Chằn tinh hay bà chằn được dân gian Việt Nam xem là một dạng yêu quái. Đối tượng này được nhắc đến phổ biến nhất ở Tây Nam Bộ và nổi tiếng hơn cả trong truyện cổ tích Thạch Sanh – Lý Thông. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều cách lý giải khác nhau về chằn tinh/bà chằn. Vậy, thật sự đó là gì?
NHỮNG CÁCH LÝ GIẢI VỀ CHẰN
Trước tiên, chúng ta hãy điểm qua một số cách giải thích về chằn tinh/bà chằn từng được đưa ra trước nay.
Giả thuyết 1: Chằn là con cọp Trong giả thuyết này lại có hai cách lý giải khác nhau.
Có ý kiến cho rằng, con cọp trong 12 con giáp được gọi là “dần”, từ đó nói trại thành “dần”, rồi tiếp tục nói trại thành “chằn”. Song, ý kiến này có vẻ gượng ép. Thông thường, điều gì không giải thích được, người ta có xu hướng viện dẫn lý do là… nói trại! Tuy nhiên, nói trại… gì mà lắm thế? Ý kiến khác cho rằng, “chằn” bắt nguồn từ chữ “machan” trong tiếng Mã Lai nghĩa là con cọp, người Việt gọi thành “bà chằn”. Đây là ý kiến được chấp nhận phổ biến nhất hiện nay.
Giả thuyết 2: Chằn là ma lai Ý kiến này cho rằng: “Bà chằn” bắt nguồn từ chữ “penanggalan” trong tiếng Mã Lai, có nghĩa là loại ma quỷ chỉ có khúc ruột. Loại ma quỷ này, người Việt gọi là “ma lai”, có câu thành ngữ “ma lai rút ruột”. Tuy nhiên, giả thuyết này không giải thích được tại sao “penanggalan” trở thành “bà chằn”. Vả lại, người Việt đã gọi đối tượng đó là “ma lai” thì có cần phải sử dụng thêm một danh từ khác là “bà chằn” nữa hay không? Xin nói thêm, từ “ma lai” trong tiếng Việt có nguồn gốc từ chữ “kamalai” trong tiếng Chăm, có nghĩa là loại ma quỷ chỉ có khúc ruột.
Giả thuyết 3: Chằn là con trăn Bắt nguồn từ câu thành ngữ quen thuộc trong dân gian là “chằn ăn trăn quấn”, người ta suy đoán chằn có thể là con trăn hoặc giống loài có dòng họ với trăn. Nhưng nếu vậy, tại sao chằn không “quấn” như trăn mà lại “ăn”? Ngoài câu thành ngữ trên, không có thêm cơ sở nào khác để chứng minh cho giả thuyết này.
CHẰN TRONG VĂN HOÁ CÁC QUỐC GIA PHẬT GIÁO
Các thuyết trên đều chưa thể chứng minh bà chằn/chằn tinh chính xác là gì. Thật ra, điều này không khó để giải thích. Ai có dịp về miền Tây, tìm hiểu về văn hóa Khmer, tham dự những lễ hội mang tính cộng đồng, nhất là các lễ hội liên quan đến Phật giáo, đều có cơ hội thưởng thức loại hình nghệ thuật độc đáo là múa chằn. Đó cũng chính là nguồn gốc của từ chằn trong tiếng Việt.
Chằn được người Khmer gọi là “Yăk” (hoặc “Yeak” do chữ Khmer phiên âm sang chữ Latinh có những cách viết khác nhau). Trong văn hóa Khmer, chằn không chỉ xuất hiện trong hoạt động múa chằn tại các lễ hội, mà còn là một trong những hình tượng được điêu khắc trong các ngôi chùa. Đây là một dạng thần linh trong Phật giáo, có thể mang tính chất thiện hoặc ác. Nói chính xác, chằn là một dạng thần linh trong văn hóa Ấn Độ, cho nên xuất hiện trong cả Ấn giáo và Phật giáo. Chằn xuất hiện rất sớm và rất nhiều trong các kinh điển Phật giáo. Các quốc gia có Phật giáo truyền bá đến đều tiếp nhận hình tượng này với nhiều tên gọi khác nhau. Ngoài ra, một số quốc gia Đông Nam Á còn tiếp nhận hình tượng này thông qua sự truyền bá của Ấn giáo.
Trong tiếng Pali – ngôn ngữ truyền bá kinh văn Phật giáo Thượng tọa bộ (Theravāda), chằn là “Yakkha” (nam) và “Yakkhinī” (nữ). Ảnh hưởng từ nguồn này, chằn trong tiếng Thái Lan là “Yak” hoặc “Nhak”, trong tiếng Campuchia là “Yeak” hoặc “Yăk”. Ngoài ra, các quốc gia theo Phật giáo Thượng tọa bộ như Sri Lanka, Myanmar, Lào… đều gọi đối tượng này với những tên gọi khá giống nhau.
Trong tiếng Sanskrit – ngôn ngữ truyền bá kinh văn Phật giáo Đại thừa (Mahāyāna), chằn là “Yakṣa” (nam) và “Yakṣinī” (nữ). Ảnh hưởng từ nguồn này, chằn trong tiếng Hán là “Yecha”, từ đó lan tỏa ra các quốc gia Phật giáo Đại thừa như: Nhật Bản, Hàn Quốc… Tại Việt Nam, đối tượng này được phiên âm từ tiếng Hán là “dạ xoa”.
Trong văn hóa Phật giáo, dạ xoa có hai loại là thiện và ác. Dạ xoa thiện là những thần linh hộ trì chánh pháp, do đó các chùa thường có tượng dạ xoa ở hàng rào, ngụ ý bảo vệ người tu hành. Dạ xoa ác thường ăn tươi nuốt sống con người, cho nên được xem là hình tượng mang tính cảnh tỉnh con người hướng thiện. Khi đi vào văn hóa Việt Nam, do sự sợ hãi nên người dân thường nhắc đến dạ xoa ác nhiều hơn. Vì thế, người Việt thường gọi là “quỷ dạ xoa” chứ ít khi gọi là “thần dạ xoa”. Đó cũng là lý do người Việt có câu tục ngữ “chằn ăn trăn quấn”. Thật ra, chằn và trăn không liên quan với nhau, “trăn quấn” chỉ là yếu tố phụ thêm để bắt vần với “chằn ăn”.
Tóm lại, chằn trong tiếng Việt không có gì xa lạ. Đây là một dạng quỷ thần trong văn hóa Phật giáo cổ đại. Kinh điển Phật giáo Việt Nam gọi đó là “dạ xoa”. Tuy nhiên, người bình dân Nam Bộ hiếm có cơ hội tiếp xúc với nguồn tư liệu này, thay vào đó họ tiếp xúc trực tiếp với văn hóa Khmer thông qua và đón nhận từ “Yeak”.