của Phật giáo được kiến tạo và lan tỏa vì sự phát triển bền vững của xã hội
Trong quá trình tồn tại và phát triển cho đến hiện nay, với tinh thần nhập thế, Phật giáo đã không ngừng truyền bá các giáo lý và tư tưởng đạo đức Phật giáo. Sự truyền bá đó không chỉ ảnh hưởng đến các Tăng Ni, Phật tử mà còn lan tỏa rộng rãi đến người dân. Trên con đường hoằng dương chánh pháp của Phật giáo, việc tuyên truyền giáo dục đạo đức Phật giáo đã có vai trò rất tích cực đối với xã hội. Với tư tưởng “từ bi, trí tuệ”, mong muốn cứu nhân độ thế để con người thoát khỏi những nỗi khổ trong cuộc đời, Phật giáo đã đi vào nhân gian, nhập thế để kiến tạo nên những giá trị văn hóa và đạo đức thiện mỹ. Những giá trị văn hóa và đạo đức của Phật giáo đã được kiến tạo và lan tỏa trong quá trình hoằng pháp và đem đến một cuộc sống an lạc trong xã hội. Đó chính là ánh sáng của tư tưởng Phật giáo.
Phật giáo khẳng định ai cũng có thể trở thành Phật trên cơ sở tu tập để tự cải tạo bản thân bằng con đường thực hành, trải nghiệm. Con người đóng vai trò quyết định trong việc tự thay đổi số phận của mình, hướng tới một cuộc sống an lạc, đến được Niết-bàn ở cõi trần gian. Đạo đức Phật giáo hướng tới việc đem những tri thức mà mỗi người đã tiếp nhận ở những cấp độ khác nhau ứng dụng vào cuộc sống thực tiễn, tạo ra sự chuyển hóa về tâm thức của mỗi cá nhân để có ý thức tự nhận thức, tự rèn luyện, tự thực hành nhằm đạt được mục tiêu trong cuộc sống. Trên cơ sở giá trị tư tưởng nền tảng là từ bi, đạo đức Phật giáo đề cao hành động trong cuộc sống của con người và hành thiện là điều cần làm nhất với mỗi người. Thiện là lành, tốt, có đạo đức, thuận theo đạo lý, có ích cho mình và cho người. Ví dụ: trong hành vi lời nói của con người thế nào là thiện? Theo đạo đức Phật giáo, từ bỏ nói dối là thiện, từ bỏ nói phù phiếm cũng là thiện, từ bỏ ác khẩu cũng là thiện. Làm được những việc thiện, quả báo sẽ là an lạc thân tâm. Nếu làm ngược lại, chỉ trong lời nói thôi ví như nói dối, bịa chuyện, ác khẩu sẽ đưa đến quả báo là sự khổ đau trong cuộc sống. Trong cuộc sống con người, từ lời nói đến hành động đều phải hành thiện. Việc hành thiện đó dựa trên chánh pháp Phật giáo mà mỗi con người đều phải tự mình nhận thức và hành động: “Hãy sống tự mình làm hòn đảo của chính mình, hãy nương tựa vào chính mình, không nương tựa vào ai khác. Hãy lấy Pháp làm hòn đảo, hãy lấy Pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào ai khác” [5].
Phật giáo cân bằng giữa môi trường tự nhiên và xã hội thông qua triết lý Trung đạo. Trung đạo là lập trường lựa chọn con đường tìm đạo của đức Phật vừa tránh xa khoái lạc vừa không chấp nhận khổ hạnh. Đức Phật tránh hai khuynh hướng cực đoan đó để theo con đường “Trung đạo”, đưa ra tám phương pháp tu dưỡng trong Bát chánh đạo (Đạo đế) để đi tới giác ngộ và giải thoát. Con đường Trung đạo chính là luật quân bình, trung dung giữa âm và dương. Phật giáo tuy chưa bao giờ đưa ra thuật ngữ “Môi trường” hay “Đạo đức môi trường” nhưng đã có một cách nhìn đúng đắn đối với tự nhiên là luôn chọn sự cân bằng giữa môi trường tự nhiên và cuộc sống xã hội. Hành vi không sát sinh, ăn chay, tạo nghiệp thiện của các tu sĩ và cư sĩ Phật giáo, sự tuyên truyền tư tưởng này trong cộng đồng của Phật giáo có tính nhân văn và rất thuyết phục trong tư duy bảo vệ môi trường. Phật giáo có quan điểm là khi con người sống dựa vào thiên nhiên, nhờ thiên nhiên mới thỏa mãn được các nhu cầu ăn, mặc, ở, nhưng không có nghĩa là con người phá hoại thiên nhiên để thỏa mãn sự tham lam hưởng thụ của mình khiến gây ra sự khủng hoảng, ô nhiễm môi trường (nước, không khí), mất cân bằng sinh thái. Trong xã hội Việt Nam thời hiện đại chịu sự chi phối của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, mặt trái của khoa học và sự phát triển chính là nguy cơ hủy diệt môi trường tự nhiên. Việc ứng xử hài hòa với môi trường tự nhiên là một trong những yếu tố quan trọng trong việc xây dựng một cuộc sống yên bình trên trái đất, xóa đi những nỗi sợ hãi phải đối chọi với các hiện tượng mất cân bằng sinh thái. Với triết lý sống hòa hợp và bảo vệ môi trường tự nhiên đi thẳng vào thế gian, Phật giáo đã dùng đạo để hướng dẫn đời và dùng đời để thực hành đạo. Vai trò của Phật giáo và của đạo đức Phật giáo với tư tưởng hòa bình, khoan dung, từ bi, sống hòa đồng và bảo vệ thiên nhiên sẽ dẫn dắt người dân hướng tới một cuộc sống đạo đức và trí tuệ để xây dựng một xã hội văn minh và phát triển bền vững.
Kết luận
Tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam là một hiện thực và có tính tự thân nên đã đi suốt trong tiến trình lịch sử Phật giáo từ quá khứ đến hiện tại. Đỉnh cao nhập thế của Phật giáo Việt Nam trong quá khứ là thời Trần với Phật hoàng Trần Nhân Tông – vị Tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Vừa là một vị vua lãnh đạo đất nước trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông thắng lợi, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, tạo nên hào khí Đông A vừa là một vị Tổ của một Thiền phái Phật giáo Việt Nam với một triết lý “nhập thế” đặc sắc. Đó là tinh thần “Phật tại tâm”, “An trần lạc đạo” đạo đi vào đời, đạo tức cuộc đời, đạo giữa cuộc đời. Cho đến nay, tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam với tư tưởng “Phật giáo dấn thân” đã trở thành một khuynh hướng để Phật giáo tiếp tục đồng hành cùng dân tộc trong thời đại “toàn cầu hóa”. Có quan điểm nhận thức về tinh thần nhập thế của Phật giáo là một cách góp phần cho Phật giáo tiếp tục nhập thế trong xã hội hiện đại với vai trò “Hộ quốc, an dân”. Tinh thần nhập thế của Phật giáo cũng chính là con đường tu Phật để giác tha, độ thế.
Chú thích và tài liệu tham khảo:
* Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giảng viên Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn, trường Đại học Thủ đô Hà Nội.
**Bài viết được trích từ tham luận tại Hội thảo Giáo hội Phật giáo Việt Nam với vai trò hộ quốc an dân.
[1] Nguyễn Tài Thư (CB), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập 1, Nxb KHXH, Hà Nội 1993, tr.215.
[2] Tước Hưng Ninh vương, là anh cả của hoàng thái hậu Nguyên Thánh Thiện Cảm – mẹ của Trần Nhân Tông.
[3] Nguyễn Tài Thư (CB), Sđd, tr.219.
[4] Lê Mạnh Thát, Trần Nhân Tông toàn tập, Nxb TP Hồ Chí Minh, 2000, tr.248.
[5] Thích Minh Châu, Đại Tạng Kinh Việt Nam, Kinh Trường bộ, tập 1, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1993, tr.133.
Awesome post.Really looking forward to read more. Fantastic.
With estrogen binding, the receptor is activated to move into the nucleus, where the receptors bind specific estrogen response elements EREs on target DNA as a dimer of receptors and regulate the expression of the target genes priligy ebay Usha Chakravarthy; Richard Foxton; Sabine Uhles; Nadine Cole; Franco Revelant; Jayashree Sahni; Hugh Lin; Stefan Scheidl; Christoph Ullmer; Sascha Fauser
Infertility service use in the United States data from the national survey of family growth, 1982 2010 priligy amazon uk
Ismael SgUoVUyYlxcqYLKTcvy 6 17 2022 cost cytotec price Aromatase inhibitors have been shown to be superior to tamoxifen in postmenopausal patients 16 18