Về một thi liệu trong thơ ca cổ điển dân tộc (ThS. Trầm Thanh Tuấn)

Dụng điển là một đặc điểm thi pháp đặc trưng của văn học trung đại. Khi dụng điển, người sáng tác thường nhắm tới mục đích lời ít ý nhiều, ngắn gọn, sâu sắc trong biểu đạt nhằm tăng cường sức biểu hiện cũng như mở rộng, đổi mới ý thơ, tạo sự hàm súc cho ngôn từ, chỉ cần đôi ba chữ, điển cố có thể gợi cho người đọc văn bản cả một câu chuyện, một tấm gương, một bài học, một quan niệm nhân sinh. Triệu Dực Thanh (đời Thanh) trong Âu Bắc thi thoại cho rằng: “Chuyện xưa thành điển cố, thì một điển cố đã có một ý rồi. Người làm thơ mượn ý để diễn tả thành tình của mình thì tự nhiên cảm giác càng nhiều gấp đôi”. Chim cuốc (chim đỗ quyên) cũng là một điển cố, thi liệu quen thuộc của văn học cổ điển Việt Nam.

1. TIẾNG CUỐC – CẢM THỨC VỀ THỜI GIAN: 

Tiếng chim cuốc khắc khoải, trước hết, thường được sử dụng như một dấu hiệu báo thời gian. Đọc Mộ xuân tức sự, một bài thơ đặc sắc viết về làng quê của Nguyễn Trãi, ta sẽ có những ấn tượng khó quên khi lắng nghe tiếng cuốc vang lên trong không khí tĩnh lặng của đất trời cuối xuân. Tiếng cuốc như gọi một cơn  mưa ấm, giục hoa xuân nở và mang lại những rung động trong tâm hồn thi nhân:

“Nhàn trung tận nhật bế thư trai

Môn ngoại toàn vô tục khách lai.

Đỗ vũ thanh trung xuân hướng lão

Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai.”

(Suốt ngày nhàn nhã khép phòng văn

Khách tục không ai bén mảng gần

Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn

Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan).

Tiếng cuốc báo hiệu mùa xuân sắp qua đi, mùa hè sắp tới. Nó là tiếng kêu vang giữa ranh giới giao thoa của hai mùa. Tiếng cuốc như giục xuân già đi (xuân hướng lão) và thiên nhiên cũng vận động chuyển mình. Bởi “suốt ngày nhàn nhã khép phòng văn” nên tác giả chỉ có thể cảm nhận được những đổi thay của không gian, thời gian bằng thính giác rồi chuyển hoá thành cảm thức. Phải tinh tế biết bao mới lắng nghe được bước chân thời gian đồng điệu với tiếng cuốc gọi hè về. Đến đây đọc lại bài Sơn trung của Nguyễn Phi Khanh, ta càng cảm nhận được nhiều điểm tương đồng với tiếng cuốc trong bài thơ trên:

“Thuỵ tỉnh bất tri xuân tảo vãn

Thâm sơn để đáo đỗ quyên thanh.”

(Tỉnh dậy không hay xuân sớm muộn

Trong rừng có tiếng đỗ quyên kêu).

Thi nhân đang chìm đắm trong giấc xuân mơ màng, thời gian như tĩnh tại trong tâm thức làm cho thi nhân không xác định được thời gian đang hiện hữu. Cái cảm giác mơ màng phần nào cũng do bởi đây là khoảnh khắc giao mùa cuối xuân – đầu hạ. Chỉ tiếng cuốc từ chốn xa vang vọng lại kéo thi nhân trở về thực tại. Rõ ràng buổi sớm cuối xuân đến với nhà thơ, không hình, không ảnh, chỉ có những âm thanh đặc trưng là tín hiệu cho biết đã vào thời khắc xuân vãn: tiếng cuốc.

Trong chùm thơ ba bài Lại vịnh nắng mùa hè của các nhà thơ thời Hồng Đức trong Hồng Đức quốc âm thi tập, tiếng cuốc lại được so sánh với tiếng mõ hoà điệu cùng tiếng “cầm ve” khắc khoải trong dòng chảy vô thuỷ, vô chung của thời gian:

“Cuốc cuốc, cuốc hằng khua mõ cuốc

Ve ve, ve lại gảy cầm ve.”

Hay:

“Tường nọ nhặt khoan vang tiếng cuốc

Cành kia dắng dỏi gảy cầm ve.”

(Vịnh cảnh mùa hè)

“Khắc khoải đã đau lòng cái cuốc

Băn khoăn thêm tức ngực con ve”

(Lại vịnh cảnh mùa hè)

Thiên tài Nguyễn Du có những câu thơ miêu tả mùa vào loại đặc sắc nhất của nền thơ ca cổ điển dân tộc. Trong số đó, người đọc thật khó quên được hai câu thơ tả mùa hè độc đáo với sắc đỏ rực rỡ của hoa lựu và tiếng cuốc thao thức canh trường:

“Dưới trăng quyên đã gọi hè

Đầu tường lửa lựu lập loè đơm bông.”

Tiếng cuốc gọi hè vang lên, thời gian chuyển mình trong cái thanh âm khắc khoải, khoan nhặt, cả vũ trụ, thiên nhiên cũng có sự thay đổi đồng điệu. Trong Truyện Kiều hơn một lần Nguyễn Du đã sử dụng tiếng chim cuốc thể hiện mùa hè:

“Buồn trông phong cảnh quê người

Đầu cành quyên nhặt cuối trời nhạn thưa.”

Từ những dấu hiệu tiếng cuốc được nâng lên thành hình ảnh biểu trưng của mùa hè. Trong Chinh Phụ Ngâm khúc tiếng cuốc được nâng lên thành biểu tượng của mùa hè:

“Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu

Hỏi ngày về ước nẻo quyên ca.

Nay quyên đã giục oanh già

Ý nhi lại hót trước nhà líu lo.”

Đoạn thơ không xuất hiện một từ chỉ thời gian nhưng ta vẫn cảm thấy thời gian cứ trôi chảy tuần hoàn. Bởi, trong đoạn thơ chứa đựng những biểu tượng của thời gian như: Chim oanh là mùa xuân; chim quyên là mùa hè; ý nhi (chim én) là mùa thu. Như vậy, hình ảnh chim quyên đã được khái quát lên thành biểu tượng của mùa hè.

Bên cạnh đó, tiếng cuốc trong đoạn thơ này lại mang âm điệu của một tiếng reo vui (quyên ca), một khúc hát ca ngợi hạnh phúc của lứa đôi sum họp khi người chinh phụ nhớ đến lời hẹn ước và khao khát mong đợi ngày người chồng đi chinh chiến xa xôi trở về. Tiếc rằng, oanh đã già, ý nhi đã về, thu đã sang mà người chồng vẫn mịt mù bóng chim tăm cá.

2. TIẾNG CUỐC – NỖI NIỀM THỜI THẾ 

Bên cạnh việc vận dụng hình ảnh chim đỗ quyên với tư cách là một thi liệu, nhà thơ xưa còn vận dụng điển cố chim đỗ quyên để thể hiện nỗi niềm thời thế. Có thể nói, dụng điển là một trong những đặc điểm thi pháp đặc trưng trong văn chương cổ điển. Điển cố chim đỗ quyên được ghi nhận trong nhiều tài liệu. Theo Hoa dương quốc chí chú: Cuối đời nhà Chu, vua nước Thục là Đỗ Vũ tự xưng là Vọng Đế, sau nhường ngôi cho viên tướng tên là Khai Minh rồi đi ở ẩn ở Tây Sơn, bấy giờ gặp tuần chim tử quy hót nhân đó gọi là chim Đỗ Vũ, Thục Đế, hay Vọng Đế. Trong Thành đô ký thì chú: Hồn Vọng Đế chết hoá chim đỗ quyên. Còn ở Hoàn vũ ký thì lại giải thích như sau: Vua nước Thục nhường ngôi cho anh tướng tên là Tử Chi, sau nó làm ngặt không phát lương cho mà ăn sau tức tưởi chết hoá ra chim đỗ quyên.

Chim đỗ quyên kêu “Thục quốc, Thục quốc”, tiếng kêu thê thiết mang nỗi đau mất nước của Thục Đế đã đi vào thơ của các thi nhân Việt Nam thời Trung đại như biểu trưng cho nỗi niềm thời thế. Tiếng cuốc thể hiện một nỗi niềm đau đớn trước vận nước đang suy vi. Không phải ngẫu nhiên mà thơ ca thời Vãn Trần lại xuất hiện nhiều tiếng cuốc đến vậy. Nhất là trong thơ của Nguyễn Phi Khanh – một nhà Nho nặng nợ với đất nước. Hào khí Đông A đã đi vào quá vãng, hiện thực là một triều Trần đang trên đường mạt vận. Đau nỗi đau thời thế Nguyễn Phi Khanh gửi gắm tâm sự của mình trong tiếng cuốc đêm cuối xuân trong bài Thiên Trường Chu Trung:

Xuân phong bất giải câm sầu tứ.

Khước phóng quyên thanh cánh ngạn đề.

(Gió xuân cái buồn không xua được

Còn xui tiếng cuốc vọng về đây).

Cùng với nỗi niềm nước non này mà quan tư đồ Trần Nguyên Đán cũng đã thể hiện sự đau đáu trong bài Quân Trung Tác:

“Tam xuân đề huyết quyên thanh đoạn

Vạn lý quy tâm quế ảnh cô.”

(Ba xuân rỏ máu tiếng quyên đã dứt

Muôn dặm lòng về bóng trăng lẻ loi).

Bùi Huy Bích trước những thăng trầm biến động lớn lao của xã hội thời Lê Trịnh, bất lực trước vận nước ngả nghiêng, ông cũng gửi gắm tâm sự của mình vào tiếng đỗ quyên da diết giữa đêm vắng trong bài Dạ Toạ Thính Đỗ Quyên

“Thế đồ khuynh trắc môn phong bạc

Độc tọa nghiêm canh thính đỗ quyên.”

(Đường đời nghiêng ngã nhà thơ bạc

Đêm vắng ngồi nghe tiếng đỗ quyên).

“Tiếng cuốc còn là tiếng kêu hoài vọng về một triều đại vàng son đã đi qua”. Trần Danh Án, một cựu thần của triều Lê Mạt đã viết những câu thơ sau:

“Giá cô minh gia gia

Đỗ quyên minh quốc quốc

Vi cầm, thượng hữu “quốc”, “gia”, thanh

Cô thần đối thử tình nan cực.”

(Con gà gô kêu gia gia

Con chim cuốc kêu quốc quốc

Loài chim nhỏ còn có tiếng kêu quốc quốc, gia gia

Kẻ bầy tôi cô đơn lạc loài đối với sự tình ấy đau lòng khôn xiết).

Bài thơ là sự chua xót đắng cay của một người tôi trung, mất vua mất nước. Loài chim nhỏ kia (chim cuốc, gà gô) còn biết kêu lên những tiếng “nước”, “nhà” còn kẻ bầy tôi này với sức yếu thế cô chứng kiến cảnh triều đại mình phụng sự suy vong thì sao không đau đớn cho được ?

Đọc lại hai câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan trong bài thơ Qua Đèo Ngang ta càng thấm thía:

“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.”

Khảo sát bốn câu thơ đầu ta chưa thấy xuất hiện những từ diễn tả cụ thể tâm trạng con người. Đến câu thơ này ta bắt gặp “nhớ”, “đau lòng”, “thương”, đấy là những từ thể hiện những cung bậc tình cảm, tiếng cuốc ngân lên trong bài thơ như một nốt trầm của niềm hoài cổ, thi nhân nuối tiết một thời “Hoàng Lê” đã suy tàn trong dòng xoáy ba đào của lịch sử. Đến đây ta lại nhớ đến tiếng chim đỗ quyên trong một bài thơ Hai-kư của đại thi hào Ba-sô, nhà thơ cổ điển Nhật Bản:

“Chim đỗ quyên hót

ở kinh đô

mà nhớ kinh đô.”

(Đoàn Lê Giang dịch)

Ở Nhật Bản, chim đỗ quyên còn được gọi là chim hototogisu, còn được viết bằng chữ Hán là “thời điểu” chim đến theo mùa hay chim thời gian. Đây là hình ảnh xuất hiện nhiều trong thơ Tan-ka, thơ Hai-kư. Ở bài thơ trên, tiếng đỗ quyên hót giữa kinh đô ngày nay mà nhớ kinh đô ngày xưa, một kinh đô đầy kỉ niệm đã vĩnh viễn xa rời. Đó là tiếng chim hay tiếng lòng của thi nhân?

Tiếng cuốc – tiếng kêu bi thương của thi nhân trước cảnh đất nước rơi vào tay giặc. Tiếng cuốc trong thơ Nguyễn Khuyến mang nặng nỗi niềm u uất trước vận nước. Đặc biệt, tâm sự này được thể hiện sâu sắc thấm thía trong bài thơ Nôm: Cuốc kêu cảm hứng

“Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ

Ấy hồn Thục Đế thác bao giờ?

Năm canh máu chảy đêm hè vắng

Sầu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ.

Có phải tiếc xuân mà đứng gọi

Hay là nhớ nước vẫn còn nằm mơ?

Thâu đêm ròng rã kêu ai đó?

Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ.”

Ta nhận thấy tiếng cuốc trong bài thơ này không còn dừng lại ở một hình ảnh khái quát mang tính biểu tượng mà nó đã trở thành đối tượng được mô tả một cách cụ thể, đã trở thành nhân vật trữ tình. Nó mang chiều sâu tâm trạng của con người. Trong Các nhà thơ cổ điển Việt Nam Xuân Diệu đã có một nhận xét hết sức tinh tế về bài thơ này: “chúng ta tưởng nghe da diết chi chiết, một tiếng kêu có máu, tiếng huyết kêu mất nước, nhớ nước!”.

Đọc những câu thơ trên, dù không hiểu gì về điển cố nhưng người đọc phần nào cũng có những rung cảm nhất định bởi tiếng cuốc tự bản thân nó đã có một sức gợi. Tiếng cuốc khắc khoải vào những đêm khuya tĩnh mịch đã đánh thức những nỗi niềm non nước sâu kín trong cõi lòng của thi nhân.

3. TIẾNG CUỐC 0 NỖI NIỀM LI GIA: 

Tiếng cuốc vang thanh âm khắc khoải, gợi nỗi li gia trong lòng người lữ thứ. Lã Đường tiên sinh (Thái Thuận) một đêm trên bến La Giang đã chợt dậy lên nỗi niềm cố lý bởi không biết từ đâu đến một tiếng cuốc văng vẳng, một âm thanh duy nhất của bài thơ, không những làm xao động không gian ngoại cảnh mà còn làm nỗi nhớ quê hương trong lòng thi nhân càng thêm da diết. Có thể đó không phải là tiếng cuốc thực, mà nó là tiếng kêu đau đáu vốn hiện hữu trong tâm thức của nhà thơ.

Ngũ canh dục phóng quy lai mộng

Hà xứ nhất thanh đề đỗ quyên.

(Năm canh muốn thả giấc mộng về nhà

Một tiếng cuốc kêu không biết từ đâu đến).

(La Giang Ngẫu thành)

Hay trong một bài thơ khác Thái Thuận cũng đã viết Cố hương quy khứ phụ đề quyên (Gợi về quê hương cũ, đành phụ lòng con chim cuốc luôn kêu). Như vậy, nỗi nhớ mong cố hương trong tâm tư của Lã Đường luôn gắn chặt với tiếng cuốc da diết, khắc khoải.

Trên đường đi xứ sang Trung Quốc, Nguyễn Trung Ngạn vẫn một lòng hướng về đất nước, ông đã diễn tả  nỗi xúc động, nhớ quê hương tha thiết trong câu thơ:

“Mộng lí hữu hồn tuỳ hoa điệp

Biên trung vô lệ đáo đỗ quyên.”

(Trong mộng đưa hồn theo bướm

Ốm đau khôn khóc lối quyên kêu).

(Biên thành xuân vãn giản chư đồng chí)

Đọc Đường thi, thỉnh thoảng ta cũng bắt gặp tiếng cuốc kêu làm người lữ thứ đau đớn vì phải sống cảnh tha hương có quê mà chẳng về được:

“Đẳng thị hữu gia quy vị đắc

Đỗ quyên hữu hướng nhĩ biên đề.”

(Có quê mà chẳng về quê được

Xin cuốc đừng kêu não ruột người).

(Tạp thi – Vô Danh Thị)

Tiếng cuốc dù ở mảng nào đều là thanh âm của mùa hè, là nỗi niềm thời thế hay nỗi niềm li gia thì ở đó vẫn đọng lại nhiều bài thơ, câu thơ tuyệt bút. Tiếng cuốc trong thơ ca cổ điển của dân tộc sẽ còn vang vọng mãi bởi chính âm thanh da diết ấy đã làm nên những phút xao động trong tâm hồn thi nhân và nó đã thăng hoa thành những vần thơ có sức mạnh lay động lòng người.                    

ThS. Trầm Thanh Tuấn

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Trần Văn Chánh (1999), Truyện Kiều tập chú, Nxb. Đà Nẵng.
  2. Xuân Diệu (1998), Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, Nxb. Đà Nẵng.
  3. Đoàn Ánh Loan (2003), Điển cố và nghệ thuật sử dụng điển cố, Nxb. Đại học Quốc gia TP. HCM.
  4. Bùi Văn Nguyên (1982) (Giới thiệu – chú thích), Hồng Đức quốc âm thi tập, Nxb. Văn học.
  5. Trần Đình Sử (2002), Thi pháp Truyện Kiều, Nxb. Giáo Dục.
  6. Hoàng Hữu Yên (1984), Thơ văn Nguyễn Khuyến, Nxb. Giáo dục.

One thought on “Về một thi liệu trong thơ ca cổ điển dân tộc (ThS. Trầm Thanh Tuấn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *